Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 37
Tổng truy cập: 1376083
VĨNH CỬU
Vĩnh cửu - McCarthy
Chúng ta có thể dùng lý trí để biện luận rằng có đời sau. Nhưng những người đã làm chứng không phải bằng lời mà bằng công nghiệp và một đôi khi bằng cuộc sống của họ là những luận cứ tốt nhất. Đó là những vị tử đạo, bằng việc làm cho Thần Khí các ngài đã chứng tỏ rằng sự sống mạnh mẽ hơn sức mạnh của cái chết. Chúng ta nghĩ đến bà mẹ và bảy con trai của bà (Bài đọc 1). Nhưng có những tấm gương gần với thời đại chúng ta hơn.
Vào tháng 5 năm 1992, báo Observer đăng lại câu chuyện sau đây. Ba mươi nữ tu của Giáo Hội chính thống Nga bị Stalin giam giữ năm 1929 trong một nơi trước kia là tu viện của đảo Solovetsky trên bờ biển bắc của nước Nga. Như mọi tù nhân của các trại giam, người ta buộc các nữ tu phải lao động. Nhưng các nữ tu ấy cương quyết từ chối làm lao động và giải thích rằng họ không thể đồng ý “lao động cho những nhân viên của tên chống Kitô” (Antichrist).
Ban quản lý trại giam đã phản ứng nghiêm khắc. Nếu người ta không được y tế xác nhận không có khả năng lao động thì người từ chối lao động sẽ bị đánh đập và bị đưa đến một hòn đảo trừng trị mà không một ai còn sống để trở về.
Tuy nhiên, thật lạ lùng chính quyền trại giam dường như không muốn áp dụng sự trừng phạt ấy cho các nữ tu. Người đứng đầu bệnh xá của trại giam bối rối trước thái độ của các nữ tu. Dưới mắt ông, họ là những “tù nhân khó khăn”. Tuy nhiên thái độ của họ không giống những “tù nhân khó khăn” mà ông vẫn gặp. Thay vì kêu gào, la hét, các nữ tu chỉ bày tỏ sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân từ.
Cảm thấy tiếc xót cho các chị ông yêu cầu một bác sĩ xác nhận các nữ tu không có khả năng lao động. Bác sĩ cũng là một tù nhân rất cảm kích trước các nữ tu, các chị bình tĩnh và tự chủ, ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ. Khuôn mặt các chị tỏa ra một sự thanh khiết của tinh thần khiến người ta ngạc nhiên và sinh ra lòng tôn trọng sâu xa.
Bác sĩ cố thuyết phục các chị lao động, ông kể ra những gương lao động của các Kitô hữu khác. Khi thấy các chị không bị lay chuyển, ông nói ông sẽ nghĩ ra một bệnh nào đó cho các chị và tuyên bố các chị không có khả năng lao động. “Chúng tôi xin lỗi,”một nữ tu ngắt lời, “điều đó không đúng, chúng tôi mạnh khỏe. Chúng tôi có thể lao động. Nhưng chúng tôi không muốn lao động cho kẻ chống Kitô “.
Bác sĩ đã giải thích rằng các chị sẽ bị tra tấn và giết chết. “Thiên Chúa cũng sẽ giúp đỡ chúng tôi chịu đựng sự tra tấn,” một chị nữ tu bình thản đáp lại. Nhiều năm về sau, người bác sĩ ấy viết: “Nước mắt tôi trào ra. Tôi cúi đầu nhượng bộ các chị trong sự im lặng. Tôi đã muốn hôn bàn chân các chị”.
Ít lâu sau, các chị đồng ý may mền bông cho bệnh xá vì người ta cho phép các chị hát thánh thi nho nhỏ trong lúc làm việc. Tuy nhiên, một linh mục đến trại và nói với các chị rằng làm bất cứ việc gì cho các “nhân viên của kẻ chống Chúa” là sai lầm. Vì thế các chị từ chối lao động. Người ta lôi vị linh mục ra ngoài và bắn chết. Không bao lâu sau, các nữ tu cũng chịu chung một số phận.
Các nữ tu tỏ ra không lưỡng lự hoặc hoài nghi hoặc dao động. Nhưng điều đó không có nghĩa việc các chị làm là dễ. Mọi người đều thích sống. Các chị cũng thích sống nhưng không có nghĩa là bám lấy nó bằng mọi giá. Đối với họ, sự sống thật là sự sống muôn đời. Đức tin vào sự sống vĩnh cửu làm cho họ có thể hy sinh đời sống trần gian vì Đức Kitô.
Các nữ tu ấy, tín thác vào Thiên Chúa. Bà mẹ và bảy người con trai cũng đã làm thế. Chúng ta không làm gì hơn là noi gương tín thác Thiên Chúa của họ. Phaolô nói rằng chúng ta có niềm hy vọng chắc chắn. Niềm hy vọng này không bởi chính chúng ta mà bởi Thiên Chúa. Người là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta là con cái Người. Người tạo dựng chúng ta để sống ở đây và sau này. Viễn cảnh rực rỡ ấy làm chúng ta có thể trân trọng sự sống mà không bám lấy nó. Và nó khuyến khích chúng ta sống một đời sống ngay lành.
37. Vấn đề đời sau - R. Gutzwiller
Sau vấn đề quyền bính và luân lý, đối phương tấn công vào mặt giáo lý.
Cần nói ngay, đặt vấn đề như vậy có phần hợp lý. Mỗi lần bắt bẻ, đối phương đều đưa ra một vấn đề có căn cơ. Sự sống lại là một trong những điểm dị biệt quan trọng giữa nhóm Biệt phái và Sađốc. Nhóm Sađốc không tin có sự sống lại. đối với họ, chết là hết. Các tư tế phái Sađốc không đặt lại vấn đề tìm hiểu lập trường của Đức Giêsu về giáo thuyết này. Họ thừa biết Đức Giêsu nói nhiều về đời sau và nhất là về chung cuộc thế giới. Nhưng phải chăng Người là một vị Cứu thế không có sứ mạng gì ở đời này? Niềm hy vọng vào thế giới bên kia, đối với họ, đã chứng tỏ Đức Giêsu không phải là Đấng Xức Dầu của Thiên Chúa.
Vấn đề đời sau có một tầm quan yếu sinh tử đối với toàn thể nhân loại. Thực vậy, nếu không có đời sau, thì con người chỉ có một đường lối duy nhất là tự tạo một cuộc đời trần thế cho thực đẹp, thực hoàn mỹ, sống cho trường thọ và hưởng thụ hết mình. Mọi hy vọng về đời sau sẽ chỉ là ảo mộng và cuối cùng sẽ chuốc lấy thất vọng ê chề. Nhưng nếu có đời sau, thì sự việc sẽ đảo ngược lại, cuộc đời hiện tại chỉ là tạm bợ, là giai đoạn chuẩn bị. Mọi cái đều trông vào lá bài quyết định: tất cả phải quy hướng về đời sau. Tóm lại thái độ của chúng ta tuỳ thuộc vào niềm tin có đời sau hay không. Vấn đề đặt ra không những chính đáng mà còn là vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, người Sađốc đặt vấn nạn dưới một điển tích thật buồn cười. Họ tìm được một điểm phi lý, nhưng quá chi li trong niềm tin về sự sống lại. Theo luật Môsê, một người đàn bà goá mà không có con phải kết hôn với em chồng để duy trì giòng dõi cho anh quá cố. Cho nên nhóm Sađốc bèn nghĩ ra một vụ có người đàn bà kết hôn tới 7 lần và sau cùng chính nàng cũng chết. Ở thế giới bên kia, nàng sẽ chung sống với ai? Đặt vấn đề như thế là chưa nói lên đúng trọng tâm của vấn đề ấy là chưa kể vấn đề đó không tưởng. Giải-nghi-học (casuitique) cũng là chuyện hợp lý thôi vì lẽ các nguyên tắc luân lý tổng quát luôn phải được ứng dụng để giải quyết những vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể và cuộc sống lúc thế này lúc thế khác. Đó là một chuyện tốt. Nhưng cũng có những nguy cơ: có thể làm mất sự trọng kính chân thực tinh thần của Thiên Chúa. Điều gì cũng đem ra suy tư với lý luận. Người ta tìm những kẽ hở kín đáo và lợi dụng sự tinh tế của luật mà đưa ra những giải pháp không những không phù hợp với chủ đích của lời Chúa mà còn dễ sinh ra sự khinh mạn Lề Luật. Học hỏi lề luật là điều tốt, nhưng nó có thể giảm bớt lòng khiêm nhu tuân phục thánh ý Thiên Chúa.
Ở đây chúng ta thấy Đức Giêsu tin có đời sau hay không, đối với nhóm Sađốc, đó là điều không quan hệ. Điều họ muốn ấy là lấy một trường hợp lắt léo để làm đầu đề chế nhạo giáo lý về đời sau, và chính Người giảng dạy giáo lý đó nữa: Đức Giêsu.
Đức Giêsu trả lời. Trước tiên Người cho họ biết trường hợp họ đặt ra đó và thái độ của họ chỉ hoàn toàn là chuyện bên lề. Đời sau là một thực tại, nhưng lại rất khác đời này. Nơi cao xanh, tất cả đều biến đổi: không còn cưới hỏi gì nữa. Chúng ta chẳng thể biết liên hệ ra sao giữa vợ với chồng nữa. Không nên lấy tiêu chuẩn thế trần mà xét đoán đời sau. Vốn liếng tư tưởng của con người không có đủ năng lực để diễn tả Thiên Chúa và thế giới siêu nhiên, dù chỉ là tối thiểu. Mọi sự đều khác, lý do dễ hiểu: khi đó Thiên Chúa vô biên sẽ hiển hiện trong vinh quang và vạn sự đều mờ khuất trước ánh quang sán lạn của Người. Ở đời này con người còn có một chút giá trị vì Thiên Chúa chưa hiển hiện. Nhưng ở đời sau Thiên Chúa là vấn đề duy nhất và mọi sự khác hoàn toàn chỉ phụ thuộc. Vấn nạn của nhóm Sađốc bắt nguồn từ cách trình bày sai lầm tự căn bản quan niệm thấp hèn. Nó không dính dáng gì đến niềm tin tưởng ở cuộc đời mai hậu, nhưng là do ý niệm quá ấu trĩ và trần tục của họ. Lần này, Đức Giêsu cũng lại phá tan mưu mô xảo quyệt của đối phương và còn cho họ thấy sự cao cả và vô biên của Thiên Chúa. Sau đó Người xác nhận rằng đời sau có thực với lý chứng của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng sống động, Người đã tác tạo sự sống và không nỡ để sự sống biến dần thành hư vô nhưng Người duy trì sự sống qua việc hồi kẻ chết và ban phát sự sống trường cửu. Khi nói Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác và của Giacóp, Kinh Thánh không chỉ có ý gợi lại các biến cố thời quá khứ và những nhân vật đã qua rồi: Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết. Vì đó Ápraham, Isaac và Giacóp hiện nay đang sống. Các Ngài sống ở thế giới bên kia vì Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, đã ban sự sống cho các Ngài tồn tại. Niềm tin chân chính vào Thiên Chúa đi đôi với niềm tin bất tử và sự khác biệt giữa cõi đời hiện tại với thế giới mai sau. Chỉ có ở trước nhan Thiên Chúa hằng sống mới tìm được giải đáp đúng đắn cho vấn đề này: giải đáp không phải của phàm nhân mà là của Thiên Chúa. Như vậy là hai lần bắt bẻ của đối phương đều bị phá vỡ cùng một kiểu cách: chính Thiên Chúa làm họ phải bẽ mặt.
38. Chú giải của Fiches Dominicales
ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG KẺ SỐNG LẠI:
MỘT THỰC TẠI MỚI LẠ TUYỆT VỜI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Gài bẫy từ một trường hợp không thực:
Khi những kinh sư và thượng tế phái các "tay sai" đến hỏi Đức Giêsu về việc nộp thuế cho hoàng đế Rôma, người đã trả lời họ một cách quá khôn khéo đến độ họ "phải ngạc nhiên và làm thinh luôn".
Bấy giờ là chính những người thuộc nhóm Sađốc tới thay phiên. Những người này làm thành một "phe" thân với thượng tế (Cv 5,l7). Có nguồn gốc là quý tộc, thuộc giai cấp tư tế, và là những người bảo thủ trong vấn đề tôn giáo, họ rất quý chuộng bộ Ngũ Thư của Kinh Thánh, nhưng lại không đếm xỉa đến sách các ngôn sứ; còn về các trước tác gần đây hơn, họ chối bỏ uy tín của những sách ấy. Nếu nhóm này "chủ trương không có sự sống lại", là vì họ không tìm thấy dấu vết nào trong bộ Ngũ Thư mà họ thường tham khảo: Họ coi niềm tin vào sự sống lại như một sự canh tân và lệch lạc, mà thực ra chỉ xuất hiện trong bối cảnh cuộc nổi dậy của anh em nhà Macabê khi những người Israel trung thành với luật Chúa đã can đảm chịu chết vì đạo (cf. Bài đọc 1 Chúa nhật này).
Vì thế, khi biết Đức Giêsu cũng như tất cả nhóm biệt phái và phần đông dân chúng đều tin có sự sống lại, thì những người thuộc nhóm Sađốc liền nêu ra cho Người một trường hợp không có thực chứng tỏ sự phi lý của niềm tin này, dựa vào câu chuyện kỳ cục mà họ đưa ra. Đó là câu chuyện hoang đường về một người phụ nữ hiếm muộn nọ, mà theo luật Lêvi (một luật đã bị huỷ bỏ ở thế kỷ I) đã lần lượt kết hôn với sáu người em chồng chết mà không có con. Họ hỏi Chúa: "Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?".
2. Câu trả lời khiến đối phương phải rút lui:
Câu trả lời Chúa đưa ra hôm nay thật không ai ngờ, khiến đối phương phải rút lui, tuy nó vẫn thích nghi phần nào với não trạng của những người đôi thoại, những người Pharisêu, và nhóm Sađốc. Với những người biệt phái, Chúa đả phá cái quan niệm quá duy vật mà họ đưa ra về vấn đề kẻ chết sống lại, quan niệm mà những người thuộc nhóm Sađốc hẳn cũng chế giễu: họ mường tượng sự sống lại như chuyện thân xác được hồi sinh để có một nếp sống sau này đại khái như nếp sống hiện nay ở trần gian: cũng sinh con đẻ cái, cũng làm công việc kia nọ vậy.
Đời sống của các kẻ sống lại được hiệp thông với Thiên Chúa hấng sống, Đức Giêsu khẳng định, là đời sống hoàn toàn mới lạ so với đời sống trần gian này. Đời sống đó không có một kiểu mẫu nào ở đời này cả. Đó là một cuộc sống không thể nào tưởng tượng ra nổi, một cuộc sống hoàn toàn được biến đổi, một cuộc sống của những người "Con Thiên Chúa", những "người được hưởng ơn phục sinh": "Họ giống như các thiên thần".
Với những người thuộc nhóm sađốc dựa vào Lề Luật Môsê để chối bỏ niềm tin kẻ chết sống lại, thì Đức Giêsu không trưng dẫn những sách gần đây hẳn, như sách Đanien. Người dựa vào Luật Chúa mà khẳng định rằng: "Mọi kẻ chết đều phải sống lại".
Trong bụi gai cháy sáng (Xh 3,6) Thiên Chúa tự xưng mình là "Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp". Nếu Thiên Chúa làm bạn hữu với các tổ phụ, thì không phải chỉ trong thời gian của một đời người mà thôi. Giao ước người đã ký kết với các tổ phụ không thể chết, mà phải tồn tại đến muôn đời, vì Thiên Chúa đời đời trung tín.
Tất cả "những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết" đều là những người sống mãi, sống muôn đời, họ hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa vì "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Chúa của kẻ sống".
H. Cousin chú giải: "Ý tưởng nền tảng là lòng trung tín của Đức Chúa đối với những kẻ Người tuyển chọn, thì ngay cả Thần chết, kẻ thù của Thiên Chúa cũng không làm gì nổi. Do lòng trung tín của Thiên Chúa đối với Giao ước chính là động cơ thúc đẩy niềm tin vào sự sống lại của kẻ đã chết"
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Thiên Chúa hằng sống
Đức Giêsu lợi đụng những vấn đề lắt léo người ta đưa ra chống đối Người để tiếp tục mạc khải của Đức Chúa Cha cho đến những ngày cuối cùng. Những người thuộc nhóm Sađốc vốn chủ trương không có sự sống lại đến đặt cho người một trường hợp giả trang, mà theo họ nghĩ thì việc sống lại là điều phi lý không thể có được. Để tuân theo luật Môsê, bảy anh em lần lượt cưới cùng một người phụ nữ, và sau mỗi lần người phụ nữ ấy lại trở thành kẻ góa bụa. Sự sống lại hẳn sẽ đặt họ vào tình cảnh éo le: "Khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đều lấy bà làm vợ? ". Đức Giêsu dùng thời giờ trả lời đầy đủ cho vấn đề phục sinh, vì đó là điều rất hệ trọng. Không có sống lại, như thánh Phaolô nói, đức tin của chúng ta hóa ra "hão huyền". Cũng đáng công cho chúng ta chăm chú lắng nghe lời Chúa phán về điều này. Thí dụ người ta đưa ra để chống đối Người, tạo cho Người cơ hội để giải thích tình trạng mới lạ của "những ai được xét là đáng hưởng phúc đòi sau và sống lại từ cõi chết". Đây không phải là vấn đề trở lại với cuộc sống đời này, để mà dựng vợ gả chồng, mà là một sự tham dự vào thế giới mai sau, ở đó người ta không còn chết nữa, không còn lấy vợ lấy chồng, người ta giống như thiên thần. Đó là một dạng sinh ra mới, làm cho người ta trở thành con cái của sự sống lại. Và do đó, hoàn toàn là con cái Thiên Chúa.
Sự sống lại là hành động của một Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban sự sống ngay cả bên kia cái chết; Thiên Chúa của bụi gai cháy sáng, tự giới thiệu mình là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac và là Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Người đâu có giới thiệu mình là Thiên Chúa của kẻ chết?" Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của các kẻ chết mà là của kẻ sống". Suốt cả cuộc đời Đức Giêsu luôn quy hướng về Đức Chúa Cha; chính Người là cội nguồn, là sự sống mà ngay cả thần chết cũng không có được tiếng nói cuối tùng. Vì có mấy vị kinh sư dám ngả về lập trường của Chúa - họ vui mừng thấy những ngươi thuộc nhóm Sađốc phải bẽ mặt - nên chúng ta chỉ có thể ngợi khen Đức Giêsu vì đã loan báo cho chúng ta một vị Thiên Chúa như thế: " Thưa Thầy chúng tôi biết Thầy nói và dạy cách thắng thắn!". Chẳng bao lâu nữa, sự phục sinh của chính Đức Giêsu sẽ tỏ cho thấy một tương lai mà chẳng bao giờ chúng ta dám mơ ước? ".
2. “Sự sống lại đã bắt đầu rồi"
"Đối với những người thuộc nhóm sa-đốc, đây là cơ hội tốt để chế giễu có pha chút hài hước, những ai tin rằng sự sống lại là chuyển đổi nếp sống ở trần gian này lên thiên đàng.
Câu hỏi mà cũng là cái bẫy cho Đức Giêsu khiến Người phải nói rõ "giáo lý" của Người về sự sống lại từ cõi chết và thỏa mãn tính tò mò của đám thính giả? "Nếu các vị tin vào sự sống lại, thì cụ thể điều đó sẽ xảy ra như thế nào?".
Đức Giêsu hẳn làm cho đối phương của Người phải rút lui bẽ mặt và bỏ đi những điều tưởng tượng quá trớn cùng những câu chuyện trẻ con chỉ làm cho ngủ gật thôi. Thiết tưởng là vô ích, vả lại cũng không thể có được một ý niệm nào về "Thế giới mai sau" dựa vào những thực tại trần gian này. Những "người được hưởng sự sống lại" sẽ được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa. Họ sẽ "giống thư các thiên thần", và sẽ không có thể chết nữa. Thế nhưng với một điều kiện là "được xét là xứng đáng”.
Đức Giêsu cũng hướng thính giả của mình về tận cội nguồn Kinh Thánh. Chắc chắn là những người Pharisêu và những người thuộc nhóm Sađốc đều biết Kinh Thánh, nhưng còn phải giải thích cho đúng những dữ kiện của Mạc khải nữa. Phải quy chiếu về Môsê, nhưng để tìm ra những điều mà người khác đã không tìm thấy. Nếu Đức Chúa tự giới thiệu với Môsê là "Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp", thì rõ ràng người là Thiên Chúa của những kẻ "còn đang sống" chứ không phải của những "kẻ đã chết rồi". Bởi lẽ, mọi người đều sống với Người, nhờ Ngươi và vì Người. Và điều đó thiết tưởng phải đủ để ta hân hoan cùng với lòng tin tưởng mà hiểu biết rằng mầu nhiệm này thật khôn lường, trí con người không thể vươn tới được. Đời sống của kẻ sống lại là đời sống sung mãn tràn đầy, là kinh nghiệm về tình yêu trọn vẹn, là sự nối dài và phát triển mối tương quan đã được thiết lập và phát triển ngay ở đời này. Phần còn lại đều là tò mò hão huyền vô ích. Trang sử vĩ đại của tình yêu không thể "bị kết thúc và vùi sâu dưới nấm mồ".
Còn hôm nay, mặc dầu Đức Kitô đã phục sinh, mặc dầu truyền thống Kitô giáo đã trải qua hai ngàn năm, mặc dầu trong kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng rằng xác loài người ngày sau sẽ sống lại, thế mà nhiều Kitô hữu vẫn lo lắng, và bối rối; có những người còn để mình lạc lõng trong những chi tiết vụn vặt và những điều ấu trĩ. Lại còn có những người bày tỏ bất mãn hoặc tìm ánh sáng và ủi an bên ngoài nguồn ánh sáng và an ủi. Người thì đòi hỏi những chứng cớ lịch sử hoặc cho đó là những chuyện huyền thoại; người khác lại bám víu vào thế giới bên kia để tìm an ủi mình một cách rẻ tiền.
Hôm nay cũng như hôm qua, chúng ta không ngừng sẵn sàng lắng nghe Đức Kitô và đặt niềm tin tưởng nơi Người để luôn tin vào sự sống lại và sống như người đã sống lại rồi ".
3. "Một điều bất ngờ hoàn toàn”.
"Người chết sống lại làm sao? Họ trở về với thân thể nào?"
Chẳng ai có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Đã hẳn, trong Tân Ước, có vài chỗ đề cập đến chủ đề này nhưng luôn luôn với chừng mực và giản dị hết sức. Một sự giản dị đến độ cuối cùng người ta chẳng biết được gì khá hơn! Thực ra những đoạn văn ấy chỉ muốn cảnh giác tin tưởng tượng của ta thôi. Bởi lẽ người ta luôn luôn có nguy cơ, đặc biệt trong những lãnh vực này, là thích phản ánh những điều ta mơ ước vào thế giới bên kia và mường tượng rà một thực tại, mà đứng ra, chúng ta tuyệt đối không thể nào hình dung ra được, bởi vì không ai trong chúng ta đã có lần nào được nhìn thấy thực tại ấy cả? Làm sao ta có thể mô tả một cây sồi mà suốt đời ta chưa bao giờ được nhìn thấy cây ấy hoặc có được trong tay chỉ một trái cây sồi thôi? Đó là lý do tại sao các tác giả Tân ước, những người cũng chẳng biết gì hơn ta, mời gọi ta phải có sự khôn ngoan hết sức và dẫu sao cũng phải từ bỏ mọi cách trình bày duy vật.
Vì thế chúng ta hoàn toàn bất lực để nói về cái thực tại mà chúng ta hoàn toàn chẳng biết gì cả. Những điểm mốc ta quen dùng, rõ ràng là không đủ khả năng giúp ta tưởng tượng ra cái thế giới khác ấy, cái tình trạng "thân xác vinh hiển" mà thánh Phaolô nói đến ấy, những "trời mới, đất mới" mà sách Khải Huyền (21,l) hứa hẹn cho ta thấy. Thực tại đó chẳng có gì để so sánh với cái ta biết ở trên mặt đất này. Sẽ là một bất ngờ lạ lùng theo nghĩa mạnh nhất của từ ngữ này.
Và là một bất ngờ vui sướng? Một thế giới tuyệt vời diễn ra không ngừng những điều mới lạ, một cái gì đó không thể tưởng tượng nổi?".
39. Thân xác sống lại
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đã tuyên xưng: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Niềm tin tưởng này trước hết là dựa vào Lời Chúa.
Thực vậy, ngày hôm nay Chúa Giêsu đã trả lời cho bọn Sađucêo, là những người không tin việc sống lại như sau: Các ngươi đã lầm và chẳng hiểu gì về Kinh Thánh cũng như về quyền năng của Thiên Chúa. Vào ngày sống lại, người ta sẽ chẳng lấy vợ lấy chồng nữa, mà nên giống như các thiên thần ở trên trời. Về việc kẻ chết sống lại, há các ngươi chẳng đọc thấy lời Chúa phán: Ta là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacob. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của người sống.
Trong bài giảng về bánh ban sự sống Ngài cũng bảo: ý của Cha Ta là hễ ai thấy Chúa Con và tin ở Ngài thì có sự sống đời đời và Ta Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.
Rồi bên nấm mồ của Lagiarô Chúa Giêsu cũng đã nói với Martha: Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.
Hơn nữa chúng ta cũng có thể dùng sự suy luận thường tình để xác quyết về việc thân xác chúng ta sẽ sống lại. Trước hết Thiên Chúa đã từ không mà dựng nên mọi vật, thì chẳng lẽ quyền năng của Ngài lại không đủ để thực hiện việc sống lại hay sao? Chúng ta nên nhớ đối với Thiên Chúa không có gì mà Ngài chẳng làm được.
Vậy thì dựng nên cho có hay hồi phục lại cái đã có đằng nào dễ hơn. Thiên Chúa đã làm được cái khó, lẽ nào Ngài lại chẳng làm được cái dễ hơn sao? Chính vì thế mà ngay từ những thế kỷ đầu, Tertuliano đã nói: Đấng đã kéo chúng ta lên từ hư vô, lẽ nào lại chẳng có thể kéo chúng ta lên từ một nấm mồ.
Trong thiên nhiên đông qua rồi xuân lại đến, tất cả như một sợi xích liên tục giữa chết và sống. Như thế, Thiên Chúa đã công bố sự sống lại trong những công trình của Ngài trước khi công bố nó bằng lời nói.
Sau cùng, việc sống lại còn là một việc hợp tình và hợp lý. Con người gồm có hồn và xác. Thân xác là một người bạn của linh hồn. Và sự xa cách chia lìa giữa hồn và xác chỉ là tạm thời mà thôi. Thân xác là dụng cụ của linh hồn để làm điều tốt cũng như để làm điều xấu. Với thân xác, linh hồn đã thực hiện được những việc tốt lành. Thân xác ấy được thánh hóa nhờ các bí tích, trở nên đền thờ Thiên Chúa, qua việc rước lễ. Chính vì thế mà thân xác phải được sống lại để hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Nhưng đồng thời, với thân xác linh hồn cũng đã làm những việc xấu xa. Vì thế thân xác cũng phải được sống lại để bị trừng phạt cùng với linh hồn. Thân xác có thể là dụng cụ của nhân đức, có thể là dụng cụ của tội lỗi. Tùy theo đó mà sẽ cùng với linh hồn được hạnh phúc hay phải đau khổ trong cuộc sống bên kia.
Trong cuộc sống nơi trần gian toàn diện con người chúng ta đã đi đến với Chúa hay đã quay lưng chống lại Ngài, thì trong cuộc sống bên kia, toàn diện con người chúng ta sẽ được hạnh phúc hay đau khổ mãi mãi. Bởi đó, hãy làm chủ lấy thân xác, biến nó trở thành người bạn tốt của linh hồn, nhờ đó mà trong ngày sau hết nó sẽ được sống lại, cùng với linh hồn hưởng niềm hạnh phúc trong vinh quang bất tận.
40. Vấn đề kẻ chết sống lại
Ai trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem có can đảm để sống không? Bởi vì phần đông trong chúng ta ai cũng sợ chết và nhất là cái chết ấy lại đến một cách bất ngờ. Quả thực, chết là một thực tại đáng sợ nhất trong cuộc đời. Chết là một hành động phản tự nhiên, nhất là ta phải trải qua trong cuộc sống. Chính vì thế về mặt luân lý người ta không ngừng đi tìm đủ mọi cách để tránh nghĩ về sự chết hay phủ nhận cái chết sẽ không đến với chúng ta.
Trong ngôn ngữ thông thường dường như chúng ta cũng tránh nói đến cái chết. Bởi đó, người chết được gọi là người quá cố, người khuất núi, người đã yên giấc nghìn thu hay người đã ra đi trước chúng ta, nhưng muốn hay không cái chết vẫn là người bạn đồng hành mỗi ngày với chúng ta. Thật thế, trong cuộc sống chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu người thân thương ruột thịt của chúng ta phải chết, đồng thời chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều cái chết qua các phương tiện truyền thông mỗi ngày. Đối với những người không có niềm tin, cái chết quả là một cái gì phi lý nhất trong cuộc sống. Nhưng đối với những ai có niềm tin thì chính cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, đó là thái độ mà mỗi Kitô hữu vẫn thể hiện khi đứng trước cái chết. Cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi chúng ta vẫn tin rằng, bên kia cái chết thì cuộc sống vẫn tiếp tục, đó là cuộc sống trong cõi phúc trường sinh. Đây là niềm tin, niềm hy vọng mà chúng ta được mời gọi để nuôi dưỡng mỗi ngày.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta củng cố niềm tin và hy vọng. Chúa Giêsu không những rao giảng về sự sống lại, mà chính Ngài còn là sự sống lại. Sự Phục Sinh của Ngài là bảo chứng của cuộc sống và làm chứng cho lời rao giảng của Ngài. Chính sự Phục Sinh của Ngài mà niềm tin của chúng ta được xây dựng.
Quả thật, như lời thánh Phaolô khẳng định trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta thật là hão huyền”. Niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta tìm được ơn can đảm để sống, mặc dù có trải qua bao nghịch cảnh thử thách, khổ đau. Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta vẫn tiếp tục tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, đó là cuộc sống hạnh phúc bất diệt trên Nước Trời. Cũng qua đoạn Tin Mừng trên, thánh sử Luca kể lại cho chúng ta nghe về việc chối từ của những người trí thức thuộc phe Saducê. Họ không tin có sự sống lại, họ đặt ra một vấn nạn về việc một người đàn bà có bảy đời chồng: “Nếu có sự sống lại thì người đàn bà này sẽ thuộc về ai trong số bảy người chồng đã chết?”. Họ thách thức Chúa như vậy, nhưng họ thắc mắc và ngụy biện như vậy là vì họ có một quan niệm sai lầm về sự sống đời sau và về sự sống lại.
Sự sống sau cái chết không còn giống như sự sống ở hiện tại, và sự sống lại không phải là sự phục hồi để trở về đời sống trần tục bình thường mà là một sự sống đã được thăng hoa, đã được biến đổi, đã được nâng cao trong ân sủng Chúa, được thăng cấp như sự sống các thiên thần.
Không có kinh nghiệm trần tục nào, không có một ngôn ngữ con người nào có thể diễn tả một cách tích cực sự thật thiêng liêng này. Chúa Giêsu đã trả lời cho những kẻ chất vấn Ngài như sau: “Con cái đời này cưới vợ gả chồng, song những ai được dự phần đời sau, được sống lại từ cõi chết thì sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa. Họ sẽ không chết nữa vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa và là con cái của sự sống lại”.
Sức mạnh cuối cùng về lý luận của Chúa Giêsu, đó là điều mà chính Con Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta. Vì không ai có thể nói cho chúng ta biết những chuyện trên trời nếu không phải là Đấng ngự trên trời xuống. Là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Chúa Giêsu có đầy đủ uy tín để quả quyết: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống”. “Con có tin không?”, Chúa Giêsu đã nói với Martha và đã hỏi thánh nữ như vậy. Và ngày hôm nay, Ngài cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Con có tin không? Con có tin Ta, có tin vào sự sống, tin vào sự sống lại hay không?”.
Tháng Mười Một chúng ta không khỏi ngậm ngùi nhớ lại người thân thương đã chết, chia ly cách biệt vẫn là nỗi đau nhất trong cuộc sống. Nhưng với niềm tin Phục sinh, chết như được dẹp bỏ, người chết như vẫn hiện diện gần gũi với chúng ta và đây chính là nguồn diễm phúc của những ai có niềm tin vào sự sống lại.
Ước gì mỗi người chúng ta, với ơn Chúa soi sáng chúng ta sẵn sàng đáp trả: “Lạy Chúa con tin, con tin Chúa, con tin Lời Chúa dạy, con tin vào sự sống đời đời và sự sống lại”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam