Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1375332

VIỆC NGÀI LÀM

Việc Ngài làm

Càng gần lễ Giáng sinh niềm hy vọng càng dâng cao trong lòng chúng ta. Dù muốn dù không chúng ta cũng hy vọng một điều gì đó, người thì nghĩ đến những ngày nghỉ sắp tới, kẻ khác nghĩ đến những cuộc hội họp gia đình quy tụ anh chị em ở xa về. Cha mẹ mong sao con cái sẽ thỏa thích khi chúng mở những món quà được chọn lựa kỹ càng, và con cái thì ấp ủ những giấc mơ đủ loại.

Đồng thời với những hy vọng này đã chớm nở một hy vọng khác trong lòng toàn thể nhân loại. Một hy vọng sâu xa hơn, cao cả hơn: “Ước mong lễ Giáng sinh năm nay sẽ mang tới cho mọi người nhiều điều tốt lành hơn những Giáng sinh trước đây… Ước mong hòa bình lan rộng thêm một chút nữa… Ước mong tình huynh đệ được kéo dài… Ước mong sự nghèo nàn khổ sở biến hẳn đi”.

Một người ngồi trong nhà tù vẫn mơ ước những điều họ hy vọng. Họ đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời của mình vì một điều gì đó: Họ hy vọng Đấng Mêsia đến. Họ cảm thấy rằng Ngài sắp tới rồi. Họ vội vã và chuẩn bị cho biến cố này.

Hôm nay, Gioan Tẩy Giả đang ở tù. Ông có mơ ước hão huyền không? Ông có khơi dậy trong xứ sở những niềm hy vọng trống rỗng không? Có phải vô ích mà ông mất sự tự do của mình không? Tóm lại, Chúa Giêsu có phải là câu đáp cho sự chờ mong của ông không? Ông có phải chờ đợi ai khác nữa không?

Gioan Tẩy Giả đã thừa hưởng niềm hy vọng của Israel. Người ta chờ đợi một Môisê mới sẽ cầm đầu và vạch ra con đường trở về từ chốn lưu đày. Người ta chờ đợi một ngôn sứ mới, một Êlia, đến mặc khải Thiên Chúa. Ông chờ đợi Con người từ nơi Thiên Chúa mà đến. Người Do Thái không hy vọng gì khác ngoài Thiên Chúa và việc tỏ hiện quyền năng của Ngài. Đây là câu trả lời: Những hành động, những việc chữa lành. Một quyền năng đang hoạt động: Những người mù được sáng mắt, người điếc được nghe, những người bệnh được chữa lành. Tim Mừng gồm những hành động cứu độ.

Ít lâu sau, thánh Gioan tông đồ sẽ trình bày việc thể hiện niềm hy vọng của Israel như sau: Ngôi Lời đã nhập thể. trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu trả lời: Đây là những hành động, đây là những sự kiện. Không thể nào lầm về căn tính của Ngài được, Đấng phải đến đã có mặt ở đó rồi: Ngài hoạt động. Giấy căn cước của Ngài chính là những gì Ngài làm. Chữ ký của Ngài chính là những hành động của Ngài.

Với những gì được ghi chép trong Tin Mừng hôm nay, giờ đây ta hãy tìm cách xem xét lại cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tràn đầy hy vọng vào những thời gian lễ hội. Chúng ta cũng biết rằng những thời gian đều chóng qua. Nhưng có những thời gian khác bền bị hơn, sâu sắc hơn, và vì chúng, mà ta đã dám đánh đổi toàn bộ cuộc đời ta!

Vì ước muốn hạnh phúc, một người nam và một người nữ đã kết hợp cùng nhau và thề hứa trung thành với nhau. Vì ước muốn sự sống họ đã sinh con cái. Vì hy vọng có nhiều công bằng hơn, nhiều người đã dấn thân vào đời sống xã hội và Giáo Hội. Những người khác đã chọn nghề nghiệp với hy vọng giúp cho trần thế tốt đẹp hơn nhờ công việc họ làm. Tất cả những sự dấn thân này, cho thấy chiều sâu của những niềm hy vọng.

Khi mong chờ lễ Giáng sinh chúng ta có thể nêu câu hỏi này: Những cuộc dấn thân như thế có được đáp ứng không? Chúa Giêsu có thể thỏa mãn những niềm hy vọng của chúng ta không?

Chúng ta cũng có thể biết chắc câu trả lời rồi. Nó đến từ Chúa Giêsu: “Hãy nhìn xem những gì đang xảy ra!”. Những sự kiện nào, những cuộc chữa lành nào, những hạnh phúc nào xung quanh chúng ta có thể là câu trả lời ấy?

 

27. Đấng phải đến

Chúng ta thường cầu nguyện: “Lạy Chúa, con rất vui vẻ thi hành thánh ý Ngài. Con chỉ xin Ngài tỏ cho con biết thật rõ ràng Chúa muốn con phải làm gì?”.

Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng các đấng thánh là những người biết chính xác điều Thiên Chúa muốn. Khi Ngài muốn các thánh làm điều gì, Ngài gửi sứ giả đến. Sứ giả là các thiên thần thường mặc áo dài trắng và đàng sau lưng có khoét hai cái lỗ lớn để đeo cánh. Nhưng khi lớn lên, đọc hạnh các thánh, tôi biết thêm về đời sống của các ngài cũng rất giống tôi. Họ cũng thường gặp khủng hoảng rắc rối để tìm ra điều Thiên Chúa muốn. Đôi khi còn tệ hơn nữa, có những vị lúc đầu nghĩ rằng mình đã biết chính xác ý muốn của Thiên Chúa, nhưng sau nhiều năm, các ngài lại không còn chắc chắn nữa. Có những vị lại khám phá thấy mình đã đi sai đường, và phải quay trở về để hoàn toàn bắt đầu lại một đường hướng mới.

Trường hợp của Thánh Gioan tẩy giả ngồi trong tù, trong bài Phúc âm hôm nay, đặt vấn đề hoài nghi về Chúa Giêsu là một điển hình: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác”. Gioan nghi ngờ về những điều Thiên Chúa muốn ông đã rao giảng trước đây rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để các anh giục lòng sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”.

Gioan Tẩy giả đang bị ngồi tù. Nhà tù là nơi thử thách, gây thất vọng và nghi ngờ. Đành rằng trước đây, Gioan đã biết rõ Đức Giêsu là ai rồi, nhưng trong tù niềm tin đó có thể gặp thử thách. Trong tù Gioan mong đợi ngày giờ giải phóng của Đấng Cứu Thế.

Dân Do Thái cũng không khác gì Gioan, đang bị giam cầm bởi đế quốc Rôma. Gioan đặt vấn đề chắc chắn không phải vì ích lợi của cá nhân ông, nhưng của những người môn đệ theo ông và của toàn dân Do thái. Phúc âm ghi rõ lời của Gioan: “Chúng tôi còn phải đợi…”. Trong cách hỏi này, đã ẩn ý Gioan là đại diện cho toàn thể dân Do Thái đang mong đợi Đấng Cứu Thế.

Nhà tù mang hình ảnh của mùa vọng. Một người chỉ ngồi chờ đợi, hy vọng, làm những việc không cần thiết và hoàn toàn tùy thuộc vào nỗi ước mong rằng cánh cửa tự do sẽ được mở ra “từ phía bên ngoài” (Bonhoeffer).

Con người hôm nay cũng đang ngồi trong những nhà tù của riêng mình. Chúng ta đang mong chờ một người nào đó sẽ đến để giải thoát. Khi phải đối diện với những giới hạn của cuộc sống và của thân phận con người, chúng ta cũng đặt vấn đề như Gioan. Nhà tù là những thử thách của đau khổ, thất bại và đổ vỡ trong gia đình như vợ chồng ly dị, con cái xung khắc nhau, thất nghiệp, bệnh tật lâu ngày, ung thư, những người thân yêu phải chết, con cái sinh ra mang tật nguyền v.v… Thỉnh thoảng qua bạn bè chúng ta cũng sai người đi dò hỏi xem: “Có người nào có thể giúp tôi thay đổi được tình trạng này không?”.

 

28. Đấng phải đến

Tác giả sách “Gương Chúa Giêsu” viết như sau: “Bao lâu chúng ta sống trong thế giới này, chúng ta không thể tránh được đau khổ và cám dỗ”. “Tại sao lại đi tìm kiếm sự nghỉ ngơi trong khi chúng ta đã được sinh vào nỗi khốn khổ”. Tác giả biết không ai có thể tránh được đau khổ vì con người đã bị mất ơn sủng. Đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng thế giới này không phải là nơi ở vĩnh viễn của con người. Trong đau khổ chúng ta học cách tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa, những lời hứa cho tương lai, không phải ở hiện tại. Những lời hứa chỉ được hoàn thành trong Chúa Giêsu Kitô.

“Chúa Giêsu, dù là Con, nhưng đã nhờ sự chịu đau khổ mà học được đức vâng lời”, phương chi chúng ta, những tạo vật và những tội nhân, đã được nhận làm những nghĩa tử ở trong Ngài”.

Trong đau khổ, thử thách và gian nan, Chúa Giêsu Kitô chính là niềm hy vọng, là những dấu hiệu chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa mà Gioan tẩy giả đã mong đợi. Chính Ngài sẽ giúp chúng ta định hướng cho cuộc đời: “Người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

Chúa nhật thứ 3 Mùa vọng, màu của phụng vụ là màu hồng. Mầu hồng biểu tượng cho niềm vui và hy vọng. Giáo Hội gọi Chúa nhật này là “Chúa nhật gaudete”, Chúa nhật Vui mừng”. Vui mừng vì Đấng Cứu Thế đã đến gần. Tôi biết sẽ có người nói rằng: “Tôi chẳng cảm thấy vui chút nào!” “Đúng, ngay cả Gioan Tẩy giả ở trong tù cũng không cảm thấy vui!” Niềm vui tôn giáo, nhất là sự vui mừng của Tin Mừng không phải là một cảm giác, hay một cảm xúc, nhưng là một niềm xác tín của đức tin, đức cậy và đức mến nơi Chúa Giêsu Kitô. Sách Giáo lý Công giáo dạy: “Đức tin cho ta nếm trước niềm vui và ánh sáng của sự hưởng kiến diễm phúc trên trời…”

Vị thầy vĩ đại đã cảm nghiệm được niềm vui đích thật chính là thánh Phanxicô thành Assisi. Khi còn là một thanh niên trẻ, ngài đến viếng thăm Rôma, quì gối cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô, và trong sự biết ơn đối với thánh cả, Phanxicô đã quăng vài đồng tiền kẽm vào, qua những chắn song sắt. Nhưng khi vừa bước ra ngoài đường ngài liền gặp một người ăn xin. Trong giây phút xúc cảm, Phanxicô đã yêu cầu người ăn xin đổi chiếc áo choàng của anh cho ngài. Phanxicô đang làm việc cho cha là một thương gia giàu có, chiếc áo choàng của ngài rất đắt tiền và quí phái. Người ăn xin rất sung sướng, và còn sướng hơn nữa vì có những đồng tiền cắc sót lại trong túi áo. Rồi sau đó, Phanxicô đã ngồi ở góc đường, làm công việc rất nhục nhã: xin ăn những người qua lại bên đường. Nhưng ngày hôm đó ngài đã cảm nghiệm được một niềm vui không tả xiết. Nguồn vui ấy đã hình thành nền tảng cho một trong những dòng tu lớn nhất của lịch sử Kitô giáo.

Chỉ nhờ vào niềm tin cậy mến nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa sẽ ngự đến trong tâm hồn chúng ta trong suốt mùa vọng và Giáng sinh để ban cho ta khả năng chịu đựng những đau khổ, gian truân, thử thách và cảm nghiệm được niềm vui cũng giống như thánh Phaolô và thánh Gioan tẩy giả khi xưa ngồi trong tù.

 

29. Sứ giả của Thiên Chúa

Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, thì đế quốc La mã đang ở vào thời đại hoàng kim, thời đại rực rỡ nhất với uy quyền bành trướng khắp nơi. Vi hoàng đế không phải chỉ cai trị một cách tuyệt đối tại kinh thành La mã, mà còn ở tất cả những quốc gia, những dân tộc nằm trong lãnh địa của mình.

Nếu vị hoàng đế quyết định ghé thăm thủ đô của một thuộc địa xa xôi nào đó, ông ta sẽ sai sứ giả đi trước, có nhiệm vụ báo tin cho dân chúng biết cuộc viếng thăm và đốc thúc họ chuẩn bị cuộc đón rước sao cho linh đình và trọng thể. Trong khi chờ đợi, chính vị sứ giả cũng sẽ được tiếp nhận với tất cả vinh dự của mình.

Đúng thế, vào lúc vị vua tối cao của trời và đất sắp đến thăm hành tinh nhỏ bé này để ở giữa chúng ta, Ngài cũng đã chọn lựa cho mình một vị tiên tri, một vị sứ giả, như lời tiên tri Malachia đã loan báo:

- Này đây, ta sai sứ giả của ta đi trước con để dọn đường cho con.

Lời nói này ám chỉ về Gioan tẩy giả. Bởi vì ở bờ sông Giócđan, Gioan tẩy giả đã rao giảng và trao ban phép rửa thống hối cho người Do thái để họ chuẩn bị đón mừng đấng cứu thế:

- Có tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường cho Chúa, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy và nơi cao phải bạt xuống.

Gioan tẩy giả không bảo họ treo cờ, giăng biểu ngữ hay làm cổng chào, nhưng bảo họ hãy sống tinh thần sám hối, xa lánh tội lỗi, vì tội lỗi chính là những chướng ngại vật ngăn chặn không cho Chúa đến với chúng ta.

Nếu không hoán cải, nếu không quay trở về với Chúa, thì này đây, cái dìu đã được đặt dưới gốc cây và cây nào không sinh trái tốt sẽ bị chặt và quăng vào lửa.

Gioan tẩy giả cũng tụ tập chung quanh mình một số môn đệ. Nhưng rồi một ngày kia, khi Chúa Giêsu xuất hiện và đi ngang qua. Gioan tẩy giả đã vội vã giới thiệu Chúa Giêsu cho họ:

- Đây chiên Thiên Chúa, đây đấng xóa tội trần gian.

Và lập tức các môn đệ ấy đã rời bỏ Gioan tẩy giả để theo Chúa Giêsu. Đó chính là điều Gioan đã mong ước.

Chúng ta có thể nói được rằng:

- Khát vọng duy nhất của Gioan tẩy giả là dẫn đưa các linh hồn về với Chúa Giêsu.

Phải chăng ông đã chẳng công bố:

- Đức Kitô phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.

Một sự từ bỏ dứt khoát đáng cho chúng ta ca tụng và bắt chước, vì chúng ta không có quyền tìm kiếm cho mình những vinh dự đã được dành cho Chúa Giêsu.

Hơn nữa, chính Chúa Giêsu còn nói rõ qua đoạn Phúc âm vừa nghe: Gioan đã hoàn tất sứ mạng của mình mà không lo lắng gì đến dư luận, Gioan đã mặc cho người nói ngược nói xuôi, còn mình vẫn vững như kiềng ba chân. Phải chăng người ta đã trách cứ ông chỉ là một cây sậy bé bỏng, một cái đạp nhẹ cũng sẽ làm cho nó bị dập nát? Hay chỉ là một ngọn cờ bị cuốn theo chiều gió. Không, Gioan có con đường của mình, Gioan có sứ mạng phải theo đuổi.

Sau khi đã tìm hiểu một vài nét chính yếu về Gioan tẩy giả, mỗi người kitô hữu chúng ta cũng phải trở nên một vị tiền hô, một vị sứ giả của Thiên Chúa. Mỗi người kitô hữu chúng ta cũng có bổn phận phải đem Chúa, phải giới thiệu Chúa cho những người chung quanh.

Chúng ta phải làm chứng về Chúa bằng lời nói và nhất là bằng đời sống đạo đức và thánh thiện, bái ái và yêu thương của chúng ta. Tất cả những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội đều được mời gọi để chuẩn bị con đường cho chúa đến trong tâm hồn mình và trong tâm hồn người khác, tùy theo cách thức và hoàn cảnh riêng của mỗi người.

Có một em bé mới lên bốn đã cảm hóa được người cha, để ông làm dấu và đọc kinh trước bữa ăn. Câu chuyện rất đơn sơ. Trưa hôm đó, em đang chơi đồ hàng ngoài sân, thì người chị kêu về ăn cơm. Ngồi vào bàn, em lén lút nhìn người cha, và khẽ nói:

- Ba à, Ma-sơ bảo phải đọc kinh trước khi ăn cơm.

Lúc đó người cha chỉ còn cách làm dấu và đọc Kinh Lạy Cha, một thói quen mà ông đã bỏ từ lâu.

Có một bác sĩ giải phẫu đã ăn năn trở lại chỉ vì một em bé đau yếu, em vừa mới được bảy tuổi và bị giải phẫu. Ông bác sĩ ấy đã kể lại như sau:

Hôm đó, em được đưa vào phòng mổ và trước khi gây mê cho em, tôi đã nói với em:

- Chúng tôi sắp sửa chữa cho cháu được khỏi, nhưng trước hết cháu cần phải ngủ.

Nhưng em bé đã trả lời với tôi:

- Vậy hãy để cho cháu cầu nguyện một chút.

Nói đoạn em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh lạy cha. Lúc bấy giờ vị bác sĩ và những cô y tá đều cảm động đến nỗi rưng rưng như muốn khóc. Vị bác sĩ đã kể tiếp: Sau đó, tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt, tôi đã đi xưng tội, và mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không đọc kinh, mà không cầu nguyện.

Này ta sai sứ giả của ta đi trước con để dọn đường cho con. Những lời nói này làm cho chúng ta liên tưởng tới Gioan tiền hô, nhưng cũng được áp dụng cho mỗi người chúng ta. Phải, mỗi người chúng ta đều được mời gọi để trở nên một vị tiền hô, một vị sứ giả của Chúa.

Trong mùa vọng này chúng ta hãy suy nghĩ và sống cái sứ mạng đó, bởi vì chúng ta chỉ có một nỗi băn khoăn và bận tâm, đó là phải sống thế nào để Chúa đến trong tâm hồn anh em của chúng ta?

 

30. Vui lây

Người đàn ông đã sáng chế ra lại "Cái Ôm Hôn Thánh Thiện" ở thời đại chúng ta là ông Leo Busaglia. Ông đã viết một bài trong cuốn báo "Women's Day" với tựa đề là "Cuộc Giáng Sinh theo Matthêu Mập." Buscaglia lúc đó mới tốt nghiệp đại học là một thầy giáo và được bổ nhiệm để tổ chức một hoạt cảnh Giáng Sinh. Các vai trong hoạt cảnh đã được các em trong lớp sắp đặt. Riêng vai Thánh Giuse thì do em "Matthêu Mập" phụ trách. Các học sinh đều cho rằng Matthêu Mập đóng vai Thánh Giuse là đúng nhất, tuy nhiên Buscaglia thì lưỡng lự bởi vì em là một học sinh cao nhất trong lớp và đồng thời cũng là một đứa trẻ hiếu động nhất. Sau những tuần tập dợt, ngày trình diễn đã đến. Sau khi bài thánh ca hát đến câu cuối, "Chúa Kitô, Đấng Cứu Tinh đã sinh ra... Chúa Kitô Đấng Cứu Tinh đã giáng trần," thì tấm màn sân khấu mở ra. Trên sân khấu, Đức Mẹ và Thánh Giuse đang nằm ngủ trên những bao bột, và xung quanh là các con vật đang kêu ra những tiếng của chúng. Cynthia đã quên vai của cô là con chiên, và cô đã rống "mu mu", tiếng của con bò. Còn Paul thì chỉ quay xuống nhìn khán giả và chạy vô trong. Sau đó, thiên thần thứ nhất xuất hiện. Trên tay của thiên thần là Chúa Hài Đồng. Một cách cẩn thận, thiên thần đặt em bé trên đống rơm ở phía chân của Đức Mẹ và đọc bài Phúc Âm Giáng Sinh của Chúa Giêsu theo Thánh Luca. Sau đó, Matthêu Mập, trong vai Thánh Giuse, thức dậy, ngáp, và giựt mình khi nhìn xuống phía chân của Đức Mẹ. "Cho đến ngày hôm nay", Tiến Sĩ Buscaglia viết, "tôi vẫn không thể tưởng nổi điều gì đã ám ảnh nó. Matthêu Mập đánh thức Đức Mẹ và hét lên, "Maria, Maria, thức dậy và nhìn xem em bé bà đã có trong đêm qua!"

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả đã khuyến khích đám đông đang vây quanh ông hãy mở mắt và tâm hồn mình ra mà nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đến sau ông, nhưng có trước ông, và ông không đáng cởi dây giày cho Ngài.

Chúa Giêsu là Người độc nhất trong lịch sử của loài người. Sự giáng trần của Ngài là một sự kiện độc nhất, mà Ngài đã hiện hữu từ muôn đời và bây giờ đến trong thế gian với thân phận con người. Ngài độc nhất trong lời giảng dạy và việc làm. Ngài độc nhất trong sự hiền lành và quyền năng. Ngài độc nhất trong cái chết và sự phục sinh. Ngài độc nhất vô tội. Điều mà Thánh Gioan Tẩy Giả tuyên bố cũng giống như lời thiên thần báo tin Giáng Sinh của Chúa Giêsu cho các mục đồng"...này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa" (Lc 2:10-11).

Dân Chúa là đoàn dân của sự vui mừng, bởi vì trong và qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa ban chính Ngài cho chúng ta cho dù trong cảnh tối tăm nhất của cuộc đời chúng ta. Toàn bộ Tân Ước là những cuốn sách vui mừng từ đầu cho tới cuối. Sự vui mừng này được diễn tả một cách đặc biệt trong thư của Thánh Phaolô. Ngài đã phải trải qua bao nhiêu đánh đập, sỉ nhục, gian nan, tù tội. Hơn nữa, ngài còn phải đương đầu với biết bao nhiêu vấn đề trong xã hội cùng với biết bao nhiêu người khác: cả triệu người trong cảnh nô lệ; cả triệu người đói khổ, và hàng ngàn người chết oanh liệt chỉ vì họ là Kitô hữu. Và trong những lúc như thế, Thánh Phaolô đã không ngừng khuyến khích các cộng đoàn: "Anh em hãy vui mừng luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!... Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu" (Phil 4:4-7).

Thánh Tông Đồ Phaolô đã biết rằng cuộc sống vui mừng có động lực thu hút sự sống vào chính nó. Điều đó có nghĩa là sự chan chứa niềm vui thì tự đặt mình vào chỗ đón nhận thêm sự sống, niềm vui, và hy vọng. Ngược lại, người chối bỏ cuộc sống là người luôn than thở và thất vọng. Họ hướng về sự tiêu cực, tối tăm, bệnh tật, và sự chết. Chúng ta nhìn thấy rõ sự đó. Đó là một định luật của cuộc sống. Đó là một phần mà Chúa Giêsu đã có ý nói tới khi Ngài phán: "Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất" (Mt 13:12). Đó là cách xoay tròn của cuộc sống. Khi mà tâm hồn của bạn tràn ngập niềm vui, thì bạn sẽ lãnh nhận nhiều hơn nữa; ngược lại, khi tâm hồn bạn không có chút niềm vui nào, thì bạn sẽ mất tất cả. Thánh Phaolô cũng biết rằng cuộc sống vui tươi thì có chiều hướng lan truyền cho người khác.

Bạn hãy nghĩ đến một người nào đó mà đã gây ảnh hưởng lớn lao trong cuộc sống của bạn. Người đó không phải là người sống tiêu cực hoặc thất vọng, nhưng là một người biết vui sống. Chúng ta nhìn thấy một điều gì đó ở trong họ mà chúng ta cũng muốn ôm ấp. Trong công cuộc truyền giáo của chúng ta, đó là cách thức mà chúng ta có thể kéo người khác đến với Chúa Kitô.

Các Kitô hữu thời sơ khai đã có thể lôi kéo thế giới tin theo Chúa Kitô là bởi vì họ đã biết lan tràn sự vui mừng của họ ra cho thế giới. Đánh mất niềm vui đó là dấu hiệu chúng ta đã đánh mất Thiên Chúa. Và thế giới không còn trông mong điều gì ở chúng ta.

Thiên Chúa ban cho dân Ngài sự vui mừng, và qua đó, Ngài ban sự vui mừng cho thế giới!

home Mục lục Lưu trữ