Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 62
Tổng truy cập: 1379792
BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH
Một trong các bài Tin Mừng được chọn đọc trong ngày lễ kính các Thánh Tử Đạo là phần đầu của bài giảng trên núi mà chúng ta quen gọi là ‘Tám Mối Phúc’. Mối phúc cuối cùng trong danh sách là: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ’. Trong sách Tin Mừng Lu-ca chương 06, dầu chỉ đề cập tới có 04 mối phúc, nhưng mối phúc sau chót cũng vẫn nói tới cùng một điều này là “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6,22)
Phải chăng đó là lý do tại sao các Kitô hữu từ thời xa xưa đã dành cho các vị anh hùng tử đạo một sự mừng kính đặc biệt trân trọng. Họ gán cho các ngài danh hiệu cao quý là Chứng Nhân Tin Mừng (Martyr). Ngày nay trong tư cách con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo, chúng ta muốn thực sự tìm hiểu các vị tử đạo nói chung, và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng, đã là chứng nhân Tin Mừng như thế nào? Khi tiến ra pháp trường để bị trảm quyết, các ngài đã thật sự trung kiên bảo vệ điều gì? Và ở điểm nào các ngài thực sự liên quan tới người Công Giáo Việt Nam chúng ta đang sống trong xã hội hôm nay?
Trong tiếng Việt, chữ ‘đạo’ thường được chúng ta sử dụng để nói tới một đạo giáo, một tôn giáo, như Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Lão, Đạo Ông Bà, Đạo Thiên Chúa… Thế nhưng theo nguyên ngữ hán-nôm, ‘đạo’ là con đường, là lẽ sống, là học thuyết… dẫn tới mục đích tối hậu của cuộc sống, chẳng hạn đạo Khổng, đạo hiếu, đạo làm người. Đức Giêsu đã tự giới thiếu mình “là đường, là sự thật và là sự sống”. Và nếu nói theo từ vựng hán nôm Ngài sẽ phải tuyên bố mình là ‘đạo, chân, sinh’. Vậy thì, trong cả phúc âm Mát-thêu lẫn Lu-ca, khi đề cập tới mối phúc chót này, Đức Giêsu chắc chắn không hề có ý muốn tuyên bố ‘phúc thay’ những ai dám chết cho một đạo giáo hay tôn giáo, nhất là hiểu dưới khía cạnh cơ cấu tổ chức của tôn giáo đó. Điều mà Đức Giêsu muốn biểu dương là tất cả mọi hình thức ‘bị bách hại’, ‘bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa…’ đều là ‘phúc’ vì một yếu tố duy nhất, đó là ‘vì sống công chính’, hay rõ hơn: ‘vì Con Người’.
Tới đây tôi gợi nhớ lại tư tưởng bài suy niệm về đoạn Tin Mừng Lc 18, 9-14 của Chúa Nhật XXX thường niên năm C: ‘Đối với Đức Giêsu, ai mới là công chính?’ Nếu đã có một nền công chính của Cựu Ước tóm gọn trong luật Mô-sê để bẩy anh em nhà Ma-ca-bê, vị bô lão Ê-lê-a-da, và Gio-an Tiền Hô, vì trung thành với nó, đã buộc phải gánh lấy cái chết… và ‘các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế’, thì riêng với Kitô hữu sẽ có một thứ công chính mới được chính Đức Giêsu công bố. Nói đúng ra chính Người là hiện thân của nền công chính đó, sự công chính của Thiên Chúa từ nhân, công chính của tình yêu tha thứ và cứu độ; ‘Vì Con Người’, Người đã khảng định. Ai đón nhận và sống Tin Mừng này để rồi ‘bị bách hại’, hay chịu thua thiệt dưới bất cứ hình thức nào, đều là những người được Đức Giêsu biểu dương. Còn nếu có ai đó bị giết chết vì nền công chính mới này thì phải được chính Đức Kitô và toàn Nhiệm Thể Ngài tuyên dương, phong thánh. Chính vì thế mà Giáo Hội, ngay từ thời sơ khai và qua mọi thời đại, đã có thói quen phong thánh cho các vị anh hùng ‘tử vì đạo’.
Giáo Hội luôn muốn tuyên bố rằng các anh chị em tín hữu này là chứng nhân cho Tin Mừng tình yêu vì đã dám chấp nhận thua thiệt lớn hơn hết là mất cả mạng sống mình. Với việc phong thánh như thế Giáo Hội đồng thời cũng muốn khảng định bất cứ thua thiệt nào các Kitô hữu phải hứng chịu trong cuộc sống thường ngày vì ‘sống công chính mới’ đều có giá trị vô song.
Suy nghĩ như thế tôi mới thấy có một liên hệ mật thiết giữa các chứng nhân ‘tử vì đạo’ với mỗi Kitô hữu chúng ta. Các ngài không phải là những trường hợp biệt lệ để các tín hữu có ‘may mắn’ được sống trong thời đại an bình nhìn vào mà thán phục mà ca ngợi, với mơ ước rằng: nếu chẳng may lâm vào cơn cấm cách, mình cũng sẽ trung thành. Đức Giêsu đã chẳng gọi tất cả mọi Kitô hữu là ‘ánh sáng’, là ‘muối men’ của trần gian, là chứng nhân Tin Mừng là gì? Chứng nhân tích cực rao giảng Tin Mừng thì ít, nhưng chứng nhân vì buộc phải chấp nhận các thua thiệt, khó khăn vì nền công chính Tin Mừng trong đời sống thường ngày thì nhiều. Vì thế thật là chí lý: các ‘Thánh Tử Đạo’ được coi như tấm gương, như cột sống của Kitô hữu qua mọi thời đại, thời buổi bị bắt bớ thử thách cũng như khi được sống an bình sung túc.
Là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì Giáo Hội Việt Nam đã có hàng trăm ngàn các chứng nhân Tin Mừng như thế, trong số đó 117 vị đã được toàn Nhiệm Thể Đức Kitô phong thánh. Vấn đề được đặt ra là: phải chăng các ngài đơn thuần chỉ tạo nên nơi chúng ta một niềm kiêu hãnh mang tính lịch sử, hay đã trở thành cột sống, thành cơ bắp thúc đẩy chúng ta sống công chính Tin Mừng cách cụ thể trong đời sống thường ngày? Thua thiệt vì Tin Mừng thì thời đại nào cũng có, kể cả trong các xã hội được coi là phồn vinh dễ dãi và tự do. Thế thì các ‘Thánh Tử Đạo Việt Nam’ đã đóng góp được gì cho người Công Giáo Việt Nam chúng ta trong xã hội được cho là ‘dễ dãi hơn’ hôm nay? Phải chăng chỉ là một khích lệ trung kiên nào đó sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi thế lực thù nghịch khi cần, hay để kiên trì ‘sống công chính’ khi ‘bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa…’ ngay trong xã hội hôm nay? Ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay sẽ không mấy ý nghĩa nếu mỗi người không tìm ra được câu trả lời cho vấn nạn này.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã chịu bách hại vì dám chấp nhận ‘sống công chính’ tới độ anh hùng. Nếu Hội Thánh đã tuyên phong cái chết của các ngài thì đồng thời cũng tuyên phong vô vàn những tủi hổ, thiệt thòi của biết bao tín hữu anh hùng vô danh khác. Tất cả các điều này không nằm ngoài mục đích thôi thúc mỗi người Công Giáo Việt Nam chúng con sẵn sàng hơn trong việc cùng với Đức Kitô thập giá tha thứ và yêu thương trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống đời thường, ngay trong lòng xã hội hôm nay. Xin các ngài tiếp tục trở nên chứng nhân Tin Mừng cho chúng con về một tình yêu tha thứ tuyệt đối. Amen.
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN B-
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
TỬ ĐẠO, NGƯỜI LÀM CHỨNG- Lm. Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Thật là lạ lùng khi mà các bài đọc trong Thánh lễ mừng các Thánh Tử Đạo hôm nay lại chỉ toàn nói đến niềm vui. Đặc biệt là lời đáp trong Thánh Vịnh hôm nay: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan”. Vậy đâu là lý do để Giáo Hội chọn những bài đọc này?
Nếu cứ theo cách nghĩ của người đời thì làm sao có thể ca lên lời Thánh Vịnh nói trên, khi mà trong suốt gần 300 năm (261) bị bách hại, người Công Giáo Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu gian nan thử thách: nào là gông cùm, tù tội, nào là đòn vọt, xích xiềng… Với 6 triều vua cùng 53 sắc dụ cấm đạo đã cướp đi mạng sống của trên 130 ngàn người Công Giáo. Họ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ niềm tin của mình.
Có lẽ, không chỉ giáo đoàn Việt Nam, mà trong suốt dọc dài của lịch sử Giáo Hội, người tín hữu Chúa Kitô dường như đều gắn liền với những cuộc bách hại. Trong thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu cũng bị bách hại dữ dội, thế nhưng các ngài vẫn không hề nao núng. Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng, mặc dù bị đánh đập, hành hạ, nhưng khi các Tông đồ ra khỏi hội đường của người Dothái thì “lòng đầy hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô”.
Cũng vậy, các thánh TĐVN – cha ông chúng ta – đã cảm thấy hãnh diện vì được chịu khổ nhục vì đạo Chúa. Không những thế, các ngài còn đón nhận những hình khổ cũng như cái chết một cách vui mừng, mà không một chút nao núng, như trường hợp của Thánh Phêrô Đoàn Công Quý: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề. Miễn vui lòng cam chịu một bề. Cho trọn đạo trung thần hiếu tử.”; hay trường hợp của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc: “Đông qua tiết lại thời xuân tới. Khổ tạm mai sau hưởng phúc an. Làm kẻ anh hùng chi quản khó. Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn.”
Đã có một thời, thậm chí ngay cả ngày hôm nay, nhiều người không cùng niềm tin với chúng ta vẫn còn tỏ ra dè dặt về danh xưng “Tử Đạo”. Có lẽ vì hai chữ “Tử Đạo” dễ khiến người ta liên tưởng đến những cuộc thánh chiến hay những cuộc đánh bom tự sát chăng?
Nhưng đối với trường hợp của các thánh TĐVN thì không như vậy. Mặc dù các ngài ở những bậc sống khác nhau, xuất thân từ những môi trường không giống nhau: có vị là Giám mục, có vị là linh mục, rồi thầy giảng, trùm trưởng, giáo dân; thậm chí có vị còn nắm giữ những trọng trách trong triều đình như Thánh Micae Hồ Đình Hy. Tuy nhiên, các ngài đều có một điểm chung đó là tình mến Chúa thiết tha và lòng yêu mến quê hương nồng nàn. Cái chết của các ngài không hề mang màu sắc của sự thù hận, nhưng phát xuất từ một niềm tin, như lời Thánh Micae Hồ Đình Hy: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.”
Nguyên ngữ của chữ Tử Đạo (Martyr) có nghĩa là “Người làm chứng”. Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Thánh Tử Đạo – cha ông chúng ta. Tuy nhiên, người tín hữu sống đạo hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách.
Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu, có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình? Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai; đó là khi những người trẻ sống một cách buông thả; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là các giờ kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn…
Làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là điều không hề đơn giản. Chúa muốn chúng ta là nắm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Bởi vì nếu như thế, men sẽ trở nên vô ích. Cũng như muối mà mất đi chất mặn thì chỉ còn cách đổ ra đường để cho người ta chà đạp lên…
Sẽ khó có thể nói được rằng Tử đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn. Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có những khó khăn thử thách riêng. Các vị Tử đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta đã phải tử đạo mỗi ngày, mà người ta vẫn gọi là “những người tử đạo trắng”.
Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật. Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào. Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.
Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ. Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời! Chúa đã hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa Cha và yêu thương loài người chúng con. Xin hãy dạy chúng con biết đáp đền tình yêu lớn lao ấy bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con giữ được vị mặn của muối, và độ nồng của men, để đem đến cho cuộc đời này một sức sống mới. Amen.
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN B-
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU- Lm. JB Trần Văn Hào SDB
Một lãnh tụ vô thần đã tuyên bố: “ Chúng ta hãy triệt phá Giáo hội, nhưng đừng tạo ra những vị tử đạo”. Khi tuyên bố như thế, một cách mặc nhiên ông ta công nhận điều mà Thánh giáo phụ Tertulianô đã nói là đúng :“ Máu các Thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Hôm nay, chúng ta mừng kính các Thánh Tử đạo tại Việt Nam. Máu các Ngài đã đổ ra năm xưa, dệt nên những trang sử oai hùng giữa lòng dân tộc. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ cái chết của các bậc tiền bối cha ông và mở lòng đón nhận sứ điệp về ơn gọi tử đạo mà các Ngài chuyển giao cho con cháu là chúng ta ngày hôm nay.
Lược sử Giáo hội Việt Nam qua dòng thời gian
Hạt giống đức tin đã được gieo vào mảnh đất quê hương Việt Nam từ hơn 500 năm trước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Giáo hội Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm sống trong bách hại. Sắc dụ cấm đạo đầu tiên được ban hành năm 1625, kéo dài đến hết thời Văn Thân năm 1886. Hàng vạn con người đã ngã xuống do sự thù ghét. Thế gian ghét đạo, ghét Đức Giêsu và ghét luôn những môn đệ của Ngài. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh báo từ 2000 năm trước (Mt 5, 11; 10, 22 ). Trong số các anh hùng Tử đạo, đã có 118 vị được ghi tên trong sổ bộ các thánh, gồm 117 hiển thánh và một chân phước. Có 97 vị là người Việt Nam, 11 vị Tây Ban Nha, và 10 vị người Pháp. Họ thuộc đủ các giai tầng xã hội, gồm 8 Giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân. Trong số giáo dân, có cả những vị làm quan trong triều đình, có vị làm nghề thu thuế, làm binh lính, y sĩ hoặc chỉ là nông dân quèn. Dù là người Việt Nam hay ngoại quốc, các Thánh Tử đạo đều nói lên một chứng từ duy nhất, đó là các Ngài làm chứng về Đức Giêsu chịu hiến tế, như Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “ Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá”. Cái chết của các Ngài là bài giảng sống động nhất và thâm thúy nhất. Họ rao giảng không phải trên lý thuyết, nhưng bằng chứng tá cụ thể, những chứng tá sống động và rất sâu xa. Có 6 loại án được thực hiện để hành quyết các vị tử đạo: Bá đao (cắt thân thể thành trăm mảnh) có 1 vị; Lăng trì (chặt chân tay, mổ bụng và vất xuống sông) có 4 vị ; Thiêu sinh (đốt sống) có 6 vị; Xử giảo (xiết cổ bằng dây) có 2 vị ; Xử trảm (chém đầu) có 75 vị và chết rũ tù có 9 vị. Vị Tử đạo lớn tuổi nhất là linh mục Vũ Bá Loan 84 tuổi và trẻ nhất là chủng sinh Tôma Thiện 18 tuổi. Trong thời Trịnh Nguyễn từ năm 1745 đến năm 1774 có 4 vị. Thời vua Cảnh Thịnh (1788 – 1801 ) có 2 vị. Dưới thời Minh mạng (1820 – 1840) có 58 vị tử đạo. Trong thời Thiệu Trị từ năm 1841 đến 1847 có 3 vị và thời Tự Đức từ năm 1847 đến 1883 có 50 vị. Đó là phác lược tổng quát các mốc điểm thời gian và bối cảnh dẫn đến cái chết của các Thánh Tử đạo. Nhìn lại một cách thoáng chung lịch sử của Giáo hội Việt Nam, chúng ta tạ ơn Chúa vì gia sản đức tin mà cha ông đã để lại. Gia sản đó được đan dệt bằng máu và nước mắt, đúng như lời quả quyết của thánh Tertulianô: “ Máu các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu.”(sanguis martyrorum semen christianorum est)
Ý nghĩa của việc tử đạo
Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có kể lại một giai thoại. Hồi còn rất nhỏ, ban đêm ông ngủ với mẹ. Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết. Giữa đêm khuya vắng bỗng có tiếng khóc ai oán vang lên nghe thật não nuột. Đứa bé sợ, ôm chầm lấy mẹ và hỏi: “ Mẹ ơi, chết là gì hả mẹ?” Bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời thằng bé thế nào. Bà ngồi bật dậy mở Kinh thánh ra đọc. Trong Tin mừng Gioan, bà đọc thấy đoạn sau: “ Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1)”. Gấp sách lại, bà nói với đứa con: “Con ơi, chết là trở về với Chúa Cha và yêu thương đến cùng. Đây là hai chiều kích đặc thù nơi cái chết của Đức Giêsu, vị tử đạo đầu tiên, và cũng được lập lại nơi cái chết của các Thánh tử đạo tại Việt nam. Các Ngài đã chết để trở về nhà Cha và hoàn tất cuộc hành trình yêu thương của mình nơi trần thế. Họ ý thức Lời Chúa dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Nếu được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn, nào có ích gì?” (Mc 8, 35-36)” . Thánh Phaolô Đạm nói trước tòa án Nam Định: “ Nếu tôi có hai linh hồn, tôi sẽ bán một cái cho ma quỷ để cho các ông vui lòng, nhưng tiếc quá tôi chỉ có một linh hồn, nên tôi không thể bỏ mất”.
Nhưng trên hết, hành vi Tử đạo luôn hàm ngậm ý nghĩa của việc làm chứng. Hạn từ Marturion theo nguyên ngữ Hi Lạp cũng mang chở ý nghĩa này. Các Ngài chết để làm chứng, nhưng không phải làm chứng cho một chế độ, một chủ nghĩa, nhưng làm chứng cho một con người. Con người đó chính là Đức Giêsu, một Thiên Chúa làm người đã can đảm đón nhận cái chết khủng khiếp giống một tên cướp, để khai mở cho chúng ta chân trời ơn cứu độ. Các Thánh Tử đạo đã dùng máu của mình để làm chứng cho Đấng mà các Ngài tin theo.
Sống ơn gọi tử đạo ngày hôm nay.
Trong đại hội tu sĩ trẻ thế giới tổ chức tại Rôma đầu tháng Chín vừa qua. Ban tổ chức đã dành một tiếng đồng hồ để các tu sĩ đặt câu hỏi và Đức Thánh Cha trực tiếp trả lời. Có một anh em tu sĩ dòng DonBosco đến từ Syria đứng lên phát biểu và hỏi Ngài vài điều. Đức Thánh Cha sau khi trả lời đã hỏi ngược lại: “Con từ đâu đến đây ?”. Vị tu sĩ trẻ nói là Ngài đến từ Syria. Đức Thánh Cha mở to đôi mắt nhìn vị linh mục và nói với cử tọa: “Chúng con hãy cầu nguyện cho các vị tử đạo hiện nay tại Iraq và Syria”. Cả hội trường xúc động vì tình hình chiến sự đang xảy ra rất khốc liệt tại Trung Đông, khiến bao nhiêu Kitô hữu bị giết, nhiều gia đình ly tán, các nhà thờ bị đốt phá, cả trăm ngàn người dân vô tội phải trốn tránh hoặc đi tị nạn.
Như vậy, ngày hôm nay vẫn còn các vị tử đạo, những con người bị thù ghét vì lý tưởng và niềm tin của mình. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn, sống mầu nhiệm tử đạo không phải là chuyện viễn tưởng xa vời. Đó chính là bản chất ơn gọi gắn liền với căn tính Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu đã nói “ Ai muốn theo tôi phải bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo tôi”(Mc 8,34).
Hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay đã bãi bỏ án tử hình, và cũng tôn trọng tự do tôn giáo, ít nhất là trên lý thuyết. Việc đàn áp tôn giáo với những màn tra tấn, tống ngục hay giết chết đang dần bị con người ngày hôm nay đào thải, vì nó đi ngược với khái niệm về nhân quyền mà xã hội luôn đề cao. Tuy nhiên lời mời gọi của Đức Giêsu đi vào mầu nhiệm tự hủy để sống ơn gọi tử đạo vẫn luôn mang tính thời sự cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại, vì nó là thuộc tính nơi cuộc sống của những học trò Đức Giêsu. Ơn gọi Kitô hữu luôn hàm ngậm cái chết. Cái chết trên Thập giá theo gương Đức Giêsu là đích điểm mà tất cả mọi người chúng ta phải vươn tới. Văn hào Goethe đã viết: “ Làm một việc hy sinh to lớn trong khoảnh khắc thì dễ, chỉ cần chút can đảm nhất thời, nhưng thể hiện những hy sinh nho nhỏ và liên tục trong suốt cuộc đời thì khó hơn nhiều”. Đó là cái chết tiệm tiến, từ từ trong cuộc sống đức tin để sao chép lại chính cái chết của Đức Giêsu. Mô thức ơn gọi tử đạo của tất cả chúng ta hôm nay là như thế. Chúng ta phải đi sâu vào cái chết không đổ máu, không xích xiềng hay tù ngục qua cuộc sống hằng ngày và một cuộc sống như vậy chính là để làm chứng cho tình yêu.
Kết luận
Để kết luận, xin trích mượn tư tưởng của thánh Charles de Faucauld. Ngài nói: “ Ở đời này chúng ta chỉ có thể ôm lấy Chúa Giêsu bằng cách ôm trọn Thập giá của Ngài. Ta không thể yêu mến Thập giá mà lại không có Chúa Giêsu bị đóng đinh nằm ở trên. Đồng thời chúng ta cũng không thể ôm lấy Chúa Giêsu mà lại vắng bóng Thập giá”. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu. Cánh hoa hồng càng rực rỡ càng có nhiều gai nhọn ẩn sâu bên dưới. Cũng vậy tình yêu đến thật nhiều xuyên qua đau khổ. Con đường đau khổ dẫn đến Thập giá, chính là con đường của ơn gọi tử đạo, con đường của tình yêu. Cũng như thánh Têrêsa hài đồng Giêsu đã viết: “Sống bằng tình yêu không phải là định cư mãi với Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tabor giữa những vinh quang sáng chói, nhưng là còn phải trèo lên đỉnh Calvê để ôm nhận Thập giá như một kho tàng”. Sống ơn gọi tử đạo là như thế.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam