Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1373894

VÌ NGƯỜI

Vì người

Ông Inhac Pađêrốtki, nhạc sĩ người Ba Lan. Một hôm, sau khi trình diễn, người ta gặp thấy ông ngồi im lặng sau hậu trường, vẻ mặt thẩn thờ, mắt nhìn xa xăm. Người nhạc công phụ diễn với ông, ngạc nhiên hỏi ông có đau bệnh gì không? Pađêrốtki trả lời: “Tôi vẫn khỏe. Tôi chỉ buồn vì thiếu mất hai người bạn. Họ là đôi vợ chồng có mái tóc màu nâu. Hôm nay vắng mặt họ tại hàng ghế thứ tư, nơi họ thường ngồi”. Người bạn kinh ngạc thốt lên: “Không ngờ ông lại có bạn nơi thành phố này. Ông quen thân với họ chứ?”. Pađêrốtki đáp: “Tôi biết họ rất rõ, nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ hai mươi năm nay, cứ mỗi lần tôi đến đây trình diễn, họ đều có mặt tại hàng ghế ấy. Tôi mến họ cách thưởng thức nhạc. Họ là tư duy của tôi. Và tất cả những bản nhạc tôi chơi đều dành riêng để tặng họ. Hôm nay tôi mất hết hứng thú vì vắng họ”. Ngừng một lát, rồi ông tiếp: “Mong sao không có gì xảy ra cho họ”.

Chỉ nhờ vào cách thưởng thức nhạc mà đôi vợ chồng thính giả ấy đã được nhạc sĩ Pađerốtki dành trọn tài năng âm nhạc của ông cho họ. Một sự đáp trả vượt quá tưởng tượng. Tuy nhiên, sự đáp trả mà Chúa Giêsu hứa cho những kẻ theo Ngài còn vượt xa hơn biết bao. Khi chọn lựa theo Chúa Giêsu, người môn đệ biết sẽ không tránh được nhiều mất mát. Nhưng Thiên Chúa không để cho họ thiệt thòi. Ngài sẽ đền bù, một sự đền bù vượt xa mọi chờ mong. Trước mặt Thiên Chúa, sẽ không có gì bị bỏ quên. Một bát nước lã thôi cũng sẽ được đền bù xứng đáng. Và cũng không có việc làm nào là kém giá trị.

Đón tiếp một ngôn sứ sẽ lãnh phần thưởng của ngôn sứ. Đón tiếp người công chính sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Đón tiếp người rao giảng sẽ lãnh phần thưởng của người rao giảng. Chúa Giêsu đã nói như thế trong Tin mừng hôm nay. Người môn đệ đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành thực thi bổn phận. Với Thiên Chúa, bổn phận, dù công khai hay âm thầm, cũng vẫn luôn cần thiết. Thiên Chúa cần những con người ngày đêm nhiệt thành rao giảng, làm chứng cho Ngài, thì Ngài cũng cần những tiếp tay âm thầm hỗ trợ cho những con người ấy. Đây chính là niềm phấn khởi, hi vọng cho mỗi Kitô hữu. Tài hèn,sức kém, chúng ta không thể làm ngôn sứ, làm người lãnh đạo, hoặc làm kẻ gánh vác những trách vụ nặng nề, nhưng chúng ta vẫn có thể đóng góp một vài giúp đỡ cho những con người ấy.

Dù là vĩ nhân, cũng cần đến những nhu cầu căn bản của đời sống. Công chúng sẽ chẳng bao giờ biết đến những con người đứng sau hậu trường. Nhưng nếu không có họ thì xã hội chẳng thể nào có được các vĩ nhân. Lịch sử chỉ nhớ đến các vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại nhớ tất cả, chẳng bỏ sót một khuôn mặt nào. Phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân. Cũng có thể là các việc đạo đức của chúng ta không đặc biệt sáng chói để được gọi là người công chính, là thánh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta góp phần làm cho một người khác trở thành công chính, góp phần bằng cầu nguyện, hi sinh, thì chúng ta cũng lãnh nhận triều thiên của người công chính.

Tìm hiểu thêm một chút nữa, chúng ta sẽ ý thức hơn và hiểu rõ hơn điều ấy: Càng đi tìm chính mình, chúng ta càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, chúng ta càng chết dần trong nỗi cô đơn. Niềm khao khát hạnh phúc, chúng ta chỉ có thể lấp đầy khi đến với tha nhân mà thôi. Đó là chân lý nền tảng về con người. Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi biết sống cho tha nhân.

Qua cuộc tử nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý ấy. Ngài bảo chúng ta: “Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong tiền của, danh lợi, chức quyền, lạc thú riêng mình, thì rồi cũng chỉ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi. Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính qua những cử chỉ yêu thương chúng ta mới tìm được bản thân mình. Đó là chính là ý nghĩa của “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta vẫn thường hát: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”

 

27. Thập giá

Một trong những điều dễ chịu, thú vị trong đời sống là gặp được một người cởi mở, thân thiện, nồng nhiệt và mến khách. Lòng mến khách là một dấu ấn xác nhận người môn đệ chân chính của Đức Kitô.

Khi mùa đông dài chấm dứt, thì mùa xuân trở lại. Dọc theo đường phố, người ta vui mừng. Họ kéo màn và mở các cửa sổ. Không khí mát, ánh sáng mặt trời và hơi ấm tràn vào nhà họ. Họ thốt lên “Cám ơn Thiên Chúa vì mùa xuân về, cám ơn Thiên Chúa vì ánh sáng mặt trời!”

Thế rồi đúng lúc ấy, một người ăn xin xuất hiện ở cuối đường. Anh ta bị phát hiện qua những cửa sổ mở rộng. Dọc theo chiều dài của con đường những cửa sổ đóng lại từng cái một các tấm màn cửa kéo kín lại, và các then cửa gài chặt lại. Người ăn xin gõ vào mỗi cánh cửa nhà trên đường, nhưng không có cánh cửa nào mở ra cho anh ta.

Một cách tuyệt vọng, anh ta rời bỏ con đường và hướng về một nơi nào khác. Không lâu sau khi anh ta đi khỏi, các màn cửa lại được kéo ra lại, các cánh cửa một lần nữa mở ra. Ánh sáng mặt trời và không khí trong lành lại ùa vào. Và mọi người lại vui mừng.

Điều lạ lùng là nhà chúng ta luôn mở rộng để đón nhận ánh sáng mặt trời và không khí trong lành của Thiên Chúa nhưng thường không mở ra để đón nhận con cái của Người, đặc biệt khi người này đến trong cảnh cơ hàn.

Đức Kitô khuyến khích chúng ta phải mến khách. Ngày nay lòng mến khách rất khác với ngày xưa khi không cần khóa chặt cửa nhà mình. Khổ nỗi, những ngày ấy đã qua rồi. Ngày nay là thời buổi ổ khóa, then cài, lỗ quan sát, nhìn qua cửa, hệ thống báo động, chó… Vì thế ngày nay hơn bao giờ hết, cần đến lòng mến khách thân thiện. Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều cảnh cô đơn, nhiều người xa lạ, ngoại kiều, kẻ tha hương.

Lòng mến khách đối với một người bạn không có gì đáng kể. Nó không bao hàm nguy cơ, và xem ra ân nghĩa có thể được đáp trả. Nhưng lòng mến khách đối với một người xa lạ đến với mình. Lòng mến khách không có nghĩa làm họ giống mình. Nó có nghĩa chấp nhận những người khác như họ vẫn thế. Điều này làm họ tỏa sáng sự xa lạ của họ, đồng thời vẫn trở thành thành viên của cộng đoàn.

Nếu những người Kitô hữu sống thành những khu đặc biệt cứ trong đó họ củng cố và bảo đảm cho chính họ và những đặc tính của họ thì thế giới còn hy vọng được điều gì? Đức Kitô kêu gọi chúng ta phải đến với người xa lạ. Và phần thưởng sẽ rất lớn. Người nói rằng ngay cả một hành động nhân từ nhỏ bé như cho uống một chén nước lã thì hành động này cũng sẽ được thưởng công. Nhưng cũng có phần thưởng trần thế và là những phần thưởng lớn – Sự phát triển hiểu biết, tình thân hữu và hợp tác là những điều mà những người láng giềng của chúng ta đòi hỏi.

Đó là một loại mùa xuân mà chúng ta có thể làm cho nó đến nhà và khu phố của chúng ta, một mùa xuân sẽ xua đuổi mọi đám sương mù của sợ hãi, nghi kỵ, thù hận. Đối với những môn đệ của Đức Kitô, lòng mến khách không phải là điều phụ thuộc ngoại lệ. Nó là trung tâm của Tin mừng. Và động lực tối hậu của nó luôn sáng tỏ, đón tiếp người xa lạ là đón tiếp chính Đức Kitô.

Lòng mến khách không phải mở cửa nhà mình cho bằng mở cửa tâm hồn mình. Mở cửa tâm hồn mình thường gặp những nguy cơ. Người ta có thể bị tổn thương. Nhưng mở cửa tâm hồn mình là bắt đầu sống. Đóng cửa tâm hồn mình là bắt đầu chết.

 

28. Từ bỏ – Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng

Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho chị Mác-đa-la Mô-ra-nô, là một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Phù Hộ. Ngay từ thuở niên thiếu, Mác-đa-la đã phải nếm mùi tang tóc, chỉ trong vòng một tháng, thần chết đã hai lần đến gõ cửa nhà chị và cướp mất hai cột trụ của gia đình: người cha và người chị cả, những ngày đen tối bắt đầu đè nặng trên vai bà quả phụ Ca-ta-ri-na với bốn đứa con thơ dại.

Hồi đó Mác-đa-la mới 8 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan và chín chắn, thấy mẹ đau buồn và khóc hoài, chị thường nói với mẹ: “Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa, chẳng bao lâu con sẽ khôn lớn và con hứa sẽ giúp mẹ thật nhiều như bố và chị Phan-xi-ca đã giúp mẹ vậy”. Nhưng không phải tới lúc khôn lớn mà ngay từ bây giờ, vì nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mác-đa-la đã ngồi xuống trước guồng tơ dệt chỉ mà chị Phan-xi-ca đã để lại.

Một hôm, tình cờ cha Ban-den-la, người anh họ của mẹ đến chơi và biết Mác-đa-la không được đi học, cha hứa sẵn sàng phụ giúp thêm vào nhu cầu vật chất của gia đình và trả tiền học phí cũng như tiền sách vở cho Mác-đa-la đi học. Sau hơn 10 năm chăm chỉ học tập, chị đã tốt nghiệp và trở thành một cô giáo trường làng, thế là Mác-đa-la đã bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình. Suốt 16 năm trời, chị đã giữ lời hứa với mẹ, hơn nữa, chị biết mẹ luôn ấp ủ một ước muốn thầm kín là có được một căn nhà với mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau và mấy giàn nho ngon ngọt. Vì thế, chị đã chuyên cần làm việc và âm thầm dành dụm, giảm bớt chi tiêu không cần thiết. Đến ngày sinh nhật thứ 30 của mình, Mác-đa-la dẫn mẹ đến xem mảnh đất với căn nhà và khu vườn như mẹ mong ước, chị âu yếm nói với mẹ: “Thưa mẹ, đây là món quà con xin biếu tặng mẹ, con chỉ xin mẹ một điều là cho phép con tận hiến cuộc sống còn lại của con cho Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài vẫn thúc giục con từ lâu rồi”.

Quyết định của Mác-đa-la đã gây đau khổ nhiều cho mẹ chị, cho cha xứ, bạn bè và các phụ huynh học sinh của chi, vì họ mất đi một người con hiếu thảo, một người bạn tốt, một giáo viên gương mẫu, một người giáo dân nhiệt thành việc tông đồ. Trái lại, trong tâm hồn chị trào dâng một niềm vui mừng, vì chị có thể thực hiện được ước mơ chị đã ấp ủ từ lâu.

Ngày chia ly không khỏi ngậm ngùi đau xót, nhưng chị đã tìm được sức mạnh nơi tình yêu và lời nói của Chúa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”. Đồng thời chị cũng được sự an ủi vì tin vào lời Chúa đã hứa: “Quả thật, Thầy bảo cho anh em rõ, không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh chị em vì nước Thiên Chúa mà lại chẳng lãnh nhận gấp trăm ở đời này và sẽ được sống đời sau”. Thật vậy, lời hứa ấy đã thể hiện qua suốt 30 năm sống đời tận hiến, trong đó, hơn 25 năm hăng say với sứ mệnh tông đồ giữa giới trẻ nghèo khổ, bị bỏ rơi tại đảo Xi-xi-li-a. Và Chúa đã thưởng cho chị qua việc Đức Giáo Hoàng tôn phong chị lên bậc chân phước để mọi người ngưỡng mộ và tôn kính.

Kể lại câu chuyện trên để minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này là đoạn cuối trong bài giảng dạy về truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngài nói với các tông đồ, và qua các ông, nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài và Ngài hứa ban thưởng bội hậu cho họ. Tại sao Chúa đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có nghịch lý không? Quả thực, con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý, một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết điều kiện đó là phải từ bỏ tất cả: gia đình, của cải, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi.

Có người cho rằng: những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi, nói thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho tất cả chúng ta, bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ, không phải từ bỏ để đi tu hay để làm tông đồ cho Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều điều và nhiều lần phải từ bỏ.

Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.

 

29. Chúa trong anh em

“Sự gì ngươi làm cho kẻ bé mọn”

Văn hào hiện sinh vô thần Jean Paul Sartres có nói: “Hỏa ngục là người khác!” Thật là câu nói quái gở, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần Phúc Âm.

Đối với chúng ta, người khác là ai? Ta hãy nghe Chúa Giêsu trả lời: Người khác, chính là Ta: “Sự gì ngươi làm cho một kẻ bé nhỏ nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Người khác đó ở đâu? Làm sao tìm ra họ? Họ ở một thế giới khác? Họ ở chân trời góc biển, ở tận Châu Phi, Á châu xa lắc?

Không! Như Lazarô, họ ở ngoài cửa chúng ta. Họ là những người hèn mọn không ai nghĩ tới, những kẻ lạc loài, không cửa không nhà. Họ ở ngay đường phố, cùng chung cư hàng xóm chúng ta. Cũng có thể họ là những người trong gia đình, nhưng ta đã cố tình quên họ trong cảnh sống cô đơn, góa bụa, già cả của họ. Họ là “hỏa ngục của ta”, vì họ làm rầy ta trong cảnh sống “Thiên đàng” mà ta cho là đã tạo dựng được.

Hôm nay, qua bài Phúc Âm, Chúa dạy: “Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Chúa dạy chúng ta ân cần tiếp đón anh em, một vấn đề được Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến. Phúc Âm noái đến Chúa Kitô như một người khách mà người ta niềm nở đón tiếp hay là thờ ơ xua đuổi. Nên chú ý rằng Chúa Giêsu không bao giờ mời khách, nhưng Ngài luôn là khách được mời. Ngài đến cách riêng với người tội lỗi để có dịp gọi họ trở lại, như tại nhà Matthêô (Mt 9,10-18) và Giakêu (Lc 19,5-10). Ngài đến với gia đình quen thân của hai chị em Martha và Maria, cũng chỉ để nói lên một sự cần thiết nhất là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ngài đến như một người khách lạ đến khuấy động lòng người, đặt lại mọi vấn đề. Vì thế, Gioan nói: “Người đến trong nhà Người và các gia nhân Người không tiếp nhận” (Ga 1,11)

Vì thế, chúng ta phải ân cần tiếp đón anh em trong niềm tin, vì người hành khất đến gõ cửa, người lao động đến xin việc làm, “người khách ấy chính là Ngài”.

Ở xứ Palestine, vấn đề nước là vấn đề sinh tử. Davit trong cánh đồng khô cháy Rơphaim (2 Samuel 23,15) đã kêu lên: “Chớ gì tôi được uống nước ở Belem!” Giọt nước ấy, Chúa Giêsu đã đến xin cùng thiếu nữ Samaria bên bờ giếng, giữa một trưa hè. Phải chăng nhiều lần Ngài cũng bị từ chối, nên Ngài hứa phần thưởng cho những ai cho kẻ khác chỉ một bát nước lã. Và phải chăng cách đón tiếp anh em ân cần hơn cả, là tìm cách cho họ được biết và sống với Chúa là “suối hằng sống”. “Ai tin Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38).

Thánh Bác sĩ Giuseppe Mascatti lúc đậu bác sĩ lúc 22 tuổi. Cả cuộc đời chuyên lo cho người nghèo ở thành Naples. Bác sĩ luôn khuyên bảo các thanh thiếu niên mà ông gặp gỡ điều này: trước khi uống thuốc lo đi xưng tội rước lễ đã. Ngài được tôn phong Hiển Thánh vào Chúa nhật cuối tháng 10 năm 1987.

Lạy Chúa, xin cho con tìm thấy Chúa trong người anh em.

 

30. Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng

(Suy niệm của Lm. Phêrô Trần Minh Đức)

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Lời của Đức Giêsu làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, nóng lạnh, nổi da gà! Phải chăng chúng ta không nên nghĩ đến chuyện cải thiện, duy trì và bảo vệ cuộc sống của chúng ta? Đức Giêsu có dụng ý gì khi nói với chúng ta những lời lẽ như trên?

Khi nói về cuộc sống, chúng ta liên tưởng đến một cuộc sống bình nhật, một cuộc sống an lành, hạnh phúc dài lâu bên cạnh những người chúng ta thương mến. Đối với nhiều người thì thời gian khó khăn đen tối sau chiến tranh, sau những cơn bão lụt, hạn hán, là một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Điều đáng ngạc nhiên là: tiềm lực nào đã giúp con người trở nên tháo vát, có đủ khả năng để bảo vệ và duy trì mạng sống của mình cũng như thân nhân của mình? Phải chăng là “cái khó bó cái khôn”?

Ở Tây Âu sau đệ nhị thế chiến con người đã ra công tái thiết, xậy dựng. Chính trong thời gian khó khăn này cũng làm nẩy sinh không biết bao nhiêu những bậc tài ba lỗi lạc trong mọi lãnh vực. Con người đổ dồn tất cả vốn liếng để đầu tư, để phát triển cũng như bảo đảm cuộc sống. Ai cũng ham sống sợ chết. Bởi vậy càng văn minh tiến bộ thì càng nảy sinh nhiều loại bảo hiểm: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm mạng sống, bảo hiểm tai nạn lưu thông, bảo hiểm hưu dưỡng, … Tất cả đã trở thành chuyện tất nhiên và đáng mừng. Nhưng chúng ta phải tiép tục suy tư về hai chữ „bảo hiểm“. Phải chăng tất cả giúp con người bảo đảm cuộc sống? Dĩ nhiên là không rồi! Dù là bảo hiểm nào đi nữa cũng không giúp chúng ta trốn tránh cái chết. Tất cả đều biết: một ngày nào đó mình sẽ lìa đời. Nhưng hầu hết chẳng ai muốn nghĩ đến chuyện đó. Họ cho rằng, tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian. Nhưng thần chết đôi lúc đến bất chợt. Đùng một cái con người phải đối diện với đống gạch vụn của những chương trình, kế hoạch cho cuộc sống của mình. Con người tự cảm thấy mình bất lực, không tài nào dựa vào khả năng mình để cứu vãn tình thế. Có lẽ chính tại đây họ phải tự hỏi: Đức Giêsu hiểu thế nào về cuộc sống?

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người như chúng ta. Lẽ dĩ nhiên Người cũng tha thiết muốn sống. Thực là kinh hãi khi Người phải chết trong lúc tuổi đời bước vào giai đoạn chín chắn, đầy hứa hẹn. Lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu xin cho mình tránh khỏi đau khổ và sư chết là một lời cầu xin chân thật tận đáy lòng. Nhưng Người sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha. Người sẵn sàng tự hiến. Người sẵn sàng chết để đánh đổi cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu. Người đành mất mạng sống để đạt được sự sống mới. Chính Người đã phục sinh, đã đi trước chúng ta tiến vào thiên đàng.

Con đường của Đức Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Đức Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người. Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống.

home Mục lục Lưu trữ