Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 43
Tổng truy cập: 1373385
VUA TÌNH YÊU
Vua tình yêu - Huệ Minh
Kính thưa Cộng Đoàn,
Chúng ta đã sống qua cái thời quân chủ rồi, không ai còn thấy cái hình ảnh nhà vua nữa! Có chăng thì thấy nhà vua qua phim ảnh, qua sách báo thôi. Nhưng mà đúng là làm vua kinh khủng quá!
Người ta nói rằng làm quan thì cả họ được nhờ, còn làm vua thì không biết làm sao nữa! Làm vua thì có quyền ghê lắm!
Và chúng ta thấy nhà vua thì dân chúng không ai được gặp mặt, không ai được nhìn thấy mặt. Chúng ta xem phim mà mỗi lần mà ta thấy, nhà vua đi vi hành thì thôi chứ. Người ta nói rằng: “Hoàng thượng giá lâm” là coi như xong rồi đó! Người ta phải rạp mặt xuống dưới đất, người ta không dám nhìn lên, chẳng may mà người nào liều mạng mà nhìn vua, thì coi như bị chu di tam tộc.
Quyền lực của ông vua ghê lắm, trong một đất nước mà đứng đầu mà! quân chủ, coi như ông vua cầm quyền sinh tử dân của mình.
Ông ta có quyền “năm thê bảy thiếp”, ông ta đủ thứ quyền trong tay ông ta cả: - Ông ta muốn người này sống, là người này sống. Ông ta muốn người kia chết, là người kia chết. Ra cái quyền lực của ông vua nó cay nghiệt, và đó là hình ảnh của vị vua trần gian .
Ngày hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng, không phải mừng Vua của trần gian mà là Vua của Vũ trụ. Vị Vua này mang tên là Giêsu.
Vương quốc của Ngài vượt ra khỏi cái trần gian này, qua khỏi cái không gian và thời gian, bởi vì Ngài hằng có và Ngài đời đời! Vương quốc của Vua Giêsu là như thế!
Và cái câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rất là vui! Có một nhà chú giải cho cái câu chuyện này là: “dụ ngôn về những nỗi ngạc nhiên”.
Chứ mà tiêu chuẩn người ta đánh giá là quần thần của nhà vua là những người phải làm lợi cho nhà vua, những người mang lại những điều lợi lộc cho nhà vua.
Thế nhưng mà, đặc biệt về vị Vua Giêsu ở đây, chúng ta thấy tiêu chuẩn mà đánh giá về “quần thần của Ngài, hay là những người trong Vương Quốc” của Ngài là gì?
“Là những gì mà ngươi làm cho chính anh em đồng loại, và đặc biệt làm cho những người bé mọn.”
Và Chúng ta không thấy một vị vua nào như Vua Giêsu:
Đã từ trời cao xuống, đã xuống đồng hoá với con người; đã sống với con người, ngoại trừ tội lỗi.
Chỉ vì tình yêu và với tình yêu, Vua Giêsu đã đến trong cuộc đời này và Ngài ôm chầm tất cả con người tội lỗi, con người nghèo, những con người bệnh tật.
Ngài đến không phải để tìm hạnh phúc cho gia đình mình, cho bản thân mình, cho triều đại của mình. Nhưng ngài đã tìm hạnh phúc, đã mang lại hạnh phúc cho những con người nghèo, những con người đau khổ.
Tiêu chuẩn đánh giá của Vua Kitô là như thế đó!
Và điều ngỡ ngàn thứ hai là trong vương quốc của Ngài, không phải là vương quốc bị giới hạn bởi bởi vật chất, bởi biên giới, của địa lý.
Và đặc biệt rằng triều đại của Ngài không phải như triều đại của các vua trần gian.
Các vua trần gian thì có triều đại , có vương quốc, có vương quyền đó! Nhưng mà đến lúc nào đó nằm xuống xuôi tay, tất cả đều để lại con số 0.
Còn Vua Giêsu là Vua vĩnh viễn, và Vua mãi mãi , Vua muôn đời. Và điều mà Vua hỏi mỗi người chúng ta rằng:
- Ngày xưa Ta đói, các ngươi có cho ăn hay không?
Và những người đạo đức thì nói ngay:
- Lạy Chúa, có bao giờ con thấy Chúa đói đâu, mà cho ăn! Thấy Chúa khát đâu, mà cho uống! Có bao giờ con thấy Chúa tù đày đâu, mà đi thăm! Có bao giờ con thấy Chúa trần truồng đâu, mà cho Chúa mặc!
Biên giới của Vua Giêsu đó là biên giới của tình yêu, ta khám phá ra khuôn mặt của CHÚA Giêsu Kitô làm vua.
Và ta nhìn lại cuộc đời của mỗi người Kitô hữu là những người sống trong Vương Quốc của Chúa Giêsu đó. Nó cũng có một cái gì đó nó phảng phất hình ảnh của vị vua .
Ngày xưa, khi mà chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được mặc áo trắng, trao nến sáng, được Xức dầu . Và khi trở thành người Kitô Hữu, chúng ta được chia sẻ chức năng làm tư tế, làm tiên tri, làm vương đế, làm vua. Và mọi người đều được làm vua: làm vua của tình yêu, vua của vị tha.
Và mỗi người chúng ta được mời gọi, chúng ta họa lại hình ảnh của vua trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, trong khuôn mặt của chúng ta, trong cung cách sống của chúng ta.
Linh mục phải sống trong cái chức năng là người phục vụ, phục vụ cộng đoàn, phục vụ con chiên, phục vụ những người tín hữu mà Chúa trao phó.
Còn anh chị em trong đời sống hôn nhân gia đình. Anh chị em được mời gọi phục vụ chính gia đình của mình.
Và khi đặt vấn đề này mọi người nói:
À chuyện nhỏ, gia đình con thì đâu có gì vất vả, đâu có gì khó khăn đâu? Con vẫn lo cho vợ con, cho gia đình con đó chứ!
Nhưng mà ngày hôm nay, một cái thực tế đau lòng: Chúng ta nhìn lại nhiều gia đình đổ vỡ. Dẫu rằng giàu có lắm!
Có một cái câu chuyện: Thằng bé nó hỏi: Bố ơi bố, bố đi làm một tiếng được bao nhiêu tiền?
Bố mới nói rằng là bố đi làm một tiếng được 100.000 đ.
Cái thằng bé nó mới đưa ra 50.000đ.
Bố ơi con để dành được 50.000 đ. Bố cho con nữa giờ bố ở cạnh con.
Khi đó người bố mới sáng mắt ra rằng: Chỉ vì ham đi kiếm tiền thôi! Cắm đầu, cắm cổ mà không có thời gian dành cho gia đình đặc biệt dành cho con của mình! nên đứa trẻ nó phải nói lên như vậy.
Ngày hôm nay nhiều gia đình đổ vỡ. Bởi vì người ta không còn quan tâm đến nhau nữa! Người ta không còn yêu thương nhau nữa!
Những lời hứa hẹn ngày đám cưới , những lời hứa hẹn khi người ta tỏ tình đó đã trở thành mây khói rồi!
Người ta không cần lo lắng cho nhau người ta không còn tìm nhau nữa! Và người ta không còn tôn trọng cha mẹ người ta! người ta không có tôn trọng cái Bữa Cơm Gia Đình.
Có những người chỉ biết đi kiếm tiền về quăng cho con cái và con cái sử dụng những đồng tiền đó một cách vô tội: Cờ bạc, rượu chè, trai gái . Và khi chợt giật mình ra thì thấy rằng gia đình mình đã đổ vỡ rồi.
Và rồi, học để làm gì? Bố mẹ quăng tiền là đi mua được bằng Cấp! Học để làm gì? Ra trường vẫn thất nghiệp.
Và trong một cái xã hội giằng co như thế! Chúng ta lại là những người Kitô Hữu chúng ta được mời gọi sống lo lắng cho gia đình chúng ta. Chúng ta lo lắng cho những người con của chúng ta.
Ngày hôm nay, báo chí phản ánh một cái phần nào xã hội. Khi chúng ta nhìn thấy nhiều gia đình có tiền người ta tưởng rằng, người ta đi tìm tiền và người ta giao cho con người ta thế là người ta xong bổn phận. Nhưng đáng tiếc thay, khi có tiền rồi, thì quay lại: nhà tan, cửa nát.
Và khi chúng ta nhìn lại điều đó và chúng ta duyệt lại cái đời sống Kitô hữu của chúng ta . Chúng ta sống cái chức năng vua trong gia đình của chúng ta không đơn giản.
Đặc biệt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, Ngài chọn đúng cái bài Tin Mừng ngày hôm nay để mà mời gọi người ta, sống cái đời sống gia đình . Ngài lấy cái dụ ngôn ngày hôm nay, để ngài chất vấn về đời sống gia đình.
Khi mà ngày Cánh Chung , Chúa sẽ hỏi chúng ta rằng:
- Ngày xưa, là một người vợ: Ta không còn nhan sắc nữa ngươi có còn yêu thương Ta hay không?
- Ngày xưa, Ta là một thai nhi trong dạ mẹ , ngươi cố gắng giữ lại dù khi mà cuộc sống của ngươi lầm than!
- Ngày xưa, Ta vất vả trong gia đình, mà ngươi có cố gắng thương yêu ta hay không?
Đó là điều quan trọng mà Chúa mời gọi, Chúa hỏi chúng ta. Chứ Chúa không hỏi chúng ta là:
Xây bao nhiêu cái nhà lầu? Xây bao nhiêu cái biệt thự? Làm được cái điều này điều kia?
Học được bao nhiêu cái bằng cấp? Đỗ đạt trường này, trường kia. Làm ông này, bà nọ.
Chúa không hỏi chúng ta đâu!
Chúa hỏi chúng ta là lòng mến, lòng yêu thương, lòng bác ái và sự phục vụ và nhất là phục vụ những người nghèo.
Và những người nghèo đó ở đâu?
Ở ngay trong chính gia đình chúng ta. Nơi những người thân của chúng ta. Nơi người mẹ già đang lớn tuổi, cho ăn rồi mà bảo chưa được ăn. Ở nơi người bố già tính lẩm cà, lẩm cẩm một tí xíu bởi vì quên trước quên sau. Nơi những cái con người khuyết tật, nơi những con người kém may mắn hơn chúng ta, ngay trong gia đình chúng ta.
Nhiều khi chúng ta lo đi đâu đâu làm việc bác ái ở đâu đâu đó! mà ngay trong gia đình chúng ta những người nghèo đầy đó! Nhưng mà chúng ta không quan tâm, chúng ta không để ý! Và chúng ta chết, chúng ta sẽ được Chúa chất vấn!
Chúng ta được ở bên trái, hoặc ở bên phải đó là cách trả lời, cách sống của mỗi người chúng ta: “ Khi xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta mình trần, các ngươi cho mặc hay không?
Vị Vua Giêsu là Vua Tình Yêu không tìm gì cho chính mình cả, mà mang lợi ích cho người khác, hy sinh chính mình, mạng sống mình, hy sinh cả cuộc đời của mình. Để mang niềm vui, mang sự sống cho người khác.
Chúng ta là những người mang tên Giêsu, mang tên người Kitô hữu trong cuộc đời chúng ta, nhưng liệu rằng chúng ta có sống giống như Giêsu đã sống! Chúng ta có sống đúng với con đường yêu thương, phục vụ mà Giêsu đã sống hay không.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để dẫu rằng cuộc đời chúng ta vẫn còn đó những thăng trầm, những vất vả, những yếu đuối.
Xin Chúa thêm ơn để chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu , một vị Vua Tình Yêu. Để chúng ta: ngày mỗi ngày, chấm mỗi chấm cái tình yêu đó.
Để khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, chúng ta có một chỗ trong lòng của vương quốc Tình Yêu mang tên Giêsu. Và nơi đó chúng ta sẽ gặp lại anh chị em đồng loại chúng ta. Amen.
2. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Chúa nhật 34 là Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, đồng thời cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày Tận thế. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán.
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mathêu cho chúng ta thấy quang cảnh của ngày phán xét chung đó. Đức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang và chung quanh Người có các Thiên thần hậu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái: chiên là những người lành thì được thưởng trên Thiên đàng, còn dê là kẻ dữ sẽ bị phạt xuống Hỏa ngục (x. Mt 25,31).
Để đón chờ ngày Tận thế, ngày vị Thẩm Phán Giêsu ngự đến, chúng ta cần phải xác tín và thực hành những điều sau đây:
Thứ nhất, chúng ta luôn phải xác tín rằng có ngày Tận thế: Vấn đề này chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức Giêsu cũng nói về ngày Tận thế rằng: “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong ngày của Con Người cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26). Người cũng nói với các Tông đồ: Thầy đi để dọn chỗ cho anh em và Thầy lại đến để đem anh em về với Thầy (x. Ga 14, 2-3). Tin mừng Thánh Mathêu hôm nay cũng cho biết: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”(Mt 25,31). Như vậy, có ngày Tận Thế, nhưng ngày đó đến lúc nào thì chúng ta không biết được. Chúng ta cần phải xác tín như vậy.
Thứ hai, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử toàn thể nhân loại: Thánh Phaolô khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10). Về vấn đề này, Đức Giêsu cũng đã nói rõ ràng qua dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Qua dụ ngôn này, ông chủ chính là Đức Giêsu. Cuộc hành trình ông chủ đi xa chỉ việc Người về với Chúa Cha. Các đầy tớ là những người tin vào Đức Giêsu. Những nén bạc được trao cho các đầy tớ là những khả năng Chúa ban. Những nén bạc được các đầy tớ sinh lãi là những việc tốt chúng ta đã làm khi tận dụng các khả năng của mình. Sự trở về của ông chủ là việc Đức Giê-su trở lại trong ngày Tận thế. Khi đó, ông chủ tức là Đức Giêsu sẽ phán xét con người tùy theo công nghiệp của họ. Đầy tớ thứ nhất và thứ hai là hiện thân của những người được thưởng. Còn đầy tớ thứ ba là hiện thân của những người bị phạt. Như vậy, mỗi người chúng ta luôn phải nhớ rằng, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử chúng ta theo nguyên tắc: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng”: Có công thì được thưởng, có tội thì bị phạt. Nhờ đó, chúng ta luôn cố gắng làm lành lánh dữ.
Thứ ba, tiêu chuẩn để được thưởng và lý do bị phạt là luật bác ái: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đồng hòa Người với những kẻ bé mọn. Nên những ai giúp đỡ những kẻ bé mọn là giúp đỡ chính Người. Vì thế, Người nói với những kẻ lành rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25,34-36.40). Ngược lại, Người nói với những kẻ dữ rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!… Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25,41-43.45). Tóm lại, tiêu chuẩn để Đức Giêsu phán xét là luật bác ái yêu thương.
Thứ tư, chúng ta phải làm gì để đón chờ ngày Tận thế? Có ngày Tận Thế và ngày đó đến một cách bất ngờ như kẻ trộm (x. 2 Pr 3,10). Vì thế, chúng ta phải siêng năng làm việc để sinh lãi những vốn liếng Chúa trao như người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Chúng ta phải có thái độ như người đầy tớ tỉnh thức đợi chủ đi ăn cưới về hay như chủ nhà tỉnh thức để canh chừng kẻ trộm (x. Lc 12, 35-40). Chúng ta phải chuẩn bị dầu đèn đầy đủ như năm cô trinh nữ khôn ngoan (x. Mt 25,1-13). Đặc biệt, mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực thi bác ái yêu thương, vì đó là tiêu chuẩn để chúng ta được vào Thiên đàng. Trong bài giảng “ngày quốc tế người nghèo lần thứ nhất” tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định rằng: “Người nghèo là thông hành vào cửa Thiên đàng của chúng ta.” Và Ngài nhắn nhủ mọi người: “Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mưu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất.”
Lạy Chúa Giêsu là Vua Tình Thương, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống đức ái trong cuộc sống hằng ngày để mai sau chúng con có được giấy thông hành vào nước Thiên đàng với Chúa. Amen.
3. Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11/2017, có các nhà lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có tổng thống Mỹ, Nga, chủ tịch Trung Quốc… và các quan chức khác trong và ngoài nước đến tham dự. Vì thế, để đảm bảo an ninh cho sự kiện quan trọng này, hơn 500 lính cứu hỏa, 800 cảnh sát giao thông và 1.500 cảnh sát cơ động, đặc nhiệm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại Đà Nẵng. Học sinh, sinh viên nhiều trường ở Đà Nẵng cũng được nghỉ hai ngày 10 và 11/11 nhằm đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ quốc gia đến. Ngoài ra, khi các nguyên thủ các nước đến, họ đem theo rất nhiều kẻ hầu người hạ, lính đặc nhiệm, lính mật vụ, chó nghiệp vụ, chuyên cơ, các loại vũ khí tối tân, các siêu xe dàn “khủng”, hạng siêu sang với những chức năng đặc biệt, chống đạn, chốn vũ khí sinh học, chống ám sát... hầu bảo vệ tuyết đối an toàn cho “các vua, chúa” trần gian của họ.
Hôm nay, Tuần lễ cuối cùng của Năm Phụng vụ, cùng với Giáo Hội Mẹ, chúng ta mừng kính trọng thể Lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ. Nhưng các Bài Lời Chúa mô tả vị Vua Giêsu mà chúng ta tôn thờ không phải như các vị vua, chúa, Tổng thống, chủ tịch một nước có nhiều lính tráng, vũ khí tối tân, các phương tiện chống đạn hiện đại hay sang trọng bậc nhất nhằm phục vụ và bảo vệ an toàn cho Vua Giêsu, nhưng quanh Ngài chỉ là các Tông đồ chài lưới và dân nghèo. Ngài đơn sơ, hiền lành, yêu thương phục vụ và sẵn sàng hiến mạng đề cứu độ tất cả mọi thần dân của Ngài. Cho nên, Ngài cai quản, chăm sóc và gìn giữ thần dân của mình không bằng binh hùng, tướng mạnh, không bằng vũ lực hay bạo lực mà bằng một Trái Tim Nhân Ái, bằng sự hiến thân, phục vụ và cho đi. Thần dân của Vua Giêsu Kitô bao gồm tất cả nhân loại, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ, màu da, chủng tộc. Vương Quốc của Ngài không biên giới. Tình Yêu của Vua Giêsu dành cho thần dân qua việc Ngài hiến giá máu của Ngài để nên của lễ đền tội, Ngài hiến chính thịt máu của Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn và thân xác chúng ta mọi ngày và mọi thời. Vì vậy, đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, của lịch sử nhân loại và Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Vì chưng, chỉ có Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất giao hòa giữa trời với đất. Ngài đã nhập thể để rao truyền Tin Mừng cứu độ và là Đấng cứu độ duy nhất. Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui hạnh phúc trong Nước Chúa.
Thử hỏi Nước Chúa là nước nào, ở đâu? Thưa, Sách Tin Mừng kể rằng khi Đức Giêsu bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô, Ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông có phải là vua dân Do-thái không?" Ông đã làm gì?" Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,33.36). Chúa Giêsu nói Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hóa với Nước Chúa. Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu. Cho nên, muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải ở trong Chúa và dõi theo đường lối của Ngài. Đường lối của Chúa là đường lối yêu thương phục vụ mọi người. Cụ thể, Lời Chúa trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êdêkien nói ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ chăm sóc chiên của Chúa. Chúa sẽ kéo chúng khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Con nào bị mất, Chúa sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Chúa sẽ đưa về; con nào bị thương, Chúa sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Chúa sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Chúa sẽ canh chừng. Thế rồi, khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, là Vua Giêsu, Ngài đã chăm sóc thần dân của Ngài như Chúa Cha bằng việc sinh ra ngoài đồng, ăn đon đả, ở ngoài đường và chết ngoài đồi vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Qủa thế, Vua Giêsu đến trần gian, Ngài không ở trong cung điện hay toà nhà nguy nga lộng lẫy có kể hầu người hạ, có các phương tiện tối tân bảo vệ, nhưng Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, Ngài đến với dân chúng để rao giảng Tin Mừng cứu độ, Ngài đến với người nghèo khổ để an ủi họ, cho kẻ đói ăn, chữa lành các bệnh tật, đến với những người tội lỗi kêu gọi họ ăn năn, chăm sóc cô nhi quả phụ, tha tội cho tội nhân, cho kẻ chết sống lại và chính Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại để cho muôn người được sống và sống dồi dào. Cho nên, Chúa Giêsu trong Tin Mừng, Ngài khẳng định rằng con đường yêu thương là con đường tuyệt hảo dẫn vào Nước Trời. Chiên và dê, thiên đàng và hỏa ngục là hình ảnh tượng trưng người tốt kẻ xấu. Và tiêu chí duy nhất để Chúa phán xét và thưởng phạt đó là những việc làm bác ái với tha nhân, nhất là những người nghèo của Chúa. Cho nên, trong bài giảng thánh lễ Ngày quốc tế người nghèo lần thứ nhất, cử hành này Chúa Nhật 19-21 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta…. Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mứu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất”.
Mừng lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, trước tiên chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã mời gọi và cho ta trở thành thần dân của Vua Giêsu Kitô, chúng ta cũng cảm tạ Thiên Chúa đã tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên chúng ta, trên gia đình, cộng đoàn và Giáo Hội trong suốt một năm phụng vụ; đồng thời, chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì những thiếu xót trong bổn phận của một công dân trong Vương Quốc của Ngài; đặc biệt là những bổn phận của mình đối với gia đình, đối với giáo xứ, Giáo hội và xã hội bằng những việc hy sinh bác ái, bằng những đóng góp tài năng –công sức của mình. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết sống xứng đáng là thần dân của Chúa như lòng Chúa ước mong bằng việc nỗ lực từng ngày để nên trọn lành nhờ làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Đức Kitô bằng việc: yêu thương thay cho ghen ghét, tha thứ thay cho hận thù, hy sinh thay cho ích kỷ, hiệp nhất thay cho chia rẽ…Đồng thời hãy luôn biết rộng mở trái tim và đôi tay yêu thương nhân ái bằng việc đến thăm viếng, an ủi, sẻ chia tinh thần cũng như vật chất để đỡ nâng những người nghèo khổ đang ở bên ta ngõ hầu trong ngày sau hết, Vua Giêsu cũng sẽ nói với chúng ta rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han". Với niềm tin ấy, chúng ta cùng nhau tuyên xưng Đức Tin.
4. Đức Yêsu Kitô là vua
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)
Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô là Vua. Ước gì mỗi người hãy để Đức Yêsu là vua nơi lòng mình.
1. Đức Yêsu là Vua
Vua là từ ngữ chỉ người đứng đầu một nước. Vua có quyền trên tất cả, lệnh của vua là luật cho thần dân. Vua là người có quyền sinh sát, có quyền để sống hay giết chết: “vua xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Dân Do Thái có Saul là vị vua đầu tiên, sau đó tới David rồi Salômôn. Việt Nam có Đinh Bộ Lĩnh làm vua đầu tiên lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng; vị vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại.
Đức Yêsu là vua. Dân Do Thái và những người lãnh đạo tôn giáo thời đó đã tố cáo Đức Yêsu như người muốn làm vua, nghĩa là, muốn nổi lên chống đối chế độ thống trị Roma lúc đó. Philatô đã hỏi Đức Yêsu: “nhà ngươi mà là vua dân Do Thái à?” Đức Yêsu chấp nhận Ngài là vua, nhưng không phải là vua ở trần thế này. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy Đức Yêsu xuất hiện trên mây trời như vị vua ngồi trên ngai xét xử.
Đức Yêsu là Đấng rất đặc biệt, Ngài là người hoàn toàn như chúng ta, nhưng không chỉ là người. Ngài được Thiên Chúa ban cho toàn quyền trên trời dưới đất (Mt.28, 18). Ngài là Đấng vượt trên tất cả. Hôm nay, Giáo Hội dùng từ ngữ Đức Yêsu Kitô là Vua để mừng Ngài, và còn dùng nhiều từ ngữ khác để diễn tả con người đặc biệt của Ngài, chẳng hạn như Đấng chăn chiên lành, Chiên Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa nhập thể. Tất cả những từ ngữ trên chỉ có thể diễn tả phần nào “bản chất” của Đức Yêsu.
2. Đức Yêsu còn hơn một vị vua
Đức Yêsu là một người như tất cả mọi người. Những người làng Nadaret nhận biết điều này hơn ai hết. Họ đã muốn xô Đức Yêsu xuống vực khi Ngài về Nadaret rao giảng trong tư thế của một tiên tri (Lc.4, 28-30). Tuy nhiên, Đức Yêsu không chỉ là một người. Nơi Ngài còn có điều gì hơn nữa. Các tông đồ là những người được diễm phúc theo Ngài suốt ba năm trời đã nhận ra điều đó: Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, đi trên mặt hồ, truyền sóng biển hồ yên lặng, cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ què đi được. Không chỉ thế, Ngài còn nói những lời “rất khó nghe” với cái nhìn của người Do Thái, đặc biệt là những người có học: Ngài nói như thể Ngài ngang hàng với Thiên Chúa.
Ngài nói như thể Ngài với Thiên Chúa là một (Ga.10, 30); Ngài nói như thể Ngài có quyền tha tội mà theo quan điểm của người Do Thái: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Mc.2, 7); Ngài nói như thể Ngài có trước Abraham, ông tổ của người Do Thái (Ga.8, 58). Cách hành xử của Đức Yêsu rất khác người, và như vậy chúng ta hiểu tại sao những người lãnh đạo và trí thức hồi đó không chỉ không ưa Đức Yêsu mà còn muốn giết Đức Yêsu nữa.
Sau khi Đức Yêsu sống lại, các tông đồ hiểu hơn người thầy mà họ yêu quý. Đức Yêsu luôn được hiểu là một Đấng “khác” với Thiên Chúa, nhưng Ngài liên kết với Thiên Chúa cách rất đặc biệt. Ngài nhận ý Thiên Chúa là ý và lương thực của Ngài (Mc.14, 36; Ga.4, 34). Ngài là một với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao những nhà thần học sau đó đã dùng từ ngữ ngôi hai nhập thể để nói về bản thể của Đức Yêsu. Từ ngữ “ngôi hai nhập thể” cũng là từ ngữ để diễn tả thực tại khôn lường “Đức Yêsu”. Thiên Chúa là Đấng duy nhất; và Đức Yêsu là Đấng liên kết đặc biệt với Thiên Chúa đến độ có thể nói: Ngài là Thiên Chúa. Tuy vậy, Ngài “khác” với Thiên Chúa là Cha.
3. Hãy để Đức Yêsu là Vua
Đức Yêsu là Đấng diễn tả tuyệt vời về Thiên Chúa, đến độ các nhà thần học diễn tả Ngài là Lời của Thiên Chúa Tình Yêu. Đức Yêsu yêu thương và dạy dỗ con người. Con người, cuộc đời của Ngài là bài học, là lời dạy. Cách sống của Ngài là đường dẫn con người đến với Thiên Chúa. Ngài dạy con người sống yêu thương như Ngài: hiến mạng cho người mình yêu. Ngài chấp nhận chết trên thập giá vì yêu; bí tích Thánh Thể là biểu trưng trước đó.
Qua Đức Yêsu, đặc biệt qua cái chết thê thảm trên thập giá của Ngài, con người nhận biết Thiên Chúa yêu con người vô cùng, như thể còn hơn cả Đức Yêsu. Thiên Chúa yêu con người. Đức Yêsu yêu con người. Như vậy, những ai thuộc về Thiên Chúa cũng phải sống yêu thương. Tiêu chuẩn phán xét của vị vua vào ngày cánh chung, không phải là người đó có được rửa tội hay không, không phải người đó là linh mục hay giáo dân, không phải người đó có nói giỏi về Thiên Chúa không, mà là có yêu thương tha nhân hay không.
Chính khi con người yêu thương tha nhân, đặc biệt những người nghèo, là yêu thương Thiên Chúa, là biết Thiên Chúa. Cái biết được thể hiện bằng cuộc sống, chứ không bằng lời nói. “Ai yêu thương là biết Thiên Chúa, ai không yêu thương là không biết Thiên Chúa” (1Ga.4, 7-8). “Không phải những kẻ nói lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, mà là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt.7, 21-23). “Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người”. Ai sống yêu thương, là đang để Đức Yêsu làm vua nơi lòng mình, là chấp nhận luật yêu thương trong vương quốc của Ngài. Nếu mình cố gắng sống yêu thương, thì gia đình sẽ an vui hạnh phúc hơn, những người sống và làm việc bên mình sẽ bình an hơn, cuộc đời mình sẽ tươi đẹp hơn. Hãy để Đức Yêsu làm vua nơi lòng mình.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Đức Yêsu là ai đối với bạn?
2. Cuối năm người ta tính sổ đời. Bạn có định tính sổ với Chúa dịp cuối năm phụng vụ này không? Đâu là tiêu chuẩn để bạn tính sổ với Thiên Chúa?
3. Tha nhân, là ai đối với bạn? Bạn có cách nào để làm cuộc đời đẹp hơn không?
5. Kitô Vua
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta nhận thấy Đức Kitô chính là vị Vua sẽ đến để xét xử chúng ta. Đồng thời số phận đời đời của chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào thái độ cư xử đối với những kẻ hèn mọn, đói khát, đau yếu và tù tội: Hỡi những người đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần thưởng đã được sắm sẵn cho các ngươi từ thuở đời đời. Hơn thế nữa, Ngài đã đồng hoá mình với những kẻ bất hạnh ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta thực hiện một hành động bác ái giúp đỡ họ là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy.
Mặc dù là một vị Vua nhân từ đầy lòng thương xót, nhưng Ngài cũng đã lên án phạt những kẻ ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình mà thôi, dầu họ chẳng bao giờ cướp của giết người. Bởi vì khinh dể những kẻ hèn mọn là khinh dể chính Chúa. Quên lãng những kẻ hèn mọn là quên lãng chính Chúa. Đức Kitô Vua, hằng ngày vẫn đi trước mặt chúng ta, hằng ngày vẫn sống giữa chúng ta nơi những anh em nghèo túng và khổ đau.
Thật là bất hạnh nếu như chúng ta đã không nhận ra Ngài, cũng như đã không giúp đỡ Ngài. Bởi vì trong ngày sau hết chúng ta sẽ bị Chúa chúc dữ: Hỡi những kẻ bị nguyền rủa, hãy đi cho khuất mặt Ta, để vào lửa đời đời đã được sắm sẵn cho ma quỷ, vì khi Ta đói các ngươi đã không cho ăn. Khi Ta khát các ngươi đã không cho uống, khi Ta trần trụi, các ngươi đã không cho mặc, khi Ta đau yếu và bị cầm tù, các ngươi đã không thăm viếng. Liệu lúc bấy giờ chúng ta có thể khiếu nại rằng chúng ta chẳng hề hay biết?
Chính vì thế, chúng ta đừng đóng chặt cửa con tim và cõi lòng của chúng ta. Bởi vì một sự mù loà và chai cứng như thế chỉ dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho số phận đời đời mà thôi. Chúa Giêsu đã kết thúc câu chuyện bằng một lời lẽ rõ ràng và minh bạch: Kẻ dữ sẽ phải lãnh nhận hình phạt đời đời, còn người lành sẽ có được sự sống vĩnh cửu.
Vấn đề chính yếu của chúng ta đó là phải cố gắng thực hiện những yêu cầu, những đòi hỏi của Chúa Giêsu luôn luôn muốn cho chúng ta được mọi sự tốt lành. Ngài sẵn sàng giơ tay trợ giúp, nhưng liệu chúng ta có nắm lấy bàn tay trợ giúp của Ngài hay không thì đó là bổn phận, là công việc của mỗi người chúng ta.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam