Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 58
Tổng truy cập: 1367591
VUA LÒNG TIN
Khi nói đến một vị vua chúa nào dù đã chết hay còn đang tại vị, chúng ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến giầu sang, đền đài, nghi lễ sang trọng, đền đời sống vương giả… Chúng ta thường chỉ nghĩ đến như thế thôi. Vì đã được nghe qua, hoặc đọc trong sách báo hay xem truyền hình về đời sống của họ. Nào mấy người có được cơ hội trải qua cuộc sống thực sự trong cung điện vua chúa. Và đời sống của vua chúa thường đồng nghĩa với đời sống xa dân. Thần dân có bổn phận kính trọng và nghe lời họ. Họ có quyền hành gần như tuyệt đối cai trị người dân.
Hình ảnh này về vua chúa không những chỉ đúng cho ngày xưa – cách đây chừng trên dưới nữa thế kỷ thôi như Nhật Hoàng, Nga Hoàng, vua xứ Brunei, vua xứ Thái Lan, vua xứ Chùa Tháp Campuchia… – nhưng phần nào cũng còn đúng cho các vị vua chúa trong xã hội cộng hòa dân chủ ngày hôm nay.
Người công giáo tuyên xưng: Chúng tôi cũng có một Vua, nhưng Vua của chúng tôi là Vua-lòng-tin! Vậy Vua-lòng-tin của chúng ta thì thế nào? Chúng ta có thể biết được chút nào về đời sống Vua-lòng-tin không? Vua-lòng-tin của chúng ta sống gần con người hay cũng xa dân như các bậc vua chúa khác?
Chúng ta hát ca ngợi Vua-lòng-tin như thế này: “Ôi Giêsu, Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Chúa. Nhưng lòng Chúa không bến bờ, tự hiến thân nơi bàn thờ!”
Như thế danh xưng Vua-lòng-tin của chúng ta là Giêsu. Vương quốc lâu đài của Vua-lòng-tin là tâm hồn con người. Vương quốc này không có biên giới bờ cõi và cũng không bị giới hạn vào một thời điểm nào. Nó trải rộng khắp nơi vào mọi thời gian. Nơi nào có người tuyên xưng niềm tin vào ngài là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng tội lỗi, nơi đó là vương quốc của ngài.
Còn cách thế cai trị của Vua-lòng-tin không dựa trên sức mạnh quyền lực, nhưng lấy tình yêu làm nền tảng. Chính vị vua này từng khẳng định: Thầy truyền cho chúng con giới luật mới, là các con thương yêu nhau (Gioan 13,34).
Và ngày sau cùng khi mọi người ra trước Vua để trả lời về đời sống việc làm của mình, ông không căn cứ vào thành tích đã đạt được, nhưng căn cứ vào tình yêu mà phân xử: Khi các con cứu giúp một người bé nhỏ lâm cảnh khốn cùng, đói rách, chính là các con làm cho ta. (Mátthêu 25,31-46)
Vị Vua này tự nhận: “Ta là người mục đồng tốt lành” (Gioan 10,11). Lời xác quyết này muốn nói lên: “Tôi quan tâm đến đời sống tâm hồn con người. Nỗi băn khoăn lo âu đè nặng tâm hồn họ, là băn khoăn của tôi. Tôi muốn giúp họ thoát khỏi gánh nặng này.”
Hình ảnh vị Vua mục đồng này nói lên lối sống của ông với thần dân: sống gần dân, cho dân và vì dân, như người mục đồng luôn đi sát đoàn vật chăm sóc chúng.
Ngai vàng của Ông là thánh giá gỗ, nơi ngài bị đóng đinh xử tử. Vương miện của ngài là vòng gai người ta chụp lên đầu khi bị điệu ra pháp trường.
Vua-lòng-tin của người công giáo đã bị xử tử đóng đinh trên thập giá, bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, nhưng ông đã được Thiên Chúa cho sống lại. Ông sống trong trong tâm hồn những người tin theo ông. Ông hiện diện nơi bàn thờ, khi những người tin theo Ông cử hành thánh lễ, cử hành các bí tích, khi họ họp nhau đọc kinh ca hát cầu nguyện nhân danh Ông.
Vua-lòng-tin của người tín hữu công giáo là Vua tình yêu.
58. Phục vụ.
Thế nào là một ông vua?
Dưới chế độ quân chủ thì nhà vua là người nắm giữ mọi quyền hành trong một nước. Với quyền hành lớn lao như thế, nhà vua dễ trở thành độc tài, bắt thần dân phải cung phụng cho mình với nếp sống xa xỉ và phóng túng.
Ngày nay, mặc dù chế độ quân chủ đã cáo chung tại hầu hết các nước, thế nhưng người ta vẫn tiếp tục dùng danh từ vua để chỉ một người thành công vượt bực trong một phạm vi nào đó, chẳng hạn như vua bóng đá, vua dầu lửa, vua xe hơi, vua leo núi…
Những ông vua thần tượng này thường được quần chúng ngưỡng mộ vì tài năng, vì giàu có, nhưng lắm khi đời sống luân lý của họ lại khiến chúng ta phải vỡ mộng.
Đành rằng trong lịch sử có những bậc minh quân, thương dân như thương con. Thế nhưng, có nên gọi Đức Kitô là vua khi nhân loại đã bước qua thiên niên kỷ thứ ba hay không?
Lần kia, sau phép lạ bánh hóa nhiều, dân chúng định tôn Ngài lên làm vua, để Ngài phất cờ giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc La mã, nhưng Ngài đã trốn lên núi một mình.
Còn đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, khi bị Philatô tra hỏi: – Vậy ông là vua ư?
Đức Kitô đã không từ chối và cũng chẳng xác nhận. Ngài chỉ bảo: – Chính quan nói rằng tôi là vua.
Thế nhưng rất nhiều lần Ngài đã đề cập đến nước Ngài. Nếu như chúng ta có gọi Ngài là vua, thì chắc chắn Ngài sẽ là một vị vua rất đặc biệt, không giống với bất kỳ vua chúa trần gian nào.
Thực vậy, sinh ra nơi máng cỏ Bêlem, hoạt động thì nay đây mai đó, không có lấy được một hòn đá tựa đầu và sau cùng chết đi trên thập giá. Và như thế Ngài là một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không binh đội, không vương trượng. Quả thực Ngài là một vị vua không giống ai.
Nét đặc sắc của vương quyền nơi Ngài chính là tinh thần phục vụ:
– Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Nơi khác Ngài cũng xác quyết:
– Thày sống giữa anh em như kẻ hầu bàn.
Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ. Và hành động phục vụ cao cả nhất chính là cái chết trên thập giá. Nhưng cũng chính nhờ cái chết này mà Ngài được tôn vinh:
– Ngày nào Thày bị treo lên khỏi đất, Thày sẽ kéo mọi sự lên cùng Thày.
Và thánh Phaolô đã xác quyết:
– Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài lên, tặng ban một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Với chúng ta thì sao? Một khi tuyên xưng Đức Kitô là vua, chúng ta cũng phải thực thi tinh thần phục vụ của Ngài. Đây cũng chính là điều Ngài mong muốn:
– Nếu các con gọi Ta là Thày và là Chúa mà Ta còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.
Nơi khác Ngài cũng xác quyết:
– Vua chúa trần gian thì lấy quyền hành mà thống trị họ. Còn các con thì không như thế, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy trở nên rốt hết và làm tôi tớ cho mọi người.
Chính nhờ tinh thần phục vụ này mà chúng ta trở nên ánh sáng, trở nên muối mặn, trở nên men bột, hầu góp phần làm cho nước Chúa được trị đến.
59. Chân Lý – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Đaniel đã ngắm nhìn thị kiến về vương quốc vĩnh cửu. Vị Bô Lão ban cho Con Người quyền năng, vinh dự và vương quốc. Mọi dân tộc sẽ qui tụ về để phụng sự Ngài. Đây là thị kiến về ngày cánh chung. Không ai biết được ngày giờ kết cùng của thế giới. Khi chúng ta có mặt ở đời, mọi sự đã có đó và luôn chuyển động. Con người được thông dự sự sống với muôn loài và muôn vật. Con người là loài cao quí được Thiên Chúa ban cho có hồn có xác. Xác hồn kết hợp để hoàn thành sứ mệnh được trao ban.Chúng ta hiện hữu trên trần gian một khoảnh khắc thời gian rồi lại trở về cát bụi. Tuy cuộc đời của chúng ta ngắn ngủi phù du, thân xác sẽ tan biến nhưng linh hồn sẽ hiện hữu đến muôn đời. Mọi sinh hoạt trong cuộc lữ hành trần thế sẽ dẫn bước chúng ta về chung hưởng hạnh phúc bên Đấng quyền năng trong vương quốc của Ngài.
Sách Khải Huyền của thánh Gioan cũng diễn tả về hình ảnh của ngày cánh chung. Chúa Giêsu Kitô là thủ lãnh của các vua, Vua các vua và là Đấng yêu thương đã hiến mình rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Ngài là trưởng tử những kẻ đã an giấc, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha: Ngài là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Chúng ta đặt niềm tin vào những lời mạc khải của Con Thiên Chúa. Con người chúng ta bị giới hạn mọi mặt và tâm trí không hiểu thấu những sự cao siêu. Ngay trong vũ trụ vật chất hiện hữu chung quanh, con người cũng chỉ mới khám phá một chút ven bìa giới hạn của một số nhỏ hành tinh. Tâm trí và giác quan của con người đắm chìm thưởng ngắm vũ trụ bao la để nhận ra sự cao siêu vô lường của Tạo Hóa. Chúng ta chẳng biết đâu là bến bờ. Thánh Gioan đã diễn tả về sự vô thủy vô chung của vũ trụ qua Đấng Toàn Năng phán: Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thủy và cứu cánh (Kh 1,8).
Kinh Thánh mạc khải giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của vũ trụ và sự sống. Với những suy tư tìm tòi của con người qua mọi thời đại, nhân loại vẫn còn lần mò trong đêm tối của vô minh. Những suy tư triết học, thần học và khoa học chỉ trả lời một cách rất khiêm tốn về sự hiện hữu của vũ trụ và muôn loài. Có nhiều giả thuyết tìm cách giải thích sự có mặt của vũ trụ theo thuyết Tiến hóa, Ngẫu nhiên hoặc Tự nhiên hình thành. Các khoa học không thể giải đáp một cách thỏa đáng cho những khao khát của tri thức con người muốn tìm hiểu về cội nguồn. Trí khôn của con người không vượt qua được biên giới của sự hiện hữu và chung cục. Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta về nguồn gốc và cứu cánh của vũ trụ và con người. Đây là một chân lý cao siêu mà Chúa Giêsu đã làm chứng.
Đứng trước tòa án của Philatô, Chúa Giêsu đã phát biểu một cách công khai: Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là chỉ để làm chứng cho Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tôi (Ga 18,37). Lời của Chúa Giêsu là thần trí và là sự sống. Ngài đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Chân lý là sự thật. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Sự thật nằm trong tâm thiện. Lời sự thật là không quanh co, giả dối, lừa lọc, dối trá hay gian manh. Đôi khi nói sự thật thì mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc bất công. Chúa Giêsu nói rằng ai thuộc về chân lý thì nghe lời Ngài dạy. Chúng ta đã nhận lãnh Bí tích Rửa Tội để trở nên chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta thuộc về Chúa, như thế chúng ta cũng thuộc về chân lý. Thuộc về chân lý thì phải suy nghĩ sự thật, phát biểu sự thật và hành động trong sự thật.
Chúa Giêsu nhìn sự thật trong tận đáy tâm hồn mỗi người. Con người thì thích phô trương và xuất hiện bên ngoài để kéo chú ý của người khác. Giống như các mặt hàng cần quảng cáo ra thị trường, các tiếp viên đã tô điểm bên ngoài, làm đẹp, chào hàng hấp dẫn để kéo lôi khách hàng. Cũng giống như các chính trị gia đã không ngại dùng mọi thủ đọan để hứa hẹn, tô bóng và khuyến dụ các cử tri dồn phiếu. Giữa sự xuất hiện bên ngoài và sự thật có một khoảng cách xa. Có những người rất khôn khéo trong lời nói và thuyết phục đã kéo lôi được nhiều thành viên. Sự dối trá ẩn nấp trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần sống trung thực qua ý tưởng, lời nói và việc làm: Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,37). Nhớ điều răn thứ 8 là chớ làm chứng dối.
Có một số cụm từ tiếng Anh mà người nói dối hay dùng: Never, khi bị ai bắt gặp đang nhìn một cái gì không tốt và bị chất vấn, người đó liền chối ngay là không bao giờ. That man/woman’, dùng chữ đó để diễn tả một sự xa cách với người đó. ‘I would never do something like that’ tôi không bao giờ làm những việc như thế. Yes, ma’ma, nếu một người nào không có lý do, tự dưng nói mama với bạn, hãy cẩn thận. By the way, người nói dối dùng chữ này để người khác chú ý hơn tới điều họ sẽ nói sau. ‘I know you think I’m lying, but…Tôi biết bạn nghĩ rằng tôi đang nói dối, nhưng…Why would I do that?’What kind of person do you think I am? Tự bào chữa bằng cách hỏi tại sao tôi làm thế? Bạn nghĩ tôi là loại người nào? Người nói dối quanh qua, quẩn lại cũng chỉ là tránh né vấn đề nói sự thật.
Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về cách đối xử trong thế thái nhân tình. Người đời nói: Một sự bất tín vạn sự không tin. Trong dụ ngôn những yến bạc rút ra cho chúng ta một bài học về sự tín trung và chân thật: Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh (Mt 25,23). Sự chân thành là một đức tính tốt cần tu luyện mỗi ngày. Người ta nói rằng khôn ba năm dại một giờ, đôi khi vì sự sa ngã bất trung dại dột trong chốc lát mà mất cả chì lẫn chài. Đặc biệt trong đời sống gia đình, vợ chồng cần trung tín và thành thật với nhau trong mối tương giao. Chúng ta biết rằng mọi việc làm dối trá trong bóng tối rồi cũng sẽ có ngày được phơi bày ra ánh sáng.
Mang danh là Kitô hữu, chúng ta là nhân chứng cho sự thật. Sự thật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa là Thần Chân Lý. Chúa Giêsu đã hứa cùng các môn đệ: Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14,26). Sự thật thì rất đơn sơ, rõ ràng, trong sáng và có tính thuyết phục. Sự thật không cần đối chất. Ai ở trong Chúa thì yêu mến sự thật. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những phiền muộn và lo lắng. Sống sự thật là sống trong an lạc và hạnh phúc. Chúng ta có thể tìm kiếm chân lý qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô: Ai thuộc về Chân lý thì nghe tôi. Đáp lời hỏi của Philatô: Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Quan nói đúng: Tôi là Vua” (Ga 18,37). Chúa Giêsu chính là Vua vũ trụ, Vua muôn vua.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến để khai mở tâm trí chúng con, để chúng con biết suy tưởng sự thật, loan truyền sự thật và sống sự thật. Xin cho chúng con tìm đến sự thật tuyệt đối nơi thập giá Chúa Kitô. Từ thánh giá Chúa, chúng con sẽ được múc tận nguồn ơn tha thứ và lòng thương xót.
60. Vua sự thật.
Chúa Giêsu có phải là vua thật không? Ngài là vua theo nghĩa nào? Bài Tin Mừng trả lời cho chúng ta những câu hỏi đó trong phiên tòa Rôma xử án Chúa Giêsu. Người xét xử là tổng trấn Philatô, là ông quan của đế quốc Rôma đặt cai trị ở Do thái, vì lúc ấy dân Do thái đang ở dưới quyền đô hộ của người Rôma. Bị cáo là Chúa Giêsu, do người Do thái điệu Chúa đến đây để xin Philatô xét xử.
Philatô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Để trả lời, Chúa hỏi lại: “Ngài tự ý nói điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Hỏi như vậy là Chúa muốn vạch trần thâm ý của Philatô. Nếu Philatô tự ý hỏi như vậy tức là Philatô muốn hỏi: “Anh có phải là tay lãnh tụ chính trị, dám chống lại chính quyền Rôma không?”. Đối với Philatô, là vua Do thái chỉ có nghĩa như vậy. Mà nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “không”. Ngài không phải là vua theo nghĩa đó. Còn nếu câu Philato hỏi là do các nhà lãnh đạo Do thái nhắc nhở cho, thì có nghĩa là Chúa Giêsu là vị cứu tinh của Do thái như Thiên Chúa đã hứa với dân tộc họ. Nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “có”. Ngài thực sự là vua. Nhưng không phải chỉ là vua của dân Do thái mà còn là vua của mọi người. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu là vua tâm linh, là vua lòng mọi người, chứ không phải là vua theo nghĩa thông thường trần gian. Vì thế, vương quyền của Chúa có tính cách thiêng liêng chứ không có tính cách trần thế, không dùng phương tiện, sức mạnh, bạo lực của trần gian. Trái lại, phương tiện thực thi vương quyền của Chúa là nhập thể cứu chuộc và rao giảng sự thật. Chính chúa đã khẳng định với Philatô: “Tôi là vua, nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Như vậy, chúng ta có thể quả quyết: Chúa Giêsu là vua. Ngài là vua sự thật. Sự thật là gì? Chính Philatô đã hỏi Chúa Giêsu điều đó. Chúa không đáp lại bằng lời nói mà bằng chính việc Ngài đang thực hiện trước tổng trấn. Việc đó là thực hiện việc của tình yêu cứu độ. Ngài vô tội, nhưng vì yêu thương nhân loại, đã cam lòng chịu chết để đền tội cho nhân loại. Sự thật là như thế. Đó là tình yêu cứu độ. Đó là sự thật mà Chúa muốn làm chứng và muốn nói tới. Và giờ đây, nhìn chung quanh trong nhà thờ này: các ảnh tượng Chúa, chúng ta cũng thấy sự thật cứu độ là như vậy: Chúa Giêsu trên cây thánh giá, Chúa Giêsu trong phép Mình Thánh, Chúa Giêsu trong chặng đường thánh giá… Tất cả đều nói lên tình yêu cứu độ.
Tình yêu ấy đã được ban cho con người, chỉ cần con người đón nhận tình yêu ấy bằng một tâm hồn khiêm tốn, khao khát tình yêu cứu độ. Và bằng tâm hồn mở rộng ra, yêu thương bác ái đối với những người chung quanh. Sự thật cứu độ như vậy, nói thì đơn sơ dễ dàng, nhưng thực hiện thật là phức tạp và khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng của chúng ta. Bởi vì cuộc sống tất bật, chật vật, đầu tắt mặt tối, đầy lo toan khốn khổ, dễ đẩy chúng ta vào thái độ ích kỷ, nhỏ nhen, thấp hèn. Chúng ta không dễ nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau, mà ngược lại, muốn lấn lướt người, muốn được phần hơn, muốn loại trừ nhau, nhiều khi dùng cả những thủ đoạn độc địa, thô bỉ nữa. Như vậy, chúng ta chưa sống sự thật cứu độ, chưa rao giảng sự thật cứu độ, chưa làm chứng cho sự thật cứu độ. Điều đó có đúng không?
Chúng ta tôn xưng Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta tôn xưng Chúa là vua sự thật, thì chúng ta là dân sự thật của Ngài, chúng ta phải làm sáng tỏ sự thật ấy. Cuộc sống chúng ta có rất nhiều dịp, nhiều lúc phải quyết định chấp nhận hay từ khước, nói có hay không dứt khoát: có thì nói có, không thì nói không. Một khi chúng ta trả lời “có” cho một người, tức là chúng ta trả lời “không” cho người khác. Khi chúng ta trả lời “có” cho Thiên Chúa, là chúng ta trả lời “không” cho ma quỉ cám dỗ. Không thể có trung lập giữa không và có, giữa Chúa và ma quỉ, giữa ánh sáng và bóng tối. Theo Chúa là phải có một quyết định, một lập trường, một triết lý sống thực hành thánh thiện, ngay thẳng, trung thực, chứ đừng ăn không nói có, lật lọng, dối trá, thay trắng đổi đen.
Nói rõ hơn, chúng ta phải tôn trọng sự thật: phải giữ thành thật trong lời nói, tư tưởng và việc làm. Không được làm chứng dối, thề gian, bỏ vạ, cáo gian, đổ tội cho người khác, vu khống người ta. Không được xét đoán vô căn cứ, kết tội khi chưa đủ bằng chứng, cả khi nói những lời gây thiệt hại danh dự của người khác… cũng đều lỗi phạm sự thật. Can đảm biện hộ cho sự thật khi cần đến và có sự thật buộc chúng ta phải giữ kín.
Chúng ta hãy nhớ: một người sống trung thực, chân thành, bác ái, yêu thương giữa một xã hội đầy dẫy những lừa lọc, gian dối, ích kỷ, ti tiện… có lẽ sẽ bị đánh giá là một người không giống ai, là một người lội ngược dòng nước cuốn. Nhưng chính việc lội ngược dòng, chính việc sống trung thực, yêu thương lại chính là thánh giá mà mỗi người cần phải vác hàng ngày. Chúng ta phải trở nên muối đất, trở nên ánh sáng thế gian bằng cuộc sống chứng nhân trung thực cho Chúa Giêsu Kitô.
61. Vương Quốc Tình Yêu
(Suy niệm của Nguyễn Minh Triệu SJ.)
Hôm nay Giáo hội mừng kính Đức Giêsu là Vua vũ trụ. Đức Kitô quả thật là Vua Vũ Trụ vì Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo nên vũ trụ xinh đẹp này. Tuy nhiên, không giống các vị vua ở trần gian, dùng sức mạnh và vũ lực để cai trị, trong vương quốc của Đức Giêsu không còn chỗ cho bạo lực, chiến tranh,… mà chỉ có chỗ cho tình yêu. Vì yêu thương nên Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người trở nên công dân của vương quốc này, và tình yêu cũng chính là căn tính của mọi công dân.
Trên thế giới của chúng ta đang sống, mọi người thường hay nói về giấc mơ Mỹ. Có rất nhiều người muốn trở thành công dân của đất nước nước giàu có này. Vì thế, chính phủ Mỹ rất hạn chế trong việc chấp nhận cho công dân một nước khác trở thành công dân Mỹ. Vương quốc của Giêsu thì khác, tất cả mọi người đều được mời gọi gia nhập vương quốc của Ngài. Lời mời gọi yêu thương được Thiên Chúa dành cho mỗi người và từng người, không phân biệt tuổi tác, địa vị, sang giàu. Mọi người được mời gọi để tự do gia nhập vương quốc này. Ai cũng được mời gọi gia nhập, nhưng ai cũng có quyền khước từ. Tự do của con người lớn đến nỗi thánh Âutinh đã nói: Khi Thiên Chúa tạo dựng nên con Ngài không cần hỏi ý kiến con, nhưng khi cứu chuộc con, Ngài cần sự hợp tác của con.
Vì là một vương quốc của tình yêu, nên Ngài không cần phải có một bộ luật cứng rắn hay một quân đội hùng mạnh để điều hành. Tất cả chỉ dựa trên tình yêu. Chính Đức Giêsu xuống trần gian để làm chứng cho tình yêu. Ngài rao giảng, thi ân và trao ban sự tha thứ. Ngài chạnh lòng thương trước những mãnh đời bất hạnh. Trái tim Ngài thổn thức trước những nghịch cảnh của con người. Đi đến đâu ngài thi ân giáng phúc tới đó.
Tình yêu của Ngài lên cực điểm trong những giây phút cuối đời, khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, khi Ngài tha thứ cho kẻ phản bội mình, khi Ngài an ủi người môn đệ thân tín chối bỏ mình. Hơn hết, tình yêu đó vượt qua mọi giới hạn, vượt qua hận thù và sự dữ khi Ngài đã tha thứ cho kẻ giết mình. Thánh giá diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người.
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu và vương quốc Ngài là vương quốc tình yêu, nên Ngài cũng muốn tình yêu chính là căn tính của mọi công dân trong vương quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã trở thành một mẫu gương sống động cho tất cả con dân của mình. Chính Ngài đã nhắn nhủ các môn đệ rằng “Anh em hãy yêu tha nhân như chính Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12). Mỗi người con dân của vương quốc Chúa Giêsu sẽ nhận được một thẻ căn cước khi sống điều răn duy nhất này. Vì “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Vâng, tình yêu chính là căn tính của người môn đệ, của những ai xưng mình là Kitô hữu.
Mừng lễ Chúa Ki-tô là vua vũ trụ hôm nay, chúng ta nhận ra rằng trong thế giới ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều người khước từ lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, từ chối gia nhập vương quốc tình yêu của Ngài. Dưới sự ảnh hưởng và sự lan tràn của chủ nghĩa tục hoá và chủ nghĩa vô thần, con người ngày nay vẫn đang tự giam mình trong bóng tối sự chết và bịt tai trước lời mời gọi yêu thương của Chúa. Tuy nhiên, những nỗ lực của Giáo hội trong công cuộc Tân Phúc Âm Hoá cho ta thấy được phần nào sự kiên nhẫn và lòng thương xót Chúa vẫn luôn lớn hơn sự bất trung và dửng dưng của con người. Dù con người có bưng tai bịt mắt, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín với lời mời gọi của mình. Lời Ngài vẫn luôn cất lên. Ngài vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi.
Mừng lễ Chúa Kitô là Vua hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để xét lại đời sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta đã thực sự đặt Chúa là tâm điểm của cuộc đời mình chưa? Chúa có thực sự là vua của chúng ta trong mỗi lựa chọn của chúng ta trong đời sống thương ngày chưa? Chúng ta đã sống chiều kích tình yêu của vương quốc Đức Giêsu chưa? Chắc chắn rằng, chúng ta chưa sống trọn hảo chiều kích này, vì vẫn còn đó rất nhiều người không nhận ra lời chứng của chúng ta trong đời sống thường ngày của mình.
Lạy Chúa Giêsu
Tạ ơn Chúa vì đã đón nhận chúng con vào vương quốc của Ngài
Xin cho chúng con sống xứng đáng với tình yêu của Chúa
ngang qua việc làm chứng cho Tình Yêu.
Trong một thế giới đang bị tàn phá bởi chiến tranh và hận thù,
xin cho chúng con biết quảng đại đại và tha thứ,
trong một thế giới đầy chia rẽ,
xin cho chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất
trong một thế giới chạy theo tiền bạc
xin cho chúng con dám làm chứng cho Tình Yêu.
62. Trung tín.
Chúng ta hẳn đã nghĩ rằng chỉ có các dân tộc sơ khai và trong quá khứ xa xôi mới tôn thờ ngẫu tượng. Sự thật không phải như thế. Con người hiện đại cũng có các ngẫu tượng của họ. Và họ tôn thờ các ngẫu tượng ấy như thế nào. Tiền bạc là ngẫu tượng phổ biến nhất hôm nay. Nhưng cũng có những ngẫu tượng khác: tài sản, lạc thú, thành công, danh vọng, quyền lực… Sự tôn thờ thần tượng khá nhất là dẫn người ta đến một đời sống phù phiếm, còn tệ nhất là một đời sống mất phẩm cách, đê tiện. Nhưng tai hại to lớn nhất mà sự tôn thờ ngẫu tượng gây ra là nó làm cho người ta quên đi Thiên Chúa chân thật.
Người ta có thể lấy mình làm ngẫu tượng. Các lãnh tụ Cộng sản lấy chính mình làm ngẫu tượng. Một trong những đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản là “tôn thờ lãnh tụ”. Các lãnh tụ đặt chính mình lên bệ thờ. Bạn quay về hướng nào, cũng thấy những hình ảnh, tranh tượng của họ (Chúng ta thấy điều này ở I-rắc với Sadam Hussein). Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ nhiều bức tượng như thế đã bị giật sập và đập vỡ. Những quái vật ấy, những thần tượng ấy đồng nghĩa với sự đàn áp và khủng bố.
Trong lúc mà những bức tượng bị đổ nhào, tạp chí Time phát hành một bức ảnh nhỏ làm xúc động. Bức ảnh được chụp ở Ukraina, cho thấy một nhóm dân thường tụ họp cầu nguyện xung quanh một bàn thờ đơn sơ ở một nơi công cộng. Trên bàn thờ, người ta đặt một tượng bán thân của Đức Kitô. Bức ảnh này nói lên tất cả. Sau khi các thần tượng bị lật nhào, Đức Kitô được đặt vào đúng vị trí của Người. Thật tương phản biết bao giữa qui luật của Người và qui luật của những thần tượng. Các thần tượng chỉ huy; Đức Kitô mời gọi. Các thần tượng chỉ huy thông qua sợ hãi, Đức Kitô chỉ huy thông qua tình yêu. Các thần tượng đem đến áp bức và chết chóc; Đức Kitô đem đến tự do và sự sống. Không có gì đáng kinh ngạc khi chúng ta giữ lòng trung tín, trung kiên với Người, điều mà chúng ta không làm đối với một người khác hoặc một cơ chế trên trần gian.
Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đứng đơn độc và không vũ khí trước Philatô. Làm tổng trấn một tỉnh thuộc Lamã, Philatô là một con người đầy quyền lực. Ông có hàng ngàn binh lính dưới quyền ông. Và kia là Đức Giêsu - không có lấy một người lính để bảo vệ. Tuy nhiên, Đức Giêsu là người cao cả hơn không ai sánh bằng. Và mặc dù Người có thể bị tổn thương. Người là Đấng duy nhất chỉ huy làm chủ.
Quyền lực chính trị là khả năng ép buộc những người khác làm theo ý muốn của người ta. Khả năng này chủ yếu là do một địa vị như vua hoặc tổng thống. Nó không ở người chiếm giữ địa vị ấy. Quyền lực chính trị không liên quan đến lòng tốt hoặc sự khôn ngoan. Nhiều người ngu ngốc và xấu xa đã thực hành quyền lực ấy.
Mặt khác, quyền bính tinh thần hoàn toàn thuộc về cá nhân và không liên quan đến khả năng ép buộc những người khác. Người có sức mạnh tinh thần cao cả có thể giàu sang và đôi khi chiếm những vị trí lãnh đạo, nhưng thông thường họ nghèo khó và không có quyền lực chính trị.
Chúng ta phải phân biệt giữa quyền bính và ảnh hưởng, và đàng khác là quyền lực và sự chỉ huy người khác. Một số người với quyền bính tinh thần cao cả nhưng hoàn toàn không có quyền lực và phần lớn người có ảnh hưởng không cần kiểm tra những người mà họ có ảnh hưởng. Đức Giêsu làm cho người ta cảm nhận sự hiện diện của Người một cách đơn giản bởi tính cách của Người. Có một quyền bính thầm lặng trong mọi việc Người nói và làm.
Đức Kitô là niềm tin hy vọng của loài người. Người cho chúng ta thấy Thiên Chúa là ai và làm cách nào để giữ Thiên Chúa ở trung tâm đời sống chúng ta. Thiên Chúa không phải là một khuôn mặt xa lạ và thờ ơ. Thiên Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời, Đấng gần gũi với chúng ta, và chúng ta quan trọng và quí giá đối với Người.
Đức Kitô không đến để thiết lập một quyền tối thượng chính trị nhưng để làm chứng cho chân lý về quyền tối thượng của Thiên Chúa vĩnh cửu và trên toàn thể vũ trụ.
63. Tôn thờ Vua Giêsu
(Suy niệm của Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng)
Lịch sử nước Anh có kể rằng hồi ấy, nước Anh có một ông vua rất đạo đức tên là Canut III. Vì là vua của một cường quốc nên xung quanh vua thương có những quan nịnh thần xu nịnh, ton hót.
Một hôm trong một buổi triều yết, các quan nịnh thần tâu rằng: “Thánh Thượng” là vua trên hết các vua, là chúa trên các chúa, có quyền trên mặt đất và trên biển cả.
Nghe vậy nhà vua muốn cho họ một bài học, nên vua liền mời tất cả đi ra ngoài biển. Đứng trước đại dương, vua tuyên bố: Ta là vua trên hết các vua, có quyền trên đất liền và trên biển cả. Vậy ta truyền cho sóng biển không được tới đây. Nhưng nhà vua nói xong, nước vẫn dâng lên, sóng vẫn ập tới làm ướt áo cẩm bào của vua cũng như triều thần.
Sau đó, nhà vua đi vào trong một nhà thờ đến trước tượng Chúa Giêsu chịu nạn, nhà vua lấy chiếc vương miện của mình đội lên đầu Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Vua trên hết các Vua, là Chúa trên hết các Chúa”.
Anh chị em thân mến,
Nhà vua trong câu chuyện trên đã khiêm tốn nhìn nhận thân phận hèn kém của mình và tôn vinh chỉ có Chúa mới là Vua trên hết các Vua, là Chúa trên hết các Chúa.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Chúa là vua vũ trụ. Ngài là Đấng thống trị duy nhất toàn thể vũ trụ và thống trị đời chúng ta!
Tôn vinh Chúa Kitô làm vua vũ trụ, có nghĩa là chúng ta tôn kính, tin nhận và để cho Chúa làm chủ trên cuộc đời chúng ta, trên trọn cả cuộc sống của chúng ta và trên cả vũ trụ này, đồng thời quyết tâm sống xứng đáng là công dân trong Nước của Ngài.
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta có để cho Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta hay không?
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường tôn phong nhiều vị vua: Nào là “vua thuốc lá”, “vua bia rượu”, “vua cờ bạc”, “vua tiền bạc”, “vua lạc thú” v.v… nhiều khi chúng ta đặt các vua này trên cả vua Giêsu. Chúng ta thường dễ dàng quỳ gối, cúi đầu trước sức mạnh của các thứ vua vật chất này mà bỏ qua giới răn lề luật của Vua Giêsu.
Năm phụng vụ chấm dứt với Chúa nhật hôm nay. Đây là dịp để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời mình. Chúng ta là con dân Nước Chúa, vậy thì chúng ta có tin nhận và để cho Chúa làm vua và làm chủ cuộc đời của chúng ta không?
Chúng ta có nỗ lực sống theo luật yêu thương của Vương Quốc Tình yêu bằng cách bác ái, sống chan hòa tình Chúa và chan chứa tình người không?
Lạy Chúa Giêsu là Vua vũ trụ và là vua cõi lòng chúng con, xin Chúa mãi ngự trị trong vũ trụ này, thế giới này và trong cõi lòng mỗi người chúng con để thống trị, hướng dẫn và làm chủ chúng con. Xin giúp chúng con sống xứng đáng là con dân nước Chúa. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam