Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1367632

YÊU VÀ GHÉT

Yêu và ghét – Trầm Thiên Thu

 

Yêu và ghét là hai động thái trái ngược nhau, nhưng luôn xảy ra song song. Lằn ranh giữa yêu và ghét quá mong manh đến nỗi khó nhận ra. Khi ghét mà người ta cứ tưởng là mình đang yêu, và khi bảo là yêu mà thực ra lại chỉ là ghét!

Không ai lại ghét chính mình, vì thế mà đôi khi người ta yêu mình thái quá. Đó là tự ái – tự yêu mình quá mức. Nhưng Chúa Giêsu dạy “ghét mình” mà “yêu tha nhân”. Vẫn theo chiều hướng “ngược đời”. Vậy Ngài có quá đáng hoặc xúi dại chúng ta không?

Có thể là “hơi quá đáng” đối với chúng ta, nhưng tuyệt đối Ngài không hề xúi dại ai cả! Chúa bảo chúng ta “ghét mình” vì Ngài biết chung ta dễ ỷ lại, thích tự tôn, ưa tự cao tự đại, khoái “nổ” banh-ta-lông, dễ “chứng”, khó thuần hoá, thế nên Ngài phải đặt “hàm thiếc” vào chúng ta để kiềm chế thói “chứng” của chúng ta. Mà cũng rất hợp lý. Vì nếu Ngài không làm vậy thì chúng ta sẽ dám chỉ coi trời bằng… nắp bia mà thôi!

Bài đọc I hôm nay là bài ca thứ ba trong các Bài ca Người Tôi Trung. Tôi trung nào cũng khổ sở “trần ai khoai củ”. Không đâu xa, lịch sử Việt Nam cho thấy có những trung thần mà phải bị hàm oan, trong Giáo hội Công giáo cũng không thiếu những con người bị khổ oan như vậy, thậm chí có những vị thánh đã từng bị vạ tuyệt thông!

Ngôn sứ Isaia kể một mạch: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,4-5). Ngoan cường quá! Không ngại khó, không sợ khổ, không “tham sanh, uý tử” (ham sống, sợ chết). Thế mới xứng danh Người Tôi Trung. Và đó chính là hình bóng của Đức Kitô.

Ngôn sứ Isaia kể tiếp: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Rất tự tin, rất hiên ngang. Mọi gian truân chẳng là “cái đinh” gì ráo trọi! Tại sao? Thánh nhân cho biết động lực thúc đẩy: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên” (Is 50,7-8a). Càng lúc càng an tâm, vững dạ; càng lúc càng tin tưởng. Ngôn sứ Isaia “đặt vấn đề” rất thẳng thắn, ngỡ như thách thức: “Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!” (Is 50,8b).

Sống công chính thì chẳng có gì phải sợ, và cũng chẳng ngán bất kỳ ai. Mãi mãi là chính mình!

Nếu theo Chúa và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Ngài, chúng ta sẽ không ngại nói: “Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Ngài lại lắng tai ngày tôi kêu cứu” (Tv 116,1-2). Và dù “dây tử thần đã bủa vây chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình” (Tv 116,3), chúng ta cũng vẫn ngước cao đầu mà tiến bước. Nếu gặp gian truân sầu khổ mà chúng ta thành tín kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!” (Tv 116,4), Ngài sẽ thương cứu ngay, vì Ngài luôn đồng hành với chúng ta, nhất là trên những chặng đường đầy chông gai. Bởi vì Ngài mệnh danh là Thiên Chúa tình yêu (x. 1 Ga 4,8), là Đấng nhân từ chính trực, luôn một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, những người yếu đuối, đặc biệt là luôn giữ lời hứa. Tác giả Thánh vịnh đã là nhân chứng sống động: “Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Tôi sẽ bước đi trước mặt Ngài trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 116,8-9). Thật vậy, Ngài là Thiên Chúa của người sống chứ không của người chết.

Thánh Giacôbê chất vấn: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” (Gc 2,14), và phân tích: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,16). Thế thì đời sống tâm linh cũng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Một cách định nghĩa đức tin rất ngắn gọn mà sâu sắc và rất hay. Quả thật là thế: “Bạn có đức tin; còn tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Cứng họng. Không ai có thể đưa ra bất cứ lý do nào để tự biện hộ. Cách biện luận của Thánh Giacôbê rất thuyết phục, chắc hẳn ai cũng phải “tâm phục, khẩu phục”.

Có lần Chúa Giêsu đã từng “ví von” thế này: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7,9-10). Chỉ có nước câm miệng chứ ai nói lại được gì? Đó là yêu thương, là sống đức tin, là sống đạo (chứ không chỉ giữ đạo), là thể hiện lòng thương xót của Chúa. Đừng thương xót Chúa mà hãy thương xót nhau, cũng như Chúa Giêsu đã nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28).

Một dịp Đức Giêsu và các môn đệ tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27). Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,28). Ngài lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô nhanh nhẹn đại diện trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Một câu trả lời trên cả tuyệt vời, Phêrô nhà ta là “số dzách”, là “number one”!

Thế nhưng Đức Giêsu liền nghiêm mặt và cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài. Rồi Ngài không nói về vinh hoa, phú quý, hoặc chức quyền, địa vị, mà Ngài bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Thánh Máccô cho biết rằng Chúa Giêsu nói rõ về điều đó, không hề úp mở.

Có lẽ Phêrô nhà ta “cụt hứng”, thế nên ông liền kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Ngài. Nhưng Ngài quay lại nhìn các môn đệ và trách ông Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Chúa Giêsu chưa một lần trách ai nặng như đã trách vị Giáo hoàng tiên khởi. Điều đó chứng tỏ Chúa rất công bình, chính trực, hay thì khen mà dở thì chỉnh ngay, không thiên tư hoặc vị nể. Thật vậy, những người khác chỉ bị trách là thế này hay thế nọ, còn Giáo hoàng Phêrô bị nguyền rủa là Satan. Quá nặng!

Nói xong thì thôi, không để bụng, Ngài liền gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Thuận ngôn, nghịch nhĩ. Khó quá, Chúa ơi! Thế nhưng Ngài vẫn thật thà và thẳng thắn: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Ngài không ép. Hoàn toàn cho tự do. Tuỳ ý. Thích thì chiều!

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con chỉ là những tội nhân khốn nạn, lúc nào cũng chỉ muốn “nổi dậy” bằng đủ cách, chỉ đòi được Ngài yêu mà không muốn yêu tha nhân, không muốn bị ghét mà chúng con lại lườm nguýt hoặc xỉa xói những người lân cận. Chúng con thật hồ đồ, thật đáng tội. Xin Ngài thương xót, tha thứ, và giúp chúng con quyết “bỏ mình” như Chúa Con đã nêu gương. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

72. Chúa Nhật 24 Thường Niên B

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

 

Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải giai đoạn hai về sứ mạng cứu độ của Ngài sau những lời vén lộ nước trời bằng những dụ ngôn và dấu lạ. Giờ đây, Chúa Giêsu dành riêng những lời mạc khải cho các tông đồ bằng cách nói cho các ông thấy cách thức Ngài sẽ thực hiện để cứu chuộc nhân loại, cứu chuộc con người.

Thánh Marcô trong đoạn Tin Mừng 8,27-35 cho nhân loại hiểu rõ không úp mở là Ngài phải thực hiện sứ mạng cứu rỗi của Ngài trong sự chống đối hận thù của nhiều lớp người, đặc biệt đối với những lớp người có chức sắc trong dân Do Thái lúc đó và nói cho cùng ngay trong hàng ngũ các môn đệ mà Ngài tuyển chọn cũng hiểu lầm, cũng cản ngăn đường thập giá, đường đau khổ của Chúa. Sự chống đối và hận thù theo kiểu biệt phái đã dẫn tới cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Hận thù, tranh chấp và chống đối của lớp cai quản dân Do Thái, của Hội đồng thượng tọa, hội đồng tư tế, kỳ lão, đầu mục không phải là tiếng nói cuối cùng của Chúa Giêsu để rồi tắt lịm luôn, nhưng Chúa Giêsu sẽ sống lại sau khi bị chôn cất trong mồ ba ngày. Con đường vinh quang của Chúa Giêsu phải kinh qua thử thách chông gai, trải qua thương khó và đau khổ. Nhưng mạc khải quan trọng và cốt yếu này không dễ được mấy ai chấp nhận và hiểu thấu. Ngay đối với các tông đồ, những đệ tử thân tín nhất cũng chỉ được Chúa Giêsu thông báo khi đòi họ tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu. Phêrô tuyên xưng thay mặt toàn thể các môn đệ:” Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Tuy Phêrô hay nói cách nôm na, tất cả các môn đệ đã có cái nhìn của Thần khí, nhưng trước mạc khải về sự thống khổ, điều bi đát vẫn xẩy ra vì Phêrô lại có cái nhìn xác thịt để cản ngăn đường đi của Chúa Giêsu.

Phêrô và các môn đệ quả như những người Do Thái cảm thấy chói tai, khó chịu và không thể chấp nhận nổi khi nghe Chúa Giêsu loan báo về sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu. Phêrô đã bị Chúa Giêsu quở mắng thực sự, không khoan nhượng vì khi cản ngăn con đường cứu chuộc của Chúa, Phêrô đã giữ vai trò của Satan kẻ tìm cách cám dỗ và ngăn cản con đường cứu chuộc của Chúa: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Chúa Giêsu quả thực đã mạc khải cho các môn đệ và nhân loại con đường cứu thế của Ngài để tất cả những ai tin và đi theo con đường của Chúa sẽ được ơn tha thứ, được hạnh phúc và được cứu độ.

Chúa Giêsu khi loan báo cuộc thương khó (Mc 8,31) của Ngài để cứu độ nhân loại đã cho nhân loại thấy tính cách quyết liệt của Tin Mừng Ngài mang lại. Vì Ngài là Tin Mừng cứu độ. Sứ mạng và tính cách thực hiện sứ mạng cứu rỗi của Ngài: “Chúa phải đau khổ mới tới vinh quang”. Đây là điểm làm đảo lộn tất cả mọi trật tự: ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một số người được ưu tuyển hay được chọn lọc mà ơn cứu rỗi thuộc về mọi người. Chúa đến trần gian không để thỏa hiệp với bất cứ một ai, nhưng Ngài cương quyết, tự do hoàn toàn để loan báo, để giới thiệu nước trời. Chúa Giêsu đòi hỏi con người luôn phải trả lời cho Ngài về ý nghĩa của cuộc sống con người. Mỗi con người tự mình mà có hay con người do Đấng tạo hóa sinh ra: “Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36). Con người chỉ có thể hiểu được nội dung Tin Mừng, sứ điệp cứu rỗi của Chúa khi con người sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Đức Kitô: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chinh mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Tin Mừng của Đức Kitô đòi hỏi con người phải cương quyết, dứt khoát, không thỏa hiệp mà phải thanh thản mà bước theo Chúa Giêsu. Hiểu được như thế, con người sẽ bước đi một cách tự do và thanh thoát mà theo Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi lời Chúa, nhận ra Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời.

 

 

 

 

 

73. Lời tuyên tín của Phêrô

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

 

Theo Đức Giêsu, các môn đệ đã được Chúa huấn luyện, uốn nắn, dạy bảo. Từng lời nói, từng việc làm, cử chỉ của Chúa luôn giúp các môn đệ hiểu ra các Ngài đang ở với Đấng cao cả, tuyệt vời. Đặc biệt các phép lạ Chúa làm đã cho các môn đệ thấy Chúa là Đấng quyền năng: mọi việc trên trời dưới đất đều thuộc về Ngài và Ngài có quyền trên cả sinh mạng của con người. Chính vì thế, danh tiếng của Chúa đã vang ra nhiều nơi. Người ta đã đồn thổi về Ngài. Đã có nhiều nhân vật, nhiều danh xưng được người ta gán ghép cho Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ gọi Ngài là ai?

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi này làm cho các môn đệ choáng váng. Bởi vì, đã có nhiều danh xưng được gán cho Chúa Giêsu. Người thì bảo Chúa Giêsu là Ông Gioan Tẩy Giả, người khác bảo Ngài là Ông Êlia và có người lại bảo Ngài là một ngôn sứ nào đó.Tất cả các danh xưng ấy một cách nào đó cũng chỉ nói lên được một khía cạnh nào đó về Chúa Giêsu. Chúa muốn biết các môn đệ đã hiểu, đã nghĩ về Chúa như thế nào? Các môn đệ phải có một sự dấn thân, phải có một sự quyết định mạnh mẽ và dứt khoát của đức tin.Phêrô đã thay mặt các môn đệ khác thưa với Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”. Đúng, lời tuyên tín của thánh Phêrô đã làm cho Chúa mát dạ an lòng. Sống với Chúa, Ngài chỉ muốn được nghe lời ấy và hôm nay Phêrô đã đáp trả đúng ý của Chúa. Đây không phải lời tự ý Phêrô nói ra nhưng là do Thiên Chúa Cha mạc khải cho Phêrô. Thế nên, nhân cơ hội này, Chúa đã mạc khải ý định của Chúa Cha về Ngài: Ngài sẽ chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị bắt và bị giết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Phải có đức tin mạnh mẽ, sâu xa, phải có con mắt của Chúa mới hiểu được ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đúng thế, bởi vì Phêrô vừa được Chúa khen thì lại cùng lúc bị Chúa mắng là “Xa-Tan! lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Chúa la mắng Phêrô vì sợ lời nói cản ngăn con đường của Chúa sẽ làm ảnh hưởng các môn đệ khác. Dù sao, lời tuyên tín của Phêrô cũng làm Chúa vui mừng vì Phêrô cũng như các môn đệ khác đã dấn thân, đã dám liều mình vì Chúa qua lời nói đó.

Sau đó, Chúa Giêsu đã nói công khai với các môn đệ và mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo Chúa là những tác động quan trọng và là những điều kiện tiên quyết để theo Chúa. Điều Chúa muốn con người từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình ma theo Chúa, không phải con người chỉ làm một lần là xong, là chấm dứt, nhưng nó đòi hỏi con người phải lập đi lập lại không ngừng trong đời sống. Người thanh niên giầu có trong Tin Mừng cũng đã được Chúa mời gọi và chỉ bảo sau khi anh ta đã làm nhiều việc được Chúa khen ngợi, nhưng khi Chúa đề nghị với anh: “Hãy về bán hết tài sản, phân chia cho những kẻ nghèo khó, rồi đến theo Chúa”. Người thanh niên này đã không dám làm điều Chúa đề nghị. Các môn đệ, đặc biệt Nhóm Mười Hai đã dám bỏ tất cả mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đi ngược dòng lịch sử để xem Nhóm Mười Hai là những người nào; một điều rất thú vị là chúng ta hiểu được trong Nhóm Mười Hai đã có vợ, có người đã có gia sản, có người đã thành đạt trong cuộc sống nhưng rồi khi nghe tiếng Chúa gọi nhất nhất, họ đã bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu. Do đó, lời tuyên xưng của thánh Phêrô hôm nay thật có giá trị. Bởi vì, Phêrô đã nói đúng ý Chúa.

Chúa khẳng định rõ ràng với Phêrô và các tông đồ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Theo Chúa chỉ có một con đường là đường mà Chúa đã đi: con đường đau khổ, con đường hẹp, con đường thập giá để đạt tới vinh quang.

Người ta bảo Thầy là ai? Tất cả các tên gọi như người ta dự đoán về Chúa đều chỉ đúng một khía cạnh. Phêrô đã được Thiên Chúa Cha mạc khải và Ngài nói đúng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa”.

Vâng, ca nhập lễ Chúa nhật 24 thường niên viết: “Lạy Chúa, xin ban bình an cho những người trông đợi Chúa. Xin cho các ngôn sứ của Ngài được luôn luôn trung thực. Xin nghe tiếng nguyện cầu của toàn thể dân Chúa”.

Lạy Thiên Chúa,

Tình thương Ngài quí trọng biết bao.

Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn (Tv 35,8).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mau mắn thưa với Chúa như thánh Phêrô xưa: “Thầy là Đức Kitô”.

 

 

 

 

 

74. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

 

Sau khi theo Chúa, nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến gương lành và đối diện với những việc làm cao cả, những phép lạ lớn lao của Chúa, các môn đệ của Chúa đã hiểu phần nào về Ngài, đã thán phục Ngài. Dù rằng các môn đệ không nhất loạt nói ra những cảm nghĩ của mình về Chúa, nhưng trong thâm tâm mỗi người đều có những cảm nghiệm hết sức sâu xa về Ngài. Chúa đã nghe dân chúng nói to nói nhỏ về Ngài. Người bảo rằng Chúa là Êlia, người nói Chúa là một ngôn sứ vv… Chúa muốn biết thực sự các môn đệ nghĩ về Ngài làm sao? Phêrô tuyên xưng đức tin. Điều này an ủi Chúa bởi Chúa đã khổ tâm vì nhiều môn đệ không hiểu Ngài. Phêrô hôm nay tuyên xưng đức tin: vậy là các môn đệ đã bắt đầu hiểu Ngài.

Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, đã chữa nhiều bệnh cho nhiều người, đã trừ quỷ, đã làm cho cả người chết sống lại, đã giảng dạy nhiều điều tốt đẹp. Uy tín và danh giá của Ngài đã vang khắp nơi, người ta đã xôn xao bàn tán về Ngài. Theo dư luận quần chúng mà các môn đệ nghe được, giờ đây trước lời tra vấn của Chúa, họ đã thưa với Ngài về dư luận của dân chúng: có người cho rằng Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả, có người nói Chúa là Êlia hay là một ngôn sứ nào đó. Tất cả những dư luận ấy đánh giá Chúa rất cao, đánh giá Chúa thật tốt nhưng chưa phải là điều Chúa muốn nghe. Nhân đi qua một vùng làng xã của Xê-da-rê Phi-lip, sau khi nghe các môn đệ thuật lại suy nghĩ của quần chúng nhân dân về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn biết ý nghĩ của các môn đệ nói về Ngài để rồi sau đó Ngài sẽ loan báo về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Dư luận quần chúng thì các ông đã nói với Chúa, còn riêng các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29). Ông Phêrô nhanh nhảu, thay mặt các môn đệ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô” (Ga 8,29b). Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai về điều đó, không phải Ngài không chấp nhận sứ mạng Mêsia, nhưng vì dân chúng chưa thể hiểu được điều đó trước khi Người chịu chết và phục sinh.

Đức Giêsu bắt đầu vén mở cho các môn đệ thấy cuộc đời cứu thế, sứ mạng cứu chuộc của Ngài đầy dẫy đau khổ, thử thách và chông gai, Ngài sẽ bị bắt, bị đánh đập, bị kết án tử hình, Ngài chịu chết và sẽ sống lại. Thánh Phêrô không làm sao chịu nổi số phận của Thầy sẽ phải chịu, cho nên Ông đã can ngăn con đường cứu thế của Chúa, nên Chúa đã mắng nhiếc ông thậm tệ. Từ Satan Chúa gán cho Phêrô nói lên sự bực bội khó chịu của Ngài bởi vì chỉ có ma quỷ mới cản ngăn con đường cứu thế của Chúa. Rồi Chúa vạch ra những tiêu chuẩn để theo Ngài, những điều kiện này không chỉ dành cho các môn đệ mà cho cả đám đông, cho cả mọi người muốn đi theo Ngài. Điều kiện ấy là hãy từ bỏ mình, vác thập giá, tức là liều mạng sống vì Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Người môn đệ của Chúa làm tốt công việc của chính mình, lắng nghe Lời của Chúa mà thôi vẫn chưa đủ nhưng còn phải thực thi Lời Chúa và làm ích cho người khác, cho tha nhân theo tiêu chuẩn của Tin Mừng: phục vụ Chúa tôn kính Chúa và phục vụ tha nhân, dám hy sinh, dám chia sẻ, cảm thông, dám giúp đỡ người khác về vật chất cũng như tinh thần. Theo Chúa, ở với Chúa quả thực là vất vả, khó nhọc nhưng đối với Chúa: “Thập giá là ơn cứu độ, là vinh quang”.

Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Do đó, tin không vẫn chưa đủ, cầu nguyện cho nhau là một việc tốt, cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Chúa dạy chúng ta là “Hãy yêu như Chúa” “Hãy làm như Chúa”. Nên, Chúa muốn chúng ta phải biết cảm thông, phải biết chia sẻ và nâng đỡ nhau.

Đức Giêsu đã hy sinh cả mạng sống của Người để cứu độ nhân loại, Người đã thực hiện công việc cứu thế của Người bằng tình yêu vô vị lợi, tình yêu hiến thân: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Thập giá là ý muốn của Thiên Chúa dành cho Chúa Giêsu và cũng là ý muốn Thiên Chúa dành cho chúng ta: đây là con đường dẫn chúng ta tới sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tin tưởng bước theo Chúa trên đường tử nạn để chúng con cũng được phục sinh với Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

75. Theo bạn, Chúa Giêsu là ai?

(Suy niệm của Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb)

 

Xêdarê Philípphê được xem là miền đất dân ngoại- nơi có một trung tâm rộng lớn thờ thần Baan. Tương truyền đây là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias – thần thiên nhiên. Vào năm 2 trước CN, chính quận vương Hêrôđê Philípphê đã xây dựng nơi đây thành địa danh linh thiêng đối với cư dân xứ này. Trên thành này, ông đã cho xây và đặt đầu tượng Xêda- hoàng đế Rôma được ông xem là vị thần, để tôn thờ. Chính tại “linh địa” dân ngoại này, một sự kiện độc nhất vô nhị xuất hiện. Đó là sự kiện một người con vô danh của dân làng Nazarét được tuyên xưng là Đấng Kitô. Sự kiện đó thế nào? Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau suy chiêm.

Trước khi thăm dò các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đã phần nào biết được dư luận bàn tán về nhân thân của Người như thế nào. Thật vậy, dư luận dân chúng xem Chúa Giêsu là một Ngôn sứ. Còn vua Hêrôđê Antipa thì khẳng định Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy giả – người mà ông đã ra lệnh chém đầu- đã sống lại (x. Mc 6,16). Dư luận thì như thế, còn các môn đệ thì sao? Chúng ta thấy rõ ràng các môn đệ đã không bị cuốn hút vào thông tin từ phía dư luận. Hay nói khác hơn, lần này các ông đã “khôn hơn” chứ không còn “ngu muội” nữa. Các ông đã có cách đánh giá, cách nhìn nhận sáng suốt và đúng đắn về người thầy của mình. Phêrô đã đưa ra một nhận định đầy tính quyết đoán: “Thầy là Đấng Kitô”, nghĩa là Đấng Mêsia sứ giả của Giavê Thiên Chúa.

Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, có lẽ Phêrô cũng như các môn đệ chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của danh hiệu này. Lý do là vì, chúng ta thấy ngay sau khi Phêrô tuyên xưng, thì liền sau đó, chính ông lại là người “cản mũi kỳ đà” khi nghe Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ phải chịu khổ hình. Như thế, đối với Phêrô, Đấng Kitô không thể như thế được. Bởi theo ông cũng như đa số dân Dothái lúc bấy giờ, Đấng Mêsia sẽ là Đấng được Giavê Thiên Chúa gìn giữ bảo vệ và Người sẽ được miễn trừ đau khổ và chết chóc. Không những thế, Phêrô và các môn đệ có thể đã hiểu danh hiệu này theo kiểu hoàn toàn thế gian. Nghĩa là danh hiệu đó gắn liền với màu sắc chính trị. Các ông mong muốn Chúa Giêsu sẽ là người có nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho quốc gia.

Sứ mệnh của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ phù hợp với những suy nghĩ duy chính trị và tầm thường như Phêrô và dân Dothái đã quan niệm. Sứ mệnh của Người là chu toàn thánh ý của Chúa Cha, cứu độ nhân loại bằng hiến tế tình yêu thập giá. Điều này hoàn toàn mới lạ và khó hiểu với hầu hết dân chúng thời đó chứ không hẳn chỉ mình Phêrô. Chính vì thế, phản ứng của Phêrô, xét cho cùng cũng là điều dễ hiểu. Quả là trứng không khôn hơn vịt. Để rồi từ đây, khi lời tuyên bố cách chắc nịch của Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ và dân chúng rằng “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”, các ông mới dần dần hiểu rõ danh hiệu đích thực của Đấng Kitô là gì để rồi quyết dấn thân đến cùng.

Phần chúng ta – những Kitô hữu của thời đại hôm nay, Chúa Giêsu là ai trong tâm thức tín ngưỡng của mỗi người? Rất có thể chúng ta đang vẽ một Chúa Kitô khác hẳn hoàn toàn với một Chúa Kitô là Thiên Chúa khiêm nhu và hiền hậu. Một Chúa Kitô hoàn toàn do con người tạo ra. Một Chúa Kitô quyền lực. Một Chúa Kitô đầy quyền thống trị. Một Chúa Kitô được vẽ lên do trí tưởng tượng của con người để phục vụ cho những lợi ích tầm thường của họ. Thế nên, “Chúa Giêsu là ai?” vẫn mãi là câu hỏi cần mỗi người Kitô chúng ta đi tìm lời giải đáp.

Đối với niềm tin Kitô giáo, Chúa Giêsu luôn là một hình ảnh duy nhất không đổi thay. Đó chính là hình ảnh “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi” – là hình ảnh Thiên Chúa cứu độ duy nhất của nhân loại. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta thấm nhuần chân lý này, ngõ hầu trong bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc sống, chúng ta luôn tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu như Phêrô đã từng tuyên xưng danh thánh Chúa giữa miền đất dân ngoại khi xưa.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ