Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 38
Tổng truy cập: 1376043
XIN XÓT THƯƠNG CON
XIN XÓT THƯƠNG CON– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Người mà ai cũng kính trọng thì lại không được nhận lời. Người mà ai cũng khinh miệt thì lại được Chúa nhận lời và được công chính hóa. Qua dụ ngôn này, Chúa cho thấy lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện khiêm nhường.
Khiêm nhường không tự mãn.
Người biệt phái tự mãn vì những việc tốt mình làm được. Làm được việc tốt thật đáng khen. Nhưng cần phải nhận biết nguồn gốc việc tốt của mình. Biết nguồn gốc việc tốt phải khởi đi từ nhận biết nguồn gốc bản thân mình. Tôi có mặt ở đời là ơn Chúa ban. Tôi thừa hưởng một sức khỏe, một gia đình, một nền giáo dục, một nề nếp đạo đức, đó là ơn Chúa ban. Vì thế tôi làm được việc tốt cũng là ơn lành Chúa ban. Nếu tôi rơi vào một hoàn cảnh xấu, tôi có làm được việc tốt không? Rất khó. Vì thế đừng tự mãn khi làm được việc tốt.
Khiêm nhường không khinh người.
Người khiêm nhường nhận biết thân phận mình sẽ không dám khinh người. Tôi làm được việc tốt vì tôi có hoàn cảnh tốt. Người kia làm việc xấu vì họ không có hoàn cảnh tốt như tôi. Vì thế không nên khinh người. Hơn nữa, trong tinh thần bác ái huynh đệ, thấy người hèn kém tôi càng phải yêu thương, nâng đỡ. Thấy người tội lỗi yếu đuối tôi càng phải tế nhị kính trọng. Chúa Giêsu vẫn làm gương trân trọng người tội lỗi như đối với người phụ nữ ngoại tình, đối với Giakêu và cả đối với Giuđa nữa.
Khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi.
Con người đâu có ai hoàn hảo. Huống hồ có những nết xấu đeo đẳng ta mãi không thể dứt ra được. Ta đã ngã đi ngã lại nhiều lần. Biết bao quyết tâm. Biết bao ơn Chúa. Biết bao lời cầu nguyện. Nhưng “một cái dằm” cứ nằm mãi trong thịt khiến ta đau nhức khôn nguôi. Ta không thể nào thoát khỏi tội lỗi. Vì thế tâm tình xứng hợp là khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Khiêm nhường nhận trước mặt Chúa. Khiêm nhường nhận trước mặt anh em. Đó là thái độ trung thực và đúng đắn.
Khiêm nhường xin Chúa ban ơn cứu độ.
Vì không thể tự mình thoát khỏi tội lỗi, không thể đạt tới ơn cứu độ, nên ta cần ơn Chúa. Không thể tự giải thoát, nên ta cần Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thân phận ta thật khốn cùng. Sức lực ta thật yếu đuối. Nên lời cầu nguyện đúng nhất là: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Tương truyền đó là lời cầu nguyện liên lỉ suốt đời của thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo Hoàng tiên khởi.
Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết mình không thể sống công chính tự sức riêng, nhưng chỉ được “công chính hóa” nhờ ơn Chúa. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết ta được ơn Chúa không phải vì ta xứng đáng nhưng vì được Chúa thương yêu. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết rằng lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.
“Lạy Chúa, xin thương xót con”
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Tôi có hay tự mãn vì mình sống tốt hơn người khác không? Thái độ này có đúng không?
2) Tôi có hay khinh miệt, lên án người khác không? Thái độ này có đúng không?
3) Tại sao tôi phải khiêm nhường khi cầu nguyện?
4) Tôi có một nết xấu thường phạm. Tôi đã xưng tội nhiều lần và quyết tâm chừa cải. Nhưng chứng nào tật ấy. Bạn có cảm nghiệm được điều này nơi bản thân không?
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN- NĂM C
ĐẤM NGỰC CẦU NGUYỆN- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Một cô gái đang độ thanh xuân, lên đền thờ xưng tội, cô đã than thở với Linh mục rằng: Thưa Cha, con thường dự lễ không nên. Thế con làm gì mà không nên? Thưa Cha suốt buổi lễ, con chỉ biết khóc vì nghĩ đến tội con đã phạm: khi thì ăn bớt tiền chợ, khi thì thích nói chọc ghẹo người ta cho người ta chửi, khi thì liếc trộm mấy cậu con trai, khi thì thích phạm tội.
– Ồ thế thì con cứ tiếp tục dự lễ như vậy, để nước mắt con tẩy sạch tâm hồn con nên trong sáng (Thánh Thể tr. 42). Cô gái này giống với người thâu thuế lên đến thờ đấm ngực cầu nguyện đã được Đức Giêsu nâng lên, và khác với người Pharisiêu cầu nguyện đầy vẻ tự đắc đã bị Đức Giêsu hạ xuống.
Trong kinh nguyện của Giáo Hội, nhất là Thánh lễ, ta thấy: Cầu nguyện gồm bốn việc: Thống hối, thờ lạy, tạ ơn và xin ơn. Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thống hối.
*1- Người Pharisiêu cầu nguyện như đọc bản báo cáo đầy thành tích vẻ vang của mình. Những thành tích như ăn chay mỗi tuần hai lần, còn luật dậy một năm chỉ ăn chay có một lần thôi (Lv. 16, 19-31), nộp thuế tối đa là một phần mười mọi thứ lợi tức, còn luật chỉ buộc một phần mười lợi tức chính, và không bao giờ phạm những tiêu cực như tham lam, bất công, ngoại tình. Rồi Pharisiêu kết luận cho mình hơn hẳn bọn thu thuế và tất cả các người khác. Như vậy, Pharisiêu đã tự khen mình, tự nâng mình lên là người công chính, tự phong thánh, lại khinh chê người khác và coi Thiên Chúa chỉ là khán giả đến xem triển lãm những thành tích công đức của ông.
Đức Giêsu đã phê vào bản báo cáo này như thế nào? Người phê: Làm thì láo, báo cáo thì hay. Cho nên ông bị hạ xuống và tội ông không được tha, còn thêm tội kiêu ngạo. Bao nhiêu lần Đức Giêsu đã cảnh báo Pharisiêu như nấm mồ sơn phết bên ngoài, còn trong đầy ô uế thối tha. Họ xây mồ mả các tiên tri mà cha ông họ đã giết. Rồi đến lượt họ, họ lại giết Đấng Cứu thế trên thập giá (Mt. 23, 4. 27. 34)
*2- Người thu thuế cầu nguyện theo lối tự phê, tự kiểm thảo. Ông đã tự xưng thú tội mình, nhận mình là kẻ tội lỗi. Không dám tới gần Thiên Chúa thánh thiện vô cùng, ông chỉ đứng xa xa. ông tự kết án mình trước mặt Thiên Chúa là vị quan tòa tối cao, công minh, nghiêm thẳng, ông không dám ngước mặt lên, ông đã đau đớn đấm ngực ăn năn, thống hối tội lỗi. Ông thâm tín sự khốn nạn của tội lỗi mình. Ông không thấy mình có thành tích nào có thể đền tội ông được, dù ông làm bao nhiêu việc ăn chay, hãm mình, bố thí dâng cúng, cũng chẳng đáng công gì. Ông không thể cậy trông vào đâu được, chỉ có lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa mới cứu ông được thôi, nên ông đã tha thiết van xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con, con là kẻ tội lỗi khốn cùng”. Lời cầu hết lòng khiêm tốn đó có sức an ủi ông ngọt ngào biết bao. Ông cảm thấy đầy lòng tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, vì ông biết rằng: Dù tội lỗi như Aaron đúc bò vàng cho toàn dân thờ, như đại vương David giết chồng, cướp vợ, đã hết lòng ăn năn sám hối. Thiên Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ. Dù cả toàn dân bỏ Chúa, và bị quân thù bắt lưu đầy ở Babilon, lại bị Thủ tướng Aman ra tay diệt trừ. Trong cơn khốn cùng như thế, Hoàng hậu Esthe cùng toàn dân đã biết ăn năn sám hối tội lỗi, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ. Tội lỗi như dân ngoại thành Ninivê, Chúa còn thương bắt buộc ngôn sứ Giona đến rao giảng cho họ để họ biết cải tà qui chính. Chúa liền thương tha thứ cho họ. Thấy tất cả những sự kiện lịch sử thống hối đó, người thu thuế càng thêm tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung của Thiên Chúa, ông càng đấm ngực hết lòng sám hối.
Đức Giêsu đã phê cho ông: “Người này ra về thì được nên công chính. Trái lại, Pharisiêu thì không, vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Người phàm còn biết tha thứ cho kẻ hối lỗi. Huống chi Thiên Chúa tốt lành vô cùng. Nhiều lần, Đức Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta biết: Thiên Chúa như Mục tử nhân lành, bỏ mọi sự đi tìm chiên lạc; như người Cha đầy lòng thương xót, vui mừng đón rước và long trọng mở tiệc ăn mừng đứa con đi hoang trở về, vì “Con ta đây đã chết, nay sống lại; đã mất, nay tìm thấy” (Mt. 18, 12-14; Lc. 15, 4-7. 11-32).
Tội nặng tầy trời như tông đồ của Phêrô: chối Thầy. Khi hết lòng ăn năn trở lại, Chúa đã lờ đi như không biết, không trách một lời, lại còn thân mật hỏi: “Này anh Simon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em hay không?”
Thái độ của Chúa thật vô cùng bao dung quảng đại, không miệng lưỡi nào ca ngợi cho xiết.
Thời nay, người ta xa lánh tòa giải tội, không còn lo sám hối, hoặc vì không còn tin vào Thiên Chúa từ bi hay thương xót, nên thất vọng chết như Giuda, hoặc vì quá tự mãn với những tiến bộ khoa học, không cần Thiên Chúa nữa; hoặc vì khô khan lười biếng, thờ ơ lãnh đạm, lòng chai đá, không còn biết tội phúc nữa, đâu còn biết ăn năn sám hối.
Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn nhận ra con là kẻ tội lỗi, yếu hèn như kẻ nghèo khó, bị áp bức, sống mồ côi, góa bụa trong Bài đọc 1 để luôn luôn đấm ngực ăn năn, hết lòng chạy đến cầu khẩn Chúa mọi nơi, mọi lúc.
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN- NĂM C
KHIÊM NHƯỜNG CẦU NGUYỆN– Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng
Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta tin tưởng và mong ước dẫn tới hiệu quả tốt. Sự thường là như thế, nhưng thực sự nhiều khi lại không phải như thế, bằng chứng là có lần chúng ta cầu nguyện thì được như ý, nhưng cũng không thiếu những lần chúng ta cầu nguyện hoài mà chưa được hay không được. Cũng vậy, có người cầu nguyện thì được Chúa nhận lời, có người thì không. Tại sao vậy? Có phải chúng ta thiếu điều kiện nào chăng? Đúng vậy, một trong những yếu tố hay điều kiện quan trọng, đó là thái độ và tâm tình thích hợp. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết thái độ và tâm tình thích hợp cần có, đó là khiêm tốn, khiêm nhường.
Để hiểu biết sức mạnh của khiêm nhường, chúng ta hãy tưởng tượng hay hình dung hai cỗ xe: một cỗ xe được kéo bởi hai con ngựa là nhân đức và kiêu ngạo, còn cỗ xe kia được kéo bởi hai con ngựa là tội lỗi và khiêm nhường. Cả hai xe cùng chạy, nhưng chẳng bao lâu cỗ xe tội lỗi vượt trước cỗ xe nhân đức. Tại sao vậy? Chắc chắn không phải do khả năng của chính nó, tức là tội lỗi, nhưng bởi sức mạnh của đức khiêm nhường cùng đi chung với nó. Còn cỗ xe kia bị qua mặt, chẳng phải vì nhân đức yếu đuối mà vì sự kiêu ngạo quá nặng nề và to lớn. Điều ấy bảo cho chúng ta biết: đức khiêm nhường, nhờ cố gắng vươn lên, đã thắng được sức cản của tội lỗi, và lên đến trời trước nhất, còn kiêu ngạo, vì nặng nề và to lớn, nên át cả sự nhanh nhẹn của nhân đức, và dễ dàng kéo nó xuống sâu.
Về hai cỗ xe này, chúng ta đem áp dụng vào hai người Pha-ri-sêu và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện chúng ta sẽ thấy rõ: người Pha-ri-sêu đã cột chung nhân đức với kiêu ngạo: ông đứng thẳng một cách hiên ngang, tự đắc, ngực ưỡn, đầu ngẩng cao, và mắt có lẽ liếc nhìn người thu thuế một cách khinh bỉ và hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. Ông cầu nguyện gì? Ông không cầu gì cả, ông kể công với Chúa, ông tự mãn về những gì ông đã làm, ông lên đền thờ để khoe mình chứ không phải để cầu xin với Chúa, nên lời cầu nguyện của ông chẳng những không đưa ông tới gần Chúa mà còn làm cho ông xa Chúa hơn và làm cho Chúa buồn hơn.
Trái lại, người thu thuế đã cột chung tội lỗi với khiêm nhường: ông khép nép, khúm núm, đứng mãi đàng xa, không dám đến gần bàn thờ, cũng chẳng dám ngước mắt lên trời, tức là ông tự nhận mình bất xứng, chỉ biết cúi đầu, đấm ngực tỏ lòng ăn năn sám hối. Còn về lời cầu nguyện, ông nói với Chúa chứ không nói về mình, ông chẳng có gì hay để kể cho Chúa nghe, chẳng có công gì để khoe với Chúa và cũng chẳng dám xin gì khác ngoài lòng thương xót của Chúa.
Qua đó, chúng ta thấy tại sao cả hai người cùng cầu nguyện, nhưng chỉ có một người đẹp lòng Chúa, được Chúa tha thứ ban ơn, chỉ vì người ấy khiêm nhường, tin tưởng, cậy trông vào tình thương của Chúa, còn người kia tự mãn về những gì ông làm thì ông trở về với những gì ông đã làm, Chúa không ban gì cho ông. Nói rõ hơn, người thu thuế về nhà được công chính hóa, còn người Pha-ri-sêu thì không, đó là kết quả tất yếu: người Pha-ri-sêu đâu có cần đến Chúa, đâu cần Chúa công chính hóa, ông tưởng rằng tự ông có thể mua được sự công chính bằng công trạng của mình, ông đã lầm to, vì được trở nên công chính hay không là một quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho người biết khiêm nhường như người thu thuế đã làm, là ý thức rõ cái tôi tội lỗi, hèn kém, bất lực của mình, thái độ đó Thiên Chúa rất vui lòng, rất đẹp lòng Thiên Chúa.
Từ hai nhân vật tiêu biểu về khiêm nhường và kiêu ngạo, được xác định bằng thái độ của họ trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh em, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc tổng quát: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ đựơc tôn lên”. Ai hạ xuống? ai tôn lên? Thưa chính Thiên Chúa. Kẻ tự tôn mình lên thì Thiên Chúa hạ xuống, kẻ tự hạ mình xuống thì Thiên Chúa tôn lên. Đó là lối hành động của Thiên Chúa, đó là cách Thiên Chúa trả lời cho kẻ tự đắc, kẻ cho mình là công chính và khinh chê những người khác. Bởi vì chẳng ai có thể tự đắc trước mặt Thiên Chúa, chẳng ai có gì để kể công với Người. Tình thương của Thiên Chúa là tình thương nhưng không, ai xin thì được, còn ai tự cho mình là có quyền đòi thì Thiên Chúa không cho. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, tất cả đều nghèo hèn, cần đến lòng thương xót của Người.
Chúng ta là người Pha-ri-sêu hay người thu thuế? Chắc chắn không ai nhận mình là người Pha-ri-sêu, nhưng chưa chắc đã nhận mình là người thu thuế. Đúng, chúng ta không tự nhận là người Pha-ri-sêu, dù có khi chúng ta còn tệ hơn người Pha-ri-sêu, nhưng chúng ta có dám bắt chước người thu thuế không?
Chúng ta có thể sánh ví việc cầu nguyện của chúng ta cũng giống như chiếc cầu mong manh dẫn chúng ta tới Chúa. Khi đi qua một chiếc cầu nhỏ, bắt ngang bằng những tấm ván hay những khúc cây mong manh, chúng ta phải hết sức cầm trí và ý tứ cẩn thận thế nào, thì khi cầu nguyện chúng ta cũng phải cầm trí và cẩn thận như vậy, tức là chúng ta phải có thái độ khiêm tốn, tin tưởng, cậy trông.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam