Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1370335

VẤN ĐỀ ĐỨC TIN

Vấn đề đức tin

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

 

Tin hay không tin là “chấp nhận” hoặc “từ chối”. Một “biên độ” rất mong manh. Rất đơn giản, nhưng cũng rất phức tạp. Sự giằng co đó luôn xảy ra, thế nên cần phải đứt khoát mau mắn. Chỉ trong tích tắc mà các vị tử đạo dám dứt khoát khước từ sự sống để bước theo Đức Kitô. Bởi vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4:5). Bổn phận của chúng ta là TIN YÊU và THỜ KÍNH chỉ MỘT THIÊN CHÚA mà thôi!

Giáo lý Công giáo dạy: “Làm dấu Thánh Giá là tuyên xưng Thiên Chúa”. Đó là đức tin của Giáo hội và của mỗi chúng ta. Hằng ngày chúng ta thể hiện đức tin nhiều lần bằng cách làm dấu: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Cũng cần lưu ý là chúng ta “làm dấu” chứ không “làm giấu” (phát âm gần giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau).

Con người yếu đuối nên dễ thay lòng đổi dạ. Miệng thì nói tin Chúa nhưng lại hành động khác. Ông Giôsuê quy tụ ở Sikhem mọi chi tộc Ítraen và triệu tập các kỳ mục Ítraen, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa. Ông Giôsuê nói với toàn dân: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen, phán thế này: “Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, cho đến Terác là cha của Ápraham và của Nakho, đã phụng thờ các thần khác” (Gs 24:2).

Ông Giôsuê không ép buộc mà cho họ tự do chọn lựa: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Emôri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24:15). Họ được “đánh động” nên cảm thấy hối hận, và họ đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người Emôri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:16-18).

Chúng ta cũng đã và đang yếu đuối, nói một đàng làm một nẻo, cứ liên tục qụy ngã rồi lại té lên té xuống, vậy mà vẫn chưa nên người. Chúng ta yếu đuối nhưng không được thất vọng, vì chúng ta may mắn có “sức mạnh vô song của Đức Kitô”. Tội lỗi tày trời, tội lỗi ngập đầu, tội lỗi đỏ như máu, thế mà chúng ta vẫn được Thiên Chúa xót thương mà tha thứ tất cả, không chỉ vậy mà chúng ta còn được phục hồi nguyên trạng cương vị người con. Vì thế, chúng ta phải tự hứa: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Ngài chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” [Tv 33 (34):2-3]. Bất kỳ ai cũng phải “làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” [Tv 33 (34):15].

Thiên Chúa là Đấng nhân lành (x. Ga 10:11 & 14), vì thế Ngài “đối đầu với quân gian ác, xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời”, nhưng Ngài luôn “để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu” [Tv 33 (34):16-17]. Thật vậy, “họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn” [Tv 33 (34):18]. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót nên Ngài luôn “gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi” [Tv 33 (34):19-21]. Đặc biệt là “xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy” [Tv 33 (34):21].

Chúng ta càng yếu đuối càng cần có đức tin. Thánh Phaolô nói: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5:21). Tùng phục nhau bằng cách nào? Thánh nhân “dài hơi” giải thích: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5:22-25). Như vậy là chính Đức Kitô “thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Ngài, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5:26-27).

Cũng thế, “chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5:28). Rất lô-gích, vợ chồng “tuy hai mà một”, nên một qua bí tích Hôn phối. Mà là một thì “người này là người kia”. Chẳng có ai ghét thân xác mình bao giờ, mà “người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Ngài” (Ep 5:29-30). Sách Thánh có lời chép: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Ep 5:31). Thánh Phaolô xác định: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5:32). Hình ảnh phu thê là hình ảnh Đức Kitô và Giáo hội, và ngược lại. Do đó, những người sống đời hôn nhân phải cố gằng thể hiện đức tin qua ơn gọi hôn nhân của mình.

Đức tin có nhiều hệ lụy. Tất cả đều liên kết với nhau một cách mạch lạc và rất kỳ diệu. Thân xác không hơi thở là xác chết, và “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17&26).

Khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu có nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6:54). Nghe vậy, nhiều môn đệ của Ngài cũng “nóng gáy” nên liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Các “đệ tử ruột” mà còn phát biểu vậy đó! Ngài biết tỏng các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Ngài bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin” (Ga 6:61-64).

Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Ngài. Và Ngài nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6:65). Từ lúc đó, nhiều môn đệ đã “bỏ của chạy lấy người”, không còn đi theo Ngài nữa. Thấy vậy, Ngài hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6:67). Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Ngư phủ Phêrô lâu lâu nói một câu nghe “quá đã”, đúng là “trên cả tuyệt vời”. Ông không dám bỏ Sư phụ Giêsu vì ông đã tin. Thật vậy, ông liền tuyên tín: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:69).

Lão ngư Phêrô ơi! Xin giúp chúng con cũng được sáng con-mắt-đức-tin để có thể chân nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và luôn biết tín thác vào Người Con ấy.

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, xin thêm đức tin cho chúng con và xin nâng đỡ chúng con để chúng con can đảm thể hiện đức tin qua từng ánh mắt, lời nói, cử chỉ, động thái,… Nhờ đó mà chúng con xứng đáng là môn đệ của Con Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

8. Theo ai?

 

Cứ nhìn vào các nhà thờ đông nghẹt người xem lễ, thì ai cũng nói lòng đạo đức của người tín hữu hôm nay thật là lớn. Tuy nhiên, cuộc sống của họ có đúng là đạo đức hay không? Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay sẽ giúp chúng ta xác định xem mình đang theo Chúa hay là đã xa lìa Ngài?

Thực vậy, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bí tích Thánh Thể mà thôi thì chưa đủ theo đòi hỏi của Tin Mừng. Bởi vì Lời Chúa phải được đem ra thực hiện thì mới trở thành bánh trường sinh được và mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa càng sâu sắc hơn nếu mỗi người biết chia sẻ cho nhau không những của cải vật chất mà còn cả tình thương trong cuộc sống.

Vẫn còn có nhiều người quan niệm đi lễ, giữ chay, đọc kinh, giữ luật đạo, lâu lâu bố thí cho kẻ nghèo hay dâng cúng cho nhà thờ, thì đã thể hiện được lòng đạo đức của mình. Còn ngay trong cuộc sống hằng ngày, họ không cần biết đến người láng giềng đang sống như thế nào? Không cần biết đến xóm làng đang có những vấn đề gì? Họ không cần để ý đến tình người ngay trong mối quan hệ bình thường với kẻ khác. Và như thế vô tình họ đã khoanh vùng hoạt động cho Chúa ở trong nhà thờ mà thôi, họ chưa đưa Chúa vào trong cuộc đời, đang lúc Chúa Giêsu lại sinh hoạt ngay giữa lòng xã hội loài người. Nếu sống đạo như thế, thì làm sao lời Chúa trở thành bán ban sự sống cho được?

Không ít người đã theo Chúa Giêsu chỉ vì phép lạ bánh hoá nhiều, nhưng rồi họ lại vội vã bỏ Chúa mà đi vì lời Ngài thật chướng tai, không thể chấp nhận được. Chỉ riêng nhóm 12 là đã xác tín rằng: Chỉ mình Chúa mới có Lời ban sự sống. Điều xác tín này đã rõ nét trong khi xây dựng cộng đoàn tiên khởi: mọi người bỏ của chung, chăm lo cho nhau và ai cũng no đủ, hạnh phúc.

Giáo Hội kết hợp với Đức Kitô, không chỉ trong các nghi lễ phụng tự mà mỗi người trong Giáo Hội phải sống với tinh thần của Ngài ngay trong cuộc sống hằng ngày. Xã hội vẫn còn những kẻ thiếu ăn, vẫn còn những bất công và áp bức, thì Giáo Hội vẫn còn có những vấn đề được đặt ra cho mình. Làm thế nào để ngày càng đẩy lùi những bất công, đói khổ và lạc hậu. Điều đó đồng nghĩa với làm thế nào để tỏ lộ khuôn mặt Đức Kitô một cách rõ nét nhất trong cuộc sống hiện tại.

Thiên Chúa không thích những của lễ, nhưng Ngài cần lòng nhân ái. Lễ vật nào có ích gì khi sự thù hận đố kỵ vẫn còn trong người tín hữu hay vẫn còn những kẻ đói khổ đau đớn bên cạnh mình. Xác tín đi theo Chúa trên con đường cứu độ là phải mang lấy nỗi ưu tư, ray rứt về một xã hội chưa được an vui hạnh phúc.

Vậy thì chúng ta đã theo Chúa như thế nào và đã thực hiện lời Chúa ra làm sao để lời Chúa thực sự đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu?

 

 

 

 

 

9. Lời ban sự sống – Lm. Ignatiô Trần Ngà

 

Bảo rằng lương thực hằng ngày như cơm, như bánh có thể mang lại cho con người sự sống tạm bợ đời nầy là điều dễ chấp nhận, vì rõ ràng nhờ cơm bánh mà chúng ta có thêm sức mạnh để lao động hằng ngày.

Bảo rằng thuốc men và các chất bổ dưỡng làm gia tăng sinh lực cho con người thì cũng dễ hiểu thôi, vì chúng ta có thể cảm nhận hiệu quả ấy trước mắt.

Thế nhưng Lời tuyên xưng của thánh Phê-rô trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời” là những lời khó thuyết phục, vì lời nói thoảng bay trong gió, chứ có phải là lương thực, là thuốc men đâu mà có sức kéo dài tuổi thọ của con người.

Thiên Chúa dùng Lời để tác tạo vũ trụ và thông ban sự sống.

Từ nguyên thuỷ, khi tất cả còn hư vô trống rỗng, Thiên Chúa đã dùng Lời mà tác thành vũ trụ và sáng tạo muôn loài. Mọi sự sống trong hoàn vũ, từ sự sống của các loài sinh vật đơn giản cho đến sự sống của loài người đều do Lời Chúa phán mà ra.

Sáng thế ký chương I viết: “Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc,… liền có như vậy.”

Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại.” Liền có như vậy.

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” Và từ Lời thần thiêng đó, con người đã được tạo thành và được thông ban sự sống. (Stk 1,20.24.26)

Lời Chúa hồi sinh kẻ chết

Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng dùng Lời thần thiêng của mình để phục hồi sự sống cho những kẻ chết.

Hôm ấy, khi Chúa Giêsu thấy người ta khiêng cậu con trai duy nhất của một bà goá ở thành Na-im đi chôn, người mẹ theo sau xác con gào khóc thảm thiết. Động lòng thương, Chúa truyền cho người khiêng đứng lại và Người dùng Lời của mình ban lại sự sống cho người thanh niên: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy chổi dậy” (Lc 7,14), lập tức người chết được hồi sinh.

Rồi đến lượt La-da-rô đã chết đến bốn ngày, xác đã nặng mùi, thế mà Chúa Giêsu cũng chỉ dùng Lời của mình ban lại sự sống cho anh. “La-da-rô, hãy ra ngoài!”. Vừa nghe lời quyền năng đó, người chết đội mồ sống lại. (Gioan 11,43)

Thế thì rõ ràng là Chúa Giêsu có những Lời truyền ban sự sống, nhưng không chỉ thông ban sự sống sinh vật tạm thời mà còn đem lại sự sống vĩnh cửu trên thiên quốc.

Khi giảng tại Hội Đường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Bánh hằng sống, ai ăn thịt và uống máu Người sẽ được sống đời đời. Lời đó khiến dân chúng và các môn đệ bị sốc, không chấp nhận và tuần tự bỏ đi. Dầu vậy, thánh Phê-rô vẫn kiên vững tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)

Chúa Giêsu được mệnh danh là Ngôi Lời, đã hiện hữu từ trước muôn đời, “nhờ Người vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Gioan 1,1-3) thì chắc chắn Người có đủ quyền năng ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Người.

Nếu hôm nay trên thị trường có thuốc trường sinh, chắc chắn sẽ có nhiều người xô đẩy nhau quyết tìm mua bằng mọi giá. Thế mà nay Chúa Giêsu tặng ban miễn phí những Lời đem lại sự sống đời đời cho nhận loại, lẽ nào chúng ta lại thờ ơ.

Vậy thì cùng với thánh Phê-rô, chúng ta hãy tuyên xưng với tất cả lòng tin: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.

Cùng với Mẹ Maria là Đấng hằng ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng, chúng ta hãy hấp thụ Lời Chúa vào tâm hồn, để Lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mỗi người chúng ta được hưởng sự sống hoan lạc đời nầy và sự sống vĩnh cửu mai sau.

 

 

 

 

 

10. Lời Hằng Sống

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

 

Trong suốt bốn tuần qua, Giáo Hội giúp chúng ta suy nghĩ chương 6 của Tin Mừng Gioan: diễn từ về bánh trường sinh. Trọng tâm là câu mà chúng ta vừa nghe đọc: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”.

Diễn từ xoay quanh vấn đề bánh hằng sống từ trời xuống. Bánh đó chính là thịt máu Ngài.

Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta suy niệm đoạn cuối của chương này.

Tất cả kết thúc trong sự thất bại. Không ai chấp nhận, không ai muốn hiểu những gì Chúa Giêsu nói và mọi người đều bỏ Ngài, kể cả một số môn đệ, chỉ còn lại nhóm Mười Hai đang ngơ ngác nhìn mọi người bỏ đi.

“Lời này chói tai quá! Ai mà nghe được?”

Sao họ nhẹ dạ thế? Sao họ không thấy rằng với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nuôi năm ngàn người trong hoang địa? Sao họ không nhìn thấy quyền lực lạ lùng của người đã làm được một việc phi thường như thế? Con người chỉ có ăn là đủ sao?

Nhiều người trong chúng ta cũng vậy. Chỉ cần có lợi cho mình, mọi sự khác không cần nghĩ đến, sống chết mặc ai.

Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, những người đang xầm xì về những điều Ngài vừa nói: “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?”

Như thế, Ngài tỏ cho họ biết nguồn gốc thần linh của Ngài. Ngài từ trời xuống. Bánh hằng sống Ngài ban cũng từ trời. Những lời Ngài nói là lời của Thiên Chúa chứ không phải của người phàm. Thế nhưng Ngài chỉ gặp thấy những tâm hồn khép kín, không thể chấp nhận những gì khác hơn là những gì họ nghĩ. Nhưng với đầu óc chắc nịch những vật chất, làm sao họ có thể đón nhận những hồng ân tuyệt diệu của Ngài?

Chúng ta hãy xét lại bản thân. Chúng ta đang sống cho cái gì? Chúng ta đang đi về đâu? Tương lai của chúng ta là gì?

Nếu chúng ta chỉ lo nghĩ đến tiền bạc, của cải, lợi lộc trần gian mà thôi, chúng ta sẽ thất vọng. Chính Chúa nói: “Xác thịt chẳng có ích gì”.Vì nó sẽ tan biến trong giây lát. “Chỉ có Thần Khí mới làm cho sống” Thần Khí mới mở mắt chúng ta vào chân trời của Chúa: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Ngài mời gọi chúng ta vượt lên trên thế giới vật chất để tìm được những thực tại thiêng liêng, mang lại cho chúng ta sự sống đích thực.

Câu chuyện người đàn bà Samari bên bờ giếng Giacob cũng là một bài học cho chúng ta thấy vũ trụ vật chất chỉ là phương tiện để nhờ đó, chúng ta đạt đến những thực tại thiêng liêng, đạt đến mục đích tối hậu mà chúng ta phải hướng đến.

Từ một miếng nước vật chất đơn thường, Ngài dẫn bà ấy đến nguồn nước trường sinh. Ngài cũng muốn hướng đám dân đang theo Ngài từ bánh trần gian đến bánh hằng sống, nhưng họ không muốn hiểu. Cả những môn đệ cũng không tin và rút lui. Cha trên trời mới có thể đưa họ đến với Ngài khi họ chấp nhận tìm kiếm.

Mọi người đều đả đảo Ngài chỉ còn Nhóm Mười Hai đang ngơ ngác chưa biết nên rút lui hay ở lại.

Ngài hỏi: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”

Một câu hỏi đau lòng!

Ngài không cần một ai. Ngài có thể biến đổi mọi sự theo ý Ngài, nhưng Ngài không muốn ép buộc ai. Ngài là Đấng vô biên không ai dò thấu.

Câu hỏi của Ngài như một cầu cứu khẩn thiết, làm như Ngài mất tất cả. Ngài nắm mọi sự trong tay, nhưng Ngài đã trở nên người ở giữa sa mạc. Ngài đã cho không cuộc đời, nhưng con người vẫn không đón nhận.

Câu hỏi này tiên báo cảnh vườn Ghetxêmani: “Linh hồn Thầy buồn  đến chết được. Hãy thức với Thầy”. Ngài vẫn cô đơn giữa đám đông, giữa các môn đệ. Con đường Ngài đi, Ngài chỉ cô độc một mình. Nhưng “khi Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta”. Chỉ lúc bị treo lên mà thôi. Giờ này, Ngài vẫn một mình. Ngài báo trước hồng ân tuyệt diệu Ngài ban tặng, nhưng mọi người đều cho rằng: “Khó nghe quá!”

Nhưng may mắn thay! Phêrô đã đại diện cho anh em Nhóm Mười Hai đang lưỡng lự, đã trả lời, một câu trả lời chân thật, rõ rệt, không úp mở, không chịu ảnh hưởng của một yếu tố ngoại lai nào, cũng không do một áp lực nào, có thể nói là hoàn toàn chân thành. Kết quả của một quá trình chung sống gần ba năm đáp: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Những lời Thầy vừa nói mà người ta cho là chướng tai là những lời mang lại sự sống đời đời. Chính Thầy là bánh trường sinh. Ngoài Thầy ra, không còn ai khác.

Chúng ta hãy cùng với Phêrô nói lên tiếng lòng của chúng ta. Không có Thầy, chúng con bám víu vào ai đây? Chung quanh chúng con là một đống đổ nát hoang tàn. Con người đang tận diệt nhau. Bạo lực lan tràn. Tội ác ngập tràn như nước lũ.

Chúng ta không bi quan. Sự thật đã quá rõ ràng không thể chối cải. Thế giới này đang đổ nát. Tương lai của con người đang mịt mờ đen tối. Chỉ có Thầy là ánh sáng duy nhất đang mời gọi.

Hôm qua, Ngài hỏi các môn đệ và cũng chính là câu hỏi cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Chúng con cũng bỏ Thầy nữa sao?”

Chúng ta sẽ trả lời sao?

Chắc chắn, chúng ta sẽ cam kết sống chết với Thầy như Phêrô: “Con dám liều mạng cho Thầy!”

Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Lời tuyên xưng này nhắc lại lời tuyên xưng ở Xêdarê-Philipphê: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”.

Đúng thế! Chúng ta chỉ có Ngài thôi. Gắn bó với Ngài sâu đậm hơn và nhất là ăn lấy Ngài để làm một với Ngài. Đó là ước mong duy nhất của Ngài. Ngài dám trở thành tấm bánh cho chúng ta, nơi đó Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy Ngài yêu chúng ta đến mức độ nào. Chúng ta có thấy được không?

Ngài hiến dâng tất cả cho chúng ta, chúng ta sẽ dâng cho Ngài cái gì? Tất cả hay chỉ một phần nào đó? Tình yêu không chấp nhận sự tính toán, nửa vời. Yêu phải là trọn vẹn. Ngài đã cho chúng ta tất cả, Ngài muốn chúng ta hoàn toàn là của Ngài.

Hãy cho Ngài một miền đất thênh thang để Ngài tự do hoạt động, và chúng ta cũng trở nên tình yêu như Ngài.

 

 

 

 

 

11. Chọn lựa.

 

Cả chúng con nữa, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi hay không?

Câu hỏi Chúa Giêsu đưa ra đòi buộc các môn đệ phải chọn lựa, phải dứt khoát lập trường. Đây không phải là một việc dễ dàng, vì ngay trước đó đã có nhiều môn đệ rút lui, bởi điều Ngài xác quyết một cách mạnh mẽ về thứ lương thực thiêng liêng nuôi sống linh hồn, thật là chói tai không thể nào chấp nhận được theo lẽ tự nhiên: Thịt Ngài là của ăn và Máu Ngài là của uống mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Với lời tuyên bố ấy, chúng ta có thể nghĩ tới bí tích Thánh Thể, chúng ta đã cử hành trong suốt cả cuộc đời người công giáo, mà chẳng có lấy một chút băn khoăn hay do dự. Chúng ta cũng đã từng đón nhận Mình và Máu thánh Ngài một cách quen thuộc theo nghi lễ và chúng ta không còn nhận ra tính cách chói tai và những khó khăn mà các môn đệ đã găp phải.

Sự tuyên xưng của các ông chính là một sự dấn thân, một hành đông liên quan tới vận mạng của một con người. Tuy nhiên, điều đáng cho chúng ta suy nghĩ hơn cả, đó là mặc dầu chúng ta tin tưởng vững chắc vào lời xác quyết của Chúa: Thịt Máu Ngài chính là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn và đem đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, nhưng trong thực tế, chúng ta lại sống, lại hành động trái ngược với niềm tin tưởng ấy.

Đúng thế, có những người công giáo vốn tự xưng là đạo dòng, đạo gốc… Thế mà cả chục năm không rước Chúa lấy được một lần. Có những người khác, ngày Chúa nhật cũng đến nhà thờ nhưng cho qua lần đoạn lượt mà thôi. Họ đứng ở ngoài sân, vừa nói chuyện, vừa phì phèo điếu thuốc lá và vừa tham dự thánh lễ. Mình không tham dự đã đành, mà còn cả trở và làm cho người khác lo ra, chia trí.

Hơn thế nữa, phần đông chúng ta lại tách biệt thánh lễ ra khỏi cuộc sống.

Chúng ta giữ đạo ở trong nhà thờ như một người công chức tới giờ đến sở làm việc. Có nghĩa là khi đến nhà thờ, chúng ta trang nghiêm sốt sắng. Nhưng khi thánh lễ kết thúc, cửa nhà thờ đóng lại và chúng ta trở về với cuộc sống thường ngày. Lúc bấy giờ chúng ta lại vội vã gian than, độc ác và bất công. Trong nhà thờ chúng ta là những con chiên ngoan, nhưng giữa lòng cuộc đời, chúng ta lại hoá kiếp thành một loài sói dữ. Như vậy, thánh lễ cũng chỉ là một chiếc ngăn kéo rất nhỏ bé giữa những ngăn kéo biệt lập khác của cuộc sống.

Thế nhưng, với những người có đức tin thì khác, cuộc sống phải trờ thành thánh lễ, hay nói cách khác, tinh thần thánh lễ phải thấm sâu vào cuộc sống của họ. Có nghĩa là chúng ta phải biến đổi đời sống chúng ta thành một thánh lễ nối dài, bằng cách thực thi tinh thần yêu thương và hợp nhất, giúp đỡ những người chung quanh, như một bài hát quen thuộc: Ta về thôi khi thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để làm chứng nhân.

Hãy góp nhặt những hy sinh rải rắc trong đời thường, để làm nên tấm bánh và chén rượu, như những của lễ chúng ta dâng lên Chúa. Từ đó chúng ta đi đến một câu hỏi, một kết luận, đó là chúng ta đã thực sự sống tinh thần thánh lễ giữa lòng cuộc đời của chúng ta hay chưa?

 

 

 

 

 

12. Trong anh em có những kẻ không tin

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)

 

Lời mời gọi tiếp nhận ‘bánh hằng sống’, hay đúng hơn ‘ăn thịt và uống máu’ của Đức Giêsu, đã bị đám thính giả Do Thái nói chung, thậm chí cả một số môn đệ nói riêng, khước từ; “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi!… Từ lúc đó nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Chắc chắn không phải vì họ không muốn có bánh ăn là thứ mà họ đang kiếm tìm, nhưng họ khước từ ‘ăn thịt và uống máu’ vì là hình thức ghê tởm đối với bất kỳ ai. Điều đó thật ra cũng dễ hiểu thôi, và chẳng có gì đáng chê trách! Tuy nhiên điều làm chúng ta suy nghĩ chính là, từ sự ghê tởm tự nhiên đó, họ đã không còn tin vào Đức Giêsu nữa, “Trong anh em có những kẻ không tin”… và nhiều người quyết định lìa bỏ Người.

Nếu chỉ là vì hình thức ‘ăn thịt và uống máu’ làm họ ghê tởm, thì cách giải quyết cũng nhẹ nhàng thôi: chỉ cần trao bánh và rượu, rồi nói: “này là thịt và máu Ta”, như Người sẽ làm trong bữa ăn ly biệt, là sẽ dễ dàng được chấp nhận ngay. Thế nhưng, trong nhận thức của Đức Giêsu, thì rõ ràng đó không phải là lý do đáng quan tâm nhất để họ từ khước. Đối với Người, các môn đệ đang cần củng cố một điều gì còn thâm sâu hơn nhiều mà Người gọi là đức tin nhờ Thần Khí; “Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt chẳng có ích gì”, vì cũng chỉ có Thần Khí mới có thể mở miệng Phê-rô thốt lên lời tuyên xưng: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

Ngày nay trong số các Kitô hữu cũng có nhiều kẻ không tin, nhưng vấn đề chúng ta phải giáp mặt có lẽ lại trái ngược hẳn với các môn đệ Do Thái thời xưa. Khi giảng giải về Thánh Thể, người ta nhấn mạnh, bánh và rượu thật là ‘mình và máu’ Chúa (cũng có thể là do phản ứng của Công Giáo trước việc anh em Tin Lành chối bỏ học thuyết ‘biến thể’ transubstantiation). Điều này ngày nay không quá khó chấp nhận, ngay cả đối với các dự tòng, chỉ cần đưa ra một lý luận đơn giản: có điều gì mà Thiên Chúa không làm được? Cũng vậy khi tiến lên rước lễ, chẳng ai trong chúng ta còn có cái cảm giác ghê tởm của ‘ăn thịt và uống máu’. Thế nhưng, như đã từng xẩy ra cho các môn đệ xưa, vấn đề chính của chúng ta sẽ là: tôi có thật sự ‘tin và theo Thầy’ cách triệt để hay không? ‘Uống nước hằng sống’ và ‘ăn bánh trường sinh’ thực chất chỉ là những kiểu nói tượng hình để diễn đạt một điều hệ trọng hơn nhiều. Môn đệ Phê-rô đã biểu lộ niềm tin này qua lời tuyên xưng chân thành: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Chính Đức Giêsu cũng chỉ rõ: “…Trong anh em có những kẻ không tin… Vì thế, Thầy bảo anh em: không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Tác giả Gio-an hình như cũng có cùng một nhận định khi nói về các môn đệ: “Quả thực ngay từ đầu đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp người”. Như vậy ‘tin Đức Giêsu’ có nghĩa là lấy cái chết tự hiến thập giá của Người làm sức sống cho đời mình, làm con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha – sự sống vĩnh cửu; “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” Chỉ ai tin như thế (= ăn thịt và uống máu) mới bảo đảm cho mình được sống muôn đời; “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.

Xác tín điều này, tôi không hề có ý hạ thấp tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể trong nội dung triết học và thần học; ngược lại là đàng khác. Khi cử hành Thánh Thể, thay vì chỉ suy nghĩ rằng mình đang làm một việc đạo đức tốt lành và thánh thiện bậc nhất (hàng đầu trong số các bí tích hay phụng vụ), tôi cần minh định rõ rằng mình đang tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô cách long trọng nhất, cũng như đang đón nhận ơn cứu độ cách thâm sâu nhất. Đức tin của tôi không đơn thuần chỉ là xác tín bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Đức tin phải đưa tôi tới việc đón nhận Đấng đã hiến dâng mình trên thập giá để tôi được thông phần vào sự sống từ ái vô biên của Chúa Cha… Và điều này thiết thực tới độ, cho dầu tôi, nếu có chết trước cả khi có dịp ‘ăn thịt và uống máu’ Người nơi bí tích Thánh Thể, và nếu tôi đã từng hết lòng ‘ăn bánh trường sinh’ trong niềm tin phó thác thâm sâu nhất đó, thì chính niềm tin này mới đảm bảo cho tôi “không còn chết nữa, nhưng được sống muôn đời”.

Điều tối quan trọng là đôi lúc tôi cần thật sự duyệt lại niềm tin của mình đạt nơi bí tích Thánh Thể, nhất là trong Thánh Lễ tôi cử hành hàng ngày.

Lạy Cha chí ái, mỗi ngày khi con cử hành Thánh Thể, cho dầu có là một thói quen như hầu hết các linh mục khác, xin Cha luôn làm con ý thức rằng, đây chính là lời tuyên xưng đức tin thâm sâu nhất của con. Thánh Thể khi đó sẽ diễn đạt việc con đón nhận ơn cứu độ vô giá của thập giá Chúa Kitô cách trọn vẹn nhất, sẽ trở thành con đường để con đi vào sức sống vô biên của Chúa Cha, và bảo đảm cho con cuộc sống vĩnh hằng. Xin Cha giúp con luôn cử hành Thánh Lễ trong niềm tin như vậy. Amen.

 

 

 

 

 

13. Tình đời thay trắng đổi đen!

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Con người thường đổi trắng thay đen. Lòng người thường thay lòng đổi dạ khiến cho nhiều người đã chua chát nhìn đời mà bảo rằng:

“Còn tiền còn bạc còn đầy tớ.

Hết tiền hết bạc hết ông tôi”.

Người ta gắn bó với nhau thường là vì tình, vì tiền và quyền lợi. Và một khi quyền lợi của mình bị lung lay, họ liền thay lòng đổi dạ để rồi “gió chiều nào xuôi theo chiều đó” để được an toàn bản thân. Xem ra tình cảm giữa con người với nhau thật mong manh. Mọi quan hệ đều được liên kết với nhau bằng những quyền lợi và nghĩa vụ phải thi hành với nhau. Tình đời thường thay trắng đổi đen nên mới có chuyện “ông ăn chả bà ăn nem”. Bất trung và phản bội với lời đoan hứa thường là sự mất tín nhiệm nơi nhau và hậu quả là chẳng ai tin ai, ai cũng lo cho chính mình để khỏi bị thiệt hại bản thân.

Lịch sử cứu độ là một chuỗi dài sự tha thứ của Thiên Chúa và sự bất trung, phản bội của dân tộc được tuyển chọn. Họ hứa rồi quên. Họ đứng lên rồi lại ngã quỵ. Dân Do Thái đã từng hứa trung thành với Giavê Thiên Chúa, nhưng rồi họ lại tin thờ thần ngoại bang. Mặc dầu Thiên Chúa luôn bảo vệ họ, chăm sóc họ như tình phụ tử dành cho con cái. Ngược lại, họ thường lãng quên ân huệ của Thiên Chúa. Họ năm lần bảy lượt quay lưng lại với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ.

Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất là bằng chứng về quá khứ đầy thất trung của dân tộc được tuyển chọn. Cha ông họ đã từng thờ thần ngoại bang. Hôm nay họ tuyên hứa chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa Giavê duy nhất, nhưng rồi lời hứa lại đi vào quên lãng chỉ còn lại những thất tín, bội thề. Thiên Chúa đối với họ như là một kho ơn, chỉ đề rút tỉa và một khi không đáp ứng nguyện vọng là họ lại tìm kiếm nơi các thần ngoại bang. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng tín trung với lời giao ước. Ngài chỉ giận, giận trong giây lát nhưng yêu thương, yêu thương trọn đời.

Hôm nay, Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ một chọn lựa. Chọn gắn bó với Chúa hay chạy theo thói đời của thế gian “hạnh phúc thì xum vầy, gian nan thì bỏ chạy”. Chúa đòi các môn đệ không lấp lửng, lập lờ “làm tôi hai chủ”, mà phải tỏ rõ lập trường. Bỏ đi hay ở lại. Chọn sự sống đời đời hay sự sống chóng qua đời này. Các môn đệ đã gắn bó với Chúa bao lâu nay nhưng liệu rằng bằng đó thời gian có đủ để niềm tin các ông trưởng thành và có thể nhận ra Thầy là Chúa, là Đấng ban sự sống hay chưa? Trước câu hỏi: “cả anh em, anh em cũng muốn bỏ Thầy đi sao?”. Nhiều môn đệ đã bỏ đi. Và chắc chắn ngay trong số 12 vẫn còn có kẻ muốn bỏ đi. Số còn lại do dự, im lặng, chỉ có một mình Phêrô đã mạnh dạn thưa lên rằng: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Vì chỉ có Thầy mới có lời ban lại sự sống đời đời”. Thánh Phêrô đã ở lại với Thầy, vì ông tin vào Thầy mình là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Ông ở lại với Thầy vì chỉ có Thầy mới mang lại sự sống đời đời.

Người xưa thường nói: “Qua gian nan mới biết ai là bạn, là thù”. Chúa Giêsu biết rõ một trong nhóm sẽ nộp mình. Ngài cũng Phêrô sẽ ba lần chối Thầy và đa số sẽ bỏ Thầy cho người ta hành hạ và treo lên thập tự giá, nhưng Ngài vẫn yêu thương. Ngài vẫn tìm mọi cách cho các môn đệ ở lại mãi trong tình yêu của Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa đời đời vẫn thế. Tựa như tình yêu của cha của mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn mãi mãi trung thành với tình yêu ban đầu. Ngài vẫn hằng tha thiết mời gọi con người hãy ở lại trong tình yêu của Ngài. Dù rằng đó là đứa ngỗ nghịch, dù rằng đó là đứa thường phạm sai lầm, đôi khi còn bất hiếu bất trung. Ngài vẫn yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn hỏi chúng ta “phần các con có muốn bỏ Thầy không?”. Chúng ta có dám ở lại với Thầy khi mà nhiều người đã không còn tin có thế giới thần linh? Chúng ta có dám gắn bó với Người khi mà cả khối đông nhân loại đang bỏ đi để chạy theo ma lực của đồng tiền và địa vị? Có lẽ phần nhiều chúng ta do dự, phần nhiều chúng ta im lặng. Vì biết bao lần chúng ta cũng bị cám dỗ bỏ đạo để được tiến thân trên đài cao danh vọng. Vì biết bao lần đồng tiền đã làm mờ con mắt, khiến chúng ta chao đảo đức tin, muốn buông xuôi theo thói gian dối của thế gian để tìm mối lợi cho bản thân của mình. Có thể chúng ta đang đóng vai trò một Giuđa vẫn ở xen lẫn với nhóm 12 nhưng chỉ chờ cơ hội để bán đứng Thầy và bán đứng anh em.

Nguyện xin Thiên Chúa tình yêu tha thứ những yếu đuối, nhỏ nhen đầy ích kỷ của chúng con. Xin Mình Máu Thánh Ngài nâng đỡ chúng con thoát khỏi những cám dỗ trần thế để mãi mãi con có thể nói như thánh Phêrô ngày nào: “Bỏ Ngài chúng con biết đến với ai. Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời”. Amen.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ