Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 47
Tổng truy cập: 1379017
ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
Anh em hãy yêu thương nhau - ViKiNi
(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm – trong ‘Xây Nhà Trên Đá’)
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu. Con người muốn được Thiên Chúa thương yêu, con người phải biết thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương ta. Thánh Gioan đã quả quyết: “Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa”.
1. Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Adong nói “nàng là xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi” (St. 2, 23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Đồng bào nghĩa là cùng chung một bào thai sinh ra, đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt. Nói khác đi, ta nhận nhau như chính mình.
Nhưng thảm hại thay, tình thương một xương một thịt đó chẳng được bao lâu, khi con người sa ngã. Thiên Chúa đến hỏi, thì Adong đã đổ lỗi cho Evà (St. 3, 12). Mọi tội lỗi đã trút đổ lên đầu nhau, còn mình vô tội. Lúc này, không còn phải là một nữa, mà là hai, không còn xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi. Nó đã tách rời nhau, xa lìa nhau. Một kẻ là tội phạm, một kẻ rửa tay. Hai kẻ đối kháng nhau, thù ghét nhau. Trong cảnh gia đình chia rẽ, oán hận nhau, con cháu trở thành kẻ thù nhau: Cain đã giết em mình là Abel. Esau đã thù Giacob. Các con Giacob đã bán em là Giuse sang Ai cập. Bao lâu tình yêu chỉ bắt nguồn từ xương thịt bấy lâu còn chia rẽ, hận thù.
2. Ban đầu, Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài trực tiếp cho loài người, nhưng đã thất bại, loài người không thể thương yêu nhau như Thiên Chúa yêu thương con người. Lần này, Thiên Chúa nhờ chính Con Một Ngài là Đức Giêsu thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho loài người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” để “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Chúa Cha truyền sang Chúa Con, và Chúa Con truyền sang chúng ta, như thế, tình yêu này mang bản chất Thiên Chúa, chứ không mang tính xương thịt như ban đầu nữa. Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa để chúng ta noi gương Chúa Con mà yêu thương nhau.
Thứ nhất, Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tuân giữ lệnh truyền của Chúa Cha, thực thi giới răn của Chúa Cha: “Thầy đã tuân giữ giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Ngài”. Vì thế chúng ta muốn ở trong tình thương của Thiên Chúa, chúng ta phải giữ giới răn của Ngài: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy”.
Thứ hai, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta. Người đã dám gánh tội của chúng ta, đã chịu chết đền tội cho chúng ta. Người không trút tội lỗi của chúng ta lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.
Con Thiên Chúa vô cùng cao cả đã yêu thương chúng ta đến cùng tận, còn chúng ta là đồng bào, đồng phận xương thịt với nhau, sao không dám hy sinh cái thân phận hèn hạ của mình cho nhau? Chỉ có hy sinh cho nhau, chúng ta mới biết mình ở trong tình yêu của Thiên Chúa.
Thứ ba, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu chọn chúng ta làm bạn hữu của Người: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu”.
Thực sự, chúng ta không thể nào đáng là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúng ta vừa là loài thụ tạo, vừa kém hơn loài thụ tạo, vì đã phạm tội, xúc phạm đến Đấng tác tạo nên ta. Mọi loài thụ tạo đều vâng phục Thiên Chúa một cách triệt để theo một trật tự hoàn hảo. Vĩ đại như tinh tú, mặt trời, mặt trăng đã tuân theo lệnh Thiên Chúa sắp đặt xoay vần, không hề sai trái. Nếu chúng sai trái, loài người và muôn vật bị tiêu hủy. Còn chúng ta đã không vâng lệnh Thiên Chúa, đáng lẽ chúng ta đã bị tiêu diệt. Làm sao dám làm bạn hữu của Người. Chỉ vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã cho chúng ta được vinh dự vô cùng đó. Noi gương Đức Giêsu, chẳng những chọn mọi người làm bạn hữu của ta, mà còn phải tôn trọng mọi người hơn ta, ta mới xứng đáng với tình thương của Người, mới mong thu được nhiều kết quả và đáng Chúa Cha nhận lời chúng ta nài xin.
Thánh Phêrô, đã noi gương Thầy Chí Thánh, đến thăm nhà ông Cônêliô. Phêrô không kỳ thị dân ngoại, không khinh thị quân Rôma xâm lăng, như lối sống kỳ thị của truyền thống Do thái, Phêrô kính trọng gia đình Cônêliô, đã đỡ ông lên: “Xin ông đứng dậy, vì tôi cũng chỉ là người phàm”. Còn ông Cônêliô, dù là một sĩ quan của đế quốc Rôma vĩ đại, là người cai trị dân, ông đã hạ mình xuống “ra đón và phủ phục dưới chân Phêrô mà bái lạy”. Trước những cử chỉ hy sinh bỏ mình đi, hạ mình xuống và chân thành kính mến nhau như vậy, làm cho người Do thái kinh ngạc, và Thiên Chúa đã yêu thương các ông mà ban Thánh Thần tình yêu tràn trề xuống cho Phêrô và gia đình Cônêliô, để nhận nhau làm bạn hữu muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 1).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm tình thương bao la của Chúa, tình thương đồng hóa, đồng phận với mọi người cùng khổ, tình thương hy sinh mạng sống để cứu độ muôn dân.
Sao chúng con không biết thương người như Chúa thương chúng con và mọi người.
8. Chúa Nhật 6 Phục Sinh
Có một tác giả nọ nhận định như thế này: "Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà che đầu và một nơi để nghĩ qua đêm, là bạn đã giàu hơn 75% dân số trên thế giới này. Nếu bạn có tiền trong ví để xài, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, là bạn đang ở trong 8% những người giàu nhất trên thế giới.
Thưa anh chị em! Chẳng biết điều đó có chính xác hay không, nhưng chúng ta cũng thấy được rất rõ rằng: Giữa người giàu và người nghèo có một khoảng cách rất là xa khi mà thế giới đang theo đuổi cái xu hướng mà người ta gọi là Toàn Cầu Hóa. Và cái nghèo mà người ta nói tới nhiều nhất là cái nghèo về cơm áo gạo tiền. Người ta lo sợ rằng: Với một đà tăng dân số như ngay hôm nay thì sẽ có lúc trái đất này không còn đủ lương thực cho con người nữa.
Thế nhưng, nếu nhìn kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng, đó không phải là điều đáng sợ lắm, mà cái đáng sợ hơn hết là cái nghèo đói tình thương trong thế giới ngày hôm nay. Vì nghèo đói tình thương cho nên chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Vì nghèo đói tình thương cho nên mới có cái cảnh "Người ăn không hết, kẻ lần không ra". Vì nghèo đói tình thương cho nên những xung đột, những cãi vã, những tranh giành vẫn xảy ra hàng ngày ở chung quanh chúng ta.
Lời Chúa trong Thánh Lễ chiều hôm nay mời gọi từng người trong chúng ta hãy can đảm dùng một chút thiện chí của mình để góp phần đẩy lùi nạn đói tình thương đang hoành hành nơi bản thân và nơi môi trường sống của chúng ta, qua việc thực hiện lời gọi của Đức Kitô Phục sinh, vị sứ giả của tình thương: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con". Và cũng kể từ đây, giới luật yêu thương đã trở thành giới luật mới quan trọng nhất. Nói là kể từ đây có nghĩa là giới luật này nó đã có từ rất lâu. Nơi Cựu Ước chúng ta đã nghe là: "Hãy yêu thương đồng loại như chính mình".
Tôi yêu bản thân tôi như thế nào thì cũng phải yêu người khác như vậy. Nhưng trong Tân Ước, Đức Giêsu đã đẩy những đòi hỏi của giới luật này lên đến một cấp đột mà có lẽ không ai dám nhìn tới: "Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con". Như vậy giới răn mà Chúa gọi là giới răn mới này đòi hỏi chúng ta không phải là lấy chính mình để làm tiêu chuẩn nữa. Bởi vì tiêu chuẩn của con người dù có hào hoa rộng rãi đến đâu đi nữa, thì cũng có yếu tố chủ quan và tiêu cực trong đó, mà phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn:"Yêu người như Chúa yêu". Muốn biết đựơc Chúa yêu thương như thế nào, chúng ta phải nhìn lại cuộc đời dương thế của Chúa, mà rõ ràng nhất là trong ba năm rao giảng Tin Mừng: "Không có ai đến với Chúa mà phải ra về tay không, phải ra về trong cay đắng thất vọng cả: Người mù đựơc sáng mắt, kẻ què đi được, người chết được sống lại, kẻ tội lỗi được thứ tha".
Đối với Đức Giêsu, tất cả những kẻ đang đứng trước mặt Người đều là những người rất quan trọng và rất đáng thương. Và sau cùng, Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận một cái chết tủi nhục trên thập giá để muôn đời trở nên một kiểu mẫu tình yêu cho mọi người: "Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống mình vì bạn hữu". Tình yêu của Chúa đẹp đẽ quá, lý tưởng quá, làm sao tôi có thể trở nên giống như Người được? Thế nhưng bao lâu chúng ta còn hiện diện trong cuộc đời này là bấy lâu chúng ta được Chúa mời gọi: "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con".
Thưa anh chị em! Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến cấp độ "Như Thầy yêu thương" một cách hoàn hảo đâu. Bởi vì Chúa thì quá tuyệt vời thánh thiện, còn chúng ta thì ngược lại có quá nhiều giới hạn, nhiều thiếu sót mà giáo lý nhà Phật gọi là "tham, sân, si".
Thế nhưng, chúng ta không vì thế mà tự cho phép mình xao lãng hay miển chuẩn giới răn đặc biệt quan trọng đó. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải tự treo mình trên Thánh Giá vì anh chị em, Chúa cũng không buộc chúng ta phải trở nên một Têrêsa Calcutta vĩ đại suốt đời lo lắng cho người khác, hay một cha Thánh Maximilianô Kolbê anh hùng chết thay cho người bạn tù của mình.
Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều dịp để thể hiện tình thương của mình cho người khác, để sống cho tha nhân. Mà sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chúng ta không thể chết như Chúa được thì hãy chết trong mồ hôi và nước mắt, chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày qua những lần chúng ta rộng rãi thể hiện sự bác ái của mình đối với tha nhân. Có một thanh niên nọ, trong lúc chờ đón xe về Thành Phố Cần Thơ, bỗng nhìn thấy có một chiếc xe đạp đang từ phía Cần Thơ chạy về hướng Vĩnh Long. Và có lẽ không chú ý hay như thế nào đó mà cô bạn sinh viên điều khiển chiếc xe đạp ấy ngang nhiên đâm vào một chiếc xe Honda đang dừng trước mặt. Vì xe đạp chạy không nhanh lắm nên chẳng ai có hề hắn gì cả, chỉ có chiếc xe Honda bị bể chiếc vè sau mà thôi.
Trước những lời bắt chẹt thô thiển và cái giá phải bồi thường mà chủ xe Honda đã đưa ra thì cô bạn sinh viên đó chỉ còn biết đứng khóc mà thôi. Hơi ngập ngừng một chút và vì biết chắc rằng một cách bất ngờ như thế thì cô bạn sinh viên ấy không thể có đủ số tiền để bồi thường. Anh thanh niên đó đã mạnh dạn tiến tới ra tay nghĩa hiệp trả tiền chiếc vè sau mới, thay cho cô bạn kia.
Anh thanh niên này quyết định làm chuyện đó hoàn toàn không phải vì cô ấy trẻ, cô ấy là sinh viên, mà bởi vì lúc đó tự nhiên anh ta cảm thấy có một cái gì đó thúc đẩy anh ta phải làm việc bác ái này. Vả lại anh ta quyết định làm việc đó một phần cũng là vì muốn nói với chủ xe Honda rằng: "Chúng ta đừng nên hiếp đáp bắt chẹt những con người yếu thế hơn mình". Anh thanh niên hơi tào lao đó chính là người đang đứng trước mặt anh chị em đây.
Thưa anh chị em! Hoàn toàn không bao giờ dám coi đó là một kinh nghiệm tốt lành để gọi là khoe khoang với người ta, nhưng con muốn chia sẽ một tình huống cụ thể của bản thân mình đó, để mạnh dạn lặp lại một lần nữa bài học này: "Ngày nào bạn từ chối thắp lên ngọn lửa yêu thương, ngày đó sẽ có nhiều người chết vì giá lạnh".
9. Như Thầy đã yêu – Thiên Phúc
(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 16-9-1999 đã đưa tin: "10.645 người nghèo đã khỏi mù". Theo Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP. HCM từ đầu năm 1999 đến nay các đoàn phẫu thuật ghép thủy tinh thể nhân tạo của thành phố và các quận huyện đã đem lại ánh sáng cho 10.645 người nghèo bị mù (đạt 88% kế hoạch 1999). Trong tháng 8-1999 đã có 108 lượt tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hơn 2 tỷ đồng ủng hộ quỉ hội (tăng 205% so với tháng 7-1999). Hội cũng đã tài trợ cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 trên 79, 5 triệu đồng giúp phẫu thuật cho 21 trẻ em không có hậu môn bẩm sinh, và giúp Trung Tâm Răng Hàm Mặt phẫu thuật cho 178 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bình Định.
***
Hầu như đọc bất cứ tờ báo nào, chúng ta cũng thấy nhan nhản các tổ chức, cá nhân đầy lòng quảng đại từ tâm. Những tâm hồn biết chăm lo cho người nghèo đói, bất hạnh. Những con tim tràn đầy yêu thương dã cùng nhịp đập với Thầy Giêsu. Những tấm lòng mau mắn đáp lại tiếng mời gọi tha thiết của Người: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con" (Ga. 15, 12).
Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể để bày tỏ tình yêu của Ngôi Cha dành cho con người, thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại hoàn toàn thay đổi: Không còn là Tạo hóa và thụ tạo, không còn là Thượng đế và phàm nhân, không còn là Chủ ông và tôi tớ, nhưng chính là "Bạn hữu thân tình".
Tình yêu đã khiến Thiên Chúa hạ mình xuống với con người, cảm thông và chia sẻ với thân phận thụ tạo: "Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết" (Ga. 15, 15). Tình yêu đó đã đến chỗ tuyệt đỉnh, đến nỗi thánh Gioan viết: "Người đã yêu thương họ đến cùng" (Ga. 13, 1). Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu cho đến chết, và chết trên thập giá. Thánh Bênađô dạy: "Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ".
Nguồn tình yêu ấy phát xuất từ Cha xuống Con, và không dừng lại như nước ao tù, nhưng luân chuyển đến mọi trái tim con người trên toàn thế giới. Nếu tình yêu đã liên kết chúng ta với Chúa, thì cũng chính tình yêu ấy sẽ liên kết cha lại với nhau: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con" (Ga. 15, 12), vẫn biết rằng, con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức "Như Thầy đã yêu". Nhưng lời mời này vẫn giục giã chúng ta hướng lên mãi theo đường Thầy đã đi.
Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ánh Sáng Rạng Ngời Chân Lý, số 20 viết: "Chữ "như" này đòi hỏi phải bắt chước Đức Giêsu, tình yêu của Người, mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể# Chữ "như" cũng chỉ mức độ mà Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy.
Thế giới ngày nay khao khát tình yêu đích thực. Người tín hữu Kitô phải là nhân chứng của tình yêu ấy. Chúng ta không có dịp để chết cho tha nhân như Đức Kitô, nhưng chúng ta có rất nhiều dịp để sống cho tha nhân. Sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng đổ mồ hôi và nước mắt. Chết không chỉ một lần, nhưng chết dần chết mòn cho hạnh phúc của tha nhân, Kahil Gibran viết: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi".
***
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng chúng con đáp lại chẳng được bao nhiêu. Chúa đã đặt tha nhân bên cạnh chúng con, để chúng con có thể làm cho họ điều mà chúng con không thể làm cho Chúa. Xin cho chúng con nhận ra khuôn mặt Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.
10. Chúa Nhật 6 Phục Sinh
"Đây là điều răn của Thầy, chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con." (Ga 15,12)
Tình yêu đẹp biết bao! Vì thế, người ta đã tốn biết bao giấy mực, bài hát để ca tụng nó, nhưng tình yêu thực sự chỉ đẹp khi có sự tự hiến, hy sinh đi kèm. Chim Pelican tự mỗ bụng mình ra để cho con đang cơn đói, ăn chính thịt mình mà sống. Còn cảnh nào cao đẹp hơn? Chúa Kitô vì yêu chúng ta đã chết cho chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay muốn cho ta suy niệm về chủ đề này.
1. Gợi ý:
a. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, là cái chết cho Tình Yêu. Điều này minh chứng Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Vì yêu nhân loại, Thiên Chúa sẵn sàng nộp chính Con Yêu của mình làm của lễ hiến tế, để cho ta được sống, để ta trở nên bạn nghĩa thiết với Chúa. Thật lạ lùng quá! Nhờ đó, ta mới thấy rõ lòng của Thiên Chúa tốt biết bao, tốt hơn con người tưởng nhiều; rồi nhìn lại con người chúng ta, ta thấy lòng mình tệ quá, tham lam, nhỏ nhen, ích kỷ, bè phái... Nhìn lên TC, rồi nhìn lại chính mình, tự thâm tâm làm sao ta không hổ thẹn, bởi vì con người có chi để so bì với TC, để đòi Thiên Chúa phải yêu thương ta. Vậy mà Ngài vẫn muốn làm bạn với ta, muốn trở thành thân hữu với ta, muốn ta ngang hàng với Ngài. Ôi, lạ lùng và cao cả làm sao, Tình Yêu của Thiên Chúa!
b. Cha Maximilien Kolbe đã chết thay cho bạn tù. Ta có thể coi đó là hành động điên rồ, nhưng thực ra là điên vì Tình Yêu Chúa Kitô. Đây không phải là câu trả lời cho cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá sao? Vào năm 1981, ĐGH Gioan Phaolô II đã bị bắn một viên đạn vào ngực, suýt chết; vậy mà sau khi lành bệnh, ngài đến nhà tù thăm chính người đã bắn mình và giơ tay lên tha tội cho anh ta. Hình ảnh này không chỉ làm ta cảm động, nhưng còn nói lên nhiều điều: vì Đức Kitô mà người ta có thể tha thứ cho kẻ thù của mình, và còn yêu mến họ nữa.
Thánh Têrêsa đi tu khi còn nhỏ, mới 15 tuổi; chín năm sau đã từ trần; vậy mà đã để lại cho hậu thế một đường lối nên thánh tuyệt hảo, gọi là con đường nhỏ, một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và yêu mến các linh hồn. Têrêsa nói: "chỉ khi nào người ta hy sinh chính mình, mới thật là yêu."
Mẹ Têrêsa Calcutta, đặc biệt thương yêu trẻ em và người nghèo khổ. Mẹ là một Thần tượng của Thiên Niên Kỷ mới và được nhiều người biết đến.
2. Suy niệm:
"Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em". Ngày hôm nay, tin vào Lời nói, tin vào một con người đã chết cách đây hơn 2000 năm, có phải là lỗi thời và không cần thiết không? Một cái xác chết trên thập giá, buồn tẻ, xem ra thất bại. Vậy cái chết để minh chứng Tình Yêu, liệu có còn đánh động ta không? Câu trả lời thẳng thắng: Có. Qua 20 thế kỹ, hàng hàng lớp lớp các anh hùng tử đạo, các bậc hiển tu đã dám đem cả mạng sống mình để minh chứng cho Tình Yêu này. Họ là những nhà bác học, nông dân... đủ mọi thành phần, và ngay cả trong thời đại văn minh của chúng ta, như những vị được nêu ở trên đây. Như vậy chưa đủ minh chứng cho bạn sao?
"Thầy không gọi các con là tôi tớ, mà là bạn hữu, Hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy": Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống thân hữu của Chúa, vào tình yêu nghĩa thiết ngọt ngào của Ngài; vì Ngài xem ta là bạn hữu của Ngài cho dù chúng ta bất xứng. Ta có ngạc nhiên không? Tại sao ta từ chối, khi hiểu tình yêu của Ngài dành cho ta thật quảng đại và lớn lao?
11. Yêu như Chúa yêu – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái tim Chúa Cha.
Tình yêu của Chúa Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu Chúa Cha.
Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một ai dù lành dù dữ. Thế nên “Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ áo đẹp hơn cả áo vua Salomon” (Lc 12,24-27).
Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người, nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.
Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền, bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng (cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người. Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.
Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Lạy Cha, xin cho con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương bằng tình yêu của Cha. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Từ trước tới nay, bạn hiểu tình yêu thế nào?
2- Mỗi khi nghĩ đến Đức Chúa Cha, bạn nghĩ đến đặc tính nào của Người: yêu thương, quyền năng, thưởng phạt công minh…?
3- Đối với bạn, yêu thương người khác dễ hay khó?
4- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Chúa Cha.
12. Ý- Tâm - Thân hòa điệu – An Phong, OP
Tin mừng hôm nay nhắc đến Luật Vàng Kitô giáo là "Mến Chúa yêu người". Hai chiều kích "hiệp thông" (mến Chúa) và hướng tới (yêu người) này làm nên toàn bộ thái độ sống Kitô giáo.
Con người, nếu có một sự hòa điệu tuyệt vời giữa mình với chính mình, sẽ sống bình an, hạnh phúc. Thật vậy, cuộc sống con người thường được nói đến như là "một bãi chiến trường"; là sự "giao tranh giữa điều muốn làm và điều phải làm"; hoặc sống trong tình trạng "điều tôi muốn, tôi không làm; điều tôi không muốn tôi lại làm"; hoặc "điều thiện và điều ác giành giật cắn xé nhau trong tôi"; đó là nguyên nhân của sự bất an, hỗn độn, thậm chí hủy hoại nữa.
Nói khác, Ý chỉ đạo, Tâm cởi mở lòng ra và Thân hành động cho được, đó là một sự hoà điệu lý tưởng của con người. Ý phán đoán ngay chính, Tâm đón nhận bao dung, thì Thân mới có thể diễn đạt nên hành động "yêu người"; Ý tốt, Tâm tốt thì hành động sẽ tốt.
Đó cũng là cửa ngõ để con người có thể sống hòa điệu với người khác; có thể nói nếu có hòa điệu của Ý-Tâm-Thân sẽ có hòa điệu giữa ta với Chúa, ta với người và ta với chính mình.
Nhưng nói thì dễ, sống được mới khó. Bi kịch của nhân loại bắt đầu từ đây. Có khi Ý phán đoán nghiệt ngã, phê bình khắc khe; có khi Tâm thiếu bao dung, tị hiềm; và Thân thì tìm sung sướng cho mình chứ không hành động để xây dựng. Giữa cuộc đời, vẫn còn có nhiều người nghĩ (ý) rất hay nhưng không hề "giơ ngón tay lay động" (thân). Hoặc người ta dễ dàng mủi lòng, thậm chí rớt vài giọt nước mắt (tâm) nhưng lại chỉ là tình cảm thoáng qua, nhất thời, không dễ gì khơi dậy hành động (thân).
Làm sao cho Ý ta sáng, Tâm ta bao dung và Thân ta hành động quảng đại? Làm sao để ta sống giữa cuộc đời trong sự hài hòa của tình yêu thương nhân ái? Chúa Giêsu mở một con đường để mời gọi chúng ta đạt đến sự hài hòa tuyệt vời ấy: "Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy; nếu anh em giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy; như Thầy đã giữ các giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người".
Với tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta được sống hòa hợp với Chúa, với mình và với anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa để lại cho chúng con một giới răn thôi,
giới răn của tình yêu;
Nhưng chỉ một giới răn đó thôi,
chúng con cũng không làm nổi.
Xin Chúa đổ xuống trên chúng con tình yêu của Chúa,
tình yêu lớn lao trong tấm bánh nhỏ nhoi này;
để chúng con không sợ yêu;
không lùi bước trước những thách đố của tình yêu;
để chúng con được "ở trong Chúa", và "Chúa ở trong con".
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam