Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1365250

YÊU NGƯỜI NHƯ YÊU CHÚA

YÊU NGƯỜI NHƯ YÊU CHÚA

 

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.

Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.

Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.

Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.

Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.

Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên Chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô, có lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

Yêu thương nhau đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Thiên Chúa muốn các môn đệ của Người phải yêu như như Thiên Chúa đã yêu.

Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải hy sinh quên mình, hạ mình phục vụ anh em. Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải yêu những người bé nhỏ nghèo hèn. Yêu như Thiên Chúa là phải yêu thương cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa. Yêu như Thiên Chúa là phải không ngừng tha thứ, làm hoà với nhau.

Yêu như Thiên Chúa đó là sự sống của Giáo Hội. Yêu như Thiên Chúa làm nên nét đẹp của đạo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương?

2. Bạn đã có tình yêu thương đoàn kết với những anh chị em trong giáo xứ chưa?

3. Yêu thương như Chúa là yêu thương theo cảm tính hay theo lý trí? Tuần này, bạn sẽ làm gì để thực hiện điều răn mới của Chúa?

 

29.Chúa Nhật 5 Phục Sinh

Anh chị em thân mến.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, vấn đề quảng cáo đang là một vấn đề hết sức cần thiết. Từ những phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí. Trên đường đi, nơi nào có thể được là chúng ta nhìn thấy những biễn quảng cáo. Cuối cùng trên sản phẩm, với những nhãn hiệu và những dòng chữ ca ngợi hiệu năng của sản phẩm. Có những sản phẩm còn có dòng chữ: đề phòng giã mạo. Không biết đó có phải là hàng chính phẩm hay không, nhưng vẫn có dòng chữ như thế. Người tiêu dùng bị lẫn lộn trong những thứ giã và thật, vì nhìn vào nhãn hiệu, có khi phân biệt được, có khi đành phải chịu thua, chừng nào đụng đến thực tế thì đành ôm hận.

"Để mọi người nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau."

Chúa Giêsu cho những môn đệ của Ngài mang một nhãn hiệu, để mọi người nhìn thấy là hàng chính phẩm, là môn đệ thật: đó là Yêu thương. Tình yêu thương không thể giã tạo được. Cũng không phải chỉ là cái mã bên ngoài. Nhưng là cái từ bên trong tâm hồn đã có, mới thể hiện ra bên ngoài cho mọi người nhìn thấy. Tình yêu thương cũng không phải để cho mọi người nhìn thấy mà thôi, nhưng còn là một giới răn, một mệnh lệnh.

Yêu thương như Thầy yêu. Thầy yêu thương không tính toán, cho đi không cần đòi lại, cho đi cả mạng sống vì người mình yêu. Nhãn hiệu Thầy ban như một dấu ấn, ai không mang được nhãn hiệu thì chỉ còn cách ra đi trong đêm tối như Giuda đã ra đi, chính vì ông ra đi nên không nghe được mệnh lệnh và giới răn mà Thầy đã truyền.

"Mọi người nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau." Lời nói đó Chúa Giêsu cũng nói với từng người trong chúng ta, là những người của thời đại ngày hôm nay, những người đang ngồi trong nhà thờ, đang lắng nghe. Chúa Giêsu cũng cho mỗi người một nhãn hiệu người môn đệ, một nhãn hiệu thật sự có chất lượng từ bên trong mới bộc phát ra ngoài, chứ không phải là thứ hàng không chất lượng.

Mỗi người trong chúng ta thử nhìn lại chính mình xem, với nhãn hiệu người Công Giáo, người Môn Đệ Chúa Giêsu mà chúng ta được mang, có đúng với phẩm chất của con người hiện tại của mình không? Hay chúng ta chỉ là cái thùng trống rỗng, có mã bên ngoài, nhưng thực chất bên trong thì hòan toàn trái lại. Không lẽ giống như Giuda, chúng ta đã ra đi trong giờ phút quyết định, giờ phút mà mệnh lệnh Yêu Thương được ban hành, chúng ta không thể lắng nghe, vì bận với những toan tính riêng tư.

Mọi người nhìn vào chúng ta, nhìn thấy cách sống, những lời nói, thái độ đối xử và những toan tính, họ có thể nói được: Đó là nhãn hiệu của tình yêu, đó là người môn đệ của Chúa Giêsu không?

Nếu chúng ta biết dùng tình yêu, để nói lên những lời chân thật phát xuất từ con tim biết yêu thương.

Nếu chúng ta biết bỏ đi những tranh chấp, những đố kỵ chỉ vì một chút tự ái, để biết bỏ đi những hành vi không tốt đẹp, những tham lam bất chính, những cơn phẩn nộ không đúng chỗ vì con tim yêu thương thật sự.

Nếu chúng ta nhìn thấy được nhu cầu của anh em chung quanh đang cần: một cái nhìn yêu thương thông cảm, một nụ cười khích lệ, một câu nói động viên, một hành động giúp đở phát xuất từ con tim chân chính.

Với tất cả những chữ Nếu đó mà chúng ta thực hành được, đó là chúng ta đã mang nhãn hiệu của người môn đệ, nhãn hiệu yêu thương.

Và nếu tại sao chúng ta đã mang nhãn hiệu yêu thương mà chúng ta còn tìm cách để hạ bệ nhau, chiếm đoạt của nhau, chiếm giữ những điều không phải của mình. Nếu đã mang nhãn hiệu yêu thương, sao còn tìm cách để hại nhau bằng những lời nói, những hành động và cả những mưu mô toan tính. Như vậy là chúng ta đã đi con đường của Giuda, đã ra đi trong giờ phút quang trọng, ra đi trong đêm tối, không biết lắng nghe. Như vậy chúng ta chỉ là một thứ hàng không chất lượng, không đúng với nhãn hiệu bên ngoài. Như vậy, chúng ta là giã tạo, giã hình hay sao?

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người được xứng đáng là người môn đệ thật sự của Chúa, được thể hiện bằng chính cuộc sống của lòng yêu thương chân thành.

 

30.Yêu như Thầy yêu.

(Suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào)

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Ra đi là chết trong lòng một ít” (Partir c’est mourir un peu). Sự ra đi nào cũng để lại những vấn vương và lưu luyến cho người ở lại, nhiều khi còn mang vẻ bi thương và tang tóc nữa. Cuộc ra đi thụ nạn của Chúa Giêsu cũng thế. Chính vì vậy, trong giờ phút ly biệt đầy xốn xang và ngậm ngùi, Chúa Giêsu đã để lại những lời tâm huyết cuối cùng cho các học trò. Những lời dặn dò thân tình ấy được Giáo hội đọc lại cho chúng ta trong phụng vụ hôm nay, giống như một di chúc thiêng liêng. Các nhà chú giải vẫn gọi đó là ‘diễn từ biệt ly’. Trong những lời trăng trối sau cùng ấy, Chúa nói với các môn đệ: “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Điều răn mới.

Ai cũng biết, yêu thương là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người. Ngày xưa triết gia Aristotle đã nói cho các học trò của ông: “Tính ích kỷ và đầu óc hẹp hòi biến con người trở nên như thú vật, nhưng khi con người đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, họ sẽ trở nên như thần thánh”. Nói chung, tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, và chẳng tôn giáo nào lại dạy con người làm những chuyện thất đức. Tinh thần ‘Tứ hải giai huynh đệ’ của triết lý Đông phương cũng tương tự như thế. Thế thì, giáo huấn của Chúa Giêsu có gì là mới lạ? và tại sao Chúa lại gọi đây là điều răn mới? Chúng ta phải đi sâu vào tư tưởng thần học của Thánh Gioan mới có thể khám phá ra tính cách mới mẻ và độc đáo của giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu gửi trao như một di chúc thánh thiêng.

Ngay từ thời cựu ước, Đức Chúa Giavê cũng đã ban truyền thập giới trên núi Sinai qua Moisê, và 10 giới răn đó cũng được tóm kết qua 2 điều luật căn bản, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó khi trả lời cho vị luật sĩ (Lc 10,27) hay cho vị kinh sư (Mc 12,28) hoặc cho chàng thanh niên giàu có (Mt 19,18-20).

Tuy nhiên các luật sĩ và biệt phái thời xưa chỉ giữ luật một cách máy móc và vụ hình thức. Chúa tuyên bố rằng Ngài đến không để bãi bỏ lề luật, nhưng mặc cho nó một chiều kích mới, đó là chiều kích nội tâm. Giới răn mới mà Chúa nói hôm nay cũng chính là việc thực hành tình yêu, nhưng đi vào cốt lõi căn bản, nhắm đến chiều sâu nội tâm hóa của giới luật yêu thương. Để huấn luyện các học trò hiểu thấu giới răn ấy, Chúa Giêsu lấy chính Ngài làm chuẩn mẫu:“ Anh em hãy yêu thương nhau ‘như’ Thầy đã yêu thương anh em”. Tính cách mới mẻ mà Chúa khởi dẫn chính ở điểm căn bản này.

Kinh nghiệm của Thánh Gioan.

Khi nói về mình, Gioan giới thiệu rất đơn giản bằng thuật ngữ ‘người môn đệ được Chúa yêu mến’. Gioan là người học trò duy nhất được tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly để lắng nghe từng nhịp đập nơi con tim thổn thức của vị Thầy khả ái. Ngài cũng đứng dưới chân Thập giá cùng với Đức Maria để mục kích trái tim Chúa bị đâm thâu và mở toang ra, tuôn đổ những giọt nước và máu của tình yêu cho đến vô tận. Tất cả những chi tiết này đều là những hình ảnh mà Thánh Gioan ghi lại để biểu thị bài học về tình yêu nơi Chúa Giêsu mà Gioan đã cảm thấu một cách tường tận. Trong Tin mừng thứ tư, thánh ký quảng diễn rất nhiều về tình yêu mà Chúa Giêsu đã diễn bày, nhất là qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, biết các con chiên trong đàn, đi tìm kiếm con chiên lạc, và hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Gioan cũng dành ra suốt từ chương 13 đến hết chương 17 để viết lại diễn từ biệt ly, và điểm nhấn quan trọng nhất trong diễn từ chính là nói về tình yêu. Trong diễn từ này, Chúa Giêsu lập đi lập lại điệp khúc tình yêu qua chính mẫu gương của Ngài. “Không có tình yêu nào cao quý bằng mối tình của người hiến ban mạng sống cho bạn hữu”. “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”. “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”… Vì thế trong 3 lá thư Thánh Gioan để lại, đặc biệt trong thư thứ nhất, Ngài đã định nghĩa Thiên Chúa bằng một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,16). Những chân lý về tình yêu, về giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, cũng được lặp lại rất nhiều lần trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan.

Yêu như Thầy đã yêu.

Nhiều người ngoại giáo thường hỏi chúng ta, đạo nào cũng hay, cũng đẹp, thế đạo Công giáo có cái gì đặc sắc mà các anh muốn quảng bá? Thánh Gioan hôm nay đã trả lời thay cho chúng ta.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương giống như Ngài đã yêu thương. Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia, không phải là một nhà mô phạm lý thuyết, nói một đàng làm một nẻo. Cái chết của Chúa Giêsu lột tả trọn vẹn tình yêu mà Ngài muốn diễn bày. Ngài đã đi đến tận cùng của giai điệu yêu thương khi bị treo thân trên Thập giá như một tên tội phạm và quảng diễn rất cụ thể điều Ngài đã nói với các môn sinh: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu”. Trong bữa tiệc ly, Chúa còn cúi xuống rửa chân cho các học trò như một người tôi tớ. Bằng nhiều cách, Chúa đã cố gắng cắt nghĩa giới răn mới mà người muốn truyền thụ lại bằng chính cuộc sống gương mẫu của Ngài.

Kết luận

Thánh Phanxicô Salê, vị Tiến sĩ đức ái, đã viết trong khảo luận về Đức Ái của Ngài: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái chính là sự hoàn thiện của tình yêu”. Sống sung mãn ơn gọi tình yêu, chính là con đường dẫn đến hoàn thiện và đó cũng là lộ trình nên thánh mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước. Nhưng chúng ta thực hành giới răn mới đó như thế nào? Một nhà xã hội học đã chua chát nhận xét: “Ngày nay, con người đã rất tiến bộ và thành công vượt bậc. Người ta đã lên được tới mặt trăng, đã nghiên cứu đến tận sao hỏa, đã chế tạo các phi cơ với vận tốc khủng khiếp... Nhưng có một điều rất đơn giản là học cách sống tử tế với vợ mình, mà nhiều người học mãi cũng chẳng xong”.

Nói về tình yêu trên lý thuyết rất dễ, nhưng sống và thực hành theo gương Chúa Giêsu không phải là một chuyện giản đơn. ‘Hãy yêu như Thầy đã yêu’ là bài học mà chúng ta phải nghiền gẫm và phải phấn đấu để thực hành cho đến suốt đời.

 

31.Hãy gieo yêu thương - Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Tục ngữ có câu "có gieo có gặt" nhưng thành quả gặt hái tùy thuộc vào loại giống mà chúng ta gieo trồng. Vì "gieo gì gặt ấy". Gieo yêu thương sẽ gặt trong hân hoan và hạnh phúc. Gieo bất công và hận thù sẽ có ngày "gậy ông đập lưng ông". Đó chính là quy luật của cuộc sống. Quy luật của tạo hoá luôn đòi sự công bằng cho con người trong cõi nhân sinh.

Có một người đàn ông cao niên, nhưng lại rất giầu có. Ông trao ban gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn bố chồng ở mãi trong nhà nên bảo chồng phải đưa bố đi nơi khác ở. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nơi rẻ tiền nhất.

Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Đi dược một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nỗi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha già. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: "con ơi, cha không khóc vì con đưa cha vào nhà dưỡng lão dành cho những người già nua tàn tạ. Cha khóc vì nhớ lại cách đây bốn mươi năm, Cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ gieo gì gặt ấy thôi".

Thực vậy, "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó". Những gì chúng ta nhận được từ trong cuộc đời này hôm nay và mai sau, hoàn toàn tùy thuộc vào những điều chúng ta đã gieo vãi, vun trồng.

Cùng một môi trường nhưng có người có nhiều bạn bè, và ngược lại có người lại rất nhiều kẻ thù. Có người được yêu thương, giúp đỡ. Có người chỉ nhận được sự khinh bỉ, dửng dưng xem thường. Có người được hàng xóm làng giềng bao bọc. Có người bị anh em loại trừ. Tại sao lại có nghịch lý như vậy? Thưa, đó không phải là nghịch lý mà là lẽ công bằng mà nói theo ngôn ngữ nhà Phật là "quả báo", là hậu quả do chính chúng ta đã gieo trồng trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy ra đi gieo vãi yêu thương. Chúa cầu mong chúng ta sẽ sinh hoa kết trái. Chính Chúa đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống yêu thương. Chúng ta được lớn lên trong tình thương của Chúa. Chúng ta được sống trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúa còn tuyển chọn chúng ta nên bạn hữu của Chúa. Chúa còn làm tất cả để chúng ta được hạnh phúc. Chúa đã quên cả chính mình để chúng ta được sống. Chúng ta đã lãnh nhận tình yêu thương của Chúa. Dù rằng chúng ta chẳng có công lênh gì. Dù rằng chúng ta không xứng đáng. Thế mà Chúa vẫn cho chúng ta được ở mãi trong tình yêu của Chúa. Chúa chỉ cầu mong chúng ta: "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Yêu như Thầy đã yêu là tiếp tục gieo vãi hạt giống yêu thương của Chúa đến cho muôn người. Hãy thực hành tình yêu của Chúa cho anh chị em chung quanh chúng ta.

Nhưng có mấy ai đã thực sự sống yêu thương mà không có toan tính, hay pha chút kỷ ích nhỏ nhoen? Có mấy ai đã yêu tha nhân như chính mình? Có mấy ai đã vì bạn hữu mà dám quên mình? Có lẽ có, nhưng rất ít.

Nhìn lại những gì đang diễn ra nơi các gia đình, nơi xứ đạo và trên thế giới, dường như những nghĩa cử yêu thương đang thiếu dần, mà thay vào đó là sự ích kỷ bởi chỉ lo cho bản thân. Nét nổi trội của xã hội hôm nay không phải là những nghĩa cử yêu thương cao đẹp mà là bạo lực từ gia đình đến học đường. Ở nơi đâu cũng có bạo lực. Thành phần nào cũng có thể là nạn nhân của bạo lực. Có mấy ai đã tự vấn lương tâm để xem mình đã sống yêu thương cho anh chị em mình như thế nào hay chưa? Có mấy ai đã dám nói lời xin lỗi với gia đình, với cộng đoàn, vì mình mà gia đình, cộng đoàn đang có những xào xáo, bất đồng ý kiến, đố kỵ, ghen tương? Có mấy ai đã thực sự dấn thân xây dựng hoà bình khởi đầu bằng những nghĩa cử bao dung, độ lương với tha nhân?

Nhân loại hôm nay, rất biết ơn những con người biết xây dựng hoà bình từ yêu thương. Năm 1963, tại Washington, 200,000 người lắng nghe Martin Luther King, vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hòa bình nói chuyện:"Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi mơ ước một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nuớc mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao...". Ước mơ của ông đã thành hiện thực khi mà cả dân tộc Mỹ chọn một người da đen lên vị trí số 1 của nước Mỹ, đó chính là đương kim tổng thống Barach Obama.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng gieo vãi những niềm mơ ước của yêu thương, của tình hiệp nhất cho anh em của mình. Ước gì những ước mơ hoà bình phải được thực hiện ngay từ chính bản thân mỗi người chúng ta khi chúng ta biết nói những lời yêu thương, biết sống trong tình yêu thương tha thứ và vì tha. Xin Chúa giúp chúng ta luôn học bài học yêu thương của Chúa để biết đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày, ngõ hầu góp phần kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho trần thế hôm nay. Amen.

 

32.Nếu chữ “hy sinh” có ở đời

(Suy niệm của Lm. Phan Đỗ Phục Linh, Mai Tá diễn giải)

Cô gái Việt Nam ơi!

nếu chữ "hy sinh" có ở đời

tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ

cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

(thơ Hồ Dzếnh)

Nói chữ “hy sinh” ở đời, sao chỉ giới hạn với cô gái Việt Nam, thôi. Hy sinh ở đời, nay vẫn muốn. Những muốn nạm vàng cực khổ, để mọi người vui. Vui vì những “hy sinh” có ở đời, là ý nghĩa mọi cuộc tình. Tình đời. Tình người. Tình Chúa với dân con nhà Đạo. Như trình thuật Thánh Sử nói hôm nay.

Trình thuật hôm nay, Thánh Gio-an nói về một tình yêu rất đặc biệt. Thứ tình trọn đầy ý nghĩa mà Đức Chúa đã làm gương. Tình Chúa nêu gương, là tình Ngài bày tỏ không chỉ riêng tư, có một người. Như tình người dưới thế, ta luôn có với nhau. Tình Thầy luôn yêu, là tình đượm sắc mầu thương mến, rất hy sinh. Thầy hy sinh cho tất cả. Hy sinh đến chết. Hy sinh để ta được sống. Để ta cứ yêu. Yêu như Thầy vẫn hy sinh.

Ngôn ngữ phàm trần, không thấy có cụm từ nào được người đời biết đến, nhiều bằng từ ngữ “yêu”. Yêu, là phạm trù phổ biến dễ truy cập nhất. Một đề tài nói đến cả trong mọi trường hợp. Mọi địa hạt: từ nghệ thuật đến văn chương, thi tứ. Từ thơ nhạc, cho đến phim ảnh văn xuôi, truyện ngắn. Nhất nhất, nói về tình yêu. Tình yêu có chữ “hy sinh” ở đời, là tình ta nghe biết nhiều nhất.

Với đời thường, tình yêu là cảm xúc ướt át, diễm lệ mọi người quanh ta, hằng đeo đuổi, đeo và đuổi cho đến khi nào không thể làm gì hơn được nữa, mới thôi. Yêu, theo nghĩa dân gian người phàm, là tình thấy đầy nơi phố chợ. Ở đó, có tình đằm thắm lúc ban đầu. Nhưng, nhạt dần với tháng năm. Tình nào không kèm chữ “hy sinh”, chung cuộc rồi ra cũng sẽ chán. Rất chán, khi vừa xuất hiện đối tượng mới. Đối tượng tươi trẻ, hấp dẫn hơn. Tràn đầy nhựa sống hơn.

Tình đời mau chán, bởi người người chỉ chú trọng đến xác thân. Đến dục tính. Tình đời loại này, thường dẫn đến điểm thoát rất nhanh, nơi đọan cuối của đường hầm, nhiều tăm tối. Nôm na hơn, ta gọi đấy “tình là tình nhiều khi không rồi có” hoặc: “tình là tình nhiều lúc có cũng như không”. Tình như thế, tuyệt nhiên là tình không mang dáng vẻ “hy sinh” nghĩa hiệp, nào hết.

Tình “có hy sinh”, là mối tình được thể hiện bằng hành động, chứ không phải bằng lời. Tình đó là tình được dặn dò khuyên nhủ, như một lệnh truyền ngày Chúa giã từ, với chia tay. Lệnh truyền Chúa nơi tình có hy sinh vẫn được nhấn mạnh rất nhiều lần; vìNgài vẫn thường bảo: “Với dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35)

Làm người, ai cũng từng hơn một lần, đã biết yêu. Là môn đệ của Thầy, người người lại càng phải biết yêu thương nhau nồng nàn hơn nữa. Yêu, say đắm hơn bao giờ hết. Yêu, như Thầy vẫn thương chúng ta. Yêu thương nhau, là thứ tình thực tiễn được đánh giá qua cách thức ta đối xử với nhau. Xử sự với nhau, thật hiền hòa. Thật tử tế. Ta hành xử với nhau thật kiên nhẫn. Rất chịu đựng.

Tình ta thương nhau, là tình của những người đồ đệ theo chân Chúa. Đó là tình không kiêu sa. Cũng chẳng mượt mà, trau chuốt đánh bóng chính người mình. Tình ta thương nhau, như tình Chúa yêu ta là tình không dày đạp người khác. Dày vùi và đạp lên đó để mọi người nhìn mình cho rõ, như người hùng anh cần được yêu. Phải được tôn kính. Tình ta thương nhau, là cùng vui với người vui. Cùng khóc với người đang khóc. Cùng đạt ước nguyện tạo niềm vui cho nhau. Tình ta thương nhau, là biết thương tiếc khóc than vì người khác đã mất mát. Từng khổ đau.

Yêu thương nhau như tình Thầy yêu ta, là biết nói lên sự thật. Với lòng xót thương không bến bờ. Yêu thương nhau như Thầy yêu ta, là yêu thương đấy, vẫn yêu trong hy sinh tha thứ cho người mình thương yêu. Thương yêu rất mực tin tưởng vào người mình yêu thương. Yêu trong kiên định, cả vào những giây phút gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Yêu, cả vào lúc thấy có khổ đau. Những lúc đang trầm mình dưới bùn đen, ở dưới thấp. Yêu như thế, mới giống tình Chúa yêu thương mọi người, không xét nét.

Tình có hy sinh là chấp nhận thua thiệt, để người kia được lợi. Yêu trong hy sinh, là biết tự kiềm chế mọi đam mê, dục vọng. Yêu rất hy sinh, là như thể đang chết dần chết mòn cho những cảm xúc vinh vang, hãnh tiến. Yêu trong hy sinh, là chết đi cho chính mình. Chết cho con người mình. Chết, không phải về thể xác. Mà, chết cho nhu cầu xác thân, tạm bợ. Dù, nhu cầu ấy vẫn chính đáng. Vẫn rất cần.

Yêu trong hy sinh, càng không phải là yêu với mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm thâm trầm, vì đã làm điều bất ưng và bất xứng, nay muốn tự hủy. Tự hủy, bằng tâm trạng âm thầm, khúm núm, cúi đầu sợ sệt. Yêu trong hy sinh, càng không phải là những khuyên răn, khích lệ bạn bè nguời thân hãy có cùng tâm trạng hủy diệt, vùi dập thân xác như mình. Nói khác đi, tình “có hy sinh”, là quà tặng Chúa ban nhưng-không gửi đến để người người chấp nhận một chọn lựa. Chấp nhận cơ hội vinh thăng cho tình yêu ta đang có, sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Với dặn dò đàn con biết tỏ bày tình có hy sinh, Đức Chúa đã nêu gương để ta cũng có cử chỉ tự hạ làm người thấp hèn. Ngài tự giáng hạ vào chốn nghèo hèn, để Thiên Chúa là Cha sẽ nâng Ngài lên nơi vinh hiển. Noi gương Chúa, ta cũng tự hạ chính mình nhịn nhường mọi vinh hoa, phú quý sang qua người khác. Nhường nhau, để tạo cuộc sống mới dồi dào sức sống.

Tự hạ, nhưng không tự hủy. Tự hạ, không có nghĩa dứt bỏ phẩm giá con người rất vinh quang. Vinh quang, vì mang thân phận làm con dân Đức Chúa. Tự hạ, là tự giảm chính mình xuống mức thấp hơn người khác. Tự đặt mình ở mức thấp, để người khác được nổi bật hơn, hạnh phúc hơn mình. Thực tế, trong sống đời dân gian trầm hạ, cũng nên tìm ra phương cách hoặc động thái khả dĩ giúp ta cởi thoát những hành vi không mang đặc thù của người con yêu Đức Chúa. Cởi thoát, là tự mình không đòi ở chỗ cao, trên người khác. Hoặc, người khác phải cảm nhận công sức mình, đã bỏ ra. Cởi thoát, là không đòi cho được quyền ra lệnh người khác thực hành ý kiến của mình.

Tham dự tiệc thương yêu hôm nay, ta cầu mong Thầy Chí Thánh giúp ta yêu thương mọi người như một nhân vị, chứ không như sự vật. Cầu và mong sao, ta tạo được cho mình và mọi người những tình tự “có hy sinh” đưa ta vào cuộc sống rất vui. Sống can đảm, để giải quyết mọi bất đồng trong tương quan với mọi người chung quanh. Cầu và mong sao, tình của ta luôn là tình “có hy sinh” như Đức Chúa từng dạy bảo. Và cầu mong sao, trong yêu thương giao dịch, tình của ta với người, vẫn là tình hy sinh ở mức cao độ, như Thầy thương ta.

Trong hân hoan cầu và mong như thế, ta cũng hăng say cùng người nghệ sĩ hát bài ca của người tự do con cái Chúa, hát rằng:

“Hôm nay ta yêu, yêu tình nước non ngập lòng,

Hôm nay ta thương, thương khắp nhân lọai trên đời

Lời tha thiết, bài thơ khúc ca ân tình

Ta sẽ xây nguồn vui dựng một ngày mai”.

( Xuân Lôi – Y Vân 29.12.1961 )

Vâng. Yêu thương, là thương khắp nhân lọai trên đời. Yêu như thế, ta sẽ xây nguồn vui dựng ngày mai. Ngày của trời mới. Đất mới. Nơi, có “chữ Hy sinh” trong mọi thứ tình. Tình ta yêu Chúa. Yêu thương mọi người. Yêu “có hy sinh”. Và, rất trữ tình.

 

33.Như Thầy đã yêu – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Vào năm 1995, xảy ra một trận động đất lớn chưa từng có ở Kôbê, nước Nhật, cả một thành phố hầu như đổ xuống thành một đống gạch vụn khổng lồ. Thiệt hại về người và của không biết cơ man nào mà kể. Các đội cứu hộ làm việc ngày đêm để lôi ra khỏi những đống gạch vụn vô vàn người chết, người bị thương.

Trong các tai họa vô cùng khủng khiếp ấy, người ta lại khám phá ra một câu chuyện hết sức cảm động, mà tiếng vang của nó còn mạnh hơn cả sức chấn động của cơn động đất.

Người ta kể lại rằng, đến ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm nạn nhân, họ đào lên được dưới tòa nhà đổ nát hai mẹ con vẫn còn sống: Đứa con nhỏ khoảng mấy tháng tuổi vẫn còn thoi thóp, và người mẹ đã hoàn toàn bất tỉnh.

Sau khi cấp cứu cho hai mẹ con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, các nhà báo đã phỏng vấn người mẹ:

- Làm thế nào mà cả hai mẹ con chị có thể sống được hai ngày dưới đống gạch vụn ấy?

Chị đáp:

- Tuy bị chôn vùi dưới tòa nhà đổ nát, nhưng có một cái đà đã che chắn cho mẹ con tôi. Sau vài tiếng đồng hồ thì con tôi quá đói vì hai bầu sữa của tôi cháu đã uống cạn. Tôi liền mò mẫm trong bóng tối và đụng phải một vật sắc bén. Tôi liền vồ lấy và rạch một đường nơi cổ tay, đẩy miệng con tôi vào cho cháu mút giòng máu nóng. Cháu yên lặng được vài tiếng thì cơn đói lại cào cấu, và cháu lại gào lên khóc. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay bên kia, đưa vào miệng cháu. Sau đó, tôi không còn biết gì nữa?

- Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ chết hay sao?

- Tôi không hề nghĩ đến cai chết của mình, mà chỉ nghĩ làm cánh nào cho con tôi được sống.

***

Tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa con trong câu chuyện trên đây, là lời minh chứng hùng hồn cho lời dạy của Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34).

Yêu "Như Thầy đã yêu" chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu.

Yêu "Như Thầy đã yêu" chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như "Bạn hữu thân tình".

Yêu "Như Thầy đã yêu" chính là "Yêu cho đến cùng", yêu cho đến chết và chết trên thập giá.

Vâng, kể từ khi Con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu "Như Thầy đã yêu".

Chúng ta chỉ có thể yêu "Như Thầy đã yêu" khi chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu sâu nặng mà Người đã dành cho chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể yêu "Như Thầy đã yêu" khi chúng ta dám quên mình, "bắt chước" Thầy, cúi xuống trước anh em.

Chúng ta chỉ có thể yêu "Như Thầy đã yêu" khi chúng ta dám xả thân, yêu cùng "mức độ" như Thầy, hiến dâng mạng sống cho anh em.

Như vậy, yêu "Như Thầy đã yêu" không phải là tình yêu vị kỷ (Eros) yêu người khác nhưng chỉ để lợi dụng, chiếm đoạt cho riêng mình, vì mình mà thôi; nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé) sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác.

Yêu "Như Thầy đã yêu" chính là một dòng chảy không ngừng. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống chúng ta, qua Thánh Thần Tình Yêu của Người, rồi từ con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta, dòng suối tình yêu lại tuôn tràn sang những người anh em khác.

Nếu tình yêu như một dòng chảy liên kết chúng ta lại với Chúa, thì chính tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta lại với nhau. Và đó cũng chính là dấu chỉ của môn đệ Đức Kitô: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy. Là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

***

Lạy Chúa. nếu đồng phục của người Ki tô hữu là yêu thương thì xin cho chúng con luôn tỏa sáng trong cuộc sống những lời nói yêu thương, những nghĩa cử nhân hậu, những hành động xả thân cho anh em, để xứng đáng làm môn đệ Đấng đã yêu thương chúng con cho đến cùng.

Xin cho suối nguồn tình yêu của Chúa tuôn chảy vào tâm hồn chúng con, không đọng lại như nước ao tù nhưng luôn là dòng chảy tình yêu đến với mọi người, để khắp thế giới tràn đầy tình yêu Chúa. Amen.

home Mục lục Lưu trữ