Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 43
Tổng truy cập: 1378614
Ánh sáng phục sinh
Ánh sáng phục sinh
Sau khi xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, các nhà lãnh đạo Do Thái đã đến hỏi Chúa Giêsu: Ông có thể làm một phép lạ nào để chứng minh rằng ông có quyền làm như thế không? Và Chúa Giêsu đã trả lời: Hãy phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại. Thánh Gioan đã ghi chú: Ngôi đền thờ mà Chúa Giêsu nói đến chính là thân xác Ngài. Vì thế khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại, các môn đệ mới nhớ rằng Ngài đã nói như vậy, nên họ tin vào Thánh Kinh và những gì Chúa Giêsu đã nói.
Như thế có nghĩa là ngay cả các môn đệ cũng không hiểu hoàn toàn những điều Ngài nói. Chỉ sau khi Ngài sống lại trong vinh quang, thì những điều ấy mới được sáng tỏ. Nói cách khác, biến cố phục sinh chính là luồng ánh sáng chiếu soi, nhờ đó mà chúng ta hiểu được những biến cố và toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem một cách trọng thể, thánh Gioan cũng đã viết: Lúc đó, các môn đệ không hiểu những điều ấy, nhưng khi Ngài sống lại trong vinh quang, họ mới nhớ lại rằng Thánh Kinh đã nói những điều đó về Ngài. Rồi khi Ngài biến hình trên đỉnh Taborê, lúc xuống núi Ngài đã căn dặn các ông không được tiết lộ cho bất kỳ ai biết những việc xảy ra cho đến khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Phúc Âm đã ghi chú: Các ông tuân giữ lời căn dặn ấy, nhưng vẫn thắc mắc: từ trong kẻ chết sống lại có ý nghĩa gì? Tất cả những điều vừa trình bày có phần nào giống với công việc của người thợ rửa hình. Anh ta rọi phim xuống tấm giấy. Lúc bấy giờ chỉ là tấm giấy trắng, không hình ảnh, không màu sắc. Thế nhưng sau đó, anh ta đem ngâm tấm giấy đã được rọi vào thau đựng thuốc: Thế là hình ảnh và màu sắc bắt đầu hiện lên trên tấm giấy ấy. Cũng thế, những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, mới đầu không có gì đặc biệt. Nhưng sau biến cố phục sinh, ý nghĩa sâu xa của nó mới bắt đầu xuất hiện.
Từ đó chúng ta hãy nhìn cuộc đời chúng ta qua ánh sáng của sự phục sinh. Đúng thế, nếu không có sự phục sinh thì đời sống của chúng ta chỉ là một mớ hỗn mang, một chùm những sự kiện vô nghĩa, nếu không muốn nói là phi lý. Bởi vì người giàu và kẻ nghèo, người đạo đức thánh thiện và kẻ gian ác bất lương rồi cũng sẽ bằng nhau trước cái chết. Nếu không có ánh sáng của sự phục sinh, thì chết là hết, là trở về với hư vô và cát bụi. Thế nhưng, với ánh sáng của sự phụng sự, thì tất cả đều chuyển biến, tất cả đều đổi thay, tất cả đều mang một giá trị và ý nghĩa. Đúng thế, nếu như cuộc đời tôi chất đầy những đắng cay và chua xót, thì không có nghĩa là tôi đã thất bại, bởi vì nếu tôi biết thánh hoá, biết chấp nhận những đắng cay chua xót ấy vì lòng yêu mến Chúa, thì rồi mai ngày tôi sẽ sống lại và được Chúa ân thưởng niềm hạnh phúc Nước Trời. Dưới ánh sáng của sự phục sinh thì dù cuộc sống hiện tại của chúng ta có vắn vỏi, có buồn phiền, thì mãi mãi vẫn là một kho tàng quý giá, bởi vì nhờ nó mà chúng ta có thể chiếm được sự sống đời đời, cũng như nhờ nó chúng ta có thể lãnh nhận niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
2. Yếu tố con người.
Paganini là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng của Ý vào thế kỷ XIX. Trong một cuộc trình diễn, ông linh cảm như có một điều gì bất ổn và khi nhìn kỹ cây đàn, ông khám phá ra đó không phải là cây đàn quen thuộc đã từng đưa ông lên đài danh vọng. Ông đứng lặng trong giây lát, rồi lên tiếng: Vì lý do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây lát, vì tôi đã cầm lộn cây đàn. Nói xong, ông vào hậu trường bước thẳng đến nơi ông vẫn để cây đàn quen thuộc. Ông bàng hoàng nhận ra có người đã đánh cắp cây đàn quý giá của ông và đã đặt một cây đàn rẻ tiền thay thế vào đó. Trong lúc còn bàng hoàng thì bỗng một ý tưởng loé lên trong đầu, khiến ông mạnh dạn cầm lại cây đàn rẻ tiền kia mà bước ra sân khấu. Ông nói vơi khán giả: Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của tôi, nhưng trong buổi trình diễn này tôi muốn chứng minh cùng quý vị là vẻ đẹp và nét tinh tuý của âm nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng hàm ẩn nơi chính con người của nhạc sĩ. Phải yếu tố con người mới là quan trọng.
Từ câu chuyện này chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, qua đó chúng ta thấy Chúa Giêsu xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, vì họ đã biến đền thờ, nơi cầu nguyện thành một chốn buôn bán, thành một hang ổ trộm cướp. Và những người Do Thái đã vặn hỏi: Ông lấy quyền gì mà làm như vậy? Chúa Giêsu đã trả lời: Các ông cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại. Và Phúc âm đã ghi nhận: Đền thờ Ngài muốn nói đến ở đây chính là thân xác Ngài. Lần khác, bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã nói với người phụ nữ Samaria: Không phải thờ phương Thiên Chúa ở núi này hay núi nọ, mà phải thờ phượng trong tinh thần và chân lý.
Với những lời xác quyết trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đặt nặng yếu tố con người. Con người với thân xác và tâm hồn chính là một đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị, chính là một nhạc sĩ làm vang lên muôn cùng điệu chúc tụng Thiên Chúa. Thực vậy, nhờ bí tích Rửa Tội, tâm hồn chúng ta trở thành ngôi đền thờ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta phải gìn giữ tâm hồn chúng ta khỏi mọi dấu vết của tội lỗi, để xứng đáng làm đền thờ của Ngài. Mặc dầu bên ngoài chúng ta nghèo túng, ốm đau, hay gặp phải những điều bất hạnh, thì trong thẳm sâu cõi lòng, trong ngôi đền thờ thiêng liêng ấy, luôn vang lên những lời ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.
Thế nhưng, nếu lúc này Chúa Giêsu cũng đến và viếng thăm chúng ta, liệu Ngài có nhận ra tâm hồn chúng ta là một nơi cư ngụ lý tưởng cho Ngài hay là bằng những hành động tội lỗi, chúng ta đã biến tâm hồn chúng ta thành một hang ổ trộm cướp?
3. Đền thờ.
Những người quản lý đền thờ, lúc ban đầu, có thể đã tổ chức bán chiên bò, chim bồ câu, hay đổi tiền đổi bạc với tinh thần phục vụ, với ý hướng ngay lành là để giúp cho người lên đền thờ có sẵn lễ vật, khỏi phải mang theo từ xa. Cũng là một thứ dịch vụ, thế nhưng đồng tiền lại là một cái dốc, có thể nói được là êm ả và người ta cũng có thể bị tuột trên cái dốc này một cách êm ả không hay biết.
Có biết bao nhiêu việc khởi đầu là phục vụ, là cứu trợ, là bác ái, là từ thiện, là tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn, cho xã hội. Nhưng rồi theo hơi men của đồng tiền đã biến thành chuyện kinh tài thuần tuý, chạy theo lợi nhuận, mưu cầu địa vị, thanh danh hay quyền lực riêng cho mình. Lợi nhuận sẽ kéo theo gian dối, chèn ép, bất hoà và bất công.
Và như chúng ta đã thấy, đền thờ, mặc dù vẫn được coi là nơi thiêng liêng, nơi để con người hướng tâm hồn lên trên những cái quen được gọi là trần tục, chóng qua, nơi giúp con người tìm gặp cái vô giá, cũng có thể biến thành chợ búa, thành hang trộm cướp, nơi người ta cãi cọ nhau, giành giật nhau.
Trước cảnh tượng như vậy, cùng với lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa, Ngài đã lấy dây thừng làm roi để xua đuổi phường buôn bán và quân đổi tiền ra khỏi đền thờ. Ngài đổ tung tiền của họ xuống đất và xô nhào bàn ghế của họ.
Với chúng ta cũng thế, kể từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tâm hồn chúng ta đã trở nên như một đền thờ, một gian cung thánh sống động, một nơi cho Thiên Chúa ngự trị. Thế nhưng, cùng với thời gian, lòng đam mê tiền bạc, của cải vật chất đã xô đẩy chúng ta vấp phạm hết tội này đến tội khác. Bởi vì như chúng ta thường nói: tiền bạc là một tên đầy tớ tốt nhưng nó lại là một ông chủ hà khắc, khả dĩ bóp nghẹt những tình cảm cao đẹp nhất của chúng ta.
Đúng thế, vì đam mê chạy theo tiền bạc mà chúng ta sao lãng những bổn phận đối với Chúa. Vì đam mê chạy theo tiền bạc, chúng ta sẵn sàng gian tham, chèn ép và đối xử bất công với những người chung quanh. Vì đam mê chạy theo tiền bạc, chúng ta sẵn sàng ăn trộm, ăn cắp, ăn gian, ăn quỵt, cũng như ăn hối lộ. Tất cả những tội lỗi phát sinh từ lòng đam mê chạy theo tiền bạc ấy, đã biến tâm hồn chúng ta trở nên như một cái chợ, một hang ổ trộm cướp, chứ không còn phải là một gian cung thánh, một ngôi đền thờ sống động cho Chúa nữa.
Nếu như bây giờ Chúa bước vào trong tâm hồn chúng ta thì liệu, Ngài sẽ vui mừng hay là sẽ nổi nóng vì tất cả những sai lỗi đã làm cho tâm hồn chúng ta trở thành ô uế và nhơ nhớp?
4. Xây dựng đền thờ Chúa ngự
Đền thờ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em. Người ta đến Đền thờ để tìm gặp sức mạnh của Chúa, người ta đến Đền thờ để tìm sự an ủi nâng đỡ từ cộng đoàn anh em. Có thể nói Đền thờ là nơi gặp gỡ của tình yêu thương. Vì thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta xây dựng Đền thờ mình trong tình yêu thương đúng nghĩa của nó.
Đối với người Do Thái, kể từ thời vua Salomon, họ đã có được một ngôi Đền thờ, để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa. Như thế, Đền thờ Giêrusalem là nơi tập họp tôn giáo của người Do thái từ mọi miền của đất nước vào dịp lễ vượt qua hằng năm, mừng kỷ niệm dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua biển đỏ về Đất Nước, để tạ ơn, để xá tội, để xin ơn...Đền thờ Giêrusalem vừa cụ thể hóa sự hiện diện uy nghiêm của Thiên Chúa vừa chính thức hóa việc phụng tự của cả dân tộc. Bởi đó, Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho muôn dân, và không ngừng mang tính chất thánh thiêng. Nhưng dần dần người ta đã ngang nhiên biến một phần của nơi thánh thiện ấy thành nơi thương mại, tuy dù với lý do tốt đẹp bên ngoài là để phục vụ việc tế tự. Họ đã biến nơi đó thành một cái chợ, thành một hang ổ trộm cướp khiến Chúa Giêsu đã phải giận dữ, ra tay dọn dẹp và loan báo ngày tận cùng sắp tới của chính Đền thờ.
Vừa bước vào Đền Thờ, Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh tượng chướng tai gai mắt. Người ta buôn bán chiên bò và trao đổi tiền bạc. Đám đông ồn ào náo nhiệt gây mất trật tự. Chúa Giêsu vốn quý trọng Đền Thờ Giêrusalem. Ngài gọi đó là nhà Cha của Ngài, là nhà cầu nguyện. Ngài không muốn nơi Thánh này trở thành cái chợ buôn bán. Ngài không chấp nhận nhà của Cha Ngài bị xúc phạm. Chính tình yêu đã khiến Ngài nổi giận. Ngài thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ, dù điều đó sẽ đưa Ngài đến chỗ thiệt thân. Lòng nhiệt thành khiến Ngài thanh tẩy Đền thờ, Ngài không sợ nguy hiểm khi phải ra tay dẹp loạn hầu thể hiện thánh ý Chúa Cha là Đền thờ phải là nơi tôn nghiêm, thánh thiện. Không cầm mình được trước cảnh tượng Đền Thờ thiêng liêng bị biến thành nơi thương mại như thế, Ngài thẳng tay đánh đuổi những kẻ buôn thần bán thánh. Ngài thanh tẩy Đền thờ, Ngài đã xua đuổi con buôn, xô đẩy lật nhào bàn ghế những người đổi tiền. Ngài yêu cầu mọi người trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng phải có, trả lại sự trong sáng cho nơi cầu nguyện, nơi gặp gỡ của Cha Ngài và của mọi người.
Hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho các trưởng tế khó chịu, bực tức, họ cho Ngài là một kẻ phản động, vì Ngài không có chức tư tế, cũng chẳng có nhiệm vụ nào trong Đền thờ. Vậy mà Chúa Giêsu đã kết án cách tổ chức của các trưởng tế và gán cho mình một uy quyền trên họ. Ngài bãi bỏ việc phụng tự của họ. Ngài đã tuyên bố: "Cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại". Các người Do Thái đã nghĩ ngay đến đền thờ bằng gạch đá, nhưng Chúa Giêsu không có ý nói đến đền thờ bằng gạch đá mà là Đền thờ thân thể Ngài. Nghe Ngài nói thế, các trưởng tế tỏ vẻ khó chịu ra mặt, họ biết Đền thờ đã được vua Hêrôđê sửa sang, xây dựng mất 46 năm mới xong, thế mà bây giờ Ngài bảo phá hủy đi và xây dựng lại chỉ trong ba ngày. Họ không tin lời Ngài. Họ cho rằng Ngài nói phạm thượng.
Chúa Giêsu đã nói: "Cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại". Chúa Giêsu muốn phá hủy nhưng gắn liền với xây dựng. Còn ngược lại các vị lãnh đạo tôn giáo đang phá hủy mà cứ tưởng là mình đang xây dựng điều tốt đẹp. Chúa Giêsu đã xua đuổi con buôn, xô đổ bàn ghế những người đổi tiền. Hay nói đúng hơn Ngài dẹp bỏ trật tự cũ để xây dựng trật tự mới. Ngài phá hủy những gì gây hại cho con người, gây cản trở mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Vì thế, việc buôn bán đổi chác gây ồn ào trong Đền thờ mới phá hủy đền thờ, làm cho Đền thờ không còn là đền thờ nữa; nó không còn là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và nhân loại. Trái lại nó trở thành nơi bóc lột, trộm cướp,...đang làm hủy hoại tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa của người Do Thái. Chính vì thế, việc phá đổ giết chết là việc của giới lãnh đạo tôn giáo Do thái. Cần phải phá hủy nó đi. Còn việc của Thiên Chúa là cần xây dựng lại Đền thờ mới, là cứu sống và tái tạo tất cả trong Chúa Kitô Phục sinh. Để từ nay, Chúa Kitô trở thành trung tâm phụng tự duy nhất. Trong Ngài, người ta sẽ "thờ phượng Thiên Chúa trong Chân lý và Sự thật".
Người Do Thái tôn thờ Thiên Chúa một cách vụ hình thức, máy móc. Họ nghĩ rằng dâng cúng vào Đền Thờ nhiều tiền bạc, nhiều lễ vật là Chúa sẽ hài lòng, Thiên Chúa sẽ "xí xóa" tội lỗi cho họ. Họ tưởng dùng của cải vật chất để có thể hối lộ được Thiên Chúa. Từ suy nghĩ đó đã dẫn họ đến hành động sống bê tha tội lỗi; họ nghĩ dù sống gian tà, độc ác, bất công với tha nhân đến thế nào đi nữa; họ sống tội lỗi ngập đầu ngập cổ đi nữa nhưng chỉ cần đợi vào dịp đại lễ, vào dịp hành hương lên Đền Thờ, họ sẽ dâng cúng thật nhiều tiền của thì họ nghĩ rằng mình sẽ được tha thứ hết. Làm như thế họ vừa được bình an vừa được tiếng là mình đạo đức. Điều này đã làm cho họ sống đạo bề ngoài mà không cần phải hoán cải đời sống không tuân giữ giao ước Thiên Chúa nữa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu thấy họ cần dẹp bỏ cách thờ phượng cũ đó, để mang tâm tình mới, biết thờ phượng Thiên Chúa trong tình yêu thương. Con người cần biết sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa và với nhau.
Trong cuộc sống, đôi khi một số người trong chúng ta có quan niệm bổn phận đối với Thiên Chúa trong nhà thờ tách rời khỏi bổn phận đối với tha nhân ngoài xã hội. Người ta chỉ lo đọc thật nhiều kinh, dự nhiều lễ nhưng không biết yêu thương tha nhân đang ở chung quanh mình. Thậm chí có nhiều người siêng năng đọc kinh và đi lễ nhưng khi về nhà thì cứ chửi rủa hàng xóm, ghen ghét và nói xấu anh em mình. Chắc chắc điều đó Chúa Giêsu không muốn rồi. Hay là, người ta không thể nhắm mắt đi lễ trong khi bên lề đường có nhiều người đói khổ cần chúng ta giúp đỡ. Đền thờ phải là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Đến Đền thờ, chúng ta cần biến đổi để trở nên con người của sự hiệp thông, của tình bác ái yêu thương. Chúng ta cần xây dựng ngôi đền thờ trong tình yêu thương, chia sẻ, trong đó mọi người biết sống liên đới với nhau.
Mọi người chúng ta đều là Đền thờ của Thiên Chúa ngự trị (Cv 7, 49 - 51; 1Cr 3, 16, 2Cr 6, 16). Thiên Chúa muốn chúng ta sống hiên ngang như đền thờ Giêrusalem. Thiên Chúa muốn chúng ta sống có lương tâm trong sạch để xứng đáng là Đền Thờ uy nghi cho Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa muốn chúng ta hãy xây dựng lòng mình bằng những ý nghĩ và hành động yêu thương tha nhân để xây đựng Đền thờ thiêng liêng thờ phượng Thiên Chúa.
Chính vì thế Chúa Giêsu đã xác định, chính Ngài sẽ trở thành Đền thờ mà con người có thể gặp gỡ và thờ phượng Thiên Chúa và Ngài cũng muốn rằng tất cả những ai tin theo Ngài cũng phải trở nên Đền thờ thiêng liêng cho Thiên Chúa ngự trị. Chúng ta phải ra sức xây dựng, trang hoàng và tô điểm chính cõi lòng con người mình để nó xứng đáng trở nên một đền thờ của Thiên Chúa, xứng đáng nơi thể hiện tình yêu thương đối với Thiên Chúa và với nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống hiệp thông trong tình yêu thương. Như thế là chúng con đang xây dựng và trang hoàng ngôi đền thờ thiêng liêng và uy nghi thánh thiện cho Thiên Chúa ngự. Chính nơi đó chúng con sẽ gặp gỡ được chính Chúa và gặp gỡ được anh em mình. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam