Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1375138

TUÂN GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN CỦA THẦY

Tuân giữ các điều răn của Thầy

(Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)

Tình yêu không hệ tại các lời nói, các tình cảm hoặc các kỷ niệm, nhưng được chứng minh bằng việc lắng nghe, tin tưởng và bước theo.

1.- Ngữ cảnh

Bản văn chúng ta đọc hôm nay cũng thuộc về Phần II của TM IV (“Sách về Giờ của Đức Giêsu”) và ở trong “Diễn từ cáo biệt thứ nhất” (Ga 13,31–14,31), tại điểm c triển khai thứ năm (Ga 14,15-24; xem bốn điểm trước: 13,31-36a; 13,36b-38; 14,2-6; 14,7-14).

Trong bản văn hôm nay, Đức Giêsu hứa tỏ mình ra cho những ai yêu mến Người.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Thần Khí sự thật đến (14,15-17);

2) Đức Giêsu đến (trở lại) (14,18-21).

Mở đầu và kết luận là hai câu nói về tình yêu đối với Đức Giêsu và sự cần thiết phải đi theo các giới răn của Người (c. 15 và c. 21).

3.- Vài điểm chú giải

- giữ các điều răn (15): “Giữ” (têreô) có nghĩa là “chu toàn”, “thực hành”. Ở đây và ở c. 21, Đức Giêsu nói đến “các điều răn” (số phức), ngược lại với “điều răn mới” (số đơn) ở 13,34 (x. 15,10.12). Các điều răn của Người không phải chỉ là những giáo huấn về luân lý, mà là cả một lối sống trong tình hiệp thông yêu thương với Người. Ở đây chúng ta ghi nhận có một tiếng vọng của “điều răn lớn” của Dnl 6,4tt ở đây: các từ ngữ của đoạn văn này dựa vững chắc trên sách Đnl. Chúng ta đã thấy điểm giáo lý này trong Ga 5,41-44 và 8,41t: những ai yêu mến vì Thiên Chúa duy nhất chân thật, thì cũng yêu mến Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến; còn nếu họ từ chối cả hai tình yêu ấy, thì họ vẫn là những kẻ không tin (“con hoang”). Ở Ga 14,15tt, cũng vẫn một chiều hướng giáo lý như thế.

- Người sẽ ban cho (16): Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, điều này được diễn tả bằng hai kiểu nói: “Chúa Cha sẽ sai đến” (14,26) và “Thầy sẽ sai đến” (15,26; 16,7). Động từ “(ban) cho” (didômi) thường được Tân Ước nối kết với Chúa Thánh Thần (x.Rm 5,5), do đó “ân huệ” (dôrea, gift) đã trở thành một tên gọi của Thánh Thần (“ân ban Thánh Thần” = Thánh Thần là một ơn: x. Cv 2,38; 8,20; 10,45; 11,17).

- một Đấng Bảo Trợ khác (16): “Vị bảo trợ” (paraklêtos) là từ ngữ được dùng tại tòa án, có nghĩa là người đứng bên cạnh bị cáo, bên cạnh người đang gặp khó khăn. TM IV trình bày vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Đức Giêsu và những kẻ chống đối Người, giữa thế gian và các môn đệ, nhưng Đấng Bảo Trợ soi sáng hướng dẫn các môn đệ khi các ông ra trước tòa thế gian, chứ Người không đối đầu trực tiếp với thế gian. Những công việc của Người là “ở lại”, “ở với” và “ở trong” các môn đệ (14,16-17). Người dạy các ông mọi điều và giúp các ông nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói (14,26). Người làm chứng cho Đức Giêsu trước các môn đệ (15,26). Người làm cho các môn đệ biết rằng thế gian sai lầm (16,9-11). Người dẫn các môn đệ đi trong chân lý toàn vẹn (16,13). Người tôn vinh Đức Giêsu và loan báo cho các ông những gì là của Đức Giêsu (16,14).

Tuy bản văn Hy-lạp allon paraklêton có thể dịch là “một Đấng khác, một Đấng Bảo Trợ” [LÊ MINH THÔNG đề nghị chuyển ngữ là “Đấng Pa-rác-lê”, vì dịch sang tiếng Việt không diễn tả hết ý nghĩa (Tin Mừng thứ tư song ngữ Hy-lạp – Việt [2008] 15)], nhưng truyền thống chấp nhận kiểu dịch “một Đấng Bảo Trợ khác”. Vậy, Đức Giêsu là Đấng Bảo Trợ đầu tiên. Thư 1 Ga (2,1) giới thiệu Đức Giêsu như là Đấng Bảo Trợ có vai trò chuyển cầu trước nhan Chúa Cha sau khi sống lại, nhưng Ga cũng hàm ý Đức Giêsu đã là một Đấng Bảo Trợ khi Người thi hành sứ vụ trên mặt đất. Thần Khí sự thật là một Đấng Bảo Trợ chính là vì Người hoàn tất công trình của Đức Giêsu.

- Thần Khí sự thật (17): Trong cụm từ to pneuma tês alêtheias, alêtheias là thuộc-cách chỉ đối tượng (objective genitive): Thần Khí thông ban sự thật (x. 16,13). Nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa thuộc-cách đồng-chức-ngữ (appositive genitive): Thần Khí là sự thật (1 Ga5,6[7]). Đây không phải là một mô tả về yếu tính của Thần Khí.

- Người luôn ở giữa anh em (17): Có Thánh Thần ở với và nhận biết Người, hai điều này là một ân huệ duy nhất.

- mồ côi (18): Kiểu nói này không xa lạ với người đương thời: người ta quen nói là môn đệ của các kinh sư bị mồ côi khi các vị này qua đời. Kiểu nói này phù hợp với ngôn ngữ của Đức Giêsu trong Diễn từ cáo biệt, vì Người gọi các môn đệ là “những người con bé nhỏ của Thầy” (13,33).

- chẳng bao lâu nữa (19): Công thức này không cho biết gì về quãng thời gian dài ngắn cả, vì nó được dùng cả ở 7,33 để nói rằng Đức Giêsu còn sống sáu tháng, lẫn ở đây khi mà Đức Giêsu chỉ còn sống có vài giờ. Đây là một công thức của Cựu Ước được các ngôn sứ dùng để diễn tả niềm lạc quan khi thấy rằng chẳng còn bao lâu nữa rồi ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến (x. Is 10,25; Gr 51,33).

- Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống (19): Được thấy Đức Giêsu Phục Sinh và được sống, hai điều này là một ân huệ duy nhất.

- Ngày đó (20): Công thức này xuất hiện 3 lần trong TM Ga (ở đây, và 16,23.26). Mặc dù trong Cựu Ước, “ngày đó” là một công thức truyền thống để mô tả lúc Thiên Chúa can thiệp lần cuối cùng (x. Mc 13,32), trong TM Ga, thành ngữ này dường như được áp dụng cho cuộc sống của người Kitô hữu đã đạt được nhờ “giờ” (= cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh) của Đức Giêsu.

- Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến (21): Trong cách trình bày nhị nguyên của Ga, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người được diễn tả bằng việc ban tặng Con của Ngài, nếu người ta quay lưng lại với Người Con, người ta không có tình yêu của Thiên Chúa.

4.- Ýnghĩa của bản văn

Các môn đệ cảm thấy đau lòng bởi cuộc chia ly. Các ông tự hỏi là làm thế nào các ông có thể tiếp tục sống với Đức Giêsu nếu Người ra đi. Đức Giêsu hứa là Người sẽ không bỏ các môn đệ một mình, không người che chở, không ai hướng dẫn. Người loan báo có một sự trợ giúp khác sẽ đến, đó là Thần Khí sự thạt (14,15-17) và chính Người cũng sẽ đến (14,18-21). Người tuyên bố rằng tất cả những giáo huấn Người đã ban cho các ông từ trước đến nay sẽ không bị lỗi thời, nhưng vẫn có giá trị mãi mãi. Chỉ người nào gắn bó với các giới răn của Người mới có thể nhận được Thần Khí và mở ra với tình yêu của Đức Giêsu và của Chúa Cha.

* Thần Khí sự thật đến (15-17)

Ở chỗ khởi đầu (c. 15) và ở cuối bản văn này (c. 21), Đức Giêsu nói đến tình yêu đối với Người và sự cần thiết phải tuân giữ các điều răn của Người. Trong nỗi đau đớn các môn đệ cảm thấy khi phải xa cách Thầy, các ông đã tỏ lộ tình yêu thương đối với Đức Giêsu. Nay các ông được biết là các ông phải chứng tỏ là các ông chân thành ước muốn có Đức Giêsu hiện diện và được hiệp thông với Người, bằng cách tuân giữ các điều răn của Người. Chỉ có lời khuyên yêu thương nhau được minh nhiên gọi là điều răn (x. 13,34). Nhưng cả những gì Đức Giêsu làm, trong lời nói và hành động, là lời nhắc và lời khuyên cho loài người chúng ta. “Tuân giữ các điều răn” có nghĩa là lấy đức tin mà đón nhận toàn bộ Lời Người (x. 14,23-24), bằng cách ký thác bản thân cho Người dẫn dắt. Đức Giêsu luôn hiện diện trong Lời Người và trong lời nhắc về Người. Ai gắn bó với Đức Giêsu như thế, Thiên Chúa sẽ theo lời Đức Giêsu thỉnh cầu mà ban Chúa Thánh Thần cho họ như là một Đấng trợ lực mới.

Các câu 16-17 là đoạn đầu trong năm đoạn nói về Đấng Bảo Trợ trong Diễn từ cáo biệt. Cho tới nay, Đức Giêsu đã là Đấng trợ giúp các môn đệ, săn sóc họ, hướng dẫn, khuyến khích họ, ban sức mạnh cho họ. Nay cho dù Đức Giêsu ra đi, các ông vẫn không bị bỏ mặc một mình, bởi vì Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần cho các ông, để Người ở luôn mãi với các ông, ở bên cạnh và ở trong các ông. Thánh Thần/Đấng Bảo Trợ khác Đức Giêsu Đấng Bảo Trợ ở chỗ người ta không thể thấy Thánh Thần theo cách thể lý và Người chỉ hiện diện bằng cách cư ngụ trong các môn đệ mà thôi. Đề tài “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (immanuel của Is 7,14) nay được thể hiện nơi Đấng Bảo Trợ/Thánh Thần, Đấng ở lại mãi mãi với các môn đệ, để che chở các ông trong những lúc gặp khó khăn.

Thánh Thần này được xác định như là “Thần Khí sự thật”. “Sự thật” đối với tác giả Ga luôn luôn có nghĩa là chính Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra qua Đức Giêsu. Thánh Thần sẽ đưa vào trong “sự thật”, nghĩa là hoạt động trong tim chúng ta để chúng ta có thể chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu. Ngài sẽ giữ các môn đệ ở lại trong sự thật đã được Đức Giêsu truyền đạt và sẽ che chở các ông khỏi các ông thầy gian tà và khỏi những chọn lựa sai lầm. Thế gian, vì khép kín lại với Đức Giêsu, thì không thể đón nhận Người. Chỉ khi tin vào Đức Giêsu và giữ kỹ các điều răn của Người, chúng ta mới mở ra với Chúa Thánh Thần và có thể nhận ra Người và có kinh nghiệm về hoạt động của Người. “Thế gian” đây là tất cả những ai đang còn nuôi thù hận, mưu toan trả thù; nhưng “thế gian” cũng chính là phần của trái tim chúng ta đang còn có những tâm tình gian ác đó. Thế gian có tinh thần của nó (x. 1 Cr 2,12), tinh thần này thúc bách chúng ta làm điều dữ, sống ích kỷ. Còn Thánh Thần Thiên Chúa thì thúc bách chúng ta yêu thương, quảng đại, phục vụ kẻ khác. Thế gian không thể đón nhận Thánh Thần này.

* Đức Giêsu đến (trở lại) (18-21)

Bây giờ, Đức Giêsu đảm bảo với các môn đệ là các ông sẽ không phải mồ côi, như khi cha mẹ chết thì họ vĩnh viễn mất cha mẹ. Đức Giêsu bỏ họ lại mà đi đến cái chết, nhưng rồi sẽ trở lại với họ. Người báo trước rằng họ sẽ gặp lại nhau, khi họ được gặp Người như là Đức Chúa Phục Sinh. Đức Giêsu chết, nhưng không biến mất trong cái chết. Người sẽ trở lại với các môn đệ, như Đấng vẫn sống, như là Đấng Phục Sinh, và họ sẽ được thông phần vào sự sống của Người. Điều kiện là các ông phải “có và tuân giữ các điều răn” của Đức Giêsu.

Có một sự song đối giữa phần này với phần trên:

(1) Những điều kiện cần thiết: yêu mến Đức Giêsu; giữ các điều răn Người: 15//21

(2) Ban Đấng Bảo Trợ; Đức Giêsu trở lại: 16//18

(3) Thế gian không thấy Đấng Bảo Trợ hoặc Đức Giêsu: 17//19

(4) Các môn đệ sẽ nhận biết Đấng Bảo Trợ và thấy Đức Giêsu: 17//19

(5) Đấng Bảo Trợ và Đức Giêsu sẽ ở trong các môn đệ: 17//20.

Đấy là cách tác giả Ga dùng để nói rằng sự hiện diện của Đức Giêsu sau khi Người trở về với Chúa Cha được thực hiện trong và qua Đấng Bảo Trợ. Đây không phải là hai sự hiện diện nhưng chỉ là một sự hiện diện duy nhất.

+ Kết luận

Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ rằng chỉ sau khi Người sống lại, các môn đệ mới thật sự hiểu sự hiệp thông của Người với Chúa Cha và với các ông. Qua sự Phục Sinh, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ở bên cạnh Đức Giêsu với tất cả tình yêu và quyền lực của Thiên Chúa, và xác nhận giá trị các lời Người đã nói và các việc Người đã làm. Nhưng sự Phục Sinh cũng cho thấy rõ ràng dây liên kết đặc biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ: khi đó Người chỉ tỏ mình ra với các ông và được các ông nhận biết như là Đấng đang sống. Để đạt tới sự hiệp thông với Người, Đức Giêsu nhắc các môn đệ, cũng như nhắc toàn thể nhân loại mọi thời: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (c. 21). Luôn luôn có giá trị việc đi tìm liên kết với Đức Giêsu mà dựa trên sự nhận biết các điều răn của Người và để cho các điều răn ấy tác động trên cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta sống như thế, chúng ta sẽ gặp được tình yêu của Chúa Cha và Chúa Cha sẽ đón tiếp chúng ta. Chúng ta cũng sẽ gặp được tình yêu của Đức Giêsu, vì Người sẽ tỏ mình ra cho chúng ta để chúng ta nhận biết Người một rõ ràng hơn và sâu sắc hơn, để rồi chúng ta được liên kết với Người ngày càng bền chặt và sống động.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Các môn đệ phải chứng tỏ rằng họ chân thành ao ước có Đức Giêsu hiện diện và được hiệp thông với Người qua việc giữ các điều răn của Người. “Tuân giữ các điều răn” có nghĩa là tin tưởng đón nhận toàn bộ các lời nói của Đức Giêsu (x. 14,23-24), bằng cách để cho Người hướng dẫn. Tình yêu không hệ tại các lời nói, các tình cảm hoặc các kỷ niệm, nhưng được chứng minh bằng việc lắng nghe, tin tưởng và bước theo.

2. Thánh Thần là “Thần Khí sự thật”, tức là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí thông ban sự thật và cũng là chính sự thật, sẽ giúp các môn đệ ở lại trong sự thật mà Đức Giêsu đã truyền đạt và bảo vệ họ khỏi những thầy xấu và những chọn lựa sai lạc. Nhưng để nhận được Thần Khí này, chúng ta phải mở ra với Đức Giêsu, tin vào Người và tuân giữ các điều răn của Người.

3. Bằng cớ cho thấy Thánh Thần chân lý đang hiện diện trong Hội Thánh, đó là dọc theo các thời đại, đã có những linh mục, giám mục và thậm chí Đức giáo hoàng cư xử không đúng đắn, nhưng không một vị nào có thể làm cho Tin Mừng trở nên không đáng tin nữa. Thánh Thần không chỉ ngăn ngừa sai lầm trong việc truyền đạt sứ điệp của Đức Giêsu, Người còn đưa các môn đệ vào trong chân lý toàn vẹn.

4. Với cái chết của Người, Đức Giêsu đã mãi mãi biến mất đối với thế gian: thế gian chỉ biết rằng Người đã chết trên thập giá. Thế gian chỉ biết cái chết chứ không biết sự sống. Đức Giêsu sẽ chỉ trở lại với các môn đệ và cho các ông thấy Người là Đấng (đang) Sống. Khi đó, các môn đệ sẽ hiểu rõ những lời Đức Giêsu đã nói và những hành vi Người đã làm trước đây.

5. Chỉ Đức Giêsu mới là con đường dẫn đến với Chúa Cha. Mạc khải và các lời kêu gọi mà Người đã bày tỏ khi Người còn sống ở trần gian sẽ mãi mãi là con đường đưa tới Chúa Cha. Chỉ khi chúng ta gắn bó với những điều ấy và để cho những điều ấy hướng dẫn, chúng ta mới được nối kết với Đức Giêsu và mới sẵn sàng đón nhận ân huệ Thánh Thần và được hiêp thông trọn vẹn trong tình yêu với Chúa Con và Chúa Cha.


 

42. Yêu như Thầy đã yêu

Anh chị em thân mến.

Một bà mẹ trẻ đưa con vào bệnh viện với sự lo âu hiện rỏ trên nét mặt. Có lẽ đã nhiều ngày bà không an tâm với tình trạng của con mình. Cũng có lẽ bà đã mang con đi rất nhiều nơi nhưng không kết quả. Bà dường như van xin các y tá và bác sĩ, bà không còn nhận ra những người chung quanh là ai, cũng không còn biết mình là ai. Bà khóc lóc van xin mọi người làm sao cứu lấy con bà, cho nó được sống. Các bác sĩ lúc đầu dường như có vẻ hơi trách móc bà vì sao đưa con đến bệnh viện quá trễ. Nhưng nhìn thái độ của bà như thế, họ không còn trách móc nữa mà chú tâm lo cho đứa trẻ. Một lúc sau có người bao tin cho bà biết, con bà đã ổn rồi, không phải lo gì nữa. Khi đó bà dường như không còn chút sức lực nào nữa, bà quỳ xuống và cám ơn rối rít.

Tôi chợt suy nghĩ, tại sao bà mẹ trẻ có thể bất chấp đám đông, không còn chút e ngại, làm những cử chỉ mà bình thường, bà không thể nào làm được giữa nơi đông người như thế. Thưa đó là Tình Yêu, thật thế, chỉ có tình yêu mới có sức mạnh như thế, chỉ có tình yêu mới làm cho bà mẹ trẻ vượt qua sức lực yếu đuối của chính mình mà mang con đi đến những nơi cần thiết. Cũng chỉ có tình yêu mới làm cho con bà được sống. Sức mạnh của Tình Yêu vượt lên trên tất cả.

"Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy. Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng phù trợ khác để ở với anh em luôn mãi". Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài về sức mạnh của Tình Yêu. Nếu tình yêu còn hiện diện thì còn sự sống, mà sống trong tình yêu thì không còn lo âu sợ hãi điều gì nữa. Tình yêu mách bảo cho biết phải làm gì để chứng tỏ lòng yêu thương thật sự, và khi sống cho tình yêu thì trong mọi công việc, như có chính người yêu hiện diện trong cuộc sống mà không phải lo lắng gì nữa.

Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ Ngài sức mạnh để các ông sống và chu toàn trách nhiệm mà Ngài trao phó cho các ông. Sức mạnh mà các Tông đồ lãnh nhận và đã sống, các ông cũng đã truyền lại cho những ai tin theo lời rao giảng của các Ngài.

Mỗi người trong chúng ta cũng nhận được sức mạnh tình yêu đó, một sức sống mãnh liệt mà các Tông Đồ truyền lại cho những kẻ tin. Một người còn biết yêu thương là còn đang sống, khi không còn biết yêu thương, thì cho dù người đó đang sống, xem như họ đã chết. Chúng ta nhìn xem, hiện tại mình đang sống hay đã chết.

Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhìn thấy được những công việc phải làm, cho dù vất vả, cho dù khó nhọc đến đâu, nhưng chúng ta vẫn can đảm vượt qua, để khi nhìn lại, đôi khi chúng ta cũng ngỡ ngàng không biết làm sao mình có thể sống được đến ngày hôm nay. Đó là vì chúng ta biết yêu thương, nên sức mạnh của Tình Yêu giúp chúng ta vượt qua.

Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng biết lắng nghe, cho dù đó là những lời chói tai, những lời làm cho mình phải đau đớn, hay những lời nói làm cho mình phải bị mất mát thiệt thòi, nhưng nhờ những lời nói đó làm cho con tim chúng ta rung động để phải làm những việc nên làm. Đó là chúng ta đang sống trong tình yêu.

Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể ngồi yên khi có việc cần đến mình, để luôn hành động khi biết đó là một việc tốt, có khi công việc đó chiếm thời giờ và công sức không ít, nhưng vẫn không ngần ngại. Đó cũng là nhờ sức mạnh của Tình Yêu.

Nhưng nếu chúng ta so đo và tính toán thiệt hơn, chỉ mong muốn lợi lộc về cho mình, còng người khác thì "sống chết mặc bây". Khi đó con tim chúng ta đã chay lì khô cứng, nó đã chết từ thuở nào. Khi đó làm sao chúng ta có cái cảm giác yêu thương như bà mẹ trẻ, khi biết con mình được cứu sống. Như thế làm sao chúng biết được cuộc sống có ý nghĩa như thế nào, nếu không biết yêu thương. Hơn nữa, là một người Công Giáo, là Môn Đệ Chúa Giêsu, làm sao chúng ta có thể chu toàn lề luật của Ngài được, nếu không biết Yêu Thương.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh và can đảm cho chúng ta, để chúng ta biết yêu thương như Ngài đã yêu thương.


 

43. Hiện diện của kẻ vắng mặt

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)

Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông đã gặp tổ kén lạ. Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm vẫn chưa phá kén bay ra.

Hôm sau, kén lại nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba, vẫn thấy như trước, ông liền lấy giao rạch kén, thế là con bướm bò ra ngoài. Tuy nhiên, bướm không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.

Sau này, ông được người bạn là nhà sinh vật học cắt nghĩa như sau: Thiên nhiên đã xếp đặt cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi cái kén, vì nhờ đấu tranh gian khổ mà nó có thể phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.

Muốn làm cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng lờ, khuất nẻo. Muốn là con bướm bay trong bầu trời xanh ngắt, bướm phải là con sâu đen đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong tổ kén đợi chờ.

Để trở nên những tín hữu Kitô vững mạnh, tăng triển về đường thiêng liêng, chúng ta phải trải qua một thời kỳ gian khổ để tiến triển về mặt tâm linh, chúng ta cũng phải vượt qua đấu tranh thử thách. Nhưng trong những thời điểm ấy, Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, cho dù chúng ta không nhìn thấy Người.

Lúc sắp sửa ra đi, để trấn an các tông đồ, Đức Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Người vẫn luôn hiện diện giữa các ông và ban bình an cho các ông. Sự hiện diện của kẻ vắng mặt! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những kẻ yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Từ sau biến cố Phục Sinh, Đức Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại.

Người hiện diện trong những kẻ yêu mến Người: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

Người hiện diện trong những kẻ thực hành và giữ lời Người: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy... Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 23, 24).

Người hiện diện không chỉ đơn độc, nhưng là hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Đúc Giêsu và tuân giữ lời Người.

Nếu Chúa Cha chính là Thiên Chúa trong tình trạng vô hình, thì Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa đã hiện diện, nói năng, hành động để cứu chuộc con người; và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của Đức Giêsu và Chúa Cha.

Vì thế, Thánh Thần sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa cho con người, khi soi sáng dạy dỗ con người dần dần hiểu Lời Thiên Chúa, Lời đó chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha: “Thánh Thần sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26).

Với lời hứa này, kể từ ngày lễ Hiện Xuốn đầu tiên, Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn Giáo Hội hiểu thấu triệt Lời Chúa trong Kinh Thánh, để trình bày một cách sáng tỏ hơn, và để giải quyết những vấn đề mới mẻ cho từng thời đại. Vì thế mà các Cộng đồng liên tiếp được triệu tập dưới sự bảo trợ của Thánh Thần.

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người trong lòng chúng con, trong lòng Giáo Hội, và trong lòng thế giới:

Để chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Người.

Để chúng con được soi sáng và hướng dẫn bởi Thánh Thần.

Và để chúng con được canh tân và tái tạo mỗi ngày trong Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.


 

44. Ở lại trong tình yêu - Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tình yêu, một đề tài rất xưa và cũng là một đề tài rất mới. Rất xưa bởi vì, từ khi có con người đã có tình yêu, rất mới cũng bởi vì tình yêu vẫn là sự sống động trong thế giới hôm nay. Rất mới và rất cũ nhưng chẳng thể nào có thể hiểu nổi được tình yêu, tình yêu có muôn mặt của thủy chung và những bội phản, sự thực và lừa dối, tinh khiết và hoen úa, ngọt lịm và cay đắng. Tình yêu là một chủ đề hao tốn giấy mực và cũng hao gầy nhiều thân phận.

“Ở lại trong Tình Yêu của Thầy” Ga 14 là một chủ đề quan trọng và cũng tìm thấy trong di chúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài ra đi: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Chúng ta chỉ thực sự yêu thương khi ở lại trong Tình Yêu của Thiên Chúa.

Tình Yêu tiếng nói của Chúa Thánh Thần:

Tình yêu bao giờ cũng có những thể hiện bằng hành động: Hành động đầu tiên và trước tiên đó là sáng tạo. Tình yêu của Thiên Chúa là sự khai mở, đó là bản chất của Tình Yêu. Sáng tạo là sự khai mở của Thiên Chúa để đưa các loài được tạo thành được tham dự vào hạnh phúc của Thiên Chúa. Các loài thụ tạo của Thiên Chúa được chia sẻ vinh quang của Người. Tình yêu đúng nghĩa bao giờ cũng là tình yêu mang đến hạnh phúc cho người mình yêu. Hạnh phúc không chỉ là một lời hứa mà còn là một con đường. Thiên Chúa đã đề nghị một con đường, con đường ấy là “Thực thi ý muốn của Thiên Chúa”; qua con đường giới răn thực thi ý muốn của Thiên Chúa mở ra con đường đối thoại tình yêu. Tình yêu làm nên những cái mới, chính là tác động của Chúa Thánh Thần, “Thần Khí ban sự sống” là gió là hơi thở của sự sống. Là gió là hơi thở “Chúa hà hơi, súc vật được sáng tạo và Ngài đổi mới mặt địa cầu” (Tv 104, 30). Hơi hở thần linh làm cho mùa màng được dồi dào thuận lợi, thời tiết thuận hòa, con người được vui sống. Ở lại trong Tình yêu nghĩa là ở lại trong sự sống Thánh Thần ban tặng, sống dồi dào nhờ hít thở trong bầu khí Thần Linh.

Thần Khí mới – Trái Tim mới:

Trái tim gợi lên đời sống tình cảm, người Do Thái quan niệm trái tim như tất cả những gì thuộc về nội tâm của con người. Đông Phương gọi đó là cái Tâm, Tâm vừa đóng vai trò chính của con người vừa là nơi xuất phát mọi hành vi của con người cũng như là nơi thụ nhận tất cả những gì thế giới giác quan mang lại. Tâm còn là nơi xuất phát niềm vui và hy vọng, dự định và kết quả một hành trình. Ở lại trong Tình Yêu, một lời mời gọi mang lấy và sống trong trái tim của Thiên Chúa. Châm ngôn nhắc tới: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh.” (Cn 4, 27). Trái tim còn là sự hiểu biết khôn ngoan: “Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ” (Hc 17, 6). Trong Thánh Thần chúng ta được sống và sự sống được hướng dẫn bằng Thần trí khôn ngoan, thông minh, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, dũng cảm và kính sợ. Ở lại trong Thầy mang một ý nghĩa đặc biệt trong vương quốc Thiên Chúa, những ân huệ của Chúa Thánh Thần làm nên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hạnh phúc và thánh thiện.

Trái tim chai đá. Con người thích theo lối sống của mình, ưa thich tìm những lạc thú làm cho mỗi ngày trái tim trở nên chai cứng hơn. Trong đời sống của dân Thiên Chúa chọn cũng xảy ra tình trạng tráo trở này để ru ngủ mình trong tội lỗi bằng những phụng tự bên ngoài (Am 5, 21) với những lời lẽ sáo rỗng (Tv 78, 36) và bị lên án “dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn tâm hồn thì xa Ta” (Is 29, 13). Con người quyến luyến trong tội lỗi, bởi chẳng cần nỗ lực để sống thánh, chẳng cần thanh lọc để trở nên tinh trong, mặc dù vẫn biệt hậu quả của tội lỗi là đau khổ là sự chết, nhưng thà rằng như thế còn hơn là liên lạc với Thiên Chúa nghĩa là “liều bỏ tấm lòng mình” (Gier 30, 21). Trái tim xơ cứng chai đá của con người đã đến lúc cần phải đập vỡ nó ra, nhưng ý muốn ấy chỉ có thể đến từ phía con người, khi con người nhận ra mình không còn đủ sức chấp nhận đau khổ, bất hạnh và sự chết.

Cần có một quả tim mới: Khao khát này xuất phát từ nơi thẳm sâu đau khổ của tội lỗi gây nên, nếu không muốn trở thành con người cam chịu số phận. Con người đọc qua lịch sử của dân Israel và lịch sử đời mình hiểu rằng tôn giáo bề ngoài là một thứ tôn giáo bào mòn lòng yêu mến. Muốn thực sự thoát ra khỏi trái tim xơ cứng cần có một thay đổi quyết liệt, “tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả tâm hồn” (Đnl 4, 29), muốn đầy đủ sức mạnh để chiến thắng sức ì của bản thân cần “Gắn chặt tấm lòng vào Giavê” (1Sm 7, 3) để thắp lên trong trái tim ngọn lửa “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức” (Đnl 6, 5).

Khao khát là vậy, lý tưởng là thế, nhưng vẫn chẳng thoát ra ngoài được con tim giả dối, tấm lòng bất trung từ nguyên thủy, chỉ còn có thể đến với Thiên Chúa “với tấm lòng tan nát rã rời” (Tv 51, 19) một tấm lòng tan nát khiêm cung để khấn xin Chúa “tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần con nên chung thủy” (Tv 51, 12).

Tình yêu không bao giờ là hủy diệt, Tình yêu luôn luôn là một chữa lành, rất nhiều người không biết Thiên Chúa rất lạ lẫm khi thấy những con người Kitô giáo vượt qua được thảm trạng tội lỗi của mình, mặc dầu đã biết rằng, những người ấy trước kia là một người tội lỗi, xấu xa, đê tiện. Điều rất lạ ấy xảy ra không chỉ do trái tim tan nát rã rời của hối nhân mà còn nguyên do sức mạnh từ nơi Thiên Chúa đã thực hiện cho con người khiêm nhượng “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi và Ta sẽ ban cho các ngươi trái tim mới, đặt vào lòng trí các ngươi một thần trì mới; cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá và ban tặng trái tim bằng thịt” (Ez 36, 25). Không có sức mạnh Thiên Chúa, thắng được chính mình chỉ là ảo tưởng và đôi khi trở nên quá khích khi diệt mất chính mình.

Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần và mời gọi ở lại trong Tình Yêu của Thầy, đó là một lời gọi đích thật để trái tim được tự do khỏi tội, để tấm lòng an vui hạnh phúc thật sự khi không còn bóng dáng tội lỗi, Chúa Giêsu chính là trái tim mới được ban cho nhân loại, và Thánh Thần là Đấng ban thần trí mới cho chúng ta.

Xin cho những bước chân đi hoang của con người chúng con vào những lúc bế tắc không nơi trọ, không nơi đón nhận, thì xin cho chúng con cũng biết khiêm cung với tấm lòng tan nát ở lại, lưu trú trong Tình Yêu của Người vì Tình Yêu của Người đón nhận, chịu đựng, hy sinh tha thứ và yêu thương tất cả.


 

45. Sức mạnh của đức tin - Lm Giuse Dương Hữu Tình

Trong Thánh lễ Rửa chân tối thứ Năm tuần thánh, chúng ta đaơ được suy ngắm cử chỉ và nhương lời dạy vô cùng thân thương của Chúa. Bởi đó là cử chỉ và những lời dạy cuối cùng trước khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, cử chỉ và những lời vàng ngọc đó không thể kín múc hết được ý nghĩa và bài học quý giá trong một thời gian ngắn, Giáo hội khôn ngoan đạo dành trọn 3 Chúa nhật: V, VI và VII phục sinh để giúp chúng ta có thời gian suy ngắm kỹ hơn những lời dạy này. Đó là lý do Chúa nhật V và VI, chúng ta được suy ngắm gần như trọn chương 14 Phúc âm theo Thánh Gioan và Chúa nhật tới (VII), chúng ta sẽ suy ngắm phần đầu của chương 17.

Trong chương 14, chúng ta có thể dễ nhận ra lời dạy của Chúa gồm hai phần: phần dạy về đức tin (chúng ta đã suy ngắm tuần trước) và phần dạy về đức mến (chúng ta suy ngắm trong tuần này). Tin và Yêu là đề tài chính trong lời dạy của Chúa ở chương 14 Phúc âm thánh Gioan.

Với đức tin, Chúa giúp các Tông đồ và cả chúng ta vượt qua lãnh vực trần thế để bước vào một thế giới khác, thế giới thần linh. Với đức tin, chúng ta có thể vượt qua cuộc sống hữu hạn để bước vào cuộc sống vô hạn. Với đức tin, con người khám phá ra ơn gọi đích thực của m#nh, đó là ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa, là ơn gọi được sống và sống viên mãn.

Đức tin giúp con người ta thoát khỏi sự tù túng nghèo nàn của thế giới trần thế này bao nhiêu, thì đức mến lại giúp con người tiến sâu hơn vào thế giới thần linh bấy nhiêu. Tin là ngưỡng cửa, mến là cuộc sống. Trong suốt các Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh, Chúa nhật II và III Phục sinh, Giáo hội liên tục cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai về sự hiện diện của Chúa phục sinh đang đồng hành với m#nh. Giáo hội muốn làm sống lại niềm tin nền tảng ấy nơi mỗi người chúng ta. Nhưng không chỉ sống lại một niềm tin, Giáo hội còn muốn moăi người chúng ta đồng hành bên Chúa, sống với Chúa, để con tim của đập cùng nh#ip với con tim của Người. Bởi thế, theo Đạo đâu phải là theo một mớ lý thuyết trừu tượng hay một hệ thống lý luận tôn giáo, nhưng là theo và sống với một Người, là gắn bó mật thiết với một Người. Đó chính là Đức Giêsu Kitô.

home Mục lục Lưu trữ