Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1378430
Ai hiểu được chữ tình?
Ai hiểu được chữ tình?
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Tình yêu, hai tiếng thân quen mà rất khó diễn đạt. Chuyện cũng thường tình vì nhiều thi nhân đã từng hỏi: đố ai biết chữ tình là chữ chi chi? Mùa chay là mùa đặc biệt mời gọi đoàn tín hữu hoán cải ăn năn. Ăn năn hoán cải, không nguyên chỉ vì thấy sự xấu xa của kiếp tội đòi mà còn vì cảm nhận mối tình bao la mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thấy sự xấu xa và bi đát của thân phận tội lỗi của bản thân, để rồi quay bước trở về là điều chính đáng và hợp lý, nhưng chưa hẳn là sâu xa và lâu bền. Một sự hoán cải, trở về dựa trên niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa mới thực sự là bền vững và sâu xa hơn nhiều. Giáo lý Công giáo đề cập đến hiện thực này khi phân biệt hai hình thức ăn năn tội đó là ăn năn tội vì Chúa và ăn năn tội vì mình, hay nói cách khác là ăn năn tội cách trọn và ăn năn tội cách chẳng trọn. Để góp phần giúp chúng ta trở về cách trọn hảo hơn, xin được chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa qua các bài đọc của Chúa Nhật II Mùa Chay B này.
Yêu mến ai thì không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách thế để hiến dâng điều tốt nhất của mình cho người mình yêu.. " Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho" ( St 22, 2 ). Được hiểu như là lệnh truyền của Thiên Chúa, nhưng đó chính là tấm lòng của Abraham dành cho Đấng đã kêu gọi ông ra khỏi nơi quê cha đất tổ mà tiến về hứa địa. Dù băn khoăn, đau xót, nhưng Abraham vẫn muốn hiến dâng điều tốt nhất của mình là chính sự sống nối dài của mình, qua người con một.
Tình yêu thật diệu kỳ. Chính khi trao dâng là lúc lãnh nhận và lãnh nhận gấp trăm, gấp nghìn lần. Abraham đã không mất người con một yêu quý, mà đã trở thành cha của một đoàn con đông đảo "như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển". Tình yêu thật diệu kỳ, vì Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4,8 ). Là Đấng phải được mọi vật mọi loài tôn thờ và chúc tụng, là Đấng đáng được mọi người thần phục mến yêu và hiến dâng tất cả, thì Thiên Chúa lại trao ban tất cả cho chúng ta. Thánh Tông đồ dân ngoại đã luận lý rằng: Một khi Thiên Chúa đã ban chính Con Một cho chúng ta thì lẽ nào Người lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? ( x. Rm 8,32 ).
Các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê. Có Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Người. Nội dung đàm đạo là về cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu sắp chịu tại Giêrusalem. Và đó chính là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu ( x. Ga 15,13 ). Đây không phải là một tình cảm nhất thời mang tính tự phát, nhưng là một ý đinh có từ ngàn đời qua một chương trình được chuẩn bị từ ngàn xưa, mà sự hiện diện của Môsê và Êlia, đại diện cho Lề luật và hàng Ngôn sứ là một minh chứng hiển nhiên.
Nếu nói rằng Thiên Chúa trao ban chính Con Một, vì nhân loại bội phản, bất trung, sa ngã, phạm tội thì quả không sai. Nhưng nếu nói rằng Thiên Chúa hiến ban Con Một của Người cho nhân loại để mạc khải chính Người là Tình Yêu thì đúng hơn nhiều. "Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới".
Thập giá Chúa mời gọi ta hoán cải. Mùa chay, mùa đặc biệt mời gọi đoàn tín hữu chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Đấng cứu độ. Các khổ hình Chúa Kitô đã chịu và cái chết tủi nhục của người trên thập giá như một lời tố cáo tội ác của nhân loại chúng ta. Thấy được sự xấu xa của bản thân mình, hẳn nhiên ít nhiều, chúng ta cũng được thúc đẩy chê ghét tội lỗi và hoán cải ăn năn. Tuy nhiên chính tình yêu của Chúa mới làm chúng ta vươn lên, đổi mới, nên hoàn thiện và nhất là biết sống yêu thương cách quên mình.
Được chiêm ngắm dung nhan sáng láng của Thầy chí thánh, đúng hơn là nhờ được thông phần một cách nào đó "bản thể của Đấng là Tình Yêu", thì Phêrô đã lên tiếng: " Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia."( Mc 9,5 ) Sao chỉ có ba cái lều mà không là bốn, năm hay là sáu? Dù đang kinh hoàng và không biết phải nói gì, nhưng Phêrô đã thay hai bạn đồng môn Gioan và Giacôbê nói lên tấm lòng của mình, một tấm lòng quên mình vì người khác.
"Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người" ( Mc 9,7 ). Ước gì chúng ta hằng luôn ghi khắc vào tâm khảm những lời từ miệng của Đấng Cứu Độ sau đây: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 14,24 ). " Vậy, nếu Thầy là Thầy và là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" ( Ga 13,12 ). " Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó" ( Mt 7,12 ).
Ai hiểu được chữ tình? Có thể nói rằng đó là những ai biết ở lại trong tình yêu Đấng Cứu Độ, đồng thời, nhờ và với tình yêu của Người, đã biết yêu thương như Người yêu thương. Thấy tội ác của mình, người ta có cơ may hối hận, ăn năn. Nhưng nghiệm thấy được tình yêu cứu độ người ta sẽ biết đổi đời và vươn lên.
26. Crux est lux – thập giá là vinh quang!
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)
Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho là cảnh hiển dung trên núi Ta-bo là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tân Ước, vì tuy không phải là chóp đỉnh, biến cố này thật sự tóm tắt tất cả mạc khải cứu độ. Chúng ta thấy ở đây, Mô-sê và Ê-li-a, các phát ngôn viên của lề luật và ngôn sứ (tắt một lời là đại diện của Cựu Ước) giới thiệu đấng Kitô của Tin Mừng cho các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Các môn đệ này sẽ là các nhân chứng được coi là ‘trụ cột’ của Giáo Hội (theo lối diễn tả của Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ga-lát), những người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo (Xem chú thích Mc 9:1tt trong ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’). Nếu quả thật là như thế thì hiển dung đâu chỉ đơn thuần là một liệu pháp tâm lý đề vực dậy tinh thần suy sụp của các môn đệ trước cuộc khổ nạn đau thương Đức Giêsu sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem. Ý nghĩa của nó chắc hẳn phải lớn lao hơn nhiều…, và vì thế đáng để ta dành đôi chút thời giờ tìm hiểu thêm.
Vinh quang, hay diện mạo đích thực của Thiên Chúa là điều con người mọi thời đại và mọi tôn giáo đều muốn kiếm tìm. Mô-sê và Ê-li-a là hai nhân vật Cựu Ước được mô tả như đã có diễm phúc chớm thấy vinh quang đó tỏ lộ; Mô-sê trên định Si-nai khi lãnh tấm bia giới luật (xem sách Xuất Hành chương 19), và Ê-li-a trên đỉnh núi Khô-rếp trên đường trốn chạy khỏi sự truy đuổi của hoàng hậu I-dê-ven (xem 1 Vua chương 19). Tuy nhiên thứ vinh quang Đức Chúa mà hai ông được chứng kiến thực tế đã rất khác nhau; một đàng là ‘Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống, khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh… (Xh 19:18), đàng khác là ‘Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa là tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra đứng ở cửa hang… (1 V 19:12-13). Nếu thế vinh quang mà Đức Giêsu muốn hiển thị trong lần biến dạng trên núi Ta-bo có chi khác với những lần đó không? Trước hết đó hẳn phải là một thứ vinh quang đích thực, vì được hiển thị do chính Người Con duy nhất từ Thiên Chúa mà đến. Vinh quang đó không những phải vượt xa mọi thứ hào quang đôi mắt phàm tục có thể nhìn thấy, mà còn phải vượt xa những gì cả Mô-sê lẫn Ê-li-a đã được chứng kiến trong những lần thị kiến Đức Chúa thời Cựu Ước.
Tác giả Lu-ca cho biết ‘hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem’ (Lc 9:31), điều đó chứng tỏ cuộc xuất hành sắp tới mới biểu hiện vinh quang thật, khác với những gì các ông đã biết hoặc đang được chứng kiến lúc này. Thứ hào quang mà hai ông hiện đang được chứng kiến chưa hẳn là tột đỉnh; tột đỉnh vinh quang phải là cuộc xuất hành các ông đang được nghe đề cập tới. Đức Giêsu cũng hàm cùng một ý đó khi căn dặn ba môn đệ trên đường xuống núi: “không được kể lại cho ai nghe các điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Đúng vậy, cuộc tử nạn hay cuộc vượt qua Người sắp chịu mới chính là vinh quang đích thực, trong đó tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện cách rực rỡ nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì vinh quang chói lọi của Người không thể là điều gì khác hơn biểu hiện của tình yêu đầy từ nhân và xót thương thông qua hành động cứu chuộc. Sau này khi gần tới giờ ra đi chịu chết và khi cầu nguyện với Chúa Cha, chính Đức Giêsu đã không ngần ngại gọi giờ phút ‘tang thương’ đó là giờ Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang Ngài, giờ phút Thiên Chúa được tôn vinh cách tuyệt đối. “Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:1.8).
Chính Mô-sê và Ê-li-a cũng hầu như còn đang mong đợi được chứng kiến thứ vinh quang đó, vinh quang của Thập Giá. Và Đức Giêsu thật sự mong muốn và khích lệ các môn đệ, đặc biệt ba môn đệ thâm tín nhất, loan truyền cho mọi người thứ vinh quang ‘xuất hành’ đó, hơn là chựng lại làm ba lều bên thứ vinh quang ‘giả tạo’ của diện mạo sáng láng và y phục trắng tinh. Phải chăng đây chính là cuộc chuyển biến quyết định nhất của mọi niền tin, từ Cựu Ước bước qua Tân Ước, từ vinh quang của quyền uy (lửa, động đất, loa vang dội…) qua vinh quang của tha thứ và cứu độ, từ quan niệm về một Đức Chúa quyền phép qua hình ảnh một Thiên Chúa là Cha của Đức Kitô Giêsu đầy xót thương nhân hậu? Đối với các môn đệ là những người Do Thái chính hiệu, sự chuyển tiếp này không thể không gây ngỡ ngàng và đặt ra nhiều vấn nạn. Các ông vẫn còn phải ‘bàn nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì’, và Đức Giêsu còn phải cất công giải thích nhiều lần hơn nữa. Điều này cũng sẽ mãi mãi, qua mọi thời đại, tiếp tục là vấn đề then chốt độc đáo của niềm tin Kitô hữu (so với các tôn giáo khác, nhất là Do Thái giáo và Hồi giáo) khi phải vẽ lên trong tâm linh các tín hữu hình ảnh về một Thiên Chúa… lòng lành, xót thương và cứu độ, những nét không tuân theo bất cứ thứ lô-gich hay lối suy nghĩ thông thường nào, nhưng chỉ dựa trên mạc khải duy nhất của Đức Kitô thập giá. Cách duy nhất họ có thể làm là để mình hoàn toàn bị khuất phục bởi mạc khải vinh quang thập giá, điều làm cho họ, trước mặt khôn ngoan của người đời, bị liệt vào hạng ngu đần và hèn nhất; do đó “Hãy vâng nghe lời Người!”
Mùa chay chính là thời gian để mỗi chúng ta vâng nghe và đón nhận thứ vinh quang cứu độ này của Thiên Chúa, vì thế đó là thời gian của thanh lọc và củng cố niềm tin Kitô.
Lạy Chúa là đấng Cứu Độ của con! Con xin được như Phêrô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng, mà là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành cho con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở lại trong tình yêu xót thương của Người, không những chỉ trong mùa chay thánh mà còn trong suốt cuộc sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. Amen.
27. Người đã phó nộp Ngài vì hết thảy chúng ta
(Suy niệm của Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu)
Buổi sáng tinh sương hôm đó, trên con đường dẫn tới vùng đất Moriyah (theo truyền thuyết, chính là ngọn đồi sau này đền thánh Giêrusalem sẽ được xây trên đó), cụ già Abraham tay "cầm lửa và dao phay", Isaac, đứa con duy nhất của cụ vác củi. Cả hai đang mải miết trèo núi để làm lễ tế kính tiến Thiên Chúa Giavê.
Câu chuyện xảy ra vượt sức tưởng tượng của con người! Khởi đầu là lệnh truyền của Thiên Chúa Giavê: "Ngươi hãy lấy con ngươi, con một ngươi, ngươi yêu dấu tức là Isaac mà đi tới đất Moriyah, và ở đó hãy dâng nó làm của lễ thượng hiến trên một quả núi ta sẽ tỏ cho ngươi" (St 22,2). Tiếp đó là việc thi hành thượng lệnh không sai một ly: "Abraham xây tế đàn rồi sắp củi, và trói Isaac con ông mà đặt lên tế đàn, trên đống củi, đoạn Abraham giơ tay cầm lấy dao phay để tế sát con mình" (St 22,9-10).
Hành động của Abraham là tột đỉnh của lòng tin: quả thực Abraham đã không từ chối Chúa một điều gì, ngay cả người con duy nhất của ông. Đức tin của Abraham đã trở nên khuôn vàng thước ngọc cho mọi lòng tin, không phải một đức tin mù quáng, phi lý, nhưng một đức tin dựa trên chính Thiên Chúa, Đấng hằng trung tín. Cuộc thử thách đức tin của Abraham thật khủng khiếp, nhưng "lòng kính sợ Thiên Chúa" là thành trì kiên cố bảo vệ đức tin kiên vững của ông trong cơn bão táp. Chính vì thế, Thiên Chúa Giavê đã ân thưởng ông bội hậu: "Vì ngươi đã không từ chối với ta con một ngươi thì ta sẽ ban phúc chúc lành cho ngươi, ta sẽ làm cho dòng giống ngươi thêm đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát dưới biển... Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau, bởi vì ngươi đã vâng nghe tiếng Ta". (St 22,17-18). Dòng giống đông như "sao trời cát biển" đó chính là những cõi lòng tin Thiên Chúa, đó chính là hội thánh tại thế, đó chính là mỗi người chúng ta.
"Ngài là con chí ái Ta, các ngươi hãy nghe Ngài" (Mc 9,7)
Hiến tế của Abraham dâng hiến Isaac mới chính là hình bóng của một Hy lễ toàn hảo của chính Đức Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết: "Người đã không tha cho chính con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy" (Rm 8,32). Lòng mến của Thiên Chúa đối với con người thật khôn lường khôn tả. Chính tình yêu vô bờ bến ấy, thể hiện qua việc Đức Kitô chịu nạn chịu chết trên bàn thờ thập giá, đã khơi nguồn ân cứu độ, hoàn thành giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và con người.
Mùa chay thánh, mùa dọn lòng người tín hữu đón nhận tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng với ba môn đệ Phêrô, Giacobê và Gioan chiêm ngưỡng bản tính và vinh quang Thiên Chúa hiện tỏ nơi Đức Kitô con yêu dấu của Ngài. "Hãy nghe Ngài" vì Ngài là "Đường là sự thật và sự sống" dẫn đưa con người về với Thiên Chúa. Thái độ của người tín hữu trong mùa chay thánh là hãy lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, và đem ra thực hành Lời Chúa trong đời sống.
Hãy luôn ghi nhớ rằng, con đường đức tin Abraham xưa đã đi cũng như cuộc hành trình đức tin của chúng ta trong thế giới hôm nay, cả hai chỉ là một, sẽ đầy thử thách chông gai, và chóp đỉnh vẫn là: Vâng Phục và Kính Sợ Thiên Chúa.
28. Đức Giêsu biến hình vinh quang
Câu chuyện được viết sau khi Đức Giêsu Phục sinh vinh quang, đã đuợc tin vững vàng, đã được rao giảng rộng rãi và cũng để củng cố đức tin của các tín hữu.
Để hé mở cho biết từ từ về chính mình Đức Giêsu bắt đầu bằng câu hỏi: người ta nói Thầy là ai? Phêrô đã đáp đúng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng mọi người chưa hiểu đúng mặc dù Người đã giải thích bằng "loan báo sự thương khó". Đấng Kitô phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết, ngày thứ ba mới sống lại vinh quang, Nhưng người ta sợ sự thương khó nên sự sống lại vinh quang bị che khuất mắt họ. Đức Giêsu cho ba môn đệ thân tín nhất thấy trước trong chốc lát sự sống lại vinh quang mong các ông hiểu mà tin và giúp người khác tin: Người biến hình vinh quang.
Vài điểm CHÚ GIẢI
- Sáu ngày sau: không phải ngày thứ sáu mà là ngày trước ngày sa bát, là ngày cuối, ngày sống lại.
- Đức Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan di theo mình: Ba môn đệ thân tín nhất, sẽ có mặt trong giờ Đức Giêsu hấp hối. Thân tín, đi theo là điều kiện khởi đầu để thấy sự biến hình vinh quang.
- Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi: Điều kiện tiếp theo là "đi riêng ra một chổ, chỉ mình các ông thôi" với Đức Giêsu. Không còn với ai hết, tách riêng ra khỏi những người khác chưa đủ điều kiện để được thấy.
- Tới một ngọn núi cao: Núi nào? Chỉ một nơi riêng biệt dành cho những việc quan trọng nhất. Trong văn chương Do thái những điều trọng đại thì được xảy ra trên núi. Núi: quan trọng bậc nhất.
- Rồi Người biến hình trước mắt các ông: Thiên tính tiềm ẩn trong Đức Giêsu hiển lộ ra.
- Y phục người trở nên rực rỡ trắng tinh, không thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy: Chưa có ngôn ngử để diển tả đúng thực tế siêu nghiệm nầy, đành phải dùng những từ ngữ có sẳn dù không cân xứng. Con người được nhìn thấy qua y phục.
- Ông Êlia và ông Môsê hiện đến đàm đạo với người: Êlia trước Môsê vì đi ngược từ Đức Giêsu. Lịch sử được tính từ Đức Giêsu vế trước cũng như về sau. Êlia là các tiên tri, Môsê là lề luật. Cả hai là Cựu Ước. Bàn giao Cựu Ước cho Đức Giêsu để Người lập ra Tân Ước.
- Thưa Thầy được ở đây thì tốt lắm: ở đây là hiện tại vinh quang mà các ông thấy. Là cách diễn tả đơn sơ nhất về visio beatifica (phúc kiến) hạnh phúc thiên đàng cũng là chính xác nhất. Ở đây tốt lắm: không thể tốt hơn nữa nên cũng không muốn đi đâu nữa. Hoàn toàn thoả mãn rồi.
- Chúng con xin làm ba lều: Trong cuộc Xuất Ai Cập Hòm bia Thiên Chúa tượng trưng cho sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa ở trong lều.
- Bỗng có một đám mây bao phủ các ông: Đám mây và tiếng phán từ trong đám mây là văn chương do thái tả sự hiện diện của Thiên Chúa. Đáp lại lời của Phêrô: Thiên Chúa không ở trong lều mà ở trong đám mây: Thiên Chúa ở trên trời. Không cần làm lều.
- Và từ đám mây có tiếng phán: Thiên Chúa ở trên trời, hiện diện trong đám mây. Có tiếng phán mới nhận ra có Thiên Chúa.
- Đây là Con Ta yêu dấu: Đức Giêsu của phép rửa đã biến hình vinh quang. Lời tuyên bố "Con Thiên Chúa" được hiện thực. Con Thiên Chúa đồng bản tính thì cũng có vinh quang như Thiên Chúa. Con yêu dấu "đẹp ý Cha hoàn toàn". Vâng ý Cha trong moi sự.
- Hãy vâng nghe lời Người: Xứng đáng được vâng lời, nghe lời. Là điều kiện cuối cùng để chúng ta được "biến hình" hầu hưởng vinh quang như Đức Giêsu biến hình.
- Không thấy ai nữa chỉ con một mình Đức Giêsu: Môsê, Êlia thuộc thời kỳ quá độ đã bàn giao cho Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa uỷ nhiệm làm Đấng cứu độ. Đức Giêsu mới cứu độ. Đi theo Người thì được cứu độ. Chỉ Đức Giêsu mà thôi. Ngoài Người không có ai khác.
Khi cho Con xuống thế làm người Thiên Chúa Cha dã vạch ra chương trình cuứ độ. Đức Giêsu phải hoàn thành mọi chi tiết thì mới được Thiên Chúa tôn phong là Đấng Cúư Độ và Chúa. Trên thập giá khi Đức Giêsu tuyên bố "đã hoàn tất" thì Người được Thiên Chúa cho sống lại vinh quang. Người đã mở ra con đường tới sự sống lại vinh quang cho loài người. Đó là con đường làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn đường thập giá mà muốn đường "làm con". Đức Giêsu làm con yêu dấu của Thiên Chúa thì cũng được thông phần vinh quang của Thiên Chúa. Và tiếng Chúa Cha đã căn dặn "hãy nghe lời Người". Là điều kiện Chúa Cha đã đặt ra.
Phương tiện để thực hiện tốt điều kiện của Chúa Cha là đi theo Đức Giêsu trên con đường của Người: Được Đức Giêsu đem đi "theo", đi riêng, lên núi cao, nhất là nghe lời Ngưòi, chỉ một mình Đức Giêsu (không còn Môsê và Êlia, cũng không còn tiếng phán từ đám mây). Tóm lại phải làm sao để nghe lời Đức Giêsu tốt nhất. Có các dòng tu chiêm niệm tập trung học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện. Ngày nay người ta quan tâm tới "thực hành" nhiều hơn nên có những dòng tu hoạt động xã hội nhưng trên căn bản của LỜI. Lời là ý của Thiên Chúa. Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết ý của Thiên Chúa để làm theo và được làm con như Người. Vâng ý Cha là làm con.
Lời Chúa mới biến hình chúng ta được. Lời được thực hành mới có kết quả.
Hãy thực hành Lời Chúa Cha "Hãy nghe Lời Người".
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam