Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1364828

YÊU THƯƠNG ĐỂ CẢM HÓA

Yêu thương để cảm hoá

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Một thiền sư nổi tiếng đã kể giai thoại sau đây về cuộc đối thoại dí dỏm giữa Đức Phật và ác thần Mara:

Ngày nọ, Đức Phật đang bận việc dưới hầm, còn Ananda, đệ tử thân tín của Ngài đứng ngoài cửa. Thình lình Ananda thấy Mara xuất hiện, Ananda cứ tưởng rắng Mara bị lạc lối. Nhưng Mara tiến lại gần Ananda và yêu cầu cho được gặp Đức Phật, Ananda ngạc nhiên trước yêu cầu của Mara nên hỏi lại:

– Ngươi còn đứng đây để làm gì? Ngươi không nhớ là Đức Phật đã nhiều lần đánh bại ngươi dưới gốc cây bồ đề rồi sao? Ngươi còn vác mặt tới đây làm gì? Ngươi không biết xấu hổ sao? Cút đi, Đức Phật không muốn thấy mặt ngươi nữa đâu, ngươi là đồ ác, ngươi là kẻ thù của Ngài.

Nghe thế, Mara liền cười ngất: Sao, ngươi bảo là sư phụ ngươi cũng có kẻ thù ư?

Ananda cảm thấy bối rối, anh biết Đức Phật chưa bao giờ nói rằng ngài có kẻ thù. Đuối lý, Ananda liền xuống hầm báo tin cho Đức Phật biết Mara xin được gặp Ngài. Anh hy vọng Đức Phật sẽ sai anh lên nói với Mara rằng: Ngài đang bận, không thể tiếp hắn được. Nhưng trái với những dự đoán của Ananda, Đức Phật rất vui mừng khi nghe tin có Mara muốn gặp, cứ như thể hắn là một người bạn chí thân của Ngài, và Ngài liền thân hành đến gặp Mara. Ananda hết sức thất vọng khi thấy Đức Phật đến trước mặt Mara cung kính bái chào hắn, rồi nhiệt tình bắt tay hắn. Ngài niềm nở: Chào ông bạn, ông bạn có khoẻ không? Mọi việc đều tốt đẹp cả chứ?

Nhưng Mara im lặng, không trả lời. Đức Phật mời hắn xuống hầm và sai Ananda pha trà. Ananda bực bội lắm, anh nghĩ trong bụng: ta có thể pha trà cho sư phụ mỗi ngày một trăm lần cũng được, nhưng pha trà cho Mara, thì ta thấy không vui chút nào, nhưng vì đó là lệnh của Đức Phật thì làm sao có thể từ chối được. Trong câu chuyện nghe lỏm giữa Đức Phật và Mara, Ananda nghe Mara thú nhận một cách chản nản như sau:

– Mọi việc diễn ra không tốt đẹp chút nào, tôi quá mệt mỏi vì phải làm Mara, tôi muốn được làm một cái gì khác cơ. Ngài biết đấy, đóng vai Mara không phải là chuyện dễ, có nói thì nói gian nói dối, cón có làm thì làm điều dữ điều ác. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Nhưng điều làm cho tôi khó chịu hơn cả chính là các môn sinh của tôi. Ngày nay, cứ mỗi lần mở miệng ra thì họ nói tới công bình xã hội, hoà bình, bình đẳng, giải phóng, bất bạo động. Tôi nghe quá nhàm tai rồi, tôi nghĩ đến đã đến lúc tôi xin bàn giao chúng lại cho Ngài, tôi chỉ muốn làm một cái gì khác thôi.

Đức Phật lắng nghe với tất cả chú ý và cảm thông. Cuối cùng Ngài nói:

– Bộ anh tưởng rằng làm Phật thì dễ hơn sao? Anh không thấy những gì các môn sinh của tôi làm cho tôi sao? Họ đặt trên miệng tôi những lời mà tôi chưa bao giờ thốt ra, họ xây chùa chiền cho tôi, tạc tượng tôi và đặt tôi lên bàn thờ để thu nhặt cam chuối, tiền bạc cho riêng họ. Tôi và giáo huấn của tôi đã trở thành đối tượng để đổi chác. Này ông bạn Mara, nếu ông biết được thế nào là làm Phật, tôi tin chắc ông chẳng muốn làm Phật chút nào đâu.

Giai thoại trên cho thấy một nghịch lý trớ trêu nhưng lại là một thực tế bi thảm: môn đệ của ác thần thì toàn nói chuyện nhân nghĩa, còn đệ tử của Đức Phật lại chỉ mãi mê nghĩ đến chuyện khấn vái và cúng tế để thu nhặt cam chuối và tiền bạc thay vì chuyên tâm tự giác giác tha. Sự thiếu nhất quán và óc thực dụng này đã bóp méo và làm biến chất không biết bao nhiêu giáo huấn tôn giáo cao siêu! (x. Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Dấn Thân, Houston, 2003, tr. 203.)

Câu chuyện trên đây gợi lên hình ảnh hai môn đệ của Đức Giêsu qua trang Tin mừng Chúa Nhật hôm nay. Gioan và Giacôbê đã nổi giận đùng đùng đòi sai lửa từ trời xuống thiêu rụi cả làng Samaria chỉ vì dân làng không tiếp đón Thầy của mình.

Thầy trò Đức Giêsu lên Giêrusalem ngang qua Samaria. Dân Samaria lại thù ghét người Do Thái. Mối hận thù đã có từ lâu đời, hai dân tộc luôn đối nghịch nhau và nhiều khi đã bùng nổ thành những cuộc thảm sát dã man đẫm máu. Vì thế, những đoàn hành hương thận trọng hơn, thường đi vòng qua bên kia sông Giócđan, tới tận Giêricô, băng qua sa mạc Giuđêa, trước khi đặt chân vào đền thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu trở về thủ đô. Ngài muốn đi qua xứ Samaria. Ngài đã sai sứ giả Gioan và Giacôbê đi trước để chuẩn bị với hy vọng dân làng sẽ đón tiếp Thầy trò. Thế nhưng, hai môn đệ trở về, lòng đầy căm tức thốt lên lời giận dữ:Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa trời xuống thiêu hủy chúng nó không? Phải áp dụng cho họ một hình phạt nặng nề nhất mà tiên tri Êlia ngày xưa đã dùng đến, đó là sai lửa trời xuống thiêu hủy họ (2 V 1,10-12). Chúa đã nặng lời khiển trách, rồi Thầy trò sang làng khác. Không kết án những người Samaria, Chúa Giêsu đi tới một làng khác, thực hiện đúng như lời đã dạy: nếu người ta từ chối không tiếp đón và nghe lời các con, thì các con hãy ra khỏi nhà của họ, rồi phủi bụi dưới chân các con. Hai môn đệ “con cái của thiên lôi” quá đổi ngỡ ngàng về thái độ của Thầy trước sự “vô lễ” của dân Samaria. Họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa tuyên bố: anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào,vì Con Người đến không phải để hủy diệt, nhưng đến để cứu sống.

Trong não trạng của các môn đệ cũng như nỗi khát khao hàng thế kỷ của dân Do thái là mong đợi một Đấng Messia giải phóng dân tộc, phục hồi sức mạnh trần thế của Israel. Chúa Giêsu thận trọng để không bao giờ đồng hoá với hình ảnh một Đấng Thiên sai đã bị “chính trị hoá”. Chúa khai mở một con đường cứu độ bằng yêu thương, khổ đau, hy sinh, nhẫn nhục…

Sự kiện Chúa chống lại cám dỗ Satan trong sa mạc là khởi đầu một cuộc đấu tranh cam go và kiên trì kéo dài trong suốt hành trình dương thế. Chúa đã qưở trách Phêrô khi ông đóng vai trò Satan dụng tâm cám dỗ Ngài bỏ con đường cứu độ theo chương trình của Thiên Chúa: “Satan, xéo đi! vì tâm tư ý nghĩ của ngươi không phải là của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 8,32). Chúa đã bỏ trốn lên núi một mình khi dân chúng tôn Ngài lên làm vua sau phép lạ hoá bánh (Ga 6,5-15). Nhiều lần Chúa từ chối lời yêu cầu một dấu lạ nhãn tiền vì người ta muốn thử tài Ngài (Mt 12,38; Mc 8,11) hay để thoả mãn óc hiếu kỳ của người đời (Lc 23,8). Chúa chẳng bao giờ chấp nhận việc dùng phép lạ để hù doạ hay trừng phạt dân chúng. Ngay cả giây phút bi đát nhất bị quân binh vây bắt, một môn đệ vung kiếm chém đứt tai tên đầy tớ thượng tế, Chúa liền truyền lệnh:”Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?” (Mt 26,52-54).

Đạo của Chúa là đạo tình thương, bao dung, nhân ái. Tin mừng cứu độ được gửi đến mọi người, đặc biệt là những người nghèo và tội lỗi. Hình ảnh người Mục tử tuyệt đẹp, bỏ lại 99 con chiên để vất vả ngược xuôi đi tìm con chiên lạc và khi tìm được thì vui mừng vác chiên lên vai, hân hoan mời mọi người chia sẻ niềm vui (Lc 15, 4-7). Con đường Chúa chọn là con đường yêu thương của vị Mục tử nhân lành, dám hy sinh cuộc đời và tính mạng cho đàn chiên (Ga 10,11). Nơi Ngài, sứ vụ Messia và thân phận đau thương của Người Tôi Tớ Giavê đã quyện lẫn với nhau, như Isaia đã diễn tả trong “Bài ca về Người Tôi Tớ” (Is 52,13-53,12). Ngài là người Tôi tớ trung tín của Giavê ”bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, Ngài bị đánh phạt”(Is 53,8); “Ngài cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Ngài chẳng hề mở miệng”(Is 53,7) và tuyệt đối từ chối mọi hình thức sử dụng bạo lực.

Xuyên suốt dòng lịch sử, người Công Giáo Việt Nam sống Tin Mừng Chúa Giêsu bằng gương sáng bác ái đến nỗi đã giới thiệu được hình ảnh Đạo Công Giáo như “Đạo Yêu Nhau” cho những người đồng thời. Sống đạo là dựa vào sức mạnh của Thánh Thể và Lời Chúa, và thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động bác ái yêu thương, khiêm nhường hy sinh. Sống đạo đúng mức cũng là chấp nhận lội ngược dòng. Sống đạo thẳng thắn cũng là chấp nhận phải thua thiệt so với những người khác. Sống đạo trọn vẹn cũng là một cách nào đó tử đạo hằng ngày.

Hình ảnh Đấng Thiên Sai đau khổ nơi Đức Giêsu diễn tả một cách thật hùng hồn điểm độc sáng của Kitô giáo: Thiên Chúa của Đức Giêsu không hù doạ hay ép buộc một ai. Ngài mời gọi con người sám hối, nhưng luôn tôn trọng phẩm giá và tự do chọn lựa của họ. Ngài tình nguyện đồng hành với anh em nhân loại trong cảnh ngộ của cuộc sống trần thế, kể cả thất bại, khổ đau và cái chết (x.sđd tr 217).

Chúa Giêsu không muốn sử dụng phép lạ quyền uy để thu phục nhân tâm. Ngài dùng tình thương để cảm hoá lòng người. Chúa Giêsu không xây dựng giáo thuyết trên quyền bính trần thế mà là ở sự từ bỏ và con đường thập giá. Chúa Giêsu đã chết để giải thoát con người khỏi xiềng xích tội lỗi. Ngài đã phục sinh để đem lại cho nhân loại cuộc sống viên mãn, nâng con người lên địa vị cao quý làm con Thiên Chúa.

Bước theo Chúa Giêsu, người tín hữu tìm được lẽ sống, ý nghĩa và cùng đích cho cuộc đời mình. Đó là một cuộc sống tràn đầy yêu thương hướng đến trọn lành.

Giữa một xã hội đang chạy theo nền kinh tế thị trường, khuynh hướng cá nhân và hưởng thụ duy vật chất, chúng ta sống Đạo Yêu Nhau với lòng bao dung, nhân hậu, thắp sáng lửa Tin Mừng để trở nên ánh sáng, nên muối nên men cho cuộc đời.

 

45. Hãy theo Tôi

(Suy niệm của Lm. Luy Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Đoạn 9:51-62 khởi đầu phần thứ hai của Tin Mừng Luca.

Trước đây, Chúa Giêsu chữa lành và rao giảng tại Galilêa. Người đã tỏ mình ra như là Đấng Cứu Thế, Đấng Kitô (9:18-24), Con Thiên Chúa.

Bây giờ, Người làm cuộc hành trình lên Giêrusalem, để thực hiện cuộc thương khó do vai trò cứu thế của Người đòi hỏi.

Hành trình nầy bao gồm 10 chương (9:51-19:27).

Ở câu 19:27-28, Luca ghi nhận là Chúa Giêsu đã đến Bêthphagê và Bêthania, cạnh núi Cây Dầu. Từ đó Nguời sai hai trong số các môn đệ đi đem về cho Người con lừa con, để Người vào thành Giêsuralem và thi hành sứ vụ cuối cùng của Người trong thành nầy (19:28-31:38).

Hành trình lên Giêrusalem có thể chia làm ba giai đoạn, dựa trên ghi nhận “Người lên Giêrusalem” (9:51-13:21; 13:22-17:10; 17:11-19:27).

Trong phần đầu của giai đoạn một, Luca nói đến việc tuyển chọn và sai đi các môn đệ (9:51-10:24).

Đoạn 9:51-62 gồm hai đoạn kế tiếp nhau: – Câu chuyện khi đi ngang qua làng Samaritanô (9:51-56); – Những đòi hỏi nơi người theo Chúa (9:57-62).

Chúa Giêsu đã ở Galilêa để chữa bệnh và giảng dạy (x. 9:10b). Giai đoạn nầy đã hoàn tất. Sứ vụ của Người chuyển sang hướng khác là lên Giêrusalem (9:51-56).

Để đánh dấu việc khởi đầu nầy, Luca dùng cách nói trọng thể: “khi đã đến ngày” (x. Cv 2:1), “hướng mặt đi lên Giêrusalem”. Động từ “đi lên” và “mặt Người” (cc. 51-53) được dùng kết hợp với nhau cho thấy hành vi có tính cách quyết liệt và nhắm đạt đến đích. Anal#mpsis “đưa lên” vừa có nghĩa là “lên trời”, vừa là “ra đi”. Trong Kinh Thánh chữ nầy chỉ xuất hiện duy nhất ở đây. “Ngày của Chúa được đưa lên” có nghĩa không chỉ là ngày Người sẽ chịu chết trên thánh giá, mà còn là ngày Người được chỗi dậy và lên trời. Tất cả những sự việc nầy sẽ xảy ra cách liên kết với nhau.

Để đi lên Giêrusalem, họ phải đi ngang qua Samaria (9:51; x. Mt 19:1-2; Mc 10:1).

Chỉ Luca ghi lại sự kiện xảy ra tại một làng nào đó ở Samaria: sự không hiếu khách và phản ứng của hai môn đệ Gioan và Giacôbê.

Có nhiều lý do để đặt chú tâm vào hai môn đệ hơn là sự không hiếu khách: 1- câu chuyện nầy nằm trong văn mạch liên quan đến việc tuyển chọn và sai các môn đệ đi. Ngay sau đoạn nầy là những đòi hỏi dứt khoát nơi người môn đệ.

Câu chuyện một người nào đó nhân danh Chúa Giêsu của họ mà trừ quỷ (x. 9:49-50) và câu chuyện nầy muốn nêu lên phần nào cá tính và khuyết điểm của họ, cũng như những người sẽ đến đi theo Chúa (x. 9:57-62). 2- Chúa Giêsu sẽ dùng những cơ hội nầy mà chỉ dạy và đòi hỏi họ thay đổi. 3- “Samaria” xuất hiện 2 lần trong tin mừng Luca với cái nhìn tích cực: hình ảnh người Samaritanô nhận hậu (10:33), người phong cùi biết ơn (17:16). Do đó, có thể nói Luca dùng sự kiện nầy như là khung cảnh mở đầu cho hành trình, và cũng là cơ hội cho việc bộc lộ cá tính của các môn đệ của Người. Người Samaria không hiếu khách vì họ biết mục đích hành trình của Chúa Giêsu (9:52).

Liên kết với đoạn trước, đoạn nầy cũng nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu “trên đường đi” lên Giêrusalem (c.57a).

“Trên đường đi” diễn tả cách tượng hình sự vận chuyển không ngừng tiến về phía trước. Hình ảnh nấy gắn liền với chủ đề “đi theo” của cả đoạn nầy (cc. 57.59.61). Đoạn nầy gồm ba cuộc gặp gỡ và đối thoại (9:57-62); trong khi Matthêô chỉ ghi lại hai (x. Mt 8:18-21).

Chương 9 nầy nói nhiều lần nhất đến việc “đi theo” Chúa: dân chúng (9:11), những ai muốn (9:23), người không theo Chúa mà trừ quỷ (9:49), và ba người trong đoạn nầy (9:57.59.61). Hầu hết việc “đi theo” Chúa đều đặt ra những điều kiện và đòi hỏi. Đòi hỏi “vác thánh giá” (9:23) là đòi hỏi tổng quát và căn bản nhất. Ba đòi hỏi tiếp theo là cụ thể tùy theo từng cá nhân.

Trong cuộc đối thoại với người thứ nhất (9:57-58), Chúa Giêsu nói rõ là Người không có một chỗ ở nào cả. Hình ảnh cái hang của con cáo và tổ ấm của con chim, và nơi tựa đầu, chỉ một nơi cư ngụ. Nơi cư ngụ là đòi hỏi căn bản nhất không chỉ của con người, mà cả muôn loài trên mặt đất. Ai cũng lo lắng cho chuyện nầy trước tiên. Có được nó, chính là sự an toàn (x. 16:9). Cụm từ “Người Con của Nhân Loại” trong bối cảnh “đi lên Giêrusalem” ám chỉ đến cuộc thương khó. Người “không có nơi tựa đầu”, vì phải đi cho đến khi hoàn tất sứ mạng. Như thế, đi theo Người “trên đường” là tiến về phía trước vì sự cấp bách của sứ mạng, và bỏ lui đằng sau mọi sự an toàn. Chúa Giêsu sẽ chỉ dạy cho các môn đệ thái độ không dính bén khi vào nhà nào đó khi họ được sai đi: ở lại, ăn uống hay ra đi khỏi nhà đó (x. 10:1-12). Sứ mạng là quan trọng, chứ không phải nơi cư ngụ. Chúa Giêsu là nơi cư ngụ và sự an toàn của người môn đệ.

Cuộc đối thoại thứ hai gồm một lời mời gọi (c. 59a), một lời yêu cầu bị từ chối (cc. 59b-60a), và một lời sai đi (9:60b). So với Matthêô, Luca thêm câu “ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (c. 60b), tạo nên sự song song với lời yêu cầu “ra đi chôn cất cha tôi”. Luca dùng đại danh xưng “tôi”(c. 59) và “anh” (c. 60) để nhấn mạnh là cả hai lời yêu cầu của người nầy lẫn lời sai đi của Chúa Giêsu đều quan trọng, mạnh mẽ và cấp bách; và người nầy phải chọn lựa. Chữ “trước” không chỉ có nghĩa về thời gian, mà còn có nghĩa “ưu tiên”, “trước mọi sự”, nhất là khi chữ nầy được dùng với “Nước Thiên Chúa” (x. Mt 6:33). Như thế, có thể hiểu là người nầy đặt tương quan gia đình ưu tiên hơn lời mời gọi của Chúa, “Hãy theo tôi” (c. 59).

Cần khẳng định là lời từ chối của Chúa Giêsu không nghịch với lề luật dạy thảo kính cha mẻ, nhất là đối với người chết (x. Tobia 1:17; 4:3; 6:15; Sirach 7:33; 22:11-12; 38:16-23).

Không thể hiểu câu Chúa nói theo nghĩa đen, vì người chết không thể đi chôn kẻ khác. Khi nói với các môn đệ về sự chọn lựa tương quan giữa Chúa Giêsu và gia đình, Chúa Giêsu thường dùng cách nói phóng đại “Ai đến cùng Tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả sự sống đời nầy, không thể là môn đệ của Tôi” (14:26). Điều nầy chỉ có nghĩa là phải yêu mến Người hơn tất cả (x. Ez 24:15-24).

Cũng phải được hiểu tương tự như thế trong trường hợp nầy. Ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. 8:1; 9:2.11; 10:9) thì ưu tiên hơn ra đi chôn cất người chết, dù đó là cha mình.

Kết cấu của cuộc đối thoại thứ ba tương tự như cuộc đối thoại trước (9:60-61). Ở đây Luca đề cập đến tương quan gia đình rộng hơn, không chỉ là với “nơi cư ngụ” (c. 58), “cha” (c. 59), mà “những người trong nhà” (c. 61).

Apotassomai có nghĩa là “giã từ”, và “bỏ đi”. Như người trước, người nầy đặt những tương quan nầy “trước” tương quan với “Nước Thiên Chúa”. Hậu cảnh của câu trả lời của Chúa Giêsu là câu chuyện Êlisêô đang cày với 12 đôi bò (1V 19:20).

Ý nghĩa chính của lời khôn ngoan nầy: “Đã tra tay vào cày” là đã khởi đầu việc cày. “Nhìn lại đàng sau” theo nghĩa đen là nhìn những luống đất đã cày. Động từ “nhìn” ở thể phân từ hiện tại chỉ hành động đang diễn ra. Vì “đang nhìn” đàng sau, thì không thể tiến lên phía trước và cày ngay hàng thẳng lối. Do đó, chính việc “đang nhìn lui đàng sau” nầy cản trở cho mục đích của việc đi theo Chúa là loan báo Nước Trời.

Euthetos, có nghĩa là “hữu dụng”, “thích hợp” như hình ảnh hạt muối (x. 14:35). Vậy, người không đặt ưu tiên cho việc đi theo Chúa thì không thích hợp cho việc rao giảng Nước Trời.

Tâm điểm của đoạn nầy là đặt ưu tiên tương quan của người môn đệ với Chúa Giêsu trên mọi sự.

 

46. Dân làng Samaria không đón tiếp Chúa

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)

Cho tới nay Đức Giêsu chỉ thực sự thực thi tác vụ của Người ở Galilê. Bắt đầu từ đây, trong suốt mười chương (9,50- 19,20), chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu lên Giêrusalem. Lên Giêrusalem là một khúc ngoặt, là một quyết định tối quan trọng đối với Người. Bởi thời gian mà Chúa Cha ban cho Người, để thực hiện công trình tại thế sắp kết thúc và việc Đức Giêsu ra đi đã gần kề. Đức Giêsu lên Giêrusalem để kiện toàn sứ vụ. Như Êlia, ông chỉ được rước về trời sau khi đã hoàn tất sứ vụ (2V 2,9-11). Đức Giêsu cũng chỉ được siêu thăng hay được rước về trời sau khi đã chịu đau khổ và phải chết. Ý thức rõ điều đó, nên khi đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã phải can đảm, phải nhất quyết. Đúng hơn Ngài phải rắn khuôn mặt lại, làm cho khuôn mặt chai cứng, để vượt qua nỗi sợ hãi. Giống như người tôi tớ Giavê, Isaia loan báo trong bài ca thứ ba (Is 50,7).

Lên Giêrusalem, Đức Giêsu không chỉ đi một mình. Cùng đi có Nhóm Mười Hai, bảy mươi hai môn đệ, các cảm tình viên, các bà đạo đức… Bởi thế, Đức Giêsu sai mấy sứ giả đi trước, họ có phận sự tìm lương thực, sắp xếp chỗ ở. Trong số những người được sai đi, có Giacôbê và Gioan. Họ lên đường vào một làng người Samaria, chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.

Giữa người Dothái và người Samaria, có những xung khắc trên bình diện quốc gia và trên bình diện tôn giáo. Người Samaria là miêu duệ của các bộ lạc Đông Á, đến định cư vùng này vào thời vương quốc phương Bắc của người Dothái, bị người Assyri chiếm đóng năm bảy trăm hai hai trước công nguyên, cũng là miêu duệ của những người thổ dân bản xứ. Họ đã theo Dothái giáo thờ Đức Giavê, nhưng đã xây đền thờ riêng trên núi Garizim. Họ khác với dân Dothái về nhiều điểm trên bình diện tôn giáo. Chẳng hạn, ngoài Đức Giavê họ còn thờ các thần riêng, có bộ lạc còn giết con trai, để tế thần riêng của mình. Người Dothái khinh dể người Samaria, cho họ như một dân nửa lương nửa giáo, tránh tiếp xúc với họ (Ga 4,9). Nhiều lần vì thù ghét, giữa hai dân tộc đã có những cuộc tấn công lẫn nhau, có lần người Samaria đã quẳng xương các loài vật vào đền thờ Giêrusalem, để đền thờ bị ô uế. Nay họ nghe biết Đức Giêsu lên Giêrusalem để dự lễ, họ đã chống đối và từ chối đón tiếp Người. Nếu Đức Giêsu không lên Giêrusalem, chỉ đến với họ, họ đâu có từ chối. Họ đã chẳng mời Ngài ở lại hai ngày, khi Ngài gặp một phụ nữ của họ ở giếng Giacob đó sao?

Trước sự từ chối đó, Giacôbê và Gioan, biệt danh là con của sấm sét, đã nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Êlia đã hai lần xin lửa từ trời xuống, thiêu hủy hai sỹ quan và năm mươi binh lính của vua Akhátgia, đến gặp nhà tiên tri đang ngồi trên núi đòi ông xuống để hỏi xem vua có khỏi bệnh hay không? (2V 1,10). Giờ đây, Giacôbê và Gioan cũng muốn xin Đức Giêsu cho các ông thực hiện điều đó, để thiêu huỷ dân làng Samaria, mà các ông cho là “hỗn láo” dám khước từ đón tiếp Đấng Messia của Thiên Chúa. Giacôbê và Gioan tưởng, làm như thế là đẹp ý Thiên Chúa và được Đức Giêsu tán đồng. Các ông lầm, Thiên Chúa đâu hẹp hòi như các ông nghĩ. Ngài là Thiên Chúa toàn năng nhưng không thích trừng phạt ai cho dù họ xúc phạm đến Ngài. Ngài là người cha nhân từ, một người mẹ hiền dịu, sẵn sàng chờ đợi tội nhân hối cải. Thiên Chúa không trừng phạt, Người luôn tha thứ. Đức Giêsu không đến để lên án, nhưng để cứu độ (Lc 19,10). Bởi thế, Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

 

47. Suy niệm của Lm Giuse Phạm Thanh Liêm

ĐỨC KITÔ MẪU GƯƠNG VÀ TIÊU CHUẨN SỐNG

Trên đường lên Yêrusalem, Đức Yêsu linh cảm những gì đang chờ đợi Ngài. Những gì xảy đến cho Đức Yêsu và các môn đồ của Ngài trong thời điểm này, soi sáng những tình huống và cách cư xử của mỗi người chúng ta.

Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã

Ngày xưa khi Chúa truyền cho Êlia gọi Êlisa tiếp tục sứ mạng Chúa trao cho ông, ông đã vứt áo choàng trên người Êlisa. Êlisa đã cắm cày, và xin Êlia được phép về hôn cha mẹ để từ giã, trước khi đi theo Êlia; và Êlia đã cho phép.

Với người “tôi xin theo Thầy nhưng xin được phép về từ biệt gia đình trước”, Đức Yêsu trả lời: “ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Dường như Đức Yêsu đòi hỏi hơn Êlia với những người đi theo các Ngài? Với cái nhìn của Đức Yêsu, những người do dự, dùng dằng không dứt khoát, nuối tiếc quá khứ, không thích hợp với Nước Thiên Chúa.

Những người được mời gọi đi theo Chúa ngày nay, cũng phải xét lại thái độ của mình đối với Đức Yêsu, xem mình có dứt khoát theo Chúa không? Nếu thái độ của mình không dứt khoát, còn ngoái lại đằng sau, còn quá quyến luyến gia đình, e rằng khó có thể theo Chúa. Xin Chúa cho những người theo Ngài, được ơn chọn Ngài là tất cả để theo Ngài.

Con người không có chỗ tựa đầu

Nếu ai muốn đi theo Đức Yêsu để có một nơi ở yên ổn, để được bảo đảm về vật chất, thì người đó sẽ thất vọng, vì Ngài chẳng có gì: “chồn cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Đức Yêsu nghèo, nhưng Ngài có Thiên Chúa là tất cả. Gia tài của Đức Yêsu, là Thiên Chúa. Lương thực của Đức Yêsu, là làm theo ý Thiên Chúa.

Số phận của Đức Yêsu, tuỳ thuộc thái độ sống của Ngài. Nếu Ngài “khôn ngoan” theo kiểu người đời, chắc không đến nỗi phải chết “ô nhục” trên thập giá. Đức Yêsu đã sống theo lẽ phải, sự thật bất chấp tất cả. Và Đức Yêsu đã sống thật với chính Ngài và Thiên Chúa, đến độ Ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết. Số phận của Đức Yêsu vắn vỏi.

Theo tiêu chuẩn người đời, Đức Yêsu không “khôn”, không đạt được những gì con người ngày nay đòi hỏi. Nếu có ai muốn theo Đức Yêsu, muốn “đồng hình đồng dạng” với Ngài, người đó phải tự hỏi xem họ có sẵn sàng nên giống Đức Yêsu trong cách hành xử trong chọn lựa, trong tư tưởng, lời nói, hành động không?’

Đức Kitô giải phóng chúng ta

“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải phóng chúng ta”. Người đời ham tiền bạc, danh vọng, chức quyền…, Đức Yêsu tự do với tất cả những điều đó, và Ngài trở thành mẫu gương để những ai muốn theo Ngài, cũng được tự do với tất cả.

Nhìn những người nghiện rượu, nghiện xì-ke, mới hiểu thế nào là “nô lệ” khi cơn nghiện hoành hành. Tiền bạc, danh vọng, trai gái, xì-ke ma tuý, có sức hấp dẫn và trói buộc của nó, mà một khi đã vướng vào không dễ gì thoát ra được. Có bao người quyết định bỏ thuốc, bỏ rượu nhưng không dễ để bỏ; những điều này giúp để hiểu những người nghiện ma tuý hơn, vì chuyện nghiện hút thuốc hay nghiện rượu là những “chuyện nhỏ” so với nghiện ma tuý. Tội lỗi cũng có những trói buộc của nó và con người không dễ gì thoát ra được. Tội lỗi trói buộc con người, không để con người được tự do sống theo điều lý trí nhận thấy là đúng. Tội lỗi làm suy nhược ý chí của con người, trói buộc con người vào con đường ác. Ai có thể làm cho người nghiện ma tuý thoát khỏi cảnh nghiện đó? Những người thân rất muốn, nhưng không làm được. Phải chính đương sự muốn, mới có thể làm được (cũng có những người muốn, nhưng họ không thể vượt được khi cơn nghiện đến).

Đức Yêsu là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương và tha tội cho con người; Ngài cũng là đường giúp con người thoát khỏi ách nô lệ của tội. Qua chính con người và cách sống của Ngài, Ngài dạy cho con người biết đâu là giá trị đích thực: giá trị của cuộc sống nghèo, giá trị của một cuộc đời bình dị. Cuộc sống và cái chết và sống lại của Đức Yêsu, có sức giải phóng con người khỏi tội và ách nô lệ của tội.

Đức Yêsu luôn sống theo Thần Khí, Ngài sẵn sàng để Thần Khí hướng dẫn Ngài trong mọi sự. Ngài ban Thần Khí cho con người, và chính Ngài luôn hiện diện với con người cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang. Để có sự tự do từng ngày, con người cũng phải sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí như Đức Yêsu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Tại sao Đức Yêsu lại đòi hỏi những người theo Ngài như vậy?
  2. Bạn có hài lòng với cuộc đời của bạn không? Nếu cho bạn chọn cuộc đời của Đức Yêsu và cuộc đời của bạn như hiện tại, bạn chọn cuộc đời của ai? Tại sao?
  3. Bạn hiểu và kinh nghiệm gì về tự do thể lý và tự do nội tâm? Tại sao người sống “yêu thương” là người tự do đích thực?

 

48. Người không nhìn lại – Lm. Mark Link, S.J.

Chủ đề: “Bí quyết để không nhìn lại là hướng về Đức Giêsu”

Vào năm 1924, ông Eric Liddell là lực sĩ chạy bộ 100 thước nhanh nhất nước Anh. Ai ai cũng tin rằng ông sẽ giựt huy chương vàng Thế Vận Hội ở Balê vào năm đó. Nhưng đột nhiên có vấn đề làm xôn xao dư luận.

Khi chương trình Thế Vận Hội được quảng bá, cuộc chạy đua 100 thước lại xảy ra vào ngày Chúa Nhật. Với ông Eric, giới răn “giữ ngày Chúa Nhật thánh thiện” có nghĩa ông không được chạy đua vào ngày Chúa Nhật. Ông thật buồn.

Khi tin đồn khắp nơi là ông Eric sẽ không dự cuộc đua 100 thước, bao nhiêu áp lực đổ lên ông. Ngay cả Hoàng Tử xứ Wales cũng cố can thiệp vào lương tâm của ông. Khi ông quyết định từ chối tham dự cuộc đua, báo chí Anh quốc gọi ông là kẻ phản quốc. Nhưng ông Eric vẫn từ chối không muốn đi ngược với điều ông tin tưởng.

Ông gặp các huấn luyện viên và đề nghị một toán lực sĩ sẽ thay ông chạy đua 100 thước. Còn ông sẽ tham dự cuộc đua 400 thước, dù rằng chưa bao giờ trong đời ông tham dự loại này.

Để rút ngắn câu chuyện, không những ông Eric đã đoạt huy chương vàng cuộc đua 400 thước mà toàn đội của ông cũng đoạt huy chương vàng cuộc đua 100 thước. Thay vì chỉ được một huy chương vàng, các lực sĩ chạy đua của nước Anh đã đoạt được hai huy chương vàng.

Một vài năm sau Thế Vận Hội, ông Erich làm thế giới ngạc nhiên khi ông tình nguyện sang Trung Quốc truyền giáo. Sau đó, người yêu của ông cùng tham gia với ông. Họ kết hôn và có được ba người con xinh đẹp.

Sau đó Thế Chiến II xảy ra, khi nước Nhật tham dự cuộc chiến, ông Eric đưa gia đình sang Gia Nã Đại. Sau đó không lâu, Nhật xâm lăng Trung Quốc. Ông Eric bị bắt và bị đưa vào trại tập trung của Nhật. Ở đây ông tiếp tục sứ vụ, làm việc với các tù binh khác.

Một vài năm sau, ông từ trần một cách anh hùng trong trại tù.

Sau cái chết của ông, vợ ông nhận được rất nhiều lá thư nói về cử chỉ anh hùng của ông Eric khi ở trong trại. Trong các thư khác, có hai người viết là nhờ ông Eric mà họ đã không tự tử.

Vào năm 1980 có người muốn thực hiện cuốn phim về ông Eric và Thế Vận Hội 1924. Khi vợ ông nghe được, lúc ấy bà đang sống ở Toronto, bà nói, “Có ai để ý đến một biến cố xảy ra đã quá lâu về một người không muốn chạy đua vào ngày Chúa Nhật chỉ vì đức tin Kitô Giáo?”

Kết quả không ngờ là cả hàng triệu người muốn lưu ý. Cuốn phim, được gọi là Chariots of Fire, không chỉ phá kỷ lục số vé bán mà còn chiếm Giải Academy năm 1982.

Câu chuyện của ông Eric Liddell cho thấy khía cạnh tích cực của lời Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu nói:

“Ai bắt đầu cầy cấy mà còn nhìn lại thì không phục vụ cho Nước Trời.”

Ông Eric Liddel không bao giờ nhìn lại. Một khi ông đã quyết định theo Chúa Giêsu, ông luôn nhìn tới trước. Ông không bao giờ nhìn lại, ngay cả khi phải đương đầu với áp lực của quần chúng. Ông không bao giờ nhìn lại ngay cả khi bị gọi là kẻ phản quốc.

Bí quyết nào giúp ông Eric can đảm không bao giờ nhìn lại?

Bí quyết nào giúp ông trung thành với Chúa Giêsu, ngay cả khi phải đương đầu với sự chống đối trùm lấp?

Bí quyết này nằm trong sự nhận xét của bà quả phụ Eric khi được tờ Toronto Star phỏng vấn. Nói về ông Erich, bà cho biết, “Ông ta luôn luôn dùng giờ phút đầu tiên, thật sớm của một ngày để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hoạch định chương trình trong ngày.”

Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự can đảm của ông Eric. Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự trung thành của ông đối với Chúa Giêsu. Ông Erich Liddell là một người siêng cầu nguyện. Ông đã có thể luôn cầm lấy cái cầy và không nhìn lại đằng sau vì mỗi sáng ông đều gặp Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện.

Vào năm 1982, cùng năm cuốn phim Chariots of Fire được Giải Academy, có một bài báo đăng trong tờ Reader’s Digest. Bài này nói về một giám đốc quảng cáo người Công Giáo, dù rất thành công, bà vẫn cảm thấy cuộc đời trống rỗng.

Một sáng kia, trong cuộc họp với ông cố vấn về tiếp thị, bà đề cập đến sự trống rỗng này.

Ông cố vấn hỏi, “Bà có muốn lấp đầy nó không?” “Dĩ nhiên là có,” bà trả lời. Ông nhìn thẳng vào mắt bà và nói, “Hãy bắt đầu mỗi ngày với một giờ cầu nguyện.”

Bà nhìn ông và nói, “Này ông Don, ông không đùa đấy chứ. Nếu tôi làm như vậy thì còn thời giờ đâu để nghỉ ngơi.” Ông mỉm cười và nói, “Đó cũng là điều mà tôi đã nói cách đây 20 năm.” Sau đó ông nói thêm vài điều khiến bà phải suy nghĩ. Ông nói, “Bà chỉ muốn Thiên Chúa phải phù hợp với chương trình của bà. Thật ra, bà phải thay đổi cuộc đời bà theo chương trình của Thiên Chúa.”

Bà rời cuộc họp trong sự bối rối. Mỗi sáng bắt đầu bằng sự cầu nguyện sao? Mỗi sáng bắt đầu bằng một giờ đồng hồ cầu nguyện sao? Tuyệt đối không thắc mắc!

Dù vậy, vào sáng hôm sau bà đã thi hành đúng như vậy. Và kể từ đó trở đi bà luôn luôn cầu nguyện vào sáng sớm.

Bà thú nhận là lúc đầu điều đó không dễ. Có những sáng bà cảm thấy bình an và vui sướng. Nhưng cũng có những sáng bà chẳng thấy gì ngoài sự buồn chán. Và chính những sáng mệt mỏi này bà nhớ lại những điều mà ông cố vấn tiếp thị đã nói: “Có những lần khi tâm trí bà không muốn đi vào cung thánh của Thiên Chúa. Đó là khi bà phí một giờ đồng hồ trong phòng chờ đợi Thiên Chúa. Tuy nhiên, bà vẫn cố ở đó, và Thiên Chúa quý trọng sự cố gắng của bà. Điều quan trọng là lời hứa.”

Câu chuyện của ông Eric Liddell và bà giám đốc quảng cáo đã thách đố chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nghe qua những câu chuyện này và không cảm thấy một tiếng nói bên trong mời gọi chúng ta thi hành điều gì đó tương tự trong đời sống chúng ta.

Nếu chúng ta có khó khăn khi phải để ý đến Chúa Giêsu, nếu chúng ta có khó khăn nắm chặt cái cầy và đừng nhìn lại đằng sau, nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng, có lẽ chúng ta phải nghĩ đến lời hứa hằng ngày với Chúa Giêsu.

Lời hứa đó phải là gì? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó cho chúng ta. Chúng ta phải tự trả lời. Nhưng chúng ta phải thi hành điều gì đó. Như ông cố vấn tiếp thị đã nói, “Điều quan trọng là lời hứa.”

Hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện:

“Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại.

Xin dạy con biết phục vụ Chúa cách xứng đáng;

biết cho đi mà không quan tâm đến giá cả;

biết tranh đấu mà không để ý đến thương tích;

biết cần cù mà không tìm sự an nhàn;

biết lao nhọc và không tìm phần thưởng,

ngoại trừ được biết là con đang thi hành thánh ý Chúa.

 

49. Theo Chúa

Chúa Giêsu biết rằng thời gian mình bị cất khỏi thế gian này đã gần đến, đó chính là thời gian Ngài chịu đau khổ để thực hiện công cuộc cứu độ…

Chính vì thế mà Ngài đã đi lên Giêrusalem, để thực hiện cuộc hành trình này, Ngài đã sai các môn đệ, là những sứ giả của Ngài đi trước, để chuẩn bị nơi ăn chốn ở tại những nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua. Cuộc hành trình sẽ phải đi ngang qua xứ Samaria. Người Do Thái thì khinh bỉ dân Samaria vì coi họ chỉ là những kẻ lai căng, bỏ mất truyền thống của cha ông, chạy theo những thứ tôn giáo nhảm nhí khi tiếp xúc với dân ngoại.

Còn những người Samaria lại nhìn dân Do Thái với một cặp mắt thù hận, nhất là những người hành hương về Giêrusalem. Bởi vì đối với họ phải thờ kính Thiên Chúa tại Sichem, chứ không phải tại Giêrusalem.

Chính vì mối thù nghịch sâu xa và lâu đời này mà họ đã tỏ ra thờ ơ lãnh đạm cũng như đã không tiếp đón các môn đệ và cả chính Chúa Giêsu. Thái độ này đã làm cho Gioan và Giacôbê tức tối, đến nỗi muốn sai cả lửa trời xuống thiêu rụi họ. Phải chăng sự hiền lành của Phúc âm đã không đem lại kết quả mong muốn? Thế nhưng Chúa Giêsu đã trách cứ các ông thiếu tinh thần bác ái.

Bài học Chúa muốn nhắn gửi các ông cũng như nhắn gửi mỗi người chúng ta, đó là đừng vội nóng giận, nhưng hãy cư xử một cách nhân từ, kiên nhẫn và yêu thương, bởi vì giận quá mất khôn, hãy lấy tình thương mà xóa bỏ hận thù, nếu như chúng ta muốn cảm hóa và dẫn đưa họ về cùng Chúa, bởi vì mật ngọt thì chết ruồi, chúng ta có thể giết được nhiều ruồi bằng một giọt mật hơn là bằng cả một thùng dấm chua.

Tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đối thoại với ba người.

Với người thứ nhất, Chúa Giêsu cho biết theo Ngài thì phải long đong vất vả, bởi vì Ngài không có nhà cửa, không có cơ sở và không có một chốn để gối đầu, để ngả lưng. Như thế Chúa muốn nói, để trở thành môn đệ của Ngài, thì phải từ bỏ bản thân, từ bỏ tiền bạc vật chất, nghĩa là phải từ bỏ mọi sự.

Với người thứ hai muốn theo Chúa nhưng lại muốn về từ giã những người thân yêu, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: Phải dứt khoát lập trường, phải ra đi ngay lập tức, không chần chừ, không lưỡng lự. Bởi vì ai đã tra tay vào cày mà còn quay lại đằng sau thì không xứng đáng với nước trời.

Sau cùng đối với người thứ ba, Chúa Giêsu lên tiếng gọi: Hãy theo Ta. Thế nhưng trước lời yêu cầu rất tự nhiên và rất chính đáng của anh đó là lo chôn cất cho người cha mới qua đời, Chúa Giêsu đã trả lời: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi hãy đi rao giảng nước Thiên Chúa.

Như thế, qua những câu trả lời của Chúa Giêsu chúng ta thấy như có vẻ cứng cỏi, nghiêm khắc và đi ngược lại với những thói quen của chúng ta. Thế nhưng đó lại là sự thật, đó lại là sự đòi hỏi của Chúa.

Đứng trước lời mời gọi của Ngài, chúng ta phải mau mắn đáp trả không chần chừ, không so đo tính toán. Phục vụ Chúa, đó phải là nỗi ưu tư số một, còn ngoài ra, tất cả chỉ là phụ thuộc, chỉ là thứ yếu mà thôi.

 

home Mục lục Lưu trữ