Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 23

Tổng truy cập: 1374248

VỮNG MỘT NIỀM TIN

Vững một niềm tin

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)

Hoa bạch chỉ là loại hoa nổi tiếng quý giá. Có một người dân thành thị về chốn thôn dã tìm hái hoa này. Anh ta nghĩ hoa quý, ắt phải nở trên đỉnh núi cao, bèn cố sức trèo lên đỉnh núi tìm hoa. Lên đến đỉnh núi, anh ta lục lạo suốt buổi mà chẳng thấy bông hoa nào, đành thất vọng xuống núi, ra về tay không.

Hôm sau, anh ta lại tìm theo lối cũ lên núi lục lạo thêm một phen nữa, vẫn không kiếm ra. Ngày thứ ba, anh vẫn chưa nản chí, tiếp tục leo lên đỉnh núi tìm hoa bạch chỉ. Anh tự nhủ:

– Giống hoa quý này chỉ có trên đỉnh núi cao, ta không tin là sẽ không kiếm ra nó trên đỉnh núi cao!

Nhưng cuối cùng, anh ta vẫn không kiếm ra loại hoa quý này. Trong lúc chán nản thất thểu xuống núi, anh ta chợt thấy trong đám cỏ mọc dướii chân núi có hoa bạch chỉ. Đáng tiếc là nó đã bị chính anh giẫm nát mất rồi.

* * *

Những người quá tin vào ý nghĩ chủ quan của mình thường cố cháp, không lắng nghe ai, để rồi công sức của mình đều đem ra đổ sông, đổ biển. Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh, hiện ra với các tông đồ, vắng mặt Tôma.

Vì thế, khi nghe các môn đệ khác nói: “Chúng tôi đã được thấy” (Ga 10,25), ông đã không tin. Tôma đúng là một con người của thực nghịệm, việc gì cũng đòi phải kiểm chứng, đòi phải “thấy và chạm đến” mới tin. Nhưng thực ra đâu phải những gì “thấy mới tin”. Có ai thấy lúc cha mẹ sinh ra mình đâu, thế nhưng vẫn tin đó là cha mẹ của mình. Có ai thấy luồng điện chạy qua sợi dây điện đâu, thế mà mọi người vẫn tin là có điện ở trên đó. Người ta thường “tin” vào các sự kiện mà người khác “thấy”. Chúng ta tin Đức Thánh Chsa đang cai quản Hội thánh tại kinh thành Roma, co dù chúng ta chưa bao giờ thấy ngài. Chúng ta tin Đức Kitô chết và sống lại , cho dù chúng ta chẳng hề thấy người. Niềm tin của chúng ta chỉ dựa vào lời chứng của các Tông đồ: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”.

Như thế, niềm tin đâu chỉ dựa vào giác quan mà còn dựa vào đức tin của những kẻ đã “thấy và đã tin”, những kẻ đã dám lấy cái chết để chứng minh cho niềm tin của mình.

Nếu Đức Kitô đã thỏa mãn lòng mong ước của Tôma là cho ông được “thấy và chạm đến” vết thương của Người là để củng cố niềm tin của ông. Đôi khi trong cuộc sống, Thiên Chúa cũng cho chúng ta được “thấy và chạm đến” những quyền năng phép lạ, những hồng ân bất ngờ, là để chúng ta thêm niềm tin tưởng nơi Người.

Đứng trước ân ban của Đức Giêsu cho Tôma được “thấy và chạm đến” Người, thì ông đã đáp lại bằng một cử chỉ tuyệt vời, là sấp mình xuống thưa:

“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” ! (Ga 20,28). Lời tuyên xưng của Tôma quả là rõ ràng, trong suốt như pha lê. Đó là niềm tin của chúng ta. Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Người là Chúa và là Thiên Chúa thật. Chính nhờ Tôma mà niềm tin của chúng ta được chúc phúc: “Phúc thay những ngưồi không thấy mà tin” (Ga 20,39).

* * *

Lạy Chúa, Đức tin là một ân huệ Chúa ban, chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin thêm đức tin cho chúng con, để dù bao thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn vững một niềm tin vào Thiên Chúa và con người. Amen.

 

  1. Đấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta

(Suy niệm của ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Chúng ta đã long trọng mừng lễ Phục Sinh. Mọi ồn ào của những cuộc kiệu rước đã lắng xuống. Những bận rộn của Tuần Thánh cũng đã đi qua. Đối với nhiều người, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh giống như những ngày lễ hội mỗi năm tổ chức một lần, lễ xong là hết. Điều còn lại có thể chỉ là những lời bình phẩm về cách tổ chức lễ năm nay có gì hơn hay kém năm ngoái. Để tránh lối suy nghĩ lệch lạc đó nơi các tín hữu, Phụng vụ hôm nay khẳng định với chúng ta rằng Chúa phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu. Người hiện diện như mối dây liên kết chúng ta nên một trong tình bác ái và sự chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau. Hình ảnh cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem là lời mời gọi chúng ta hãy noi gương mà sống xứng đáng với danh nghĩa những môn đệ Chúa Kitô (Bài đọc I). Nếu các tín hữu có thể coi mọi sự là của chung và chuyên cần tham dự bẻ bánh, siêng năng cầu nguyện và nhiệt thành thực thi bác ái là vì họ tin Chúa Giêsu phục sinh đang ở giữa họ và chứng kiến những điều tốt lành họ đang làm.

Tuy vậy, vấn đề người chết sống lại, xưa cũng như nay, được coi là một câu chuyện hoang đường, không thể chấp nhận. Ngay như các môn đệ là những người đã cùng sống với Chúa và đã được nghe Người tiên báo về sự phục sinh, mà các ông còn chưa dễ dàng tin vào sự kiện này. Thánh Máccô ghi lại sự nghi ngờ đến mức cứng lòng của các ông: Khi bà Maria Mácđala kể với các ông là bà đã gặp Chúa phục sinh, các ông cũng không tin. Các ông cũng không tin khi hai môn đệ từ Emmau trở về quả quyết đã gặp Chúa (x. Mc 16, 9-13).

Lời Chúa hôm nay dẫn chứng một nhân vật cụ thể nữa, đó là Tôma. Ông không có mặt khi Chúa hiện ra với các môn đệ. Điều các bạn kể lại không thể thuyết phục ông chấp nhận một điều “ngược đời”. Dấu đinh ở tay, vết thương ở cạnh sườn Chúa… là những điều ông đã chứng kiến như bằng cớ của việc Chúa Giêsu đã chết. Đối với ông, việc được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thủng là bằng chúng xác thực về việc Chúa sống lại. Thực ra, Tôma không thách thức Chúa, ông chỉ cần bằng chứng thiết thực để ông tin.

Chúa Giêsu đã đáp trả những điều kiện Tôma đã đưa ra. Tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện đến với các ông với những thương tích trên thân thể Người. Nếu trước đây Tôma đã ra điều kiện để tin, thì nay Chúa mời ông thực hiện những điều ấy. Ông chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Qua lời nói với Tôma, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin.” Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình.

Trong trình thuật của mình, thánh sử Gioan hai lần nói đến chi tiết “các cửa đều đóng kín,” để diễn tả Đức Giêsu phục sinh không còn bị giới hạn bởi không gian, nghĩa là Người trở nên thiêng liêng giữa thế giới của chúng ta. Cũng như Người có thể vào trong phòng khi các cửa đều đóng kín, hôm nay Người đang hiện diện nơi dung mạo và cuộc đời của những ai mang tên Người, tức là các Kitô hữu. Thánh Phêrô đã khuyên chúng ta: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của Đức tin là ơn cứu độ con người” (Bài đọc II)

Chúa Giêsu phục sinh hôm nay đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi cuộc đời này. Sự hiện diện của Chúa có thể được chứng tỏ qua đời sống đạo đức yêu thương của các tín hữu. Xin cho mỗi chúng ta biết nhận ra Người đang sống giữa chúng ta để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho Người. “Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng nghìn lần” (Sưu tầm).

 

  1. Bình an cho các con – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh là Chúa Nhật kết thúc tuần bát nhật Lễ Phục Sinh. Bài Phúc Âm hôm nay trích từ Phúc Âm thánh Gioan có thể được xem như là một tổng kết về mầu nhiệm Phục Sinh và hơn nữa là một tổng kết cho con đường đức tin của các Tông đồ, của các đồ đệ Chúa.

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các Tông đồ, củng cố đức tin của họ với hồng ân Thánh Thần và sai các ngài ra đi với sứ mạng mà Chúa đã chuẩn bị các ngài trong suốt thời gian đến Phục Sinh: “Như Cha đã sai Thầy, thì giờ đây Thầy cũng sai các con ra đi”.

Con đường đức tin của các Tông đồ từ ngày được gọi theo Chúa cho đến giây phút quan trọng được củng cố bởi quyền năng của Chúa Phục Sinh. Chọn theo con đường đức tin này như được gợi lại cho chúng ta chiêm ngắm nơi đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, trước hết chúng ta nhìn thấy các Tông đồ lo sợ thu mình lại trong căn phòng đóng kín, lo sợ trước những chống đối của những kẻ không tin Chúa, lo sợ trước mầu nhiệm thập giá mà Chúa đã trải qua và các ngài cũng sẽ phải trải qua, lo sợ trước sứ mạng tương lai mà họ đã nghe Chúa nói đến và đã được chuẩn bị để thi hành nhưng cảm thấy chưa đủ sức để thi hành. Nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh, nếu không có quyền năng Chúa Phục Sinh đến đổi mới con người họ thì đức tin của các Tông đồ chưa được trưởng thành hoàn toàn đúng mức Chúa mong muốn để có thể làm chứng cho Chúa, chu toàn sứ mạng Chúa trao phó cho.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta được chứng kiến một cuộc thay đổi quan trọng trong đời sống các Tông đồ, chứng kiến một cuộc đổi mới và kiện cường đức tin nơi các Tông đồ, từ lo sợ đến được củng cố để ra đi bắt đầu sứ mạng. Trước khi Chúa Phục Sinh hiện đến, các Tông đồ đang sống trong lo sợ, đóng kín nơi chính mình và đóng kín trong căn phòng. Ai trong chúng ta đã không trải qua một giai đoạn thử thách này và cũng có thể là đang trải qua thử thách đức tin, đó là những giây phút đen tối bị cám dỗ mất đức tin vào Chúa về những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống, về mầu nhiệm thập giá trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Trong bộ phim có tựa đề là Dấu Ấn Thứ Bảy, có một đoạn đối thoại thật ý nghĩa:

Thần chết hiện ra trong dung mạo của một người phàm và đã đối thoại với một dũng sĩ, cuộc đối thoại đó như sau:

Trước hết Dũng sĩ bắt đầu:

Tại sao Thiên Chúa lại ẩn mình? Tại sao Ngài không xuất hiện mạc khải chính mình cho chúng ta biết? Tại sao Thiên Chúa không đưa tay Ngài ra và chạm đến chúng ta? Tại sao ít ra là Ngài nói vài lời với chúng ta?

Thần chết trả lời:

Nhưng Thiên Chúa đâu có làm điều đó được, không phải vậy sao? Ngài không chạm đến chúng ta, Ngài không nói, Ngài chỉ giữ im lặng.

Dũng sĩ tiếp:

Đành vậy, Thiên Chúa không làm điều gì như vậy, Ngài không chạm đến chúng ta, Ngài không nói chuyện với chúng ta. Đôi khi tôi nghi ngờ không biết Ngài có thật sự hiện hữu ở bên kia nữa không?

Thần chết trả lời:

Có thể Ngài không hiện hữu ở bên kia, có thể không ai hiện hữu bên kia cả, có thể là tất cả chúng ta chỉ hiện diện một mình nơi cõi đời này mà thôi. Dũng sĩ có bao giờ nghĩ như vậy hay không? Có lẽ Thiên Chúa không có đâu, chỉ có chúng ta sống cô đơn lẻ loi một mình trong thế giới này mà thôi.

Anh chị em thân mến!

Mẫu đối thoại trên đây có thể làm chúng ta suy nghĩ thêm. Các Tông đồ ngày xưa là những kẻ duy nhất được nghe Chúa nói, được sống với Chúa như với một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, nhưng không phải vì thế mà các Ngài không bị thử thách, không bị lạc mất niềm tin vào Chúa khi Chúa trải qua cuộc khổ nạn, các Ngài phải tin vào Chúa là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và đã phục sinh.

Chúa cho các Tông đồ và đặc biệt là Tôma, cũng như chúng ta đã đọc qua trong bài Phúc Âm hôm nay, được dịp may kiểm chứng một cách cụ thể: “Tôma, con hãy xỏ tay con vào đây”. Chúng ta ngày hôm nay không thể nào được diễm phúc kiểm chứng như vậy, như cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Dũng sĩ và Thần chết, nhưng như các Tông đồ ngày xưa, chúng ta cần tin vào Chúa để không còn sống trong lo sợ, để có đủ sức chu toàn sứ mạng của Chúa. Lời Chúa phán với Tôma cũng như cho chúng ta ngày hôm nay đó là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Xin Chúa ban cho chúng ta hồn ân Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an của Ngài để củng cố chúng ta trong đức tin. Amen.

 

  1. Cuộc sáng tạo mới – Lm Ignatiô Trần Ngà

Ngày thứ nhất của nhân loại cũ

Từ khởi thuỷ, sau khi dựng nên trời đất muôn vật, Thiên Chúa lấy bùn đất dựng nên Ađam. Mới đầu thân thể ông chỉ là một khối đất bất động, không hề có dấu hiệu của sự sống.

Thế rồi, Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi Ađam (St 2,7), tức thì Ađam bắt đầu mở mắt, cựa mình và vươn vai chỗi dậy thành một con người đầy sức sống và được trở thành thuỷ tổ loài người đông đảo trên khắp trái đất.

Đó là ngày thứ nhất của lịch sử loài người, ngày khai sinh nhân loại cũ, khởi đi từ con người đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, thông ban sự sống và những phẩm tính cao đẹp của Ngài.

Tiếc thay, con người tuyệt vời được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài lại lâm vào vòng sa đoạ, đánh mất phẩm chất cao đẹp mà Thiên Chúa đã phú cho và phải mang lấy án phạt đời đời nên Thiên Chúa phải thực hiện kế hoạch kiến tạo một nhân loại mới.

Ngày thứ nhất của nhân loại mới

Thế rồi, “vào ngày thứ nhất trong tuần – và cũng là ngày thứ nhất trong lịch sử nhân loại mới – nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!” (Ga 20, 19-22)

Kế đó, như thời khởi thuỷ, Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi Ađam để thông truyền sự sống cho ông, thì nay Chúa Giêsu cũng thổi hơi trên các tông đồ đang co cụm như những xác không hồn để thông ban Chúa Thánh Thần cho họ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22)

Thế là từ đây, các tông đồ bắt đầu đón nhận sức sống mới, các ông được hồi sinh, được trở nên can đảm mạnh mẽ, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như hầm mộ u tối chôn vùi các ông suốt mấy tuần qua để ra đi khắp các nẻo đường, hô vang Tin Mừng cứu độ.

Đó là ngày thứ nhất trong tuần đồng thời cũng là ngày thứ nhất trong lịch sử của nhân loại mới.

Ngày thứ nhất trong cuộc đời người môn đệ

Vậy mà cho đến hôm nay, sau hơn hai ngàn năm Chúa Giêsu khai sinh nhân loại mới, vẫn còn trong ta sự ương ngạnh của Ađam, muốn sống theo dục vọng của mình bất chấp lời giáo huấn của Thiên Chúa. Vẫn còn trong ta tính ù lì khiếp nhược của các tông đồ sau biến cố Thầy Giêsu thụ nạn, tự giam mình trong phòng kín như mộ địa tối tăm. Vẫn còn trong ta con người ích kỷ chỉ biết sống cho mình, cho gia đình mình mà chưa mở ra với tha nhân và lối xóm.

Thế nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần Chúa Giêsu hiện đến thổi hơi truyền ban Thần Khí cho chúng ta như Ngài đã thực hiện cho các tông đồ xưa, để chúng ta được hồi sinh, được vượt ra khỏi ngục tù do lòng tham lam ích kỷ dựng nên, thoát ra khỏi mộ địa do chính sự hèn yếu của chúng ta vây bọc.

Và nhờ đó, ngày thứ nhất trong cuộc đời người môn đệ được khai mở trong ta.

 

  1. Phục Sinh của Lòng Thương Xót

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Phục Sinh, sự kiện vĩ đại về một con người đã bị đóng đinh trên thập tự giá tới chết và được mai tang trong mộ đá, nhưng đã trỗi dậy và ra khỏi mồ: đó quả là một biến cố có một không hai trong lịch sử loài người. Sự kiện này đúng là nền tảng niềm tin của mọi Kitô hữu qua mọi thời đại, thế nhưng nó lại chỉ được cả 4 Phúc âm tường thuật cách quá tẻ nhạt và tầm thường. Thậm chí, nếu so sánh với việc Chúa Hiển Dung trên núi Ta-bo, tôi thấy tường thuật thiếu đến cả các chi tiết tối thiểu: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17,2) Tất cả những gì được đề cập tới trong trình thuật phục sinh của các sách Tin Mừng chỉ đơn giản là ngôi mộ trống vắng và lời công bố giản dị: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi!” Đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu về điều này; và như nhiều tín hữu trong các đám rước Chúa Phục Sinh, tôi muốn bù đắp bằng một hình ảnh vinh quang hơn: hình tượng Chúa uy nghi giơ cao cờ chiến thắng khải hoàn, ung dung bước ra khỏi ngôi mộ với ánh sáng chói lòa, giữa các thiên thần thờ lạy và các tên lính khiếp sợ.

Chắc chắn Chúa Phục Sinh có khía cạnh thể lý: một Giêsu đã gục chết trên thập giá, đã được hạ xuống và tẩm liệm, được mai táng trong phần mộ, mà nay được loan báo là đã sống lại. Sự kiện thể lý này là nền tảng cho việc tuyên xưng một trong các tín điều căn bản nhất của Kitô giáo: “Tôi tin kẻ chết sống lại”. Nhưng theo cách diễn tả của các sách Tin Mừng, khía cạnh thể lý xem ra chỉ là thứ yếu. Cũng như trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, các đau khổ thể lý, cho dầu có được mô tả cách sinh động tới đâu thì ý chính vẫn là nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Phục Sinh cũng vậy, biến cố (đúng hơn là lời loan báo) Đức Giêsu ‘không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi’, cũng phải nói lên được tình yêu cứu độ trong tất cả sức mạnh vô địch của nó: tình yêu của Thiên Chúa từ nhân đã dứt khoát và vĩnh viễn chiến thắng sự chết về mọi mặt, và sẽ tồn tại bất diệt.

Theo Kinh Thánh thì chết thể lý chỉ là một trong các hậu quả của tội lỗi, và là hình bóng của một cái chết khác còn tệ hại hơn nhiều (St 2,17). Đức tin Công giáo dạy rằng tất cả chúng ta đều đã chết trong tội và cần tới ơn cứu độ để hoàn lại cho ta sự sống. Trong số các hình ảnh được dùng để diễn tả tội lỗi, chết là hình ảnh rõ ràng và trung thực nhất. Qua các thời đại, con người muốn dùng các nghi lễ tôn giáo để hoàn lại cho mình sự sống mà tội đã lấy mất. Các hình thức hoàn lương, đền tội, tu luyện và khổ chế đều mang cùng một mục đích đó. Nhưng trong thâm tâm tất cả đều biết rằng: chẳng một ai có quyền tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa, cũng như chẳng ai có thể hoàn lại sự sống sau cái chết của tội lỗi ngoại trừ Thiên Chúa toàn năng (xem Ga 11,40-44). Ngày nay một số người (trong số đó có cả tín hữu – linh mục?) có khuynh hướng cho rằng tội chỉ là một yếu đuối, một cơn bệnh hay một khiếm khuyết nhất thời mà con người có nhiều cách để thắng vượt, nhiều cách để chữa trị, trong đó tâm lý học được coi như liều thuốc hữu hiệu nhất. Nếu tội chỉ là một căn bệnh cho dầu hiểm nghèo thì tác hại của nó cũng chỉ giới hạn. Cái chết thập giá của Đức Giêsu là một khảng định ngược lại: tội không chỉ dẫn tới cái chết nhưng thực sự là chết. Cũng vậy sự phục sinh của Người khảng định ơn cứu chuộc thực sự hoàn lại sự sống đích thực và toàn diện cho mọi người đã chết trong tội.

Cần bằng chứng Kinh Thánh ư? Dựa và câu khảng định của Đức Giêsu: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25) Phao-lô đã có thể xác quyết: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô lại còn lớn lao hơn biết mấy… ” (Rm 5,17), “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,22). Như vậy, đối với một Thiên Chúa cứu độ, cho Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết là điều nhất thiết phải làm, cũng thế nhất thiết không kém Người phải làm cho chúng ta, những kẻ tin, sống lại từ cõi chết. Trên Thập giá, Đức Giêsu đã mặc lấy cái chết tội lỗi của cả trần gian, mà chết thể lý của Người là hình ảnh cụ thể nhất, một đàng để mạc khải cho thấy Thiên Chúa yêu thương cứu độ ‘đến cùng’, đàng khác như một A-đam mới Người cũng trọn vẹn đón nhận tình thương cứu độ của Cha để được sống, “Con phó linh hồn con trong tay Cha”. Phục sinh của Người là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa cứu độ vĩnh viễn chiến thắng sự chết dưới mọi hình thức, lòng nhân ái thần linh chiến thắng tội chết trong mọi chiều kích. Chính Đức Giêsu đã khảng định cách chắc nịch: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. ‘Sẽ’ đây nói lên một định luật chứ không phải thì tương lai: sống lại ngay bây giờ, chứ không chỉ trong ngày sau hết, sống lại trong ân sủng ngay tức thời chứ không chỉ trong ngày thế tận; cũng vậy ‘chết’ đây là về thể lý, nhưng còn quan trọng hơn nhiều là về mặt thiêng liêng. “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.

Suy nghĩ như thế làm tôi hiểu ra rằng: chỉ nhấn mạnh về một Đức Giêsu Kitô phục sinh vinh quang về mặt thể lý rất có thể trở thành một lạc đề nguy hiểm. Vinh quang đích thực của Phục sinh, đồng thời cũng là sức mạnh vô địch của Thập giá chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Người đã vĩnh viễn chiến thắng tội chết nơi con người: tình yêu đã chứng tỏ mạnh hơn cả sự chết, đặc biệt chết trong tội. Cho nên rõ ràng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8) trong tình yêu nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm thập giá và phục sinh không bao giờ được tách rời. Đó chính là sự Vượt Qua (Pasqua – Passover) của mọi Kitô hữu chúng ta, một mầu nhiệm sống động vĩ đại.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con nhận biết tội đã làm con chết thực sự, để con nghiệm ra được sức mạnh vô địch của lòng thương xót Chúa. Kinh nghiệm về cái chết thể lý đã cho con phần nào thấy được lòng nhân từ của Chúa… nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh mờ nhạt của một thực tế vĩ đại hơn nhiều: Đấng Cứu Độ không ngừng tiêu diệt sự chết nơi con để hoàn lại sự sống. Xin cho con không ngừng biết đón nhận ơn phục sinh trong suốt cuộc đời, bao lâu con vẫn còn yếu đuối sa ngã trong tội chết. Và chính trong sự kỳ diệu vĩ đại này, xin cho con (cùng với mọi tín hữu) cất cao lời ca ngợi lòng từ bi thương xót của Chúa hàng ngày và cho đến muôn đời. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ