Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 63
Tổng truy cập: 1367477
VUA CHÂN LÝ
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Danh nhân Mahatma Gandhi (1869-1948), chính khách chủ trương bất bạo động và nhà lãnh đạo tinh thần của dân Ấn Độ, nhận định: “Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh”. Một câu nói rất thâm thúy, rất phù hợp với đạo làm người và cũng phù hợp với đạo giáo – đặc biệt là Công giáo.
Ông Gandhi còn xác định rạch ròi và chi tiết hơn: “Dù bạn có là thiểu số thì chân lý vẫn là chân lý. Công cuộc theo đuổi chân lý không cho phép bạo lực với đối phương. Sai lầm không trở thành chân lý vì lý lẽ của vô số cách tuyên truyền, chân lý cũng không trở thành sai lầm vì không ai thấy nó. Tôn giáo của tôi dựa trên chân lý và bất bạo động, chân lý là Chúa của tôi, bất bạo động là cách để nhận biết Người”. Cách sống của ông rất gần với giáo huấn yêu thương của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng ta.
Thế mà, khi xét xử Chúa Giêsu, ông Philatô đã hỏi Ngài: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Ông ta thực sự không biết hay là cố ý giả nai? Chúng ta có bao giờ “đặt vấn đề” như ông Philatô? Có đấy, nhưng với kiểu cách “tinh vi” hơn! Người Việt nói là “giả nai” hoặc “ngây thơ cụ”.
Theo chế độ quân chủ, vua là người có quyền tối thượng, cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết, thế mới là trung thần: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Mọi thần dân đều vui nhận mọi mệnh lệnh của nhà vua, vì được nhận chiếu chỉ của vua là niềm hãnh diện, và người ta còn gọi chiếu chỉ là “thánh chỉ”, tất nhiên không loại trừ mệnh lệnh bắt phải chết.
Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, tự hữu và hằng sinh, vua chúa trần gian chỉ là “hạt bụi” dưới chân Ngài mà thôi. Thế nhưng Ngài lại giàu lòng thương xót, thích tha thứ chứ không thích kết án ai. Thật lạ, khi Chúa Giêsu đứng trước Philatô, một người đầy uy lực, còn Chúa Giêsu khi đó chỉ như một tội đồ, thế mà Ngài vẫn thản nhiên nói thẳng với tổng trấn đó: “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông” (Ga 19:11).
Trình thuật Ðn 7:13-14 cho biết một trong những thị kiến ban đêm của ngôn sứ Đa-ni-en: “Tôi mải nhìn thì kìa: có ai như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.
Chỉ có hai câu, ngắn gọn nhưng súc tích nói rõ về Vua Chân Lý, cũng là Hoàng Tử Bình An, Vua Công Lý, Vua Tình Yêu, Chúa Tể Càn Khôn. Nhưng có điều đặc biệt, Vị Vua này là Hoàng-Đế-ba-không: KHÔNG đăng quang, KHÔNG ngai vàng, và KHÔNG được tiền hô hậu ủng. Chắc chắn không một vị vua chúa nào “độc đáo” như Ngài và cũng không có uy quyền như Ngài. Thật hạnh phúc khi chúng ta được nhận biết Ngài và tôn thờ Ngài!
Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời” (Tv 93:1-2). Vâng, quả nhiên là chúng ta không thể không chia sẻ với người khác khi chúng ta có một Đức Chúa như vậy, ngay cả những vật vô tri cũng chợt nhận biết và rồi chúng không thể im lặng: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19:2-3).
Thiên Chúa là Đấng siêu việt nên mọi thứ khác bởi Ngài cũng hoàn toàn siêu việt: “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững, nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện triền miên qua mọi thời” (Tv 93:5). Đó là một sự thật minh nhiên, vĩnh hằng, không ai có thể chối cãi. Nếu có ai chối bỏ thì chỉ là tự lừa dối chính họ mà thôi.
Thiên Chúa quan tâm chăm sóc các thụ tạo của Ngài rất chu đáo, Ngài muốn chúng ta đồng hưởng vinh quang với Ngài đời đời. Tuy nhiên, trước đó thì chúng ta được “thanh luyện” trên thế gian với quyền tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta. Vâng, chúng ta được hoàn toàn tự do chứ hề không bị ép buộc.
Thánh Gioan viết thư gửi bảy Hội Thánh Axia và đề cập việc làm chứng nhân của Đức Giêsu Kitô: “Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người, xin Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy MÁU mình RỬA SẠCH tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1:5-6). Thiên Vương Giêsu Kitô không “hét ra lửa” như các vua chúa trần gian, nhưng Ngài lại có uy tín hơn bất cứ ai. Ngài trị vì cả vũ trụ hữu hình và vô hình, nhưng Ngài lại làm gương là hy sinh vì tình yêu đến tận cùng, đến chết.
Lần thứ nhất Chúa Giêsu Kitô đến thế gian như “con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Gr 11:19) và với tư cách là Vua Thương Xót, nhưng Ngài đến thế gian lần thứ hai như một Thẩm Phán Công Bình và với cương vị là Vua Công Lý. Ngày ấy đang đến rất gần rồi!
Thánh Gioan cho biết cách Thiên Vương Giêsu quang lâm: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!” (Kh 1:7). Đấm ngực là biểu hiện lòng sám hối, nhưng nếu đấm ngực mà không ăn năn thì có đấm mạnh đến nỗi đau tức ngực cũng chỉ là vô ích. Biết chuẩn bị đón Ngài bằng cách “đấm ngực chân thành” ở mọi nơi và mọi lúc thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa khoan hồng, thậm chí là tha bổng, cho trắng án. Không ai xa lạ, chính “tướng cướp khét tiếng” Dismas đã nên thánh nhờ được diễm phúc đó (x. Lc 23:43), đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37).
Thiên Chúa là tất cả, mọi điều không thể sẽ hóa thành có thể, chỉ cần chúng ta thành tâm mà khiêm nhường sám hối, chứ Ngài không cần lễ vật chi cả (). Thật vậy, Ngài đã xác định rạch ròi: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1:8). Nhưng đừng quên điều này: “Thiên Chúa không thiên vị ai (Gl 2:6; Cv 10:34) và cũng không vị nể ai (1 Pr 1:17a; Mt 22:16), cứ theo công việc mỗi người mà xét xử.
Trình thuật Ga 18:33b-37 cho thấy cảnh người ta phải công nhận Ngài là Vua, một Vị-Vua-ba-không.
Sau khi bọn thủ ác bắt Chúa Giêsu và điệu Ngài tới cho tổng trấn Philatô luận tội. Lúc ông ta trở vào dinh, cho gọi Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”. Ngài không trả lời mà thản nhiên hỏi lại: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Ông Philatô nói rằng ông là người Do-thái, mà chính dân chúng và các thượng tế đã nộp Ngài cho ông ta. Rồi ông ta hỏi Chúa Giêsu: “Ông đã làm gì?”. Chúa Giêsu không trả lời thẳng mà trình bày lý luận: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”.
Có lẽ ông Philatô gần giống như “vịt nghe sấm”, chưa hiểu hết ý của Chúa Giêsu nên ông ta phải hỏi lại: “Vậy ông là vua sao?”. Chúa Giêsu vẫn không xác nhận mà lại nói: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ai cũng thích sự thật, nhưng không dễ “đứng về phía sự thật”. Tại sao? Vì SỰ THẬT luôn THẲNG THẮN. Thế nên người ta dễ a dua, vì không có lập trường, sợ bị “lẻ loi”, như người ta vẫn nói đùa mà thật: “Ai làm sao, tôi làm vậy; ai làm bậy, tôi làm theo!”. Phải thực sự can đảm mới có thể dám “đứng về phía sự thật”.
Sự thật vốn dĩ dễ khiến người ta mất lòng vì sự thật thường mang tính phũ phàng. Tuy nhiên, sự thật là chân lý, mà chân lý không thể bị bóp méo hoặc bị xuyên tạc, nhưng chân lý đó phải thực sự là sự thật – tức là chân-lý-thật, chứ không thể là sự thật giả tạo, được ngụy biện hoặc được dàn xếp. Chính chân-lý-thật mới có khả năng kỳ diệu, dạng sự thật mà Chúa Giêsu đã đề cập và xác định: “Sự thật sẽ giải phóng quý vị” (Ga 8:32).
Ước gì không một ai trong chúng ta “ngây thơ cụ” như ông Philatô đã hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).
Mừng kính lễ Thiên Vương Giêsu Kitô là dịp để chúng ta xét mình một cách nghiêm túc hơn, xem mình đã thực sự là tín dân của Ngài hay chưa. Và xin được kể vài chuyện có thật đã xảy ra với những kẻ vô thần, dám coi thường Thiên Chúa:
1. John Lennon, ca sĩ của ban nhạc nổi tiếng The Beatles của Anh quốc. Trong lúc được tạp chí American Magazine phỏng vấn, John Lennon nói: “Thiên Chúa Giáo sẽ không còn, sẽ biến mất. Tôi không có gì phải tranh cãi về điều đó. Tôi chăc chắn như thế. Ông Giêsu thì được, nhưng những kẻ theo Ông thì quá ngây ngô! (Ý muốn nói là bị Ông Giêsu lừa gạt). Ngày nay, chúng tôi, ban nhạc The Beatles nổi tiếng hơn Ông Giêsu” (1966). Sau khi John Lennon tuyên bố lời trên đây, hắn bị bắn sáu lần. Không biết sau đó hắn có ăn năn hay không, nhưng mọi người biết rõ là The Beatles đã “chết”.
2. Một nhà báo hỏi người thiết lập chiêc tàu Titanic về sự an toàn của chiếc tàu, hắn nói: “Ngay cả Thượng Đế cũng không thể đánh chìm được nó”. Kết quả ra sao, mọi người đã biết rõ: Vỡ đôi vì tảng băng ngầm vào sáng ngày 15-4-1912 tại Bắc Đại Tây Dương!
3. Marilyn Monroe, diễn viên điện ảnh. Trong một xuất trình diễn, cô được Billy Graham đến thăm. Bill Graham nói rằng Chúa Thánh Thần sai ông đến để nói với cô. Nghe xong, Marilyn Monroe nói: “Tôi không cần Giêsu của ông”. Một tuần sau, người ta thấy xác Marilyn chết cô đơn trong một chung cư.
4. Năm 1954, sau khi chiếm miền Bắc, một toán công an cộng sản vào nhà dòng kín Bùi Chu lục soát. Khi đến Nhà Nguyện, lúc các nữ tu đang chầu Mình Thánh, một tên cộng sản lớn tiếng la lối: “Chúa của các người ở đâu?”. Nữ tu chỉ Nhà Tạm trên bàn thờ, tên này lấy súng mang trên người nhắm Nhà Tạm. Hắn bắn vỡ chén thánh và Mình Thánh Chúa đổ ra vương vãi. Bắn xong, hắn vẫn đứng yên, chĩa súng vào Nhà Tạm như muốn bắn tiếp. Các nữ tu vô cùng đau lòng vì Mình Thánh Chúa bị xúc phạm, nên quỳ xuống, van xin anh đừng bắn nữa, nhưng khi chạm đến anh, các nữ tu mới biết linh hồn hắn đã lià khỏi xác từ lúc nào rồi: Hắn chết đứng!
5. Năm 1963, sau khi Tổng thống Ngô Ðình Diệm bị một số tướng tá phản bội lật đổ, một số người bên lương tràn vào Tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên (Huế), đập phá “tàn tích gia đình trị”. Khi thấy bức tượng Thánh Gioan Tẩy Giả, quan thầy của Tổng thống Diệm, một thanh niên trèo lên vác búa đập vỡ mặt mũi bức tượng, nhưng hắn bị trật chân ngã xuống và chết ngay lập tức. Sự kiện này xảy ra trước mắt nhiều người chứng kiến.
6. Voltaire là kẻ chống Thiên Chúa và đánh phá Hội Thánh Công Giáo rất quyết liệt. Không một lời gian dối và vu oan nào mà ông tởm gớm. Ông chiêu tập một nhóm lấy tên là “Beelzebub” (Bê-en-dê-bun, tên của tướng quỷ). Năm 1753, ông đã lên án Thiên Chúa: “Hai mươi năm nữa Thiên Chúa về hưu, vì không còn ai phục vụ Ngài”. Đúng hai mươi năm sau, năm 1773, Voltaire tắt thở vì chết thê thảm. Ông đã thấy những hình ảnh làm ông run sợ và hét lên: “Một bàn tay đang kéo tôi xa Thiên Chúa… Qủy bắt tôi… Tôi trông thấy hỏa ngục”. Ông tru tréo như thú vật hung dữ. Ông lấy móng tay cấu xé thịt mình ra từng miếng. Một bà già thường giúp người hấp hối, sau khi chứng kiến cái chết của Voltaire, đã nói: “Khi ấy tôi ở gần giường của Voltaire đang hấp hối, tôi không muốn nhìn thấy một người vô đạo chết nữa”. Một người khác chứng kiến cái chết của Voltaire cũng nói: “Nếu quỷ có thể chết được, cũng không chết dữ như Voltaire”.
Lạy Thiên Chúa, xin thêm lòng Tin Cậy Mến cho con, vì con yếu đuối lắm. Xin đừng để sóng đời cuốn trôi con theo hướng vô định. Xin Thần Khí Chúa định hướng tâm linh để con tin nhận Đức Giêsu Kitô là Vua cai trị đời con mà vui nhận mọi mệnh lệnh của Ngài – Đấng cứu độ nhân loại, Đấng hằng sinh và hằng hữu, hiển trị cùng với Chúa Cha, và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
30. Một vị vua khác thường – Guy Marin.
Vua chúa trần gian có một lãnh thổ mà họ thống trị và họ tìm cách mở rộng: Chúa Giêsu Kitô không có nơi gối đầu. Vua chúa trần gian cho phát hành tem và đồng tiền mang hình ảnh của họ, như thể họ muốn kiểm soát mọi thư từ và mọi việc buôn bán vậy; Chúa Giêsu không có như vậy. Những kẻ quyền thế ở đời có quân đội và cảnh sát, bom và súng đại bác, và sử dụng chúng khi cần, trong vườn Cây Dầu, Chúa Kitô chỉ có hai thanh gươm và cấm Phêrô sử dụng. Vua chúa và những người làm lớn ở đời này cai quản dân tộc của họ bằng sự khéo léo, mưu mô và những thủ đoạn, thậm chí đôi khi bằng dối trá, bất công và tội ác nữa; Chúa Giêsu Kitô không thể dùng phương tiện nào trong những phương tiện cấy, vì Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Nếu Chúa Giêsu Kitô không có chút gì trong những điều làm nên các vị vua, vậy có thể thực sự xưng Ngài là vua không? Kinh Tin Kính trả lời chúng ta… “vương quốc Ngài sẽ vô cùng tận”. Và tất cả Tin Mừng cũng nói như vậy: Thiên sứ Gabriel loan tin cho Đức Maria rằng con của bà sẽ lên ngôi Đavit; Ba vua thờ lạy Ngài như một vị vua; suốt ba năm Chúa Giêsu không ngớt nói về vương quốc.
Tuy nhiên, các sách Tin Mừng kể lại một sự kiện lạ lùng, đó là thái độ của Chúa Giêsu đối với quyền làm vua. Khi dân chúng hăng say muốn tôn Ngài lên làm Vua, Ngài đã từ chối. Trái lại trước mặt Philatô, trong lúc không ai đặt Ngài làm vua cả, Chúa Giêsu lại khẳng định vương quyền của Ngài. Ngài nhất thiết đòi cho được vương quyền, trong lúc không ai muốn trao cho Ngài cả. Khi người ta hiến dâng nó cho Ngài thì Ngài lại tránh né. Thái độ lạ lùng thật: khi có thể dễ dàng làm Vua, thì Ngài từ chối. Khi điều này không thể xẩy ra thì Ngài lại cố đòi cho được. Chúa Giêsu quả là một vị Vua lạ lùng.
Chứng nhân cho sự thật.
Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Vua ở điểm nào: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật”. Sự thật mà Ngài tuyên bố là độc nhất, đó là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến để cứu độ thế gian. Mỗi lần bằng lời nói và và việc làm, Chúa Giêsu biểu lộ ý định này, là mỗi lần Ngài thực thi quyền là vua của Ngài. Có thể nói rằng cuộc đời của Ngài là cuộc đời vương giả, vì nó hoàn toàn diễn tả ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, mù, què, bất toại, phong cùi, nhưng hành động này đối với dân chúng là dấu hiệu cho thấy vương quốc đã đến gần, tức là Thiên Chúa đang can thiệp. Cũng vậy khi, bởi quyền năng của Thiên Chúa, Ngài trừ quỷ là Ngài minh chứng về sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa nơi dân Ngài. Khi Ngài lui tới với những người thu thuế, khi Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình là Ngài biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa không muốn cho kẻ tội lỗi phải chết. Khi Ngài khóc thương Giêrusalem, Ladarô là Ngài biểu lộ lòng ưu ái của Chúa Cha đối với những nỗi khốn khó của loài người chúng ta.
Một hôm, Chúa Giêsu tuyên bố là có phúc những kẻ bất hạnh đủ loại: nghèo, đói, khát, buồn rầu, bị bách hại. Ngài không khôi hài đâu, nhưng Ngài loan báo cho họ rằng họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng Nước Trời sắp đến. Đối với những kẻ bị trói buộc bởi những luật lệ tỉ mỉ, Ngài nói với một lời giải phóng: “Ngày sabat được đặt ra vì con người…”. Trong các dụ ngôn, như dụ ngôn về đứa con hoang đàng, Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh của Thiên Chúa và những mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Làm chứng cho sự thật bằng cuộc sống của mình, Ngài lại càng làm chứng hơn nữa bằng cái chết. Vì những giá trị mà Ngài đề cao chính là nguyên nhân của cái chết này. Vì làm chứng như vậy về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu chống lại những tư tưởng quen thuộc, Ngài thay đổi những cách đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân. Ngài làm cho các chức trách tôn giáo căm thù. Tóm lại Ngài trở thành kẻ xách động. Người ta nói với một kinh sư rằng Đấng Mêsia đã đến. Ông chạy ra cửa sổ nhìn và trở về lắc đầu mà nói: “Không tôi không thấy gì thay đổi cả”. Kinh sư này có lý, Chúa Giêsu là Vua khi sự việc thay đổi nhân danh Tin Mừng. Và trước hết là lòng con người. Chúa Giêsu là Vua khi con người hoán cải theo các mối phúc thật và từ bỏ các giá trị theo tinh thần thế gian: Nghèo còn hơn là bóc lột, bị bách hại còn hơn là bách hại, hiền lành còn hơn là hung dữ, thà khóc còn hơn làm cho kẻ khác khóc, tha thứ hơn là được giải oan.
Khi con người biết Tin Mừng họ sẽ không thể dửng dưng đối với những gì thuộc lãnh vực chính trị. Họ không dửng dưng khi chính phủ kỳ thị chủng tộc, tạo nên bất bình đẳng, áp bức kẻ yếu hoặc bóc lột thế giới thứ ba. Nhân danh Tin Mừng người Kitô hữu có một cái nhìn phê phán trên tất cả những điều này. Chúa Giêsu đã từ chối quyền bính chính trị, nhưng Ngài đã để lại những nguyên tắc hướng dẫn lương tâm chính trị. Hôm nay chúng ta hãy nhớ rằng Ngài chỉ làm Vua theo mức độ chúng ta sống theo chân lý của Ngài mà thôi.
31. Làm chứng cho sự thật
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có 4 bà mẹ ngồi tán ngẫu với nhau. Các bà huyên thuyên nói về những đứa con của mình. Một bà khoe:
– Thằng Tí nhà tôi thế nào lớn lên cũng làm kỹ sư. Hễ nhà có món đồ nào mới mua về, thì nó cũng tìm cách tháo tung ra để coi máy móc bên trong chạy ra sao.
Bà thứ nhì nói:
– Thằng Tèo nhà tôi, đoán chắc sau này nó sẽ trở thành luật sư. Ai nói gì nó cũng cãi cho bằng được!
Bà thứ ba than:
– Thằng con tôi có lẽ cũng sẽ trở thành họa sĩ, vì tường nhà không có chỗ nào mà không có nốt vẽ của nó!
Bà cuối cũng góp chuyện, sau khi suy nghĩ:
– Thằng nhỏ nhà tôi số nó sẽ trở thành bác sĩ thôi. Chà! Hễ có việc gì kêu nó thì chả bao giờ nó tới ngay cho người ta nhờ!
Vâng, mong con thành đạt là ước mơ chung của cha mẹ. Người mẹ nào mà không mong cho con mình mau khôn mau lớn. Người cha nào mà không mong cho con mình mai sau công thành danh toại. Nhiều gia đình chấp nhận nghèo đói để có tiền cho con ăn học. Nhiều gia đình sẵn sàng bất chấp mọi phương tiện như: biếu xén, qùa cáp, chạy chọt cho con được một thứ hạng, một bằng cấp cho dù là ảo hay không thực lực với tài trí con mình. Xem ra con người ngày nay nhắm đầu tư vào trí hơn là đức. Câu khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” đã lỗi thời hay chỉ còn là một sáo ngữ không còn phù hợp với văn minh con người hôm nay.
Thiếu đầu tư vào giáo dục đức dục con người như đang vong thân, xa rời với xã hội và tự khép mình trong hoang đảo cô đơn và lạnh lùng. Phát triển trí tuệ nhưng nhân đức không được trau dồi cân xứng, người ta sẽ dễ dàng đối xử với nhau “có lý mà không có tình”. Mọi quan hệ giữa người với người đều phải hạch toán, lời mất, được thua. Con người hôm nay tính toán sòng phẳng với nhau hơn là sống tương thân tương ái, “tối lửa tắt đèn có nhau” mà chỉ là “đèn nhà ai – nhà ấy rạng” hay an phận thủ thường theo chủ nghĩa “mackeno” cho xong.
Một xã hội đang chuyển mình như thế, liệu người kytô hữu chúng ta có dám lội ngược dòng để sống theo đòi hỏi của Tin mừng hay không? Tin mừng đòi hỏi chúng ta hãy yêu tha nhân như chính mình và sẵn lòng phục vụ tha nhân. Chính Đức Giêsu Ngài đã đến không phải để được phục vụ mà là để cúi mình phục vụ tha nhân. Chính Ngài đã chấp nhận tan biến đời mình để nên nguồn sống cho nhân trần.
Hôm nay, lễ suy tôn Chúa làm Vua, Giáo hội nhắc nhở chúng ta, là Kytô hữu tức là công dân của Nước Thiên Chúa chúng ta được mời gọi xây dựng nước Chúa ở trần gian bằng sự hiệp nhất yêu thương nơi những người con của Chúa có chung một Cha trên trời. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống giữa người với người. Mỗi người kytô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội còn được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Điều đó còn mời gọi chúng ta phải cùng nhau loại trừ điều gian dối, chua ngoa và xây dựng một nền công lý và sự thật giữa thế gian còn quá nhiều bất công và gian dối. Sự hiệp nhất yêu thương còn mời gọi chúng ta sống tương thân, tương ái với nhau, sống nâng đỡ và chia sẻ vui buồn với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.
Vâng, cuộc đời hôm nay có lẽ sẽ vui hơn nếu người ta biết sống chân thành với nhau. Cuộc sống này sẽ bớt ưu sầu nếu người ta thôi nghi ngờ và kết án lẫn nhau. Cho dù cuộc đời có thay trắng đổi đen. Con người có lấy ân báo oán, nhưng người kytô hữu không vì thế mà đánh mất bản tính của mình là sống thánh giữa đời để kiến tạo một nền công lý và hòa bình trên mặt địa cầu này. Vì chúng ta vẫn mong chờ một ngày kia Nước Chúa sẽ trị đến và Ngài sẽ ngự đến trên mây trời để ban thưởng hạnh phúc trường tồn cho những ai thành tâm thiện chí sống và thực thi giáo huấn của Ngài.
Vì thế, dù rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu vắng tình người, một thế giới đầy bóng tối của đam mê lầm lạc. Chúng ta phải can đảm thắp lên giữa dòng đời này. Ánh sáng của con người ngay thẳng, không gian tham, xảo quyệt. Ánh sáng của bác ái yêu thương để nhạy cảm trước cảnh khốn cùng của tha nhân. Ánh sáng của bao dung để cảm thông nâng đỡ nhau hầu xoá bỏ hận thù, chiến tranh. Ánh sáng ấy cần tỏ hiện trong từng gia đình. Nơi mà các thành viên cần phải là ánh sáng để dẫn dắt nhau. Nơi gia đình không thể mất ánh sáng niềm tin, tình yêu và tha thứ. Cần có ánh sáng niềm tin để mọi người tin tưởng nhau. Gia đình cũng cần có ánh sáng tình yêu, để mọi người biết phục vụ lẫn nhau và xây dựng hạnh phúc cho nhau. Gia đình cũng cần sự tha thứ để cảm thông và nâng đỡ nhau, hầu giúp nhau sống đúng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.
Ước gì mỗi người tín hữu chúng ta biết xây dựng Nước Chúa ở trần gian bằng cuộc sống chứng nhân cho tình yêu, cho chân lý và công bình giữa thế giới hôm nay. Amen.
32. Sống Yêu Thương trong thế giới dối gian
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Trong một khảo sát được công bố mới đây của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Trần Ngọc Thêm chủ trì cho thấy, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.
Có thể thấy nói dối có mặt ở khắp nơi. Nói dối chằng chịt từ dưới lên trên, dọc ngang ngang dọc, trong gia đình, trong công sở, nơi kinh doanh, trong thực thipháp luật…
Điều lạ là ai cũng nói dối nhưng ai cũng tỏ ra mình thật thà. Ai cũng biết mười mươi đối phương đang nói dối nhưng ai cũng tỏ ra hoàn toàn tin cậy.
Ngay ở cấp độ Giáo hội nhiều giáo xứ, nhiều ban ngành cũng chấp nhận và sẵn sàng lừa dối nhau bằng những bản báo cáo mượt mà thành tích, số liệu… nhưng thực tế có phải vậy?
Một xã hội dối trá làm sao chúng ta có thể hy vọng xây dựng được một xã hội lành mạnh văn minh tình thương. Một xã hội dối trá sẽ cài cắm vào lương tâm con người từ thuở bé những hạt giống xấu của gian dối, lừa gạt… và chắc chắn sau này những mần non ấy lớn lên trở thành những lãnh đạo, họ sẽ gian dối bằng cách ăn bớt giờ làm, đục khoét người dân và báo cáo láo về thành tích, rồi nào là học giả bằng thật, học giả bằng giả, mua bằng cấp, và mua quan bán chức… để leo lên những chức vụ cao hơn.
Chẳng cần nói đến thế hệ sau mà chỉ cần nhìn vào hiện tại chúng ta có thể thấy sự dối trá đang hoành hành khắp nơi.
Biết bao kỹ sư đã rút ruột công trình hay thiết kế ẩu, thi công ẩu… miễn là có lợi cho mình gần đây nhất là đường cao tốc 34 ngàn tỉ một cơn mưa đã hư.
Với nghề lương y như từ mẫu là bác sỹ, có người sẵn sàng trục lợi trên tính mạng con người. Là công nhân, họ cũng sẽ có trăm phương ngàn kế để ăn cắp nguyên vật liệu hay thành phẩm của nhà máy.
Rồi trong kinh doanh, với kiểu làm ăn chụp giật…và lừa đảo đã khiến bao người tan gia bại sản.
Nếu được nhận định về xã hội hôm nay, chúng ta có thể nói đây làmột xã hội giả dối, con cái lừa dối cha mẹ, người nọ lừa dối người kia, nói một đằng nhưng việc làm lại một nẻo, nói mà không làm.
Hôm nay lễ Chúa Ky-tô Vua, chúng ta được nghe lại lời xác quyết của Chúa Giêsu đến trần gian là để làm chứng cho sự thật. Chính Ngài đã nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Sự thật mà Chúa Giêsu làm chứng chính là giới thiệu cho nhân loại một vương quốc đầy ánh sáng tình thương và chân thành. Một vương quốc không có bệnh thành tích mà chỉ có tinh thần phục vụ một cách vô vị lợi. Một vương quốc mà con người tìm được tiếng nói chung khi biết tôn trọng sự thật và đề cao chân lý.
Chính Chúa Giêsu đã sống điều đó. Ngài đã sống cuộc đời không tìm hư danh mà chỉ biết sống yêu thương phục vụ mọi phận người lầm than. Ngài cũng không làm để được báo cáo thành tích mà chỉ biết cho đi mà không hề so đo tính toán. Ngài đã sống và bảo vệ chân lý cho dù vì thế mà Ngài bị nhiều thế lực gian tà thù ghét và tìm cách loại trừ. Tuy nhiên, cuối cùng Ngài vẫn toàn thắng. Sự dữ đã bị đẩy lùi. Sự gian dối của ma quỷ đã bị phơi bày. Thiên Chúa đã làm chủ vạn vật và trái đất này.
Hôm nay, lễ suy tôn Chúa làm Vua, Giáo hội nhắc nhở chúng ta, là Kytô hữu tức là công dân của Nước Thiên Chúa chúng ta được mời gọi xây dựng nước Chúa ở trần gian bằng sự hiệp nhất yêu thương nơi những người con của Chúa có chung một Cha trên trời. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống giữa người với người. Mỗi người kytô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội còn được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Điều đó mời gọi chúng ta phải cùng nhau loại trừ điều gian dối, chua ngoa và xây dựng một nền công lý và sự thật giữa thế gian còn quá nhiều bất công và gian dối.
Vâng, cuộc đời hôm nay có lẽ sẽ vui hơn nếu người ta biết sống chân thành với nhau.Vợ chồng chân thành với nhau trong nghĩa tình thuỷ chung. Người trong một đoàn thể, một xứ đạo sống chân thành với nhau hầu loại trừ bệnh thành tích khoe trương. Nhất là trong cuộc sống hằng ngày cần lấy chữ tín làm đầu, luôn sống chân thành trong lời nói, việc làm luôn theo chân lý và sự thật.
Ước gì mỗi người tín hữu chúng ta biết xây dựng Nước Chúa ở trần gian bằng cuộc sống chứng nhân cho tình yêu, cho chân lý và công bình giữa thế giới hôm nay. Amen.
33. Chúa Giêsu là chân lý
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Con người ngày nay thường sai lầm khi “thả mồi bắt bóng”. Họ thiếu trân trọng những gì mình đang có để rồi chạy theo những cái ngoài tầm tay. Có người bỏ vợ con để chay theo những cuộc tình bất chính. Có người ngược đãi cha mẹ vợ con lại mất thì giờ lấy lòng người dưng…
Tôi từng thấy có một người đàn ông thích bồ bịch lăng nhăng. Anh ta cứ sống với hết phụ nữ này đến phụ nữ khác, nay đã xế chiều thì không ai chứa chấp và phải về sống với mẹ đẻ. Đứa con gái đã lớn, cũng sắp lập gia đình. Một lần cháu buột miệng bảo: “Mẹ ơi, bố mình thật khổ, có nhiều vợ mà cuối cùng chẳng có nhà để ở”. Đấy là kết cục của những người nhẫn tâm chối bỏ vợ con mình, chỉ biết nghĩ đến dục vọng bản thân.
Có một người vợ trẻ nói với tôi chị đang quen với một người đàn ông đã có vợ. Anh ta rất tốt với chị đến nỗi chị chỉ muốn bỏ chồng theo anh ta. Tôi nói rằng: nếu chị đang sống yên ổn hạnh phúc với gia đình thì nên chấm dứt quan hệ với người ấy và đừng tự chuốc lấy phiền phức vào mình khi “thả mồi bắt bóng”. Đôi khi trong cuộc đời ai cũng có những lúc “đứng núi này trong núi kia” nhưng chưa chắc “cỏ ở đồi bên ấy xanh hơn”.
Quả thực con người ngày nay rất khó tìm giá trị thực của cuộc sống. Cuộc sống luôn thả những con mồi khiến ta cứ lao theo con mồi mà đâu biết rằng đó chỉ là ảo ảnh, là giả dối, là hạnh phúc mau qua. Có biết bao người như say máu chạy theo danh lợi thú trần gian nhưng rồi họ không bao giờ toại nguyện với những cái mình đang có. Có cả những người dùng thủ đoạn bất chính để bắt bóng phù hoa nhưng chỉ thấy những ngổn ngang đau khổ dằn vặt lương tâm.
Cuộc sống là đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc không ở những con mồi danh vọng, quyền lực, tiền tài, dục vọng. Hạnh phúc hệ tại ở chân lý, ở sự thật. Khi ta sống theo lẽ phải, theo sự thật lương tâm thì ta mới có niềm vui nội tại tâm hồn.
Hôm nay, Chúa Giêsu bảo con đường tìm hạnh phúc của Ngài là yêu thương phục vụ. Chính cuộc sống Ngài mới là Đường, là Chân Lý để chúng ta noi theo. Cuộc đời Ngài luôn sống vì tha nhân. Ngài luôn tìm kiếm niềm vui trong phục vụ. Ngài sống để trao ban. Trao ban đến giọt máu cuối cùng.
Cuộc sống của Ngài đã cho chúng ta hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Con người chỉ có giá trị với xã hội và gia đình khi biết sống yêu thương và phục vụ. Càng phục vụ giá trị người phục vụ không mất đi mà xem ra lại càng tăng thêm. Chính Chúa Giêsu còn quả quyết: Ngài làm vua nhưng không ở trên ngai cho người khác phục vụ mà Ngài sẵn lòng cúi mình phục vụ hết mọi phận người.
Cuộc sống đã cho ta rất nhiều cơ hội để phục vụ. Phục vụ để mang lại niềm vui hạnh phúc cho gia đình. Phục vụ mang lại cho xứ đạo ngày một phát triển. Phục vụ cho dân tộc mỗi ngày một thịnh vượng hơn. Phục vụ chứ không đòi người khác phục vụ sẽ giúp ta không nhẫn tâm thiếu trách nhiệm với gia đình để đi tìm niềm vui cho bản thân. Phục vụ vô vị lợi sẽ giúp ta biết từ bỏ hạnh phúc của riêng mình để sống có trách nhiệm với tha nhân.
Xin Chúa giúp chúng ta biết nâng cao giá trị cuộc sống bằng đời sống hy sinh phục vụ. Sống cho tha nhân hơn là đòi hỏi nơi tha nhân. Biết sống như ai đó nói rằng: bạn đừng nghĩ người khác đã làm gì cho bạn, nhưng bạn hãy nghĩ bạn đã làm gì cho tha nhân. Chính lối sống ấy sẽ giúp ta biết dấn thân một cách quảng đại để xây dựng hạnh phúc cho gia đình và xã hội.
Ước gì chúng ta cũng trở nên một nhân chứng cho chân lý khi biết sống hết mình vì tha nhân. Amen.
34. Phiên tòa bất công
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Sống giữa cuộc đời là sống giữa biển đời đầy sóng gió nguy nan. Sống giữa thế gian là sống giữa bao hiểm nguy, bất trắc khiến lòng người luôn phải đối phó với biết bao nghịch cảnh đẩy đưa. Giữa người với người vẫn còn những hố sâu ngăn cách bởi ích kỷ, ghen ghét và tham lam. Có thể vì một chút danh lợi thú mà người ta bán rẻ nhau và bán rẻ chính nhân phẩm của mình. Cuộc đời đầy thị phi đến nỗi Nguyễn Du đã từng thốt lên rằng: “Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ngay những người thân cận nhất vẫn có thể trở thành kẻ thù của nhau. Cha mẹ từ chối con cái. Con cái ngược đãi cha mẹ. Vợ chồng nghi ngờ và kết án lẫn nhau. Bạn bè dễ dàng quay lưng lại với nhau vì tiền tài, vì danh vọng và vì tình yêu. Một cuộc sống đầy vong ân bội nghĩa nên mấy ai còn niềm tin nơi nhau. Có mấy ai dám sống cho chân lý để rồi lại phải chịu thiệt thòi vào thân!
Hôm nay, Lời Chúa tường thuật lại một phiên tòa đầy bất công và thiếu khách quan của sự thật. Gọi là bất công vì sự ghen tỵ mà người ta đã kến án kẻ vô tội. Thiếu chân thực vì toàn bộ câu chuyện đã bị bóp méo hoàn toàn. Theo thánh Gioan kể lại: họ tố cáo Chúa Giêsu về ba điều: gây rối loạn trong dân chúng, cản trở việc nộp thuế cho hoàng đế, và tự xưng mình là vua. Thật ra, vì lòng ghen ghét, họ đã không ngần ngại bóp méo sự thật. Theo sự tra xét của họ thì Chúa Giêsu phạm tội lộng ngôn, nhưng họ biết rất rõ quan toàn quyền sẽ không chịu nghe một lời tố cáo như vậy, mà sẽ bảo đó là chuyện tranh chấp về tôn giáo và bảo họ phải tự dàn xếp. Thế nên, vì muốn loại trừ Chúa, họ đã không ngần ngại vu khống để bỏ vạ cáo gian. Nhưng Philatô lại không dám bảo vệ sự thật. Cho dù Chúa Giêsu đã cho ông hiểu rằng: Ngài là Vua và Nước của Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng Philatô đã không quan tâm đến việc bảo vệ công lý cho bằng bảo vệ ngai tòa của mình. Ông rửa tay để làm ngơ trước sự bất công.
Và cũng từ phiên tòa này, Chúa Giêsu đã công khai nói lên sứ mạng của Ngài, Ngài đến trong thế gian này là thiết lập một vương quốc sự thật, một nền công lý và hòa bình từ chính trong tâm hồn con người. Và chính vì thế mà ngài đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Ai đi theo đường công chính, biết ăn ở ngay lành, thực hành bác ái yêu thương chính là công dân trong Nước của Thiên Chúa. Nước của Ngài không hạn chế bởi địa dư, bởi mầu da sắc tộc mà mở rộng không gian tới tận cùng trái đất. Nơi nào có những người xây dựng hòa bình, công lý và tình thương, nơi đó Nước Chúa đang ngự trị.
Là Kytô hữu tức là công dân của Nước Thiên Chúa chúng ta được mời gọi xây dựng sự hiệp nhất yêu thương. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống giữa người với người. Mỗi người kytô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Nghĩa là phải cùng nhau loại trừ điều gian dối, chua ngoa và xây dựng tình liên đới giữa con người với nhau trong yêu thương chân thật. Như lời Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “phải làm thế nào để tính thiện nơi con người được chiếu lộ ra, và giải phóng các sức mạnh của sự tiềm ẩn nơi con người, để sự thiện ấy được lớn mạnh hơn sự ác cả trong lĩnh vực luân lý lẫn xã hội”. Vâng, cuộc đời này có lẽ sẽ vui hơn nếu người ta biết sống chân thành với nhau. Cuộc sống này sẽ bớt ưu sầu nếu người ta thôi nghi ngờ và kết án lẫn nhau. Cho dù cuộc đời có thay trắng đổi đen. Con người có lấy ân báo oán, nhưng người kytô hữu không vì thế mà đánh mất bản tính của mình là sống thánh giữa đời để kiến tạo một nền công lý và hòa bình trên mặt địa cầu này. Vì chúng ta vẫn mong chờ một ngày kia Nước Chúa sẽ trị đến và Ngài sẽ ngự đến trên mây trời để ban thưởng hạnh phúc trường tồn cho những ai thành tâm thiện chí sống và thực thi giáo huấn của Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, giữa thế giới đầy sa đọa, con người ngày nay vẫn muốn loại trừ Thiên Chúa. Dường như vì ích kỷ đã làm cho họ mù loà đến nỗi không nhận ra sự bất hạnh của tha nhân để cảm thông, để nâng đỡ. Dường như vì tham lam mà con người muốn loại trừ đồng loại để bảo vệ tiền tài danh vọng cho chính mình. Đồng tiền và danh vọng đã làm mờ con mắt. Tự hủy diệt mình trong đam mê lạc thú và quyền lực thế gian.
Xin Chúa giúp chúng con dám sống cho sự thật và làm chứng cho sự thật. Ngõ hầu danh Chúa được cả sáng. Amen.
35. Nước Chúa không thuộc thế gian này
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Khi quan Philatô hỏi Ðức Giêsu xem Người có phải là vua dân Do thái không? (Ga 18:33), Chúa liền trả lời đó là ý tưởng của ông quan. Philatô đã phải hiểu câu trả lời của Chúa là lời chối từ. Tuy nhiên Philatô vẫn cố tình không muốn hiểu cho nên cứ cho khắc bảng chữ treo trên thập giá Chúa với lời: Giêsu Nagiarét, vua dân Do thái (Ga 19:19). Thực ra thì bảng chữ trên thập giá là một tính toán sai lầm của Philatô, bởi vì các thày cả thượng phẩm của người Do thái không chịu chấp nhận Đức Giêsu làm vua của họ. Và chính Chúa cũng không muốn tước hiệu là vua của người Do thái. Theo sau phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Người làm vua. Tuy nhiên Chúa không muốn can dự vào việc cai trị nước trần thế.
Rồi quan Philatô lại hỏi Chúa: Vậy ông là vua sao? (Ga 18:37). Chúa Giêsu mặc nhiên xác nhận câu hỏi của Philatô. Chúa chấp nhận tước hiệu là vua mà nhiều lời tiên tri đã ám chỉ. Vậy thì vương quốc của Chúa ở đâu? Ðây chính là câu trả lời của Chúa: Nước tôi không thuộc về thế gian này (Ga 18:36). Và đâu là những đặc tính của nước Chúa? Xa xưa trước cả khi Chúa cứu thế giáng sinh, các ngôn sứ như Isaia, Giêrêmia, Ðanien, Hôsê, Amốt đã loan báo cho dân chúng là Ðấng cứu thế sẽ đến thiết lập một vương quốc như trong kinh tiền tụng Chúa nhật lễ Chúa Kitô vua ghi lại: một vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, vương quốc đầy tràn ân sủng và thánh thiện, vương quốc đầy tràn tình thương, công lí và bình an.
Trong bài trích sách ngôn sứ Ðanien hôm nay, vị tiên tri trong một thị kiến ban đêm đã nhìn thấy Con Người đến thiết lập một vương quốc vĩnh cửu, chẳng hề suy vong (Ðn 7:14). Ngôn sứ Ðanien tiên báo là Con Người sẽ nhận từ Ðấng Lão Thành là Thiên Chúa: quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người (Ðn 7:14). Còn thánh Gioan trong một thị kiến được ghi lại trong sách Khải huyền là Ðức Giêsu sẽ đến như vị Thủ lãnh mọi vương quốc trần gian (Kh 1:5). Khi loan báo cho trinh nữ Maria là con bà sẽ ngồi trên ngôi báu Ðavít, và sẽ làm vua thống trị nhà Giacóp đến muôn đời, sứ thần Gáp-ri-en cũng ám chỉ một vương quốc thiêng liêng (Lc 1:33).
Vậy nước Chúa được khởi sự như thế nào? Dụ ngôn hạt cải giúp ta hiểu sự lớn lên và bành trướng của nước Chúa, lúc đầu chỉ nhỏ bé như hạt cải, quá nhỏ đến nỗi khó có ai nhận ra. Việc khởi sự khiêm tốn của nước Chúa với việc chọn lựa có mười hai tông đồ là một cớ vấp phạm cho người Do thái. Thật là khó mà tin rằng các tông đồ, đa số làm nghề chài lưới và ít học lại có thể xây dựng được một vương quốc. Và đó là một trong những điểm khác biệt giữa nước Thiên Chúa và nước trần gian. Như vậy người ta thấy sự bành trướng của nước Chúa không tuỳ thuộc vào học vấn, tài năng và địa vị xã hội của loài người, nhưng là tuỳ thuộc vào quyền phép của Thiên Chúa và sự cộng tác của loài người.
Những giá trị của nước Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong Thánh kinh và trong Phúc âm. Vậy những người thực thi công chính và yêu thương, những người tỏ lòng xót thương, những người tìm kiếm sự thật, những người kiến tạo hoà bình, những người sống đời thánh thiện là những người có được nước Chúa trong tâm hồn. Sự bành trướng của nước Chúa phải được bắt đầu từ trong tâm hồn và đời sống người tín hữu, rồi được lan rộng ra cho người hàng xóm, cho sở làm, cho xã hội.
Là người Kitô giáo, ta có hai quyền công dân: công dân của nước trần thế và công dân của nước trời. Là công dân của nước trời ta có thêm bổn phận vượt trên bổn phận của người công dân nước trần thế. Là công dân nước trời, ta có bổn phận công bố nước Chúa bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng việc rao giảng tin mừng cứu độ, bằng việc thiện hảo, bằng việc cổ võ công bình bác ái. Những bổn phận của người công dân nước trời có thể được tóm tắt trong hai giới răn là mến Chúa và yêu người.
Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết tìm kiếm những sự thuộc về nước Chúa:
Lạy Đức Giêsu Kitô vua!
Chúa là vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa.
Chúa đến thiết lập một vương quốc thiêng liêng và vĩnh cửu.
Xin dạy con biết tìm kiếm những sự thuộc về nước Chúa.
Nếu có lãnh vực vực nào trong đời sống con,
chưa được Chúa làm chủ: tư tưởng, lời nói, việc làm,
xin Chúa đến làm chủ tâm hồn và đời sống con. Amen.
36. Sự sống vương giả
(Suy niệm của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)
Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh đã đạt tới tột đỉnh ở Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật Trọng Kính Chúa Giêsu Kitô Vua, thời điểm kết thúc cho bất cứ phụng niên nào, dù là chu kỳ A, B hay C.
Thật vậy, nếu Chúa Kitô “là sự sống lại và là sự sống” (Gioan 11:25), (lưu ý Chúa Kitô xưng Người là “sự sống lại” trước và là “sự sống” sau) thì quả thực Người “là sự sống lại” khi Người phục sinh vào ngày thứ ba từ trong kẻ chết. Bởi vì Người chính “là sự sống” bất tử không thể nào bị sự chết làm chủ và tiêu diệt.
Thế nhưng, cho dù Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô 2 ngàn năm trước đã hoàn toàn thắng được sự dữ nơi thân xác bị giết chết nhưng sống lại của Người, trong một thế giới càng ngày càng văn minh về khoa học và càng văn hóa về nhân bản nhân quyền chưa từng thấy, như giai đoạn lịch sử từ giữa thế kỷ 20 sang đầu hơn một thập kỷ của thiên kỷ thứ 3 hiện nay cho thấy, sự dữ lại càng gia tăng hơn bao giờ hết, như thể con rồng sau một ngàn năm bị xiềng lại, bởi sợi giây xích khổng lồ là quyền lực cứu độ của Thánh Giá Chúa Kitô tử nạn, đã được thả ra trong một thời gian ngắn, như Sách Khải Huyền đã tiết lộ (20:1-3).
Trong thời gian ngắn vớt vát còn lại này của mình, con rồng đã vận dụng tất cả quyền lực chết chóc độc hại nhất và dữ dội nhất của hắn và từ hắn, để tàn phá cho bằng được công ơn cứu chuộc vô giá của Chúa Giêsu Kitô nơi từng Kitô hữu cũng như nơi chung Giáo Hội, những đối thủ chính yếu của nó và là mục tiêu tấn công quyết liệt của nó, qua hai đạo quân hùng hậu gog và magog, (như ám chỉ trào lưu ồ ạt chủ nghĩa duy nhân bản và tương đối vô cùng lợi hại đang chi phối tâm thức và đời sống của loài người hiện nay), đông như cát biển “đã xâm chiếm toàn cõi xứ sở (ám chỉ thế giới) và công hãm thành đô yêu dấu là nơi dân Chúa cắm trại (ám chỉ Giáo Hội)”, như Sách Khải Huyền ghi lại (20:8-9).
Phải chăng chiến dịch toàn cầu hóa về kinh tế theo chiều hướng chính trị để làm sao có thể dần dần đế quốc hóa tất cả mọi nền văn hóa của các dân nước, cũng như biến đổi hoàn toàn nền luân lý chân chính của lệ luật Thiên Chúa, thành những gì là tự nhiên lăng loàn của bản tính nhiễm lây nguyên tội trên thế giới hiện nay, hình như đang hiện thực hóa mưu đồ lịch sử (conspiracy of history) của hội kín thợ xây trật tự thế giới mới tam điểm, cho vương quốc của satan trị đến trong lòng người và lịch sử?!
Phải, cho tới khi con rồng đã tung ra tất cả quyền lực độc dữ nhất của nó thì cũng chính là lúc sự dữ hết thời, và hoàn toàn bị tận diệt bởi chính Đấng “được toàn quyền trên trời dưới đất” (Mathêu 28:18), khi Người “là sự sống” vĩnh hằng bất tận tái xuất hiện trong vinh quang với tư cách là Thẩm Phán Chí Tôn “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, Đấng được Tiên Tri Đaniên trong Bài Đọc 1 hôm nay báo trước vương quyền thống trị bất diệt của Người:
“Trong một thị kiến ban đêm (theo người viết thời điểm “ban đêm” ở đây ám chỉ tình hình nhân gian và Giáo Hội trước khi Chúa Kitô tái giáng), tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão (“Vị Bô Lão” ở đây theo người viết có thể ám chỉ Chúa Cha), và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy”.
Thị kiến của Tiên Tri Đaniên về Con Người lãnh nhận vương quyền thống trị đến muôn đời tất cả loài người là loài tạo vật được Người cứu chuộc, đã được phụ họa và âm vang trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở.
Đúng thế, sự kiện Chúa Kitô “là sự sống” bất diệt và bất tận xuất hiện lần thứ hai không phải chỉ để tận diệt sự dữ, mà trước hết và trên hết là để tỏ hết mình ra trên thế gian này, như thể tạo vật được Thiên Chúa dựng nên đã đến thời viên mãn của mình nơi Người, nhờ Người và với Người. Bấy giờ, khi Người tái xuất hiện, Người tỏ mình ta với tư cách là một Vị Con Thiên Chúa hằng sống bất diệt, qua nhân tính hiển linh cùng với thân xác phục sinh của Người, và như thế, Người như ánh sáng sự sống cuối cùng xua tan bóng tối sự dữ cho đến muôn đời, hoàn toàn không bao giờ còn sự dữ nữa, như Sách Khải Huyền tiên bào về một Tân Thành Thánh Giêrusalem “không còn đêm” (22:5), vì “trời trước và đất trước đã qua đi” (21:1).
Chiều hướng trên đây về lần đến cuối cùng đầy vinh quang rạng ngời vinh thắng của Chúa Kitô “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mathêu 16:16; Gioan 11:27), Đấng cuối cùng đã tỏ mình ra hoàn toàn đúng với phẩm chức thần linh và quyền năng tối cao của Người, được Sách Khải Huyền tiên báo nơi Bài Đọc 2 hôm nay như thế này:
“Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen. Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen. Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: ‘Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh'”.
Trong cuộc khổ nạn của mình, Chúa Kitô sẽ Tái Giáng vinh quang, vào lúc ấy, trước hết, mới chỉ tỏ mình ra như là một con người bị lép vế trước quyền bính thế gian, bị quyền lực thế gian bắt giữ và bị hành hạ cùng sát hại như một tên đại tử tội hoàn toàn bất lực và vô cùng nhục nhã.
Thế nhưng, sự dữ và quyền lực sự dữ vẫn không làm gì được Người, Đấng “là sự sống”, Đấng “tự ý bỏ mạng sống mình đi rồi có quyền lấy lại mạng sống của mình” (Gioan 10:18). Trái lại, Người đã thắng được sự dữ nơi sự chết bị Người tiêu diệt bởi “sự sống lại” của Người hay bởi Người “là sự sống lại”. Thậm chí nhờ sự dữ Người phải chịu cả trong tâm hồn lẫn thể xác mà Người đã cứu được con người, trước hết và trên hết, khỏi sự dữ về luân lý là tội lỗi của họ, nhờ đó họ khỏi bị chết đời đời là sự dữ trên hết mọi sự dữ.
Người quả thực là vua cai trị mọi sự, dù trải qua cuộc khổ nạn và tử giá. Do đó, không phải tự nhiên mà viên tổng trấn dân ngoại tự nhiên có linh cảm Người là một nhân vật đặc biệt, mang phong cách oai nghi vương giả, chứ không phải là một nhân vật tầm thường mà ông đã từng gặp, qua câu hỏi “ngài từ đâu tới” (Gioan 19:9), dù theo nhân vật cầm quyền sinh tử của Người bấy giờ thì Người chỉ là “Vua Dân Do Thái” (Luca 23:38) chư hầu của đế quốc Rôma.
Tuy nhiên, theo Phúc Âm của Thánh ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc thay cho Phúc Âm Thánh ký Marco Chu Kỳ Năm B này, Chúa Kitô đã tự đính chính bằng câu trả lời rất chính xác cho vấn đề được Viên Tổng Trấn Philato ấy đặt ra hỏi Người “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Nghĩa là vương quốc của Chúa Kitô là vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc tối cao của lòng người, và bất diệt vượt trên mọi vương quốc hữu hạn trên trần gian này.
Thật ra, tự mình là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã là vua, nhưng nơi nhân tính của mình, Người cần phải chứng thực hay tỏ mình ra Người thực sự bẩm sinh là vua, (như khi mới sinh ra Người đã được 3 vương chiêm tinh gia đến bái thờ – Mathêu 2:1-12), một đức vua trên hết mọi vua chúa trên trần gian này, một đức vua muôn đời, đúng như Người đã trả lời cho câu chất vấn của Tổng Trấn Philatô: “Vậy ông là Vua ư?”: “Chính quan là người đã nói tôi là vua – It is you who say I am a king. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Trong câu khẳng định có tính cách gián tiếp này của Chúa Kitô Vua, Người không tự mình xưng là vua, và không bao giờ Người tự xưng mình như thế, vì đụng đến chính trị, tức đụng đến chính quyền đế quốc Rôma cũng như đến quận vương Hêrôđê ở Galilêa, cũng như Người đã không bao giờ tự xưng Người là Đấng Thiên Sai – Messiah, vì Người tránh đụng đến giáo quyền Do Thái, mà chỉ công nhận qua việc đáp ứng của Người mà thôi, như Người đã công nhận lời của phụ nữ Samaritanô ở Giếng Giacóp về tư cách của Người (xem Gioan 4:25-26), hay như Người đã công nhận lời truyền lệnh của giáo quyền Do Thái giáo hỏi Người xem Người có phải là Đấng Thiên Sai hay chăng (xem Mathêu 26:63-64): “Chính ngài là người nói thế… It is you who say it”.
Cũng trong câu khẳng định gián tiếp với viên quan tổng trấn Philatô ấy, Chúa Kitô còn liên kết vai trò làm vua của Người với chân lý nữa: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Nếu Chúa Kitô chính “là chân lý” (Gioan 14:6) thì Người “sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về” chính bản thân Người “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mathêu 16:16), ai tin Người hay “chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Gioan 1:12). Đó là lý do “Nước tôi không thuộc về thế gian này” mà một vương quốc của “sự sống”, sự sống đời đời, vĩnh viễn tồn tại như chính “Chân Lý” bất biến.
Người quả thực là “một người quí tộc kia đi phương xa để được phong vương” như Người đã tiên báo cho các môn đệ và đám đông đi theo Người trong cuộc hành trình Giêrusalem của Người, như bài Phúc Âm của Thánh ký Luca Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên tuần trước (19:12). Theo bài Phúc Âm này, cho dù dân Do Thái của Người không chấp nhận Người là vua của họ (xem Luca 19:14, Gioan 19:15,20-22), nhưng họ chẳng những vẫn không làm gì được Người mà còn bất ngờ làm cho Người trở thành vua của toàn thể nhân loại nữa: “Người đã được phong vương trở về” (Luca 19:15), theo chiều hướng của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật cuối cùng của Phụng Niên trọng kính Chúa Kitô Vua.
Là Kitô hữu, chúng ta, qua Phép Rửa, đã được thông phần vào thiên chức vương đế, ngôn sứ và tư tế của Chúa Kitô và với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta đã sống thế nào với thiên chức vương đế bởi chúng là là con Thiên Chúa này của mình: chúng ta có làm chủ mọi sự hay chăng với tư cách là những dưỡng tử của Thiên Chúa, hay vẫn sống đời nô lệ cho tội lỗi, cho thần dữ, cho thế gian, xác thịt?.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam