Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1371101

YÊU THƯƠNG

Yêu thương.

 

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại những lời từ biệt của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong bữa tiệc ly trước khi Ngài chịu khổ nạn và sau khi Giuđa, kẻ phản bội Chúa đã bỏ bàn tiệc đi thực hiện ý đồ phản bội Ngài.

Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông đồ rằng: “Căn cứ vào điều này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Và điều quan trọng là chúng ta có thi hành lệnh truyền này hay không? Vì thế mà có những hậu quả thật nghiêm trọng, đó là hậu quả của sự sống và sự chết.

Thánh Gioan tông đồ nơi thư thứ nhất có đoạn viết như sau: “Nếu chúng ta yêu thương anh em thì chúng ta đã qua sự chết mà vào sự sống. Trái lại, kẻ không yêu thương anh em thì ở trong sự chết, vì phàm ai ghét anh em mình đều là kẻ sát nhân”. Yêu thương nhau là một điều răn mới, bởi vì Chúa Giêsu đã biến đổi luật yêu thương cu của Cựu Ước. Quan niệm của luật cũ là: “Yêu thương anh em như chính mình ngươi”, được Chúa Giêsu đổi lại trong luật mới là: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Như vậy, tình yêu thương mà chúng ta có với nhau không phải là một tình yêu lấy cái tôi làm chuẩn mực, nhưng phải phát xuất từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau như vậy. Giới răn mới của Chúa đươc đồng hóa với tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa như lời Kinh Thánh đã chép: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình thì là kẻ nói dối. Vì ai yêu mến Chúa thì cũng phải yêu thương anh em”. Chính vì thế mà yêu thương trở thành dấu chỉ của con cái Chúa, làm cho chúng ta thuộc về Chúa, trở nên môn đệ Chúa: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau”.

Nói lên những điều này chắc rằng mỗi người chúng ta đều có thể nói được như vậy và mỗi người chúng ta cũng có thể hiểu được như vậy. Giữa những bài giáo lý mà chúng ta đã học từ nhỏ, những lời giảng dạy mà chúng ta đã nghe qua trong xứ đạo, chắc chắn mỗi người chúng ta đều hiểu được như vậy và nói được: “Chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Nhưng nếu chúng ta sống thực với những điều này mới là việc khó, cần phải cố gắng liên lỉ: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Chúng con hãy làm việc tốt để anh chị em chúng con nhìn thấy mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”. Đó là lời giảng dạy của Chúa cho các môn đệ trước khi Ngài từ giã các tông đồ, trước khi Ngài hoàn tất sứ mệnh cứu rỗi là chấp nhận chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, Chúa đã tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng một hành động cao cả là hy sinh chính mạng sống mình để minh chứng tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa Cha và với mỗi người chúng ta.

Vì thế, trước khi từ giã các môn đệ Chúa Giêsu đã nói: “Bây giờ thì Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa Cha được vinh hiển nơi Ngài”. Vinh hiển qua hành động hy sinh vì tình yêu của Chúa Giêsu, đồng thời Ngài muốn chúng ta sống như thế để làm vinh hiển Thiên Chúa Cha bằng cách sống giới răn yêu thương mà Ngài đã truyền dạy chúng ta. Liền sau đó Chúa nói rằng: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Chúng ta không thể mơ ước chết một cách rình rang, chết một cách long trọng để mọi người nhìn thấy, nhưng chính những hy sinh nhỏ nhặt hằng ngày không ai nhìn thấy trong âm thầm mới minh chứng tình yêu của chúng ta, mới nói lên mối tình yêu thương thực sự của chúng ta và đó cũng chính là sống cách thiết thực đối với anh chị em. Chúng ta có thể phục vụ anh chị em trong những công việc nhỏ nhặt hằng ngày, những điều đó không ai trông thấy, những điều đó chúng ta cần thực hiện hằng ngày để tôn vinh Thiên Chúa.

Trong dịp tiếp xúc và nói chuyện với một người vô thần, một người vô thần đã thốt lên: “Nếu những người Công giáo sống đức tin của mình, sống những gì mà mình nói thì thật là một điều hết sức tốt đep và có thể chúng tôi cũng sẽ tin theo”. Câu nói này nhắc lại trách nhiệm của mỗi người chúng ta là sống điều chúng ta tin. Nếu chúng ta sống điều chúng ta nói, chắc hẳn có rất nhiều người sẽ tin theo Chúa Kitô, và như vậy chúng ta đều có thể nói: “Chúa dạy mình yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em như chính Chúa đã yêu thương”.

Vậy thì chúng ta hãy cố gắng sống yêu thương hằng ngày trong cuộc sống của mình để làm vinh danh Chúa, để cho anh chị em xung quanh nhìn thấy những việc tốt, việc phục vụ mà chúng ta thực hiện, để rồi họ được hướng dẫn tin nhận Chúa là Cha và tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất và họ gia nhập cùng với chúng ta trong một cộng đồng duy nhất là Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập, cộng đoàn của những người yêu mến Chúa và yêu thương anh em, cộng đoàn của những người sống tốt lành để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin kính.

 

 

 

 

 

62. Giờ ra đi

 

Để hiểu được trọn vẹn câu nói, chúng ta phải cần nhận biết được bối cảnh của câu nói đó. Điều này đặc biệt đúng trong câu nói của Đức Giêsu, mà Tin Mừng đã ghi lại. Câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay – Thầy là cây nho, anh em là những cành nho” – là một hình ảnh đẹp về sự hợp nhất và thân thiện. Khi nhìn vào bối cảnh mà trong đó Đức Giêsu phát biểu câu nói này, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đánh giá được vẻ đẹp của hình ảnh này hơn nữa.

Đức Giêsu nói những lời này với các tông đồ của Người vào cuối bữa tối, hoặc chắc chắn hơn, lúc đang trên đường đi đến vườn Ghiệtsimani. Dù trong bất cứ trường hợp nào, thì hẳn Người đã nói những lời này một khoảng thời gian ngắn, trước cái chết của Người.

Đó là vào một đêm, khi tất cả mọi sự dường như tan vỡ, thất bại, chấm dứt; khi tất cả các môn đệ sẽ bỏ rơi Người; khi người môn đệ đứng đầu của họ sẽ công khai chối bỏ Người, và một người khác trong nhóm họ sẽ phản bội Người. Tuy nhiên, đây chính là đêm mà Người chọn lựa, để nói về sự kết hợp và thống nhất với nhau.

Lúc đầu, dường như đây là lúc không phù hợp để nói về sự hợp nhất. Nhưng khi suy nghĩ, chúng ta nhận thấy rằng đó là thời điểm tự nhiên và phù hợp nhất. Đây là giờ ra đi. Giờ ra đi làm cho chúng ta dễ tập trung vào những điều chính yếu. Chính vào thời điểm đó, mà chúng ta thực sự đánh giá được vị trí tự nhiên của mình, và đặc biệt là về tình bạn của chúng ta.

Tại bán đảo Dingle, ở Co. Kerry, có một tảng đá được biết đến như là Tảng Đá của những giọt nước mắt, Carraig nan Deoir. Tảng đá đó nằm tại khúc quanh của con đường đi tới Dingle. Dân di cư từ các hòn đảo Blasket và mũi Slea hay dừng chân tại đây một lúc và khóc. Từ nơi đây, họ liếc nhìn lại quê nhà mà họ vừa mới từ đó ra đi, và sẽ không bao giờ lại được nhìn thấy nữa. Bên kia khúc quanh này, con đường được trải dài tới Dingle, đi đến tận Cobh, và đến những con tàu sẽ đưa họ tới nơi bị lưu đày.

Vào giờ ra đi, Đức Giêsu cảm thấy rất gần gũi với các tông đồ của Người. Và Người đã bày tỏ cho họ về điều này. Người cũng muốn họ gần gũi với Người nữa. Người nhìn thấy trước rằng trong đêm hôm đó, họ sẽ bỏ rơi Người. Người nhìn thấy trước rằng Phêrô sẽ chối bỏ Người, và Giuđa sẽ phản bội Người. Phản bội là một điều khủng khiếp. Rất ít, nếu không muốn nói rằng không một quan hệ nào có thể ton tại được, sau khi có sự phản bội. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng nhìn thấy trước rằng bất chấp những biến động này, sự hợp nhất của họ vẫn tồn tại. Các tông đồ học hỏi được rất nhiều từ sự yếu đuối và hèn nhát của bản thân họ, khi đối diện với những đòi hỏi của sự hợp nhất và đoàn kết. Nhưng họ còn được học hỏi nhiều hơn về Đức Giêsu. Họ học hỏi được rằng Người vẫn yêu thương họ trong khi và thông qua sự yếu đuối của họ. Nếu họ tách lìa khỏi Người, thì không phải là do Người cắt đứt quan hệ với họ. Những sự kiện của đêm hôm đó chẳng những không hề kết thúc sự ràng buộc của họ đối với Đức Giêsu, mà còn củng cố hơn nữa.

Chính thông qua viec đương đầu với những đấu tranh, thất bại, nguy hiểm, và hy sinh, mà tính hợp nhất được phát triển và đào sâu. Mối quan hệ càng trở nên sâu xa hơn, sau khi đã trải qua bão táp.

 

 

 

 

 

63. Cây và cành

 

Đức Kitô không viết một cuốn sách nào. Người cũng không hề để lại một tòa nhà hoặc một đài kỷ niệm nào cả. Tuy nhiên, Người đã làm một điều gì đó vĩ đại và cần thiết hơn nhiều, mặc dù mang tính cách ít phô trương – Người xây dựng một cộng đoàn. Đó chính là đài kỷ niệm của Người.

Người nói với các tông đồ của Người “Thầy là cây nho, anh em là những cành nho”. Đây là một hình ảnh mà Người sử dụng, khi nói về cộng đoàn mà Người xây dựng. Đây là sự minh hoạ đơn giản nhưng sâu xa về sự hợp nhất, thân thiện và tùy thuộc vào nhau.

Vào mùa xuân, những cành nho tràn ngập sức sống, dưới hình thức của những chiếc lá và nụ hoa. Vào mùa thu, chúng trĩu nặng những chùm nho. Nhưng chúng có được sự sống này, và có khả năng tạo ra được hoa quả, chỉ vì chúng nối kết với thân cây. Khi bị cắt khỏi thân cây, chúng sẽ không chỉ trở nên cằn cỗi, mà còn nhanh chóng bị khô héo và chết rục. Giống như những cành cây cần đến thân cây, chúng ta rất cần đến Đức Kitô. Khi bị tách lìa khỏi Người, thì chúng ta không có sự sống, và không có khả năng sinh hoa kết quả.

Nhưng cây nho cũng cần đến những cành nho – chính những cành nho tạo ra hoa quả. Điều này có nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là những cành nho của Người. Cây nho và những cành nho cần đến nhau. Bên nhau, chúng tạo ra một sự hợp nhất. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng sự tin tưởng mà Người đặt để nơi chúng ta vĩ đại như thế nào. Chúng ta có thể cảm thấy mình không được đầy đủ. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ rằng cây nho cứng cáp và đầy sức sống.

Đức Kitô tùy thuộc vào chúng ta, để tạo ra hoa quả trong thế giới này. Có một sự khác biệt lớn lao giữa sự thành công và sinh hoa kết quả. Thành công xuất phát từ sức mạnh, cách điều khiển và sự đáng tôn trọng. Thành công mang lại phần thưởng và đôi khi cũng mang lại sự nổi tiếng nữa. Tuy nhiên, việc sinh hoa kết quả lại thường xuất phát từ sự yếu đuối và dễ bị tổn thương, và thường xuyên không được ai nhận ra và trọng thưởng.

Đức Kitô không đòi hỏi chúng ta phải thành công, nhưng phải sinh hoa kết quả. Mỗi người trong chúng ta đều có một số năng khiếu. Chúng ta trổ sinh hoa quả, bằng cách phát triển, sử dụng và chia sẻ năng khiếu đó cho nhau. Thế giới đang chờ đợi hoa quả. Điều quan trọng là tình yêu thương. Thiên Chúa sẽ làm cho tình yêu thương của chúng ta trổ sinh hoa quả, mặc dù chúng ta nhìn thấy hoặc không nhìn thấy kết quả đó.

Trong suốt những tháng mùa đông, các cành cây đều bị cắt tỉa. Việc cắt tỉa là một quá trình gây đau đớn cho một cây ăn quả. Người cắt tỉa loại bỏ đi những chồi rễ mút và những cành cây non mọc dư ra, làm mất đi nhiều sức sống của thân cây, nhưng lại không tạo ra được quả. Mục đích của việc cắt tỉa này không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, nhưng là để giúp cho thân cây tạo ra nhiều quả hơn, và quả được ngon hơn.

Chúng ta – những cành cây của Cây Nho Đích Thực – cũng cần được cắt tỉa. Có nhiều thứ vô ích và có lẽ còn có hại trong cuộc sống của chúng ta, làm mất đi nhựa sống là năng lực của chúng ta, và làm suy giảm việc sinh hoa kết quả của chúng ta về mặt thiêng liêng. Nếu Đức Kitô cắt tỉa chúng ta qua những thử thách, chỉ là để làm cho chúng ta trổ sinh hoa quả nhiều hơn nữa. Khi được cắt tỉa bằng nỗi đau khổ, con người sẽ tạo ra được hoa quả của sự hiểu biết và lòng thương xót.

 

 

 

 

 

64. Nhu cầu.

 

Thông thường, con người có một nguy cơ chung, trong việc đến gần với nhau. Người ta có thể đi bên nhau qua nhiều năm, nhưng mỗi người vẫn khóa kín trong thế giới im lặng của riêng mình, hoặc chỉ trao đổi với nhau những lời nói không mang ý nghĩa thực sự nào cả, cho đến khi va chạm với nỗi nguy hiểm. Sau đó, họ mới chịu đứng bên nhau, vai kề vai. Họ phát hiện ra rằng mình đều thuộc về cùng một gia đình. Họ phát triển và lớn lên trong sự nhận biết về nhau như là những con người đồng chí hướng. Họ trở nên những người đồng hành trung thành của nhau. Họ thực sự gặp gỡ nhau.

Con người không tìm thấy hạnh phúc trong những của cải hoặc ngay cả trong những sự thành đạt, nhưng trong các tương quan nhân loại nồng nàn. Thông thường, những sở thích cá nhân và quan niệm của chúng ta giam hãm chúng ta trong những bức tường, và tách lìa chúng ta khỏi người khác. Chỉ nhờ được nắm chặt vào một bàn tay ấm áp và thân thien, mới giải phóng chúng ta khỏi nhà tù này, mà chúng ta đã tự tạo ra cho mình.

Đêm trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã ăn một bữa tối rất đặc biệt cùng với các bạn bè của Người – Bữa Tiệc Vượt Qua – mối nguy hiểm ẩn khuất ở tất cả mọi nơi. Thật khó mà nói được rằng có thể tin tưởng vào người nào. Người cảm thấy điều này rõ nét hơn các môn đệ. Trong giờ phút tối tăm và nguy hiểm này, Đức Giêsu cảm thấy gần gũi với các tông đồ của Người hơn lúc nào hết. Để bày tỏ cho họ biết Người cảm thấy như thế nào về họ, Người đã quỳ xuống và rửa chân cho họ. Sau đó, Người nói với họ về tình yêu – về tình yêu của Người đối với họ, và về tình yêu mà họ nên có đối với nhau.

Trên đường đi đến vườn Giệtsimani, Người tìm thấy một biểu tượng lý tưởng về sự ràng buộc mà Người cảm thấy đối với họ. Dừng lại bên cạnh một cây nho, Người nói “Thầy là cây nho, anh em là những cành nho. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người đó, thì người đó sẽ sinh nhiều hoa quả. Nhưng nếu anh em tách lìa khỏi Thầy, thì anh em sẽ bị khô héo và chết rục”. Ngay cả khi Người đã nói như vậy rồi, mà Giuđa, một người trong số họ vẫn tách lìa khỏi Người. Thật là một kết thúc cằn cỗi mà ông ta đã hướng tới.

Đây chính là điều mà Đức Giêsu cảm thấy. Đây chính là điều mà Người mong muốn có giữa Người và các môn đệ của Ngươi. Đây chính là cách thức mà Người mong muốn tạo ra giữa Người và các môn đệ của Người. Đức Giêsu chính là cây nho, và chúng ta là những cành nho. Chúng ta không nên chờ đợi mối nguy hiểm đe dọa, trước khi chúng ta cảm nhận được sự thật này. Đây nên là môi trường mà trong đó chúng ta sống.

Điều này cũng đáp ứng nhu cầu về một cộng đoàn nâng đỡ của con người. Trong thế giới này, có quá nhiều nỗi cô độc rồi. Con người ngày nay đang kêu gào được nhìn nhận. Họ mong muốn được nhận ra, không phải theo một cách thế phô trương, hoặc bởi vì họ có nhiều tiền bạc hoặc danh vọng, nhưng chỉ bởi vì họ là những con người. Nhu cầu lớn nhất vượt lên trên tất cả, đó là nhu cầu được yêu thương. Nhưng thông thường, chúng ta cứ vượt qua mặt nhau, mà không hề có một dấu hiệu nào về sự nhận biết nhau, dù là nhẹ nhàng nhất. Người ta vẫn có thể đi đến nhà thờ và lại trở về, mà không hề gặp gỡ bất cứ ai cả. Có đúng thế không?

Thế giới đang kêu gào một cộng đoàn. Không có một cộng đoàn nào giống như cộng đoàn Kitô hữu đoàn kết với nhau. Hoa quả mà Đức Kitô ao ước nơi chúng ta trước hết, đó là hoa quả của sự hợp nhất giữa chúng ta. Qua sự hợp nhất này, tất cả mọi người sẽ nhận biết rằng chúng ta là những cành nho sống động của cây nho – nhờ sự ràng buộc tồn tại giữa chúng ta, và nhờ sự quan tâm mà chúng ta bày tỏ với nhau.

 

 

 

 

 

65. Cây và cành.

 

Đức Giêsu không viết một quyển sách nào cả. Ngài cũng không xây dựng một ngôi nhà nào cả. Nhưng Ngài đã thực hiện một công trình lớn lao và cần thiết hơn nhiều, đó là xây dựng một cộng đoàn.

Ngài nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Đó chính là hình ảnh Ngài dùng để nói về cộng đoàn mà Ngài xây dựng, một hình ảnh rất súc tích:

Vào mùa xuân, các cành nho vươn ra, đơm lá, trổ hoa. Đến mùa thu thì các cành đã nặng trĩu những chùm nho tươi tốt. Nhưng sở dĩ cành sinh lá, trổ hoa và kết trái là nhờ chúng nối liền với cây nho. Nếu cắt lìa chúng ra khỏi cây thì chẳng những chúng không có trái, mà còn héo tàn dần và cuối cùng thì chết. Cành nho cần đến cây nho thế nào, chúng ta cũng cần đến Đức Kitô thế ấy. Nếu không kết hợp với Ngài, chúng ta sẽ không có sức sống và không thể sinh trái.

Nhưng cây nho cũng cần đến cành nho, bởi vì chính cành nho sinh ra trái nho. Nói thế nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là cành của Ngài. Như thế cây nho và cành nho đều cần đến nhau. Hai bên tạo thành một thể hiệp nhất. Từ đó chúng ta mới hiểu Đức Kitô rất tin tưởng và trông cậy nơi chúng ta. Có thể chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng với sự tin tưởng trông cậy ấy, tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng bên cạnh chúng ta còn có Ngài nữa. Cành nho có thể yếu ớt và mong manh, nhưng cây nho thì rất vững chắc và dồi dào sức sống.

Đức Kitô muốn nhờ chúng ta để sinh trái cho thế giới. Có một khác biệt lớn giữa thành công và sinh trái. Thành công đến từ năng lực, và mang lại vinh quang. Nhưng việc sinh trái thì thường đến từ sự yếu đuối, khổ đau và nhiều khi chẳng ai nhận biết mà khen thưởng. Đức Kitô không bảo chúng ta phải thành công, nhưng Ngài dạy chúng ta sinh trái. Mỗi người chúng ta đều được Ngài ban cho một số khả năng nào đó. Bằng cách sử dụng, phát triển và chia sẻ những khả năng đó với người khác, chúng ta sẽ sinh trái. Thế giới đang chờ những trái ấy. Mà điều quan trọng là yêu thương. Thiên Chúa sẽ làm cho tình yêu của chúng ta sinh trái, những trái chúng ta thấy được và cả những trái chúng ta không thấy.

Sang mùa đông, các cành nho được cắt tỉa. Cắt tỉa là một tiến trình cần thiết cho cành nho: bỏ đi tất cả những gì thừa thãi chẳng ích lợi gì mà còn làm hao mòn sức sống của cây nho. Mục đích của cắt tỉa không phải là làm cho cành bị đau mà là để giúp chúng sẽ sinh trái nhiều hơn và tốt hơn nữa. Vì chúng ta là những cành của cây nho thật là Đức Kitô nên chúng ta cũng cần được cắt tỉa. Có rất nhiều điều chẳng những vô ích mà còn có hại cho sự sống chúng ta, làm hao hụt năng lực chúng ta và cản trở sự sinh hoa trái thiêng liêng của chúng ta. Nếu Đức Kitô cắt tỉa chúng ta bằng những gian truân thử thách, đó là vì Ngài muốn chúng ta sinh nhiều trái hơn.

 

 

home Mục lục Lưu trữ