Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1379848
BÁNH TỪ TRỜI
Bánh từ trời – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm.
Cơm bánh giúp con người có sức khỏe thể xác, giúp con người sống và phát triển. Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời. Ngài là sức sống cho con người. Ngài giúp con người triển nở toàn diện vươn tới tầm mức Thiên Chúa muốn.
- Thiên Chúa ban lương thực vật chất và tinh thần
Hoàng hậu Ideven đã sai sứ giả nói với tiên tri Elia rằng bà sẽ lấy mạng của Elia vào cùng giờ ngày hôm sau, giờ Elia đã hô hào dân chúng tru diệt các tiên tri thờ thần Baan. Elia đã bỏ xứ để trốn lên “núi Chúa”. Mệt lả vì đường dài và đói khát, Elia muốn chết và xin Chúa cất mình về, vì “con cũng không hơn gì cha ông con”. Thiên Chúa đã cho thiên thần mang lương thực nuôi tiên tri, để tiên tri có sức khỏe thể xác và tinh thần, hầu tiếp tục lên đường tới núi Khôrếp.
Con người không chỉ có nhu cầu thể lý nhưng còn có nhu cầu thiêng liêng. Con người cần lương thực vật chất nuôi sống thể xác, và cũng cần lương thực thiêng liêng cho tinh thần con người, làm con người thấy ý nghĩa cuộc đời. Thiên Chúa cung cấp lương thực vật chất nuôi sống con người, và Ngài cũng cung cấp thức ăn thiêng liêng cho con người.
Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người. Ngài là Cha của tất cả mọi loài, của vạn sự vạn vật. Thiên Chúa hiện diện với Elia khi ông kêu cầu Người, khi Ngài cho lửa thiêu đốt lễ vật trên tế đàn. Thiên Chúa săn sóc Elia cho ông thức ăn nước uống, cho ông có sức và nghị lực đi đến “núi Chúa”. Thiên Chúa cũng tỏ mình cho ông một cách đặc biệt khi ông ở trên núi thánh của Ngài: Ngài không ở trong cơn động đất, không ở trong gió bão nhưng ở trong gió hiu hiu thổi. Thiên Chúa là Đấng rộng lòng thương xót, yêu thương bao la.
- Đức Giêsu là bánh từ trời
Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Ngài không chỉ hóa bánh ra nhiều, nhưng chính Ngài là bánh để nuôi con người. Người Do Thái không hiểu ý nghĩa điều Ngài muốn nói, nên đã phản bác: “Ông ta không phải là con bác thợ mộc Giuse sao? Chúng ta đều biết cha mẹ ông ta, vậy sao ông ta có thể nói ông ta từ trời xuống”. Họ không hiểu Đức Giêsu, nên họ không thể chấp nhận được điều Đức Giêsu mặc khải cho họ. Họ cho rằng Đức Giêsu nói ngoa!
Đức Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình ta, sẽ bị nộp vì các con”. Tấm bánh được bẻ ra, là của ăn nuôi sống con người. Đức Giêsu là người hơn ai hết thấy được giá trị của tấm bánh. Ngài nhận ra Thiên Chúa ban bánh nuôi sống con người. Ngài cũng là tấm bánh, được bẻ ra cho con người ăn. Ngài là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Ngài là sức sống những ai biết và tin vào Ngài. Với những ai tin Ngài là bánh từ trời xuống, là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người, người đó tìm được sức sống và sẽ không chết về thiêng liêng.
Không phải ai cũng hiểu được rằng Đức Giêsu là bánh từ trời xuống. Đa số những người Do Thái thời đó không hiểu. Khi bị phản đối, Đức Giêsu cũng nhận ra rằng: “không ai đến được với ta nếu không được Cha ta lôi kéo”. Điều Đức Giêsu nói với họ, không dễ để mà hiểu, phải có ơn đặc biệt để hiểu điều này. Phải tin vào Đức Giêsu để hiểu điều Ngài nói, để hiểu rằng Ngài là bánh ban sự sống. Đức Giêsu và cách sống của Ngài, là khuôn mẫu để con người noi theo, hầu con người sống hạnh phúc.
III. Hành xử như những người con đích thực của Thiên Chúa
Niềm tin vào Đức Giêsu sẽ giúp người ta sống như con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài tự hủy làm người, mang thân phận của con người như bất cứ ai khác. Khi con một vị vua sinh ra, người con đó sẽ sống trong hoàng cung và được mọi người kính trọng. Ngôi Lời nhập thể làm người, không ai biết vì không ai có thể nghĩ rằng Thiên Chúa lại làm người. Thế nên, cách người ta đối xử với Đức Giêsu là cách người ta đối xử với những người nghèo hèn nhất. Đức Giêsu mang thân phận người, giống như bất kỳ người thấp cổ bé miệng nào trên thế giới này.
Đức Giêsu sống như thế nào, cách hành xử của Ngài ra sao, trở thành mẫu gương cho những người tin vào Ngài sống. Ngài là sức sống cho con người. Ngài là bánh nuôi sống những người tin vào Ngài. Nét đặc biệt của Ngài là tự hủy. Nhờ Ngài tự hủy mà con người tìm được lẽ sống, tìm được hạnh phúc trong việc cho đi và phục vụ. Yêu thương là phục vụ và cho đi. Phục vụ như người tôi tớ, theo nhu cầu của người mình phục vụ. Yêu thương là cho đi, cho đi chính mình, như tấm bánh được bẻ ra, bị tiêu hao cho con người được sống.
Ngày nay, Thánh Thần Thiên Chúa vẫn đang ở với con người, vẫn đang hoạt động nơi mỗi người, giúp con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua chọn lựa sống vươn lên và yêu thương phục vụ anh chị em mình. Những ai tin vào Đức Giêsu được mời gọi để mở lòng lắng nghe và vâng phục Thánh Thần. “Đừng dập tắt Thần Khí” (1Tx. 5, 19), “Chớ làm phiền Thánh Thần” (Eph.4, 30). Thánh Thần Thiên Chúa đang làm mới thế giới này, đang làm mới lòng con người, và làm con người thuộc về Thiên Chúa. Sống theo Thần Khí là trở thành bánh cho con người theo gương mẫu Đức Giêsu Kitô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
- Theo kinh nghiệm sống của bạn, điều gì làm bạn tăng sức sống và phấn khởi?
- Có bao giờ Đức Giêsu làm bạn phấn khởi và ao ước làm lại cuộc đời không? Nếu có xin bạn chia sẻ.
7. Những lời thầm thì
(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)
Con đường Hiroshi Igarashi đến với Giáo hội bắt đầu từ trong tù, nơi anh được giới thiệu về Kitô giáo – và nhất là Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Anh có lòng sùng kính sâu sắc nữ thánh nhân này kể từ đó, và trong những ngày này anh dọn chỗ trên vách tường căn hộ nhỏ ở Tokyo để treo những bức ảnh của thánh nhân. Một số ảnh trước đây được anh treo trong phòng giam. Thường thì phạm nhân không được phép treo ảnh, nhưng Igarashi nài xin ban quản giáo và cuối cùng được phép. Có tiền án hình sự ba lần và gần 20 năm ngồi tù, Igarashi biết rõ thực trạng và tất cả các vấn đề trong tù.“Nhiều tù nhân bị cô lập và thiếu thốn tình thương. Điều mà những người này cần là có người hỗ trợ họ về mặt tình cảm, nhưng không có ai làm điều đó cả. Vì thế họ cảm thấy tuyệt vọng. Thời gian ở tù chỉ làm họ tổn thương thêm và khiến họ tồi tệ hơn.”
Igarashi nói ra những điều này từ kinh nghiệm của mình vì anh cũng đã từng cảm thấy tuyệt vọng. Khi anh bị bắt giam lần thứ ba, gia đình anh cắt đứt mọi liên hệ với anh. Anh đã nghĩ đến chuyện tự vẫn, nhưng ngay lúc đó có một người Brazil gốc Nhật vui tính bị cảnh sát bắt giam. Người này thường xuyên cầu nguyện và nói về Kinh Thánh cho Igarashi nghe.
Đó là lần đầu tiên Igarashi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Anh ấn tượng nhất là câu: “Saolô, Saolô sao ngươi lại bắt bớ ta?“ (Cv 9, 4) Đối với Igarashi, câu này nghe như thể Đức Kitô đang hỏi chính anh: “Sao con phạm tội chống Ta?” Đó là lúc anh trở lại đạo. Anh cầu nguyện hết lòng, lớn tiếng nói: “Con xin lỗi Chúa!”
Anh nhận ra khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Ngài chết thay cho anh trên đó và anh khóc nức nở. Một quản giáo nghĩ anh muốn tự tử, nên đã làm mọi việc có thể để an ủi con người tuyệt vọng này. Igarashi biết Mẹ Têrêsa cũng trong nhà tù, qua một quyển sách anh tình cờ đọc được. Anh lập tức tin rằng “con người này có thật” và muốn đi học hỏi nơi thánh nhân, mãi sau này anh mới biết ngài đã qua đời. May mắn thay, anh có cơ hội gặp được một số tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái do ngài sáng lập.
Anh gặp nhiều người khác trong Giáo hội trước khi mãn hạn tù, trong đó có các giám mục, linh mục và nữ tu. Đức cố Hồng y Seiichi S. Hirayanagi mở khóa học giáo lý tân tòng giới thiệu đức tin Công giáo cho anh. Một luật sư Tin Lành đã đứng ra bảo lãnh anh. Khi ra tù, Igarashi bắt đầu biến đức tin thành hành động thực tế bằng cách thành lập Nhà Mẹ. Đức Tổng giám mục Takeo Okada đích thân gửi thư chúc mừng. Trong những ngày này điện thoại bắt đầu reo từ sáng sớm đến suốt ngày, người ta gọi đến hỏi thông tin về Nhà Mẹ. Anh làm việc hết mình, phấn đấu noi theo con đường tình yêu của Mẹ Têrêsa. (Ucanews.com, Câu chuyện của một tù nhân Nhật và Chân phước Têrêsa)
Lời thầm thì của Chúa qua Tin Mừng đã tái sinh anh Hiroshi Igarashi ngay trong ngục tù. Cộng thêm gương chứng nhân của Mẹ Têrêsa đã tiếp sức cho anh cải tà quy chánh, làm lại cuộc đời mới. Câu chuyện của anh minh họa sống động Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Phàm ai nghe và dón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Nhưng dân Do Thái thời ấy lại thì thầm bất tín, bất bình Lời Chúa. Chỉ vì họ đố kỵ ganh ghét, chỉ vì theo tà tâm, mong đợi Đấng Messia theo khuôn mẫu, thần tượng, một anh hùng giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị La Mã, một đại ân nhân hào phóng cho họ thỏa thuê xôi thịt. Không được như ý, họ liền thì thầm ngấm ngầm chống báng Đức Giêsu.
Thầm thì đố kỵ
“Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống.” Dân Do Thái tỏ ra phản đối, chống lại Người, không phải không thấy những phép lạ nhãn tiền, hay không phải không được nghe những lời giảng dạy cao quý của Đức Giêsu, mà họ chỉ nại đến một lý do đơn giản đến bất ngờ: lý lịch của Người. Tầm thường, nghèo khó, xuất thân chẳng quyền cao, chức trọng, không danh tiếng, cũng chẳng xuất chúng. Cộng với tánh đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, làm sao họ chấp nhận Người trổi vượt họ cả trăm ngàn lần? Sao dám chấp nhận Người là Đấng Messia ngàn đời mơ ước?
Tuy nhiên, họ chỉ dám thầm thì vì danh bất chính ngôn bất thuận. Không dám nói to lên để tranh luận thẳng thắn, vì biết sẽ thua lý, thua tình. Vì ngay các luật sĩ, các tư tế, các thầy Biệt phái Pharisiêu cũng từng bị đuối lý, thua trắng tay, khi công khai tranh luận với Người về luật lệ, giáo lý, và nhất là về Kinh Thánh.
Đức Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thiên Chúa đặt vào lòng người từ khi sơ sinh, lương tâm cùng với tình cảm và trí khôn, để phân biệt đâu là sự lành, sự dữ, điều tốt, cái xấu, việc đúng, lỗi sai. Nhân chi sơ tánh bản thiện. Thiên Chúa giao cho mỗi người những vốn liếng cao quý đó, để có thể tự điều chỉnh, như lời ngôn sứ Isaia: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo.”(Is 54, 13)
Theo thời gian, lương tâm có thể thay đổi, biến dạng, lệch lạc vì chịu ảnh hưởng môi trường gia đình, giáo dục và xã hội, nhưng vẫn còn trí khôn có thể phán đoán, nhận biết lý lẽ, sự thật và vẫn còn con tim biết yêu chuộng, thích thú điều tốt lành, lánh xa điều dữ. Nên con người không thể dễ dàng tha hóa, nếu không cố tình sa đọa, cố ý gian tham, bất nhân, độc ác. Vậy chỉ vì sống vị kỷ, kiêu căng, tự phụ, nuông chiều theo ý riêng xác thịt, người ta mới bưng tai, bịt mắt, từ chối lý lẽ, sự thật, đường công chính, mà lìa xa Thiên Chúa, cội nguồn sự sống, tình yêu và lòng thương xót.
Thầm thì tà tâm
Sống trong không gian ba chiều, con người thường bị giam hãm, bị đóng khung trong tầm nhìn hữu hạn, thường hâm mộ những cái hữu hình to lớn, kỳ quan kiến trúc, công trình xây dựng quy mô, đồ sộ, phô trương, choáng ngợp, mà hầu như quên đi những gì bé nhỏ, tầm thường, tự nhiên và gần gũi, thân thiện, như sông biển, núi non, rừng thẳm, thiên nhiên hùng vĩ. Hay không muốn quan tâm, hướng đến những điều quan trọng hơn, cao siêu hơn, linh thiêng và bất biến, như Đấng Tạo Hóa. Vì coi thường, nên người ta không tiếc thương bạc đãi, khai thác, gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, để rồi chịu những cơn nổi giận của Mẹ Trái Đất bị xúc phạm, như mưa lũ, lụt lội, sạt lở, hạn hán, sóng thần,…
Con người tham lam khai thác đất đai đến kiệt quệ và sa mạc hóa. Không đoái hoài cho đất đai nghỉ ngơi, tái tạo độ phì nhiêu màu mỡ, như Luật dạy phải tuân thủ Năm Sabbat. (Lv 25, 1-7) Hiện nay, hàng vạn mẫu đất chuyên trồng cây bông bên Trung Quốc bị sa mạc hóa vì quá tận canh, tận thu, phá vỡ cân bằng sinh thái. Vì tà tâm, rủ nhau suy tôn, thờ lạy con bò vàng, thiên hạ bất tuân Lề Luật Thiên Chúa, mới thầm thì bất bình, bác bỏ, lìa xa Lời Chúa.
Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Thiên hạ đâu chịu nghe lời răn dạy của Thiên Chúa, nên dĩ nhiên xoay lưng lại Lời Đức Giêsu rao giảng, để bây giờ phải lãnh những hậu quả nhãn tiền.
Thầm thì chống đối
Người ta thầm thì chống báng, cũng chỉ vì cái tôi quá lớn, kiêu căng cao ngất trời xanh, che khuất cả vầng sáng mặt trời rực rỡ, nên tự hóa ra tối tăm, hẹp hòi, hoang tưởng, u mê như ếch ngồi đáy giếng. Chỉ nhìn thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình, thì lại không để ý tới (Lc 6, 41)
Vẫn biết cơ cấu tổ chức nào cũng đều bất cập, bất toàn, kể cả Tòa Thánh Vatican, vẫn biết cá nhân các đấng bậc, từ Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ, đến Giáo dân nam nữ, trẻ già, đều là con người, không thể vẹn toàn đức hạnh, thánh thiện, nhưng thiên hạ vẫn nại cớ vào đó để bài bác Nước Chúa. Không những không tin, hay nhẹ tin, hoặc nghi kỵ, bất tuân phục giáo lý Chúa, mà còn báng bổ, đả kích và xúc phạm thô bạo, vì những thiếu sót, những bất cập trong Giáo hội Công Giáo. Ngụy biện, suy diễn, quy nạp những tiểu tiết, chuyện nhỏ, mà vô tình hay hữu ý bác bỏ những điều vĩ đại vô song của đạo Chúa, như Tình Yêu Cứu Chuộc, Lòng Thương Xót bao dung và quảng đại của Thiên Chúa, thì còn gì đáng chê trách hơn?
Chẳng hề chấp nhất những lời thì thầm của thiên hạ bất bình, bất kính, lẫn bất mãn, vụng trộm kích động, phản đối, xúi giục, xúc phạm, Đức Giêsu vẫn điềm đạm dạy bảo toàn dân: “Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.
Chớ thì thầm với nhau
Đức Giêsu ôn tồn khuyên, đừng thì thầm đố kỵ, tà tâm hay chống đối, mà hãy hoàn toàn tin cậy và phó thác vào Người, để được ban sự sống. Hơn nữa Người còn tự hiến thân, hy sinh trở nên tấm bánh dưỡng nuôi và che chở con người lữ hành trên đường hy vọng. “Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết.” Lời Chúa và Mỉnh Máu Chúa đã trở nên lương thực trường sinh, bất tử cho những ai đói khát sự công chính, sự thật và sức sống viên mãn.
“Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng “mầu nhiệm Đức Tin,” và ban sức mạnh đức tin cho con.” (Đường Hy Vọng, số 373)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một xã hội bát nháo, cơ hội, duy vật, thực dụng, ráo riết chối bỏ và chống báng Thiên Chúa, trong môi trường chỉ biết cúc cung bái thờ lạy cái bụng mà thôi. Kính xin Lời Chúa đến thức tỉnh, cảnh giác, giải thoát chúng con khỏi những tiếng thì thầm êm ái, ngọt ngào quyến rũ đến chết người. Xin ban Thánh Thể đến cải hóa, đổi mới và tăng sức mạnh cho chúng con can đảm dấn thân đi theo Chúa trọn đời.
Lạy Mẹ Maria Thánh Thể, kính xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ đường dẫn lối chúng con trung kiên đi theo Chúa, thoát khỏi những cạm bẫy của thân xác, thế gian và ma quỷ, đố kỵ, tà tâm, bất mãn giăng lên khắp ngả đường. Amen.
8. Thực phẩm trường sinh
(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)
Khái niệm thực phẩm chức năng (Functional foods *) được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 1980, để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng, nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng. Theo Viện Khoa học và Đời sống Quốc tế (International Life Science Institute – ILSI) thì thực phẩm chức năng là những thực phẩm, hay thành phần của chế độ ăn có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ nhiều hơn giá trị dinh dưỡng cơ bản. Thực phẩm chức năng có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất “chức năng”.
Hiện nay các nước phát triển có xu hướng ưa chuộng dùng các TPCN hơn dùng thuốc. Chính vì vậy, đa số các tập đoàn sản xuất thuốc đang chuyển sang sản xuất TPCN và tìm được đối tượng tiêu thụ lớn hơn. Theo dự báo của chuyên gia, thì “thức ăn của con người trong thế kỷ 21 là TPCN”. Thức ăn không chỉ đảm bảo đủ calo, ăn ngon ăn sạch, mà còn phải được bổ sung các hoạt chất sinh học nguồn gốc tự nhiên cần cho sức khỏe và sắc đẹp, không chỉ có tác dụng phòng một số bệnh, mà còn tạo ra cho con người khả năng miễn dịch chống sự lão hóa và điều khiển được chức năng của từng hệ cơ quan trong cơ thể. (Wikipedia)
Dẫu thế, thực phẩm chức năng cũng chỉ có thể giúp con người chậm trễ đến cái chết, chứ không thể giúp vượt qua cái chết. Trong khi Chúa Giêsu lại giới thiệu một thực phẩm đặc biệt, không có gì sánh nổi, để nuôi dưỡng con người chiến thắng sự chết.
1- Bánh Thiên Sai
Trong sách Các Vua, quyển thứ nhất, hình ảnh Tiên tri Elia buông xuôi, chờ chết, được cứu sống bởi bánh từ trời, dẫn tín hữu đến gần với Bánh Từ Trời chánh thức giá trị vô song, đó chính là Đức Chúa Giêsu nhập thế. Người công khai mặc khải: “Tôi là Bánh Hằng Sống. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh nầy là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.” (Ga 6, 48 – 49)
Với tình yêu vô biên, lòng thương xót hải hà, Chúa Giêsu lấy chính thân mình, tự dâng hiến trở thành lương thực cứu rỗi con người khỏi cái chết mục nát. Hơn nữa, còn ban cho đời sống vĩnh cửu.
2- Bánh Lời Chúa
Lời Chúa cũng được coi là Bánh Hằng Sống như ngôn sứ Amos đã cảnh báo dân Chúa: Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa. (Am 8, 11)
Bởi vì “Lời Chúa là là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng đường con đi” (TV 118,115).
Hơn nữa Chính Đấng Thiên Sai còn xác nhận công khai: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)
Những lời khẳng định trên đều cho thấy, Lời Chúa là tấm Bánh không thể nào thiếu trong cuộc đời sống đạo ngày hôm nay, để giao hòa và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, hầu được cứu rỗi khỏi cạm bẫy thế gian.
3- Bánh Thánh Thể
Trước phong ba sự dữ dồn dập tấn công hiện nay, nhân đức Tin, Cậy, Mến cũng dễ bị chao đảo, sa sút hay khủng hoảng, nếu không có siêu lương thực Mình Máu Chúa dưỡng nuôi, cứu giúp và tăng lực. Bởi chưng chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã chính thức công khai tiết lộ cho con người sự hào phóng vô biên: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”(Ga 6, 51)
Thánh Thể mặc khải cho trí hiểu biết Mầu Nhiệm nước trời sẽ đến sau này và sát nhập dân Chúa vào Mầu Nhiệm nước trời. Đức Tin không thể tồn tại nơi người Công Giáo sống ngoài Thánh Thể. (ĐHV, 379)
Lạy Chúa Giê su, con xin cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng, vì đã ban cho con Bánh Trường Sinh, để con được sống viên mãn.
Lạy Mẹ Maria, con xin hiệp ý cùng Mẹ trong kinh Magnificat, để tán dương, tri ân Thiên Chúa đã ban cho con lương thực Trường Sinh, hầu vững bước về Quê Trời. Amen.
(*) Functional foods, Food suplement, Alicaments, Nutraceutics.
9. Tin Chúa sẽ được sống muôn đời
Anh chị em thân mến!
Chúng ta không phủ nhận sự kiện có nhiều người muốn chối bỏ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa mà họ đang nắm giữ chưa phải là Thiên Chúa thật, đó mới chỉ là một phác họa của trí tưởng tượng, một phản ứng của những ước muốn nơi con người. Không chiều theo sở thích của họ thì họ sẽ sẵn sàng chối bỏ. Muốn khám phá ra một Thiên Chúa thật, con người phải tìm về cội nguồn là Đức Kitô, như lời dạy của Ngài qua tường thuật của thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Thật thế, có nhiều cách nghe và nhiều cách phản ứng trước điều đã nghe. Có người nghe để rồi phê bình chỉ trích, có người nghe rồi chán nản bực mình, nghe để khiếp sợ xa lánh hoặc nghe chỉ vì không có cơ hội để nói. Tất cả các cách nghe này đều không phải là cách nghe mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ: “Ai nghe và học nơi Cha thì đến với Ta”.
Nghe và học là đáp trả đối với tình yêu Thiên Chúa. Vì Lời của Thiên Chúa như mưa tuyết từ trời sa xuống, nó sẽ không trở lên trời lại nếu đã không thấm nhuần đất đai, nếu không làm cho đất đai sinh sản nẩy mầm và cho người gieo có giống cùng cơm bánh cho người ta ăn.
Lời Chúa là lời phát sinh hiệu quả. Hiệu quả ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc kết tinh của ước muốn. Nếu chỉ gặt hái được những kết quả như thế khi tiếp xúc với Thiên Chúa, sớm muộn gì con người cũng sẽ chối bỏ Ngài.
Muốn gặp được Thiên Chúa thật, con người phải đến với Đức Giêsu: “Không ai xem thấy Cha trừ ra Đấng bởi từ Thiên Chúa Cha mà ra. Đấng ấy đã thấy Cha và Đấng ấy cũng là Thiên Chúa”.
Tìm đến với Ngài là tìm gặp được Thiên Chúa. Nghe và học ở nơi Ngài không chỉ là việc tiếp nhận từ Ngài các kiến thức khô khan, như các công thức toán học, vật lý hoặc văn chương triết học. Nghe và học ở Ngài là đón nhận cả con người của Ngài. Thân thể Ngài trở nên của ăn, Máu Ngài trở nên của uống nuôi sống trần gian: “Ai đến với Ngài sẽ không hề đói. Ai tin vào Ngài sẽ không hề khát bao giờ”.
Con người vẫn còn than trách hoặc chối từ Thiên Chúa, vì họ còn giữ mãi cho mình hình ảnh của một Thiên Chúa do họ nắn tạo ra. Cần phải phá bỏ hình ảnh đó đi, họ mới có cơ may gặp được Thiên Chúa thật. Người Do Thái đã không từ chối hình ảnh của Đấng Cứu Thế theo những gì họ nghĩ tưởng. Thế nên, đứng trước một Đấng Cứu Thế thật, họ cũng chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Biệt phái nghe để phê bình, luật sĩ nhìn để bắt bẻ, thì làm sao có thể nghe và nhìn để học hỏi nơi Đức Giêsu. Người tín hữu hôm nay cũng thế, nếu không biết nghe và học, họ sẽ không gặp được Thiên Chúa. Nghe và học đòi buộc họ phải đến với Chúa Giêsu, đến với Ngài đòi buộc họ phải đón nhận Ngài. Vì hiểu biết Thiên Chúa không phải chỉ là mớ kiến thức, nhưng hiểu biết về Ngài là một cảm nghiệm, một đối thoại trao đổi không ngừng.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta vượt qua hình ảnh về Thiên Chúa mà bấy lâu nay mỗi người trong chúng ta đã đúc sẵn cho mình. Có thể đó là một Thiên Chúa nhớ đến lúc nguy nan hoặc như nhãn hiệu gắn bên ngoài để che mắt người đời. Có như thế, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa thật, Đấng hằng mong chờ chúng ta đến để sống với Ngài, để hưởng sự sống đời đời bên Ngài. Amen.
10. Bí quyết trường sinh – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ – Thiên Phúc)
Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 2.000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đấy đã khám phá ra bí quyết trường sinh.
Tần Thủy Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.
Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân Hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết đi.
***
Trường sinh bất tử là ước mơ ngàn đời của con người. Cứ mỗi lần một người thân giã từ cõi thế, thì ước mơ được sống mãi lại càng dày vò con người dữ dội hơn. Nên không lạ gì khi Đức Giêsu nói về cuộc sống trường sinh thì mọi người tuôn đến như đi tìm kho báu.
Nhưng mầu nhiệm về “Sự sống đời đời” lại rất xa tầm trí mọn của đám dân chúng. Đức Giêsu không giúp họ thoát khỏi cái chết của thân xác, vì chính Người cũng vui lòng chết như mọi người. Nhưng Người cứu họ thoát khỏi cái chết của linh hồn: cái chết vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa và hoàn toàn ly biệt với tha nhân, cái chết đi vào trầm luân muôn kiếp, cái chết dẫn đến cõi tiêu diệt muôn đời.
Cuộc sống vĩnh cửu ấy, hôm nay Đức Giêsu đã mạc khải: “Ta là Bánh ban Sự Sống… Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga.6,47). Vậy bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng khó nhọc đi tìm kiếm tận các đảo thần tiên, lúc nào cũng hiện diện trước mặt chúng ta, trong mọi thánh đường Công giáo. Chính là Đức Giêsu nguồn mạch trường sinh.
Người đang hiện diện với chúng ta bằng thần trí Người: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ” (Mt.18,20).
Người còn hiện diện với chúng ta qua Lời Chúa. Lời mà Người nói cách đây 2000 năm cũng chính là Lời Người đang nói với chúng ta trong tin mừng.
Người hiện diện với chúng ta qua các linh mục trong lúc giảng dạy và trong khi cử hành các Bí tích: “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc.10,16).
Đặc biệt Người hiện diện thực sự với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể: “Ta là bánh hằng sống… Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” (Ga.6,52).
Như vậy, “Sự sống đời đời” không phải là chuyện viễn vông xa vời, nhưng là một thực tại đang triển nở trong đời sống người tín hữu. Mỗi thánh lễ là một bàn tiệc nuôi dưỡng linh hồn đưa ta về chốn trường sinh.
***
Lạy Đức Giêsu, như Tấm Bánh Thánh xin cho tâm hồn chúng con nên trong trắng, cố xa tránh những ô uế cho dù nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.
Xin cho tâm hồn chúng con nên khiêm hạ nhỏ bé, nhưng luôn bày tỏ một tình yêu lớn lao.
Và cho tâm hồn chúng con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam