Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1374632

XIN CHÚA BAN NHIỀU TÔNG ĐỒ MỞ NƯỚC CHÚA

XIN CHÚA BAN NHIỀU TÔNG ĐỒ MỞ NƯỚC CHÚA– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

“Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng ” (Ez 34, 10). Các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên đây? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa : “Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa ” (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân vì để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố : “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng ” (Ez 34, 10). Thiên Chúa chăm nom chiên như thế nào? Ngài phán : ” Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel ” (Ez 34, 13-14).

Những “ngọn núi Israel ” theo các tác giả Thánh Kinh là nơi an nhàn, có suối nước trong lành, không có gì độc hại và nguy hiểm, nơi ấy có đồng cỏ non tốt tươi, màu mỡ (x. Ez 34, 13-15). Nếu ta muốn an toàn thoải mái, hãy đến đó tận hưởng.   “Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức ” (Ez 34, 16). Những ngọn núi chúng ta vừa nói ở trên còn ám chỉ dòng suối chảy Tin Mừng được rao giảng từ các Tông Đồ cho đến tận cùng thế giới : ” Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển ” (Ps 18, 5).

Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố : ” Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14 ).

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác : “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).

Chúa Giêsu còn nói về các con chiên : ” Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất ” (Ga 10, 27).

Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời.

Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo hội gọi Chúa nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử  tiếp bước, Người muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân mình để bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về.

Vì thế, chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay được Đức Thánh Cha đưa ra là : “Được Thần Khí Dẫn Dắt Cho Việc Truyền Giáo ” như một dấu nhấn đối với người rằng “không thể không có sự cổ võ cho ơn gọi hoặc sứ mạng Kitô Giáo tách ra khỏi đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ”. Đức Thánh Cha nói : “Dấn thân cho việc truyền giáo không phải là một điều gì thêm vào đối với đời sống Kitô Giáo như một kiểu trang trí, mà thay vào đó là một yếu tố thiết yếu của chính niềm tin. Một mối quan hệ với Thiên Chúa”, và Ngài khích lệ mối quan hệ sâu sắc này với Chúa, ” trên hết vì sự khẩn xin từ trên cao những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và đời thánh hiến “. Ngài nhắc lại rằng, ngang qua “Phép rửa, mọi Kitô Hữu là một ‘Christopher’, một người mang lấy Đức Kitô, cho anh chị em của mình”.

Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết rằng : “Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người”. Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ “hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại “Hãy đến! Hãy theo ta”. Theo Chúa Giêsu “có nghĩa là nhấn chìm ý muốn của chính mình vào thánh ý Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho thánh ý Người và đặt Chúa Giêsu ở vị trí đầu so với tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta : gia đình, công việc, những lợi ích ca nhân và bản thân”.

Xin cho giới trẻ hôm nay đang ở giữa biết bao những gợi ý nông cạn và phù phiếm, tạm thời, biết chuyên tâm trau dồi nét hấp dẫn đối với các giá trị, các mục tiêu cao thượng, những chọn lựa triệt để, hầu phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Đáp trả quảng đại và mau lẹ tiếng Chúa Kitô kêu gọi đi theo Người sát sao hơn nữa, đặc biệt với các thế hệ mới. Amen.

——————————————————————-

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- NĂM A

CỬA CHUỒNG CHIÊN- Lm. Inhaxio Trần Ngà

Khi xây nhà, quan tâm hàng đầu của chủ nhà là lắp đặt các khuôn cửa thật vững chắc để bảo vệ cho bản thân cũng như cho tài sản của mình.  Khi vắng nhà hoặc vào ban đêm, chủ nhà phải khóa cửa cài then cẩn thận để bảo đảm cho người nhà được yên giấc và của cải được an toàn.

Người ta có thể tìm thấy trên thị trường nhiều chủng loại cửa vững chắc và kiên cố để bảo vệ người nhà và tài sản, nhưng biết tìm đâu ra một thứ cửa đủ kiên cố có thể bảo vệ linh hồn con người được an toàn trước những đợt tấn công khốc liệt của ác thần?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su tự giới thiệu mình như một thứ Cửa chuồng chiên. Khi Cửa đóng lại, chiên bên trong được an toàn; khi Cửa mở ra, đoàn chiên sẽ được dẫn tới đồng cỏ xanh tốt.

Cửa đóng lại để bảo vệ chở che

Chúa Giê-su nói: “Tôi là Cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. Như thế, Ngài tự xem mình như cánh cửa được đóng lại sau khi đoàn chiên đã vào bên trong chuồng chiên. Nhờ đó, đoàn chiên được bảo vệ an toàn, không bị trộm cướp và ác thú giết hại.

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại có nhiều cạm bẫy của ác thần, nhiều nọc độc của văn hoá sự chết, nhiều cám dỗ tệ hại lôi kéo nhân loại vào vòng sa đoạ như  trong thế kỷ hôm nay.

Vô vàn sách báo xấu xa, phim ảnh đồi trụy, tư tưởng độc hại, lối sống thác loạn… được quảng bá khắp nơi trên thế giới, được tung lên mạng lưới điện toán toàn cầu làm sai lệch méo mó lương tâm con người, khiến người ta xem tội ác là chuyện bình thường, giải quyết tranh chấp bằng bạo lực là chính đáng, xem hôn nhân đồng tính là lẽ tự nhiên, xem việc huỷ hoại đời sống chung thuỷ của vợ chồng là chuyện nhỏ…

Trước những nguy cơ khủng khiếp như thế đang đe doạ nhân loại trên khắp thế giới, chỉ có một lá chắn vững chắc, một cánh cửa an toàn, một thành trì kiên vững là Chúa Giê-su. Giáo huấn của Ngài là tấm Cửa che chắn đoàn chiên được an toàn không kẻ thù nào xâm hại được, nếu chiên biết lắng nghe.

Cửa mở ra để dẫn  đưa vào đồng cỏ thiêng liêng

Không chỉ đóng lại để bảo vệ chở che, Cửa Giê-su còn mở ra để mở lối cho nhân loại tiến vào đồng cỏ thiêng liêng. “Tôi là Cửa. Ai qua tôi … thì sẽ gặp đồng cỏ… Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào. (Gioan 10, 9-10)

Các vị đại thánh trong Giáo Hội như Phan-xi-cô Át-xi-di, Phan-xi-cô Xa-vi-ê, Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su của những thế kỷ trước hay những nhân vật tầm cỡ như thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, Chân Phước Tê-rê-xa Calcutta thời nay, nhờ được nuôi ăn trong cánh đồng cỏ thiêng liêng nầy nên đã được trở thành những danh nhân của nhân loại và những thánh nhân sáng ngời trong Hội Thánh.

Nhân loại hôm nay như đàn chiên đói khát, đói khát lương thực tinh thần cách khẩn thiết, nhưng tiếc thay, còn lắm người chưa chấp nhận bước qua Khung Cửa Giê-su để được dẫn vào đồng cỏ thiêng liêng để bồi bổ cho tâm linh mình.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là Cửa đóng lại che chắn nên chúng con được bảo vệ khỏi sự xâm nhập và tàn phá của ác thần;

Chúa là Cửa mở ra đồng cỏ xanh, nên chúng con được nuôi dưỡng sung mãn với vô vàn ân phúc của Chúa.

Xin cho nhân loại hôm nay biết tin nhận Chúa là Đấng bảo vệ che chở và dưỡng nuôi họ, nhờ đó mọi người được vui hưởng hồng phúc và an lạc muôn đời. Amen.

——————————————-

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- NĂM A

CẦU NGUYỆN NHIỀU CHO DÂN CHÚNG- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Căn tính Linh mục có hai chiều kích, một hướng lên Thiên Chúa, và một hướng về nhân loại. Hướng lên Thiên Chúa, căn tính Linh mục hệ tại sự thánh thiện. Hướng về con người, căn tính ấy hệ tại dấn thân phục vụ với đức ái mục tử.

Phần xướng đáp phụng vụ Kinh Chiều lễ các thánh Mục tử, chúng ta đọc : “Đây là người đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”. Câu nói ngắn nhưng bao hàm đầy đủ nội dung của sứ vụ Mục Tử. Tình yêu mục tử nối kết cả ba khía cạnh đó : Có yêu thì mới sống hết tình, tận tụy phục vụ. Có yêu thì mới nhớ đến và cầu nguyện cho. Và có yêu thì mới dám hy sinh mạng sống, đây là tình yêu đạt đến đỉnh điểm. Chúa Giêsu – Mục Tử Nhân Lành đã nêu gương về cả ba khía cạnh này cho mọi mục tử trong Giáo hội.

Sống hết tình với anh em

Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Ngài rao giảng miệt mài từ sáng đến khuya, quên cả ăn ngủ, mệt lử đến nỗi ngủ say như chết, sóng gió tơi bời mà không hay; dân chúng “tấp nập kẻ lui người tới, đến nỗi thầy trò không có giờ nghỉ ngơi” (Mc 6,31), chữa mọi thứ bệnh tật cho dân, thậm chí cả vào ngày sabbat khiến bị chỉ trích; hóa bánh ra nhiều để nuôi dân đi theo nghe giảng; hóa nước thành rượu để giữ thể diện cho đôi tân hôn. Ngài làm nhiều phép lạ chữa quỷ ám, mù lòa, điếc câm, cả chết rồi cho cũng sống lại. Ngài gần gũi người nghèo, bà góa, trẻ em, bênh vực họ… Biết bao việc làm chứng rằng Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Cầu nguyện cho dân chúng : cho mọi người, cho các môn đệ, cho kẻ ghét mình, cầu nguyện thâu đêm, lúc sắp chết mà còn cầu xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình, lại bào chữa rằng vì họ lầm không biết việc họ làm. Tấm lòng của Chúa thật là tuyệt vời. Hy sinh tính mạng vì anh em, đó là điều Chúa Giêsu đã làm, và là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Chúa : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,12). Ngài có thể thoát khỏi cái chết, nhưng ngài không làm : “Không ai có thể cướp mạng sống tôi, nhưng tự tôi hiến mạng” (Ga 10,18).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là mẫu gương về đức ái mục tử. Ở tuổi 76 khi được bầu làm giáo hoàng, sức khỏe của ngài không tốt, vì đã bị mất một lá phổi. Ở tuổi này người ta nghỉ hưu, nhưng đức Phanxicô đã can đảm chấp nhận. Những năm qua, ngài làm việc thật nhiều, vì ngài biết không còn nhiều thời gian trước mắt. Ngài đã khơi bùng lên niềm vui và hy vọng cho Giáo Hội. Ngài làm say mê hàng trăm triệu con tim, nhiều người bỏ đạo quay về với Giáo Hội, nhiều kẻ lâu nay hờ hững với Mẹ Hội Thánh nay lao vào vòng tay yêu thương vẫn giang rộng chờ đón của ngài. Số người thiện cảm gia tăng. Ngài đang “hồi sinh” Giáo Hội !

Với chủ trương “Giáo hội nghèo cho người nghèo”, ngài yêu thương người nghèo và chọn nếp sống giản dị. Ngài ban hành tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng để mở một trang mới cho công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, và khích lệ Giáo Hội đứng dậy, mở cửa, ra đi đến tận vùng ngoại vi để loan Tin Mừng. Ngài mở Năm Thánh Lòng Thương Xót để toàn thể Giáo Hội cảm nếm tình yêu tha thứ vô biên của Chúa. Ngài ban hành tông huấn Laudato Si’ kêu gọi bảo vệ môi trường, gìn giữ vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp là ngôi nhà chung mà Chúa đã tạo dựng. Ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để tìm phương cách giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du mục vụ, chủ lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới. Ngài cũng vừa ban tông huấn Niềm Vui Yêu Thương về tình yêu thương trong gia đình.Ngài đã làm được quá nhiều việc trong một thời gian vắn vỏi ! Ngài thật là Mục Tử nhân lành, là hiện thân của Chúa Giêsu. Gương sáng, lời rao giảng và chứng tá của ĐTC Phanxicô đã khiến nhiều giám mục và linh mục quyết định sống theo “phong cách” của ngài, họ tự nhận là thuộc “thế hệ Phanxicô”, từ chối sống trong những tòa nhà sang trọng, tự lái xe, tự đi chợ nấu ăn, sống gần gũi người nghèo, giản dị như một người bình dân, đề cao và bảo vệ quyền lợi của những người thấp kém và trẻ em.

“Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn thầy dạy, nếu họ tin thầy dạy, chính là vì thầy dạy ấy cũng đồng thời là chứng nhân” (Đức Phaolô VI). Một trăm bài giảng hay ho không giá trị bằng một việc làm nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa sẽ chỉ hiệu quả nếu người ta vừa nhận ra niềm tin nơi lời rao giảng, vừa nhận thấy tình yêu thương nơi hành động và phong cách sống của người ấy.

Mọi người kỳ vọng các linh mục sẽ giống Chúa Giêsu Mục Tử theo phong cách của Đức Phanxicô,  sẽ là hiện thân của Đấng đến “không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Linh mục được đánh giá theo như cung cách phục vụ của ngài : tận tụy, cần mẫn, trung tín, nhưng không (vô vụ lợi), sẵn sàng, nhanh nhẹn, quên mình.

Người giáo dân hôm nay không muốn thấy, không muốn có những mục tử 3 L (làm sang, làm phách, làm biếng), 3 T (tình, tiền, tửu), 3 Đ (độc tôn, độc tài, độc đoán), lè phè, hưởng thụ, lười biếng, chẳng quan tâm đến người khốn khổ, chất trên vai họ những gánh nặng, vô cảm trước những khổ đau của họ, sống xa cách người nghèo, không bênh vực người bị áp bức bất công, không đứng dậy đi ra khỏi nhà xứ để viếng thăm kẻ bệnh tật, người già nua, trẻ cơ nhỡ, để đem về đàn những con chiên lạc bầy đang lang thang trong hoang địa.

Vì linh mục là người của sự linh thánh, nên việc huấn luyện thiêng liêng là quan trọng nhất (ĐTC Phanxicô đã phát biểu rằng, ngài muốn chủng sinh được đào tạo ưu tiên về mặt thiêng liêng), các mặt khác cũng quan trọng : nhân bản, vì linh mục cũng là một con người như mọi người; trí thức, vì linh mục sẽ phải giảng dạy hướng dẫn người khác; mục vụ, vì đó là “nghề” của linh mục. Có thể nói, sau bao nhiêu năm tháng được huấn luyện như thế, linh mục là người hoàn hảo, hay theo cái nhìn chung của mọi người, là một người có tài có đức, giỏi giang. Linh mục phải là người có những nhân đức đối thần (Tin-Cậy-Mến), những nhân đức đối nhân (Bác ái-Khôn ngoan-Công bằng-Can đảm-Tiết độ), những nhân đức tôn giáo (Các lời khuyên Phúc Âm, tha thứ, hiền lành, đạo đức, trung thành…), những nhân đức nhân loại hay còn gọi là đức tính của con người theo quan điểm Á Đông (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín (với tha nhân), Cần-Kiệm-Liêm-Chính-Dũng (với chính mình). 

Được đào tạo kỹ lưỡng như thế, linh mục hẳn phải đạt một mức độ cao trên “đàng nhân đức” mới phải lẽ. Cho nên khi thấy các linh mục không sống đúng với những đòi hỏi của chức vụ và đời sống thì chẳng trách giáo dân bất mãn, và dễ đi đến chỗ bài bác.

Linh mục không tuyên khấn như các tu sĩ, nhưng cũng phải giữ đức thanh bần, khiết tịnh và vâng phục, không thụ động, miễn cưỡng, nhưng như lời ĐTC Phanxicô : “Những lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục là “chứng từ vui tươi về tình yêu của Thiên Chúa”, khi chúng được cắm rễ trong lòng Chúa thương xót”. (x. “Đức ái mục tử”. Bài giảng tĩnh tâm linh mục GP Phan Thiết 2016, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long).

Cầu nguyện nhiều cho dân chúng.

Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.

Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần, Ngài ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết” (Lc 10,21). Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con” (Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha” (Lc 22,42). Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28 ; Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13 ; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc 18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)… Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4 ; Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Mục tử luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Ngài do đã gặp gỡ và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11). Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của đời mục tử. Cầu nguyện là lẽ sống và có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống mục tử. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động. Mục tử cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân theo gương cha thánh Gioan Vianney.

Hy sinh tính mạng vì anh em mình.

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài. Chúa Giêsu so sánh mục tử và người làm thuê. Mục tử tốt lành luôn hết mình vì đàn chiên. Người làm thuê chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử hy sinh cho đàn chiên. Người làm thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Người làm thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

“Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”. ĐTC nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ các yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, các mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình” (Vũ văn An : Đức Phanxicô và mùi chiên, Vietcatholic.net, 4/1/2013). Linh mục cũng được đánh giá theo như ngài có hay không lòng thương yêu, hy sinh cho đoàn chiên của ngài.

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.

Cha sở Gioan Vianney “là mục tử đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.

home Mục lục Lưu trữ