Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1367455

VUA CỦA THẾ GIỚI KHÁC

Vua của thế giới khác

(Suy niệm của Dã Quỳ)

 

Phụng vụ Lễ Chúa Kitô Vua, Giáo Hội muốn trình bày cho ta biết ý nghĩa đích thực Vương Quyền của Chúa Giêsu, cách thế Người sống và thể hiện vương quyền. Đồng thời cho chúng ta cơ hội để xác tín và qui phục Chúa là Vua của ta.

Đứng trước tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu đã tuyên bố “Tôi là Vua” (Ga 18,37), nhưng Người xác định rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18,36) Vương quốc của Chúa Giêsu là vương quốc của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là vua vì Người đã được Chúa Cha xức dầu tấn phong và trao cho Người vương quyền. Người sống trong sự kết hiệp thâm sâu với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cùng với Chúa Cha và Thánh Thần, Người là Thiên Chúa, Người tạo dựng trời và đất, Người là vua của tất cả những kẻ sống. Người là vua trong Nước Trời và cũng là vua vũ trụ này nhưng với một phương cách khác với vua chúa trần gian.

Vua trần gian cần binh lính bảo vệ, canh giữ lãnh thổ và vương quyền của họ. Với Chúa Giêsu thì không như thế. Người không bao giờ có lính tráng và cũng không muốn có. Người chỉ có môn đệ và gọi họ là bạn hữu. Mọi người là con cái của Người, là anh em với nhau

Những vua ở trần gian này thường giàu có về tài sản, vàng bạc để chứng minh uy thế và quyền lực của họ. Đối với Chúa Giêsu thì không có điều đó. Người không có gì cả. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20)

Những vua chúa và hoàng hậu của trần gian này luôn có đầy tớ hầu hạ xung quanh họ. Còn Chúa Giêsu thì không. Ngôi vua của Người đã dẫn Người đến phục vụ tất cả mọi người “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.” (Mt 20,28)

Ngôi vua của Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu. Người tự hạ đến trần gian để rao giảng và để làm chứng cho tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại. Người đồng hóa với mọi người nhất là những người nghèo khổ. Đi đến đâu là Người thi ân giáng phúc, tìm kiếm, chữa lành những ai đau bệnh và tha thứ tội lỗi “Vì Con Người đến để tìm và cứu chữa những gì đã mất.” (Lc 19,10) Người yêu thương ta đến cùng khi hy sinh cả mạng sống cho ta và tha thứ đến cùng khi Người cầu xin Cha tha cho những kẻ giết Người. Trên thập giá, Người đã diễn tả tình yêu tột đỉnh mà Người dành cho chúng ta. Chính qua cái chết và sự Phục sinh vinh hiển, Vua Giêsu đã chiến thắng và khải hoàn tiến vào Vương quốc của Người vì “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1Cr 15,25-26). Từ đó Người mở cửa vương quốc của Người cho chúng ta và triều đại Người vĩnh cửu trường tồn. Triều đại của sự sống và sự thật, của ân sủng và thánh thiện, của tình yêu và bình an.

Vương quốc của Vua Giêsu là nơi mà ở đó người ta yêu thương nhau vì là vương quốc tình yêu. Chỉ có luật yêu thương và Vua Tình Yêu cai trị. Vậy ta cần tập sống yêu thương, tha thứ như lời Chúa dạy và như mẫu gương Chúa yêu thương ta ngay từ bây giờ để rồi ta được trở thành công dân của Vua Tình Yêu và được hưởng hạnh phúc trong vương quốc của Người.

Vương quốc của Vua Giêsu không ở trần gian này vì trần gian chỉ là cõi tạm, sẽ có một ngày kết thúc. Vậy ta hãy biết sống thanh thoát với những ràng buộc của trần gian là danh lợi thú, để không bị quyền lực và vinh quang trần thế làm chủ thì ta mới có thể tự do tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Tin nhận Chúa Giêsu là Chủ, là Vua, là Chúa của đời ta và hướng lòng về Vương quốc vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã yêu thương dành sẵn cho ta và đang chờ ta như Lời Chúa hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,2-3)

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin qui tụ tất cả chúng con dưới quyền thủ lãnh của Chúa. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi vòng nô lệ tội lỗi, để chúng con biết phụng thờ và yêu mến Chúa là Vua của chúng con và ngày sau xin đón chúng con vào vương quốc của Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

2. Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)

 

Khi đề cập đến danh xưng vua, chúng ta liên tưởng tới thời kỳ quân chủ. Nhưng thời kỳ quân chủ đã qua. Hiện nay chỉ còn một số rất ít nước còn có vua, nhưng vua chỉ là danh hiệu chứ không thực quyền. Mặc dầu không sống trong thời kỳ quân chủ, nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu được phần nào về vai trò của ông vua trong một đất nước hay lãnh thổ.

Vua đi liền với quyền. Có thể nói vua có toàn quyền trên thần dân, kể cả quyền trên mạng sống. Nhưng việc thi hành quyền như thế nào thì tuỳ thuộc từng vị. Đa số các vị vua dùng quyền để cai trị thần dân một cách độc ác, tàn nhẫn như vua Hêrôđê, vua Minh mạng, vua Thiệu trị… Nhưng cũng có những vị vua nhân hậu, hết mực yêu thương thần dân như vua Thánh Louis Nước Pháp (1214-1270).

Còn vua Kitô thì sao? Chắc chắn một điều rằng: Ngài là vua nhưng không phải như những ông vua trần thế. Ngài là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa. Ngài là Vua vũ trụ, “Nước Ngài không thuộc về thế gian này” (x Ga 18,36). Ngài là Vua chân lý, chính Ngài đã nói điều đó với Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37). Ngài là Vua yêu thương, vì “Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi” (x. Kh 1,5).

1. Chúa Kitô Là Vua Chân Lý

Thật vậy, Thiên Chúa là nguồn mạch mọi chân lý. Lời của Ngài là chân lý. Lề luật của Ngài là chân lý. Nơi Chúa Giêsu Kitô, chân lý của Thiên Chúa đã được bày tỏ cách trọn vẹn. Chính Ngài là chân lý: “Tôi là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Suốt cuộc đời của Ngài đã làm chứng cho chân lý. Một vài lần dân chúng muốn Ngài làm vua: Lần thứ nhất, sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Lần thứ hai, khi Ngài bước vào thành thánh Giêsuzalem, dân chúng hoan hô, trải áo lên đường cho Ngài đi. Nếu Ngài xưng vương một trong hai lần đó thì rất thuận lợi. Nhưng Ngài đã từ chối. Vì, vị vua mà dân chúng quan niệm không đúng với tước hiệu vua của Ngài. Còn hôm nay, Ngài là một tử tội trước mặt quan toà Philatô, không có lợi thế gì, nhưng Ngài đã xưng mình là vua, vì đó là sự thật. Ngài xưng vua để làm chứng cho sự thật. Vương quốc của Ngài “Không khi nào bị phá huỷ” (x. Đn 7,14). “Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất” (x. Đn 7,14).

Mỗi người Kitô hữu chúng ta là môn đệ của Vua Kitô, muốn bước theo Ngài cần phải sống theo chân lý, làm chứng cho chân lý, vì “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Tôi” (X. Ga 18,37).

Sống theo chân lý là sống ngay thẳng, thật thà, chân thành, tránh sự giả hình, giả bộ. Bởi vì “Người ta không thể sống với nhau, nếu không có sự tin tưởng nhau, nghĩa là nói sự thật với nhau”. Theo lẽ công bằng, “Mỗi người phải thành thật bày tỏ sự thật cho người khác” (Thánh Tôma Aq.) Sống theo chân lý là chấp nhận sống trong sự đơn sơ của một cuộc sống phù hợp với gương mẫu của Chúa và đứng vững trong chân lý của Ngài: “Nếu chúng ta nói chúng ta hiệp thông với Ngài, mà chúng ta lại bước đi trong tối tăm, thì chúng ta nói dối, và chúng ta không hành động theo chân lý” (1Ga 1,6).

Làm chứng cho chân lý là phải tuyên xưng đức tin của mình một cách rõ ràng không úp mở, “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta” (x. 2Tm 1,8). Làm chứng cho chân lý đòi buộc phải chấp nhận hy sinh, có khi phải hy sinh cả tính mạng. Như trường hợp các Thánh Tử Đạo. Đó là sự làm chứng tối cao cho chân lý và cho đức tin. Làm chứng cho chân lý là phải loại bỏ những xúc phạm đến chân lý: Nghĩa là không được làm chứng gian và bội thề; Không được nói xấu và vu khống phá hoại thanh danh và danh dự của tha nhân; Không được khoe khoang, vì khoe khoang cũng là một lỗi nghịch với sự chân thật; Không được châm biếm, tìm cách hạ giá người khác bằng cách diễu cợt có ác ý một cử chỉ nào đó của tha nhân; Không được nói dối “Nói dối là nói điều không đúng, với ý định đánh lừa người ta” (Thánh Augustinô). “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37). Chúa Kitô đã tố cáo sự nói dối, coi đó là việc làm của ma quỷ (x.Ga 8,44). Làm chứng cho chân lý là biết tôn trọng sự thật. Mỗi người chúng ta có quyền nói lên sự thật, nhưng đây không phải là một quyền tuyệt đối, vô điều kiện. Vì không phải sự thật nào cũng được phép nói ra. Bí mật của bí tích Hoà giải thì bất khả xâm phạm. Các bí mật về nghề nghiệp cũng phải giữ kín. Những điều tâm sự có hại cho tha nhân cũng không được tiết lộ.

(x. GL GHCG số 2464 – 2513)

2. Chúa Kitô Là Vua Yêu Thương

Triết gia Soren Kierkegaard sống tại Đan Mạch cách đây khoảng 150 năm có kể câu chuyện sau: Có một vị vua nọ đắm say một cô thôn nữ nhưng không thể cưới nàng làm vợ, bởi vì vua chúa không bao giờ cưới nông dân. Sau khi đã lật đi lật lại nhiều giải pháp, cuối cùng vua đã đi đến quyết định từ bỏ ngôi báu để trở nên một nông dân hèn hạ và dâng hiến tình yêu mình cho người thôn nữ kia để giữa hai người có được một tình yêu đích thực.

Việc làm của vị vua trong câu chuyện trên giúp chúng ta liên tưởng tới hành vi tự hạ của Vua Kitô. Thật vậy, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã tự hạ mình làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong hang đá lạnh lẽo, thiếu thốn đủ thứ. Vì tình yêu, Ngài đã chấp nhận sống ẩn dật, âm thầm, làm nghề thợ mộc giúp đỡ Đức Mẹ và Thánh Giuse trong suốt 30 năm. Vì yêu thương, Ngài đã lên đường rao giảng Tin mừng để chu toàn sứ mạng của mình trong suốt ba năm. Trong ba năm đó, Chúa đã gọi, chọn và huấn luyện các tông đồ, là những cán bộ nòng cốt của Giáo Hội thuở ban đầu. Tình thương của Ngài đã chạm đến biết bao nhiêu hạng người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: Những người bị bệnh hoạn tật nguyền; những người tội lỗi; những người bị áp bức bóc lột; những người nghèo đói khổ đau. Và để dạy cho các môn đệ bài học về sự yêu thương, tối thứ năm tuần thánh, Ngài đã đích thân rửa chân cho các môn đệ và dặn họ rằng: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận sự chống đối, ghen ghét, làm hại mà đỉnh cao là cái chết nhục nhã trên thập giá. Cái chết của Ngài làm chứng cho tình yêu, vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vì yêu thương nhân loại, nên trước khi về trời, Ngài đã lập các bí tích, nhất là Bí tích Truyền Chức và Thánh Thể để ở lại với loài người cho đến tận thế.

Để thuộc về công dân nước trời, mỗi người kitô hữu chúng ta cần phải biết sống yêu thương. Trong bài Tin mừng Thánh Mathêu kể về sự phán xét chung (x. Mt 25,31-46) cho chúng ta thấy, tiêu chuẩn duy nhất Chúa phán xét chúng ta là Tình Yêu. Vậy, hãy cố gắng thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống. Đó chính là những công việc từ tâm, là những hành vi bác ái chúng ta làm để giúp đỡ người đồng loại trong những thiếu thốn vật chất và tinh thần. Dạy dỗ, khuyên răn, an ủi, khích lệ là những công cuộc từ tâm tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Còn các việc từ thiện vật chất thường là: Nuôi dưỡng những người đói khổ, lo nơi trú ngụ cho người vô gia cư, lo áo mặc cho người rách rưới, thăm viếng các bệnh nhân và các tù nhân, lo mai táng người chết. Trong số các hành vi này, bố thí cho người nghèo là một trong những chứng từ chính yếu của đức bác ái huynh đệ, đó cũng là một hành vi công chính đẹp lòng Thiên Chúa (x. Gl GHCG số 2447).

Tóm lại, Chúa Kitô là Vua. Ngài là Vua Chân lý. Ngài là Vua Yêu thương. Mỗi người chúng ta muốn thuộc về thần dân của Ngài thì hãy sống theo Chân lý và làm chứng cho Chân lý. Hãy sống yêu thương, và thể hiện tình yêu thương đó đến với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh. Amen.

 

 

 

 

 

3. Vua vương quốc yêu thương và an bình

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

 

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả, đồng thời quả quyết rằng Người là Vua và là Chúa chúng ta.

Đã từ lâu, trong ngôn ngữ thông thường, người ta đã gán cho Chúa Giêsu Kitô tước hiệu Vua; Đúng, Người là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các Chúa, trổi vượt trên hết mọi loài, thống trị lòng người, Người hiển trị đến muôn đời. Chúa Giêsu là vua lòng người, với tình yêu và lòng trùi mến, Người lôi kéo mọi con tim đến với mình. Người là “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận thần tính và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang…” (Ca nhập lễ).

Lễ Chúa Kitô Vua tương đối mới, nhưng có nền tảng Thánh Kinh và thần học sâu xa. Từ tước hiệu vua, được áp dụng cho Chúa Giêsu thật quan trọng trong các Tin Mừng, chính Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một bài đọc đầy đủ về dung mạo cũng như sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Khởi đi từ “Vua người Do thái”, dẫn đến tước hiệu “Vua của thế giới”, “Chúa của vũ trụ và lịch sử”, vượt qua mọi kỳ vọng của dân Do thái.

Trọng tâm tiến trình mạc khải về vương quốc của Vua Giêsu, còn tiềm ẩn bí mật về cái chết và sự phục sinh của Người. Khi bị treo trên thập giá, các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão nhạo báng Người rằng: “Nếu ông là vua Do thái; thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta tin nào” (Mt 27,42).

Trong thực tế, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết trên cây Thánh Giá, một nghịch lý của Vua Giêsu thể hiện thánh ý Chúa Cha trên sự bất tuân của tội lỗi. Chính sự hiến mình làm của lễ đền tội này mà Chúa Giêsu đã trở thành Vua vũ trụ, như Người đã tuyên bố với các tông đồ sau khi sống lại, “Thầy đã được trao mọi quyền năng trên trời dưới đất” (Mt 28,18).

Quyền bính của Chúa Kitô Vua ở đây là gì? Hẳn không phải là quyền bính của các vua trần thế và những kẻ có thế lực; nhưng là quyền năng thiêng liêng có thể ban sự sống thần linh để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, đánh bại sự thống trị của thần chết. Ðây là quyền năng yêu thương, một quyền năng có thể rút từ sự ác ra sự lành, làm cho tâm hồn chai đá ra mềm mỏng, mang lại hòa bình cho những cuộc xung đột, biến tăm tối thành hy vọng. Vương quốc của Chúa Kitô không hề áp đặt bất cứ điều gì và luôn tôn trọng tự do của con người. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” (Ga 18,33) Bị hỏi, nhưng với tư cách là Vua, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Philatô, mà Chúa hỏi lại ông: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” (Ga 18,35)

Khi thi hành sứ mạng công khai, đã có lần đám đông dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, nhưng Người lại chốn khỏi Vương quốc thế trần, đúng như Chúa nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Chúa là Vua không có quân đội, không khí giáp.

Cung điện Người ở đâu? Thưa, Người ngự trị trong lòng chúng ta. “Vua không có cung điện” nhưng toàn trái đất thuộc về Người. Nhờ Người mà thế giới này được tác tạo. Trước Philatô, kẻ có quyền ra án tử cho Chúa, Chúa khẳng định, “Tôi đến trần gian để làm chứng cho Chân Lý” (Ga 18,37).

Vậy chúng ta theo ai: Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay giả dối? Tùy chúng ta lựa chọn. Chọn theo Chúa Kitô không bảo đảm cho chúng ta sự thành công theo những tiêu chuẩn thế gian, nhưng bình an và niềm vui thì chỉ mình Người mới có thể mang lại cho chúng ta. Với Người, chúng ta có thể xây dựng yêu thương và an bình. Chúa là “Vua, của một vương quốc gồm những người tội lỗi!” Chúng ta phải thường xuyên lặp lại: Xin thương đến con là kẻ tội lỗi, để chúng ta nhìn anh em mình với lòng từ bi. Họ cũng là những tội nhân nghèo như chúng ta. Chúa là Vua của những người nghèo! Chúng ta biết tình yêu đầy ân sủng của Thiên Chúa là sự giàu có của chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ thiếu nó. Chúa là “Vua của một vương quốc huynh đệ!” Hãy là những người anh em yêu thương nhau! Trong mắt Chúa Giêsu, Bình an và Tình yêu lan tỏa. Vì vậy, Tin Mừng trình bày Chúa Giêsu, Vua vũ trụ bị kết án, Philatô là kẻ xét xử Người.

Khi nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,36-37).

Chúng ta đang ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta có bổn phận làm cho tình yêu, sự dịu dàng, hiền lành, vẻ đẹp trở lại vương quốc này. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Người đã không đến để xét xử nhân loại, nhưng là để cứu. Người là Đấng công chính duy nhất, thế chỗ cho tội nhân.

Để phục vụ Đức Giêsu Vua, chúng ta phải chấp nhận làm việc mỗi ngày cho Triều Đại cánh chung đang đến… điều ấy không xảy ra mà không có chiến đấu: Vâng, Vua chúng ta yêu cầu chúng ta cầm sẵn vũ khí trong tay để chiến đấu, chống lại “các thế lực của bóng tối” (Cl 1,13). Cùng với Người, chúng ta nắm chắc phền thắng (x. Ga 16,33), nhưng với điều kiện là chúng ta cũng tham gia chiến đấu, chiến đấu hàng ngày với ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt… vì “những ngày là xấu xa!” (Ep 5,16) và rằng “cả thế giới nằm dưới sự thống trị của ma quỷ” (1 Ga 5,19).

Làm cho Chúa hiển trị, tiên vàn vẫn là làm cho Chúa hiển trị trong lòng chúng ta… khi tuyên xưng đức tin trong cuộc sống hàng ngày cách cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta không xấu hổ! (LG §31). Lời Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói cùng dân chúng ngày 15 tháng 6 năm 1993 vẫn còn vang vọng: “Hãy đi đến các ngả đường, sống đức tin của chúng con với niềm vui vẻ, hãy mang đến cho mọi người Ơn cứu độ của Đức Kitô, ơn ấy phải thâm nhập vào trong gia đình, trường học, trong các nền văn hóa và đời sống chính trị!” Đừng sợ phải đi ngược dòng! Làm cho Đức Kitô hiển trị, là trở nên tông đồ lôi kéo nhiều linh hồn về với Chúa là Vua Vương Quốc Yêu Thương và An Bình.

 

 

 

 

 

4. Giêsu vua tình yêu

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

 

Khi nói tới “vua” là chúng ta nghĩ ngay đến ngai vàng, hoàng cung, quyền lực, kẻ hầu người hạ, quan quân, vũ khí… Nhưng ngày nay người ta thường gán chức vua cho những ai thành công trong một lãnh vực nào đó. Chẳng hạn, Ông Henri Ford là vua xe hơi, cầu thủ bóng đá Maradona là vua sân cỏ, rồi có vua đầu bếp, vua mì tôm, vua ca nhạc… Còn Đức Kitô hôm nay chúng ta tuyên xưng Ngài là vua, thì Ngài là loại vua nào? Khi nghe những trang Tin Mừng và nhìn vào chính con người Chúa Giêsu ta chẳng thấy Ngài có gì vua cả. Ngược lại, ta chỉ thấy Ngài lang thang trên những nẻo đường bụi bậm xứ Palestine, với một vài đệ tử ít ỏi, còn xung quanh là những người nghèo nàn khố rách áo ôm, tật bệnh, tội lỗi….

Nhưng, thực tế, Chúa Giêsu là Vua, Vua của mọi người. Ngài là con người tuyệt vời nhất với đầy đủ những đức tính hoàn hảo nhất. Ngài còn là Vua trên tất cả các vua trần gian vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên trời đất muôn vật muôn loài và thống trị vũ trụ này. Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên Vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng treo trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền uy vũ lực, nhưng dựa trên tình yêu thương xót. Một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người. Vương quốc của Ngài là vương quốc của chân lý và sự thật, cho nên Ngài quả quyết với ông Philatô và chúng ta hôm nay rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Sự thật là gì? Quan Philatô hỏi nhưng Chúa Giêsu không trả lời bằng lời nói mà bằng hành động của Ngài là yêu thương cứu độ hết mọi người. Sự thật cứu độ của Chúa Giêsu là yêu thương cứu độ hết mọi người. Qủa thế, trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Cuối cùng, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Vì vậy, trong bài đọc 2 Thánh Gioan xác tín rằng: “Đức Giêsu Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,5-6).

Vậy, vương quốc của Vua Giêsu còn là vương quốc của Tình yêu, Chúa Giêsu là vua Tình yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương mới đích thực là thần dân của Người. Quả thế, giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy khi lãnh nhận Bí Tích Rủa Tội, chúng ta tham dự vào chức tư tế, sứ mạng Ngôn Sứ và vương đế tình yêu của Chúa Giêsu. Vì thế, qua mỗi thánh lễ Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta khi ra về phải thi hành sứ mạng vương đế tình yêu trong cuộc sống. Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu chân tình, chung thủy, trung tín và tình yêu hy sinh cho người mình yêu. Cho nên, Chúa Giêsu dạy rằng không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người thí mạng vì mọi người mình yêu dù người ấy là kẻ thù của ta. Đây là nét đặc trưng nổi bậc nhất của đạo Công Giáo chúng ta.

Chúng ta được hạnh phúc trở thành con cái, anh em và là công dân của Nước Trời, là thần dân đích thực của Giêsu, Vua Tình yêu. Cho nên, yêu thương là lẽ sống của từng cá nhân, gia đình, và cộng đoàn. Vì “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”. Có Chúa trong tâm hồn chúng ta luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc. Đồng thời Vua Giêsu sẽ thúc dục chúng ta học và sống với Ngài: lòng nhân hậu, thương xót người, hiền lành, khiêm nhường và phục vụ hết mọi người. Còn mọi thứ khác chỉ là kiểu cách, rườm rà, câu nệ, phô trương, là thanh la phèng phèng nghe đã lỗ tai rồi bay đi thôi. Vì vậy, Thánh Gioan tông đồ nói rằng: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào đó, chúng ta biết mình đứng về sự thật và sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (1Ga 3,18-19). Đặc biệt hơn nữa, Năm Thánh Lòng Thương Xot sắp khai mạc, trong Tông Sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta rằng: “Nếu chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu và ngước mắt nhìn lên dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta sẽ thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Tình Yêu này rõ ràng và trở nên cụ thể trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Ngôi vị của Ngài không phải là bất cứ điều gì khác ngoài Tình Yêu, một Tình Yêu tự hiến (số 8§1). Tình Yêu nhân hậu của các Ki-tô hữu cũng phải nằm trên hành trình yêu thương của Chúa Giêsu Vua. Người yêu thương chúng ta thế nào thì con cái cũng phải yêu thương thể ấy. Nếu như Thiên Chúa là Đấng Thương Xót thì chúng ta cũng được kêu gọi để xót thương nhau” (số 9§4).

Lạy Chúa, chúng con là đôi tay và đôi chân của Chúa, là miệng lưỡi và trái tim yêu thương của Người. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và chân thật, vui tươi và hạnh phúc, để Nước Chúa hiển trị muôn đời. Amen.

 

 

 

 

 

5. Vị vua không giống ai

 

Mỗi năm, cứ đến Chúa nhật cuối cùng thì Phụng vụ lại mừng kính Đức Kitô là Vua. Thế nhưng, Ngài là vua theo ý nghĩa nào?

Khi Philatô chất vấn Chúa Giêsu: Ông có phải là vua không? Chúa Giêsu đã trả lời: Phải, tôi là vua. Cũng là một khái niệm làm vua, nhưng Philatô có kinh nghiệm khác, người Do Thái có kinh nghiệm khác, còn Chúa Giêsu thì cũng có kinh nghiệm khác.

Philatô thì coi làm vua là người ngự trị trong vinh quang, theo kiểu Caesar lúc bấy giờ đang trị vì tại Rôma. Người Do Thái thì coi làm vua là phải nổi lên để giải phóng dân tộc khỏi sự bóc lột và kìm kẹp của đế quốc Rôma, đem lại cho quê hương đất nước một thời đại hoàng kim. Còn Chúa Giêsu thì sao? Quan niệm của Ngài có mang nặng màu sắc chính trị và trần tục hay không?

Khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai, các Phúc Âm đều nói tới những cơn cám dỗ Ngài phải chịu trong hoang địa. Chủ đề của những cơn cám dỗ ấy xoay quanh và gắn liền với uy quyền, với khái niệm làm vua. Và chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đương đầu, đã khước từ sự cám dỗ ấy, không phải chỉ ở trong hoang địa, mà còn kéo dài trong suốt cả cuộc đời của Ngài. Sự cám dỗ ấy đến từ phía dân chúng, cũng như đến từ thẳm sâu cõi lòng của Ngài. Chẳng hạn sau khi làm phép lạ cho bánh hóa nhiều, dân chúng muôn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trôn họ. Đứng trước tòa án của Philatô cũng vậy. Sau khi xác quyết mình là vua, thì Ngài đã lập tức xác định ngay lập trường của mình: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì binh đội của tôi đã chiến đấu, để tôi không bị nộp cho người Do Thái.

Bởi đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu không từ chối tư cách làm vua của Ngài, nhưng kinh nghiệm làm vua ấy có một nét khác lạ và sâu xa. Chính vì thế, Ngài đã khước từ mọi kinh nghiệm trần gian của việc làm vua. Thái độ của Chúa Giêsu là luôn tránh né, để khỏi gây hiểu lầm về tính cách thiên sai của Ngài: Ngài đã tự coi mình là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà tiên tri Isaia đã nói tới. Ngài đến để hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Như thế, chúng ta thấy có một sự đối chọi gay gắt giữa khái niệm làm vua để thống trị và quy hướng về mình, với hình ảnh người tôi tờ đau khổ, thinh lặng và chịu đựng mọi khinh bỉ, nhưng nhờ đó đã làm phát sinh ra sự sống ơn sủng, cũng như làm phát sinh ra sự giải thoát khỏi những trói buộc của tội lỗi. Hẳn thực Chúa Giêsu đã sống cho người khác, đã xử trí các tương quan bằng lòng yêu mến. Ngài đã lên ngôi khi bị treo trên thập giá. Giới luật Ngài dùng để cai trị, đó là giới luật yêu thương. Ngài đã làm gương cho chúng ta về tinh thần phục vụ bằng việc quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài là một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không binh đội. Ngài là một vị vua không giống ai.

Vì thế mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem: Tôi phải làm gì? Tôi phải sống thế nào, để xứng đáng là thần dân trong vương quốc của Ngài.

 

 

 

 

 

6. Vua sự thật

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

 

Chúng ta mừng lễ Đức Giêsu làm vua. Đáng lẽ Tin mừng phải diễn tả quang cảnh tôn vinh Đức Giêsu như một ngày lễ phong vương long trọng theo phong cách lễ nghi tôn vương của các vua trần gian. Nhưng Tin mừng chỉ kể lại phiên tòa xét xử Đức Giêsu. Trên ngai, chánh án toàn quyền Philatô; dưới quảng trường nguyên cáo là các thượng tế và dân chúng; đứng trước vành móng ngựa, bị cáo là Đức Giêsu đầu đội triều thiên gai, hai tay bị trói.

Chánh án hỏi: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Bị cáo hỏi lại Chánh án: “Ông tự ý nói điều ấy hay có ai khác nói với ông về tôi?”. Chánh án đáp: “Tôi đâu có phải là người Do thái, dân ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi”.

Toàn quyền Philatô đại diện hoàng đế La mã, cai trị nước Do thái. Thời đó, đế quốc La mã thống trị 8 nước Âu châu (Ý, Pháp, Anh, Đức, Áo, Nam Tư, Romani, Hy Lạp) 5 nước Á châu (Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie, Lyban, Palestine, Do thái) và 5 nước Phi châu (Ai cập, Lybie, Tunisi, Algêrie, Marốc). Chánh án Philatô hỏi bị cáo Giêsu, Đức Giêsu không trả lời, nhưng hỏi lại Philatô và Philatô đã phải trả lời: “Tôi đâu có phải là người Do thái, dân ông và các trưởng tế đã nộp ông cho tôi”.

Câu trả lời của Philatô đã cho thấy ông thú nhận ba điều:

Thứ nhất: Philatô là chánh án xét xử Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu không bị dồn vào thế bị động, không bị xét xử, Người đã chủ động, đứng ra xét xử Philatô. Rõ ràng Philatô đã phải thú nhận mình không biết gì về Đức Giêsu, ông chỉ nghe dân chúng và các thượng tế tố cáo Đức Giêsu nổi loạn làm vua. Toàn quyền Philatô là chánh án không biết bị cáo có tội gì, không biết sự thật mà dám xét xử thì làm sao có công lý.

Thứ hai: Toàn quyền Philatô nắm giữ quân đội La mã hùng mạnh để giữ gìn an ninh trật tự, để chiến đấu dẹp những kẻ nổi loạn chống lại hoàng đế; thế mà ông không hề phải dùng quân lính dẹp loạn, quân ông không phải chiến đấu với Đức Giêsu. Như vậy, Đức Giêsu có nổi loạn đâu! Sao ông dám kết án Đức Giêsu nổi dậy làm vua? Ông đã xét xử mù quáng.

Thứ ba: Philatô thay mặt hoàng đế cai trị dân Do thái, như vậy, ông cũng là vua nước nhỏ, vua dân Do thái. Vua phải biết thương dân. Ông chưa biết người dân có tội, đã bắt trói, cầm tù, đánh đập, đội mạo gai, ông thật là thứ vua tàn ác, dã man. Quả thực, mấy năm trước đó, Philatô đã đóng đinh hàng ngàn người thuộc phái Nhiệt thành cuồng tín (Zelotes) nổi loạn (Lc 13,1-3).

Sau khi Philatô thú nhận tội lỗi của mình, Đức Giêsu mới tuyên bố: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này, thì người của Tôi đã chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do thái”.

Trước hết, Đức Giêsu đã phân biệt nước Người không thuộc về thế gian này. Nước thế gian như đế quốc La mã, vua có binh hùng tướng mạnh, đi xâm lăng thống trị các dân tộc yếu hơn, bắt họ làm nô lệ cho đế quốc. Vua tha hồ bóc lột đàn áp để giết người cướp của. Vua độc tài, độc tôn muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết, muốn phong ai thì phong, dù là kẻ bất tài, thất đức.

Thứ đến, nước Đức Giêsu cũng không phải nước dân Do thái mong đợi. Nước Do thái mong ước là nước con vua Đa vít: bách chiến bách thắng để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, và còn thống trị muôn dân nữa. Vua Cứu thế sẽ khôn ngoan hơn Salomon để các vua chúa vương hầu khắp thiên hạ phải tôn vinh Ngài và “đổ về thủ đô Giêrusalem, nguồn phong phú biển cả, và của cải muôn dân đến cho ngươi. Lạc đà đàn đàn che rợp đất, tải vàng với hương trầm, hết thảy kéo lại cho ngươi” (Is 60,5-6). “Ngươi sẽ được gọi là Cố vấn kỳ diệu, thần Anh dũng, Cha muôn thuở, Vua thái bình, quyền bính vô tận trên ngai Đa vít” (Is 9,5-6).

Sau cùng, nước Đức Giêsu là nước không thuộc về thế gian này, không có quân tướng, vũ khí nên Người sẵn sàng nộp mình cho người Do thái. Nước Người là nước huyền nhiệm, nước trời muôn thuở, vô biên, không có lãnh thổ, không thuộc trần gian, nhưng có từ nguyên thủy đến tận cùng thế giới (Alpha và Ômêga), nước thuộc về Đấng đã có, đang có và sẽ đến.

Tiếp đến, Đức Giêsu nói: “Tôi sinh ra, đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật đều nghe tiếng Tôi”. Sự thật đó là gì? Sự thật đó là đường cứu độ đưa con người đến sự sống muôn đời. “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nước Đức Giêsu khác hẳn nước thế gian. Nước thế gian chỉ đưa đến nô lệ, bất công, chiến tranh và chết chóc.

Đức Giêsu đã kêu gọi Philatô nghe tiếng Người đứng về phía sự thật. Nhưng bị đắm chìm trong quyền bính, danh vọng, Philatô đã đứng về phía gian ác của phường bất chính đổ vạ cáo gian nên đã trao Người cho lý hình đóng đinh và đâm thâu vào Thánh Tâm Người (Ga 19,34). Thánh Tâm đầy lòng thương xót đã rộng lòng khoan dung tha thứ:

“Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết”. Nhận ra vua sự thật, vua tình thương, anh trộm lành đã nói: “Ông này có làm điều gì sai trái đâu!”. Và anh đã cầu nguyện với Người: “Lạy Đức Giêsu, khi nào vào nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Anh chỉ dám xin nhớ, không dám xin cứu, không dám xin được vào nước Người vì anh thấy mình quá bất xứng, quá tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu thấy lòng thông cảm khiêm tốn của anh, Người đã dịu dàng nói với anh: “Tôi nói thật, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên nước thiên đàng” (Lc 23,41-42).

Nhận ra vua sự thật, vua tình thương, viên đại đội trưởng đã tuyên xưng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính”. Và tất cả đám người đã tụ tập đông đảo xem thấy cảnh tượng ấy, đều đấm ngực trở về nhà (Lc 23,47-48).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận biết Chúa là vua sự thật để chỉ đường chân thật cho chúng con đi, là vua nhân ái, đến hy sinh hiến mạng sống cho chúng con được sống muôn đời.

 

 

 

 

 

7. Kitô Vua

 

Quan đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta ghi nhận một cuộc hỏi cung kỳ lạ trong đó bị cáo lại đặt vấn đề với quan toà và hướng dẫn cả cuộc tranh luận về tước hiệu Vua dân Do Thái.

Thực vậy, Chúa Giêsu biết rằng chính dân Do Thái đã tố cáo Người xưng mình là vua. Nếu không có lời tố cáo này, Philatô chẳng bao giờ có ý bắt và kết án Người. Và bây giờ, nếu ông có quan tâm thì cũng chỉ vì khía cạnh chính trị của lời tố cáo này mà thôi, bởi vì ông đại diện cho hoàng đế Rôma, cai trị đất nước Do Thái.

Nhưng Chúa Giêsu nói tiếp với quan tổng trấn rằng: Nước Người không thuộc về thế gian này. Đối với người Do Thái cũng như đối với Philatô, danh từ vua chỉ có một ý nghĩa duy nhất là một lãnh tụ chính trị, có vương quốc, có thần dân với bộ máy cai trị và quân đội, để bảo vệ chủ quyền và an ninh cho đất nước. Nếu Chúa là vua theo nghĩa này thì hẳn thần dân của Người đã không để cho Người rơi vào tay họ. Chính họ cũng biết điều đó. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Người đã từ chối ý định của họ là muốn tôn Người làm vua.

Chúa là Vua, nhưng Người không cạnh tranh với hoàng đế Rôma vì nước Người không thuộc về thế gian này. Vương quốc của Người được thiết lập ngay trong lễ Vượt qua, khi Người phó mình chịu chết để vâng phục thánh ý Chúa Cha: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta. Đức Kitô thi hành vương quyền của mình bằng cách kéo loài người khỏi sự chết để dẫn đưa họ vào nhà Chúa Cha.

Điều nghịch lý là ở chỗ ngay trong cuộc khổ nạn, Đức Kitô mới xưng mình là vua và ngay khi bị treo trên thập giá Người mới chứng tỏ mình thật sự là vua. Trong suốt cuộc xét xử, Philatô đã tỏ ra là một quan toà nghiêng ngửa và yếu đuối. Ông ta biết Chúa Giêsu không có tội gì và muốn tìm cách tha Người, nhưng ông lại sợ áp lực của người Do Thái: Nếu quan tha nó thì quan không phải là bạn hữu của hoàng đế.

Thế thì nguy rồi, chức vụ của mình, gia sản của mình và ngay cả mạng sống của mình cũng có thể tiêu ma. Thôi mặc kệ cho sự thật, mặc kệ cho bị cáo phải tử hình. Ta lo cho ta trước đã. Đó là một con người không trung thực và hèn nhát. Dù biết Chúa Giêsu không có tội muốn làm loạn, muốn xưng vương, nhưng Philatô vẫn cứ treo bản án: Giêsu Nadarét, vua dân Do Thái.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám đứng về phía của chân lý của sự thật hay không? Chúng ta có dám chấp nhận những hy sinh, những thiệt thòi để cho Nước Chúa được trị đến hay không?

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ