Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1370740

VỊ MỤC TỬ CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Vị Mục tử chạnh lòng thương

(Bài giảng Chúa nhật 16 Thường niên B của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên)

 

Giữa mớ hỗn độn của cuộc sống đời thường, Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta: hãy tìm định hướng cho cuộc đời mình. Hãy chọn lựa và đi theo Chúa vì Ngài là Mục tử của đời ta. Hình ảnh người mục tử chăm sóc đàn chiên giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, thêm an tâm tin tưởng và phó thác nơi Ngài, vì Ngài là Cha nhân hậu và là Đấng giàu lòng xót thương.

Cuộc sống xung quanh ta đầy rẫy những bon chen tính toán. Những quay cuồng vật lộn, những lo toan cơm áo gạo tiền dễ làm ta lạc đường mất hướng. Có những lúc giật mình nhìn lại, ngỡ ngàng không biết mình sống cho ai, để làm gì và sẽ đi về đâu. Giữa mớ hỗn độn của cuộc sống đời thường, Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta: hãy tìm định hướng cho cuộc đời mình. Hãy chọn lựa và đi theo Chúa vì Ngài là Mục tử của đời ta. Hình ảnh người mục tử chăm sóc đàn chiên giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, thêm an tâm tin tưởng và phó thác nơi Ngài, vì Ngài là Cha nhân hậu và là Đấng giàu lòng xót thương.

Người mục tử là một hình ảnh rất thân thương và gần gũi đối với dân tộc Do Thái, là dân chuyên sống bằng nghề du mục. Ảnh hưởng của người mục tử rất quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của đàn chiên. Qua lời ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa khẳng định, chính Ngài là mục tử của vương quốc Israen, cũng là Vua lãnh đạo dân tộc này. Ngài chăm sóc, hướng dẫn và chúc lành cho dân. Lịch sử nhân loại cũng là lịch sử cứu độ. Từng trang sử đều in đậm dấu ấn do quyền năng và tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại, đặc biệt đối với dân riêng Ngài đã chọn, tức là dân Do Thái. Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn hứa ban cho dân Israen một vị vua trong tương lai. Vị vua này sẽ dẫn dắt dân trong sự công chính. Người sẽ là vị Vua Hòa Bình. Nhờ Người, Thiên Chúa và con người sẽ giao hòa, muôn nước sẽ sống trong bình an. Người ta không còn dùng gươm giáo để tiêu diệt nhau nữa, nhưng cùng nắm tay nhau xây dựng một thế giới nhân ái yêu thương.

Vị vua tương lai mà ngôn sứ Giêrêmia loan báo là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và Đấng Cứu độ trần gian. Tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên, để nói về quyền năng của Người. “Ta là Mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên”, Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Người là Mục tử tốt và cũng là Mục tử đích thực. Hai đặc tính này đi đôi với nhau và diễn tả sứ mạng Thiên sai của Người. Trong lịch sử cũng như ngày hôm nay, đã và đang có những mục tử giả hiệu, những mục tử không tốt. Những mục tử này, thay vì phục vụ đàn chiên, lại hành hạ và giết chết đàn chiên. Chúa Giêsu là Mục tử tốt và thật. Vị Mục tử Giêsu vừa quan tâm đến những người cộng tác là các môn đệ, vừa lo lắng cho đám đông dân chúng. Khi thấy các môn đệ mệt mỏi, Người đã bảo họ đi nghỉ ngơi cầu nguyện tĩnh dưỡng. Khi thấy dân chúng đông đảo đi theo Người, Người chạnh lòng thương trước nỗi khốn cùng về thể xác cũng như tinh thần của họ. Không chỉ những người đi theo Chúa vào tận nơi hẻo lánh, mà còn cả nhân loại đang đói khát tình thương, cũng đang rất cần sự nâng đỡ của Chúa, vì chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy những khát vọng thâm sâu của con người.

Trước nỗi khốn cùng của cuộc sống, nhiều người đã chọn những giải pháp trần gian mà họ quên chạy đến với Chúa để xin Ngài hướng dẫn, chỉ lối đưa đường. Cũng có những người mù quáng đi theo những mục tử giả, tức là những cá nhân hoặc những trào lưu buông thả, vô thần, chủ trương lối sống duy vật chất và phủ nhận những giá trị thiêng liêng. “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi”, đó vừa là lời tuyên xưng đức tin, vừa là tâm tình phó thác của chúng ta, với tư cách là Kitô hữu. Trải qua hai mươi thế kỷ, biết bao sói dữ đã trở thành chiên lành, nhờ chuyên tâm đi theo vị Mục tử nhân lành dẫn dắt. Biết bao con chiên lạc đã trở về chính lộ nhờ thiện chí đón nhận lời giáo huấn của Người. Ý thức mình là con chiên trong đàn chiên đông đảo của Chúa, chúng ta hãy chân thành lắng nghe lời Người dạy và thực hiện lời Người nhủ khuyên. “Đường đi có Chúa chông gai con có sợ chi”, tin vào sự dẫn dắt của Chúa giúp chúng ta vượt thắng mọi gian khó trên đường đời.

Hình ảnh vị Mục tử nhân lành cũng nhắc nhở những ai được Chúa trao nhiệm vụ lãnh đạo các cộng đoàn tín hữu, tức là Giám mục, linh mục, phải noi gương Đức Giêsu, Đấng đã đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống vì tha nhân. Bất kể thời nào và ở đâu, Giáo hội luôn cần những mục tử tài đức, khiêm tốn và sẵn sàng phục vụ đàn chiên Chúa đã trao phó. Những vị lãnh đạo này rất cần đến sự nâng đỡ, cộng tác và cầu nguyện của các tín hữu.

Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo một vị Vua công chính đến để kiến tạo hòa bình, đó là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô tiếp tục quảng diễn sứ vụ thiên sai của Đức Giêsu, tức là giao hòa thế gian với Thiên Chúa và giao hòa con người với nhau. Người đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân Do Thái với các dân, tiêu diệt mối thù nghịch, liên kết mọi người và làm thành gia đình của Thiên Chúa (Bài đọc II). Gia đình này là đàn chiên đông đảo, không còn phân biệt nguồn gốc, ngôn ngữ hay mọi dị biệt. Mỗi cộng đoàn đều là hình ảnh của gia đình ấy. Sự hiệp thông gắn bó, tình đoàn kết yêu thương giữa mọi cá nhân trong một cộng đoàn, chính là lời chứng hùng hồn cho sự dẫn dắt yêu thương của vị Mục tử nhân lành, luôn chạnh lòng thương và chúc lành cho những ai tin tưởng phó thác nơi Người.

 

 

 

 

 

2. Mục tử ân cần

 

Bấy giờ các môn đệ đi rao giảng trở về. Các ông có nhiều chuyện để kể lại cho Chúa Giêsu nghe, nhưng các ông không làm được, bởi vì đám đông dân chúng cứ đòi Ngài phải nói với họ hay thực hiện một việc làm kỳ diệu nào đó, cho họ được thoả lòng. Chúa Giêsu muốn các ông rút vào một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, nhưng dân chúng vẫn đi theo, đến độ các ông không có giờ để mà ăn và rồi giờ thì đã muộn, quanh cảnh lại hoang vắng, nên bắt buộc các ông phải nghĩ đến chuyện họ đói phải cho ăn. Chính trong bối cảnh ấy đã diễn ra phép lạ hoá bánh ra nhiều.

Điểm nổi bật trong thái độ của Chúa Giêsu đó là lòng ân cần. Chúa Giêsu xuất hiện như một người đang chăm lo cho những kẻ chung quanh. Chúng ta đã quá quen với những điều mà thiên hạ vốn thường lặp đi lặp lại rằng: Người Kitô hữu phải lắng nghe người khác, phải lưu tâm tới các tiếng gọi. Thế nhưng thiết tưởng, chúng ta nên làm trẻ lại cách nhìn của chúng ta và hãy xem cách Chúa Giêsu đón tiếp các môn đệ khi các ông trở về. Cũng như hãy xem Chúa Giêsu đối diện với đám đông đang háo hức tìm gặp Ngài và Ngài đã động lòng thương xót họ vì họ bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không người chăn. Và đây cũng là điều chúng ta phải lưu ý: Đoàn chiên thiếu người chăn. Một đám đông, đang đói lời giảng dạy, đang khát sự hấp dẫn.

Thực vậy trải dài suốt hai mươi thế kỷ, lời cảnh giác của Chúa vẫn còn là một sự khẩn cấp: lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ sai thợ đến gặt lúa của mình. Biết bao nhiêu người trên thế giới, khát khao tìm gặp Chúa, nhưng lại không có ai hướng dẫn cho họ. Biết bao nhiêu người còn ngồi trong bóng tối, nhưng lại không có ai soi chiếu cho họ. Biết bao nhiêu đàn chiên không có người chăn, nên phải bơ vơ lạc lõng.

Thế nhưng trước một hoàn cảnh như thế, chúng ta phải làm gì? Đó mới là điều quan trọng. Bởi vì như danh ngôn Tây phương cũng đã nói: Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa sả bóng đêm.

Bằng đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, chúng ta có thể trở thành một tay thợ trên cánh đồng của Chúa, một ngọn đèn le lói trong đêm tối, một kẻ tiếp giúp cho việc hướng dẫn đoàn chiên.

 

 

 

 

 

2. Mục tử

 

Thiên Chúa đã dùng tiên tri Giêrêmia để quở trách và kết án những người lãnh đạo dân Chúa. Họ chẳng lo lắng đến dân chúng lại còn làm cho dân chúng phải điêu đứng và phân tán. Tuy nhiên Thiên Chúa đã mở ra cho thấy một viễn tượng tươi sáng. Mầm công chính xuất phát từ dòng Đavít, sẽ làm vua thống trị, sẽ thực thi hoà bình và công lý. Đó chính là Chúa Giêsu.

Thực vậy, Chúa Giêsu là mục tử nhân lành mà tiên tri Giêrêmia đã diễn tả. Ngài thương dân vì họ bơ vơ không có chủ chăn và ngài băt đầu dạy họ nhiều điều. Ngài như đồng cỏ non và như dòng suối mát để xoa dịu cơn đói khát của con người. Thế giới ngày nay tràn ngập ngôn từ, đầy dẫy những lời lẽ tuyên truyền và quảng cáo, thì liệu còn chỗ nào dành cho lời Chúa hay không. Nếu con người nghe theo tiếng Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài thì ngày kia, chỉ còn lại một đoàn chiên và một chủ chiên. Chúa Giêsu không phải là kẻ chăn thuê, chỉ làm vì lợi lộc. Trái lại Ngài chăm sóc cho từng con chiên một, băng bó những con bị thương, và vác lên vai con bị đau yếu. Ngài dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, và tới dòng suối mát. Ngài dám thí mạng sống để bảo vệ đoàn chiên, và cuối cùng, Ngài đã trở nên của ăn nuôi sống cho đoàn chiên.

Tiếp đến Chúa Giêsu còn là vị mục tử hoà giải. Tội lỗi đem lại sự phân cách với Thiên Chúa, sự bất hoà với nhau và sự hỗn loạn trong xã hội. Như lời sách Sáng Thế Ký đã nói: Vì ngươi bất tuân nên đất đai sẽ nguyền rủa ngươi. Người mục tử đích thực của đoàn chiên sẽ tiêu diệt tội lỗi, xoá bỏ đi sự ngăn cách giữa trời và đất, sự thù hận giữa người với người. Bằng thập giá, Ngài đã thực hiện được mục đích đó, đồng thời tụ họp chúng ta lại với nhau. Đôi tay Ngài dang rộng như muốn ôm trọn cả nhân loại như lời thánh Phaolô: Chúng ta trở nên gần gũi nhau nhờ máu Đức Kitô. Cây thập giá gồm hai nét. Nét dọc nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Còn nét ngang nối kết chúng ta lại với nhau.

Sau cùng Chúa Giêsu là mục tử an bình. Ngài đã thực hiện lời tiên tri Giêrêmia, tách biệt khỏi những kẻ chăn thuê vì lợi lộc để chứng thực mình là mục tử nhân lành. Ngài xua đuổi chó sói, và những kẻ cướp bóc. Ngài dạy dỗ và cứu vớt những con chiên lạc, dẫn đưa đoàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi. Đi bên Ngài chúng ta không còn sợ hãi chi, và không lo thiếu thốn thứ gì cả. Ngài chính là sự sáng. Đi theo Ngài chúng ta sẽ không bao giờ bị lầm đường lạc lối.

 

 

 

 

 

3. Thương đàn chiên bơ vơ – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

 

Hai sự kiện lịch sử lớn nhất thế kỷ hai mươi là:

Việc mở cổng Brandenburg và phá đổ bức tường ô nhục Berlin trước lễ Giáng Sinh năm 1989, đã chấm dứt 28 năm chia đôi nước Đức và chiến tranh lạnh thế giới giữa hai phe hận thù tư bản và cộng sản, mở ra một kỷ nguyên mới hòa bình và tin tưởng lẫn nhau. Thế giới hy vọng có những chủ chiên nhân lành, thương dân, xây dựng một thế giới đoàn kết, phát triển.

Việc thứ hai là dân tộc Israel và Palestin đã hạ súng xuống, sau hơn 30 năm chém giết nhau. Giữa tháng 7 năm 1994, ông Arafát chủ tịch Palestin đã về nước và tuyên bố: “Palestin và Israel cùng một tổ tiên”. Họ không còn những chủ chiên giả dẫn dắt vào con đường lầm lạc, hận thù, cuồng tín, tan nát. Họ đã được giải thoát khỏi những kẻ mù dắt mù xuống hố.

Người ta đã kể đến những vĩ nhân có công trực tiếp chấm dứt thời kỳ làm tán loạn thế giới là: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, ông Walesa: chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Balan, ông Gorbachov: tổng bí thư Liên bang Xô viết và ông Reagan: tổng thống Mỹ. Thực ra, họ chỉ là những sứ giả hòa bình của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô mới là người phá bức tường chia rẽ hận thù giữa loài người với Thiên Chúa, giữa dân tộc với dân tộc, giữa cá nhân với cá nhân.

Thánh Phaolô đã nói rõ vai trò đó của Đức Giêsu Kitô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Trước kia anh em là những kẻ ở xa đối với Thiên Chúa, thì nay trong Đức Kitô, anh em đã trở nên những người ở gần … Chính Người đã liên kết dân Do thái và dân ngoại thành một. Người đã hiến thân để phá đổ bức tường ngăn cách là hận thù. Như vậy, nơi bản thân, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới và thiết lập hòa bình. Nhờ thập giá, Người đã quy tụ đôi bên trong một thân thể duy nhất, và cho họ được giao hòa với Thiên Chúa”. Tin mừng hôm nay cho thấy tấm lòng của Chúa Giêsu thương mến đám đông dân chúng biết bao: “Đến nỗi dầu mỏi mệt, đói khát đến đâu Người vẫn sẵn sàng tiếp đón họ, dạy dỗ và cứu chữa họ, không để họ bơ vơ thất vọng”. Thiếu vắng Người, họ như đàn chiên không người chăn dắt. Dân Do thái và dân ngoại thời đó, giống như bầy chiên bơ vơ, lạc lõng. Đất nước bị quân La mã đô hộ. Vua quan như Hêrôđê chỉ là tay sai đế quốc bóc lột dã man. Hêrôđê có nhiều con, nhưng chính tay ông đã giết hết, chỉ còn bốn hoàng tử. Dân chúng hơi bị nghi ngờ là bắt giết. Một hôm vua giả dạng thường dân đến làng quê, gặp ông già, vua hỏi: “Ông nghĩ về vua thế nào?”. Ông đáp: “Chim trời cũng là tình báo cho vua, còn ai dám nói điều gì” (Lm. Bửu Dưỡng, Ngôn hành dưới đất, 1965. tr. 37).

Đời đã bị xiết chặt, đạo cũng bị phân tán trăm bè bảy mối: phái Sađốc lo ăn chơi bám gót đế quốc; phái tư tế lo giữ địa vị, sợ đế quốc cách chức, dẹp bỏ; phái Pharisiêu bày đặt ra những luật tỉ mỉ, kiêng cữ bên ngoài để gò ép dân chúng sống khắt khe. Mỗi bè phái lôi kéo dân chúng theo mình. Dân chúng không còn biết chủ chăn nào chân chính, chủ chăn nào của Thiên Chúa. Đúng như lời Chúa phán trong bài đọc một: “Khốn thay những mục tử đã làm cho đàn chiên trong đồng cỏ của Ta phải tản lạc chết chóc”.

Giờ đây, Đức Giêsu đến để cho họ nhận ra Người là chủ chăn của Thiên Chúa. Người nói: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống mình cho chiên… cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên Tôi và chiên Tôi biết Tôi… Tôi là cửa cho chiên ra vào, ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu”.

Đức Giêsu còn dạy cho dân chúng biết kẻ chăn giả, không qua cửa mà vào, chúng chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy… chúng không thiết gì đến chiên. Khi sói đến, chúng bỏ chiên mà chạy, để mặc cho sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn (Ga 10,1-14).

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu đang thực thi sứ vụ mục tử nhân lành, luôn luôn chỉ dẫn cho nhân dân thế giới biết những kẻ chăn chiên giả. Họ là trộm cướp, tham nhũng, bóc lột, đàn áp chiên để chiếm tài sản, danh vọng, chức quyền. Họ sống giàu sang phú quý, xa hoa như những ông hoàng bà chúa thời phong kiến độc tài. Dân chúng sống nghèo khổ, lại phải đóng góp thuế má mọi mặt, phải hạn chế sinh sản, lại tự do sống đồi trụy và phá thai. Dân chúng không còn chủ chăn chân chính mà chỉ có trộm cướp.

Trung tuần tháng 8 năm 1997, một mục tử nhân lành, dầu đã 77 tuổi, sức yếu, chân chồn, vẫn đến Paris, thủ đô nước Pháp, gặp gỡ, yêu mến, săn sóc và khuyến khích hàng triệu con chiên giới trẻ bơ vơ, biết mạnh mẽ sống yêu thương, đoàn kết, tin tưởng gắn bó chặt chẽ với Đức Kitô, Chúa chiên nhân lành, trẻ trung, đã hy sinh cho họ được sống và sống dồi dào. Ngày nay, còn được bao nhiêu mục tử nhân lành như vậy? Còn được bao nhiêu linh mục, thầy dạy, cha mẹ biết thấy con chiên đông đảo bơ vơ thì chạnh lòng thương để hy sinh phục vụ con chiên như Chúa chiên lành Giêsu xưa?

Lạy Chúa Giêsu, Người đã lăn xả xuống trần gian, đi tìm đàn chiên tản lạc và soi sáng dạy dỗ họ bằng lời hằng sống, cứu chữa hồn xác họ được lành mạnh, tin tưởng. Họ được no thỏa nằm nghỉ ngơi trong đồng cỏ tình yêu xanh tươi êm ái của Người. Còn bao nhiêu tâm hồn bơ vơ thất bại trên thế giới hoang dã này, xin Chúa cho họ được thấy đường Người đi mà chạy đến gặp gỡ Người để được sống và sống dồi dào.

 

 

 

 

 

4. Xin đừng vô cảm

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Có ai đó nói rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Sự lạnh lùng con tim khiến cho tình người giá rét đến nỗi không thể thổi hơi ấm tình người cho nhau. Trái tim lạnh lùng đã khiến họ co ro trong vỏ ốc ích kỷ cá nhân mà không thể vươn ra với đồng loại. Sống giữa xã hội lạnh băng tình người, ta sẽ cảm thấy cái lạnh xuyên thấu tâm can, nó dẫn ta đến nỗi đau tột cùng của sự cô đơn.

Cái lạnh tình người ấy dường như đang bao phủ trong xã hội việt Nam hôm nay. Theo kết quả mới công bố của hãng khảo sát quốc tế Gallup, Việt Nam xếp thứ 13 trong những quốc gia vô cảm nhất thế giới. Thực hư của khảo sát không biết đúng hay sai? Nhưng càng ngày, chúng ta càng phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng, những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chuyện nữ sinh đánh nhau được các bạn cổ vũ nhiệt tình; chuyện bác sĩ thờ ơ, tắc trách làm chết bệnh nhân; chuyện bảo mẫu, cha mẹ bạo hành con trẻ đến chết; chuyện những vụ án giết người man rợ… khiến người ta không khỏi bàng hoàng về sự suy đồi đạo đức mà biểu hiện rõ nhất là sự vô cảm của con người. Người ta lo ngại “bệnh vô cảm” đang có sức lây lan rất lớn, len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

Sự vô cảm của con người dâng cao đến độ vô tâm làm hại nhau bằng đầu độc thuốc độc hại trong thực phẩm, trong trái cây... Dường như trong tất cả các trái cây hay rau xanh bán ở thị trường Việt Nam hôm nay đều được xịt thuốc trước hoặc sau. Đó là hành động giết người, là tội ác, là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thế nhưng, những sát thủ này vì lợi nhuận vẫn thản nhiên bơm thuốc vào thực phẩm để bán. Sư vô tâm còn man rợ đến nỗi gây nguy hiểm cho tha nhân khi chạy xe ẩu, lạng lách, đánh võng và thiếu nhường nhịn nhau trong giao thông đã gây nên hàng vạn cái chết thương tâm.

Trước một xã hội lạnh giá như vậy thì cần lắm một ngọn lửa tình người được thắp lên. Cần lắm những con người vượt lên trên lợi nhuận để sống có lương tâm, có đạo đức, có tình người. Đừng vì lợi nhuận mà đầu độc thuốc vào thực phẩm. Đừng vì vô tâm mà thấy nguy hiểm với tha nhân mà vẫn thản nhiên.

Giữa một xã hội lạnh lùng tình người thì cần lắm một đời sống chứng nhân của người Kitô hữu. Người Kitô hữu phải sống cho Tin mừng. Một Tin Mừng của yêu thương không tham lam của người và biết chia sẻ cơm bánh cho người nghèo khó. Một Tin mừng của tình người luôn biết chạnh lòng thương xót những khổ đau của tha nhân, và sẵn lòng cúi xuống phục vụ mà không mong đền đáp. Một Tin Mừng của công lý và hòa bình để người người biết tôn trọng nhau, tôn trọng luật pháp hầu xây dựng một thế giới hòa bình yêu thương.

Chúa Giêsu đã sống yêu thương. Tình yêu của Ngài trải rộng cho mọi người. Trái tim Ngài luôn chạnh lòng xót thương những mảnh đời khổ đau. Ngài luôn dấn thân xây dựng một thế giới công bằng bác ái. Ngài luôn đặt lợi ích tha nhân lên trên quyền lợi bản thân. Phúc âm ghi rằng Ngài và các môn đệ toan tính rời xa đám đông để nghỉ ngơi. Thế mà, đám đông vẫn theo Ngài. Ngài chạnh lòng thương xót họ và tiếp tục thi ân cho họ.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết trở nên giống như Chúa luôn sống bác ái yêu thương với mọi người. Xin đừng vì ích kỷ mà đóng cửa lòng với những nhu cầu khổ đau của tha nhân. Xin đừng vì tham lam mà sống thiếu công lý và tình thương làm hại người, hại đời. Amen.

 

 

 

 

 

5. Thời giờ cho Chúa và cho nhau

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Thế giới mỗi ngày một văn minh. Khoa học luôn tiến triển không ngừng. Văn minh hiện đại đã đáp ứng rất nhiều nhu cầu sinh hoạt cho con người. Thế nhưng, cơn lốc của văn minh đã cuốn hút con người chạy theo những đam mê hưởng thụ. Con người dường như đang trở thành một cái máy không hồn. Ăn và làm đó là mục đích chính yếu của con người văn minh hôm nay. Họ không còn giờ để bàn về việc có Thiên Chúa hay không. Họ không còn giờ để nhận ra niềm vui, nỗi buồn của tha nhân. Họ không còn thời giờ dành cho Chúa và cho nhau.

Mỗi lần có dịp trao đổi với các bạn trẻ, tôi thường nghe họ nói: “Con rất ít cầu nguyện”. Nguyên do đơn giản là quá bận rộn với công việc. Ngoài thời giờ học hành, làm việc, mệt mỏi và lăn ra ngủ thế là hết ngày, hết tháng, có khi hết cả năm vẫn không một lần đọc kinh cầu nguyện. Thế giới văn minh đã đẩy con người vào cơn lốc của tiền bạc, danh vọng và lạc thú. Dưới góc cạnh của luân lý, đây là hiểm hoạ đang đe doạ con người. Văn minh là điều tốt. Giải thoát con người khỏi lầm than, lạc hậu. Nhưng nếu văn minh khoa học chỉ nhắm phát triển thể xác mà không hướng con người đến sự sống siêu nhiên, sẽ giới hạn con người thuần túy là loài vật, sẽ dấn đến huỷ diệt con người thay cho phát triển và hoàn thiện. Con người có hồn – có xác. Con người có tương quan với Đấng tạo hoá và với tha nhân. Nếu quá chú trọng đến nhu cầu thể xác mà quên đi đời sống tâm linh, con ngươi đã tự vong thân. Chỉ là những thây ma không hồn, gieo tai hoạ và khổ đau cho nhau. Con người sẽ đối xử tàn bạo với nhau nếu con người chỉ coi mình thuần túy là loài vật mà chối bỏ niềm tin vào Trời, vào Thiên Chúa, vào Đấng tạo thành. Không còn cảm nhận sự nhỏ bé trước Đấng Tạo Thành, con người sẽ mất đi sự khiêm tốn để sống gần gũi và hòa hợp với mọi người.

Cha ông ta vẫn nói: Có tài mà không có đức chỉ là tai hoạ cho gia đình và xã hội. Cái đức có là do tin vào có đời sau. Tin vào sự thưởng phạt của Đấng Tạo hóa. Người ta sống có đức vì trời có mắt. Người ta ăn ở ngay lành vì để đời sau được bình an hạnh phúc. Thế nên, là người thì tài đức cần phát triển song hành và hỗ trợ với nhau. Thế giới đã qúa đau khổ bởi những người có tài mà phi nhân bất nghĩa như: Hitler, Ponpót… Họ tìm vinh quang cho bản thân của mình đến nỗi sẵn sàng huỷ diệt cả hàng triệu sinh linh. Thế giới đã quá sợ hãi bởi những cuộc chạy đua kinh tế, khai thác dầu mỏ và vàng bạc đá qúy chỉ dẫn đến chiến tranh, bạo động và cướp phá lẫn nhau.

Chúa Giêsu đã rất khôn ngoan và tỉnh táo. Ngài không để các môn đệ quá say sưa trong công việc, và ngủ say trong chiến thắng. Sau một thời gian hoạt động tông đồ miệt mài và đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ trở về với chính mình. Nhận biết mình thật nhỏ bé. Chỉ là dụng cụ được Thiên Chúa sử dụng vào công việc của Ngài. Cần phải hướng lòng lên Chúa để tạ ơn về thành quả đạt được và cầu nguyện để tìm hiểu thánh ý Chúa. Chính Chúa Giêsu vẫn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện riêng với Chúa Cha. Chính Ngài đã nhiều lần tạ ơn Chúa Cha vì những gì đang diễn ra trong cuộc đời của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã từng một lòng cương quyết vâng theo thánh ý Chúa Cha, quyết một lòng đi theo con đường Chúa Cha đã định. Chúa Giêsu đã sống phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Sứ mệnh của Ngài là giới thiệu về Thiên Chúa cho con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa. Như vậy, việc tôn vinh Chúa Cha cũng gắn liền với việc phục vụ tha nhân. Nếu chỉ chú trọng việc phục vụ tha nhân mà xa rời Thiên Chúa con người sẽ đánh mất căn tính của mình. Nếu chỉ quy hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa mà dửng dưng hay làm ngơ trước sự khốn cùng của đồng loại, cuộc sống trần gian sẽ không còn ý nghĩa. Chính vì lẽ đó, dù rằng sau những giờ làm việc mệt mỏi, Chúa Giêsu cùng các môn đệ muốn tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện, nhưng đoàn dân lại khao khát tìm đến Chúa để được no thỏa vật chất và tinh thần, Chúa Giêsu đã động lòng trắc ẩn. Ngài không lỡ từ chối hay chạy trốn đám đông. Ngài tiếp tục giang rộng đôi tay để thi ân và đón nhận tha nhân.

Ngày nay vẫn còn đó biết bao cảnh đời tha phương cầu thực đang cần một chút tình thương của chúng ta, nhưng liệu rằng chúng ta có sẵn lòng mở rộng đôi tay để trao ban và đón nhận hay chúng ta lại ngoảnh mặt làm ngơ, và tìm cách thoái thác để tiếp tục với công việc của mình mà quên đi đồng loại? Phải chăng chúng ta đang mải dệt đời mình trong danh lợi thú mà quên đi bổn phận với Đấng Tối Cao?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy dành một chút thời giờ để nhìn lại mục đích đời người là gì? Người ta sống ở đời này để làm gì? Nếu không xác định được hướng đi của đời người thì cuộc sống của chúng ta chỉ tựa như con thiêu thân đang hủy hoại đời mình trong ánh hào quang của danh vọng trần gian.

Ước gì mỗi người chúng ta đang khi vất vả lo lắng cho những nhu cầu đời sống hằng ngày, cũng biết tìm vinh danh Chúa trong cuộc sống phục vụ tha nhân. Ước gì mỗi ngừơi chúng ta cũng tìm được lẽ sống của đời mình, để có thể dâng lên Chúa lời cầu nguyện như thánh Phanxicô thành Assisi: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Vì chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.

 

 

 

 

 

6. Tìm kiếm lương thực nuôi hồn

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

 

Ông Delia Delgatto, Giám đốc Trung tâm quốc gia chăm sóc trẻ em của Chi-lê cho biết: Một bé trai người Chi-lê 10 tuổi, bị cha mẹ nghiện ma tuý nặng, vứt bỏ ra đường từ lúc lên năm. Từ đó, em chung sống với một đàn chó hoang chừng 15 con trong một cái hang tại thành phố cảng Talcahuano, ở phía Nam Chi-lê. Ngày ngày cậu bé cùng đi kiếm ăn chung với đàn chó. Hôm nào không tìm được thực phẩm, những con chó cái trong đàn đã cho bé trai này bú sữa của chúng.

Ông Delia kể tiếp: “Cảnh sát Chi-lê bắt lại được bé trai này khi bé nhảy xuống một cái hồ tìm cách thoát thân.”

Vì lâu ngày ở chung với chó, em không biết nói tiếng người mà chỉ biết gầm gừ như chó. Và cũng vì chưa có tên nên báo chí gọi em là Bé Chó. (nguồn: Vietcatholic ngày 21 tháng 6 năm 2001)

Bé Chó nầy không hề thiếu lương thực nuôi xác, nhưng em thiếu hoàn toàn lương thực tinh thần như văn hoá, lễ nghĩa, lời dạy bảo khôn ngoan… nên em không thể thành người. Em mang hình hài con người nhưng tính tình và cách sống của em lại thuộc loài chó.

Sự kiện hiếm có nầy chứng tỏ cho thấy rằng nếu chỉ dùng lương thực nuôi xác mà không hấp thụ lương thực tinh thần, con người trở nên như con vật.

Để trở thành người, chúng ta không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần đến văn hoá, giáo dục và nhất là Lời khôn ngoan mang lại sự sống đời đời của Chúa Giêsu. (Mt 4,4)

Khao khát lương thực tinh thần

Tin Mừng hôm nay cho thấy đám đông dân Do-Thái nô nức tìm đến với Chúa Giêsu, không phải để tìm lương thực vật chất mà là tìm kiếm những lời dạy khôn ngoan.

Vì thấy các môn đệ mệt nhoài sau hành trình rao giảng, Chúa Giêsu sai các ông tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi cho lại sức.

Các môn đệ vừa xuống thuyền ra đi thì đám đông dân chúng đoán biết địa điểm mà các ngài sẽ đến nên từ các thành, họ kéo nhau đi vòng quanh bờ hồ, tuôn đến nơi ấy trước Chúa Giêsu và các môn đệ.

Khi Chúa Giêsu lên bờ thì thấy dân chúng đã tụ họp đông đảo đang khao khát đón nhận những lời khôn ngoan của Người. Chúa cảm thương họ vì họ như đàn chiên đói khát bơ vơ không người chăn và Người đã trao ban lời khôn ngoan cho họ.

Thiên Chúa ban cho con người cơm bánh để nuôi phần xác nhưng điều quan trọng hơn là Người ban lương thực tinh thần để bồi bổ tâm linh họ.

Chúng ta vô cùng diễm phúc khi được sống bên Chúa Giêsu là hiện thân của Sự Khôn Ngoan, được đón nhận Kinh Thánh là kho tàng chứa đựng sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vì thế, nếu không biết khai thác kho tàng khôn ngoan nầy thì thật vô cùng uổng phí.

Người Ả-rập Xê-út trước đây mang phận nghèo truyền kiếp. Tổ tiên họ sở hữu một kho tàng vô cùng phong phú nằm ngay dưới chân mình. Đó là một kho dầu lửa khổng lồ chiếm hơn một phần tư trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tiếc thay, vì không biết khám phá kho tàng đó, nên cha ông họ đã sống trong nghèo đói cùng cực từ đời nầy sang đời khác.

Từ năm 1938, nhờ việc phát hiện và khai thác kho “vàng trắng” vĩ đại này, Ả-rập Xê-út trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhân dân Ả-rập trở thành những người giàu có bậc nhất.

Như người Ả-rập xưa, chúng ta cũng đang sống bên cạnh kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Kho tàng đó là Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Kho tàng đó là chính Chúa Giêsu, hiện thân của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng tiếc thay chúng ta không biết khai thác kho tàng khôn ngoan bên cạnh mình, nên chúng ta vẫn còn là những người nghèo đói trong đời sống tâm linh.

Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con luôn nhớ rằng thân xác của chúng con mai đây sẽ hư nát và chỉ còn là tro bụi, nên chỉ cần chăm sóc vừa phải, còn linh hồn chúng con sẽ tồn tại vĩnh viễn nên đáng được nuôi dưỡng chu đáo hơn. Amen.

 

 

 

 

 

7. Tinh thần mục tử.

 

Như chúng ta đã biết dân Do Thái, một phần sống bằng nghề chăn nuôi, nên hình ảnh mục tử, người chăn dắt đoàn chiên, là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi. Đavít ngày xưa, khi còn là một em bé chăn chiên, đã được Samuel xức dầu đặt làm vua. Sau này, trên ngai vàng, Đavít đã hướng dẫn dân Chúa tới một thời đại hoàng kim. Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh mục tử, không phải để chỉ các vua mà còn ám chỉ chính Thiên Chúa, Ngài sẽ đích thân chăn dắt dân Ngài.

Lời tiên báo của các tiên tri đã được Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Ngài, bởi vì Ngài chính là vị mục tử nhân lành. Thái độ nhân lành ấy đã được biểu lộ qua việc ân cần chăm sóc mà đoạn Tin Mừng ngắn ngủi sáng nay đã ghi lại.

Trước hết là đối với các môn đệ đang mệt mỏi vì những cuộc hành trình truyền bá Phúc Âm, Ngài đã khuyên các ông hãy tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút. Tiếp đến là đối với đám đông đang đói lời giảng dạy cũng như đang khát sự dẫn dắt, Phúc Âm đã ghi lại: Nhìn thấy họ, Chúa Giêsu đã động lòng thương xót và Ngài đã làm phép lạ để họ được ăn no giữa chốn hoang vắng. Không một trang Phuc Âm nào, mà chúng ta không thấy được những hành động bác ái yêu thương Chúa Giêsu đã thực hiện, nào là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết được sống lại, tất cả những hành động này chỉ nhằm một mục đích duy nhất là xoa dịu mọi nỗi đớn đau của con người. Hơn thế nữa, Ngài còn dành một tình cảm đặc biệt cho những kẻ tội lỗi. Ngài đối xứ với họ như mục tử đối xử với những con chiên lạc. Ngài đã lên đường tìm kiếm họ, và nhất là Ngài đã tha thứ cho họ. Cái ước vọng duy nhất của Ngài, đó là cuối cùng chỉ còn lại một đoàn chiên và một chủ chiên. Cũng trong ước vọng duy nhất này mà Ngài đã chấp nhận chịu chết để đoàn chiên, là tất cả chúng ta được sống.

Từ hình ảnh người mục tử chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên chúng ta chưa phải là những mục tử của Chúa, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể tham dự chúc vụ mục tử này nhờ bí tích Rửa Tội, hay nói một cách khác, cái tinh thần mục tử chính là cái tinh thần mà mỗi người chúng ta phải sống, phải thực hiện trong cuộc đời của mình. Vậy tinh thần mục tử là gì?

Xin thưa đó là tinh thần phục vụ. Đúng thế, người làm vua hay người làm mục tử theo tinh thần của Chúa, không phải là để cai trị dân hay đánh đập những con chiên của mình, nhưng là để an ủi khích lệ, giúp đỡ và phục vụ họ như lời Ngài đã phán: Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ phục vụ cho mọi người. Chính Ngài cũng đã từng làm gương cho chúng ta: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho mọi người.

Từ đó chúng ta đi đến một kết luận đó là: Sống tinh thần mục tử đó là sống tinh thần phục vụ, dấn thân để giúp đỡ anh em theo mẫu gương của Chúa Giêsu.

 

home Mục lục Lưu trữ