Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1376809

BẮT HỤT

Bắt hụt

Mười cô trinh nữ chuẩn bị đi đón chàng rể. Cả mười cô đều đã sẵn sàng. Ví như chàng rể đến đúng giờ, đúng với quan niệm của mọi người, đúng với lối suy nghĩ chắc chắn của các cô, thì hẳn không có chi để mà nói. Thế nhưng chàng rể lại đến trễ cho nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Khi chàng rể đến, thì những cô đã sẵn sàng, theo chàng rể bước vào phòng tiệc. Và đến lúc bấy giờ, chúng ta mới nhận thấy rằng có năm cô chưa thật sự sẵn sàng và đã bắt hụt chàng rể.

Lịch sử các tôn giáo đã ghi lại lời biết bao nhiêu lần bắt hụt như thế. Chẳng hạn trong Cựu Ước, từ 700 năm trước Giáng sinh, hình ảnh Đấng Cứu Thế đã được loan báo và qua nhiều thế hệ, toàn thể dân Thiên Chúa, đặc biệt là các vị chức sắc trong đền thờ, có một quan niệm, một hình ảnh rõ ràng và chính xác về Đức Kitô dựa theo Kinh Thánh, để rồi họ đã yên chí ngủ thiếp đi trong ý niệm đó. Khi Đức Kitô đến họ đã bắt hụt Ngài bởi vì họ không thể nào chấp nhận một Đấng Cứu Thế khác với khái niệm mà họ đã có.

Còn Giáo Hội, có bao giờ Giáo Hội đã bắt hụt Đức Kitô không nhỉ? Cách đây hơn 20 năm, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế đã kể lại câu chuyện bắt hụt của mình như sau: Từ Vườn Xoài về Phú Nhuận, ngài chứng kiến một tai nạn, người chết nằm cong queo, ngài thấy mình không còn gì để mà làm cho nạn nhân nữa. Đến ngã tư đèn đỏ, ngài quay lại và thấy một bà già tháo chiếc khăn quàng, cúi xuống và phủ lên mặt người xấu số. Cử chỉ đó làm cho vị linh mục giật thót người và ý thức rằng mình có thể là một nhà tu mà vẫn bắt hụt Đức Kitô trong những sự kiện cụ thể hằng ngày. Tôi rất cảm động trước chứng từ ấy và quyết sẽ không bao giờ vô tâm trước một người bị tai nạn như thế. Hai mươi năm qua, tôi chưa chứng kiến một tai nạn chết người nào, nhưng cách đây hơn một tháng có một học trò cũ đến thăm tôi. Thấy em buồn, tôi đã thao thao bất tuyệt nửa giờ để động viên em bằng những lời đạo đức đao to búa lớn. Vài ngày sau, tôi biết rằng em đến thăm tôi lần cuối trước khi tự tử. Nhưng rất may mà được cứu sống. Tôi bang hoàng nhận ra rằng nếu hôm đó tôi thức tỉnh lắng nghe hơn, thì hẳn đã giúp em bỏ đi được cái quyết định dại dội ấy. Thế đấy, một linh mục lo cho người sống đã bắt hụt Đức Kitô khi Ngài đến qua một người chết. Rút kinh nghiệm, tôi sẵn sàng đón tiếp Ngài qua một người chết, và tôi đã bắt hụt Ngài khi Ngài đến với tôi qua một người sống mà tôi suýt giết chết. Chúng ta đã có dịp nói nhiều về việc canh tân đổi mới, phải chăng đến lúc này thì ai ai cũng đã đổi mới rồi và bây giờ chúng ta có quyền ngủ yên bởi vì chúng ta đã thuộc kinh bổn, đã khám phá ra Đức Kitô, thế nhưng lời cảnh báo của Chúa Giêsu: Hãy tỉnh thức, vẫn còn mang tính chất thời sự nóng bỏng của nó.

 

2. Sẵn sàng

Cách đây 1900 năm, núi lửa Vesuve đã phun lên ở Ý. Toàn bộ thành phố Rompei đã bị chôn vùi dưới lớp phún xuất thạch dày tới 6 mét và giữ nguyên dạng như thế cho đến nay. Khi các nhà khảo cổ khai quật, mọi người đều ngạc nhiên và sửng sốt. Phún xuất thạch đã làm đông cứng tất cả trong tư thế đang có khi tai hoạ đổ xuống: Thân xác con người bị huỷ hoại, nhưng trong khi huỷ hoại, chúng đã để lại những lỗ trống trên lớp tro cứng. Người ta dùng thạch cao đổ vào những lỗ trống ấy và khôi phục lại được hình dạng của các nạn nhân. Chẳng hạn một người mẹ đang ôm chắt đứa con trong vòng tay của mình, một người lính Rôma đang đứng thẳng tại trạm gác với đầy đủ vũ khí, anh ta đã trung thành với bổn phận cho tới giây phút cuối cùng. Một người đàn ông tay cầm gươm, chân đạp trên đống vàng, rải rác chung quanh là năm xác chết, có lẽ là những kẻ định cướp số vàng trên.

Tất cả những hình ảnh này là một bức tranh sống động làm nổi bật chủ đề của thánh lễ hôm nay. Đó là ngày tận thế, ngày kết thúc vũ trụ vật chất này, ngày Chúa trở lại trong vinh quang chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng lại xảy ra một cách bất ngờ, như tên trộm viếng thăm vào ban đêm, như chàng rể đến muộn khi các cô phù dâu đã thiếp ngủ. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, để chờ đón không phải chỉ ngày cuối cùng của vũ trụ, mà còn là ngày cuối cùng của đời mình, lúc chúng ta phải tính sổ với Chúa.

Vào giây phút trọng đại ấy, liệu chúng ta có sẵn sàng như những cô trinh nữ khôn ngoan, hay lại chẳng chuẩn bị gì cả như những cô trinh nữ dại khờ, để rồi sẽ phải nghe lời phán quyết lạnh lùng: Ta không biết các ngươi. Tất cả những ý nghĩ trên không phải là những điều chúng ta nghe qua rồi để ngoài tai, hay mặc cho nó chìm vào quên lãng. Trái lại phải trở nên như một tiếng chuông cảnh tỉnh Chúa gởi đến với mỗi người chúng ta, để thôi thúc và lôi kéo chúng ta ra khỏi một cuộc sống tội lỗi. Chúng ta là những người thật may mắn và diễm phúc, bởi vì Chúa còn dành cho chúng ta một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể là lâu hay mau, sáu bảy chục năm hay chỉ đôi ba ngày, chúng ta không được biết, nhưng khoảng thời gian này cũng đủ để chúng ta ăn năn sám hối, thay đổi nếp sống, làm lại cuộc và sắm sẵn cho mình những hành trang cần thiết, để bất kỳ lúc nào Chúa gõ cửa viếng thăm thì chúng ta luôn sẵn sàng thưa lên với Ngài: Lạy Chúa, này con xin đến.

 

3. Kẻ khờ dại đánh mất Nước Trời!

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một nhà phú hộ, đầy quyền thế danh vọng ở đời bỗng nhiên đột quỵ và qua đời. Gia nhân ai nấy đều xúc động, bỡ ngỡ. Người ta bàn tán xôn xao về cái chết đột tử của nhà phú hộ. Trong đó có một lời bàn gây nhiều tranh cãi từ một người quản gia của nhà phú hộ. Người quản gia nói rằng:

- Theo các anh thì ông chủ chúng ta sẽ đi về đâu?

Các gia nhân đáp:

- Ông ấy lên trời chứ đi đâu nữa.

Người quản gia nói:

- Không đâu. Tôi chắc chắn ông ta không lên trời.

Tất cả đều ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao quản gia biết là ông chủ không lên trời?

Người quản gia nói:

- Thường thì đi đâu xa, chủ của chúng ta thường nói về nước sẽ đi đến và chuẩn bị rất là cẩn thận. Nước trời là cõi xa xôi, nhưng tôi không bao giờ thấy ông chủ của mình nói gì về nước đó, cũng không thấy ông ta chuẩn bị gì cả. Làm thế nào mà ông ta vào Nước Trời được!

Vâng, thái độ thiếu khôn ngoan của nhà phú hộ trên cũng có thể là thái độ của chính chúng ta! Chúng ta đã thiếu chuẩn bị cho một cuộc ra đi ắt phải có của kiếp người là rời bỏ chốn dương gian lắm tội tình. Ai trong chúng ta cũng tin rằng bên kia sự chết đó là cõi thiên thai, là thiên đàng cực lạc, là Nước Trời vĩnh cửu. Đó là nơi mà ai cũng ước mong sẽ được cư ngụ vĩnh viễn sau cuộc đời đầy khổ ải trần gian. Thế nhưng, nhiều người lại thiếu chuẩn bị một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Họ không bao giờ chuẩn bị một hành trang cần thiết nào cho cuộc sống đời sau. Họ sống như không bao giờ chết. Họ tiêu pha đời mình trong những đam mê trần tục. Họ ngụp lặn đời mình trong biển đời hư danh và truỵ lạc. Họ quên rằng trời cao mới là quê hương đích thực. Trần gian là tạm bợ. Thiên đàng mới là vĩnh cửu.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở về thái độ thiếu chuẩn bị cho cõi đời sau qua dụ ngôn 10 trinh nữ phụ dâu. Trong đó có 5 cô khờ dại. Họ được mời làm phụ dâu, đáng lẽ họ phải chuẩn bị thật kỹ càng để giúp cho tiệc cưới được chu đáo và long trọng. Thế nhưng, họ lại lười biếng và thiếu trách nhiệm. Họ lười biếng nên lăn quay ra ngủ. Họ thiếu trách nhiệm nên chẳng chuẩn bị chi cả. Dầu tượng trưng cho sức sống tươi trẻ, đầy năng động, tràn đầy nhựa sống nhưng đã cạn kiệt, không còn đủ sức tỏa sáng chung quanh. Nên khi cơ sự tới. Họ muốn thắp lên một ngọn đèn cũng không đủ khả năng. Họ cầu cứu người khác, nhưng thời gian đã không còn. Cơ hội để cùng tân lang vào dự tiệc đã vuột khỏi tầm tay của họ. Cánh cửa cuộc đời đã khép. Số phận của họ đã được định đoạt. Họ bị loại trừ trong thất vọng và khổ đau.

Có biết bao lần vì lười biếng mà ta đã đánh mất những cơ hội tốt đẹp trong cuộc đời. Có biết bao lần vì thiếu trách nhiệm mà ta đã hành xử một cách cẩu thả, cho qua lần chiếu lượt với những công việc được giao. Cơ hội vào Nước Trời sẽ không có trong tầm tay của những kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Vì con đường vào Nước trời là con đường hẹp đầy chông gai, sỏi đá. Con đường của hy sinh, của phấn đấu không ngừng vươn lên mỗi ngày, mới mong đạt tới vinh quang Nước Trời. Vì phương thế vào Nước trời là lối sống thực thi triệt để giới răn mến Chúa - yêu người, nên kẻ muốn vào Nước Trời phải chu toàn bổn phận đối với Chúa và tha nhân với đầy đủ ý thức và trách nhiệm. Lười biếng và thiếu trách nhiệm thường đi đôi với nhau. Kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm không những bị cha mẹ, anh em bè bạn loại trừ mà cả cánh cửa sự sống đời sau cũng khép lại và từ chối đón nhận họ.

- Có những kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm với vợ con nên tối ngày rượu chè, cờ bạc... gây khổ đau cho vợ con

- Có những người vợ biếng nhác việc nhà "đi vác tù và hàng tổng", họ tham gia rất nhiều hội đoàn nhưng lại thiếu trách nhiệm với tổ ấm của mình.

- Có những người con lười biếng chỉ biết ăn chơi, đua đòi nhưng lại thiếu trách nhiệm với chính bản thân của mình nên sa đà tội lỗi.

Họ là đại diện cho các cô phụ dâu thiếu chuẩn bị dầu nến bước vào đời sau. Vì ngày tân lang tới hay có thể nói là ngày chết của mỗi người chúng ta hoàn toàn bất ngờ. Chúng ta không ai biết trước được ngày ra đi. Không ai biết được cách thức ra đi. Do đó, sự khôn ngoan luôn đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức trong mọi sự. Phải chu toàn bổn phận của mình một cách chu đáo. Phải có trách nhiệm với cuộc sống để khi ra đi chúng ta luôn mang tâm trạng bình an. Chúng ta sẽ không hối tiếc vì để lịm tắt ngọn lửa yêu thương trong cuộc đời chúng ta.

Ước gì mỗi người chúng ta đừng vì lười biếng mà ru ngủ đời mình trong những đam mê yếu đuối, và lầm lạc. Ước gì bình dầu yêu thương trong tâm hồn chúng ta luôn đầy tràn chan chứa hầu có thể thắp sáng tình yêu Chúa trên muôn vạn nẻo đường chúng ta đi, và làm nóng lại tình yêu của Chúa giữa nhân gian tội tình hôm nay. Xin cho chúng ta luôn đủ khôn ngoan để chuẩn bị dầu đèn luôn cháy sáng là những hành vi bác ái đầy yêu thương thấm đượm tình Chúa, tình người. Amen.

home Mục lục Lưu trữ