Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1374881

TỨC KHẮC HỌ BỎ THUYỀN MÀ THEO NGÀI

TỨC KHẮC HỌ BỎ THUYỀN MÀ THEO NGÀI

 

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Từ một thời đại đã chấm dứt đến một thời đại đang bắt đầu.

Phần đầu bài Phúc âm Chúa nhật thứ III hôm nay (câu 12-16) được coi như đoạn kết chương nhập đề của Matthêu. Một đoạn kết đã phác hoạ những đề tài sắp khai triển.

Bắt đầu là một cuộc tĩnh tâm. Đức Giêsu rời bỏ sông Giođan, lui về ẩn ở miền Galilêa. Trong phần tường thuật về thời thơ ấu, Matthêu đã giúp ta làm quen với lối “ẩn dật” chiến thuật này khi gặp đe doạ, bắt bớ. Hãy nhớ lại cuộc chạy trốn sang Ai Cập khi Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ vô tội, và khi trở về không về Giuđêa nơi bạo chúa Arkêlaô thống trị, nhưng, để được an toàn, đã về Nadarét, xứ Galilêa. Trong khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ, ta sẽ thấy Người “ẩn mình” khi sức ép của địch thù quá căng thẳng, cho đến khi từ nơi ẩn dật Xêsarê Philipphê, Người bắt đầu chuyến đi lên Giêrusalem để đương đầu với đau đớn, khổ nạn.

Nguyên nhân của việc rút vào bóng tối này đã được thánh sử nói rõ: đó là việc Gioan Tẩy Giả bị bắt giữ.

Đó là dấu hiệu kết thúc một thời đại. Thời của Lề Luật và các tiên tri – Gioan Tẩy Giả qua đi có nghĩa là bắt đầu một thời đại mới, thời đại hoàn tất trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng cách kết thúc tác vụ của Người Tiền hô đã tiên báo chung cuộc dành cho Đấng mà Ngài có trách nhiệm loan báo việc ngự đến!

Trốn tránh sự thù địch của Hêrôđê Antipas, môi trường hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu sẽ là Galilêa. Tên Galilêa có nghĩa là: nơi hội tụ các dân tộc đã phiên dịch chính xác tính chất của miền đất biên giới nơi đủ mọi sắc dân chung sống, tràn ngập ảnh hưởng ngoại lai, vùng đất mà Giuđêa và Giêrusalem nghi kỵ nếu không nói là khinh bỉ.

Matthêu nhìn thấy ở đó cả một biểu tượng. Có chỗ tên gọi đó là miền đất thuộc Zabulon và Nephtali. Thực vậy; từ lâu không còn ai hài tên này ra nữa. Cl. Tassin giải thích: vì đối với các đôc giả của Matthêu cũng như đối với ta, tên ấy đã lỗi thời, không còn ghi trong sử sách. Việc hài tên chỉ cho thấy rằng: cùng với sự khai mạc tác vụ Đức Giêsu tại Galilêa, lời sấm Isaia loan báo từ thời 2 chi họ ấy bị sát nhập vào Assyrie, 734-732 trước Công nguyên, đã được thực hiện; “Dân đi trong tăm tối đã thấy ánh sáng huy hoàng” (bài đọc I Chúa nhật này). Tin Mừng mà Đức Giêsu khởi sự rao giảng tại Galilêa, “nơi hội tụ dân ngoại không phải chỉ dành cho 1 dân tộc, nhưng cho tất cả mọi người, không phân chia, không loại trừ. Như một biểu tượng, Người đã hướng về dân ngoại và những kẻ bị loại trừ.

Cl. Tassin kết luận: “Ta có thế tóm tắt tư tưởng của Matthêu như sau: Đức Giêsu đã chọn Galilêa vì Galilêa tượng trưng cho thế giới dân ngoại. Quả vậy, trung thành với sứ mệnh clta Emanuel được sai đến với nhà Israel, Ngài vẫn ngỏ lời với dân Do Thái. Nhưng biểu tượng vẫn còn đó. Vào thời của tác giả Phác âm, các tên “Zabulon và Nephtali” nhắc lại cảnh lưu đầy, phân tán, vết thương mở ra niềm hy vọng mãnh liệt về một cuộc tập họp toàn thể dân Thiên Chúa. Ta thấy núi Galilêa nơi tất cả mọi người được mời đến tập họp: dựa trên cơ sở nào, bằng cách nào thì bài giảng trên núi sẽ cho ta biết”.

2. Một lời làm nổi lên một dân tộc mới.

Câu 17 mở ra một khía cạnh mới của Phúc âm Matthêu, dành cho việc Đức Giêsu khai mạc nước Trời. Một công thức đặc sắc được dùng để dẫn nhập: “Bắt đầu từ đó Đức Giêsu khởi sự…, một công thức mà ta sẽ gặp lại ở 16,21 khi Đức Giêsu khởi hành lên Giêrusalem “Bắt đầu từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải lên Giêrusalem, chịu đau khổ rất nhiều vì những bậc trưởng lão, các thầy cả và các luật sĩ sẽ bị giết, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Có thể nói rằng, ngay từ khi khai mạc, việc loan báo Tin Mừng đã di vào một lộ trình đau khổ. Trước hết Matthêu trình bày một bản đúc kết các lời giảng của Đức Giêsu, lời giảng này đôi khi nhắc lại lời giảng của Gioan Tẩy Giả: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”.

+ “Nước Trời”: Một kiểu nói của người Do Thái, vì kính trọng, nên tránh hài tên Thiên Chúa ra. Riêng Marco đã dứt khoát nói về Triều đại của Thiên Chúa. Triều đại này không ở xa khuất trên mây xanh, nhưng ở “rất gần”.

+”Hãy hoán cải “: hiệu quả của Triều đại Thiên Chúa tuỳ thuộc vào sự đón nhận của loài người.

Kế đó, tác giả Phúc âm cho độc giả một cái nhìn bao quát về những hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ Galilêa. Di chuyển không ngừng nghỉ (l3, 21, 23, 24) Đức Giêsu tự đưa mình vào hoạt động Người mời gọi đến với Người, bước theo Người, trở nên môn đệ của Người.

+ Trước tiên, “Khi người đi trên bờ hồ Galilêa”. Người kêu gọi các anh em: “Simon còn gọi là Phêrô và Mátthêu hữu ý đặt lên hàng đầu những người được gọi và Matthêu trình bày như khuôn mẫu của những người theo Đức Giêsu “và André em ông”, “Jacobê, con Zebede và Gioan em ông”.

Ta có 2 tường thuật ngắn về ơn kêu gọi xây trên cùng một_ kiểu mẫu và hiển nhiên cảm hứng từ 1 Các vua 19,19: Êlia kêu gọi Êlisêô.

Đức Giêsu thấy có người. Đó là những ngư phủ đánh cá trong hồ.

Người bảo họ: Hãy theo Ta. Lập tức họ bỏ thuyền, bỏ lưới mà theo Người.

Cấu trúc 2 vế này có ưu điểm là làm nổi bật vừa sáng kiến của Đức Giêsu, Người kêu gọi, vừa câu trả lời nhanh nhẹn không ngần ngại của những người được gọi.

Đức Giêsu không chỉ muốn biến những người mà Người gọi đã bỏ nghề nghiệp mà theo Người thành những người ngưỡng mộ đơn sơ hoặc những thính giả thăm chú nghe giáo huấn của Người. Nhưng Người muốn họ trở thành những người cộng tác với người trong việc chinh phục con người: hãy theo Ta, Ta sẽ biến các người thành những kẻ chinh phục con người.

Claude Tassin giải thích: “Kiểu nói “chài lưới người ta đã ngầm loan báo sứ mạng Kitô hữu, thánh sử đã nhấn mạnh một điểm: Làm môn đệ chính là làm nhà truyền giáo. Ở đây, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ, những người sẽ nghe lời Thầy Chí Thành và sẽ chứng kiến việc Người làm. Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê quả là những tên gọi cao cả đối với Kitô hữu thuộc thế hệ thứ hai. Nhưng, Matthêu, ta kính trọng ký ức của họ ủi họ đã từng là môn đệ, đã được kêu gọi vô điều kiện bởi Đấng khai mạc Nước Trời”.

+ Sau đó, toàn miền Galilêa trở thành diễn trường cho Đức Giêsu rao giảng. Được cải hoá nhờ Tin Mừng, được chữa lành khỏi bệnh tật, những người trước kia không thể bước đi nay bắt đầu đi lại và tạo thành một “dân tộc “: tại miền “Galilêa, nơi hội lụ dân ngoại’, đã manh nha một dân mới của Thiên Chúa thuộc mọi chủng tộc mọi ngôn ngữ, mọi nước và mọi dân phát sinh nhờ lời rao giảng Tin Mừng.

BÀI ĐỌC THÊM

1. Bình minh của hy vọng

(Mgr. L. Daloz, Le Régne de cieux s’est approché).

Đức Giêsu vào cuộc có nghĩa là ánh sáng đến với nhân loại. Trích dẫn Isaia không đơn thuần đem lại một chỉ dẫn về địa lý. Đó là một biểu tượng: là lối thoát của dân tộc Do Thái, sinh ở Bêlem, vì là dòng dõi David, trở thành người Galilêa ở Nazareth, Đức Giêsu đến đón rước các dân tộc. Tức thì sứ mệnh của Người mang lấy dáng vóc phổ quát. Tự bản thân chúng ta cũng phải cúi chào tia sáng đầu tiên này loé lên soi cho các dân đang sống trong bóng tối: Đức Giêsu đến gặp gỡ ta, đó là khởi đầu ơn cứu độ của ta, là bình minh của niềm hy vọng. Ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh bình minh này với lòng biết ơn rồi làm sống lại trong ta cảm giác kỳ diệu khám phá ra Đức Kitô, ánh sáng bừng lên soi chiếu vào mắt ta. Vâng, đối với ta vì cả mọi dân tộc, ánh sáng chính là Lời nói lạ lùng mà Phúc âm không cho ta biết đối tượng: Từ lúc ấy, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng: hãy năn sám hối, vì Nước Trời đã gần đến. Lời của Giêsu trên vũ trụ, vượt qua những biên cương của vùng đất hứa cho dân của Giao ước cũ, biến cả thế giới thành vùng đất hứa của Nước trời. Những nỗ lực và lực và toan tính của các vị truyền giáo đều phát xuất từ một lời duy nhất này. Bây giờ đến phiên chúng ta phải chuyển nhữngg từ Phúc âm tạo âm vang cho lời kêu gọi đầu tiên của Đức Giêsu khi Người đứng trước miền Galilê của các dân tộc, trên bờ sông thế giới.

2. Cuộc phiên lưu vĩ đại khởi đi từ một vùng đất bị khinh khi.

Đối với dân thủ đô, Galilêa chỉ là tỉnh lẻ. Đối với ai mộ đạo sùng tín, miền Bắc thực đáng ngờ vực. Đó là rniền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng phịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện giễu cợt hằng ngày.

Trong khi những tín đồ chính thống ở kinh đô nghiền ngẫm sự khinh khi, chiêm ngưỡng sự siêu việt của mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc, thì Đức Messia Cứu Chúa, ánh sáng muôn dân, “tới cư ngự’ tại Capharnaum, bên bờ hồ”. Xa khỏi kinh đô vĩnh hằng, khỏi thói ngạo mạn, tự tôn, và sự mù quáng của họ. Gioan Tiền hô, vị ngôn sứ của lòng thống hối, đã trở thành kẻ sách nhiễu, gây rối. Ông bị chém đầu. Từ đó Tin Mừng bị nghi ngờ và sứ giả Tin Mừng bị theo dõi gắt gao…Nhưng Đức Giêsu đã gặp những tâm hồn cởi mở đón tiếp nơi những người hiếu động và bé nhỏ nhất của dân Người.

Chính trên bờ hồ chứ không phải trên các bậc cấp của đền thờ, giữa đám ngư phủ bận rộn công việc chứ không phải nơi những vị tư tế chuyên lo phụng tự mà Đức Giêsu sẽ chọn các môn đệ của Người. Đúng là một nước cờ ngược lại mọi lôgic. Chính những người ít khả năng nhất, ít được chuẩn bị nhất lại là những người đầu tiên nhận được ánh sáng và đi theo Đấng là “Đường, và Sự Thật và là Sự Sống”.

Ngay tức khắc, thành phần lao động đơn sơ chất phác nhưng có trái tim nhạy bén đã tin tưởng vào ngôn sứ, người rao giảng chẳng có danh nghĩa chính thức, người chạy trốn chính quyền hợp pháp câu nệ thói tục và lối giải thích của họ. Những người tội lỗi bỗng nhiên bị chất vấn, đã cảm thấy ánh sáng mà ngay những kẻ rắc rối khó tính nhất cũng phải nhượng bộ… và họ đã đi theo Người. Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới đổi mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế, nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa…

Hôm nay cũng thế, Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục sứ mệnh của Người không theo cách người ta nghĩ. Người tỏ mình ra dạy dỗ, và kêu gọi không theo những chuẩn mực hay lý luận của người phàm chúng ta. Không khác gì vào thời của Đền Thở, Đức Giêsu không chỉ giam mình trong các truyền thống nhân loại, trong các tính toán của các chuyên gia, trong phán quyết của các quyến lực Người không bị giam hãm trong Giáo Hội của Người, Giáo Hội đang bị chia rẽ, nơi người thì tự cho mình là thuộc phe Phaolô và Giacôbê, Anrê, Matthêu như thể kitô đã bị chia cắt và như thể là giáo huấn của người không quan trọng bằng giáo huấn của môn đệ Người. Trong khi con cái trong nhà cãi cọ, xâu xé thân thể mầu nhiệm Đức Kitô và đóng đinh Người, Người chạy đến nơi “hội tụ dân ngoại và tìm được sự tiếp đón nồng hậu, tìm được môn đệ trong đám người bị khai trừ và những người sống ngoài lề xã hội.

 

 

 

 

 

41. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

TRỞ VỀ GALILÊ VÀ KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỒ ĐẦU TIÊN

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1) Thành ngữ “Galilê các dân ngoại (4,15) gợi lên điều gì đối với người đương thời của Chúa Giêsu và Matthêu? Phải chăng đó là một sự khai mở có tính cách phổ cập, theo viễn tượng đã được phác họa ở chương 2?

2) Matthêu muốn diễn tả gì khi đặt ngay đầu sứ vụ Chúa Giêsu trình thuật quá giản lược về việc gọi bốn môn đồ đầu tiên (4, 18-22)? Đặc biệt đâu là mối liên lạc giữa nó với bản toát lược hoạt động của Chúa Giêsu (4, 23-25) và với diễn từ kế tiếp (ch. 5-7)?

Xét về phương diện văn chương, đây là một bản toát lược trước hoạt động của Chúa Giêsu suốt cả giai đoạn tương ứng với phần đầu Tin Mừng Matthêu (4, 18-16, 20) Matthêu trình bày cho thấy Người khai mạc sứ vụ tại Galilê, sau biến cố quyết định là việc tống giam Gioan Tẩy giả. Chính trong giai đoạn sứ vụ tại Galilê này mà các tác giả Nhất Lãm đã thu gộp lại điểm chính yếu của những gì các ông tường thuật về ngôn hành của Chúa Giêsu.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Nghe tin Gioan bị tống giam”, dịch sát chữ: “Nghe nói Gioan đã bị nộp” (so sánh với Mt 10, 4; 17,22; 20, 18-19; 26, 2: trong tất cả các đoạn vừa kể, Matthêu dùng chữ “bị nộp”, parêdothê để nói về Con Người như ở đây, điều đó ngụ ý Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu có chung một số phận): Thể thụ động ngầm bảo rằng biến cố xảy ra do ý muốn Thiên Chúa; chương trình của Thiên Chúa hoàn tất nơi Gioan, như nơi Chúa Giêsu sau này. Hơn nữa, cả hai sứ vụ đều liên kết làm một trong chương trình Thiên Chúa: Chúa Giêsu khởi đầu hoạt động công khai của Người vào lúc Thiên Chúa chấm dứt hoạt động Gioan.

* “Người trở lại”, dịch sát chữ: “Người lui về” (anachoreô): Tại Giuđê, Chúa Giêsu như ở trong pháo đài của Do thái giáo chính thức, mà đại diện là nhóm Saducêo và Biệt phái. Hạng người sau, tích cực hơn dịch thủ họ nhiều, hằng quan tâm gây ảnh hường tôn giáo trên dân và tỏ ra nghi ngại những ai không xuất thân từ trường của họ. Để chống lại Chúa Giêsu, họ đã vạch trần gốc tích Galilê của Người (x. Ga 7,52: “Không một ngôn sứ nào đến từ Galilê cả”). Việc tống giam Gioan Tẩy giả có thể đã khuyến khích họ loại trừ Người nữa luôn. Thấy mình ở trong một vùng bất an, Chúa Giêsu có lẽ đã quyết định khai mạc thực sự sứ vụ Người tại Galilê. Trong vùng này, là vùng cách biệt Giuđê về phương diện địa dư và chính trị, ảnh hưởng của Hội đồng Công tọa và của Biệt phái khá yếu ớt. Khi lại sử dụng ở đây động từ anachoreô (rút lui, lui về) có lẽ Matthêu muốn ngụ ý (như ở 2,12; 9,24; 12,15; 15,21 v.v) rằng sự cứng lòng của miền Giuđê (do ảnh hưởng Biệt phái), biểu lộ qua việc khước từ Gioan Tẩy giả, đã bắt buộc Chúa Giêsu phải ngỏ lời với “Galilê của dân ngoại”.

“Rời Nadarét”, dịch sát chữ: “Bỏ Nadarét”, không có nghĩa là Chúa Giêsu, khi trở về Galilê, viếng Nadarét trước rồi sau đó bỏ quê hương. Matthêu chỉ nhấn mạnh Người “không” muốn chọn quê hương mình như khởi điểm xuất phát sứ vụ, nhưng là Capharnaum. Chi tiết này chắc hẳn không phải chỉ là một chú thích địa dư. Nó nhắm chuẩn bị cho sấm ngôn Isaia nơi các 13-14, y như chi tiết “ven bờ biển” vậy.

“Trong địa hạt Dabulôn và Nepthali”: Capharnaum ngày xưa nằm trong vùng định cư của hai bộ lạc Dabulôn và Nepthali (Gs 19, 10-16. 32-39). Vào thời Chúa Giêsu, không còn lối phân chia lãnh thổ như thế nữa; do đó sẽ chẳng hiểu được lời quy chiếu này nếu không có câu trích dẫn Isaia đi liền theo sau đề cập tới đất Dabulôn và đất Nepthali.

Sở dĩ Matthêu muốn móc nối với Isaia ở câu 14 như vậy, là vì muốn trả lời cho một vấn nạn về Galilê, khởi điểm và sân khấu chính của hoạt động Chúa Giêsu. Tại sao Chúa Kitô đã dành phần lớn thời gian Người cho cái vùng heo hút này, nơi đã chẳng có một ngôn sứ nào của Thiên Chúa xuất thân? Thưa vì theo kế đồ Thiên Chúa (được công bố qua sấm ngôn Isaia), Đấng Messia phải thi hành sứ vụ Người tại Galilê.

Các câu 15-16 trích dẫn Is 8,23 – 9,1 là đoạn trực tiếp liên hệ đến hay bộ lạc cổ Israel dã chiếm giữ phần lớn miền Galilê và đã bị quân Assyri sáp nhập năm 734. Dưới ách Hy-Lạp vào thời các vua nhà Séleucos, họ bị dân ngoại bao vây tứ bề. Công cuộc giải phóng mà ngôn sứ loan báo cho họ, Matthêu thấy được thực hiện trong sứ vụ Chúa Giêsu; Thật vậy, trong Isaia 8 và 9, không chỉ có vấn đề giải phóng quân sự và chính trị, nhưng còn giải phóng khỏi “tối tăm” và “sầu khổ” do việc các bộ lạc cổ ấy hoàn toàn bị lương dân xâm nhập. “Galilê các dân ngoại” là tên biểu thị đám dân hỗn tạp của vùng Galilê này, đối nghịch với chủng tộc tinh tuyền của miền Giuđê. Ở đây “Galilê các dân ngoại” xuất hiện như biểu tượng của việc triệu tập phổ quát: đó là đất hứa được phô bày cho Chúa Giêsu, Israel đích thực, sau thời gian Người cư trú ở hoang địa và vượt qua sông Giođan. Ta gặp nơi đây một trong các chủ đề ưa thích của Matthêu: sứ vụ của Chúa Giêsu trước tiên được dành cho “các chiên lạc nhà Israel” (10,6; 15,24) nhưng vẫn liên hệ sâu xa với dân ngoại. Câu “Dân ngồi trong tối tăm” tóm tắt một cách tượng trưng tình trạng ngoại giáo hóa ấy của vùng Galilê, tức tình trạng thiêng liêng của những người Do thái trong vùng. Một ánh sáng lớn lao”: “ánh sáng” xuất hiện ở đây tại Galilê và tỏ lộ cho các môn đồ trong cuộc Biến Hình (17,2) là ánh sáng tiên báo cuộc Phục sinh của Chúa Kitô.

“Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu…”: câu này đánh dấu khởi điểm chính thức của sứ vụ Chúa Giêsu và sự viên mãn của thời gian. Thành ngữ sẽ chỉ trở lại nơi 16,21 để loan báo cuộc khởi hành của Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để chịu tử nạn. Do đó, đối với Matthêu, việc loan báo Nước Trời đã nằm vào trong lộ trình đau khổ.

“Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần bên”: Kiểu nói tổng hợp này của Matthêu giống y kiểu nói ở 3,2 (Gioan Tẩy giả) và ở 10,7 (huấn thị cho môn đồ sắp đi truyền giáo). Nó khẳng định tính cách liên tục giữa việc rao giảng của Gioan, là bước chuẩn bị cho việc Chúa Giêsu rao giảng, với việc rao giảng của các môn đồ, là sự tiếp nối sứ điệp của Thầy họ.

Thành ngữ lạ lùng “Nước Trời” (hầu hết như vậy trong Matthêu) phản ảnh não trạng Do thái đương thời, cái não trạng tránh đọc tên Thiên Chúa vì tôn kính Ngài. Như thế có lẽ nó sao lại thành ngữ Chúa Giêsu đã dùng. Còn “Nước Thiên Chúa ” (Mc và Lc) hình như phát xuất từ việc sửa đổi thành ngữ nguyên thủy để thích ứng với thế giới Hy lạp. Chủ đề này có nét nổi bật là quyền cai trị của Thiên Chúa và do đấy đương nhiên bao hàm ý tưởng một cộng đoàn được Thiên Chúa điều khiển. Chúa Giêsu đã công bố Nước Thiên Chúa ấy sẽ đến (Mc 14,25; Lc 11,2..) nhưng cũng đã tới rồi trong sứ vụ và trong bản thân của Người (Lc 7, 18-23; 10,23tt…). Hai lý thuyết cực đoan hiện thời, cánh chung luận tương lai (hậu kết) vây cánh chung luận hiện tại, đều đưa vào loạt bản văn đầu hay loạt bản văn sau (về ý niệm nước Trời” này, xin xem chú thích dài của BJ).

Eggiken, thì quá khứ của động từ eggizô, là một trong những tiếng của Tân Ước được tranh luận nhiều nhất hiện nay. Phải dịch nó là “đã gần bên” hay “đã tới rồi”? Eggizô (do egguạ, “gần “) tự nó có nghĩa là “đến sau, tới gần”, nghĩa tán trợ cho lối dịch thứ nhất. Song C.H.Dodd lại quả quyết eggiken là tiếng phiên dịch. từ một động từ Aram có nghĩa “đến, đạt thấu”. Lối giải thích của Dodd, “Nước trời đã tới”, cũng có thể đúng, nhưng phần lớn các nhà chú giải thích kiểu dịch “Nước Trời đã gần” hơn.

“Hãy hối cải”: Việc Chúa Giêsu khai mạc Nước Trời tạo thành giây phút tột đỉnh của lịch sử cứu rỗi. Trước lời mời gọi ấy của Thiên Chúa, mỗi người đều bị bó buộc phải dứt khoát chọn lựa. Việc đáp lại lời Ngài phải biểu lộ ra bằng lòng thống hối và đức tin.

Việc kêu gọi các môn đồ đầu tiên (cc.18-22) được tường thuật lại với thể văn “kêu gọi ngôn sứ” của Cựu Ước, chẳng hạn việc Elia kêu gọi Elidê (IV 19, 19): Trình thuật này hoàn toàn loại trừ khía cạnh tâm lý (như cảm xúc của những kẻ được gọi, việc nhấn mạnh đến tính cách nghiêm trọng của giờ v.v…) để làm nổi bật lời kêu gọi của vị Tôn sư và câu đáp trả đầy gắn bó tin tưởng của các môn đồ. Do đấy có thể bảo bản phác họa này vẽ ra mối tương quan kiểu mẫu giữa Chúa Giêsu và người môn đồ lý tưởng, kẻ từ bỏ mọi sự không chút do dự hay biện bạch để theo Người ngay từ lời mời gọi đầu tiên. Chúa Giêsu chỉ đòi hỏi các môn đồ tương lai trước hết hãy sống với Người và theo Người. Công việc tông đồ của họ sẽ bắt đầu sau này, lúc họ đã chứng kiến cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Người (trái lại Mc 6, 12-13 và Lc 9,6 thì có tường thuật một chuyến truyền giáo của các môn đồ trước Tử Nạn-Phục Sinh; Matthêu im lặng có lẽ vì muốn nhấn mạnh tính cách độc nhất của con người vị Tôn sư) Các sứ đồ sẽ thành “ngư phủ bắt người”, nghĩa là thành kẻ rao giảng và chứng nhân Nước Trời. Thành ngữ này có lẽ ám chỉ tới một sấm ngôn của Edêkien (Ed 47,10). Dầu sao, có thể bảo rằng, theo một ý nghĩa nào đó, Nước Trời đã như được thiết lập qua việc gọi các môn đồ đầu tiên ấy, vì Nước Trời tự bản chất là một cộng đoàn gồm những người quy tụ quanh Chúa Giêsu trong mối thông hiệp với Chúa Cha.

“Khắp xứ Galilê”: Việc du hành thuyết giáo này của Chúa Giêsu tương ứng với một khía cạnh quan trọng trong sứ vụ của Người; Người không nhắm mục đích xây dựng một nguyện đường khép kín với một nhóm môn đồ như các giáo sĩ, cũng chẳng phải là quy tụ các kẻ tinh tuyền vào sa mạc như ông Thầy phái Essêni, song là rao giảng cho toàn dân trong khắp xứ.

“Giảng dạy… chữa lành”: Lối tiếp liên này, được dùng lại với cùng những hạn từ trong 9,35, cho thấy phải hiểu cơ cấu toàn bộ của Tin Mừng Matthêu ra sao. Trái với quan niệm của nhiều nhà chú giải thừa nhận kiểu tiếp liên trình thuật-diễn từ vì muốn lấy các chương 5 – 7 soi sáng 3 – 4, và chương 10 soi sáng 8-9), hình như ta có thể bảo: qua thành ngữ “giảng dạy… chữa lành”, Matthêu muốn gợi ý rằng lối tiếp liên diễn từ-trình thuật là cơ cấu của Tin Mừng của ông, nên phải lấy các chương 8- 8, thay vì 3- 4, để soi sáng 5- 7, và lấy 11- 12 soi sáng chương 10 v.v.. Thật vây việc giải thích toàn bộ Matthêu theo cách thứ hai này xem ra thỏa đáng hơn nhờ ánh sáng của các cuộc nghiên cứu gần đây theo chiều hướng đó (Krentz, Rolland, Radennakers v.v…).

“Chữa lành mọi tật nguyền bệnh hoạn”: ý tưởng “Thiên Chúa bảo vệ kẻ công chính và cho họ khỏi bệnh tật rủi ro” đầy dẫy trong văn chương khải huyền thời Chúa Giêsu (x. Thánh vịnh Salomon). Thành thử hoạt động chữa bệnh của Người đáp lại một nỗi mong chờ nào đó của dân chúng, và đặc biệt thực hiện lời tiên báo của Isaia mà Matthêu áp dụng cho Chúa Giêsu (8,17) về Người Tôi Tớ mang lấy bệnh tật dân mình (53,4): Chính vì sấm ngôn ấy, mà quyền lực chữa bệnh của Chúa Giêsu làm cho địch thù Người khó chịu: bị bắt buộc phải thừa nhận sự kiện, họ không còn cách gì hơn là gán việc đó cho Bêelzêbul (12,24). Đừng tổng quát hóa lời minh xác Chúa Giêsu chữa lành mọi bệnh nhân; toàn bộ trình thuật Tin Mừng cho thấy Người không nhắm mục đích chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, như thể muốn cho thiên hạ hưởng nhờ quyền năng làm phép lạ của mình nhiều ngần nào có thể; đúng ra Người chỉ chữa trị một vài bệnh nhân để mặc khải ý nghĩa Nước Trời và uy quyền riêng của Người.

KẾT LUẬN

Trái với Gioan Tẩy Giả chuyên đứng bên bờ sông Giođan để làm phép rửa cho những kẻ đến với ông, Chúa Giêsu, ngay từ đầu sứ vụ, đã tỏ ra là một diễn giả lưu động, rảo khắp miền Galilê và đâu đâu cũng tuyên bố Nước Trời đến gần. Người muốn mình tức khắc là Mục Tử tốt nao nức đi tìm “chiên lạc nhà Israel”. Và vì ưu tư đảm bảo hiệu lực lâu bền cho công việc mình, Người đã quy tụ ngay các “ngư phủ bắt người”. Đầu tiên để họ tiếp tục việc loan báo Nước Trời khắp nơi, cho mọi người thuộc mọi thời đại.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Ngày nay Chúa vẫn còn loan báo Nước Người cho ta qua việc công bố Lời Người giữa lòng cộng đoàn phụng vụ. Ta biết rằng cách thức nghe lời đó là “hối cải”, là tiêu trừ những gì đê tiện, của lòng mình, là mở rộng con tim theo những viễn tượng, phổ quát của Người. Bấy giờ, việc loan báo ấy sẽ chữa lành tâm hồn ta và đổ vào đó một niềm hân hoan vĩ đại. Ta sẽ vượt lên khỏi chính mình và khám phá được ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa.

2) Chẳng phải các môn đồ đã chọn Chúa Giêsu, song chính Người đã chọn gọi họ, đã bắt lấy họ nơi họ đang làm lụng, nơi họ bận rộn với công việc trần thế. Ngày nay cũng vậy Chúa Kitô đến tìm ta giữa công việc, niềm vui, nỗi nhọc của ta. Người muốn lôi ta theo Người không phải bằng cách đòi ta bỏ mọi sự để rao giảng Nước Trời (điều ấy, Người chỉ xin một vài kẻ thôi) nhưng một cách thiêng liêng bằng cách yêu cầu ta từ bỏ chính mình, bỏ lòng ích kỷ và chai đá, để sống với Người cuộc sống hằng ngày của ta trong siêu thoát và tình yêu.

3) Việc hối cải Chúa Giêsu yêu cầu không phải là một cái gì có thể hoàn thành trong giây lát, trong một ngày và một lần thay cho tất cả. Chắc chắn ngay lúc đầu nó đòi hỏi một sự kiên định lập trường và đôi lúc một sự cắt đứt đau đớn. Nhưng nhất là nó đòi hỏi một cuộc lấy lại không ngừng chính mình để kiên nhẫn và khiêm tốn đi theo Chúa Giêsu, cho dù yếu đuối đến đâu. Vì tiếng nói của Chúa Giêsu vẫn luôn vang vọng trong cuộc đời chúng ta: “Hãy theo Thầy”.

 

 

 

 

 

42. Tích cực giãi ánh sáng tin yêu cho tha nhân

(Suy niệm của Lm Đan Vinh)

 

HỌC LỜI CHÚA

Ý CHÍNH:

Nghe tin Gio-an Tẩy Giả bị nộp, Đức Giêsu từ Giê-ru-sa-lem lui về Ga-li-lê để tránh bị theo dõi, và hoạt động trong môi trường có nhiều dân ngoại như Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo. Người chọn thành Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo và từ đây Người đi các nơi rao gảng Tin Mừng Nước Trời. Nội dung các bài giảng được tóm lại như sau: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Đức Giêsu cũng chọn 4 môn đệ đầu tiên gồm 2 đôi anh em. Một là Si-mon Phê-rô và An-rê đang thả lưới trên biển hồ. Hai là Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới trong thuyền cùng với cha và các người làm công. Vừa nghe Đức Giêsu kêu gọi, các ông đã lập tức bỏ nghề lưới cá và từ giã người thân để cộng tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.

CHÚ THÍCH:

– C 12-13: + Nghe tin ông Gio-an đã bị nộp: Thánh Mát-thêu dùng từ “bị nộp” thay vì “bị bắt” khi nói về Gio-an, giống như khi nói về Đức Giêsu (x. Mt 10,4; 17,22; 26,2). Qua đó cho thấy số phận của Gio-an giống như Đức Giêsu. Dùng từ “bị nộp” ở thể thụ động là có ý nói biến cố xảy ra là do ý của Thiên Chúa. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng khi Gio-an chấm dứt sứ mạng tiền hô dọn đường. + Người lánh qua miền Ga-li-lê: Khác với Gio-an Tẩy Giả, Đức Giêsu lui về Ga-li-lê là vùng đất có nhiều dân ngoại sinh sống, để khởi sự rao giảng Tin Mừng. Cũng tại Ga-li-lê, Người sẽ quy tụ các môn đệ lần cuối cùng để sai đi khắp thế gian, tiếp tục sứ mạng mà Người khởi sự hôm nay. + Người bỏ Na-da-rét đến ở Ca-phác-na-um: Đức Giêsu đã không chọn quê hương Na-da-rét, nhưng chọn Ca-phác-na-um để bắt đầu sứ mạng rao giảng. + Một thành ven biển hồ Ga-li-lê: Thành Ca-phác-na-um nằm trong vùng đất định cư của hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (x. Gs 19,10.32-39).

– C 14-16: + Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói: I-sai-a tiên báo vùng Ga-li-lê thuộc hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, không những được thoát ách thống trị của quân Át-sy-ri về chính trị quân sự, mà còn được giải phóng khỏi cảnh “tối tăm sầu khổ” do bị dân ngoại chiếm cứ. + Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại: Ga-li-lê là nơi bị khinh dể vì là vùng đất có nhiều dân ngoại sống chung với dân Do thái, và chưa có vị ngôn sứ nào xuất thân ở đó (x. Ga 1,46). Điều này nằm trong chương trình hành động của Đấng Thiên Sai đã được Ngôn sứ I-sai-a báo trước. + Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm: Mát-thêu ứng dụng việc Đức Giêsu đến làm cho miền đất này khỏi bóng tối sự chết bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. “Ánh sáng huy hoàng” là chính Đức Giêsu biểu lộ khi Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,2), và tiếp tục chiếu rọi khi Chúa Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ để sai họ đi truyền giáo (x Mt 28,16-20).

– C 17-18: + Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: Đối với Mát-thêu thì đây là thời điểm Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng cứu thế tại Ga-li-lê. Lời giảng được Mát-thêu tóm gọn trong câu: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Đây cũng là nội dung mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo (x. Mt 10,7). + “Anh em hãy sám hối”: Câu này giống như lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả trước đó (x. Mt 3,2). + Vì Nước Trời đã đến gần: Nước Trời, hay cũng gọi là Nước Thiên Chúa. Vì Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do thái, nên tránh gọi tên Thiên Chúa để biểu lộ lòng kính trọng Thánh Danh của Người như điều răn thứ hai dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Nước Thiên Chúa là một cộng đoàn do Thiên Chúa cai quản. Nước này đã tới gần trong con người và sứ vụ của Đức Giêsu. + Biển hồ Ga-li-lê: Là một biển hồ hình quả trám dài 21 cây số, rộng 12 cây số, cũng có tên là hồ Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-a. + Si-mon cũng gọi là Phê-rô: Si-mon là tên của ông Phê-rô trước khi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đổi tên Si-mon thành Phê-rô nghĩa là “Tảng Đá” (x. Mt 16,18).

– C 19-20: + Kẻ lưới người như lưới cá: Đức Giêsu sẽ trao sứ mạng đánh lưới các linh hồn của người ta, giống như việc chài lưới bắt cá trên biển. + Lập tức bỏ chài lưới: Đây là thái độ dứt khoát và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: bỏ nghề cũ để theo nghề mới.

– C 21-23: + Gia-cô-bê: Có hai Tông đồ tên Gia-cô-bê. Đây là Gia-cô-bê theo Chúa trước nên được người ta gọi là Gia-cô-bê Tiền, phân biệt với Gia-cô-bê Hậu theo Chúa sau. Gia-cô-bê và em là Gio-an cùng Si-mon Phê-rô làm thành nhóm ba người thân tín của Đức Giêsu. Nhóm này được luôn theo sát Đức Giêsu và được chứng kiến Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,1). Trong cuộc khổ nạn, ba người này cũng được đi theo Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni chứng kiến Người cầu nguyện trước khi bị bắt đang khi các ông khác phải ở ngoài vườn (x. Mt 26,37-46). + Lập tức các ông bỏ thuyền bỏ cha…: Cũng như Si-mon và An-rê đã bỏ ngay nghề cũ, Gia-cô-bê và Gio-an cũng dứt khoát từ bỏ tài sản là thuyền, và từ giã người thân là cha già mà đi theo làm môn đệ Đức Giêsu. + Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê: Việc truyền giáo cần phải năng động. Đức Giêsu và các môn đệ phải đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân: Viêc chữa bệnh kèm theo việc rao giảng Tin Mừng vì là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Mt 10,8; 11,4-5).

CÂU HỎI:

1) Tại sao Mát-thêu dùng kiểu nói “Sau khi Gio-an bị nộp” thay vì “bị bắt”? 2) Gio-an Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối tại miền nào, và Đức Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại miền nào? 3) Đức Giêsu đã làm gì để chiếu soi ánh sáng huy hoàng của Người vào miền Ga-li-lê đang ở trong bóng tối sự chết? 4) Lời giảng của Đức Giêsu được tóm lại trong câu nào? 5) Tại sao Mát-thêu dùng từ “Nước Trời đã đến gần” thay vì “Nước Thiên Chúa đã đến gần” như Lu-ca? 6) Bạn biết gì về biển hồ Ga-li-lê? 7) Phê-rô là ai? Tên Phê-rô nghĩa là gì và ông được Đức Giêsu đổi tên khi nào? 8) Trong Nhóm 12 có mấy ông tên Gia-cô-bê? Hai ông Gia-cô-bê được phân biệt theo Chúa trước và sau thế nào? 9) Noi gương bốn môn đệ đầu tiên, ngày nay chúng ta nên làm gì khi được Chúa mời gọi đi theo Chúa? 10) Đức Giêsu nêu gương nhiệt tình đi loan báo Tin Mừng ra sao? Người thi hành sứ mạng bằng những công việc gì?

SỐNG LỜI CHÚA:

LỜI CHÚA: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

CÂU CHUYỆN: ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAN-XI-CÔ ”NHÂN VẬT CỦA NĂM” 2013

Gần đây vào ngày 11 tháng 12 năm 2013, tạp chí Time, một tờ tuần báo Mỹ có uy tín hàng đầu thế giới, đã bình chọn Đức giáo hoàng Phan-xi-cô là nhân vật của năm 2013 với lời ca ngợi rằng chỉ trong 9 tháng đứng đầu Giáo hội Công giáo, ngài đã đem đến một tiếng nói và một nhận thức mới. Nhờ lối sống khiêm tốn giản dị và tầm ảnh hưởng tinh thần lớn lao ngài đã làm bừng lên một mùa xuân mới trong Giáo Hội Công giáo hoàn cầu, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ. Giới truyền thông thế giới đã đặt cho ngài những danh hiệu cao quý như: “Giáo Hoàng của Người Nghèo”; “Giáo Hoàng của Quần Chúng”…

Theo Telegraph, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô đã đánh bại các nhà lãnh đạo thế giới và người làm rò rỉ các bí mật động trời là Edward Snowden, để giành giải “Nhân vật của Năm” do tờ tạp chí danh tiếng Time bình chọn. Dù mới chỉ đảm nhiệm vai trò năm đầu tiên, cựu hồng y người Ác-hen-ti-na đã được ban biên tập của tạp chí Time chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013.

Bà Nacy Gibbs, thư ký tòa soạn của tờ Time giải thích: “Hiếm khi nào một người mới xuất hiện trên thế giới đã lập tức thu hút được sự chú ý từ người già lẫn người trẻ, người sùng đạo lẫn người ngoại đạo, như Giáo hoàng Phan-xi-cô”, Giáo hoàng năm nay 76 tuổi, tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh tại Bunenos Aires nước Ác-hen-ti-na. Ngài được tấn phong làm Tổng giám mục vào năm 1998, rồi trở thành Hồng y năm 2001 và đắc cử chức vụ Giáo hoàng trong cuộc mật nghị tại Vatican vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, thay cho Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô 16 xin về hưu. Giáo hoàng Phan-xi-cô nổi tiếng vì sự khiêm nhường và cam kết vì người nghèo từ rất lâu trước khi trở thành nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo.

Đầu tháng này, tạp chí Time đã thu hẹp danh sách chung kết gồm 5 người, trong đó có Tổng thống Syria Bashar Assad, Thượng nghị sĩ bang Texas Hoa Kỳ Ted Cruz và Nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính Edith Windsor. Người thứ hai trong danh sách Nhân vật của Năm là Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), người tiết lộ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ, hiện đang xin tị nạn chính trị tại Nga. Tạp chí Time bắt đầu bình chọn “Nhân vật của Năm” lần đầu vào năm 1927. Các biên tập viên tạp chí đã chọn ra người mà họ cho là có ảnh hưởng nhiều nhất đến tin tức trong một năm, bất kể xấu hay tốt. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được Time bình chọn là nhân vật của năm 2012.

Những tin tức hình ảnh về Đức giáo hoàng đã thể hiện tình thương đối với người nghèo, người khuyết tật và tỏ ra gần gũi với người lớn trẻ em đều được báo chí và các hãng thông tấn quốc tế loan truyền rộng rãi. Đây cũng là niềm vinh dự cho Giáo hội Công giáo trong bối cảnh Giáo hội gần đây đang là tâm điểm cho những lời phê phán chỉ trích của giới truyền thông trên thế giới liên quan đến các vụ tai tiếng về các vấn đề ấu dâm, vấn đề tài chánh của ngân hàng Vatican hay sự rò rỉ thông tin mật của Tòa thánh…

Sự quyết tâm canh tân bằng lối sống đơn sơ nghèo khó và đổi mới nhân sự của Đức Phan-xi-cô bước đầu đã đem lại những thành quả nhất định cho Hội thánh Công giáo. Sự thành công này trở thành động lực thúc đẩy các tín hữu chúng ta cũng phải biết thanh luyện bản thân, đổi mới đời sống và cung cách phục vụ tha nhân, hầu loan báo tin mừng hữu hiệu hơn cho đồng bào Việt Nam thân yêu hôm nay.

SUY NIỆM:

1. Đức Giêsu hoàn thiện Luật Mô-sê:

Đạo Do Thái thời Đức Giêsu đã xuống cấp trầm trọng: Các đầu mục Do thái là các kinh sư và người pha-ri-sêu quá câu nệ hình thức đạo đức, coi trọng kinh kệ lễ nghi bề ngoài mà coi thường tâm tình mến Chúa bên trong nên đã bị Đức Giêsu nặng lời khiển trách là bọn đạo đức giả như sau: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình”. Vì họ đã tỏ ra cố chấp không những không gia nhập vào Nước Trời do Người rao giảng, mà còn ngăn cản người khác không cho họ vào (x. Mt 23,13); Vì họ tìm cách thu gom tiền bạc bằng các lễ nghi kinh kệ dài dòng (x. Mt 23,14); Vì đã không lo dạy dỗ dân chúng (x. Mt 23,15), coi trọng những điều tùy phụ như nộp thuế thập phân hoa màu mà coi nhẹ điều cốt yếu là sự công bình, lòng nhân và thành tín (Mt 23,23-24)…

Đức Giêsu đến không hủy bỏ Lề Luật Mô-sê nhưng để kiện toàn, để canh tân bằng việc đưa vào Luật một tinh thần mới, tóm lại trong hai giới răn quan trọng là “mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu chính mình” (x. Mt 22,35-40); Người cũng bãi bỏ hy lễ và hiến lễ toàn thiêu bằng chiên cừu của đạo cũ bằng việc thiết lập một lễ tế mới là Người dâng mình là Con Chiên Thiên Chúa chịu sát tế trên bàn thờ thập giá để đền tội cho nhân loại (x. Dt 10,8-10).

2. Đức Giêsu tuyển chọn các cộng tác viên:

Đức Giêsu không thi hành sứ mạng cứu thế cách đơn độc, nhưng đã kêu gọi nhiều người theo làm môn đệ để cộng tác với Người loan báo Tin Mừng Nước Trời. Người không chọn những người có học vị cao, có tài ăn nói lưu loát, có kiến thức sâu rộng… như các kinh sư và biệt phái làm môn đệ của Người, nhưng đã chọn những người thuyền chài ít học (x. Cv 4,13). Ngay chính Người cũng không xuất thân từ một trường danh tiếng như người Do-thái đã phải ngạc nhiên nói rằng: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!” (Ga 7,15). Các môn đệ của Đức Giêsu cũng không mấy trổi vượt về đức độ biểu hiện qua thái độ ganh tị nhỏ nhen, ham mê địa vị quyền hành đòi ngồi hai bên tả hữu của Thầy (x. Mt 20,23-24), tính tình nóng nẩy đòi tiêu diệt làng Sa-ma-ri không đón nhận Thầy trò (x. Lc 9,53-56) và hèn nhát chối Thầy ba lần (x. Ga 18,25-27) hoắc bỏ Thầy thoát thân khi Thầy gặp nạn (x. Mt 26,56). Nhưng ưu điểm của các ông là mau mắn dứt khoát đi theo Thầy, sẵn sàng bỏ nghề chài lưới bắt cá để học nghề chài lưới đánh bắt các linh hồn (x. Mt 4,19-20), lập tức bỏ thuyền bỏ cha mà đi theo Người (x. Mt 4,21-22), sẵn sàng đi con đường hẹp leo dốc là từ bỏ bản thân và vác thập giá mình mà theo chân Chúa (x. Mt 16,24), sẵn sàng từ bỏ vợ con, ruộng nương, nhà cửa… Sự mau mắn dứt khoát này đòi các ông phải liều lĩnh, tin cậy phó thác tương lai cuộc đời trong tay Đức Giêsu. Chính nhờ những đức tính này mà khi được ơn Thánh Thần tác động, các ông đã được biến đổi nên tốt với đủ các đức tính, tài năng ăn nói (x. Cv 2,4) và trở nên khôn ngoan mạnh dạn nói lời Thiên Chúa (x. Cv 4,31).

3. Mau mắn đáp lại tiêng Chúa mời gọi:

Ngày nay Đức Giêsu tiếp tục mời gọi mọi tín hữu cộng tác với Người loan báo Tin Mừng. Vậy chúng ta đã đáp lại ơn gọi của Chúa thế nào? Chúng ta có lập tức và dứt khoát đi theo Người hay nại đủ lý do đê trì hoãn như sợ không có đủ khả năng, không có thời giờ, thiếu tài đức… Nên nhớ rằng: Nếu chúng ta mà có đủ mọi điều kiện như các kinh sư Do Thái khi xưa, thì chắc Đức Giêsu cũng không gọi chúng ta đi theo Người, vì khi ấy chúng ta sẽ cậy dựa vào sức riêng của mình hơn cậy nhờ vào sức mạnh và ơn Chúa trợ giúp. Chính vì biết rõ chúng ta thiếu khôn ngoan thông thái nên Đức Giêsu mới kêu gọi chúng ta như Người đã cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26). Vì không có Chúa, chúng ta chẳng làm gì được (x. Ga 15,5b), như Tông đồ Phao-lô đã nói: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết!” (Pl 4,13). “Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10), và như sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a khi truyền tin: “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy, nếu nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, mỗi người chúng ta cần phải mau mắn đáp lại như ngôn sứ Sa-mu-en xưa: “Lạy Chúa, xin cứ phán vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1 Sm 3,9). Chính nhờ sự mau mắn này, mà cũng như các tông đồ xưa, chúng ta sẽ được ơn biến đổi để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.

4. Tích cực góp phần loan Tin Mừng ngay trong môi trường mình đang sống:

Mặc dù Chúa Giêsu đã về trời, nhưng Người muốn chúng ta tiếp tục sứ vụ của Người giữa trần gian hôm nay. Vậy chúng ta phải làm gì? Trước hết chúng ta ý thức Chúa gọi chúng ta như Người đã gọi những môn đệ đầu tiên. Chúa bảo chúng ta hãy tiếp tay với Người để “lưới người” như lưới cá. Chúa không đòi chúng ta phải đi đâu xa, nhưng thả lưới ngay nơi mình đang sống và làm việc. Tấm lưới chúng ta thả có thể là lời nói, việc làm phản ánh lối sống của Đức Giêsu và nói lên tình thương của Thiên Chúa. Nếu tấm lưới ấy lỡ bị rách, chúng ta cần phải vá lại. Cũng vậy, nếu đời sống chúng ta trở nên xấu xa tội lỗi, làm sao chúng ta có thể loan báo Tin Mừng và giúp chữa lành các thói hư cho tha nhân được. Vậy mỗi ngày trước khi ngủ đêm, chúng ta phải hồi tâm “vá lưới” bằng cách xét mình để nhận ra những lỗi lầm và sai sót để xin Chúa giúp canh tân noi gương Chúa làm và lời Người dạy.

Theo Chúa là chấp nhận ra khơi, chấp nhận cuộc sống nghèo khó nay đây mai đó, không nhà cửa, là phải lên đường đến với mọi nhà và gặp gỡ hết mọi người. Theo Chúa là sẵn sàng đón nhận những sự thù ghét bách hại vì danh Chúa, chấp nhận đi con đường hẹp và ít người muốn đi, nhưng lại là con đường chắc chắn dẫn đến hạnh phúc đời đời. Hôm nay các tín hữu chúng ta cũng đang sống giữa những bà con đại đa số là người lương, chúng ta sẽ làm gì để rao giảng Tin Mừng, để biến đổi vùng đất này bừng lên ánh sáng tin yêu của Đức Giêsu? (x. Mt 10,7-8). Hãy noi gương Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sống đơn giản gần gũi người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi để chiếu ánh sáng tin yêu của Chúa như Người đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

THẢO LUẬN:

1) Kèm theo lời giảng, Đức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ. Theo bạn, người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần làm gì kèm theo việc rao giảng, để được người nghe dễ dàng đón nhận? 2) Hôm nay, bạn sẽ đáp trả tiếng Chúa thế nào khi được ai đó mời bạn tham gia vào các sinh hoạt hội họp cầu nguyện và làm công tác theo linh đạo của các hội đoan tông đồ giáo dân?

NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay xin Chúa dạy chúng con luôn biết chiếu ánh sáng của Chúa bằng việc tươi cười, ngay cả những lúc xem ra cuộc đời không mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến cuộc sống, dù không phải lúc nào cuộc sống cũng màu hồng đáng yêu. Thực ra, chúng con luôn có nhiều lý do để lo âu chán nản và buông xuôi giữa chừng. Nhưng xin Chúa đừng để nụ cười bị tắt trên môi chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn!”. Ước gì chúng con luôn thấy mình thật hạnh phúc vì được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con luôn mang niềm vui của Chúa, để làm cho gia đình, khu xóm, xí nghiệp hay trường học của con được tràn đầy niềm vui ơn cứu độ của Chúa.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

home Mục lục Lưu trữ