Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 80

Tổng truy cập: 1373021

VỊ THẾ TỐI THƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

VỊ THẾ TỐI THƯỢNG CỦA TÌNH YÊU-  Lm. Giorgio Zevini SDB

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 30 TN A xoáy vào chủ đề then chốt: vị thế tối thượng của tình yêu, con tim và cốt tủy của người kitô hữu. Chúng ta dừng lại chia sẻ về hai bài đọc để nhấn mạnh trọng tâm của giới răn Chúa, đó là Tình yêu.

Chúng ta cùng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn chúng ta chiêm ngắm Lời Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm mọi sự bởi vì tình yêu. Chính Chúa Giêsu để lại cho chúng con sứ điệp Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này xoay quanh người nghèo khổ, bé nhỏ, hèn mọn…. Xin ban cho chúng con trái tim tự do thoát khỏi mọi ngẫu tượng thế gian, thoát khỏi sự nặng nề cám dỗ thế giới để phụng thờ Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và duy nhất nhằm phục vụ anh chị em đồng loại với tinh thần xả thân như chính Chúa Giêsu đã sống giữa chúng con. Đó là giới luật sống duy nhất mà Chúa chúng con muốn dấn thân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.”

Chúng ta khởi đi từ bài trích thư thứ nhất của thánh Phaolo tông đồ gởi tín hữu Thesalonica. Ngay những câu đầu của chương thứ nhất (1Tx 1,5c-10), thánh Phaolô nhấn mạnh đến 3 điểm then chốt cho mọi cộng đoàn kitô hữu. Cha muốn cùng chúng con đọc lại lá thư mà chính thánh Phaolô gởi cho cộng đoàn Thesalonica, thánh nhân nói rằng: các tín hữu Thesalonica đã bắt chước Đức Kitô trở nên gương sáng cho các tín hữu thuộc cộng đoàn Makêđônia và Akhaia. Đó là ý tưởng đầu tiên về hiệu năng truyền giáo của cộng đoàn Thesalonica.

Ý tưởng thứ hai nói về gương sáng của các tín hữu Tx không chỉ cho 2 cộng đoàn Makêđônia và Akhaia mà thôi, mà chính đức tin vào Thiên Chúa của cộng đoàn đã vang dội khắp nơi. Thật là tốt đẹp khi cộng đoàn đặt lời Chúa vào trung tâm của cuộc sống cách sâu xa và lan tỏa Tin Mừng ra ngoài cộng đoàn.

Trong sứ điệp thứ 3 của lá thư, thánh Phaolô khen ngợi các tín hữu đã hoán cải từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa để phục thờ Thiên Chúa hằng sống và là Thiên Chúa thật. Sứ điệp thứ ba này nhấn mạnh đến sự hoán cải trở về sau khi từ bỏ ngẫu tượng.

Như vậy, qua bài trích thư ngắn, thánh Phaolô nhắn gởi chúng ta 3 sứ điệp quan trọng: sứ điệp về truyền giáo như trung tâm của đời sống kitô giáo, như thế cộng đoàn Thesalonica không phải là cộng đoàn đóng kín mình mà là mở ra cho các cộng đoàn khác thông truyền cho các cộng đoàn khác về đức tin sống động, đức tin xây dựng trên Lời Chúa. Thật vậy, Lời Chúa không chỉ làm phong phú cộng đoàn Tx mà lan tỏa đến các cộng đoàn khác; sứ điệp thứ 2 trình bày một cộng đoàn được sinh ra bởi nhờ Lời, cộng đoàn đã lắng nghe, được nuôi dưỡng và hiện thực hóa nhờ Lời, Lời không chỉ để nói mà là để làm chứng cho người khác; sứ điệp thứ 3 của đoạn trích thư chú tâm vào Lời Chúa tạo nên sự hoán cải dẫn đến sự từ bỏ ngẫu tượng và gắn kết cuộc đời chỉ với mình Thiên Chúa. Đây là sức mạnh phi thường của Lời tác động đến mọi cộng đoàn kitô hữu.

Giờ đây, cha mời gọi anh chị em đào sâu về sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, Đoạn Tin Mừng Mt chương 22 mô tả đời sống của cộng đoàn Do thái – Kitô giáo đã thật sự biết sứ điệp của Thiên Chúa, đã sống kinh nghiệm đức tin vào Thiên Chúa. Đức tin của cộng đoàn được thêm xác tín khi chứng kiến một nhà thông luật tra hỏi Đức Giêsu. Cộng đoàn muốn sống thánh ý Chúa ngang qua câu trả lời của Đức Giêsu đối với nhà thông luật. Đâu là câu hỏi mà nhà thông luật đặt ra cho Ngài, câu hỏi rất đơn giản: “Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giêsu trả lời, Ngài liệt kê hai điều răn, Ngài nói: yêu mến Thiên Chúa là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất, kế đến là yêu mến tha nhân là điều răn thứ hai cũng quan trọng như điều răn thứ nhất. Như vậy, Đức Giêsu liên kết lại hai giới răn trọng đại yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Do đó, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sứ điệp Tin Mừng.

Trước hết là sự gắn kết chặt chẽ hai giới răn: mến Chúa yêu người. sự gắn kết chặt chẽ này được đo lường bằng chính mệnh lệnh của Đức Giêsu “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và rồi tình yêu dành cho tha nhân đồng loại được đo lường bằng chính tình yêu bản thân. Hai điều răn này không phải là chênh lệch hơn thấp mà chính điều răn thứ hai thật sự ngang bằng với điều răn thứ nhất. Tình yêu Thiên Chúa chỉ được minh chứng bằng tình yêu dành cho đồng loại cách thật tình, tình yêu mang chiều kích xã hội loài người diễn ra trong đời sống cộng đoàn diễn đạt đặc tính tình yêu mà người ta đang sống với Thiên Chúa. Sự ưu việt của tình yêu Thiên Chúa hiện thực hóa nơi sự ưu tiên tình yêu con người. Và đây, cha muốn gợi lên suy tư trong đời sống chúng ta: nhiêu khi chúng ta tách hai hình thái tình yêu, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân trong một vài cách thế nào đó. Chúng ta nhấn mạnh tình yêu tối hậu nơi Thiên Chúa trong khung cảnh nhà đạo, qua kinh nguyện, qua kinh nghiệm với Ngài, qua tương quan đối thoại với Ngài và sự cùng với tâm tình sám hối… chỉ mang chiều kích thuần thiêng liêng mà quên đi tha nhân; hay nhiều khi ta chỉ thuần đề cao tương quan với thực trạng con người mang chiều kích nhân chủng học hay chính trị mà quên đi vị thế ưu việt của Thiên Chúa. Do đó, thái độ sống của người kitô hữu phải nghĩ đến sự công bình, cuộc chiến đấu cho một thế giới đích thực công bằng, đúng hơn cho một khuôn mẫu đúng đắn, là tự do sống hai giới răn.

Chúng ta thường gặp hai nguy cơ. Tin Mừng thúc đẩy chúng ta dấn thân cho con người mà không được quên vị trí tối thượng của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi thăng trưởng chiều kích nhân loại cho công bằng, hòa bình, hòa giải cho mọi trạng huống con người mà không thể quên tính ưu việt của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta phải luôn nói về Thiên Chúa mà không quên con người. Như vậy, chúng ta thấy rằng một kitô hữu đích thực là người luôn nói với Thiên Chúa về con người. Đó là điều hết sức căn bản. Thật vậy, Thiên Chúa nói rằng ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa cho con người. Như vậy chúng ta được khích lệ bởi phụng vụ hôm nay trình bày thánh Phaolô nói cho các tín hữu Tx cũng là cho mỗi chúng ta cách rõ ràng rằng người kitô hữu phải dấn thân hai xác tín: mến Chúa yêu người. Một suy tư nền tảng của thánh Phaolô cho các tín hữu đã từ bỏ ngẫu thần để quay về phụng sự Thiên Chúa Hằng sống, là Thiên Chúa thật. Chúng ta phải phụng thờ Thiên Chúa và hoán cải để trở về cùng Người, xa rời mọi ngẫu tượng để phục vụ cho những giá trị nhân loại đưa ta đến với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta phải dành chỗ ưu việt cho tình yêu nhằm thực hiện hai giới răn.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta dễ dàng nói yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, nhưng như thánh Gioan nói rằng, làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến những người anh em mà chúng ta thấy. đó luôn là thực tế của con người, chúng ta kinh nghiêm Thiên Chúa ngang qua tình yêu nhân loại. Đó là hai điều gắn kết chặt chẽ và thâm sâu. chúng ta cùng khẩn khoản nài xin Thiên Chúa hồng ân để sống hai giới răn trọng đại này hầu nên chứng nhân cho nhân loại về giới răn của Thiên Chúa cho một thế giới công bằng, hòa bình và hòa giải cho người nghèo khổ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN- A

NÊN TẢNG CHO ĐỜIS SỐNG AN HÒA– Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Người Do-Thái ngày xưa bị trói buộc bởi 613 khoản luật, gồm 365 luật buộc làm và 248 luật cấm làm. Tuân giữ bấy nhiêu khoản luật là một ách nặng không ai mang nổi,  và giữa một rừng luật như thế, việc tìm cho ra đâu là giới luật quan trọng hàng đầu là vấn đề nan giải. Vấn đề này đã được một người thông luật nêu lên với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Chúa Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

Giới răn yêu thương, tuy hai mà một

Nhiều người vẫn tưởng rằng giới răn mến Chúa và giới răn yêu người là hai giới răn tách rời, nhắm về hai đối tượng khác nhau: một điều quy về Thiên Chúa còn điều kia quy về con người.

Thực ra, hai giới răn nầy đều quy về một mối: đó là yêu mến Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người chung quanh, hay nói khác đi, yêu thương phục vụ những người chung quanh là phụng sự Thiên Chúa.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su xác nhận hai giới răn nầy không khác biệt nhau khi Ngài nói: “Điều răn thứ nhất là ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 39)

Qua dụ ngôn về “cuộc phán xét cuối cùng”, Chúa Giê-su gắn kết giới răn yêu người nên một với giới răn mến Chúa: những ai cho những kẻ đói khát một bữa ăn thì Chúa Giê-su nói là họ cho Ngài ăn; những ai cho những kẻ rách rưới hay mình trần một vài tấm áo thì Chúa Giê-su tuyên bố là họ đã cho Ngài mặc; những kẻ giúp đỡ những người phiêu cư, lang bạt không nhà có chỗ trọ qua đêm thì Chúa Giê-su nói họ đã cho Ngài trú ngụ… (Mt 25, 35-36)

Chúa Giê-su cũng long trọng khẳng định rằng khi người ta làm bất cứ điều gì cho những anh em chung quanh là làm cho chính Ngài. (Mt 25,40)

Thế nên, hai giới răn nầy không tách rời nhau, vì thực thi giới răn yêu người cũng là hoàn thành giới răn mến Chúa. Vậy thì tuy được kể là hai, nhưng hai giới răn nầy cũng quy về một mối.

Giới răn yêu thương là tâm điểm mà các giới răn khác đều quy chiếu về

Giới răn yêu thương là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về giới răn nầy; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao gồm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai thực hành trọn vẹn giới răn nầy thì được xem là đã giữ tròn tất cả các điều răn khác.

Thánh Phao-lô khẳng định như thế trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời nầy: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình… Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).

Và Chúa Giê-su, qua trang Tin Mừng hôm nay, cũng xác nhận như thế: “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40).

Giới răn yêu thương là nền tảng cho đời sống an hòa

Khi tình thương không còn hiện diện trong gia đình thì người nhà sẽ xem nhau như thù địch, hạnh phúc sẽ vỗ cánh bay xa nhường chỗ cho bất hạnh xâm chiếm tâm hồn mọi người.

Khi tình yêu thương không còn bao trùm thôn xóm thì những người láng giềng xem nhau như người xa lạ và người ta cảm thấy lạc lõng ngay trên quê hương mình.

Khi tình yêu thương không còn ngự trị trên quê hương đất nước thì hận thù, ghen ghét, bạo lực sẽ lên ngôi; đồng bào trong cùng một tổ quốc quay ra khai thác, bóc lột nhau và đất nước sẽ chìm đắm trong oán ghét hận thù.

Chúa Giê-su đến trần gian nhen lửa yêu thương trong tim mọi người và Ngài mong sao cho lửa ấy cháy bùng lên. Ngài đề ra quy luật yêu thương làm nền tảng cho đời sống an hòa hạnh phúc.

Chỉ khi nào nhân loại chấp nhận sống theo quy luật yêu thương thì hòa bình và hạnh phúc mới thực sự đến với mọi người.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin ghi khắc luật yêu thương của Chúa trong tim nhân loại và giúp cho mọi người quyết tâm tuân giữ để muôn dân muôn nước luôn được sống trong hạnh phúc an vui.

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN-A

YÊU MẾN THIÊN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ…..- Lm. Phêrô Lê Văn Chính

  Câu hỏi những người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu là câu hỏi vốn được đặt ra giữa những người biệt phái và luật sĩ nhưng đã trở thành nan giải: điều răn nào là điều răn trọng nhất. Đối với những người do thái, lề luật vốn là niềm tự hào của họ, bởi vì lề luật do Thiên Chúa ban tặng, là dấu chứng giao ước của Thiên Chúa với họ. Những người do thái hằng phải luôn ghi nhớ và thi hành lề luật. Để ghi nhớ, họ phải làm hộp đựng bản văn lề luật quan trọng nhất để đeo trên trán, trên tay, trước ngực, trên cửa nhà để nhắc nhở họ luôn thi hành khoản luật quan trọng là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thế nhưng bên cạnh khoản luật quan trọng mà họ thuộc nằm lòng, lề luật càng lúc càng tăng thêm nhiều khiến những người do thái cảm thấy phân vân bối rối không biết làm thế nào để chu toàn lề luật. Câu hỏi đặt ra trong bài phúc âm hôm này cho thấy sự bối rối của họ trước quá nhiều điều khoản lề luật phải chu toàn.  

Câu trả lời của Chúa Giêsu chắc hẳn làm cho những người do thái hài lòng và đồng ý, bởi vì Chúa Giêsu cũng nhắc lại giới răn căn bản nhất mà họ vốn cố gắng giữ là điều khoản của bản văn sách đệ nhị luật 6,4 gọi là kinh Shema là nghe đây . Nhưng điều ngạc nhiên và đánh động những thính giả của Chúa Giêsu là nêu lên điều răn thứ hai hãy yêu thương người khác như chính mình và lời kết luận vắn gọn nhưng rất quan trọng xúc tích của Chúa Giêsu: “toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều gồm tóm trong hai giới răn này”. Câu trả lời của Chúa Giêsu chắc hẳn phải làm những người biệt phái và luật sĩ phải ngạc nhiên, bởi vì họ đã không thể nối kết được giới răn yêu người như Chúa Giêsu đã làm. So với lời giải đáp của Chúa Giêsu thì cách thực hành của những người do thái quả còn rất xa lạ, họ chưa đủ sức để nhận định đúng mức tầm vóc quan trọng của điều răn thứ hai này cần phải thực hành để chu toàn lề luật.  

Thực vậy, khi hỏi điều răn nào trọng nhất, những người biệt phái cho thấy thái độ của họ đối với lề luật rất khác xa với thái độ của Chúa Giêsu. Cung cách đặt câu hỏi và hành động của những người do thái là phân mãnh lề luật và vì thế làm mất đi trọng tâm và tính thống nhất của lề luật. Vì thế họ rơi vào một hoàn cảnh chơi vơi lạc lỏng giữa những thực hành rất vất vả đa đoan mà không bao giờ có thể đạt đến đích điểm. Trái lại thái độ của Chúa Giêsu lại rất tập trung và vì thế, người đã gọn gàng đi đến đích điểm của việc chu toàn lề luật một cách hiệu quả. Vì thế, thay vì giới hạn đòi hỏi của lề luật như những người biệt phái làm để phân mãnh những lề luật cách vô ích thành những điều phải làm hay không phải làm cách rất nặng nề, Chúa Giêsu dạy rằng giới răn của lề luật phải bao trùm tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với chính mình và người thân cận. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến mọi người với cả con người chúng ta. Việc thực hành này là thống nhất độc đáo, vì dành cho Thiên Chúa toàn thể tình yêu của chúng ta, những gì chúng ta là cũng như chúng ta có và đồng thời không được phân ly giới răn yêu người thân cận với tình yêu dành cho chính mình. Tình yêu người khác phải được thực hành hoàn hảo đến mức độ không còn phân biệt giữa tình yêu chính mình với tình yêu người khác.  

Giới răn thứ hai này có thể gợi lên hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất, ai là người thân cận của tôi ? Tổng kết lại những lời dạy của Chúa Giêsu, có thể nói  rằng người thân cận không chỉ là người ở gần với chúng ta như là cha mẹ, anh chị em hay bà con, người cùng quê hương xứ sở,  nhưng là bất cứ ai mà chúng ta gặp trong cuộc đời của chúng ta. Nói cách khác, mọi người đều là người thân cận của chúng ta, nhất là những ai đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Thứ đến, yêu người thân cận như thế nào? Làm sao thực hiện tình yêu này cách cụ thể. Chúa Giêsu trả lời : tình yêu chúng ta dành cho người thân cận cũng chính là tình yêu chúng ta dành cho chính mình. Có thể chúng ta vốn yêu mình theo bản năng tự nhiên, nhưng chúng ta không nghĩ nhiều tình yêu chính bản thân mình bao gồm những khía cạnh căn bản nào. Tự nhiên, chúng ta biết phải chăm sóc và kính trọng chính bản thân mình. Vậy tình yêu đối với tha nhân cũng đòi hỏi như thế. Chúng ta cố gắng chăm sóc cho người khác và kính trọng họ theo mức độ như chúng ta dành cho chính mình. Chúng ta vốn không làm điều gì trong lời nói và việc làm có thể làm giảm đi phẩm giá của mình, giới hạn khả năng của mình để phát triển cá nhân mình, hoặc làm lu mờ vẻ đẹp bên trong của mình thế nào thì chúng ta cũng không làm như thế cho người khác. Tình yêu định rõ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Càng thực hành giới răn tình yêu Thiên Chúa và tha nhân chúng ta càng sống thực sự hoàn hảo tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hơn nữa, tình yêu sẽ là nguồn của mọi vâng phục của chúng ta đối với bất cứ giới răn nào. Khi đã có tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ có sức mạnh để chu toàn mọi giới răn khác một cách tự nhiên. Vì thế tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là giới răn lớn nhất bởi vì đây chính là điều kiện giúp chúng ta chu toàn tất cả Lề luật của Thiên Chúa. 

Lời dạy của Chúa Giêsu về tình yêu như là giới răn trọng nhất không phải là những lời nói trống rỗng.  Đây cũng là những gì Chúa Giêsu đã thực hiện cách quyết định trong việc chu toàn công trình cứu độ được Chúa Cha trao phó. Chính vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mọi người mà người đã hiến dâng mạng sống mình trên thập giá. Để cụ thể hóa, chúng ta thử đọc lại bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành chương 22. Đây là những hướng dẫn rất cụ thể những hoàn cảnh mà những người do thái được nhắc nhở : như phải biết sống chan hòa yêu thường đùm bọc cách đặc biệt đối với những khách ngoại kiều cư ngụ trên xứ sở của họ bởi vì chính bản thân của họ vốn đã là những khách ngoại kiều ở Ai cập và họ đã bị đối xử cách tồi tệ và họ đã cảm nghiệm những đau khổ của thân phận người ngoại kiều; đừng làm hại cô nhi quả phụ là những người được Thiên Chúa bảo vệ cách đặc biệt bởi vì làm hại cô nhi quả phụ sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề; trường hợp có cho người nghèo vay mượn tiền của, đừng hối thúc họ trả lại cũng như đừng lợi dụng mà ép họ phải chịu lãi nặng. Trường hợp người nghèo phải cầm cố chiếc áo che thân, thì phải lo sớm trả lại cho họ để họ che thân ban đêm khi ngủ. Vì thế, giới răn tình yêu mà Chúa Giêsu đã đúc kết khi trả lời câu hỏi của những người biệt phái và luật sĩ thực là quyết liệt,  thúc đẩy chúng ta biết ra khỏi vòng hạn hẹp của tình yêu tự nhiên của chúng ta, đưa chúng ta đến sự thống nhất đời sống cách hiệu quả và ở trong tầm tay của chúng ta. Thực hành giới răn tình yêu này lôi kéo những cố gắng của chúng ta thực sự vào trọng tâm của đời sống của chính mình, bởi vì thực hành này giúp chúng ta đạt đến chính thánh ý Thiên Chúa và tránh cho chúng ta khỏi phải rơi vào những vòng lẩn quẩn vất vả vô ích vô tận không bao giờ có thể đi đến mục đích.

home Mục lục Lưu trữ