Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1365253

XÂY ĐỀN THỜ CHO CHÚA BA NGÔI

XÂY ĐỀN THỜ CHO CHÚA BA NGÔI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Xưa kia, vua Đa-vít ước ao xây một Đền thờ nguy nga tráng lệ cho Thiên Chúa. Vua nói với Ngôn sứ Na-than: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải!”

Nhưng khi được biết Chúa không muốn Đa-vít xây đền thờ cho Ngài vì tay ông đã vấy máu quân thù, vua Đa-vít ủy thác cho người kế vị là Sa-lô-mon thực hiện ước vọng của mình.

Vua Đa-vít thiết lập bản thiết kế Đền thờ cũng như chuẩn bị sẵn cho Sa-lô-môn rất nhiều vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ quý, ngọc báu, đủ loại đá quý và rất nhiều cẩm thạch.

Ngoài ra, vua còn huy động toàn dân tham gia đóng góp cho công cuộc xây dựng nhà Chúa và dân chúng đã rộng tay đóng góp rất nhiều vàng, bạc, đá quý để xây dựng công trình vĩ đại nầy. (Sử biên niên I, 28-29)

Hôm nay, vì thiếu thốn tiền bạc và vì khả năng rất hạn chế nên không mấy ai ước mơ xây dựng đền đài hay thánh điện cho Thiên Chúa như vua Đa-vít ngày xưa. Xây một căn nhà đơn giản đã là chuyện khó, huống gì những công trình lớn lao.

Tuy nhiên, bài Tin mừng hôm nay đem đến cho chúng ta một niềm vui lớn, vì Chúa Giê-su cho biết rằng, dù chúng ta bất tài, dù chúng ta nghèo túng… nhưng ai trong chúng ta cũng có thể xây dựng được một ngôi đền thờ cao đẹp cho ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị; đền thờ nầy không những rất cao đẹp mà còn được Thiên Chúa vui thích ngự trị đêm ngày nữa.

Làm sao chúng ta có thể làm được việc thần kỳ như thế? Lấy vàng bạc, đá quý, châu ngọc… đâu mà làm?

Việc này rất đơn giản và ít tốn kém. Chỉ cần mỗi chúng ta biết yêu mến và tuân giữ Lời Chúa là công trình sẽ được hoàn thành, như lời Chúa Giê-su quả quyết: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

Thế thì chính khi chúng ta yêu mến và tuân giữ Lời Chúa Giê-su thì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (vì bất cứ ở đâu có Chúa Cha và Chúa Con thì cũng có Chúa Thánh Thần) hết lòng yêu mến chúng ta và ở lại trong chúng ta. Thế là ngay lúc đó, thân xác chúng ta trở nên đền thờ của ba Ngôi Thiên Chúa, một đền thờ được Thiên Chúa vui thích chọn làm nơi cư ngụ của mình.

Như vậy, Lời Chúa trong Tin mừng hôm nay soi sáng cho chúng ta hai điều:

Thứ nhất, nếu chúng ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa phán dạy, thì chúng ta không còn là thụ tạo thấp hèn nữa mà đã được nâng lên thành đền thờ của Vua Trời, được trở nên cung điện của Thiên Chúa tối cao như lời thánh Phao-lô xác nhận trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao!” (IC 6,19).

Thứ hai, cũng theo lời thánh Phao-lô trong thư nói trên, chúng ta đừng quên thờ phượng Thiên Chúa ngay nơi bản thân mình: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (IC 6,20)

Xưa kia, thánh Ô-gút-ti-nô đã có một trải nghiệm quý báu về điều nầy. Trong thời thanh xuân, ngài đã khắc khoải tìm kiếm Chúa suốt cả chục năm trời ở nhiều nơi mà chẳng gặp cho đến tuổi ba mươi, ngài mới khám phá ra Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mình. Bấy giờ với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Ô-gút-ti-nô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng. Chúa vẫn ở trong con, đang khi con mải lo tìm Chúa bên ngoài.”

Ước gì chúng ta không phải hối tiếc vì đã vòng vo tìm Chúa cách vô vọng như thánh Ô-gút-ti-nô trong buổi đầu, trái lại sớm được hạnh phúc hoan lạc vì tìm gặp Chúa ngay trong bản thân mình.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con biết quý trọng thân xác chúng con là ngôi đền thờ uy linh cao cả có ba Ngôi Thiên Chúa hằng ngự trị.

Xin cho chúng con quyết tâm thanh tẩy đền thờ đáng quý trọng nầy nếu nó bị ra nhơ uế vì tội lỗi và thói hư.

Xin cho chúng con biết tôn tạo, nâng cấp đền thờ nầy bằng các nhân đức và phẩm chất cao đẹp.

Và nhất là xin cho chúng con luôn gặp gỡ và kết hợp với Chúa đang hiện diện trong ngôi đền thờ cao cả là chính bản thân con. 

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH- C

ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Chúng ta đang ở Chúa Nhật thứ sáu phục sinh, thứ năm tới là lễ Chúa Thăng Thiên nếu nơi đó không dời vào Chúa Nhật tới, và Chúa Nhật tới nữa là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Ai yêu Ta thì giữ Lời Ta

Theo Tin Mừng, Đức Yêsu nói với các tông đồ rằng: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và ở với người đó”.

Yêu mến ai, thì vâng lời người đó, làm theo điều người đó muốn. Không vâng lời ai, là không yêu người đó, ít nhất là không yêu đến độ bỏ ý riêng mà vâng lời. Thánh Y-nhã nói: “tình yêu hệ tại ở việc làm hơn tại lời nói”. Chúa Yêsu đã nói: “không phải những người nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt.7, 21).

Ai vâng nghe Lời Chúa, được Thiên Chúa ở cùng, và người đó trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho người khác nữa.

Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự

Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần được Thiên Chúa Cha gởi tới nhân danh Chúa Yêsu, sẽ dạy các tông đồ mọi sự, và sẽ nhắc nhớ các tông đồ những gì Đức Yêsu đã nói với các ngài.

Chính trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần, Đức Yêsu ban bình an của Ngài cho chúng ta. Bình an Chúa Yêsu ban cho chúng ta, không ai có thể cướp được, ngay cả những người quyền thế có thể giết người, cũng không thể cướp được bình an ấy. Bình an Chúa ban, là hậu quả của xác tín được Chúa thương yêu vô cùng. Người có ơn bình an Chúa ban, cảm nhận Chúa là tất cả đối với mình. Ngài là Đấng không gì có thể đánh đổi được, Ngài là “mối lợi tuyệt vời” mà người được ơn nhận ra.

Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài dạy chúng ta mọi sự, Ngài giúp chúng ta làm những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Thần giúp chúng ta tự do với tất cả. Trong bài đọc thứ nhất, một số Kitô hữu gốc Do Thái đòi các Kitô hữu gốc dân ngoại phải cắt bì, vì họ cho rằng có như vậy, các tín hữu dân ngoại mới được cứu độ. Để bảo vệ và làm sáng tỏ Tin Mừng, Phao-lô vàBarnabas đã quyết làm sáng tỏ vấn đề: Kitô hữu được cứu độ không do cắt bì nhưng do tin vào Đức Yêsu. Và “quyết định dưới tác động Thánh Thần” của các tông đồ đồ, là các Kitô hữu không phải cắt bì. Thánh Thần giúp chúng ta sống trong bình an và tình yêu, chứ không sống trong sợ hãi hay nô lệ. Thánh Thần Thiên Chúa, làm chúng ta tự do đích thực.

Ánh sáng soi thành là Con Chiên

Để có thể nhìn thấy vật gì đó, vật đó cần ánh sáng chiếu rọi và hình ảnh được phản chiếu vào mắt, nhờ vậy người ta có thể nhìn được. Con Chiên là đèn soi thành, Đức Yêsu là ánh sáng, là tiêu chuẩn giúp người ta nhận định được đâu là điều hay để làm và điều xấu để tránh.

Thế gian có tiêu chuẩn riêng của nó, và những người theo thế gian sống theo tiêu chuẩn thế gian: tiền bạc, danh vọng, địa vị. Hậu quả của việc đi tìm tiền bạc, danh vọng, không là hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, có “xiềng xích” riêng của nó, nó có thể trói buộc con người và biến con người thành nô lệ.

Ước gì mỗi người nhận ra Đức Yêsu là “đường, sự thật và sự sống”, và để Chúa trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng cho từng người, để chúng ta được tự do đích thực.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1/.Theo Chúa, bạn được giải phóng khỏi nô lệ điều gì?

2/.Bạn có kinh nghiệm Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin bạn chia sẻ.

3/.Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta! Điều nào Chúa dạy khó nhất đối với bạn? Tại sao?

 CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH-C

XA MẶT KHÔNG CÁCH LÒNG- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Câu nói: Xa mặt cách lòng tiết lộ một sự thật chua chát của lòng con người. Khi xa nhau thì người ta dễ quên nhau. Bao nhiêu đôi vợ chồng đỗ vỡ vì sống xa nhau. Bao nhiêu con cái xa cha mẹ, thì dễ thành bất hiếu, bất nhân, bụi đời, hư hỏng. Bao nhiêu đầy tớ khi chủ vắng nhà thì như gà mọc đuôi tôm. Đúng như dụ ngôn đầy tớ bất trung (Mt. 24, 48-51)

Đức Giêsu muốn đề phòng cho các môn đệ khỏi lâm vào cảnh đau lòng xa mặt cách lòng, nên trước khi về trời, về cùng Chúa Cha, Người đã đảm bảo với môn đệ rằng về phía Thiên Chúa không có chuyện xa mặt cách lòng, và về phía con người cần phải giữ lời Thầy để xa mặt, nhưng không cách lòng.

1- Về phía Thiên Chúa: Xa mặt, không cách lòng. Để đảm bảo chắc chắn dù Đức Giêsu về trời, về cùng Chúa Cha, thì “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với anh em”, “Cha Thầy còn phái đến nhân danh Thầy, Đấng bào chữa là Thánh Thần sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Đức Giêsu còn đoan hứa rõ ràng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Chứ không để anh em mồ côi đâu”. “Vì Thiên Chúa đã thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống và sống dồi dào”. Như vậy, cả Ba ngôi Thiên Chúa đều đến ở trong anh em, anh em được yêu mến, dậy dỗ, được bào chữa, nâng đỡ và được ban phúc bình an, không còn phải xao xuyến, sợ hãi, mà còn được vui mừng vì Thầy về cùng Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Vậy, về phía Đức Giêsu, càng xa mặt về phần xác bao nhiêu, thì về phần thiêng liêng càng gắn bó kết hợp với anh em ở khắp mọi nơi, và khắp mọi lúc.

2- Về phía con người: Xa mặt, phải làm sao để không cách lòng?

Để đề phòng khi xa mặt Chúa, mà lòng mình không xa Chúa; khi chủ vắng nhà, đầy tớ không bất trung mọc đuôi tôm, thì Đức Giêsu đã bảo: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” giữ lời Thầy, thực thi lời Thầy, sống lời Thầy, truyền bá lời Thầy, mới chứng tỏ lòng yêu mến Thầy. Như thế, xa mặt, nhưng không cách lòng. Giữ lời Thầy là một trắc nghiệm rõ nhất, chính xác nhất về lòng mến Chúa. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức” thì giữ lời Thầy là lửa thử lòng mến Thầy. Trong khoa học, để biết chắc một giả thuyết đúng, người ta phải thử bằng thí nghiệm, bao lâu chưa chứng nghiệm chắc chắn, thì chỉ là giả thuyết, chưa có giá trị khoa học. Nhà bác học Pasteur đã bác bỏ giả thuyết tự vật chất sinh ra sinh vật. Ông đã làm thí nghiệm nhiều lần đem dấm lên núi cao, nơi không khí trong sạch không có vi khuẩn, dấm không bao giờ lên men. Dấm chỉ lên men khi có vi khuẩn. Nhờ thí nghiệm đó, Pasteur đã phát minh ra khoa vi trùng học để chữa bao nhiêu chứng bệnh của con người.

Đức Giêsu đã dậy chúng ta khám phá ra lòng mến Chúa bằng phương pháp “giữ lời Chúa”. Hãy làm thí nghiệm xem chúng ta có lòng mến Chúa thật hay giả: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.

Các môn đệ sống với Thầy bằng xương bằng thịt, ai cũng tỏ ra yêu mến Thầy. Nhưng khi xa mặt Thầy, khi Thầy về cùng Chúa Cha, các ông muốn biết mình còn yêu mến Thầy nữa không, thì phải xem mình có thực thi lời Thầy không? Nếu các ông giữ lời Thầy, sống theo lời Thầy, chứng tỏ chắc chắn các ông còn yêu mến Thầy. Quả thực, trừ Giuda, hết thảy các môn đệ chẳng những giữ lời Thầy, sống lời Thầy, mà còn rao giảng lời Thầy, viết sách truyền bá lời Thầy cho muôn dân, muôn thế hệ. Các ông còn hy sinh chịu chết để chứng tỏ lời Thầy thật là lời hằng sống, lời của Chúa Cha ban ơn cứu độ, ban sự sống hạnh phúc muôn đời cho những ai tin và giữ lời Thầy: “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và sự sống” (Ga. 6, 63) “Ai nghe lời Thầy và tin vào Đấng đã sai Thầy thì có sự sống đời đời” (Ga. 5, 24). “Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51). Các môn đệ đã giữ lời Thầy để chứng tỏ lòng mến Chúa và nhờ đó các ông được phần thưởng vinh quang muôn đời.

Phần chúng ta thì sao? Có bao giờ chúng ta dùng phương pháp “giữ lời Thầy” để thử mình có lòng mến Chúa không?

Thường thì chúng ta tưởng mình có lòng mến Chúa bằng đi lễ, đọc kinh, dâng hoa, rước kiệu, tổ chức Giáng sinh, Phục sinh long trọng vui vẻ… Như thế là yên tâm mình đã giữ đạo, là có lòng mến Chúa. Sợ rằng chúng ta chỉ kính bằng môi miệng mà lòng xa Thiên Chúa!

Có người tưởng mình giữ trọn mười điều răn như chàng thanh niên giầu có trong Tin Mừng “đã giữ tất cả các điều đó từ thuở nhỏ” (Mt. 19, 16-22; Lc. 18, 18-23). Anh tưởng như thế là được sống đời đời! Thật lầm to! Lời Chúa không phải chỉ có mười điều răn theo lối sống tiêu cực của anh, anh chưa có lòng mến Chúa và yêu người tích cực.

Chúng ta phải tích cực giữ lời Chúa, sống lời Chúa, thực thi lời Chúa và loan truyền lời Chúa như các môn đệ đã thi hành và ghi chép lại trong Tin Mừng.

Ca dao có câu: “Cá không ăn muối, cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nếu chúng ta không sống lời Chúa, mặc nhiên là cãi lời Chúa, chắc chúng ta sẽ chẳng được sống đời đời. Người xưa còn khuyên: “Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”. Lời mẹ cha là phàm nhân còn có sức huấn luyện con cái nên người tốt: Huống chi lời Chúa, làm sao chúng ta không lắng nghe?

Lạy Chúa Giêsu, thân phận con là loài hình hài thể xác, luôn bị hấp dẫn bởi hình danh sắc tướng mầu mè cụ thể trước mắt. Khi xa mặt, dễ cách lòng, xin nâng đỡ phận hèn mệnh bạc của con, để con tận tình giữ lời Chúa. Xin Lời Chúa sẽ soi sáng con yêu mến Chúa và gắn bó với Chúa luôn mãi.

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH- C

SỰ BÌNH AN ĐÍCH THỰC-  Lm. Antôn Hà Văn Minh

 Tin Mừng Ga 14: 23-29: Bình của Chúa ban không là kho báu để cất giữ, để hưởng dùng một mình, nhưng là phương thế để phục vụ và mang lại bình an cho người khác.

SUY NIỆM

Hàng tuần chúng ta vẫn xin lễ cầu bình an, bởi điều chúng ta hằng mong ước luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, trong môi trường mình sống chính là sự bình an. Bình an chúng ta ước mong chắc chắn không mua sắm được bằng tiền bạc, bởi vì “tiền bạc có thể tạo lập món ăn ngon, nhưng không mua được sự ngon miệng; tiền bạc có thể tạo dựng được phòng ngủ sang trọng, nhưng không mua được giấc ngủ ngon; tiền bạc có thể xây được căn nhà lộng lẫy, nhưng chưa chắc đã tạo được mái ấm hạnh phúc”.

Quả thật, trong cuộc sống, người ta đối diện với bao bất an do đồng tiền gây ra, bởi đồng tiền là nguyên nhân tạo ra sự sự ghen ghét, sa đọa, tham lam cội nguồn của bất an. Bao nhiêu là câu chuyện nói về sự bất an trong các gia đình khi có nhiều tiền lắm bạc. Chẳng hạn cặp vợ chồng Lara và Roger Griffiths: Vợ chồng nhà Griffiths chung sống rất hòa thuận cho đến khi họ trúng giải thưởng sổ xố trị giá 2,76 triệu USD vào năm 2005. Năm năm sau khi trúng giải, căn nhà triệu đô mua được từ tiền sổ xố bỗng dưng bốc cháy, thiêu trụi toàn bộ tài sản. Cuộc hôn nhân 14 năm giữa hai người cũng chấm dứt, sau khi Lara buộc tội Roger ngoại tình với người phụ nữ khác. Cứ ngỡ tiền sẽ mua được sự bằng yên cho cuộc sống, cô Ibi Roncaioli: Chủ nhân giải thưởng loto trị giá 5 triệu USD vào năm 1991 bị đầu độc bởi chính người chồng của mình bằng thuốc giảm đau khi anh phát hiện Ibi bí mật trợ cấp 2 triệu USD cho đứa con với người đàn ông khác. Vâng, tiền bạc luôn là một thách đố lớn lao cho sự an toàn của cuộc sống, cô Vivian Nicholson từng được coi là người phụ nữ may mắn nhất nhì nước Anh khi thắng 152 nghìn Bảng Anh nhờ cá độ bóng đá vào năm 1961, nhưng vài năm sau đó, cô đã rơi vào cảnh không xu dính túi vì đổ quá nhiều tiền vào sắm quần áo. Ngoài ra, hôn nhân của Vivian cũng không mấy suôn sẻ. Cô kết hôn đến 5 lần nhưng vẫn không thực sự hạnh phúc. Năm 2011, Vivan qua đời bởi nghiện chất cồn và áp lực tâm lý. Đức Phanxicô đã nói: Khi một người sống bám víu vào tiền của, niềm kiêu hãnh hay quyền lực, người ấy không thể có hạnh phúc và bình an thật”.

Vậy ở đâu có sự bình an? Xin thưa, bình an đích thận chỉ đến từ tình yêu dành cho Chúa. Quả thật người ta chỉ có thể kín múc sự bình an từ nơi Chúa Giêsu, bởi ở nơi Người không có tham sân si, nơi Người chỉ có một tình yêu thanh khiết, Người ở giữa mọi người như ngừoi mục tử nhân lành ở giữa đàn chiên, Người không sống cho mình, nhưng cho đàn chiên. Vì thế, ở nơi Người chúng ta tìm thấy một tâm hồn thanh thản bình an, nơi Người không có sự hỗn loạn bôn chen, không bị phiền nhiễu bởi danh lợi thú. Ma quỉ đã phải bỏ cuộc trước sự thuần khiết tâm hồn của Chúa Giêsu khi nó cố gắng lôi kéo Người đi vào cuộc chơi mà nó đề nghị, một cuộc chơi mà trong đó giá trị vật chất luôn được đề cao, và luôn thúc đẩy người chơi khao khát quyền lực và sự giàu sang. Ma quỉ hiểu rằng, những ai bước vào cuộc chơi mà nó đề xướng thì sẽ chẳng bao giờ có được sự bình an, bởi tâm của họ chẳng bao giờ có được sự điềm tĩnh và thanh thản, và như thế những người tham dự cuộc chơi do Satan đề xướng, đều trở thành đầy tớ cho nó, bởi nó là chủ nhân của sự hận thù, ghanh ghét, chia rẽ và bất an.

Caryn, một sinh viên ở Virgina, chia sẻ con đường cô tìm được bình an như sau: “Tôi nghĩ mình là một Kitô hữu bởi vì tôi đi đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật, nhưng tôi không biết Chúa là ai. Năm cuối trung học của tôi cũng trôi qua giống như ba năm trước đây. Tôi giành hầu hết thời gian của mình vào chuyện nhậu nhẹt, thăng tiến hay cố tìm cách để làm cho ai đó yêu mình. Tâm tôi chết dần chết mòn và tôi không thể kiểm soát được cuộc sống của mình nữa. Khi tôi nhận ra tôi muốn kết liễu cuộc đời của mình nhiều thể nào thì cũng là lúc tôi biết rằng tôi phải tìm cho mình một niềm hy vọng nào đó sau khi ra trường. Thế rồi, tôi đến xin Chúa bước vào đời sống của tôi. Ngài đã cho tôi thấy tình yêu thương, sự yên ninh, sự tha thứ, sự nâng đỡ, niềm an ủi, sự chấp nhận và mục đích sống. Chúa là sức mạnh của tôi, và tôi đã tìm thấy được sự bình an. Hôm nay, nếu không có Người, thì có lẽ tôi sẽ không thể có mặt ở đây.”

Do đó. để tìm thấy sự bình an trong cuộc sống không có cách thế nào khác ngoài việc đến cùng Giêsu và học nơi Người, như Người đã mời gọi: hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11, 29). Sự hiền lành và khiêm nhường của Giêsu là phương thế tuyệt hảo để kiến tạo một cuộc sống bao dung, loại trừ tính ích kỷ, cao ngạo, kiêu căng và tự phụ, là những nguyên cớ gây ra bao nhiêu là bất hòa, tranh chấp, hận thù. Được bình an trong cuộc sống là mong ước của muôn người, chính Chúa Giêsu khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: ”Khi vào bất kỳ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này. Nếu tại đó có một người con của hòa bình, thì bình an của các con sẽ xuống trên người ấy, nếu không an bình ấy sẽ trở lại trên các con” (Lc 10,5-6). Và trang Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu hiện đến với các Tông đồ sau khi Người sống lại, Người đến không mang theo vàng bạc châu báu, nhưng mang bình an, và Người để lại bình an đó lại cho các Tông đồ như là hành trang lên đường đi loan báo Tin Mừng, vì Chúa biết chỉ có sự bình an của Chúa các Tông đồ mới có thể chu toàn sứ vụ được giao. Vâng, Chúa để lại bình an của Người cho các Tông đồ như là sản nghiệp để các ông trang trải cho hành trình loan báo Tin Mừng.

Bình của Chúa ban không là kho báu để cất giữ, để hưởng dùng một mình, nhưng là phương thế để phục vụ và mang lại bình an cho người khác. Vâng, bình an của Chúa để lại cho các Tông đồ được đúc nén bởi một tình yêu khôn tả, một tình yêu đã thúc đẩy Người bước lên đỉnh đồi Calvê và hiến dâng cuộc sống qua cái chết trên Thập giá để trở thành hiến lễ tình yêu, nhờ đó mà nhân loại được cứu sống. Tình yêu hiến dâng là phương thế các Tông đồ xử dụng để thi hành sứ vụ loan báo, để qua tình yêu này các Tông đồ làm chứng về một yêu trọng đại hơn: Đức Giêsu Kitô, và nhờ đó các Tông đồ đã hình thành được các cộng đoàn cứu độ được gọi là cộng đoàn đức tin và đức mến. Các Tông đồ đã thực hiện sứ mệnh cách chỉnh chu không ai có thể chê trách vào đâu được với hai bàn tay trắng không tiền bạc, không của cải, chỉ có gia sản duy nhất: sự bình an của Chúa Kitô.

Là người Kitô hữu, từng người chúng ta phải làm sao chiếm hữu được sự bình an mà Chúa Kitô ban tặng, làm sao chiếm hữu được điều đó nếu chúng ta không để Chúa Kitô ngự trị trong ta, bởi ngoài Chúa Kitô làm sao chúng ta có được bình an thật. Cách thế để chiếm hữu được Chúa chính là giữ lời Chúa, hay nói cách khác là thực thi điều Chúa dạy: yêu như Chúa yêu. Vâng, chỉ có yêu thương mới là con đường để Chúa bước tới với chúng ta, và chỉ có yêu như Chúa yêu mới có thể mang về cho chúng ta kho tàng của sự bình an đích thật, một sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Chính sự bình an này mang lại cho chúng ta nguồn hạnh phúc vô biên, nguồn hạnh púc có được xuất phát từ sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn. Đức thánh cha Benêđictô XVI trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã chỉ cho chúng ta cách thế để đạt tới bình an đích thật: “Trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chi bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô. Bạn của Người là bạn của tôi. Vượt qua dáng vẻ bên ngoài, tôi thấy được nơi tha nhân sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm mà tôi cho họ, (số 18)

Lạy Chúa, thật là vô phúc cho chúng con nếu chúng con không có sự bình an mà Chúa đã tặng ban cho các môn đệ Chúa, bởi chúng con, qua bí tích rửa tội, được trở thành con cái của Chúa, được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, cho nên chúng con xứng đáng được hưởng sự bình an đó. Điều đó cũng có nghĩa, chúng con phải làm sao xứng đáng với hồng ân đã lãnh nhận, tức là chúng con phải là những người tràn đầy ơn nghĩa của Chúa qua việc chúng con tuân giữ lời Chúa cách chỉnh chu, hay nói cách khác chúng con phải thể hiện tình yêu Chúa đúng với danh phận của chúng con, Amen.

home Mục lục Lưu trữ