Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1379873

BÁNH VÀ CÁ

BÁNH VÀ CÁ- Chú giải mục vụ của  William Barclay

Có những lúc Chúa Giêsu muốn tránh khỏi đám đông. Ngài bị căng thẳng liên tục nên cần được nghỉ ngơi. Hơn nữa, đôi lúc Ngài cần ở riêng với các môn đệ để hướng dẫn họ hiểu biết sâu nhiệm hơn về chính Ngài. Ngài cũng cần có thì giờ để cầu nguyện. Trong cơ hội đặc biệt này, tốt nhất là tránh đi xa trước khi xảy ra sự va chạm với các người cầm quyền, vì thời điểm xung đột cuối cùng vẫn chưa đến.

Chúa Giêsu xuống thuyền và ra đi. Từ Caphacnaum qua bên kia bờ biển Galilê cách chừng bốn dặm. Dân chúng đã chứng kiến những điều lạ lùng Ngài làm, nên họ vội vã chạy vòng theo dọc bờ qua mé bên kia, vì rất dễ thấy hướng thuyền Chúa đi. Sông Giođan chảy vào mạn bắc biển hồ Galilê. Cách đó hai dặm về phía thượng lưu, có chỗ cạn. Gần chỗ cạn này, có một làng, gọi là Bétxaiđa để phân biệt với làng Bétxaiđa khác ở Galilê, và Chúa Giêsu đang nhắm đi đến điểm ấy (Lc 9,10). Gần Bétxaiđa có một cách đồng nhỏ cạnh bờ biển, lúc nào cũng có cỏ xanh, tên là Enbatigia. Đó là nơi phép lạ này xảy ra.

Thoạt tiên Chúa Giêsu đi lên ngọn đồi phía sau cánh đồng và ngồi với các môn đệ. Đám đông bắt đầu xuất hiện. Họ đã đi thật nhanh, vượt qua chín dặm đường vòng lên phía trên biển hồ, qua chỗ sông cạn mới đến nơi. Gioan cho biết lúc ấy đã gần đến Lễ Vượt Qua, nên các nẻo đường chắc có đông người bình thường. Có thể là nhiều người đang theo con đường ấy lên thành Giêrusalem. Nhiều khách hành hương từ Galilê lên phía bắc, vượt chỗ sông cạn, qua Bêrê đi xuống phía nam, rồi trở lại bên này sông Giođan gần Giêricô để đến Giêrusalem. Con đường đó dài hơn, nhưng tránh được vùng đất của dân Samari mà họ rất ghét. Dường như đám đông này càng ngày càng đông thêm, do số khách hành hương đang trên đường đi dự Lễ Vượt Qua.

Khi thấy đoàn người đông đảo ấy, Chúa Giêsu động lòng thương xót. Họ đang đói và mệt, phải cho họ ăn. Ngài quay sang Philipphê là điều tự nhiên, vì quê ông ở Bétxaiđa (Ga 1,44), ông biết rõ địa phương này. Ngài hỏi ông có thể đi tìm thức ăn ở đâu. Câu trả lời của ông đầy thất vọng, ông bảo cho dù có đi tìm được thức ăn đi nữa cùng phải tốn hơn hai trăm đồng mới đủ cho đám đông đó, mỗi người một ít. Một đồng là tiền lương một ngày của một công nhân. Theo tính toán của ông, phải có hơn sáu tháng lương của một công nhân mới dám nghĩ đến chuyện cho một đám đông như thế ăn mỗi người một chút.

Bấy giờ, Anrê xuất hiện. Ông đã phát hiện được một cậu bé có năm chiếc bánh lúa mạch với hai con cá. Chắc cậu bé đi chơi và mang theo các món ấy để ăn. Rồi như mọi trẻ nhỏ, cậu bị lôi cuốn nhập theo đám đông. Anrê có tính tốt là thường đưa người khác đến giới thiệu với Chúa.

Thức ăn cậu bé mang theo chẳng bao nhiêu. Bánh lúa mạch là loại bánh rẻ tiền nhất, bị coi thường. Trong kinh Mishnah có một điều về lễ vật mà một người đàn bà phạm tội ngoại tình phải dâng. Dĩ nhiên, người đó phải dâng lễ chuộc tội. Thêm vào đó là lễ chay gồm bột, rượu và dầu trộn lẫn với nhau. Thông thường bột dùng là bột mì, nhưng theo luật định cho trường hợp dâng lễ vật vì tội ngoại tình, thì bột có thể là bột lúa mạch, là thức ăn gia súc, và tội ngoại tình của người đàn bà là tội của súc vật. Bánh lúa mạch là bánh của người thật nghèo.

Còn cá chắc chẳng lớn hơn cá nục. Cá muối xứ Galilê vốn nổi tiếng khắp Roma. Vào thời đó, cá tươi là xa xỉ phẩm, ít có, vì không có phương tiện chuyên chở đi xa và khó bảo quản tươi được. Những loại cá nhỏ như cá nục thì nhiều vô kể trong biển Galilê. Người ta đánh bắt, sau đó đem muối. Cậu bé cũng có cá muối nhỏ để nuốt cho trôi khẩu phần bánh lúa mạch khô khan.

Chúa Giêsu bảo các môn đệ cho đám đông ngồi xuống. Ngài cầm lấy bánh và Ngài chúc phúc. Khi hành động như thế là Ngài đã làm như một người cha trong gia đình. Lời tạ ơn mà Ngài dâng lên là câu thông thường vẫn được người Do Thái sử dụng trong mỗi nhà: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con tạ ơn Ngài, Đấng đã khiến đất sinh ra bánh”. Đám đông được ăn no nê. Ngay đến từ no nê cũng rất gợi ý. Theo nguyên văn tiếng Hy Lạp cổ, chữ đó chỉ việc cho súc vật ăn rơm, và khi dùng cho người có nghĩa là ăn no đến ngán.

Khi dân chúng đã no rồi, Chúa Giêsu dạy các môn đệ thu nhặt những mẩu bánh vụn còn thừa. Tại sao lại có các mẩu bánh vụn? Theo phong tục Do Thái, khi ăn tiệc người ta có thói quen để lại chút gì đó cho các đầy tớ giúp việc. Phần thừa đó được gọi là Peah, chắc đám đông đó đã để lại phần thường lệ cho số người đã phục vụ họ trong bữa ăn.

Số thức ăn còn dư thừa, người ta đã lượm được mười hai giỏ đầy. Chắc mỗi môn đệ đều có một giỏ (kophinos). Các giỏ ở đây có hình giống cái chai, người Do Thái luôn đem theo cái giỏ này khi đi đường. Sách Juvenal (3,14; 6,542) hai lần nói về “người Do Thái với cái giỏ và cuộn rơm” (gói cỏ khô dùng làm đệm nằm, vì rất nhiều người Do Thái sống đời du mục). Người Do Thái với chiếc giỏ bất ly thân là một hình ảnh rất đặc trưng. Một mặt vì cá tính hay thu nhặt, mặt khác vì họ phải đem theo khẩu phần của mình để giữ đúng luật Do Thái về vấn đề tinh sạch và không tinh sạch. Với các thức ăn còn thừa, mỗi môn đệ đều nhặt đầy giỏ mình. Thế là cả đám đông đã được ăn no nê, dư dật.

Ý NGHĨA CỦA MỘT PHÉP LẠ

Có ba cách người ta nhìn và giải thích phép lạ này.

-Chúng ta có thể xem phép lạ này là một việc có thực, xảy ra đúng như nghĩa đen là Chúa Giêsu đã làm cho bánh và cá của em bé tăng lên cho hơn năm ngàn người ăn và còn dư đến mười hai giỏ. Câu 5 cho biết khi nhìn thấy đoàn dân đông đảo đến cùng mình, Chúa Giêsu đặt vấn đề thức ăn cho họ với Philipphê ngay. Phần tường thuật trong Phúc Âm Mc 6,34-38 ghi lại: Chúa động lòng thương “vì họ như chiên không có người chăn”. Ngài dạy dỗ, lo cho họ thức ăn tâm linh xong, lại truyền cho các môn đệ “anh em cứ bảo người ta ngồi xuống”. Lòng trắc ẩn sâu xa trong Chúa Kitô không thể chối từ hay lơ là một nhu cầu thể chất và tâm linh lớn lao của đoàn dân lúc bấy giờ. Do đó phép lạ này xảy ra như dân chúng đã chứng kiến, và Gioan ghi lại trong câu 14.

Tuy nhiên, có người cũng đặt câu hỏi, tại sao Chúa Giêsu từ chối hóa đá thành bánh trong lúc ma quỷ cám dỗ (Mt 4,3-4). Thật ra, Chúa Giêsu làm phép lạ để bày tỏ vinh hiển và quyền năng Thiên Chúa, và đáp ứng nhu cầu đích thực của một người hoặc một đám đông dân chúng. Chúa không ích kỷ để chỉ thấy lợi riêng. Ngài đang bị đói sau 40 ngày không ăn. Đây là điều mà mỗi chúng ta cần bén nhạy, nhìn thấy rõ vấn đề, khi làm bất cứ công tác hoặc chương trình gì: (a) Công tác đó có tôn vinh, làm sáng danh Chúa không? (b) Nhằm thỏa đáng nhu cầu lớn lao của công việc nhà Chúa, của cộng đoàn, hay chỉ vì lợi ích riêng của cá nhân, của đoàn thể mình, hoặc chỉ làm “để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”. Từ câu hỏi trên, chúng ta cũng có thể giải thích hai cách khác nhau sau đây:

-Đây có thể là bữa Tiệc Thánh. Vì trong phần kế tiếp lúc nói về ăn Thịt và uống Máu Ngài, ngôn ngữ Chúa dùng đúng là ngôn ngữ của bữa Tiệc Thánh. Có thể trong bữa ăn này, mỗi người chỉ nhận một mẩu bánh nhỏ như bánh của Tiệc Thánh, và sự cảm xúc về sự hiện diện của Chúa Giêsu cùng sự thực hữu của Thiên Chúa đã biến những miếng bánh thành thức ăn bổ dưỡng cho tấm lòng và linh hồn của họ, như trong Tiệc Thánh chúng ta ngày nay.

-Cũng có một lối giải thích thật dễ thương khác như sau. Khó có thể nghĩ rằng đám người theo Chúa suốt mười lăm cây số mà không chuẩn bị lương thực gì. Nếu có thêm những người hành hương nữa thì chắc chắn họ phải có đem theo bánh để ăn riêng, chẳng ai muốn đưa bánh mình ra. Lúc ấy Chúa Giêsu với nụ cười trên môi, đưa số bánh của Ngài và các môn đệ ra, Ngài tạ ơn Thiên Chúa rồi bẻ ra phân chia cho mọi người. Đám đông thấy thế cảm động, ai nấy đều đưa thức ăn của mình ra. Cuối cùng thì mọi người đều được ăn no nê và còn dư nữa. Có thể đây là phép lạ trong đó sự hiện diện của Chúa Giêsu đã biến đám động ích kỷ thành một tập thể những người biết chia sẻ cho nhau. Câu chuyện này tượng trưng cho một phép lạ lớn hơn, đó là phép lạ thay đổi lòng người.

Dù hiểu thế nào đi nữa thì cũng cần phải lưu ý đến một số nhân vật.

Anrê: có sự tương phản giữa Anrê và Philipphê. Philipphê nói: “Hoàn cảnh thật là tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được cả. “Anrê thì nói: “Để tôi coi có thể làm gì, và phần còn lại tôi trao cho Thầy mình làm”. Chính Anrê đã đưa cậu bé đến Chúa Giêsu. Chúng ta không thể biết được sẽ có gì xảy ra khi đưa một người nào đó đến với Chúa Giêsu. Nếu cha mẹ giáo dục con cái mình trong sự nhận biết, yêu thương, kính sợ Chúa, biết đâu một ngày nào đó đứa con sẽ có thể làm được những việc lớn lao cho Thiên Chúa và loài người. Khi một giáo lý viên đem một em bé đến với Chúa Giêsu, không ai biết được một ngày kia, em bé ấy sẽ làm được gì cho Chúa Giêsu và Hội Thánh. Có một câu chuyện kể rằng, một giáo lý viên người Đức mỗi sáng bước vào lớp học của mình đều trịnh trọng ngả mũ chào cả lớp. Có người hỏi tại sao ông làm như thế, ông đáp: “Có ai biết được một ngày nào đó, một trong các em đây sẽ làm nên công trạng”. Ông đã nói đúng.

Cậu bé: Cậu bé chẳng có gì nhiều để dâng cho Chúa. Nhưng với lễ vật đơn sơ của cậu, Chúa Giêsu đã có chất liệu để thực hiện phép lạ. Nếu cậu cứ giữ lại bánh và cá cho riêng mình, thì sao?

Chúa Giêsu cần những gì chúng ta đem đến cho Ngài. Ngài không cần mỗi chúng ta mang đến thật nhiều, nhưng cần những gì chúng ta đang có. Có thể là thế giới đã không nhận được phép lạ này đến phép lạ khác, chiến thắng này để chiến thắng khác, chỉ vì chúng ta đã không chịu đem đến cho Chúa những gì mình có, không chịu đến với Chúa bằng chính con người hiện tại của mình. Nếu chúng ta bằng lòng dâng chính mình trên bàn thờ để phục vụ Chúa Giêsu thì Ngài dùng chúng ta. Có thể chúng ta hối tiếc và hổ thẹn vì mình không có gì nhiều để dâng, hối tiếc và hổ thẹn như vậy là đúng. Nhưng chúng ta không có lý do gì để từ chối dâng cho Ngài những gì mình có. Dù ít, bao giờ cũng thành nhiều trong tay Chúa.

ĐÁP ỨNG CỦA ĐÁM ĐÔNG

Đến đây, chúng ta thấy phản ứng của đám đông. Dân Do Thái đang trông chờ vị ngôn sứ mà Môsê đã hứa. “Từ giữa anh em ngươi, Đức Chúa và là Thiên Chúa ngươi sẽ lập nên một Đấng ngôn sứ như ta, các ngươi hãy theo Đấng ấy”. (Đnl 18,15). Dân Do Thái đang trông đợi Đấng Mêsia, Đấng được chọn của Thiên Chúa. Qua cả lịch sử, họ đã chờ đợi và đến bây giờ vẫn còn chờ đợi. Lúc ấy tại Bétxaiđa Giulia, họ đã sẵn sàng thừa nhận Chúa Giêsu là ngôn sứ đã được hứa ban, và biểu tình tung hô, tôn Ngài lên nắm chính quyền. Nhưng chẳng bao lâu sau, một đám đông khác lại reo hò: “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” Tại sao lúc đó đám đông lại hoan hô Chúa Giêsu?

Họ nhiệt tình ủng hộ Chúa Giêsu vì Ngài đã ban điều họ muốn. Ngài đã chữa bệnh tật, đã cho ăn no nê nên họ muốn tôn Ngài lên làm lãnh tụ. Ngài ta có thể mua được lòng trung thành theo cách đó, một sự trung thành lệ thuộc vào ân huệ, tặng vật, hay nói rõ hơn là bằng của hối lộ. Người ta có thể mua được tình thương theo cách đó, một tình thương bởi thức ăn thức uống. Trong những giây phút cay cú nhất, tiến sĩ Johnson đã định nghĩa lòng biết ơn là “một cảm thức sinh động về những ân huệ mà người ta hy vọng sẽ còn được nhận thêm”.

Thái độ của đám đông làm chúng ta ghê tởm. Nhưng chúng ta có hơn họ? Mỗi chúng ta muốn được an ủi khi đau buồn, muốn có sức mạnh khi gặp khó khăn, muốn được bình an trong cơn xáo trộn, muốn được sự trợ giúp lúc đời mình xuống dốc, thì chẳng hề có ai kỳ diệu bằng Chúa Giêsu, và chúng ta đến nói chuyện với Ngài, đi cùng Ngài, mở lòng mình ra cho Ngài. Nhưng khi Ngài đến cùng chúng ta với một đòi hỏi hy sinh, với một thách thức nỗ lực, với đề nghị vác thập giá, thì bấy giờ chúng ta chẳng muốn liên hệ gì với ngài. Nếu tự xét lòng mình, chúng ta sẽ thấy mình cũng chỉ yêu mến Chúa Giêsu vì những gì mình nhận được từ Ngài, còn khi Ngài đến với chúng ta bằng những thách thức, những đòi hỏi quan trọng, chúng ta lờ đi, có khi còn tỏ ra oán ghét, chống lại sự quấy rầy và đòi hỏi của Ngài.

Một lý do nữa để họ tung hô Chúa Giêsu là vì họ muốn lợi dụng Ngài cho mục đích riêng của họ, uốn nắn Ngài theo các ước mơ của họ. Họ đang trông chờ Đấng Mêsia theo ý riêng của họ. Họ tìm một Đấng Mêsia để làm vua và làm nhà chinh phục. Đấng đó sẽ đặt chân lên cổ chim phương hoàng và đánh đuổi người Roma khỏi xứ Palestine, sẽ thay đổi tình thế của Israel từ một nước bị trị thành một cường quốc thế giới, sẽ giải phóng họ khỏi số phận bị chiếm đóng để nâng lên thành một dân tộc đi chiếm đóng nhiều xứ khác. Họ đã chứng kiến những gì Chúa Giêsu làm và họ nghĩ: “Người này có quyền phép kỳ diệu lạ lùng. Nếu chúng ta ép được ông theo các giấc mơ, kế hoạch của chúng ta thì mọi sự sẽ bắt đầu xảy ra theo như điều chúng ta muốn”. Nếu thành thật, chắc họ đã phải thú nhận họ muốn lợi dụng Chúa Giêsu.

Một lần nữa, chúng ta có gì khác họ chăng? Khi chúng ta kêu cầu Chúa, có phải là để được sức lực tiếp tục thực hiện các mưu đồ, ý định của mình không? Hay là để có sự khiêm nhường, vâng phục, chấp nhận các chương trình, ý muốn của Ngài? Lời cầu nguyện của chúng ta là: “Lạy Chúa, xin ban cho con năng lực để thực hiện những điều Ngài muốn con làm” hay “Lạy Chúa, xin ban cho con năng lực để thực hiện điều con muốn làm?”.

Đám đông dân chúng theo Chúa lúc đó vì Ngài đã ban điều họ muốn, và họ ao ước sử dụng Ngài theo mục đích riêng của họ. Thái độ ấy ngày nay vẫn còn. Chúng ta muốn các tặng vật của Chúa mà không muốn thập giá, chúng ta muốn sử dụng Chúa thay vì để Ngài sử dụng chúng ta.

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- Năm B

CHÚA NUÔI DƯỠNG DÂN NGÀI- Lm. Carolo Hồ Bặc Xái

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I (2 V 4,42-44) : Ngôn sứ Êlisê làm cho bánh hóa ra nhiều.

– Đáp ca (Tv 144) : “Chúa mở rộng bàn tay và thi ân cho chúng tôi được no nê”.

– Tin Mừng (Ga 6,1-15) : Đức Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều.

DẪN VÀO THÁNH  LỄ

Anh chị em thân mến

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều. Có lẽ chúng ta ao ước phải chi mình là người cùng thời với Đức Giêsu để cũng được ăn bánh no nê như dân do thái xưa. Thực ra phép lạ này ngày nay vẫn được tái diễn trong Thánh Lễ. Dự Thánh lễ là quy tụ quanh Đức Giêsu như dân do thái này xưa, Rước lễ là được ăn thứ lương thực kỳ diệu quý hơn cả manna của dân do thái.

Chúng ta hãy tham dự Thánh lễ này trong tâm tình sốt mến tạ ơn.

GỢI Ý SÁM HỐI

– Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta lười biếng tham dự Thánh lễ.

– Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta rước lễ không xứng đáng.

– Xin Chúa tha thứ vì chúng ta ích kỷ không chia xẻ với anh chị em chúng ta.

LỜI CHÚA

Bài đọc I (2 V 4,42-44)

Ngôn sứ Êlisê đã làm phép lạ 20 chiếc bánh lúa mạch hóa nên nhiều cho 100 người ăn no nê.

Đáp ca (Tv 144)

Tv này mô tả Thiên Chúa như một vị vua lý tưởng. Một vị Vua tốt luôn chăm lo đến đời sống của thần dân mình, nhờ đó mọi người đều có thức ăn đúng giờ và luôn no nê. “Chúa mở rộng bàn tay và thi ân cho chúng tôi được no nê”.

Tin Mừng (Ga 6,1-15)

Phép lạ hóa bánh ra nhiều theo cách tường thuật của Thánh Gioan có một số chi tiết mang ý nghĩa đặc biệt :

– Phép lạ này diễn ra trong thời gian lễ Vượt Qua. Chi tiết này nhằm cho thấy thứ lương thực mà Đức Giêsu ban cho dân chúng trổi vượt thứ manna mà dân do thái được ăn trong thời gian ở sa mạc.

– Không phải dân chúng xin Đức Giêsu, cũng không phải các môn đệ can thiệp, mà chính Đức Giêsu thấy dân chúng đói và chính Ngài gợi ý tìm thức ăn cho họ.

– Đức Giêsu làm phép lạ này từ phần đóng góp 5 chiếc bánh và hai con cá của một em bé.

– Lương thực được phân phát qua trung gian của các tông đồ.

Bài đọc II (Êp 4,1-6)

Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Êphêxô sống hòa thuận hiệp nhất với nhau.

– Lời kêu gọi này rất tha thiết, bởi vì lúc đó Phaolô đang ngồi tù mà vẫn phải băn khoăn lo lắng cho họ.

– Muốn hòa thuận hiệp nhất thì phải khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại và chịu đựng nhau.

– Lý do phải hoà thuận và hiệp nhất là vì mọi người cùng một thân thể, một tinh thần, một niềm hy vọng, một phép rửa, một đức tin và một Thiên Chúa là Cha.

GỢI Ý GIẢNG

* 1. Lòng rộng rãi của Chúa

Phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình bóng của bí tích Thánh Thể. Nhưng trước khi là hình bóng đó, tự nó, phép lạ này cũng có một ý nghĩa được nhiên, nó biểu lộ tấm lòng rộng rãi của Chúa đối với loài người.

Thánh Gioan ghi lại rất nhiều chi tiết về lòng rộng rãi ấy :

– Trước đó Đức Giêsu đã chữa cho rất nhiều người bệnh tật.

– Chính Đức Giêsu ngước mắt nhìn dân chúng và Ngài biết họ đói, chính Ngài nẩy ra ý định kiến cái gì cho họ ăn.

– Chẳng những Ngài lo cho họ ăn no, mà còn thừa thải.

– Chi tiết Đức Giêsu bảo họ ngồi xuống trên thảm cỏ là một so sánh kín đáo Đức Giêsu với người mục tử nhân lành nuôi dưỡng đoàn chiên mình.

Trong Tin Mừng, đây không phải là chỗ duy nhất nói đến lòng rộng rãi của Chúa. Ở chương 6 Tin Mừng Mt, Đức Giêsu cũng bảo chúng ta đừng bận tâm lo lắng đến những nhu cầu vật chất của cuộc sống này, vì Cha trên trời đã biết chúng ta cần những thứ đó và đã lo sẵn tất cả cho chúng ta.

Tài nguyên của trái đất này vẫn còn dư thừa đối với những nhu cầu của nhân loại. Ngoài ra còn rất nhiều nguồn tài nguyên chưa khai thác hết. Sở dĩ ở miền này miền nọ có những dân tộc còn đói, và sở dĩ trong cùng một miền có những người còn đói, đó là vì còn nhiều người chưa đủ tin tưởng vào lòng rộng rãi của Chúa : họ sợ thiếu, nên họ dành giật và tích trữ.

Em bé trong đoạn Tin Mừng này đã không sợ như thế nên em đã dám chia xẻ 5 chiếc bánh và hai con cá của em. Kết quả : chẳng những bản thân em mà tất cả hàng mấy ngàn người đều no nê thừa thải.

Chúa rất rộng rãi, nhưng con người lại hẹp hòi. Đó là lý do của thảm cảnh nhân loại hiện nay.

* 2. Phép lạ hóa bánh ra nhiều

Đây là một phép lạ lớn : Đức Giêsu đã làm cho có lương thực cho một số đông người ăn no nê thừa thải : đàn ông là 5000, nếu cộng thêm độ 5000 đàn bà và khoảng 2000 trẻ em mà thánh Gioan không kể ra, thì con số lên tới khoảng 12.000. 12.000 người ăn no nê và dư lại 12 thúng đầy. Quả là một phép lạ to lớn.

Nhưng có một điều chúng ta phải lưu ý, đó là Chúa muốn cho phép lạ lớn lao này có sự góp phần của loài người :

. Chúa đã làm phép lạ từ 5 cái bánh và 2 con cá của một em nhỏ.

. Khi bánh và cá đã hóa ra nhiều rồi, Chúa nhờ các tông đồ đi phân phát cho dân chúng.

Dĩ nhiên, với quyền phép vô biên, Chúa có thể một mình làm được phép lạ này, nhưng Chúa đã cố ý dành phần cho con người góp tay hợp tác vào.

Đây là lề lối hành xử hầu như thường xuyên của Chúa :

. Phép lạ đầu tiên Chúa làm ở Cana biến nước thành rượu : Chúa cũng nhờ các gia nhân xách nước đổ sẵn vào các lu.

. Các phép lạ khác cũng vậy, Chúa đều đòi người ta hợp tác, hợp tác ít ra cũng bằng một thái độ tin tưởng vào Chúa. Thường trước khi làm một phép lạ, Chúa hỏi “Con có tin không ?”, và sau khi làm phép lạ, Chúa nói “Đức tin của con đã cứu con”.

. Công cuộc lớn lao nhất của Chúa là cứu chuộc loài người. Chúa cũng đòi loài người hợp tác. Cho nên thánh Augustinô nói “Khi tạo dựng con Chúa không cần hỏi ý con, nhưng khi cứu chuộc con Chúa cần con phải góp phần vào đó”.

Phần Chúa thì mặc dù có quyền phép vô biên, muốn làm gì cho loài người chúng ta cũng được, nhưng Chúa muốn chúng ta góp phần của chúng ta vào. Còn về phần chúng ta thì thường chúng ta quên ý muốn đó của Chúa. Khi chúng ta muốn Chúa giúp chúng ta điều gì, chúng ta thường chỉ biết cầu xin, cầu xin rồi chờ Chúa ban ơn chứ không chịu khó góp phần cố gắng của chúng ta vào. Thậm chí phần hợp tác tối thiểu là tin tưởng trọn vẹn vào Chúa thì ta cũng có khi không tin mấy nữa, có người vừa cầu xin với Chúa vừa chạy tới các thầy bói thầy bùa giúp sức. Có lẽ chính vì thế nghĩa là vì ta không góp phần và không tin cho đủ) nên nhiều khi những lời cầu xin của chúng ta đã không đem lại kết quả như ta mong muốn.

Ơn Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban, kể cả phép lạ Chúa cũng sẵn sàng làm. Nhưng biết bao lần chúng ta đã không chịu hưởng nhờ, là vì ta đã không góp phần của ta với ơn Chúa, hoặc ta không tin đủ vào ơn Chúa.

Cụ thể :

. Nếu chúng ta xin Chúa giúp cho gia đình chúng ta được hoà thuận, thì đừng có cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa có những cố gắng làm hoà lại với nhau như cặp vợ chồng trong câu chuyện vừa kể trên.

. Nếu chúng ta xin Chúa giúp gia đình chúng ta thoát cơn túng thiếu, thì cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa cố gắng dẹp bỏ những nguyên nhân gây cảnh túng thiếu ấy như ăn xài hoang phí, rượu chè, cờ bạc… và đồng thời cần cù làm ăn, tiêu xài cố suy tính cân nhắc cẩn thận…

. Nếu chúng ta xin Chúa hoán cải tâm hồn của một đứa con hoang đàng, chúng ta cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin, vừa tìm cách tách nó khỏi những bạn bè xấu, những môi trường xấu và làm nhiều gương tốt trước mặt nó.

* 3. Phép lạ của lòng quảng đại

Một vị Linh mục kia đã giảng rằng : phép lạ hóa bánh ra nhiều là phép lạ của lòng quảng đại. Trước hết là lòng quảng đại của em bé đã hiến năm chiếc bánh và hai con cá cho Đức Giêsu. Số bánh và cá đó không nhiều. Nhưng với em bé thì nó nhiều lắm vì đó là tất cả những gì em có. Có rất nhiều người sẵn sàng cho đi từ cái có nhiều của mình, nhưng rất ít người chịu cho đi từ cái có ít của họ. Vì thế, việc em bé cho hết năm chiếc bánh và hai con cá là một phép lạ của lòng quãng đại. Kế đến là lòng quảng đại của Đức Giêsu. Chẳng những Ngài cho mọi người được ăn, mà còn muốn ăn bao nhiều tuỳ thích, rồi còn dư lại 12 thúng nữa.

Giảng xong, vị Linh mục rất hài lòng, nghĩ rằng mình đã giảng một bài rất hay. Khi vị Linh mục vào phòng áo, một bà cụ già cũng vào và hỏi xem có ai thấy cái túi xách của bà để quên trong nhà thờ không. Cậu bé giúp lễ trả lời là không ai thấy cả. Vị Linh mục cứ tưởng bà sẽ mỉa mai, đại khái như “Cái hạng người đã đến nhà Chúa mà còn ăn cắp thì hết nước nói”. Nhưng bà cụ không nói thế, bà chỉ nhỏ nhẹ : “Chắc là người lấy cái túi đó cần đến nó hơn tôi”. Vị Linh mục hỏi tiếp : “Thế trong túi có gì vậy ?”. Bà đáp : “Chỉ có hai chiếc bánh”.

Câu trả lời khiến vị Linh mục vui vui vì thấy câu chuyện hơi trùng hợp với bài giảng của mình. Nhưng đồng thời ngài cũng thấy xấu hổ, vì nếu ở vào hoàn cảnh của bà thì chắc ngài không thể quảng đại như vậy. Ngài cũng còn xấu hổ khi nghĩ rằng ngài chỉ giảng bằng miệng, còn bà cụ thì thực hành điều ngài giảng. Quả thực bà rất có lòng quảng đại.

Quảng đại phải là một nhân đức của người kitô hữu. Nhân đức này lại có nhiều dịp thể hiện, vì hằng ngày ta gặp biết bao người và bao nhiêu dịp để thể hiện nó. Và chúng ta có thể thể hiện quảng đại bằng nhiều cách : cho đi tiền bạc, cho đi của cải, cho đi thời giờ, cho đi công sức, cho đi sự quan tâm, cho đi lòng thương mến v.v.

Và quảng đại cũng trổ sinh niềm vui. Ít khi ta gặp một người nào quảng đại mà buồn. Cũng như ít khi ta gặp người nào bủn xỉn mà vui. (Viết theo Flor McCarthy)

* 4. Những người thiện nguyện

Hàng năm, cứ vào ngày 5-12 toàn thế giới mừng ngày “Những Người Thiện Nguyện Quốc Tế”. Đây là ngày dành để tri ân những con người hiến thân phục vụ không công cho đồng loại, và cũng là ngày mời gọi mọi người dấn thân phục vụ tha nhân.

Được thành lập từ năm 1986, đến nay tổ chức đã có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ mọi tầng lớp trong xã hội.

Từ một thanh niên làm việc tại các nước nghèo cho đến chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên. Từ một cán sự y tế phục vụ thổ dân Châu Phi cho đến các chuyên gia phục vụ dự án phát triển các nước thuộc Thế giới thứ ba. Tất cả đều được thúc đẩy bởi một tinh thần phục vụ yêu thương, một tấm lòng nhân ái vị tha.

Ngày Quốc Tế Những Người Thiện Nguyện là bài ca dành cho một nhân loại đang nỗ lực vươn tới một thế giới đầy tình nhân ái.

*

Đức Giêsu chính là mẫu gương sáng ngời của những con người thiện nguyện. Người không chỉ sống nghèo, mà còn sống cho người nghèo. Người không chỉ rao giảng Nước Trời, mà còn chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người đem ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác.

Hôm nay, Người “nuôi năm ngàn người ăn no”. Người biết lòng họ rất vui khi nghe giảng, nhưng Người cũng biết bụng họ rất đói, Người muốn tặng họ một bữa ăn đơn giản, bất ngờ, một bữa ăn tập thể ngoài trời. Bữa ăn tràn đầy niềm vui.

Nhưng niềm vui chỉ được trọn vẹn khi có những con người thiện nguyện : “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn ?” (Ga.6,5). Đức Giêsu đặt các tông đồ vào nỗi bận tâm của Người. Người cần sự cộng tác của họ. Người cần những con người thiện nguyện. Người cần một Anrê giới thiệu một bé trai. Người cần một bé trai dâng tặng bữa ăn trưa của mình. Người cần các tông đồ ổn định chỗ ngồi. Chính nhờ những con người thiện nguyện ấy, mà phép lạ được thực hiện.

Năm 1999 Giải Nobel Hòa Bình đặc biệt dành cho tập thể những con người thiện nguyện. Đó là “Tổ Chức Các Thầy Thuốc Không Biên Giới”. Những con người này suốt đời hiến thân cho tha nhân không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính trị. 980.000 đôla tiền thưởng của họ cũng sẽ được dành cho những con người bất hạnh trên toàn trái đất.

Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn là một thế giới đói nghèo, vì 80% của cải trên trái đất này đang nằm trong tay 20% những người giàu sang phú quí. Vậy cái đói trên thân xác vẫn còn làm quay quắt con người thời nay. Có biết bao tâm hồn thiện nguyện xót xa trước cảnh đói nghèo đã bắt tay vào cuộc với niềm tin : dù chỉ với “năm chiếc bánh và hai con cá”. Thiên Chúa cũng sẽ làm cho con người được no nê ân phúc. Người sẽ biến đổi gương mặt thế giới trở nên nhân bản hơn. Người sẽ tô điểm cho bộ mặt trái đất trở nên tươi tốt hơn.

Thế giới này cần những con người thiện nguyện dám sống chết cho tha nhân. Thế giới này cần các tín hữu Kitô dám đưa những bàn tay ra để chia sẻ nâng đỡ. Thế giới này cần có những Phanxicô Assisi, Mahatma Gandhi, Albert Shcweitzer, Têrêxa Calcutta… để ra đi phục vụ muôn người khốn khổ bất hạnh.

*

Lạy Chúa, Chúa không ngừng khơi dậy trong chúng con những tâm hồn quảng đại, những con tim hiến thân cho đồng loại. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng góp phần bé nhỏ của mình trong công việc phục vụ anh em nghèo đói chung quanh chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

* 5. “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn”

Tạ ơn Chúa trước khi ăn là một thói quen tốt, bắt chước việc Đức Giêsu đã làm ngày xưa : “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn”.

Một gia đình nọ cũng có thói quen tốt ấy. Khi mọi người đã ngồi vào bàn, ai nấy cúi đầu, đứa con gái út đọc lời cầu nguyện “Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có bữa ăn ngon này”.

Mỗi lần như thế, người cha đều sung sướng trong lòng. Nhưng một hôm, lời cầu nguyện của đứa con lại khiến ông ray rứt. Hôm đó, sau khi nghe con cầu nguyện, ông chợt nghĩ tới bài báo ông vừa đọc : trên thế giới có tới 40 triệu người đói, và một phần ba trẻ con Châu Phi bị suy dinh dưỡng. Ông suy nghĩ : Bởi đâu mà gia đình ông no đủ đang khi biết bao người khác phải đói rách ? Phải chăng gia đình ông tốt hơn hay xứng đáng hơn những người ấy ? Phải chăng gia đình ông có ăn vì gia đình ông được Chúa thương hơn những người khác ? Hôm đó, những câu hỏi như thế cứ ám ảnh tâm trí ông khiến ông ăn mà chẳng thấy ngon miệng tí nào.

Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho ta thì chưa đủ, việc tạ ơn này phải đi kèm với ý thức về trách nhiệm mà ơn lành Chúa đã trao phó cho ta nữa. Nói cách khác, ta không thể tạ ơn Chúa đã ban cho ta có cơm ăn hằng ngày mà không nghĩ đến trách nhiệm của ta đối với những người đói khát ; ta không thể tạ ơn Chúa đã cho ban cho ta có tiền bạc, công ăn việc làm mà không nghĩ đến trách nhiệm đối với những người nghèo túng và thất nghiệp.

Chúng ta không thể làm phép lạ hóa bánh ra nhiều như Đức Giêsu đã làm, nhưng chúng ta có thể chia bánh của ta cho nhiều người khác, hoặc lấy tiền mua bánh cho nhiều người khác. Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục hỏi ta như đã hỏi Philíp ngày xưa : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”

* 6. Phải biết thế nào là đói

Dưới triều vua Salomon, ở Giêrusalem có một người tên là Simeon rất giàu nhưng rất keo kiệt. Hắn đối xử rất tệ với các đầy tớ, bắt họ làm việc thật vất vả nhưng chỉ cung cấp lương thực ở mức tối thiểu. Bởi đó con cái họ thường đói.

Thế rồi trong nước xảy ra nạn đói. Những người nhà giàu khác mở kho lúa của mình phân phát cho người nghèo. Nhưng Simeon thì không, hắn còn lấy thêm khóa để khóa chặt các kho lúa của hắn.

Việc làm của Simeon đến tai vua Salomon. Nhà vua nghĩ ra một diệu kế : ngài sai sứ giả đi mời Simeon đến dùng bữa với ngài tối hôm sau. Hắn rất hãnh diện. Và để có thể ăn uống no nê những thức ăn hoàng gia, cả ngày hôm sau hắn nhịn không ăn vì cả nên đói rát cả ruột. Đến tối hắn vội vàng vào cung. Một người hầu mời hắn vào phòng khách và thông báo một vài quy định : thứ nhất không được xin nhà vua hoặc các người hầu bất cứ điều gì cả ; thứ hai không được hỏi cũng không được than phiền một câu nào cả ; thứ ba, nếu nhà vua có hỏi ăn ngon không thì phải trả lời là ngon vô cùng. Sau khi giải thích rõ 3 điều đó rồi, người hầu hỏi : “Ông có đồng ý những điều kiện ấy không ?”. Hắn đáp “Đồng ý”. Người hầu nói : “Vậy thì ông hãy ngồi đợi ở đây. Khi tới giờ ăn thì tôi sẽ gọi ông”.

Trong khi hắn ngồi đợi, mùi thức ăn thơm phức từ nhà bếp bay lên khiến hắn đang đói lại càng đói thêm, đến nỗi chảy cả nước miếng. Và rồi giờ ăn cũng đến. Vua Salomon bảo hắn : “Hãy ngồi xuống và muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý”. Simeon ngồi xuống. Một người hầu mang đến cho nhà vua một con cá chiên đựng trong một đĩa bằng vàng. Nhà vua vừa ăn vừa nói “Món cá này ngon tuyệt”. Sau khi vua ăn xong, người hầu mang đến cho Simeon một đĩa cá y như vậy. Nhưng hắn chưa kịp đưa tay ra thì người hầu đã vội vàng rút đĩa cá lại mang xuống bếp. Simeon tức quá định phản đối, nhưng nhớ lại những quy định mà mình đã đồng ý nên phải ngậm miệng.

Tiếp đến, người hầu mang tới cho nhà vua một tô canh thơm phức. Nhà vua uống cách rất ngon lành. Sau khi vua uống xong, người ta cũng mang cho Simeon một tô y như thế, và cũng vội vàng rút lại mang xuống nhà bếp y như thế. Khi đến món tráng miệng, sự việc lại tiếp tục giống như vậy. Simeon ức vô cùng nhưng cũng chẳng dám làm gì.

Cuối bữa ăn, vua Salomon hỏi : “Hy vọng là ông đã ăn ngon miệng”. Tên nhà giàu vội vàng đáp : “Vâng tâu bệ hạ, ngon vô cùng”. Và hắn vội vàng đứng dậy cáo từ để sớm về nhà giải quyết cơn đói đang cồn cào trong bụng. Nhưng nhà vua ngăn lại : “Còn sớm chán mà. Hãy ở lại nghe các nhạc công của trẫm. Họ muốn trình diễn cho ông thưởng thức”. Buổi hòa nhạc kéo dài tới mấy tiếng đồng hồ. Hắn lại đứng dậy định ra về, nhưng nhà vua lại bảo “Đã khuya quá rồi ông bạn ạ. Ta cho phép ngươi ngủ lại đêm nay trong hoàng cung”. Chẳng thể làm cách nào khác, tên nhà giàu keo kiệt đành phải ở lại.

Nằm trên giường mà bụng đói cồn cào, hắn không tài nào ngủ được. Hắn cứ suy nghĩ : “Sao nhà vua mời mình dùng bữa mà lại chẳng cho mình ăn cái gì cả ?” Và hắn đã tự tìm được câu trả lời : Nhà vua muốn hắn có dịp cảm thấy đói thì khổ như thế nào. Từ đó, Simêon quyết định sẽ không bao giờ để các đầy tớ của mình bị đói nữa. (Viết theo Flor McCarthy)

* 7. Chứng từ về chia sẻ

 “Để an ủi gia đình chị Tuyết góa bụa trong cảnh thiếu thốn, trong một dịp lễ, gia đình tôi làm thịt thỏ có dành cho gia đình chị Tuyết vài ký thịt đã nấu sẵn, gọi là để khuyến khích 3 cháu nhà chị ấy đang phải học hành vất vả để thi cuối năm. Chính trong dịp mang thịt thỏ biếu gia đình chị Tuyết, gia đình chúng tôi cảm động được biết thêm về hoàn cảnh đặc biệt của chị Tuyết. Chúng tôi hết lòng tạ ơn Chúa đã an bài để luôn có người tới giúp đỡ gia đình chị Tuyết.

 Ba năm về trước : Dịp xin tiền trợ cấp cho 3 cháu nhỏ nhà chị Tuyết đi học, gia đình chúng tôi có cử người đến thăm gia đình chị Tuyết và được biết :

 Thứ nhất, nhà chị Tuyết đúng là một túp lều tranh, không có sự an toàn tối thiểu để khỏi mất ngay cả cái chậu hay cái nồi trong nhà. Chưa nói đến tình trạng thiếu bàn ghế để mời khách ngồi.

 Thứ hai, chồng chị Tuyết là thương phế binh chế độ cũ, từ lâu không có khả năng đảm đang lo cho kinh tế gia đình.

 Thứ ba, các cháu ở cỡ tuổi 11, 14 và 16 còn cần phải đi học.

 Thêm vào đó là một bầu khí tự ti mặc cảm do người gia trưởng là thương phế binh chế độ cũ. Cả việc hợp thức hoá hôn nhân nơi xã ấp cũng gây ngại ngùng nên không được thực hiện.

 Ba năm về sau : – Ba năm về sau khi gia đình chúng tôi mang thịt tới biếu, gia đình chị Tuyết vẫn túng thiếu, nhưng ít nhất về nhà ở đã được cải thiện. Điều quan trọng là có những người thân quen gần xa góp phần giúp đỡ chị Tuyết. Chúng tôi chỉ có thể nêu một số những giúp đỡ cụ thể.

 + Nhà mới xây 5m x 13m với cửa kiếng và nền lát gạch tầu tráng men. Điều quan trọng là người đảm đang việc xây cất đã cho thấy lòng tốt trước sau như một với gia đình chị Tuyết. Ông Dương chỉ thân quen với chồng chị Tuyết, không những đã lo hết giấy tờ để chị Tuyết có thể đưa xác chồng về mai táng sau cái chết đột ngột nơi bệnh viện (rắc rối một phần do hôn nhân chưa được hợp thức hoá), mà còn xây cho gia đình chị Tuyết căn nhà nói trên như ông đã hứa với chồng chị Tuyết khi mua nền nhà cũ của gia đình chị Tuyết.

 Tay phải làm tay trái chẳng biết

 + Tay phải làm tay trái chẳng biết : – Được biết dịp an táng chồng chị Tuyết, tiền phúng điếu gia đình, nhà hiếu nhận được trên 10 triệu đồng, một phần do các bạn học của chồng chị Tuyết ở trường Đồng Công xưa. Khi người gia đình chúng tôi mang thịt thỏ tới biếu, thì một cô giáo viên mẫu giáo cũng vừa bước vào. Cô này vẫn hay lui tới, khi mang nải chuối, lúc mang ký thịt, lúc khác mang theo tấm vải để chị Tuyết may áo quần cho các cháu. Tất cả những quà tặng đó đều theo tinh thần Tin Mừng tay phải làm tay trái chẳng biết. Sau cô giáo là chính bà Dương đưa tặng chị Tuyết cái chạn bằng nhựa có đựng bát đĩa mới. Được biết trước đó, ông bà Dương đã tặng các cháu nhà chị Tuyết máy TV đen trắng để coi. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)

LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, dân chúng xưa đói khát, cả tâm hồn lẫn thể xác, và Đức Giêsu đã rộng lòng để thỏa mãn họ cả xác hồn. Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Người :

  1. Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn sống hiệp thông với Chúa nhờ Bí tích Thánh Thể / để có thể quan tâm chia sẻ cho những người đang đói khát về tinh thần cũng như vật chất.
  2. Xin cho các chính quyền trên thế giới / biết tận tâm lo thỏa mãn các nhu cầu vật chất như cơm ăn, áo mặc, nhà cửa / và các nhu cầu tinh thần như tự do, hòa bình, văn hóa, tôn giáo / để mọi người dân sống đúng phẩm giá con người hơn.
  3. Xin cho những người đang là nạn nhân của chậm tiến, đói nghèo và dốt nát / được nhiều người khá giả hơn quan tâm giúp đỡ / để sớm thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực.
  4. Xin cho mọi người trong cộng đồng xứ đạo chúng ta biết giúp đỡ và chia sẻ cho nhau / noi gương cộng đồng các tín hữu đầu tiên / để không còn ai trong cộng đồng chúng ta còn dốt nát và đói nghèo.

Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, chúng con họp nhau dâng lễ tạ ơn Chúa, vì đã quan tâm nuôi dưỡng cả xác hồn chúng con. Xin cho chúng con biết chia sẻ những hồng ân đã lãnh nhận cho mọi người chung quanh chúng ta. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị…

TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Khi chúng ta cầu xin cho có “lương thực hằng ngày”, một mặt chúng ta xin Chúa quan tâm đến những nhu cầu đời sống chúng ta, nhưng mặt khác chúng ta cũng hãy xin cho mình biết phó thác cuộc sống trong tay Chúa quan phòng.

– Trước Rước lễ : Mình Thánh Chúa mà chúng ta sắp rước còn quý giá gấp bội so với những chiếc bánh và những con cá mà dân do thái ngày xưa được ăn. Chúng ta hãy rước lễ trong tâm tình yêu mến và tạ ơn sốt sắng.

GIẢI TÁN

Chúa đã nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh lễ này và hằng nuôi dưỡng chúng ta mãi mãi. Chúng ta cũng hãy rộng rãi chia sẻ với anh chị em chúng ta.

home Mục lục Lưu trữ