Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1371099
YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY
(Suy niệm của Lm. Đan Vinh)
Lời Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12)
Câu chuyện: Tình yêu mạnh hơn sự chết.
– Sẵn sàng chịu chết cho em gái được sống:
Có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi và cô em gái của cậu 6 tuổi. Cả hai đều gầy yếu và thường đau ốm luôn. Một hôm cậu bé bị một cơn đau gan cấp tính, được cha mẹ đưa vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Sau thời gian hai tuần lễ điều trị, cậu bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và đang nằm viện thêm ít ngày để hồi sức. Nhưng sau đó, lại đến lượt cô em gái bị chứng xuất huyết nội và được mang đi cấp cứu tại cùng bệnh viện với anh. Cô bé bị mất máu khá nhiều cần được mau chóng tiếp máu. Thế nhưng bệnh viện lại không có sẵn máu cùng nhóm để truyền. Rất may là máu của cậu bé cùng nhóm máu với cô em. Khi được hỏi có muốn cho máu để cứu sống em gái không, thì lúc đầu cậu bé hơi ngần ngại và lo lắng một chút. Nhưng ngay sau đó, cậu ta đã lấy lại bình tĩnh và trả lời bác sĩ rằng: “Vâng, con bằng lòng hiến máu cho em con. Xin bác sĩ hãy cố gắng cứu sống nó. Vì con thương em con lắm”. Sau đó bác sĩ đã lấy máu của cậu truyền cho cô em. Một lúc sau tỉnh dậy, cậu bé đã làm cho mọi người trong phòng ngạc nhiên và buồn cười khi nói: “Ô hay! Con chưa bị chết hay sao? Vậy bác sĩ đã tiếp máu cho em con chưa? Em con bây giờ ra sao rồi?” Thì ra cậu bé đã tưởng lầm rằng khi bằng lòng hiến máu cho em, là cậu phải cho em tất cả số máu trong con người mình! Nhưng vì quá thương em và không muốn cho em bị chết, nên sau khi ngần ngại một chút, cậu đã quyết định hy sinh chịu chết để cho em gái mình được sống!
– Tình nguyện chết thay cho một bạn tù:
“Tôi là một linh mục công giáo Ba-lan, tôi đã già, Tôi muốn được chết thay cho ông này, vì ông còn có vợ con”. Đây là lời của cha Kôn-bê (Maximilianus Maria Kolbe) đã nói với viên cai ngục Đức Quốc Xã, trong lúc hắn đang chọn ra 10 tù nhân phải chết để đền tội thay cho một tù nhân mới vượt ngục đêm qua. Quyết định anh hùng của cha Kônbê đã cứu tù nhân Phăng-xít (Francis) thóat chết, khi ông là người cuối cùng được chọn phải ra xếp hàng vào hầm chết đói. Sau đó, cha Kôn-bê đã phải chịu số phận chết chung với 9 tù nhân kia. Suốt thời gian ở trong ngục tối nhịn đói chờ chết, thay vì những tiếng la hét chửi rủa mọi khi, người ta chỉ nghe thấy những lời kinh tiếng hát của nhóm tù nhân sắp chết nhờ sự động viên của cha Kônbê. Câu chuyện tình nguyện chịu chết thay cho người khác của cha Kôn-bê cho thấy “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Sự hy sinh tình nguyện chết thay cho người khác của cha Kônbê cho thấy tình yêu của cha thật lớn lao giống như Chúa Giêsu và như lời Người đã tâm sự với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Suy niệm:
– Bài Tin Mừng hôm nay có thể tóm lại ý chính như sau: Một là hãy ở lại trong tình thương của Chúa: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Hai là phải thực hành các giới răn: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy, và ở lại trong tình thương của Người”. Ba là quyết tâm sống giới răn mới của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
– Chỉ có một dòng nhựa tình yêu lưu chuyển từ thân cây là Chúa Giêsu sang các cành nho là các tín hữu và lưu chuyển giữa các cành nho với nhau: “Như Thầy đã yêu anh em, anh em cũng phải yêu thương lẫn nhau”. Tình yêu của chúng ta không được giới hạn trong một số người thân thuộc hay những người đáng yêu, nhưng phải yêu hết mọi người, kể cả những kẻ thù ghét và làm hại chúng ta.
– Ngày nay có lẽ chúng ta ít có dịp biểu lộ tình yêu cao cả là chết thay cho người khác như cha Kôn-bê, nhưng chúng ta vẫn có thể biểu lộ tình thương như: Luôn biết nghĩ đến người khác, lắng nghe để tìm hiểu và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, quảng đại cho đi hơn nhận lãnh, năng khen ngợi động viên người khác…
– Muốn nên môn đệ thực sự của Chúa Giêsu đòi ta phải biết hy sinh qiên mình, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt, như những cái chết nho nhỏ cho các ý riêng theo tính xác thịt của mình. Những cái chết nho nhỏ đó chuẩn bị cho cái chết lớn hơn khi cần phải thể hiện. Mỗi khi thấy trái tim sắp hóa chai cứng như đá, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu đổ Thần Khí Phục Sinh của Người xuống biến đổi trở thành trái tim bằng thịt biết yêu thương.
Trong Mùa Phục Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để thể hiện tình yêu thương đối với những người thân trong gia đình, với hàng xóm láng giềng, với bạn bè và nhất là những người đau ốm liệt giường nghèo đói, bất hạnh hoặc đang bị bỏ rơi …?
Lạy Chúa Giêsu: Xin cho chúng con mỗi ngày biết chết đi cho thói ganh ghét, ích kỷ vụ lợi cùng các thòi hư tật xấu khác. Xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu soi vào cuộc đời chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ biết cảm thông với nỗi đau của đồng loại. Xin cho chúng con biết luôn nở nụ cười thân thiện và đi bước trước đến làm quen với những người mới tiếp xúc. Xin cho chúng con biết chủ động làm hòa với những người thù ghét nói xấu chúng con, biết quên mình phục vụ những người đau khổ… Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để làm chứng cho Chúa và đưa được nhiều người về làm con Chúa Cha hiệp thông trong đại gia đình Hội Thánh. Amen.
77. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour.
CÁC MÔN ĐỆ HAY ĐIỀU RĂN YÊU THƯƠNG
Phần thứ hai của diễn từ chỉ hướng đến các môn đệ là những kẻ đã khéo léo lựa chọn. Trong phần này, chỉ còn những kẻ thân tình với Chúa Giêsu ở lại. Danh từ “yêu thương” vang lên 12 lần, và sự bao hàm với động từ “yêu thương” (cc. 9-17) bao trùm và tô điểm toàn bộ bài diễn từ.
Ở đây rõ ràng ẩn dụ trở thành tỷ dụ: các hình ảnh lần lượt được giải thích cặn kẽ. “Sinh hoa trái” tương đồng với “yêu thương”. Trong khi mà Chúa Giêsu yêu thương đến cùng (13,1), Người mời gọi các môn đệ tự ghép vào chính tình yêu đó. Tính tương hỗ là luật yêu thương vận dụng cách kỳ diệu trong đoạn này: Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy… Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Trong tình huống này, sự hoàn lại và sự đáp nghĩa, luật của mọi tình yêu, luôn luôn hướng đến một đối tượng khác là nguồn mạch của nghĩa tình. Việc Chúa Giêsu đáp trả lại tình yêu của Chúa Giêsu dành cho họ phải được hướng đến mọi người anh em.
Từ “như” được lặp lại hai lần quả là quan trọng, vì nó nói lên mầu nhiệm sâu kín nhất của mặc khải: trước hết đó không phải là một sự so sánh; mà chính yếu là một sự ăn rễ sâu, một nền tảng. Tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Giêsu biểu lộ trong sự nhập thể mà sự chết tỏ hiện cùng đích và ý nghĩa. Nhiều người đã nhận thấy trong việc nhấn mạnh về mối tương hỗ Cha / Con, Chúa Giêsu / cộng đoàn, môn đệ / môn đệ một giới hạn của tình yêu vô bến bờ trong Mt 5,44.46: “Còn Thay, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù… như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?”. Nhưng mà ở đây Gioan nói về vấn đề khác, về tình yêu sâu xa giữa Chúa Cha và Chúa Con, tỏ hiện trên thập giá (3,16), khuôn mẫu và điểm quy chiếu để thiết lập cộng đoàn mới: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Trong phân đoạn này của diễn từ, không còn có chỗ cho sự đe dọa hình phạt, những kẻ đối nghịch đã biến mất, dành chỗ cho bạn hữu, là những người đã được chọn và đã chọn.
Ở đây Chúa Giêsu nêu ra tiêu chuẩn để nhận ra bạn hữu của Người: đó là những ai thực hiện những điều Chúa Giêsu truyền dạy cho họ (c.14), nghĩa là những kẻ yêu thương nhau (cc. 15-17). Trong Tin Mừng, tình yêu luôn hiện hữu trong mọi bản văn Kinh Thánh: một đòi buộc cụ thể, một sự trung thành trong mọi hành động. Vốn là tôi tớ, các môn đệ đã trở thành bạn hữu. Chúa Giêsu đã chia sẻ với các môn đệ điều Người tâm đắc nhất, sự hiểu biết Chúa Cha (17,26) trong hết mọi sự (16,15). Nhờ Người, các môn đệ được Chúa Cha yêu mến như Người (16,27). Qua mọi thời đại, sự thân mật với Thiên Chúa là ước mơ của mọi người. Trong Cựu Ước, có vài bạn hữu của Thiên Chúa, như Abraham, đã gặp gỡ Thiên Chua như gặp một người thân cận. Ông Môsê cũng đã kinh qua kinh nghiệm huyền nhiệm này. “Ông thân thưa cùng Chúa, diện đối diện, khác nào người ta chuyện vãn với bạn mình vậy” (Xh 33,11). Điều chỉ là đặc ân của một vài người, nhờ Chúa Giêsu, đã được trao ban cho tất cả những ai chấp nhận và trở thành môn đệ của Người.
Thật vậy, tình yêu này không thể là thành quả do quyết định duy nhất của người tín hữu: Chính Chúa Giêsu đã chọn bạn cho mình (6,70; 13,18). Đó là một ân nhưng không mà con người không nên tự phụ.
78. Chú giải của Noel Quesson.
Theo Thánh Gioan, vài giờ trước khi chết, Đức Giêsu đã bày tỏ cho các bạn của Người viễn ảnh “Chương trình của Thiên Chúa trên thế giới”, và ý nghĩa của việc hiến dâng sự sống cho đến chết của Người.
Trong trang sách đáng yêu này của Thánh Gioan là một bài hát ca tụng tình yêu. Danh từ “yêu” “tình yêu” “ban”, được lặp lại 11 lần… và được dùng với từ “giới răn”. Đối với Đức Giêsu, niềm vui của người được yêu, đó là làm theo ý muốn của người yêu mình.
Ta không thể không để ý đến sự “sinh động” trong trang sách này: Như một bài hát nội tâm, những điệp khúc có cùng một trọng tâm xuất hiện, biến đi và trở lại như những đợt sóng vỗ vào bờ, như giòng thác từ trên đổ xuống từ Thiên Chúa rồi lại trở về nguồn là chính Người.
Trọng tâm của mạc khải này là: Niềm vui “Ta đã nói những điều này cho các con để chia sẻ ‘niềm vui của Ta’, và để các con được tràn đầy niềm vui”.
Vào giờ Đức Giêsu bước từ thế giới này sang bên kia với Chúa Cha, Người nói với các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.
Đây là những lời tâm sự cuối cùng của Đức Giêsu, đêm trước người “ra đi”. Đối với Đức Giêsu, tất cả bắt đầu trong huyền nhiệm của Thiên Chúa, trong vực thẳm vô hình là “Nguồn” của tất cả mọi sự. Nơi Thiên Chúa, không có sự cô độc không có buồn bã, nhưng có niềm vui yêu thương luôn hiện diện giữa ba Ngôi vị hằng yêu thương nhau.
Thiên Chúa là tình yêu: Chúa Cha yêu Chúa Con, và hai Đấng thông chuyển niềm vui yêu thương này cho Chúa Thánh Thần. Tình yêu vô hình đó, một ngày kia đã hiện thân trong một con người, là Giêsu thành Nagiarét. Huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa đã trở nên hữu hình, có thể ngắm nhìn và cảm nhận được tình yêu này đã làm xúc động trái tim một con người: “Chúa Cha đã yêu thương Thầy”.
Thầy cũng đã yêu thương anh em.
Nhưng giờ đây, trong con người Chúa Giêsu, mãnh lực tình yêu bắt đau lan ra khắp nhân loại. Thiên Chúa chia sẻ tình yêu của Người, nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không bao giờ được quên Chúa Giêsu đã hành động thế nào để yêu thương chúng ta.
Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.
Câu nói: “Thầy thương yêu anh em” của Chúa Giêsu hàm ẩn sự mê say. Một say mê tình yêu điên cuồng và vô biên: Người vẫn thương yêu những kẻ thuộc về mình còn ở trên trần gian, Người thương yêu họ đến tận cùng” (Ga 13,1). Tột đỉnh của tình yêu chính là Thập giá vinh quang. Đấy là vinh quang của Chúa Giêsu và niềm vui tình yêu vô tận.
Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thay gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết.
Chúa Giêsu dám nói rằng, Người xóa bỏ sự phân biệt giữa “Thầy và tôi tớ”, giữa “Thiên Chúa” và “Con người”. Từ nay chỉ còn là “Bạn hữu”. Không có gì giấu diếm nhau. Tình yêu có khuynh hướng chia sẻ để tất cả là của chung.
“Tất cả những gì ‘Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết”. Tình yêu khước từ sự “thống trị” người khác nhưng luôn tôn trọng và làm cho người kia “bằng” chính mình.
Qua những kinh nghiệm về tình yêu của con người, chúng ta biết rằng, hai người yêu nhau thường hướng đến sự trong sáng: tình yêu là trao đổi, là hiệp thông. Ta tự tỏ ra cho người kia biết. Chúa Giêsu đã nói: Tất cả những gì Thầy đã nghe được ở Chúa Cha, Thầy đã tỏ ra cho anh em biết. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã nói hết tất cả, không còn gì khác để biết về Thiên Chúa nữa. Thien Chúa đã nói tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa.
Đây là điều răn của Thầy: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.
Giòng sông tình yêu của Thiên Chúa vẫn tuôn chảy. Nước của giòng thác, khi rơi xuống đất, trải ra, bắn tung lên. Con người khi được Thiên Chúa “yêu thương” chính họ cũng phải trở nên tình yêu theo hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa: “như Chúa Cha thương yêu Thầy, Thầy thương yêu anh em” “Như Thầy thương yeu anh em, anh em hãy thương yêu nhau”.
Chúng ta đừng đọc lướt quá nhanh chữ “cũng như” huyền nhiệm này. Lạy Chúa, Chúa dẫn chúng con đi tới đâu? Chúa yêu cầu chúng con thương yêu đến mức nào? tình yêu của Chúa đã đưa Chúa đen đâu? “Không ai có tình yêu lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. Yêu thương đến hy sinh mạng sống của chính mình. “Đây là Mình Thầy, bị trao nộp, đây là Máu Thầy bị đổ ra. Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy, hãy làm việc này như chính Thầy” Giới hạn của tình yêu đó là trao tặng không hạn giới mức độ đo lường. Tình yêu là Thập giá. Thương yêu, thương yêu và yêu thương. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: Yêu thương là giới răn của Chúa và dường như chỉ có một giới răn duy nhất đó. Giới răn này làm Chúa quan tâm nhất. Khi con yêu thương tha nhân, con làm điều mà Chúa đã luôn luôn làm. Khi yêu thương, chúng ta làm cho “Thiên Chúa ngự trị” và tạo được một khung trời đẹp cho con người. Tôi duyệt xét lại cuộc sống cụ thể của tôi dưới ánh sáng này. Người này, người kia đối với tới họ là ai? Tôi phải thương yêu ai? Tôi phải chịu trách nhiệm về ai? Ai đang mong đợi gì ở tôi? thái độ của tôi đối với người xung quanh, gia đình và đồng nghiệp thế nào?
Anh em hãy ở trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy. Anh em là bạn hữu của Thầy. Nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.
Đối với nhiều người trong thời đại chúng ta, động lực tình yêu dừng lại ở sự đoàn kết với anh em. Những đôi vợ chồng, những gia đình, và các chủng tộc cần phải thương yêu lẫn nhau. Lúc bấy giờ ta có thể nói đến “chân trời tình yêu” (tình yêu theo một chiều ngang); vũ trụ của con người giới hạn ở chân trời trên mặt đất.
Đối với Chúa Giêsu, rõ ràng có một “chiều dọc thẳng đứng” kép đôi xuyên qua con người: Tình yêu từ trên cao Thiên Chúa đến với chúng ta, cũng phải trở về chốn cao sang, trở về với Thiên Chúa. Còn phải có một số rất đông người trở thành “Môn đệ của Chúa”, nghĩa là nhưng người ý thức được những gì đang diễn ra tuồng tình yêu ở nơi trần thế. Phải nhận ra tình yêu, phải nhận biết Thiên Chúa và yêu mến người. Và chúng ta thấy Chúa Giêsu đòi hỏi tình yêu này: “Anh em hãy trung tín, và ở trong tình yêu của Thầy, anh em hãy là bạn hữu của Thầy. Những môn đệ của Chúa Giêsu, các Kitô hữu, là thành phần của nhân loại đang mến Chúa Giêsu một cách có ý thức: Trách nhiệm vô cùng lớn lao!
Nói cho cùng loài vật cũng thương yêu lẫn nhau. Nhưng con người trong vũ trụ chẳng những có khả năng sống năng lực tình yêu lớn lao này, mà còn biết được khả năng này từ đâu đến, và sẽ đi về đâu, để tạ ơn Thiên Chúa nguồn mạch tình yêu.
Cũng như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người.
Lúc bấy giờ vòng chuyển động đã hoàn tất. Chuyển động vĩ đại, phát xuất từ Chúa Cha, đã trở về với cội nguồn, và chúng ta có thể chiêm ngắm viễn tượng mà Chúa Giêsu đang có về con người. Một nhân loại được Thiên Chúa thương yêu. Một Thiên Chúa Cha. Một nhân loại huynh đệ, thương yêu lẫn nhau. Một nhóm môn đệ, một Hội Thánh biết nhận ra tình yêu của Thien Chúa Cha.
Các điều ấy Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Niềm vui của Chúa Giêsu là được Chúa Cha thương yêu và yêu thương anh em, là nhận ra Chúa Cha va yêu mến Người. Niềm vui phải là đặc tính của người Kitô hữu, đó cũng là đặc tính của Chúa Giêsu.
‘Thế mà có một số người thường hỏi: trở nên người Kitô hữu thì có khác gì.
79. Chú giải của Fiches Dominicales.
GIỚI RAN MỚI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1) “Như Cha đã thương Thầy, Thầy cũng thương anh em”
Bài Tin Mừng trích trong chương 15 của thánh Gioan nối tiếp đoạn Tin Mừng tuần trước. Như bức tranh in chìm trong giấy, biểu tượng Cây Nho chỉ tái hiện vào cuối đoạn Tin Mừng. Nó nhường chỗ cho điều làm nền tảng cho nó: Tình yêu phát nguồn từ Chúa Cha, tình yêu làm nền tảng cho tình yêu của Đức Giêsu đối với nhân loại. Chuyển động vòng tròn của việc độc thoại về đời sống cộng đoàn các môn đệ sau khi Người “về” cùng Cha, vốn là tiêu biểu của tư tưởng của thánh Gioan. Một tình yêu duy nhất, nhưng không ngừng trào tràn:
– từ Chúa Cha qua Chúa Con: “Như Cha đã yêu Thầy”
– từ Chúa Con qua cac môn đệ: “Thầy cũng yêu anh em”
– rồi giữa các môn đệ với nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như thế là trung tín với giới răn của Người và ở lại trong tình yêu của Người, như thế họ sẽ được “tràn đầy niềm vui”.
Từ ngữ chìa khoá của chuyển động vòng tròn này là “tình yêu” (tiếng Hy lạp: agape), được sử dụng 12 lần trong bản văn này, dưới những hình thức khác nhau. A.Marchadour đưa ra một nhận xét lý thú: Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em (Tin Mừng theo thánh Gioan Centurion, trang 202).
2) “Như Thầy đã thương anh em, anh em hãy thương nhau”
Vừa khẳng định: “Như Cha đã thương Thầy, Thầy cũng thương anh em”, Đức Giêsu nói tiếp ngay: “Giới răn của Thầy là anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương anh em”. Hai từ “như” nói lên mầu nhiệm sâu xa nhất của mặc khải. Marchadour lưu ý ta: Đó không phải là một lối so sánh, nhưng là một đào sâu, một thiết lập nền tảng. Ở đây Gioan nói về tình yêu mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con, đã biểu lộ trên thập giá (3,16), là kiểu mẫu phải qui chiếu, tình yêu đó là nền tảng của cộng đoàn mới: “Phần chúng ta, chúng ta yêu thương vì Người đã yêu thương ta trước” (1 Ga 4,19) (Sđd, trang 202).
Chính do cách thực hiện lời Người truyền: yêu nhau, mà Đức Giêsu nhận ra họ là môn đệ Người, mà Người trở nên “bạn hữu” của họ khi Người chia sẻ cho họ điều thiết thân nhất: sự hiểu biết Chúa Cha.
Từ bao đời, sự gần gũi với Thiên Chúa là ước mơ của con người. Trong Cựu ước, vài người bạn của Thiên Chúa như Abraham, đã gặp gỡ Thiên Chúa như gặp một người thân. Môsê cũng đã sống cái kinh nghiệm thần bí ấy, “Yahvê đã chuyện trò với Môsê diện đối diện, như người ta chuyện vãn với bạn bè” (Xh 33, 11).
Đó là đặc quyền Đức Giêsu dành cho những ai chấp thuận làm môn đệ Người. Thực ra, tình yêu này không phải do người tín hữu chọn mà được; chính Đức Giêsu chọn lựa bạn hữu của Người (6,70; 13,18). Đó là một ân ban nhưng không để con người không thể tự mãn (Sđd, trang 202).
BÀI ĐỌC THÊM.
1) “Con đường tình yêu”.
(Đức Cha L.Daloz, trong “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người”, DDB, trang 194).
Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ Người một giới răn mới (13,34). Người nhắc đi nhắc lại 2 lần: “Điều răn của Thầy là: anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương anh em. Điều Thầy truyền cho anh em là: anh em hãy thương nhau”. Người dạy ta một cách yêu thương mới. Tình yêu tự nhiên bộc phát phải chăng là mối tình có lợi cho ta, giup ta phát triển. Một tình yêu dựa trên sự hấp dẫn, cảm tình; một tình yêu không những trong đó ta vẫn là ta, mà ta còn cảm thấy mình được đánh giá cao, có cảm giác mình lớn lên khi cho và nhận. Thứ tình yêu bè bạn, tình yêu hôn phối như thế đúng là một lý tưởng giúp ta triển nở. Tự nhiên ta dễ cảm xúc trước mặt tình yêu như vậy. Chính Đức Giêsu cũng đã biết đến thứ tình bạn rất nhân loại ấy, Người yêu thương Mátta, em gái bà và Ladaro (11, 5).
Nhưng Người muốn ta tiến xa hơn trong tình yêu. Người muốn đưa ta lên đến tận ngọn nguồn tình yêu: “Như Cha đã thương Thầy, Thầy cũng thương các con: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”: Điều Đức Giêsu mong đợi, mời goi các môn đệ, đó là hãy tháp nhập vào tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, để yêu như Thiên Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa hoàn toàn nhưng không. Đó thật là một quà tặng. Tình Yêu Thiên Chúa thì phổ quát Người cho mặt trời mọc lên soi người lành cũng như kẻ dữ, cho người công chính cũng như kẻ bất lương! Trái tim Thiên Chúa vui rộn ràng khi thấy kẻ tội lỗi ăn năn hối cải, Người không ngừng kêu gọi, Người sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai trở ve với Người. Thiên Chúa yêu thương trần gian đến nỗi đã ban Con Một mình! Tin Mừng có gì khác hơn là một mặc khải về tình yêu vô biên của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã biểu lộ khi Người yêu ta đến cùng? Thiên Chúa là tình yêu. Làm sao ta có thể yêu như Thiên Chúa được?
Đức Giêsu vạch cho ta một con đường. Nếu muốn học yêu như Chúa, ta hãy để Người chỉ dạy. Ta đâu phải là người mở ra con đường tình yêu. Chính Lời Chúa chỉ cho ta. Ta phải nghe và trung thành tuân giữ Lời Chúa. Như thế là ta thực tập yêu theo đường lối của Thiên Chúa: “Nếu anh em tuân giữ điều răn của Thầy anh em sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy tuân giữ điều răn của Cha nên Thầy ở trong tình yêu của Cha”. Đó không phải chỉ là cảm tính. Đó là sự hoà hợp giữa ý muốn của ta với ý muốn của Chúa. Đó là sự hoà hợp giữa đời sống của ta với đời sống của Đức Giêsu. “Không ai có tình yêu lớn hơn người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu”. Đức Giêsu, người mục tử tốt lành, đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Người kêu mời ta; hãy làm đầy tớ phục vụ anh em, hãy hiến mạng sống vì anh em. Người mời gọi ta yêu đến cùng như Người: “Như Thầy đã yêu anh em “.
Lời mời gọi này quả là một thách đố bất khả kham nếu chỉ nhắm vào sức riêng của ta. Tình yêu trong ta không phải là kết quả của năng lực riêng của ta. Nếu Đức Giêsu trao phó cho ta sứ mệnh yêu như Người, thì chính Người làm trổ sinh trong ta những hoa trái của một tình yêu như thế: “Chính Thầy đã tuyển chọn và cắt đặt anh em để anh em ra đi và sinh nhiều hoa trái và để hoa trái của anh em tồn tại”. Vì thế chỉ có ta mới có thể loan báo tình yêu đến cùng và làm chứng về tình yêu ấy bằng chính đời sống của ta. Biết được nguồn mạch phát sinh tình yêu ấy rồi, ta sẽ tin tưởng trở về với Đấng duy nhất có thể khơi nguồn tình yêu ay trong ta. “Tất cả những gì các con xin Chúa Cha nhân danh Thầy, người sẽ ban cho các con”.
2) “Như” từ ngữ chìa khoá nhưng thường bị cố ý bỏ qua và rất thường bị quên lãng.
(F. Deleclos, trong “Hãy cầm lấy mà ăn Lời”, Centurion-duculot, trang 124).
Hãy yêu thương nhau. Lời trích dẫn thiếu sót ấy có thể chẳng đi đến đâu nếu ta không quy chiếu về khuôn mẫu, không vượt qua được những khía cạnh cảm tính, hời hợt và chiếm hữu của tình yêu.
Để hiểu biết thực tại, phải ngụp lặn trong dòng sông huyền nhiệm mà Tin Mừng thánh Gioan trình bày cho ta. Không mơ mộng đâu, nhưng đó là lời tâm huyết của con Người. Một xâm chiếm khu vườn bí ẩn của Thiên Chúa nhập thể, một tuyen ngôn tình yêu, thú nhận một tâm tình dịu dàng vô biên: “Như Cha đã thương Thầy, Thầy cũng thương anh em”. Khó tin, nhưng có thật! Người nói với cả tôi nữa đấy. Người nài nỉ: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy; để niềm vui của Thầy ở trong anh em và anh em được tràn đầy niềm vui”. Nhưng tình yêu có qui luật ở lại trong ta để trái tim ta có thể đập nhịp đập của trái tim Người; để tâm tư, hành động của ta rập khuôn theo tâm tư và hành động cua Người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. “Như”, từ chìa khoá nhưng thường bị cố ý bỏ qua và rất thường bị lãng quên.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam