Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 80

Tổng truy cập: 1365274

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

YÊU NHƯ THẦY Đà YÊU

 

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34)

Trong bộ phim La Strada của Fredorico Fellini được trình chiếu 1954, khán giả thường nhắc lại một cảnh gây ấn tượng: một anh hề đang nói chuyện với 1 thiếu nữ. Cô nàng tỏ ra mệt mỏi vì phải cố gắng thương yêu những người không thể yêu và cũng chẳng đáng yêu, và nàng không muốn liên hệ với họ nữa. Khi (cuộc gặp gỡ sắp kết thúc) thiếu nữ định ra về, anh hề nói với nàng: Nếu em không yêu những người ấy thì ai sẽ yêu họ.

Lời anh hề nói với cô thiếu nữ làm tôi liên hệ với lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con hãy yêu". Đó cũng là lời Chúa Giêsu muốn nói với từng người chúng ta.

Chúa muốn chúng ta yêu thương tha nhân, nhưng thực tế chúng ta đã yêu thương tới mức độ nào? Có sẵn sàng yêu những người chúng ta không thích? Những người không ưa chúng ta, những kẻ nghịch thù có ý muốn làm hại chúng ta?

"Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 35)

Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy yêu thương nhau và Ngài là mẫu gương sống động cho chúng ta noi theo. Ngài đã từ trời xuống thế, đi tìm kiếm kẻ tội lỗi để cứu giúp. Dù tội là chống lại Thiên Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu lại đi tìm kẻ đang chống lại Ngài và chịu vác thập giá để đền thay tội lỗi cho tội nhân, chuộc họ khỏi đau khổ đời đời. Chính Chúa Giêsu biết Giuđa sẽ phản bội nhưng Ngài vẫn thương yêu Giuđa, nhận ông làm người thân cận của mình, nhưng Giuđa đã không màng đến tình cảm đó, không biết hối cải, sửa mình. Giuđa là đại diện cho những Kitô hữu không vâng giữ lời Chúa, cứng lòng trước những lời nhắc bảo của các mục tử và muốn sống xa đàn, không theo ý của chủ chiên.

Tuy nhiên, có một điều Giuđa không ngờ là cho dù ông có yêu mến Chúa Giêsu hay không thì Chúa vẫn thực hiện được kế họach ngàn đời của Ngài là cứu vớt các linh hồn. Thiên Chúa khôn ngoan, quyền phép và đầy tình yêu thương muốn chúng ta cộng tác vào công trình lớn lao của Ngài. Đó là một vinh dự, là hồng phúc cho con người. Nhưng nếu có ai muốn chống lại kế họach của Thiên Chúa, muốn phá hại công trình của Người thì vô phúc cho kẻ đó, còn chương trình Ngài vẫn không bế tắc.

Chính lúc Giuđa nộp Ngài, chính lúc Ngài bị trói hết chân tay trên thập giá, lại là lúc nhân lọai được ơn cứu rỗi, là lúc Ngài được tôn vinh.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta noi gương Ngài, dùng tình yêu hóa giải hận thù, dùng sự hy sinh giúp đỡ thật tình đáp lại thái độ hằn thù, chua chát của kẻ ghét mình.

Khi yêu thương, chúng ta trở nên giống Thầy Chí Thánh và được gọi là con cái sự sáng, là con Chúa Trời. Và chắc chắn chúng ta sẽ được phần thưởng, được hưởng gia tài của người con Chúa.

Nếu chúng ta không biết yêu thương và tha thứ, chúng ta sẽ không có niềm hy vọng, như Giuđa bởi cứng lòng mà chết đau đớn trong tuyệt vọng, không biết trông cậy vào lòng nhân từ Chúa, không biết chạy đến Chúa với lòng khiêm nhu, sám hối để được Chúa nhân hậu thứ tha.

Ngày hôm nay, ai trong chúng ta cũng biết rõ giới răn Chúa Giêsu đã trối lại cho các môn đệ: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13, 34); nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?(Mt 5, 46) Đối với người Công Giáo thì không được coi ai là kẻ thù, nhưng luôn cầu nguyện và mong điều tốt lành cho mọi người, mong cho chân lý, công bằng, bác ái đươc thực thi. Ước gì chúng ta biết sống triệt để giới luật yêu thương Chúa Giêsu đã truyền để xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

 

35.Giới răn mới: “mới” ở đâu?

(Suy niệm của Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM.)

Từ khi có con người xuất hiện trên địa cầu, thì đã có yêu thương. Yêu thương hạn hẹp nhất là giữa người nam và người nữ, để làm phát sinh ra những con người mới. Yêu thương mở rộng thì coi mọi người là anh em. Khổng Tử với thuyết “tứ hải giai huynh đệ,” Mạnh Tử thì nói rõ hơn bổn phận với những anh em (huynh đệ) đó, bằng thuyết "Kiêm Ái": Yêu tất cả. Đức Phật với chủ trương từ bi cũng chẳng muốn loại trừ ai ra khỏi quĩ đạo yêu thương. Và trong Cựu Ước, sách Luật Lêvi 19,18 đã ghi rõ lệnh của ĐỨC CHÚA: “Hãy yêu thương người khác như chính mình.” Tức là đâu đâu, thời nào cũng có yêu thương. Vậy tại sao khi nói với các môn đệ trong bữa ăn ly biệt, Đức Giêsu lại nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, mà chẳng thấy mới ở chỗ nào, vì cũng là nội dung: hãy yêu thương nhau.

Chuyện yêu thương đã xưa như trái đất, cũ như con người mà Chúa Giêsu lại cứ gọi là mới. Vậy vì Chúa cố ý gọi là mới – mới đến nỗi Ngài gọi đó là luật của riêng Ngài: Đây là điều răn của Thầy (Ga 15,12), nên ta thử tìm hiểu xem, giới luật mới, mới ở điểm nào?

Người ta đã tìm ra được ba, bốn điểm “mới”. Thánh Âu-tinh cũng có một bài phân tích rất hay về cái mới này: những con người mới hát bài ca mới. Hôm nay chỉ nói 2 điểm. Gọi là Luật mới, vì nó mới trong tư cách và mới trong thế cách.

1) Mới trong tư cách

Khi một quốc gia được tuyên bố độc lập, hoặc khi có cuộc đảo chánh hay thay ngôi đổi chủ, người ta viết một Hiến pháp mới. Hiến Pháp là luật căn bản của một Nước. Nhiều khi cùng một thể chế, nhưng có sự đổi ngôi, thay vị, người ta cũng viết Hiến pháp mới, như Hiến Pháp đệ II Cộng hoà của Việt Nam thời TT Thiệu so với Đệ I Cộng Hoà thời TT Diệm. Ở Pháp có Hiến pháp đệ ngũ cộng hoà thời TT De Gaulle... Những Hiến pháp đó cũng lấy lại những chất liệu trong hiến pháp cũ hay Hiến pháp của những quốc gia tiên tiến… nhưng vẫn mang tên là Hiến pháp mới, Hiến pháp của riêng Nước mình, vì đây là Hiến Pháp của một nước, một dân tộc trong tư cách mới, trong vị thế mới.

Năm 1250 trước Công nguyên tại núi Si-nai, bán đảo Ai cập, Đức Chúa đã ký một giao ước với Mô-sê để thành lập một Dân tộc: Dân Israel – Dân của Chúa. Hiến Pháp của Dân Israel là thập giới ghi trên bia đá. Máu để ký giao ước là máu chiên bò được rảy trên bàn thờ và trên Dân.

1283 năm sau tức năm 33 sau Công nguyên (tạm xem như Chúa Giêsu chết năm 33), Đức Giêsu đã ký một giao ước mới – dĩ nhiên là sẽ có lề luật mới. Luật không ghi trên bia đá nữa, mà ghi trong trái tim bằng Thần khí (Ed 31, 25-28 ) và máu để ký giao ước mới là Máu Chúa: “Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới.” Tuy Giao ước mà Đức Giêsu ký vẫn còn dây mơ rễ má với giao ước cũ, dân mà Đức Kitô thiết lập vẫn liên tục với dân cũ, nhưng đã được gọi là Dân mới rồi. Dân tộc mới, Giao ước mới, thì lề luật phải mới và người dân sống trong tư cách mới. Công đồng Vatican II mô tả Nước mới, Dân mới này như sau: (x. GH số 9):

Có Thủ lãnh (Tổng thống, Chủ tịch, Vua) là Đức Kitô.

Có biên giới là vô biên (không chỉ gói gọn trong nước Israel)

Có cùng đích là Nước Trời.

Có Hiến Pháp là “điều răn mới”

Có Qui chế – quốc tịch, là chức vị và sự tự do của con cái Chúa.

Vậy ta có thể tóm điểm mới thứ nhất như thế này: Đây là luật mới, vì ở trong một Dân mới là Giáo Hội, một Nước mới là Nước Trời. Và người dân trong nước này có quốc tịch mới, vị thế mới, tư cách mới là con cái Chúa.

Yêu người khác trong tư cách mình là con Chúa, chứ không phải trong tư cách người nô lệ, như nô tì Isaura nữa!

2) Mới trong thế cách

Tức là mới trong cách thế. Nói nôm na hơn, mới nơi chữ “như.”

Khi chúng ta nói đẹp: đẹp như tiên giáng trần, đẹp như Tây Thi, đẹp như Điêu Thuyền… thì khác, mà “đẹp” như Chung vô Diệm thì lại khác xa! Nó khác, nó mới là ở chữ như.

Khi chúng ta nói về mầu sắc, thí dụ trắng, thì có thể trắng như vôi, trắng như tuyết, trắng như trứng gà bóc… mỗi cái như là một cái khác…

Cũng như căn nhà trước đây ta quét vôi trắng: trắng như vôi. Nay ta cạo vôi ra, xịt sơn nước Thái Lan, ta có căn nhà mới, trắng tinh!

Cũng là yêu thương, nhưng yêu thương trong luật cũ thì “yêu tha nhân như chính mình.” Còn yêu thương trong Luật mới là yêu thương như Chúa yêu ta. “Thầy ban cho anh em giới luật mới là: hãy yêu nhau ‘như’ chính Thầy đã yêu anh em”. Mà Chúa yêu ta với cách thế nào, ta đã rõ: yêu đến cùng. Yêu đến hi sinh mạng sống vì người mình yêu.

Hai người tình, yêu nhau sẵn sàng chết cho nhau; người mẹ kia bị ung thư đã không hoá trị, xạ trị, để cho bào thai được sống. Khi con đỏ hít hơi chào đời, mẹ trút hơi lìa đời. Con vuông mà mẹ không tròn. Người mẹ đó là nữ thánh Gioanna.

Và xa hơn tình vợ chồng, tình mẹ con, tình bạn, ta có tình đồng loại: người tù số 16670 tại trại tập trung Auschwitz tức linh mục phan sinh Maximilianô Kolbe, người Ba Lan đã chết thay cho người tù khác Francois Ga-jo-nic-zek. Đó là những gương mẫu về chữ như: Yêu người như Chúa yêu ta. Yêu người như Thầy yêu thương.

Có một bà đạo đức kia bệnh nặng. Bạn bè đến thăm an ủi, và cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết người này yêu Chúa biết bao! Bà bệnh liền chen vào: Các bạn đừng thưa với Chúa như thế. Các bà có biết khi Maria và Matta đến với Chúa để nói về Lazaro, em họ đang bệnh nặng, các bà ấy nói gì không? Các bà không thưa với Chúa: thưa Thầy, kẻ yêu Thầy đang bệnh, mà là kẻ Thầy yêu mến đang bệnh. Bà bệnh nói tiếp, không phải tình yêu tôi đối với Chúa làm tôi lành bệnh, mà là tình Chúa yêu tôi làm tôi mạnh sức. Tức là không phải yêu như tôi đây yêu Chúa, mà là như Chúa yêu tôi đây. Tôi yêu Chúa thì có hạn, nhưng Chúa yêu tôi thì vô cùng.

Thánh Phaolo đã nói đến chiều cao, chiều sâu, chiều dài, chiều rộng của tình Chúa yêu con người (x. Ep 3, 18). Và cũng có người đã tìm ra chiều cao, sâu, rộng dài của tình yêu Chúa như thế này:

Yêu người như người yêu người là bậc thấp, là luật cũ của Cựu Ước.

Yêu người như Chúa yêu người là bậc cao, là luật mới của Tân Ước.

Nhưng chúng ta còn được kêu gọi đạt tới cái mới tinh, cái cao chót vót của luật yêu thương nữa. Yêu người như Chúa yêu Chúa: Xin cho họ nên một. Như Cha và Con là một. (Vợ chồng yêu nhau nên một, tuy hai là một, nhưng vẫn còn ranh giới vì còn trong thân xác, nên tuy một mà hai. Còn yêu như Chúa Cha yêu Chúa Con trong Chúa Thánh Thần thì nên một trọn vẹn).

Chúng ta phải làm sao, trong Vương Quốc mới, giấy căn cước của ta ghi dấu vết riêng không phải là nốt ruồi trên mép, vết sẹo nơi môi… mà là yêu thương. “Kìa họ yêu nhau đến chừng nào.” (x. Cv 1-2). “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các các yêu thương nhau, … như Thầy yêu các con.”

Trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d'Amaral viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha bề trên André Palmeiro ở Macao, cha Gaspar chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng "người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhău". Thật là tuyệt vời! Người lương không biết đặt tên cho nhóm người theo đạo mới này là đạo gì, đã nghĩ ngay đến cách họ sống mà đặt tên: Đạu yêu nhău. Mặc dầu đây là bản văn tiếng Bồ Đào Nha, nhưng tác giả có chêm một số chữ Quốc ngữ thời đó, như đạu, yêu nhău (ley de se amar), đàng ngoày, đàng tlão, đàng tlên ..., là thứ chữ Palmeiro chẳng hiểu gì, cả đến người Việt cũng chưa biết.

Hãy giữ luật mới là "yêu nhau như Chúa yêu," để nhiều người được hưởng lòng Thương Xót của Chúa và gia nhập vào “Đạo Yêu Nhau”.

 

36.NMS/74 - Yêu người

Có hai người bạn đi vào tham quan bên trong một tiệm bán đồ nữ trang. Khi đã chiêm ngắm nhiều viên đá quí, họ để ý và lấy làm lạ là có một viên ngọc sần sùi, không óng ánh bóng loáng như những viên ngọc khác. Vì thế, một người bạn lên tiếng bình phẩm: “Nếu viên đá này không có vẻ gì quí cả, tại làm sao người ta lại trưng bày nó ra đây?”. Nghe vậy người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm lấy viên ngọc và nắm chặt trong lòng bàn tay mình. Một lát sau viên đá mờ đục không bóng loáng đó, trở nên lấp lánh muôn màu sắc hết sức kỳ diệu. Thấy lạ, một người bạn hỏi ông chủ tiệm: “Làm sao mà kỳ là vậy?”. Người chủ trả lời: ‘’Đây là viên ngọc mắt mèo, được mệnh danh là viên đá thiện cảm, nghĩa là nó cần có đụng chạm với hơi nóng ấm của bàn tay, tức khắc nó sẽ phát ra những tia sáng óng ánh muôn màu sắc là thế”.

Có lẽ, không ai trong chúng ta đã từng thấy tận mắt thứ ngọc kỳ lạ trên, nhưng cách thức phát quang của nó vừa bí ẩn vừa mang ý nghĩa rất hay khi so sánh với cung các cư xử của con người với nhau. Thật vậy, ở đời mọi người chung quanh chúng ta, nhất là những anh em nghèo khổ, hẩm hiu, bị bỏ rơi, bị khinh thường như viên đá mắt mèo, nếu có hơi nóng của bàn tay thương yêu chúng ta sưởi ấm: đó là một lời nói ngọt ngào thân ái, một nụ cười dễ thương, một cái nhìn trìu mến thông cảm và một tí trợ giúp vật chất thì cuộc đời của họ, ánh mắt của họ sẽ bừng sáng lên đầy tươi vui biết ơn.

Đây là một việc làm bình thường trong cuộc sống chung giữa người với người, nhưng lại là một điều kiện căn bản của đời sống đạo đức làm người. Vì điều luật yêu thương nhau là một điều luật quan trọng đến nỗi không những luân thường đạo lý của bất cứ xã hội, dân tộc nào cũng truyền dạy, mà nhất là giáo lý của bất cứ đạo nào cũng đều lấy nó làm căn cốt để xây dựng và rao giảng đạo. Chẳng hạn đạo Lão thì dạy hiền hòa vô vi, đạo Khổng thì dạy sống quân tử, độ lượng, trừ tiểu nhân nhỏ nhen, đạo Nho thì dạy nhân ái biết điều, đạo Phật thì dạy chúng sinh luôn từ bi hỉ xả, còn đạo Công giáo thì dạy công bằng bác ái…

Như thế đã đủ cho chúng ta thấy rằng luân thường đạo lý nói chung và giáo lý các tôn giáo nói riêng đều lấy thương yêu nhau làm căn bản sinh hoạt vì nó cần thiết cho đời sống chung và giúp con người thu tâm dưỡng tính, an hòa vui sống. Nhưng khi đề cập đến lòng yêu thương nhau của đạo hay đời thường được nhấn mạnh như là một sự cần thiết cho đời sống nhân bản ở trần thế hơn là một yếu tố của đời sống vĩnh hằng.

Do đó, việc yêu thương nhau trong đạo Công giáo không những chỉ là một đòi hỏi bức thiết của đạo lý nhân bản ở đời làm hay không tùy ý, mà còn là một điều kiện tiên quyết, một trách nhiệm bổn phận, một điều luật bó buộc phải thi hành cho bằng được. Chính vì thế, Chúa mới truyền dạy cho các Tông đồ và cả chúng ta rằng luật yêu thương nhau là một điều răn mới. Nó mới không phải vì xưa nay chưa có nó, nhưng nó mới là vì giờ đây nó được Chúa mặc cho những ý nghĩa mới mà con người chưa bao giờ nghĩ tới.

Trước hết, luật yêu thương trở nên mới mẻ, khác với quan niệm thông thường xưa nay, là vì đối với những ai tin theo Chúa nó thành một đòi hỏi thiết yếu, một điều kiện quan trọng để được đón nhận vào Nước trời. Như thế, luật yêu thương của đạo Công giáo không chỉ là một biểu lột tình cảm, một giá trị đạo đức nhân bản, mà còn mang ý nghĩa siêu nhiên, giá trị cứu rỗi đời đời. Do đó, người Công giáo chúng ta khi sống đạo ở đời đừng cố tình theo quan điểm lầm lẫn cho rằng bác sĩ thương người là một đòi hỏi không bắt buộc, chẳng quan trọng mấy, trái lại phải thâm tín rằng bác ái yêu thương, dù khó khăn đến đâu, cũng cần cố sức thực hiện cho bằng được vì nó liên quan chặt chẽ đến phần rỗi của mỗi người. Tránh né hay bất cần nó là nắm chắc mất phần rỗi.

Thứ đến, luật yêu thương mới mẻ vì không phải khi thực hiện nó cốt để được an thân, đỡ phiền phức hay để thỏa mãn lòng khoe khoang mà người ta thương người khác, trái lại khi yêu thương nhau như lời Chúa dạy thì phải lấy tinh thần khiêm tốn, tế nhị làm gốc và coi việc phục vụ hết mình làm tiêu chuẩn. Vì nếu khi ta thực hiện bác ái mà có tính toán, đặt điều kiện giới hạn, khoe mẻ thì nó chẳng khác chi bao việc tầm thường khác. Còn bác ái thương người thật tình thì bao giờ cũng giấu mặt ẩn mình càng nhiều càng tốt và hết lòng làm đến nơi đến chốn cho dù phải hy sinh cả tính mạng.

Bác ái thương người quan trọng như thế và đã được nhắc bảo không biết bao nhiêu lần trong đời, tại sao chúng ta lại ít quan tâm? Và nếu có thực hiện, tại sao chúng ta cảm thấy ngại ngùng khó khăn? Phải chăng chúng ta cứ cố tình sống giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa và nỗi khổ của anh em?

 

37.Giới răn yêu thương – R. Veritas.

Ngày nay, nếu có ai ghé thăm Tientina Alba, một làng nằm ở phía bắc Rumani, đều trông thấy bên ngoài làng có một gò đất lớn, bên trên cắm một cây Thánh Giá thật to. Đó là nấm mồ tập thể của 5,000 tín hữu Công giáo thuộc Giáo hội Đông phương nước Rumani đã bị quân xâm lược sát hại vào buổi sáng ngày lễ Phục Sinh ngày 1/04/1941.

Tientina Alba trong tiếng Rumani có nghĩa là "Suối trắng". Nhưng vào một buổi sáng cách đây hơn nửa thế kỷ nó đã trở thành một con suối máu của 5,000 người Công giáo chết vì Chúa Kitô. Quân xâm lược đã triệt để thi hành chính sách tiêu diệt tôn giáo. Người dân Rumani sống tại vùng này đều thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương, nên đó là một chướng ngại lớn đối với đường lối xâm lăng diệt chủng này.

Anh chị em thân mến!

Biến cố thương đau trên đây trong lịch sử Giáo hội Rumani giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp của Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay. Đó là điều giúp chúng ta có thể bước vào cuộc sống Phục Sinh vinh quang trên thành thánh Giêrusalem thiên quốc. Người Kitô hữu cũng phải đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô bước đi trên con đường tăm tối của bắt bớ, khổ đau và cái chết.

Thành thánh Giêrusalem thiên quốc như đã diễn tả trong chương 21 của sách Khải Huyền là một kinh thành kỳ lạ, nó là điểm thành toàn của lịch sử cứu độ cứu độ sau khi vượt thắng tất cả mọi lực lượng lịch sử xã hội tiêu cực và chiến thắng kinh thành thế tục gian ác tội lỗi của trần gian này. Sau khi chiến thắng kinh thành Babylon hiện thân của mọi quyền lực chính trị, ý thức hệ và kinh tế trần gian bắt bớ chống đối Giáo hội, sau khi đánh tan mọi lực lượng sự dữ do ma quỉ chỉ huy, cộng đoàn Kitô hữu hân hoan khải hoàn bước vào kinh thành thiên quốc. Họ bước vào trời mới đất mới, nơi không còn khóc than, khổ đau, chết chóc, buồn thương và mệt nhọc nữa.

Bởi vì, thế giới cũ đã qua rồi và mọi sự đã được đổi mới. Giờ đây, họ được sự hiện diện rạng ngời của Thiên Chúa, Đấng ở cùng chúng tôi. Nhưng trước đó, con đường của Giáo Hội lữ hành là con đường khổ nạn của Chúa Giêsu.

Trong khung cảnh thân tình của bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ lời tâm huyết. Sau khi Giuđa, kẻ phản bội Ngài rời khỏi nhà Tiệc Ly để đi vào đêm tối mịt mù. Đêm tối của tâm hồn và cuộc đời Giuđa và đêm tối của thế giới.

Qua đó, Chúa Giêsu mới thổ lộ cho các tông đồ biết rõ hơn con đường dẫn Ngài tới chỗ vinh quang, đó là con đường của Thập Giá. Chính khi bị treo khổ nhục trên Thập Giá, cũng là chính lúc Chúa Giêsu được tôn vinh và thành toàn chương trình cứu độ trần gian của Ngài.

Như vậy, những khổ hình Thập Giá thay vì dấu chỉ của hình phạt, thì nó lại trở thành dấu tích yêu thương cao vời nhất mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã dành cho con người. Do đó, chỉ những ai sống yêu thương mới hiểu được cái logic ngược đời ấy của Thập Giá. Đồng thời đây cũng là kiểu cách hành động của Thiên Chúa.

Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu trăn trối lại cho các tông đồ và cho cộng đoàn Giáo hội thật mới mẻ, vì nó diễn tả thái độ dấn thân tuyệt đối và trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã ký kết với loài người bằng chính máu của Ngài. Tình yêu thương ấy là tình yêu thương hai chiều bình đẳng giữa các tín hữu. Bởi vì trong cộng đoàn ai cũng cần yêu thương và được yêu thương. Nhưng từ nay không còn chuyện yêu người như yêu mình nữa, mà yêu người như chính Thầy đã yêu chúng con, nghĩa là Kitô hữu phải yêu thương nhau với cùng cường độ trong cùng tâm tình và kiểu cách của Chúa Giêsu là tận hiến vô biên và trọn vẹn. Tình yêu thương của Chúa Giêsu là suối nguồn, mẫu mực và linh hồn tình yêu thương của Kitô hữu. Và sau cùng, tình yêu ấy là căn cước, là chứng tích sống động giúp nhận ra ai là thành viên thực sự thuộc cộng đoàn Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô.

Trong chương 14 sách Tông đồ Công vụ, thánh Phaolô cũng chỉ cho chúng ta con đường chắc chắn giúp tiến về kinh thành Giêrusalem. Đó là noi gương Chúa Giêsu can đảm tiến bước trên con đường Thập Giá của lòng tin.

Phần thứ hai của sách Tông đồ Công vụ, các chương 13-28 nêu bật sự truyền giáo của thánh Phaolô. Các trình thuật cho chúng ta thấy ba nhân tố thần học song song quan trọng sau đây:

1. Gương mặt của Saolô lòng đầy hận thù, hăng hái tìm cách bắt hại và bỏ tù tất cả những ai tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu và gương mặt của một Phaolô không ngừng thôi thúc Kitô hữu vững vàng trong lòng tin và kiên trì chịu đựng mọi bắt bớ gian lao thử thách vì Chúa Giêsu Kitô.

Kinh nghiệm cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô Phục Sinh đã khiến cho Phaolô xác tín rằng con đường duy nhất giúp hiện thực ơn gọi làm người toàn vẹn là bước theo Chúa Giêsu Kitô và sống Tin Mừng của Ngài, cho dù có phải trả giá đắt đỏ bằng chính sự sống của mình đi nữa.

2. Nhân tố thần học song song thứ hai là kinh nghiệm đau khổ mà thánh Phaolô phải chịu vì Thập Giá Chúa Kitô và kinh nghiệm bách hại mà cộng đoàn Kitô phải sống. Phaolô đã lâm cảnh lao đao lận đận, ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng của Ngài. Và Kitô hữu trong cộng đoàn tiên khởi thời đó cũng như trong các thế hệ sau này khắp nơi trên thế giới đều phải sống kinh nghiệm Thập Giá như thầy mình là Chúa Giêsu Kitô.

Chỉ khi biết phám phá ra cái logic lạ lùng ngược đời ấy, con người và thế giới mới tìm được thế quân bình hạnh phúc trọn vẹn thời khai nguyên vũ trụ và mới thực hiện được chương trình sống mà Thiên Chúa muốn.

Nói cách khác, con đường dẫn đến cuộc sống giờ đây là con đường dẫn tới Thập Giá và khổ đau mà Kitô hữu cần phải chấp nhận mỗi ngày trong tâm tình của Chúa Giêsu Kitô, để sinh vào cuộc sống và thế giới này, để mở mắt nhìn thấy cha mẹ, người thân, mặt trời, trăng sao, thú vật và hoa cỏ xinh tươi. Đứa bé nào cũng phải xé lòng mẹ và khóc tiếng chào đời. Nó chào đời và đời chào đón nó bằng tiếng khóc pha trộn nỗi vui mừng và niềm hy vọng.

3. Mấu điểm thần học song song thứ ba được nêu bật trong phần 2 của sách Tông Đồ Công Vụ là cái song song giữa kiểu cách mà Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của thánh Phaolô với kiểu cách Thiên Chúa hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu, Giáo hội và thân mình mầu nhiệm của Ngài.

Trên con đường cuộc sống lòng tin, chúng ta tất cả đều cần đến người hướng đạo có nhiều kinh nghiệm chỉ bảo, khuyên nhủ và khuyến khích. Thánh Phaolô đã được Annania chỉ bảo, giảng giải và hướng dẫn trên con đường cuộc sống mới do Chúa Kitô Phục Sinh chỉ vẽ cho ông. Giờ đây thánh nhân chọn lựa các linh mục, các vị hữu trách có nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu. Đó là những vị bô lão. Bô lão ở đây không ám chỉ sự già dặn của tuổi tác cho bằng sự già dặn kinh nghiệm trong cuộc sống lòng tin, lòng tin cậy trông và lòng mến.

Vị linh mục, người lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn già dặn về tuổi tác là một phần thứ yếu, nhưng phải già dặn về kinh nghiệm sống thân tình với Thiên Chúa và thông hiểu giáo huấn Tin Mừng của Chúa cũng như giáo huấn của Giáo hội, đó là điều thiết yếu mà linh mục cần phải có. Chúng ta hiểu tại sao trước khi trao cho Phêrô trọng trách hướng dẫn Giáo Hội, Chúa Giêsu đã ba lần hỏi xem ông có yêu mến Ngài hơn những người này không? Chính tình yêu là linh hồn của công tác rao giảng nước Chúa và là hộ chiếu giúp tín hữu được bước vào kinh thành hạnh phúc. Nó là một tình yêu trọn vẹn trong mọi chiều kích thần học cũng như xã hội ở đời này cũng như trong cuộc đời mai sau. Amen.

 

38.Yêu thương nhau

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Chỉ vài câu ngắn thôi, thánh Gioan đã tóm gọn cuộc đời của Chúa Giêsu: Ngài đến trần gian để tôn vinh Cha Ngài.

Ngài đến trong trần gian, mang lấy kiếp người là để mạc khải khuôn mặt nhân hậu của Chúa Cha. Ngài chính là tiếng nói của Chúa Cha ngỏ lời với nhân loại.

Đó là những câu nói của Cháu Giêsu trong bữa Tiệc Ly, khi Ngài biết rằng Ngài sắp đi vào cuộc khổ nạn và sẽ về với Cha Ngài.

Chúa Giêsu đã đuổi khéo Giuđa vì thấy rằng không thể nào thay đổi được lòng dạ của anh. Tiền bạc đã làm mờ mắt anh, khiến anh không còn thấy gì, nghe gì nữa, buộc lòng Chúa phải loại anh ra khỏi cộng đoàn nhỏ bé của Ngài.

Khi Giuđa ra khỏi phòng, chỉ còn lại những người thân tín, Ngài mới tuôn trào tâm sự của Ngài.

Giuđa là chướng ngại. Anh không ở trong tình yêu của Ngài. Anh cản trở tình yêu.

Chúa Giêsu nói đến tôn vinh. Các tông đồ có hiểu được những gì Ngài nói không? Chắc là không, sau này, khi Ngài sống lại, các ông mới khám phá ra những gì chứa đựng trong những lời ngắn ngủi đó. Chúng ta cũng không mấy người hiểu những lời bí nhiệm này.

Nói đến tôn vinh hay vinh quang, người Do Thái thường nghĩ đến sấm chớp hãi hùng ở núi Khoreb khiến họ phải kinh hoàng, những kỳ công Chúa đã thực hiện ở Ai Cập và chôn vùi xa mã Pharaô dưới lòng Biển Đỏ. Tôn vinh ở đây không nói đến những biểu hiện của quyền lực của Thiên Chúa mà chỉ nói đến tình yêu.

“Con Người được tôn vinh” nghĩa là khi tình yêu của Ngài được tỏ hiện trọn vẹn trong cuộc khổ nạn và phục sinh.

Vinh quang của Chúa Kitô không phải là được tung hô ủng hộ mà ngược lại vinh quang là tình yêu của Ngài được nhìn nhận. Chỉ sau phục sinh, Tình yêu của Ngài mới hiện rõ và các tông đồ mới khám phá ra sứ mệnh yêu thương và cứu độ của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa sắp tôn vinh Người”, nghĩa là trong tương lai, khi mọi sự đã hoàn tất.

Chúa Giêsu cũng được tôn vinh khi tình yêu của Ngài đối với Cha Ngài được thực hiện đến cùng, đồng thời công cuộc cứu chuộc đã khởi đầu. Tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha được thực hiện trong một sự vâng phục tự do và trọn vẹn, và Chúa Cha được tôn vinh nơi Chúa Con khi Chúa Con được nhìn nhận là “Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Khi mọi người nhìn nhận tình yêu của Chúa Cha đối với loài người khi ban Con Một Người cho trần gian: “Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi ban Con Một mình cho trần gian”. Đó là vinh quang của Thiên Chúa Tình Yêu. Trong vinh quang của Chúa Cha, vinh quang của Chúa Con cũng được tỏ hiện nơi thập giá, trong máu lệ: “Khi Ta được treo lên, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta”.

Giờ đã đến. Chúa Giêsu biết rằng Ngài sẽ lìa các môn đệ để thực hiện ý Cha. Trong giây phút đầy ắp tình thương này, Ngài gọi các môn đệ bằng một tiếng nói hết sức ngọt ngào: “Các con bé nhỏ của Thầy”. Một lần duy nhất, Ngài dùng những tiếng nói của một bà mẹ ôm con nhỏ trong vòng tay âu yếm.

Một lời ngắn ngủi thôi đủ cho chúng ta thấy xuất hiện một vùng trời yêu thương man mác.

Đây là giờ phút cuối cùng trước khi chia tay để đi vào cô đơn thống khổ. Ngài biết rõ những gì đang chờ đợi các môn đệ. Ngài muốn bao bọc họ trong vòng tay âu yếm của Ngài. Ngài đưa họ vào vùng đất riêng biệt của Ngài, vùng đất yêu thương: “Các con nhỏ bé của Thầy”.

Rồi đây chúng con sẽ bị tản mát: “Đánh chủ chiên, đàn chiên sẽ tan tác”.

Ngài biết họ mong manh yếu đuối, vì thế Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Chỉ có tình yêu mới tập hợp chúng con lại, chỉ có tình yêu mới giúp chúng con vượt qua những cam go thử thách giữa trần gian.

Chúng ta không thể nghe giọng nói của Chúa lúc bấy giờ, nhưng chúng ta cũng có thể hình dung khuôn mặt và giọng nói của Ngài, một giọng nói bình thản, ngọt ngào và thâm trầm cắm sâu vào tâm hồn các môn đệ. Các ông lắng nghe và tâm hồn ấm lại. Ngọn lửa tình yêu đã được nhóm lên, yếu ớt, nhưng nó sẽ bùng cháy lên và bao trùm thế giới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy… Thầy ban cho anh em một điều răn mới”.

Mới, nghĩa là có một điều răn cũ. Cựu Ước dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng. Yêu thương người khác như chính mình”.

Yêu thương người khác như chính mình cũng là một điều vượt khả năng của con người. Có ai trong chúng ta đã thực hiện điều răn đó?

Yêu thương tha nhân như chính mình là làm sao cho người khác được như mình. Mình ấm no, phải lo cho người khác được ấm no như mình. Điều này chúng ta chưa làm được, huống chi yêu thương như Thầy. Cái mới chính là yêu thương như Thầy đã yêu.

Như Thầy là thế nào? Hãy nhìn Thầy, nhìn cách Thầy yêu thương. Chúng ta có bao giờ nhìn thực sự không? Chúng ta chỉ nhìn thoáng qua thôi. Nếu nhìn Thầy thực sự, chúng ta sẽ choáng váng, sẽ ngợp thở thôi. Điều răn mới của Thầy chỉ có mấy chữ thôi nhưng những đòi buộc của nó vô biên, không thể tưởng tượng được. Nó đòi buộc đến tối đa, đến chết: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người dám chết cho bạn hữu”. Đó mới thực sự là yêu. Yêu mà không đưa đến cái chết chỉ là tình yêu non nớt, không thực chất, gầy còm, mau tan, mau biến. Tình yêu đưa đến cái chết vì phải cho đi tất cả, “đến tận cùng”.

Tình yêu tha nhân chính là trung tâm của đạo Công giáo mà cũng là hạnh phúc của con người. Nhưng người ta không biết yêu, vì thế mà người ta chỉ làm khổ nhau thôi. Bao nhiêu khốn khổ mà con người đem lại cho nhau thì vô kể, vì họ không biết yêu thương. Chúng ta là người Công giáo, được Chúa dạy, thấy gương lành của Chúa, chúng ta vẫn chưa biết yêu.

Vậy yêu thương là gì? Câu hỏi xem ra thừa thãi, nhưng cần thiết.

Theo như thánh Tôma Aquinô, yêu thương là muốn điều thiện hảo cho người mình yêu. Nhưng điều thiện hảo là gì? Vì không biết cái gì là thiện hảo, nhiều người đã sai lầm. Cha mẹ quá cưng con, tưởng rằng như thế là thương con, nhưng họ giết con mà họ không hay.

Chỉ có Chúa Giêsu mới thánh thiện vẹn toàn, Ngài lại là Tình Yêu, Ngài mới dạy chúng ta thương nhau. Ngài đem đến cho chúng ta điều thiện hảo tuyệt đối là chính bản thân Ngài. Ngài trao ban nhưng không, trong một sự tự nguyện hoàn toàn. Ngài dạy chúng ta yêu thương như Ngài, tức là trao ban tất cả, “không còn gì để cho”. Chúng ta dám không?

Cũng vì chúng ta không dám cho không cuộc đời nên thế giới đầy dẫy đau thương, gia đình chúng ta không hạnh phúc, Giáo xứ chúng ta chia rẽ. Chúng ta hãy trở về với giới luật yêu thương của Chúa, may ra chúng ta còn cứu vãn được cuộc sống khô cằn của chúng ta. Trở về với Ngài, học yêu thương với Ngài, nhìn Ngài yêu thương đến tận cùng, chúng ta mới cảm thấy cần cố gắng hơn. Con tim chúng ta đã tê liệt mà chúng ta không hay biết.

Yêu thương như Thầy là một đòi hỏi gắt gao, nhưng nó sẽ mang lại hạnh phúc. Không mấy người dám bước vào con đường yêu thương. Thương mình, gia đình mình… thì dễ, nhưng yêu thương mọi người thì ít người dám.

Nói đến giới luật yêu thương, chúng ta liên tưởng đến những khuôn mặt quen thuộc như Mẹ Têrêxa Calcutta, hi sinh cho những người cùng khốn nhất trong xã hội, thánh Vinh Sơn Phaolô, tận tụy cho trẻ em mồ côi, thánh Đamiên, sống chết cho người cùi ở đảo Môlôkai, thánh Gioan Maria Vianney suốt ngày đêm, kiệt sức ở tòa giải tội… Những gương lành sáng chói đó là một khích lệ mãnh liệt cho chúng ta, những con người hèn nhát, co ro trong tổ ấm của mình. Hiện nay vẫn còn bao nhiêu gương lành trong các trại cùi, trại AIDS, cô nhi viện… Chúng ta hãy can đảm bước theo dấu vết của những tâm hồn trong sáng đó.

Con đường yêu thương là con đường sỏi đá không mấy người đi. Chúng ta, những môn đệ của Thiên Chúa Tình Yêu, hãy cố gắng bước theo Thầy.

Thế giới đang cần chúng ta, cần những con tìm tràn đầy tình thương chứ không cần vũ khí. Đau khổ quá nhiều không lường được, chúng ta hãy trút bớt gánh nặng cho những anh em đang nặng nề bước đi trong biển lửa ích kỷ, vô tâm và tàn nhẫn: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu mến nhau”.

Hãy ăn lấy tấm bánh Tình Yêu để đủ sức bước đi bền vững trên con đường yêu thương.

home Mục lục Lưu trữ