Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1374078

XIN CHO DANH THÁNH CHÚA ĐƯỢC CẢ SÁNG

Xin cho Danh Thánh Chúa được cả sáng

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bước vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến, để trong mọi sự con người tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.

Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, alléluia; hồn con thưa cùng Chúa: mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia”.

Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17, 1).

Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về vinh quang mà Người đã chia sẻ từ đời đời với Chúa Cha; vinh quang mà Chúa muốn chia sẻ với chúng ta cũng như các môn đệ của mình qua cái chết và sự phục sinh của Chúa. Cách đây ít ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa lên Trời, và tuần sau chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi suy tư về mọi điều Chúa Giêsu đã dạy khi Người còn tại thế và cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ. Chúa Giêsu luôn làm gương cho chúng ta noi theo: “Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất. Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con” (Ga 17,4); mọi thành phần trong Giáo hội phải tiếp tục công việc tương tự trên trần gian.

Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến để hoàn thành công việc mà Chúa Cha đã trao phó, cụ thể là cứu chuộc loài người, được các môn đệ biết đến. Đối với các ông, chắc chắn Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người: “Chúng biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 8).

Nên Chúa Giêsu xin cho các môn đệ: “Con cầu xin cho chúng; Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 9). Người cầu xin cho cả chúng ta là những kẻ nhờ các môn đệ mà tin vào Chúa. Chúng ta có mở lòng mình ra và tin chắc như thế không ? Với đức tin vững vàng, chúng ta sẽ tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Ignatio Loyaga khuyên chúng ta: “Nếu anh em yêu mến vinh quang, thì hãy tìm kiếm trong sự thật duy nhất là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu được tôn vinh và nay trở về cùng Cha, tuy nhiên, Người sẽ không bỏ chúng ta mồ côi và Người sẽ xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta. Chúa Giêsu Kitô, Đấng bầu cử cho các môn đệ sẽ luôn hiện diện trong Hội Thánh, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của Người và Người sẽ giúp chúng ta trong những lúc khó khăn mà chúng ta gặp phải trong thế gian.

Thánh Công Đồng Vaticanô II nhắn nhủ chúng ta rằng, muốn thi hành ý muốn của Chúa Giêsu, việc cần thiết phải làm là hiệp nhất: “Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Thánh Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất.

Phải hiểu danh từ “phong trào hiệp nhất” là những hoạt động và sáng kiến được phát động và tổ chức nhằm cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tùy theo những nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện. Trước hết như là mọi cố gắng loại bỏ những lời nói, phán đoàn và việc làm không đúng với hoàn cảnh của các anh em ly khai xét theo công bình và chân lý, vì nếu không sẽ gây thêm khó khăn trong việc giao tiếp với họ. Thứ đến là trong các buổi hội thảo với tinh thần tôn giáo giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Ðoàn khác nhau, có sự “đối thoại” giữa các nhà chuyên môn thấu triệt vấn đề, và mỗi người sẽ giải thích cặn kẽ giáo lý của Cộng Ðoàn mình và trình bày minh bạch những nét độc đáo của giáo lý ấy. Có đối thoại như thế mọi người mới hiểu biết đúng hơn và tôn trọng đúng mức giáo lý cũng như đời sống của mỗi Cộng Ðoàn; cũng nhờ đó mà các Cộng Ðoàn dần dần hợp tác được với nhau rộng rãi hơn trong mọi công cuộc mưu ích chung mà lương tâm Kitô hữu nào cũng đòi hỏi; lại cũng nhờ đó, họ hợp nhau cầu nguyện chung mỗi khi có cơ hội thuận tiện. Sau cùng mọi người hãy kiểm điểm coi mình có trung thành với ý muốn của Chúa Kitô về Giáo Hội không, để rồi hăng hái tiến hành việc canh tân và cải tổ đúng như bổn phận đòi hỏi.

Khi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện tất cả các điều ấy dưới sự giám sát của các chủ chăn tức là họ đã đóng góp cho việc thực hiện công bình và chân lý, sự hòa thuận và hợp tác, tình huynh đệ và đoàn kết. Với đường hướng này, khi đã vượt được mọi trở ngại ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn của Giáo Hội, dần dần mọi Kitô hữu sẽ đoàn tụ qua việc cử hành Phép Thánh Thể duy nhất, hiệp nhất trong một Giáo Hội độc nhất; sự hiệp nhất mà Chúa Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Giáo Hội của Người. Chúng tôi tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Giáo Hội Công Giáo và hy vọng rằng mỗi ngày sẽ bành trướng thêm cho đến tận thế”. (Công Đồng Vaticanô II Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, “Unitatis redintegratio ” số 4)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con, xin cử Chúa Thánh Thần đến, để Ngài giúp chúng con thực hành những điều Chúa muốn. Amen.

 

4. Nên một trong Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bước vào Chúa nhật thứ VII, Chúa nhật cuối cùng mùa Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly trước khi về trời là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần là Đấng Bầu Chữa đến.

Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ nhiều điều, toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là một bằng chứng. Sau một loạt diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1). Và sau cung là lời cầu xin cho các môn đệ.

Xin cho chúng nên một

Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối mỏng giòn của các môn đệ, nên Người tha thiết cầu xin Cha cho họ được hiệp nhất trong tin yêu, để các ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng vô cùng khó khăn và đầy những thử thách. Các ông phải tự mình đương đầu với những khó khăn ở trong thế gian, mặc dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, hoạt động của các ông phải qui hướng về thế giới khác. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu cầu nguyện: "Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha" (Ga 17, 21). Nhờ "sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần", được ràng buộc "bởi sợi dây bình an", tất cả họ sẽ "duy trì sự hiệp nhất của Thần khí... Chỉ có một Thân mình và một Thần khí " (Ep 4, 3 - 4), giúp họ đồng lòng hợp ý với nhau.

Vì muốn nhân loại kết hiệp ở trong Thiên Chúa, nên đã sai Con Ngài đến thế gian để thánh hiến họ trong chân lý. Khi đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu đã thực hiện một sự hiệp thông đầy kinh ngạc giữa bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người "Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật" (Kinh Tin Kính). Trong cuộc Thương Khó, Người đã xuống ngục tổ tông, nhà tù giam hãm chúng ta để giải thoát và đưa chúng ta lên cùng Thiên Chúa.

Chúa Giêsu ban vinh quang cho các môn đệ: "Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con" (Ga 17, 22). Vinh quang ở đây là Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho họ vinh quang khi nói, "Hãy lãnh nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Ga 20, 22). Chúa Giêsu đã nhận được vinh quang khi mặc lấy bản tính loài người chúng ta, bản tính đã được tôn vinh trong Thánh Thần. Vinh quang Người đã có "trước khi tạo thành thế gian" (Ga 17,5) liên kết nhân loại nên một trong Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, vinh quang mà Cha đã ban cho con, con đã ban cho chúng, để họ nên một như chúng ta là một" (Ga 17,22).

Xin Cha gìn giữ chúng

Trong suốt thời gian ở giữa các môn đệ, Chúa Giêsu đã trung thành gìn giữ họ. Khi trở về cùng Cha, Người không vắng mặt, Người cầu xin Cha cho họ, để họ giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha và Con và Thánh Thần.

Chúa Giêsu đến thế gian để hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao, đến lượt các môn đệ, họ cũng được trao cho một sứ mạng (x. Ga 13, 1). Chúa Giêsu không xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi những hiểm nguy của thế gian (x. Ga 17, 15). Vì nếu đưa họ ra khỏi thế gian thì sứ mạng tông đồ của họ chấm dứt. Xin Cha gìn giữ họ khỏi bị thế gian lây nhiễm, và thánh hoá họ trong sự thật (x. Ga 17, 17), xin cho họ được tràn đầy thần chân lý. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm sáng tỏ: "Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17,16).

Chúa Giêsu xuống tận vực thẳm của con người để kéo con người lên vì: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Đây là tột đỉnh của Mạc Khải. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta hiệp nhất với Thiên Chúa, và trong vinh quang đầy quyền thế Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện và gìn giữ để : "Không một ai trong chúng bị mất" (Ga 17,12).

Xin thánh hiến họ

Lời khẳng định trên cho thấy Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Để hoạt động trên thế gian và trong thế gian, mà không liên can đến thế gian, nghĩa là được miễn dịch khỏi thế gian, các môn đệ cần phải được hiến thánh (x. Ga 17-19).

Khi muốn bảo vệ các môn đệ khỏi Sự Dữ trong thế gian, Chúa Giêsu đã tự thánh hiến chính mình, Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng là "viên mãn trong Thiên Chúa" khi "ở trong tình yêu". Nguồn gốc của sự thánh hiến này là trung thành với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tự hiến chính mình. Người ban Chúa Thánh Thần cho họ và xin cho họ sớm đạt được điều Người cầu xin. Chúa Thánh Thần là sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, liên kết tâm hồn họ với Chúa Cha, kết hợp trái tim tội lỗi của chúng ta với Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. "Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17, 14). Họ đã nhận được Lời, từ "Logos", Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta (Ga 1, 14).

"Lời Cha là chân lý "(Ga 11, 14). Bản chất của Lời là ở với Chúa Cha, đó là chân lý. Kể từ khi Người cho họ tham dự vào sứ mạng của Chúa Con (x. Ga 10, 36 và Ga 17, 18), họ cũng phải tham gia vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người đã chọn và cắt đặt họ để họ sinh nhiều hoa trái. Đức Giêsu được thánh hiến trong sự thật. Người cũng xin Chúa Cha thánh hiến họ "trong sự thật". Sự thánh hiến này không phải là bên ngoài nhưng nó là sự thật, sâu sắc, thực sự.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp nhất. Xin cho chúng con biết thể hiện tinh thần hiệp nhất giữa chúng con bằng sự biết cộng tác với nhau trong những việc làm chung, để xây dựng nhiệm thể cộng đoàn nhỏ bé, trong tình huynh đệ tương thân tương ái. Chúng con tin tưởng vào lời Chúa hứa mà chúng con đã đọc trước bài Tin Mừng, đó là được ở với Chúa đến muôn đời. Amen.

 

5. Lạy Cha, xin cho họ nên một

(Suy niệm của Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa)

Bài Tin Mừng hôm nay được mô tả trong khung cảnh chiều ngày thứ năm thánh, lúc Chúa Kitô biết giờ chết của Ngài đang đến gần. Khi đó tâm trạng của Ngài thế nào?

Không còn nghi ngờ gì: trước hết Ngài dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện dài và thống thiết nhất mà chúng ta vẫn quen gọi là lời cầu nguyện hiến tế. Trong lời cầu nguyện tình con này, Ngài hướng về Cha 3 lần, và nhất là Ngài nghĩ đến tất cả những ai mà Người sắp phải từ biệt. Tất nhiên là Ngài nghĩ đến 12 các tông đồ, nhưng chỉ còn 11 ông trung thành thôi, nhưng Ngài cũng nghĩ đến tất cả những kitô hữu trên thế giới tin cậy vào Ngài.

Vâng, Ngài nghĩ đến chúng ta. Ngài biết quá rõ tâm trạng của con người thường bị cám dỗ chia rẽ. Đó chính là mối ưu tư nhất nên Ngài cầu nguyện tha thiết để sau khi Ngài ra đi, những ai tin vào Ngài cảm thấy sâu xa là phải hiệp nhất với nhau. Ngài không xin một điều gì khác ngoài sự hiệp nhất.

Câu chuyện tháp Babel trong Kinh Thánh là biểu tượng của sự chia rẽ. Và từ đó chia rẽ càng ngày càng lớn: chia rẽ giữa vợ chồng, chia rẽ giữa dân tộc này với dân tộc khác, chia rẽ giữa những người cùng chung sống bên nhau trong một cộng đoàn, trong một gia đình và trong một họ đạo.

Đương nhiên những sự chia rẽ giữa những người có đạo làm Chúa Kitô đau khổ nhất. Nếu Chúa Kitô cầu nguyện tha thiết cho vấn đề này, chính là vì Ngài biết rõ sự chia rẽ sẽ là điều bất lợi kinh khủng để tiến vào nước Chúa. Trong đêm chuẩn bị phải ra đi, Ngài có một cái nhìn bao quát xuyên suốt qua nhiều thời đại. Ngài nghĩ đến Giáo Hội. Sự chia rẽ lớn nhất giữa Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Tây Phương, rồi sau đó là Tin Lành và Anh Giáo…Tại vườn Cây Dầu, Ngài biết cái chết vì yêu của Ngài cũng khó có thể dập tắt được sự ghét ghen sâu xa của con người. Chính vì vậy mà Ngài cầu nguyện tha thiết: “Xin cho họ nên một”.

Sự hiệp nhất này chỉ có thể thực hiện được nếu dựa vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi vị hoàn toàn khác nhau. Nhưng 3 ngôi vị này hiệp nhất với nhau để chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.

Hiệp nhất giữa người kitô hữu với nhau là dấu chỉ để thế giới tin vào Chúa Kitô. Tôn giáo không tạo nên những thách đố. Tôn giáo cũng không có khả năng chặn đứng được các xung đột. Chúa Kitô rất đau khổ khi thấy gương xấu những người tín hữu chúng ta chia rẽ lẫn nhau. Ngài nói với chúng ta: “Chẳng lẽ Chúa Cha lại sai Thầy xuống trần gian để chúng con xâu xé nhau vì danh Thầy sao?” Người ta có thể tin vào tình yêu của Chúa Cha thế nào được nếu các con cái Người chém giết lẫn nhau?

Trong thời gian gần đây, xuất hiện một thứ tôn giáo được gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời”. Sự xuất hiện thứ tôn giáo này một hình thức nào đó cũng làm hoang mang cho những người công giáo chúng ta còn kém đức tin...và cũng có thể cản trở phần nào cho công cuộc truyền giáo của người công giáo chúng ta...

Vì thế, chúng ta phải là những người thợ xây dựng sự hiệp nhất, là trung gian nối kết mọi người lại với nhau, là biểu tượng như Chúa Kitô là cây cầu cạn nối kết tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Hãy hiệp nhất ngay trong gia đình và trong cộng đoàn của chúng ta.

Dĩ nhiên, điều không tránh khỏi là cũng có những cuộc tranh luận và cãi cọ lẫn nhau. Điều đó không quan trọng. Hiệp nhất không phải chỉ theo kiểu bề ngoài. Hãy tìm lại điều nối kết chúng ta lại một cách sâu xa nhất: đó là tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô. Mối dây liên kết này dựa trên nền tảng của bí tích Thánh Thể và được đổ be-tông hóa bằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Gia đình hoặc cộng đoàn là nơi đặc biệt nhất để chúng ta học sống hiệp nhất mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Dù có những khó khăn nhất định nào đó, hãy tin tưởng vào Chúa Kitô, Ngài vẫn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta.

- Hãy hiệp nhất đức tin với cuộc sống hằng ngày của chúng ta:

+ Đừng là người độc thân ở nhà thờ, có nghĩa là vợ đi cầu nguyện, đi lễ, còn chồng cứ ở nhà;

+ Đừng là người vô đạo cứ ở nhà tất cả mà không đến nhà thờ đọc kinh hoặc không đi lễ, viện cớ là “đạo tại tâm”.

- Hiệp nhất giữa chiêm niệm và hành động, giữa Mattha và Maria.

- Hiệp nhất giữa vật chất và tinh thần. Chúng ta cũng đừng nên lặp lại tư tưởng cũ rích: vật chất có trước hay tinh thần có trước nữa!

- Hiệp nhất giữa tình yêu của chúng ta đối với Chúa và với những người thân cận: không thể yêu người này mà lại không yêu người khác.

- Hiệp nhất giữa nói và làm.

- Hiệp nhất giữa bề ngoài và bề trong.

- Hiệp nhất giữa dâng hoa, rước hoa với lòng tôn sùng Đức Mẹ, đó là biết tìm hiểu đâu là Thánh Ý Chúa để mà sống cho tốt hơn trước những biến cố của cuộc đời.

Boris Vian, một thi sỹ công giáo viết: “Tôi muốn một thế giới mà mọi người yêu mến nhau và muốn điều thiện cho nhau; một thế giới mà tình yêu và vui mừng luôn làm chủ, một thế giới chỉ nghe thấy tiếng đàn ghi-ta, sáo trúc và vĩ cầm để quên đi những thứ khác”.

Chúa Giêsu luôn ước mơ giao hoà, nối kết toàn thể nhân loại để một ngày nào đó Ngài sẽ giới thiệu nhân loại đó cho Cha của Ngài. Amen!

 

6. Xin cho họ nên một - Én Nhỏ

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời cầu nguyện tha thiết của Thầy Giêsu với Chúa Cha cho chính mình, cho các môn đệ và còn mãi cho những người theo Chúa sau này trong tương lai là chúng ta. Trong lòng mến thiết tha, Người thân thưa với Cha mọi điều về đoàn con dấu yêu, trong mối tương quan đậm đà, với bao nhiêu lắng lo khắc khoải khi Người sắp về cùng Cha.

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong tình thương, để khi gặp gỡ họ, người ta nhận ra họ là môn đệ của Người. Tình thương ấy cao thượng và vô điều kiện. Chính người đã biểu lộ tình thương này là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu. Cho đến hôm nay chúng con vẫn chưa cảm nhận và sống một tình yêu như vậy, nên Chúa vẫn hằng cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng con. Chúa vẫn chờ đợi để chúng con nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa mà nhìn lại chính mình và mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa. Chính tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa giúp chúng con sống hiệp nhất với nhau, để chúng con được ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con.

Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và chúng ta khỏi bị bách hại: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.” Người ra đi nhưng họ còn ở lại trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo lắng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần, giúp họ vượt qua những khó khăn khi thi hành sứ vụ. Họ có thể bị thù ghét, bách hại vì niềm tin.

Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và chúng ta được thánh hiến trong sự thật: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” Chính Người đã hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha. Hôm nay đây chúng con được thánh hiến trong sự thật là Lời Cha để thánh hóa mình và tha nhân. Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy yêu thương muốn cho tất cả chúng con được ơn cứu độ. Còn chúng con là con người yếu đuối mỏng dòn hay sa ngã. Nhưng nếu chúng con nhìn nhận và trở về với Chúa sẽ được cứu độ và được sống hạnh phúc muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu! xin sai Thánh Thần Chúa đến ở với mỗi người chúng con, cho chúng con được sức mạnh vượt thắng ác thần và được thánh hiến trong tình yêu của Chúa. Trong Thánh Thần chúng con được đổi mới, cả trong cộng đoàn chúng con, giúp chúng con sống hiệp nhất yêu thương trong cuộc đời và hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cho đời đẹp hơn. Amen.

 

7. Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Ga 17, 1-11a

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Bài Tin mừng hôm nay tràn ngập tâm tình yêu mến của Chúa Giêsu. Đó là tâm tình yêu mến với Đức Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giêsu luôn gắn bó, luôn kết hiệp chặt chẽ, luôn vâng phục. Và hôm nay trước giờ phút sắp hoàn thành nhiệm vụ. Chúa Giêsu mong ước được về với Đức Chúa Cha. Tâm tình yêu mến cũng hướng Chúa Giêsu về các môn đệ. Chúa thương các ông còn ở lại trần gian với bao nguy cơ rình rập. Nên Chúa cầu nguyện cho các ông và xin Đức Chúa Cha thương nâng đỡ các ông.

Xuyên qua những lời cầu nguyện, những tâm tình tha thiết của Chúa Giêsu, ta thấy Người đã hoàn thành vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người ở 3 khía cạnh.

Chúa Giêsu là trung gian chuyển cầu. Con người chưa biết Thiên Chúa nên cũng chưabiết cầu nguyện. Và chắc chắn là lời cầu nguyện của con người, nếu có, cũng không xứng đáng dâng lên trước toà Thiên Chúa, vì con người quá hèn lại còn tội lỗi nữa. Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu đã là một trung gian thế giá không những dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa mà còn đích thân cầu nguyện cho con người. Hôm nay, người tha thiết nói với Đức Chúa Cha: “Con cầu nguyện cho họ”. Người không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ yêu dấu, mà còn cầu nguyện cả cho những kẻ thù ghét hành hạ, giết chết Người. Trên thập giá, lúc gần tắt hơi, Người còn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết”.

Chúa Giêsu là trung gian nối kết. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Là Thiên Chúa, Người ngang hàng với Thiên Chúa, hiểu biết về Thiên Chúa. Là con người, Người đã sống như một con người với tất cả những buồn vui sướng khổ. Là Thiên Chúa, nên Người có thểgiới thiệu Thiên Chúa cho con người như Người nói: “Con đã cho họ biết danh Cha… vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con”. Là con người nên Người thông cảm với con người, có thể là đại diện, là trung gian cho con người với Đức Chúa Cha. Người đã nối kết Thiên Chúa với con người. Người là nhịp cầu nối đất trời với đất. Nhất là qua cuộc cứu chuộc, Người đã phá đổ bức tường ngăn cách, xoá bỏ thù hận, hoà giải con người với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là trung gian cứu độ. Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu độ loài người. Để cứu độ loài người, Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Người đã nêu gương tâm tình hiếu thảo để chuộc lại sự bất hiếu của loài người. Người đã nêu gương vâng phục để chuộc lại sự bất tuân của loài người. Người đã hoàn thành nhiệm vụ tôn vinh Chúa Cha như Người nói: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”. Người đã mở ra con đường cứu độ để từ nay tất cả những ai muốn được cứu độ phải đi tìm con đường ấy. Đó là chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó cho mỗi người trong cuộc sống trần gian. Đó là sống tâm tình hiếu thảo với Đức Chúa Cha. Tâm tình hiếu thảo được biểu lộ qua sự hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, cho dù phải đau khổ, phải chết. Con người Chúa Giêsu là con đường duy nhất. Vì dù ta có chu toàn nhiệm vụ, vâng phục Thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, ta cũng chỉ được ơn nghĩa qua Chúa Giêsu, nhờ công ơn Chúa Giêsu mà thôi.

Tạ ơn Chúa Cha đã ban cho ta Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương mặc khải cho biết Chúa Cha. Tạ ơn Chúa Giêsu Kitô đã chấp nhận thân phận loài người để ở giữa chúng ta, hoàn toàn thông cảm với thân phận yếu đuối con người chúng ta. Tạ ơn Chúa Giêsu Kitô đã mở cho ta con đường đi về với Chúa Cha, để cho ta được sự sống đời đời.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Bạn có tâm tình gắn bó với Đức Chúa Cha như Chúa Giêsu không?

2) Bạn ý thức vai trò trung gian của Chúa Giêsu như thế nào?

3) Bạn sẽ làm gì để sống niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu như Đấng Trung Gian duy nhất?

 

8. Lạy Chúa, đây là tất cả cuộc sống của con

William Allen White, một chủ bút nổi tiếng của tờ báo "Emporia Gazette", là một thành phần nhiệt thành của Đảng Dân Chủ. Một lần ông phải đi tham dự một buổi họp mặt của Đảng Cộng Hòa với tư cách là một phóng viên chính trị. Khi buổi họp khai mạc, người chủ hội đã mời ông White dâng lời nguyện chung. William Allen White đã từ chối ngay, "Không, tôi sẽ không cầu nguyện ở nơi đây bởi vì hai lý do. Thứ nhất là bởi vì tôi không được huấn luyện để cầu nguyện nơi chung. Thứ hai là bởi vì tôi không muốn Chúa biết tôi hiện diện ở nơi đây."

Sự tiến triển đời sống tâm linh của chúng ta bị hạn hẹp ở những phạm vi nào mà chúng ta cố ý để trốn tránh Thiên Chúa. Chúng ta cần phải biết rằng khi chúng ta càng biết đem Chúa vào từng lãnh vực của cuộc sống chúng ta thì mối tình của chúng ta sẽ càng khăng khít hơn, và chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài bên ta một cách thiết thực hơn.

Chúng ta có lẽ còn nhớ câu chuyện "Người đàn bà góa dâng cúng hai xu". Chúa Giêsu ngồi bên thùng dâng cúng của Đền Thờ, và Ngài nhìn thấy nhiều người bỏ vào thùng rất nhiều tiền. Tuy nhiên, điều Ngài nhận thấy là cho dù người ta có bỏ vô thùng dâng cúng rất nhiều, nhưng họ chỉ dâng cho Thiên Chúa những của dư, hoặc là họ làm như thế bởi vì họ đi tìm danh vọng. Món quà họ dâng cho Chúa không có chút thành tâm nào cả. Có lẽ một số trong chúng ta ngày nay cũng đang hành động như số người này.

Đến khi Chúa Giêsu nhìn thấy người đàn bà góa chỉ bỏ vô thùng dâng cúng có hai xu thì Ngài đã ca ngợi tấm lòng của bà ấy. Dĩ nhiên, đồng tiền dâng cúng là một điều cần thiết để giúp xây dựng cộng đoàn và làm cho nó tồn tại, thế nhưng, không phải vì đó mà chúng ta lạm dụng việc này để đạt một mục đích khác. Chúng ta bỏ tiền vô nhà thờ, nhưng chúng ta nên làm việc này với một tâm tình như người đàn bà góa. Bà đã làm với tất cả tấm lòng chân thành và yêu mến của bà. Chính vì lòng mến của bà mà bà đã không quản ngại dâng cho Chúa tất cả những gì bà có.

Có lẽ khi xét mình, chúng ta sẽ thấy rằng ở một lãnh vực nào đó, chúng ta nói với Chúa rằng "Xin Chúa tránh chỗ này trong cuộc sống của con! Đây là điều bí mật của con! Xin Ngài đừng đụng tới..." Kết quả là chúng ta đuổi Chúa ra khỏi những nơi quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, và đồng thời chúng ta cũng ngăn cản ơn thánh xuống trên chúng ta.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha rằng, "Phần Con, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho Con làm. Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con" (Ga 17, 4.10).

Chúng ta hãy nói với Chúa rằng, "Lạy Chúa, đây là tất cả cuộc sống của con, tất cả mọi hành vi trong ngoài của con, kể cả tiền bạc của cải! Con yêu Chúa! Con muốn bộc lộ tình yêu của con đối với Chúa! Tất cả những gì con có đều bởi Chúa ban cho con!"

 

9. Đau khổ và vinh quang

Nhiều người trong chúng ta thường phản ứng như thế này:

Họ lớn tiếng ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa khi gặp được những may mắn và thành công, nghĩa là khi cuộc đời mỉm cười với họ.

Thế nhưng, họ lại vội vã xúc phạm và nguyền rủa Thiên Chúa khi gặp phải những bất hạnh và khổ đau, nghĩa là khi cuộc đời trở thành một gánh nặng đè xuống trên vai họ.

Còn chúng ta thì sao?

Chúng ta nên nhớ rằng mình là người môn đệ của Đức Kitô bị đóng đanh. Vì thế, những gian nan và thử thách, những khổ đau và buồn phiền, những bắt bớ và cấm cách chỉ là chuyện thường tình, không bao giờ thiếu vắng trong cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, điều quan trọng và cần thiết, đó là chúng ta phải biết kết hợp những khổ đau của chúng ta với cuộc thương khó của Đức Kitô. Lúc đó, đau thương sẽ là đường lên ánh sáng, gian khổ sẽ là đường về vinh quang và thập giá sẽ là đường dẫn chúng ta tới sự phục sinh.

Thánh Phêrô đã nói với chúng ta:

- Anh em hãy vui mừng vì được thông phần vào sự thống khỏ của Đức Kitô để khi vinh quang của Ngài tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỉ.

Đứng trước những khổ đau, thay vì hậm hực tức tối, chúng ta phải biết nhìn nó bằng cặp mắt đức tin. Tư tưởng sau đây của một tu sĩ Ấn độ rất đáng cho chúng ta suy nghĩ:

- Khi người đàn bà vò chiếc áo của mình rồi đập nó trên dòng nước, thì bà ta không có ý vùi dập nó, trái lại, bà muốn nó được trắng hơn, sạch hơn để mặc trong những ngày lễ. Cũngvậy, khi Thiên Chúa thử thách con người và tẩy rửa nó bằng nước mắt, thì Ngài cũng muốn nó được trở nên giống Ngài hơn.

Chúng ta khóc lóc và tuyệt vọng khi mất đi một người thân yêu. Thế nhưng, khi mất đi một sự còn quí giá hơn cả những người thân yêu, thì tại sao chúng ta lại không khóc lóc: đó là khi chúng ta mất đi chính bản thân chúng ta.

Cha Chevrier đã viết như sau:

- Chính những khổ đau đã tôi luyện chúng ta trở nên những con người thực sự.

Hay như tục ngữ cũng đã nói:

- Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Có một vị thừa sai ở Bắc cực, ngày kia đã cằm một tượng thánh giá lớn trong tay để hôn. Nhưng vì trời quá lạnh khiến cho vị thừa sai ấy không còn làm chủ được những hành động của mình nữa.

Vì tê cóng khiến tay bị run, nên vị thừa sai ấy đã để cho tượng thánh giá đập vào môi và tạo nên một vết thương chảy máu.

Đây quả là một hình ảnh đẹp và có ý nghĩa.

Thực vậy, chúng ta phải hoàn tất công cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Ngày hôm nay, Ngài không còn đổ máu, nhưng đến lượt chúng ta: môi niệng, thân thể, trái tim cũng như tâm hồn chúng ta phải đổ máu.

Bởi đó, hãy bước đi với Chúa trên con đường thập giá, để nhờ đó chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

 

10. Cầu nguyện

Vào một buổi tối thứ bẩy, thầy giáo cùng với đội bóng của nhà trường đáp máy bay trở về sau một cuộc thi đấu. Thế nhưng máy bay bị trục trặc nghiêm trọng, phải đáp xuống khẩn cấp. Trong lúc hoảng hốt, một em học sinh đã kêu to. Xin thầy hướng dẫn chúng em cầu nguyện, tất cả chúng em đều sợ hãi lắm. Thầy giáo liền cầu nguyện lớn tiếng thay cho mọi người. Mấy phút sau, máy bay đáp xuống an toàn, không phát nổ và không có ai bị thương.

Tối hôm sau, thầy giáo đến nhà thờ cùng với gia đình và dâng lễ tạ ơn. Và trước khi đi ngủ, ông đã đóng cửa phòng và quì gối cầu nguyện:

- Lạy Chúa, mặc dầu con không biết được kế hoạch và ý định của Chúa, nhưng kể từ nay, con sẽ nhấn mạnh cho đám thanh thiếu niên được con huấn luyện biết rằng: Còn có điều quan trọng cho cuộc đời hơn là chỉ biết chơi bóng đá. Và giúp họ biết rằng Chúa đã dành cho cuộc đời chúng con một mục đích.

Từ câu chuyện trên và dựa vào nền tảng Kinh Thánh, chúng ta thấy có ba hình thức cầu nguyện.

Thứ nhất là cầu nguyện riêng, nghĩa là cầu nguyện một mình, giống như ông thầy giáo đã làm trong phòng riêng của mình trước khi đi ngủ.

Thứ hai là cầu nguyện theo nhóm, nghĩa là khi chúng ta cùng với gia đình hay bè bạn thân tín cầu nguyện chung với nhau, giống như ông thầy giáo cùng với các em đã làm khi chiếc máy bay lâm nạn.

Cuối cùng là cầu nguyện cộng đồng, nghĩa là khi chúng ta cầu nguyện cùng với cộng đồng Kitô hữu rộng lớn hơn, giống như trường hợp ông thầy và gia đình đi dâng lễ tạ ơn.

Trong cuộc đời, Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện dưới ba hình thức này. Trước hết Ngài đã cầu nguyện một mình. Sau một ngày vất vả, thì ban đêm, Ngài thường lên núi hay tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện, tâm sự, kết hiệp với Chúa Cha.

Tiếp đến Ngài cũng đã cầu nguyện trong những nhóm nhỏ, như với gia đình, với bè bạn. Các gia đình Do Thái thường có thói quen cầu nguyện chung với nhau. Và gia đình của Chúa Giêsu hẳn không nằm ngoài thói quen đó…

Rồi Ngài cũng thường cầu nguyện với các môn đệ. Phúc âm thánh Luca kể lại: Ngài đem Phêrô, Gioan và Giacôbê theo Ngài lên núi để cầu nguyện.

Sau cùng, Ngài đã cầu nguyện chung với cộng đoàn. Phúc âm đã nhiều lần nói rằng: Theo lệ thường, Chúa Giêsu đến hội đường vào ngày Sabbat để cầu nguyện. Từ mẫu gương của Chúa Giêsu, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong sách Tông đồ Công vụ, các môn đệ đầu tiên cũng đã cầu nguyện như thế. Chúng ta gặp thấy Phêrô cầu nguyện một mình, rồi các môn đệ tụ tập nhau thành từng nhóm nhỏ cầu nguyện, và cuối cùng chúng ta gặp thấy họ nhóm họp thành cộng đoàn để cầu nguyện như khi cử hành nghi thức bẻ bánh.

Còn chúng ta thì sao? Cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã cầu nguyện như thế? Chúng ta đã thực sự gặp gỡ, tâm sự và trò chuyện với Chúa trong những giây phút cầu nguyện hay chưa?

 

11. Abba – Lạy Cha

Bài Phúc âm hôm nay, trích từ “Cuộc nói chuyện cuối cùng” của Chúa Giêsu với các môn đệ ở Bữa Ăn Tiệc Ly, và thường được gọi là “Lời cầu nguyện của Đức Giêsu, Thầy cả Thượng phẩm”. Trong Cựu Ước, những thầy thượng phẩm thường dâng lời cầu nguyện với công thức: trước hết, cầu nguyện cho chính họ, rồi cho những người thân nhân, và sau cùng cho toàn thể cộng đoàn Israel.

Theo cùng một công thức, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chính Ngài, rồi sau đó cho các môn đệ của Ngài, và sau cùng cho tất cả mọi người tin tưởng vào Ngài. Bài Phúc âm hôm nay chỉ gồm phần Chúa Giêsu cầu nguyện cho chính Ngài và một phần cầu nguyện cho các môn đệ. Chúng ta nhận thấy có hai điểm nổi bật:

1) Chúa Giêsu vô cùng yêu mến Cha trên trời của Ngài: Các nhà chú giải Thánh Kinh đếm được trong Phúc âm của Gioan, Chúa Giêsu dùng chữ “Abba, Cha” để chỉ về Thiên Chúa ít nhất 170 lần. Riêng trong toàn thể lời cầu nguyện này, chữ “Abba, Cha” đã được dùng tới 59 lần. Và trong tất cả các thư của thánh Phaolô đều mở đầu bằng việc tuyên xưng Thiên Chúa là Cha.

2) Chúa Giêsu cũng vô cùng yêu mến các môn đệ của Ngài: Trong lời cầu nguyện này, Ngài đã nhắc đến họ 49 lần.

Trong ngôn ngữ Do Thái cổ Aramaic, tiếng “Abba” là một từ rất đặc biệt dùng diễn tả sự thân mật yêu thương, nồng nàn nhất. Đặc biệt vì hình thức tự nhiên của nó, không khách sáo, không kiểu cách, không hình thức. Đây là một mạc khải đầy ngạc nhiên mà Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết. Ngài mời gọi chúng ta kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, một người Cha yêu mến và săn sóc chúng ta.

Tình yêu đó được diễn tả trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc con người. Trong bài giáo lý “Thiên Chúa là Tình Yêu” vào dịp mừng Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Chân lý Thiên Chúa là tình yêu làm nên đích điểm của tất cả những gì đã được mạc khải, “qua các tiên tri và trong những ngày sau hết này qua Người Con”… Tình yêu vẫn là một diễn đạt của quyền toàn năng đối diện với sự dữ, với tội lỗi của các thụ sinh. Chỉ có tình yêu toàn năng mới có thể rút được sự lành từ sự dữ, sự sống mới từ tội lỗi và sự chết thôi. Tình yêu như một quyền lực ban sự sống và làm sinh động. Tình yêu hiện diện trong toàn thể mạc khải”.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tình yêu Thiên Chúa khi loài người chuẩn bị bước sang ngàn năm Thứ Ba với tâm thức đầy kiêu căng và tự phụ của mình. Hơn bao giờ hết, con người ngày nay tỏ ra chống lại với một Thiên Chúa của tình thương. Họ có khuynh hướng muốn loại trừ tình yêu Thiên Chúa ra khỏi đời sống và ra khỏi cõi lòng của con người.

Đang khi con người càng ngày càng muốn đặt niềm tin vào chính mình và vào thế giới vật chất, thì họ cũng càng ngày càng gặp nhiều vấn đề nan giải. Bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, bất công, thù hận… dường như đã gia tăng theo sự phát triển của nền văn minh hiện đại mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi là nền “văn hóa của sự chết”!

Con người ngày nay đã cố tình muốn quên đi diễm phúc tinh thần cao cả và vinh quang khôn lường được làm con cái Thiên Chúa, để mặc vào những ảo ảnh phù vân của vật chất và trần gian như Đức cố Hồng Y John Henry Newman đã nhận xét:

“Sự giàu có là vị thần vĩ đại của ngày nay: rất nhiều người, tầng tầng lớp lớp người tự nhiên tôn vinh vị thần này. Người ta đo hạnh phúc bằng cái thước của tài sản, và người ta đo sự đáng kính cũng bằng cái thước này… Người ta xác tín như vậy vì tin rằng có tiền thì làm gì cũng được. Như vậy sự giầu có là một trong những thần tượng của ngày nay. Một thần tượng khác nữa là danh vọng… Được danh tiếng, được người ta biết đến mình, có tiếng vang trên thế giới (đó là danh tiếng trên báo chí), đã được người ta coi là một sự thiện, là sự thiện tối cao, và một điều được người ta thật sự tôn quý”.

Diễm phúc được làm con cái Thiên Chúa được Giáo Hội diễn tả như sau: “Thiên Chúa đã đặt chúng ta ở thế gian này để nhận biết Ngài, phụng sự Ngài và yêu mến Ngài, và như vậy chúng ta sẽ được lên thiên đàng. Vinh phúc cho ta được dự phần vào bản tính thần linh và được tham dự vào sự sống vĩnh cửu. Với cuộc sống vĩnh cửu, con người bước vào vinh quang của Chúa Kitô và được hưởng sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta tham gia vào tình yêu và hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng Ngài còn nỗ lực kiếm tìm chúng ta như tìm kiếm một con chiên lạc. Công cuộc kiếm tìm này khởi sự với sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa đi tìm con người vì họ đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài, giống như Ngài. Bởi từ đời đời Ngài đã yêu thương họ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả như sau:

“Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình”.

 

12. Abba – Lạy Cha

Cha Anthony De Mello đã ghi lại cảm nghiệm làm con cái Thiên Chúa của ngài như sau: “Tôi sống mối quan hệ rất tốt với Chúa. Tôi trò chuyện với Ngài, cầu xin, chúc tụng, tạ ơn Ngài. Nhưng tôi cứ có cảm giác khó chịu là Ngài muốn tôi nhìn vào mắt Ngài. Nhưng tôi không nhìn. Tôi chỉ nói và nhìn ra nơi khác nếu tôi cảm thấy như thể Ngài đang nhìn tôi. Tôi thường xuyên nhìn ra nơi khác như thế, vì tôi sợ ! Tôi nghĩ rằng cặp mắt Ngài sẽ tố giác tôi về những tội lỗi nào đó chưa chừa được ! Hoặc là cặp mắt đó sẽ đòi hỏi tôi phải làm điều gì đó. Cuối cùng, một ngày kia, tôi thu hết can đảm và nhìn lên. Không có tố giác ! Chẳng có đòi hỏi ! Cặp mắt ấy chỉ muốn nói: “Cha yêu con !” Tôi nhìn lại nữa. Cũng vẫn lời nhắn nhủ ấy: “Cha yêu con !” Tôi bước ra ngoài, và như thánh Phaolô xưa, tôi khóc”.

Trong cuốn “Abba, Lạy Cha !” khi suy niệm về kinh Lạy Cha, Đức Cha Bùi Tuần chia sẻ: “Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thiên Chúa là Cha, không phải chỉ là Cha của Chúa Giêsu, mà cũng là Cha của tôi, của bạn, của chúng ta. Cha trên trời của chúng ta có vô vàn vẻ đẹp. Nhưng có một đặc điểm mà thánh Phaolô đã cho là rất đẹp, rất quan trọng, rất cần nêu lên, đó là lòng thương xót – Deus Dives in Misericordia – Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Đó là một hình ảnh rất đúng và cũng rất dễ hiểu về Thiên Chúa”.

Khi khẩu súng máy mới bắt đầu được phát minh, đã có một vấn đề xảy ra. Nếu khẩu súng máy bắn liên tục trong một thời gian sẽ làm nóng đỏ nòng súng lên và gây ra kẹt đạn. Trong một số trường hợp, nòng súng có thể bị nổ tung ra. Lúc ban đầu đã có hai biện pháp đơn giản được đưa ra để giải quyết vấn đề này: hoặc là thay đổi nòng súng khác, hay tạm ngưng bắn trong một thời gian nào đó.

Sự dồn dập và căng thẳng của cuộc sống vật chất đang đè nén trên tâm hồn con người giống như nòng súng đã bị nóng đỏ lên, cần phải làm cho nó mát lại hoặc được nghỉ ngơi. Con người cần phải trở về nguồn sức mạnh thần linh thực sự của mình và nhận biết tình yêu Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô”.

Trong quyển sách “The Gift of Peace”. Đức cố Hồng Y Joseph Bernadin đã kể về tình yêu của cha ngài đối với con cái. Khi ngài vừa lên 4 tuổi, cha ngài đã bị bệnh ung thư, và trải qua một cuộc giải phẫu ở vai trái. Một hôm đến nhà người bạn chơi, vô tình ngài bị ngã từ lan can hiên nhà rơi xuống đất, rồi khóc thét lên… Ngay lập tức, cha ngài nhẩy qua lan can phóng xuống đất, bồng ngài lên và hỏi: “Con có sao không?” Nằm gọn trong cánh tay của cha rồi, ngài mới nhận thấy máu đỏ từ vết thương mới mổ ở vai đã chảy ra, ngấm qua những lớp băng, ướt vai áo sơ mi trắng ngắn tay của cha. Người cha đã không kể gì đến vết thương mới mổ, mà chỉ lo cho tính mạng của người con. Thật là một tình yêu hy sinh đến quên mình vì con cái của một người cha nhân ái.

Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời cũng yêu thương con cái vô cùng, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dùng lời Thánh Kinh mà nói rằng: “Chân lý, được mạc khải nơi Chúa Kitô, về Thiên Chúa là “Người Cha giầu lòng Thương Xót”, cho chúng ta thấy Ngài đặc biệt gần gũi với con người, nhất là khi con người chịu đau khổ, bị đe dọa ở ngay giữa cuộc hiện hữu và phẩm vị của mình”.

 

13. Chính ở nơi họ mà Con được vinh hiển

(Suy niệm của Cao Tấn Tĩnh)

Hôm nay là Chúa Nhật và là tuần cuối cùng của Mùa Phục Sinh 50 ngày. Chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh từ Chúa Nhật IV Phục Sinh vẫn tiếp tục nơi bài Phúc Âm của Chúa Nhật VII Phục Sinh hôm nay. Bài Phúc Âm hôm nay là phần đầu của Lời Nguyện Tiệc Ly. Lời Nguyện Tiệc Ly của Chúa Giêsu được Giáo Hội chia ra làm ba phần cho ba bài Phúc Âm của ba Chu Kỳ Phụng Vụ A, B và C, thuộc Chúa Nhật VII Phục Sinh hằng năm. Theo nội dung của mình, có thể nói, Lời Nguyện Tiệc Ly là đoạn Phúc Âm Tâm Điểm của riêng Bốn Phúc Âm và của chung Toàn Bộ Thánh Kinh. Vì đoạn Phúc Âm này cho thấy Toàn Diện Mạc Khải Thần Linh về Dự Án Cứu Độ cũng như Công Cuộc Cứu Độ của Thiên Chúa. Ý chính của Lời Nguyện Tiệc Ly này là "sự sống đời đời", một sự sống được Con thông ban cho Giáo Hội (phần nhất), một Giáo Hội ở thế gian song không thuộc về thế gian (phần hai), để Giáo Hội được hiệp nhất nên một với Cha và Con cho thế gian nhờ Giáo Hội mà được sự sống (phần ba).

Vì tính cách quan trọng của Lời Nguyện Tiệc Ly này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu từng câu một:

"Lạy Cha, đã đến giờ rồi! Xin hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha cũng được tôn vinh Cha, vì Cha đã ban cho Người quyền bính trên toàn thể nhân loại, để Người ban sự sống đời đời cho những ai Cha đã trao cho Người. (Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô)".

"Đã đến giờ rồi!" Đây là giây phút tuyệt đỉnh của Lời Nhập Thể trong tất cả thời gian sống trên trần thế của Người, đến nỗi, nếu không có giây phút này, cũng không cần đến giây phút Nhập Thể, cũng không có giây phút Tạo Dựng, không có gì cả.

"Xin hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha cũng được tôn vinh Cha": Sở dĩ "giờ" khắc Chúa Giêsu nói đến ở đây vô cùng quan trọng như vậy, là vì đó là giây phút Thiên Chúa Thần Hiển. Không phải là một cuộc thần hiển như những cuộc thần hiển biểu hiện trong Cựu Ước, như cuộc thần hiển ở bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi (x Ex 3:2), hay cuộc thần hiển trên núi Sinai trước khi Thiên Chúa ban Thập Giới (x Ex 19:16). Mà chính là một Thực Tại Thần Linh Hiện Thực, một cuộc Thần Hiển tỏ hiện tất cả Nội Tâm của Thiên Chúa. Ở chỗ, Cha tôn vinh Con và Con tôn vinh Cha. Cha tôn vinh Con, ở chỗ, Cha chứng tỏ Con thực sự là Con của Cha, thực sự là Đấng Ngài sai. Và Con tôn vinh Cha, ở chỗ, Con chứng tỏ rằng Con được Cha sai, Con từ Cha mà đến. Và Cuộc Thần Hiển Thực Tại Thần Linh về việc Cha Con tôn vinh nhau này được thực hiện qua Biến Cố Vượt Qua, như đã chia sẻ ở Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm A: "Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô thực sự là việc 'Thày đi để dọn chỗ cho các con', một biến cố là tuyệt đỉnh Mạc Khải Thần Linh: 'Thày ở trong Cha' qua việc Tử Giá, dấu chứng tỏ Người được Cha sai; và 'Cha ở trong Thày' qua việc Phục Sinh, dấu Cha chứng tỏ Chúa Kitô đúng là 'Đấng Cha sai'".

"Vì Cha đã ban cho Người quyền bính trên toàn thể nhân loại, để Người ban sự sống đời đời cho những ai Cha đã trao cho Người". Sở dĩ có Cuộc Thần Hiển Vượt Qua vô tiền khoáng hậu, Cuộc Thần Hiển của "giờ" khắc quan trọng nhất trong lịch sử tạo vật nói chung và lịch sử loài người nói riêng này cần phải thực hiện, cần phải xẩy ra, là vì Thiên Chúa muốn cho "toàn thể nhân loại" được thông hưởng Sự Sống Thần Linh của Ngài trong Con Ngài là Lời Nhập Thể. "Quyền bính trên toàn thể nhân loại" đây không phải là khả năng thông ban "sự sống đời đời", mà là tư cách "quyền bính" của Con Ngài khi nhập thể, tức tư cách đóng vai "là trưởng tử của tất cả mọi tạo vật" (Col 1:15), "là trưởng tử của một đàn em đông đúc" (Rm 8:29), "là đầu của thân thể Giáo Hội" (Col 1:18). Và đó là lý do thành phần đầu tiên và trên hết Con cho tham hưởng "sự sống đời đời" đây chính là "những ai Cha đã trao cho Người". Điển hình là thành phần tông đồ chứng nhân tiên khởi, nền tảng của Giáo Hội Chúa Kitô (x Eph 2:20), thành phần sẽ được trực tiếp lãnh nhận "sự sống đời đời" từ Người, cũng là thành phần cần phải thông ban "sự sống đời đời" này cho "toàn thể nhân loại".

"(Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô)". Phải, "toàn thể nhân loại" nói chung, và thành phần "những ai Cha đã trao cho Con" nói riêng, được thông hưởng "sự sống đời đời" đây tức là được Lời Nhập Thể ban cho họ có một Kiến Thức Thần Linh, để nhờ đó họ có thể "nhận biết": Cha là Thiên Chúa và Con là Đấng Thiên Sai, hay có thể "nhận biết" Thực Tại Thần Linh "Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày", một Thực Tại được Chúa Giêsu mạc khải ở Phúc Âm Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A, một Thực Tại được hiện thực bằng Cuộc Vượt Qua của Lời Nhập Thể, một Biến Cố Thần Hiển Cha tôn vinh Con, Con tôn vinh Cha.

"Con đã tôn vinh Cha trên mặt đất này, bằng cách chu toàn những gì Cha đã bảo Con làm. Giờ đây, Cha ơi, xin hãy ban cho Con vinh hiển ở bên Cha, vinh hiển Con có nơi Cha trước khi thế gian được tạo thành. Con đã tỏ danh Cha cho những người Cha đã trao cho Con trên thế gian. Những người Cha đã trao cho Con này là của Cha; họ đã giữ lời Cha. Giờ đây họ nhận biết rằng tất cả những gì Cha đã ban cho Con đều từ Cha mà đến. Con đã ký thác cho họ sứ điệp Cha đã trao phó cho Con, và họ đã nhận lấy sứ điệp này. Họ đã thực sự biết rằng Con từ Cha mà đến, họ tin rằng chính Cha là Đấng đã sai Con".

"Con đã tôn vinh Cha trên mặt đất này, bằng cách chu toàn những gì Cha đã bảo Con làm". Đúng thế, đường lối duy nhất để Lời Nhập Thể có thể chứng thực mình là Đấng Thiên Sai đó là "chu toàn những gì Cha đã bảo Con làm". Và chính khi "chu toàn những gì Cha đã bảo Con làm" là "Con đã tỏ Cha ra" (Jn 1:18), tức đã làm cho Cha được nhận biết "trên trái đất này". Ở chỗ, đã cho riêng Dân Chúa nhận biết rằng "Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất", một Vị Thiên Chúa của Giao Ước, của Lời Hứa, và cũng là Vị Thiên Chúa đã trung thành giữ những gì Ngài hứa, trung thành với giao ước của mình, bất chấp việc con người trắng trợn và liên lỉ bất trung, như Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái trong Cựu Ước cho thấy.

"Giờ đây, Cha ơi, xin hãy ban cho Con vinh hiển ở bên Cha, vinh hiển Con con có nơi Cha trước khi thế gian được tạo thành". Chính vì "Con đã tôn vinh Cha trên trái đất này, bằng cách chu toàn những gì Cha đã bảo Con làm" như thế mà Con cũng tỏ cho thế gian thấy rằng Con chính là Con Cha. "Vinh hiển ở bên Cha, vinh hiển Con có nơi Cha trước khi thế gian được tạo thành" " là ở chỗ đó, là ở chỗ Con là Con Cha, "là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Heb 1:3). Một "phản ảnh vinh quang" và "một hiện thân" mà khi "hóa thành nhục thể" (Jn 1:14), Con đã thể hiện rõ ràng qua việc "chu toàn những gì Cha đã bảo Con làm".

"Con đã tỏ danh Cha cho những người Cha đã trao cho Con trên thế gian. Những người Cha đã trao cho Con này là của Cha; họ đã giữ lời Cha. Giờ đây họ nhận biết rằng tất cả những gì Cha đã ban cho Con đều từ Cha mà đến". Vẫn biết Con có "quyền bính trên toàn thể nhân loại", nhưng, trước hết và trên hết, "Con đã tỏ danh Cha cho những người Cha đã trao cho Con trên thế gian". Bởi vì, "Những người Cha đã trao cho Con này là của Cha", tức thành phần Cha "lôi kéo" (Jn 6:44), hay Cha "cho phép" (Jn 6:65), mới có thể "giữ lời Cha", tức mới có thể "đến cùng" Con (là Lời Cha), hay mới có thể "chấp nhận" (Jn 1:12) Lời Nhập Thể: "Giờ đây họ nhận biết rằng tất cả những gì Cha đã ban cho Con đều từ Cha mà đến" là như thế. Hay họ nhận biết Con từ Cha mà đến, Con "là hiện thân đích thực của bản thể Cha" cũng vậy.

"Con đã ký thác cho họ sứ điệp Cha đã trao phó cho Con và họ đã nhận lấy sứ điệp này. Họ đã thực sự biết rằng Con từ Cha mà đến, họ tin rằng chính Cha là Đấng đã sai Con". Cũng chính vì "những người Cha đã trao cho Con trên thế gian" biết chấp nhận Con như thế mà "Con đã ký thác cho họ sứ điệp Cha đã trao phó cho Con và họ đã nhận lấy sứ điệp này". Nghĩa là, "họ đã thực sự biết rằng Con từ Cha mà đến, họ tin rằng chính Cha là Đấng đã sai Con". Vì "sứ điệp Cha đã trao phó cho Con" để "Con ký thác cho họ" cũng chính là nội dung của những gì họ nhận biết, những gì họ tin, đó là "Con từ Cha mà đến và Cha là Đấng đã sai Con".

"Con cầu nguyện cho những người này - Con không cầu cho thế gian, song cho những người Cha đã trao cho Con, vì họ thực sự là của Cha. (Như tất cả mọi sự thuộc về Con đều là của Cha thế nào thì tất cả những gì thuộc về Cha đều là của Con). Chính ở nơi họ mà Con được vinh hiển. Con không còn ở thế gian này nữa, nhưng những người này còn ở thế gian khi Con về cùng Cha".

"Con cầu nguyện cho những người này - Con không cầu cho thế gian, song cho những người Cha đã trao cho Con, vì họ thực sự là của Cha". Sở dĩ "Con cầu nguyện cho những người này", mà "không cầu cho thế gian", không phải là vì thế gian đáng ghét, hay thế gian không đáng được cầu nguyện cho, nhưng dầu sao thế gian nói chung vẫn không cao qúi bằng "những người Cha đã trao cho Con, vì họ thực sự là của Cha", đồng thời cũng là của Con nữa: "mọi sự của cha cũng là của con" (Lk 15:31) là như thế: "(Tất cả mọi sự thuộc về Con đều là của Cha thế nào thì tất cả những gì thuộc về Cha đều là của Con như vậy)". Một lý do nữa làm Con hết sức qúi trọng "những người Cha đã trao cho Con", chẳng những qua việc cầu nguyện cho họ, mà còn tỏ Danh Cha cho họ, ký thác sứ điệp của Cha cho họ, nghĩa là cho họ tất cả những gì Con có, là vì "chính ở nơi họ mà Con được vinh hiển", mà Con được nhận biết Con từ Cha mà đến, Con chính là Con Cha, một vinh hiển Con đã có nơi Cha trước khi thế gian được tạo thành: "Từ ban đầu đã có Lời; Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa" (Jn 1:1).

"Con không còn ở thế gian này nữa, nhưng những người này còn ở thế gian khi Con về cùng Cha". Câu cuối cùng này trong Lời Nguyện Tiệc Ly ở phần thứ nhất cho Chúa Nhật VII Phục Sinh Năm A hôm nay là một câu kết theo kiểu lưng chừng, chưa trọn nghĩa, còn cần phải được tiếp nối… nơi bài Phúc Âm cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm B của cùng Chúa Nhật VII Phục Sinh hôm nay.

Vấn đề thực hành sống đạo:

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, Kitô hữu chúng ta đã thuộc về thành phần "những người Cha đã trao cho Con". Bởi thế, dù bản thân vô cùng bất xứng, chúng ta cũng thực sự trở nên hết sức cao trọng trước nhan Chúa Giêsu Kitô. Đến nỗi, dù chỉ là một con chiên lạc duy nhất trong đàn 100 con, Người cũng đi tìm nó cho bằng được, và vui mừng vác thập giá trên vai mang nó về (x Lk 15:4-5). Hay dù chúng ta có phung phá hết gia tài ân sủng được chia cho chúng ta nơi Phép Rửa, Người cũng mong mỏi chúng ta trở về với Người, và khi vừa thấy chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi, Người liền tự động chạy đến ôm chặt lấy chúng ta trong tòa giải tội, trả lại cho chúng ta nhân đức và công nghiệp đã mất bởi tội, và mở tiệc Thánh Thể ăn mừng chúng ta sống lại (x Lk 15:11-24). Tất cả chỉ vì chúng ta "thực sự là của Cha". Thế nhưng, đáp lại, chúng ta đã sống như lòng Người mong đợi ở chúng ta chưa: "chính ở nơi họ mà Con được vinh hiển"?

home Mục lục Lưu trữ