Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1378373

Bây giờ tâm hồn Ta xao xuyến

Bây giờ tâm hồn Ta xao xuyến

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Đức Giêsu là một người hoàn toàn như tất cả mọi người. Trong cuộc sống trần thế, Ngài cũng sợ hãi, bồi hồi xao xuyến, khóc lóc cầu xin Thiên Chúa giải phóng Ngài khỏi chết. Tuy nhiên, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; nơi Ngài, con người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người vô cùng.

I. Tâm hồn Ta bồi hồi xao xuyến

Đức Giêsu biết những gì đang chờ đợi Ngài. Cái chết đang đến gần khi Ngài quyết định lên Yêrusalem dự lễ Vượt Qua. Là người Do Thái, theo luật phải lên Yêrusalem dự lễ Vượt Qua; nhưng nếu lên, chắc sẽ chết vì những người lãnh đạo tôn giáo đang ghét, nên sẽ giết Ngài. Đức Giêsu phải chọn lựa. Các tông đồ cũng ý thức điều này. Theo các ông thì không nên lên Yêrusalem dịp này: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (Ga. 11,8). Nhưng nếu Thầy quyết định đi, thì các tông đồ cư xử làm sao? Thomas khuyến khích các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga. 11,16). Có những người trong chúng ta có kinh nghiệm chọn lựa trong những tình huống tương tự, và đã chọn điều phải chọn cho dù nguy hiểm đến cả tính mạng.

Một vài người Hylạp gốc Do Thái về dự lễ muốn gặp Đức Giêsu. Họ cậy nhờ Philíp để được gặp Đức Giêsu. Philíp đã nói với Anrê; và cả hai đã đến nói với Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh bình thường, có lẽ cứ dẫn họ đến gặp Đức Giêsu, tuy nhiên trong hoàn cảnh này, hai môn đệ ý thức cần phải hỏi ý kiến Đức Giêsu, vì có thể có những hậu quả xấu không lường được. “Giờ đã đến”. Giờ mà làm Đức Giêsu lo sợ, bối rối xao xuyến. Đồng ý cho họ gặp, là dường như “chọn chấp nhận cái chết”. Có nên xuất hiện như Đấng người ta chờ đợi không? Có nên cho họ gặp không? Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga. 12, 24). Ngài chọn điều sinh lợi cho nhiều người, cho dù phải chết.

Ông già Aleazar không muốn giả bộ ăn thịt heo để khỏi chết, vì nếu sống mà làm gương xấu thì sống làm gì (2Mac. 6, 18-31)? Yoan Tẩy Giả phản đối Hêrôđê khi ông lấy vợ của anh; dĩ nhiên khi phản đối những người có quyền hành như vậy, ông biết điều gì có thể xảy tới cho mình; tuy vậy, ông đã phản đối Hêrôđê. Yoan Tẩy Giả đã chọn nói điều phải nói, cho dù phải chết. Hôm nay Đức Giêsu cũng đã chọn lựa điều tương tự. Đứng trước chọn lựa này, Đức Giêsu bồi hồi xao xuyến như bao người khác.

II. Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc

Đức Giêsu là người như mọi người. Ngài đã làm nghề để kiếm sống, nuôi mình và nuôi mẹ. Ngài cũng bị cái đói hành hạ như bất cứ ai bị đói (Mt. 21, 18). Ngài bị đói khủng khiếp đến độ muốn biến đá thành bánh. Chỉ khi bị đói cùng cực, người ta mới bị cám dỗ mơ tưởng như vậy. Đức Giêsu cũng bị cám dỗ “nổi tiếng”, vì vậy cám dỗ nhẩy từ trên đỉnh đền thờ đã đến trong đầu Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng bị cám dỗ có quyền hành để bắt mọi sự phải theo ý mình. Chỉ satan mới có cách hành xử không tôn trọng tự do của con người; còn Thiên Chúa, Ngài luôn tôn trọng tự do của con người, ngay cả khi con người dùng tự do để chống đối Ngài.

Đức Giêsu đã phải chọn lựa liên lỉ trong cuộc sống. Ngài đã chống lại cám dỗ, trong hoang địa (Mt. 4, 1-11) và trong cuộc sống thường ngày, cả qua những người theo Ngài (Mt.16, 22-23; Ga.11, 8). Ngài cũng sợ toát mồ hôi, và sợ đến độ toát mồ hôi máu: “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc. 22,44). Thư gởi tín hữu Do Thái nói Đức Giêsu không chỉ sợ toát mồ hôi máu, mà còn khóc lóc rơi lệ cầu xin Thiên Chúa cứu Ngài khỏi chết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết” (Dt. 5,7).

Đức Giêsu thật sự là người như mỗi người chúng ta. Không có cám dỗ nào con người bị mà Ngài không bị. Không có ai bị cám dỗ mãnh liệt như Ngài. Ngài cũng học vâng phục, và chấp nhận vâng phục ngay cả phải chết. Ngài bị cám dỗ cả về đức tin: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc. 15,34). Khi bị cám dỗ về đức tin, Ngài đã phó thác cho Thiên Chúa tương lai và vận mạng của Ngài. Đức Giêsu gần và giống mỗi người hơn người ta tưởng.

III. Ta viết luật của Ta trong tim chúng

Thiên Chúa đã ký giao ước với con người, để bảo vệ con người. Qua dấu chỉ cầu vồng, Thiên Chúa giao ước với Noe và tất cả tạo vật, để không bao giờ dùng lụt hồng thủy tiêu diệt con người nữa; qua thập giới tại núi Sinai, Thiên Chúa giao ước với dân Do Thái, để làm dân Do Thái thành dân tư tế, thành dân riêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa loan báo qua tiên tri Giêrêmia, Ngài sẽ ký kết với dân một giao ước mới, và Ngài sẽ khắc ghi luật Ngài trong tim con người, để không ai phải dạy ai về Thiên Chúa nữa. Đức Giêsu chính là giao ước mới: “Rồi cùng một thể thức ấy, Ngài cầm lấy chén đầy rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: tất cả các con cầm lấy mà uống, này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa giao ước ở với và yêu thương con người mãi mãi. Đức Giêsu vừa là dấu chỉ giao ước, vừa là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, vừa là bảo đảm Thánh Thần hiện diện nơi con người. “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao” (1Cor.3, 16)? Thánh Thần Tình Yêu đang ngự trong tâm hồn, trong tim mỗi người.

Nhờ Đức Giêsu và Thánh Thần, con người nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Con người được gọi để sống yêu thương. Chính khi yêu thương, con người trở nên giống Thiên Chúa, và được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, cho dù người đó ở bất cứ đâu. Chính khi yêu thương, con người gặp gỡ Thiên Chúa, và cảm nghiệm hạnh phúc. Đây là điều có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó là sự thật, và được biểu lộ qua cái chết của các anh hùng tử đạo và cái chết của Đức Giêsu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Theo bạn, Đức Giêsu giống bạn ở điểm nào, và khác bạn ở điểm nào?

2. Bạn có cảm nghiệm Thiên Chúa ở với bạn không? Nếu được xin chia sẻ.


 

17. Giờ đã điểm – Lm Vũ Đình Tường

Người ta thường ví von: sống kể ngày, chết kể năm. Khi nói đến cái chết người ta không nói đến ngày, tháng năm mà lại nói đến giờ chết. Nói đến giờ chết vì nó xảy ra trong khoảng khắc, trong giờ phút nào đó. Một khi giờ đã điểm không ai có thể chống cự, có cố gắng cũng chỉ dùng máy trợ tim, giúp tim đập với hy vọng bập bùng theo từng nhịp tâm đập. Hy vọng bởi vì không thể dự đoán biến chứng nào sắp xảy đến, phản ứng nào đang rình rập và giờ phút nào là giờ phút giờ đã điểm.

Điều chắc chắn giúp các Kitô hữu vững tin vào Chúa là giờ chết của ta không phải là bị huỷ diệt, tắt ngủm hơi thở là hết, là chết. Theo mạch văn của Kinh Thánh, giờ con người thế gian sợ hãi lại là giờ người Kitô hữu vững tin vào Chúa, làm Vinh Danh Thiên Chúa. Không niềm tin chết là hết, vinh quang tàn lụi. Có niềm tin chết là bắt đầu cuộc sống mới, vinh danh bắt đầu sáng chói. Phải chăng đây chính là giờ mà Chúa Nhật đầu mùa chay nhắc đến trên núi thánh. Áo trắng như tuyết, mặt mày sáng rực như ánh hào quang. Cái chết của người không có niềm tin chính là danh vọng đang có biến mất, chấm dứt. Cuộc đời đổi trắng ra đen. Cái chết của người Kitô hữu trái lại biến đổi đời mình đang từ không danh vọng lại được ban cho danh vọng. Rõ là đang đen ra trắng. Trắng như tuyết, chói lọi như ánh sáng hừng đông vì họ chết trong ánh sáng Đức Kitô, Người là sự sáng đến trong thế gian để ban ánh sáng chói lọi cho những ai tin vào Ngài. Ánh sáng chói lọi này bắt đầu toả sáng khi giờ người đó điểm cũng chính là lúc họ kết hợp, nên một với Đức Kitô để Ngài sống lại vinh hiển thế nào thì chúng ta những người tin theo cũng được sống lại với Người như vậy.

Nói như thế không có nghĩa người Kitô hữu không buồn sầu khi nghe tin người thân qua đời, hay chính mình mang bệnh nan y. Không phải thế, người Kitô hữu không vô cảm đến phũ phàng, vô tình như thế. Đứng trước cái chết dù là của người thân hay cái chết thương tâm của một người chúng ta không khỏi tiếc thương bởi vì đó là dấu hiệu của chia lìa, ngăn cách. Dù là ngăn cách một thời gian cũng là ngăn cách. Chúng ta khóc thương vì gắn bó tình cảm con người bị chia sẻ, vì cảm thấy mất mát dù là mất tạm bợ. Chúng ta khóc thương, đau buồn xúc động vì đó là phản ứng tự nhiên của cảm xúc con người. Cảm xúc đó cần được bộc lộ, diễn tả thể hiện tình yêu chân thành. Bản tính thự nhiên là như thế. Điểm khác biệt là Kitô hữu khóc, thương và nhớ nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Trái lại Kitô hữu luôn sống trong hi vọng, hi vọng ngày gặp lại người thân, ngày tái đoàn tụ trên thiên quốc. Ngày mà Đức Kitô diễn tả như hạt lúa mì chết đi để biến thành cây lúa mới với bông lúa vàng trĩu hạt, mỗi hạt vàng ươm, đầy hạt gạo thơm, của mùa thu hoạch tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.

Nước không thể bốc hơi nếu nhiệt độ không biến thể lỏng thành thể khí. Gió không lay động cành cây nếu không khí không chuyển động. Chúng ta không tiến vào vinh quang Thiên Chúa nếu không có cảnh chia li giữa ta và trái đất. Giờ phút chia li đó mang lại niềm đau nhưng cần thiết giúp ta trở về với Đấng Sáng Tạo nên ta.


 

18. Con người – Lm. Vũ Đình Tường

Chúng ta có cha có mẹ và cha mẹ yêu thương chúng ta, chăm sóc, bảo vệ. Sau này khôn lớn chúng ta lại tiếp tục coi sóc con của chính mình, bảo vệ và yêu thương chúng. Khi tự nhận mình là ‘Con Người’ Đức Kitô không có í nói đến mối liên hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái. Đức Kitô ngụ í nói về sứ mạng của Ngài. Sứ mạng đó là Ngài đến để phục vụ mọi người. Con Người đến để phục vụ mọi người.

Khi tự nhận mình là ‘Con Người’ Đức Kitô muốn nói đến bản tính nhân loại của Đức Kitô. ‘Con Người’ đến dậy cho người ta biết khác biệt giữa sống làm người và sống nên người. ‘Con Người’ đến mang lại ơn an bình, mang tình yêu Chúa đến cho tha nhân, xoa dịu vết thương, chữa lành bệnh tật, an ủi kẻ yếu đau và kết thân cùng kẻ cô đơn cùng khổ. Biết cảm thông với nỗi khổ của mọi người, kẻ khốn cùng, chia sẻ thống khổ của đồng loại. Sống như thế là sống nên người. Sống như thế là hiện thân của tình yêu Chúa cho tha nhân. Tình yêu Chúa biến đổi cuộc sống chúng ta. Tình yêu Chúa biến đổi cách nhìn, cách suy nghĩ và hướng chúng ta đến điều tốt lành. Sống theo í Thiên Chúa không nhằm mục đích thành công nhưng nhằm mục đích thành nhân, thành người có tư cách, có nhân, có nghĩa.

Khi tự nhận mình là ‘Con Người’ như mọi người điều này ngụ í nói Đức Kitô còn một bản tính khác nữa đó chính là bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Ngài vừa là Thiên Chúa thật vừa là ‘con Người thật’. Tương tự như thế chúng ta là con người nhân loại và khi tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa chúng ta thực sự trở thành con Thiên Chúa.

Thánh danh ‘Con Người’ có nguồn gốc từ tiên tri Daniel 7,13-14 khi tiên tri nói về hình ảnh con người có quyền trên toàn vũ trụ. Con người đó được ban cho quyền năng trên khắp bầu trời và quyền năng trên tất cả các loài thụ tạo dưới đất. Quyền năng đó vô cùng tận và nước cúa Ngài tồn tại muôn đời, không thế lực nào phá nổi. Mọi ngôn ngữ đều qui phục Ngài. Điều tiên tri này thể hiện nơi con người Giêsu Kitô, sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Điều này xác định bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Khi Đức Kitô tự xưng là ‘Con Người’. Dân Do Thái lúc đó hiểu Ngài muốn nói cho họ biết Ngài là Đấng Thiên Sai.

Ngài dùng hai hình ảnh diễn tả mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Cả hai hình ảnh đều diễn tả một cách nhiệm mầu ơn cứu chuộc và ơn tái sinh. Đức Kitô hay ‘Con Người’ nhân danh nhân loại hoàn thành sứ mạng qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển. Chết để tái sinh. Hình ảnh đầu là hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất nó thối đi, rồi nên mầm, trổ sinh bông trái gấp trăm. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh treo lên cây, hình ảnh của thập tự để kéo nhân loại lên cùng Ngài. Cả hai hình ảnh đều diễn tả sự chết và cả hai hình ảnh đều diễn tả sau chết không phải là thối nát, hư mất mà là thay hình, đổi dạng tiến vào cuộc sống vinh quang. Kitô hữu đi con đường chính ‘Con Người’ đã đi, cuối đường cũng thay hình đổi dạng tiến vào cuộc sống trường sinh, vui sống cạnh ‘Con Người’ vinh quang.


 

19. Nếu hạt giống chết đi – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Con người muôn đời vẫn ưu tư về đau khổ và cái chết. Đó là một cản trở lớn cho niềm tin vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa toàn năng và thương yêu con người, tại sao người lành phải đau khổ? Bởi đó niềm tin Thiên Chúa cũng gặp bế tắc. Bế tắc đó chỉ có thể được khai thông nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã đem lại cho đau khổ và cái chết một ý nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu xa thân phận bi đát của con người. Thân phận con người cũng như hạt giống phải chết đi mới sinh nhiều hoa trái. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu độ muôn dân. Người chính là hạt giống Thiên Chúa gieo xuống trần gian. Cát bụi trần gian đã vùi lấp con người nhỏ bé của Người. Nhưng người sẽ trỗi dậy, vươn cao như bầu trời, đem niềm hi vọng đến muôn dân.

BỨC TRANH VÂN CẨU

Người Hi lạp ái mộ, “muốn gặp Đức Giêsu”(Ga 12,21). Như thế họ đã có lòng khâm phục và muốn tin tưởng vào Chúa. “Trong Tin Mừng Gioan, gặp có nghĩa là tin. Đức Giêsu cho biết họ sẽ gặp Người nếu họ tin vào Người ngang qua cái chết” (Disciples in Mission 1999:22). Nghĩa là họ sẽ gặp Người trong vinh quang trên khổ giá. Bởi vậy thay vì trả lời trực tiếp, Đức Giêsu đã nói lên một sự thật. Giờ gặp Người là lúc Người bước vào vinh quang: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12:23). Nhưng vinh quang đó phải ngang qua khổ giá. Đúng hơn, chính trên khổ giá, chính lúc chương trình cứu độ được thực hiện, vinh quang Thiên Chúa tỏa sáng. Niềm tin của những người Hi lạp phải ngang qua thập giá mới đạt được. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói với các môn đệ về sự thật trên bước đường theo Chúa.

Muốn theo Chúa, tiên vàn “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Thầy leo lên khổ giá, môn đệ không thể đứng dưới nhìn lên như khách bàng quan. Khi leo lên khổ giá, Thầy sẽ trở thành một sức mạnh thu hút tất cả môn đệ lên theo. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Nghĩa là “Người sẽ kéo các tín hữu đi theo Người lên thập giá bằng cách để cho họ phải bị thù ghét, phải chịu bách hại như Người” (Thánh Kinh Tân Ước 1995:448). Thày đã hi sinh cuộc sống trần gian cho môn đệ. Nếu muốn tiếp tục làm môn đệ Thày, họ không thể không biết đến thang giá trị giữa sự sống trần gian và sự sống vĩnh cửu. Thày nói rõ: “Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Tại sao phải hi sinh tới mức đó? Hi sinh như thế có thực tế không? Theo Thầy làm gì cho khổ? Phục vụ Thày có được lợi gì đâu?

Nhưng Đức Giêsu nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy” (Ga 12,26). Theo Thầy để bước lên khổ giá, tức là bước vào vinh quang, sẽ chiếm được tình yêu Chúa Cha như Thầy. Đó là điều quả quyết: “Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12,26). Còn gì giá trị hơn tình yêu của Chúa Cha? Đó là nguồn suối duy nhất phát sinh mọi hồng ân, tự do và hạnh phúc. Chính vì giá trị tuyệt vời đó, Đức Giêsu đã nhận được tất cả sức mạnh để xông vào cuộc chiến với Satan. Người mạnh đến nỗi “giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12,31).

Dù sao, trong tình thế hiện tại, Đức Giêsu cũng vẫn là con người. Đứng trước cái chết, Thầy cũng cảm thấy luống cuống. “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12,27). Thầy rùng mình kinh khiếp. Tất cả thân thể Thầy nổi da gà. Thầy nhìn vào mình quá kỹ. Bởi thế Thầy không thấy lối thoát. Thày thấy chóng mặt, quay cuồng với những ưu tư về chính mình. Chợt một tia sáng bừng lên dẫn theo một tiếng nổ long trời (Ga 12,29). “Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: ‘Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!’ (Ga 12,28). Đó là tiếng Chúa Cha trả lời tâm nguyện vâng phục của Chúa Con (c.28), một sự vâng phục dẫn Đức Giêsu vào màn đêm tăm tối của đau khổ. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 8-9). Nhưng chính lúc đất trời nối liền, quyền lực âm phủ tiêu tan. “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này” (Ga 12,31), một cuộc phán xét sẽ cho thấy tất cả bộ mặt thật của ác thần. Thật là khủng khiếp!

Đối với những ai vâng phục như Đức Giêsu, không hề có phán xét. Trái lại một giao ước mới, giao ước tình thương sẽ được thiết lập (Gr 31,31). Họ sẽ nghe những lời âu yếm: “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33). Như thế một tương quan mới đã được thiết lập. “Chính nhờ đau khổ, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu và Thánh Linh hiện xuống, dân Chúa đã bước vào một tương quan mới” (Disciples in Mission 1999:22) với Thiên Chúa tình yêu.

RAU NÀO SÂU ẤY

Cuộc đời Đức Giêsu quả thật như “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” (Cung Oán Ngâm Khúc). Nhưng ngược với nàng cung phi bị ngã gục dưới thực tế đau buồn, Đức Giêsu đã trỗi dậy, “đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ và cái chết, vì qua đó, Người đã đem lại ơn cứu độ cho toàn thế giới” (Disciples in Mission 1999:23). Đó là một chiến thắng lớn lao, đem lại nguồn hứng khởi cho nhân loại. Đức Giêsu là một hạt giống đã chết đi, sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24) là cộng đoàn các Kitô hữu. Từ đó, nhờ sự kết hợp với Người, Kitô hữu sẽ cống hiến cho thế giới cả một mùa màng vô cùng tốt đẹp. Nói khác, “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Thầy chính là năng lực, là ý nghĩa sau cùng của mọi nỗ lực thắng vượt đau khổ và sự ác.

Thực ra, tự bản chất, đau khổ vô nghĩa. Sở dĩ đau khổ có ý nghĩa vì đó là một phương tiện để Đức Giêsu chứng tỏ tình yêu của Người với Chúa Cha và nhân loại. Ngày nay vẫn có nhiều môn đệ Chúa Kitô biết lợi dụng những đau khổ như là con đường đi tới vinh quang. Dù phải vào tù hay có thể bị lây nhiễm những bệnh nguy hiểm, họ vẫn một lòng xả thân cho đồng loại. Họ là những người đang chiến đấu cho quyền làm người, đang âm thầm hi sinh cho những người nghèo, chăm sóc những người già, bệnh tật, những trẻ em mồ côi. Không có những gương hi sinh như thế, không biết nhân loại sẽ đi tới đâu.

Những môn đệ Chúa Kitô đó đang nỗ lực thiết lập nền tảng giao ước mới trong lòng mọi người, đang lợi dụng “cơ hội tuyệt vời để khởi đầu xây dựng một mối tương quan vĩnh hằng và thân mật với Thiên Chúa” (xc. Gr 29,11; 32,38-40) (Life Application Study Bible 1991:1345). Họ đang học vâng lời như Đức Giêsu, dù có phải hi sinh chính mạng sống. Chính sự vâng lời ấy sẽ kiện toàn con người và đưa họ tới mức hoàn hảo hay trưởng thành như Đức Kitô. Nói khác, vâng lời không hề gợi lên ý hướng tiêu cực, nhưng hoàn toàn đẩy con người vào một chiều hướng giao ước mới đặt nền tảng trên Đức Kitô (Dt 8,6). Vâng lời như thế, họ sẽ thấy phải “từ bỏ luật lệ khắc nghiệt của cái tôi muốn lấy mình làm trung tâm” (Life Application Study Bible 1991:1905). Trung tâm cuộc đời phải là Thiên Chúa, Đấng giải thoát con người khỏi những ràng buộc của cái tôi cồng kềnh. Rời xa trung tâm đó, con người chìm vào những tham vọng ngông cuồng của văn hoá sự chết, “phủ nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng sự sống. Khi kinh tế thống trị, người ta đổ xô đi tìmnhững giải pháp dễ dãi như phá thai, chết êm dịu.” (Igor Kowalewsky: Zenit 4/4/03) Tự do không có nghĩa là buông thả. Trái lại, “tự do xây trên chân lý là nền tảng duy nhất bảo đảm xã hội dân chủ tự do.” Chân lý đó là Đức Kitô. Khi xây dựng trên nền tảng đó, “cộng đoàn và gia đình Công giáo chiếu sáng như những mẫu mực của cộng đoàn sự sống và tình yêu để canh tân nền văn hoá hiện đại.” (Igor Kowalewsky: Zenit 4/4/03)


 

20. Mùa gặt tươi tốt – Cố Lm. Hồng Phúc

Với Phụng vụ hôm nay, Giáo hội đọc lại cho chúng ta những lời ca thán của tiên tri Giêremia, những lời não nuột thống thiết khi đạo quân Babylone bao vây Giêrusalem, dân Chúa lâm cảnh lưu đày. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa tình thương, giữa đêm tối vẫn lóe lên ánh sáng, giữa bao đổ vỡ thất vọng vẫn tái xuất niềm hy vọng. “Đây tới ngày Ta ký kết với dân Ta Giao ước mới, Ta sẽ là Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta… Ta sẽ tha tội ác của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa.” Những lời ấy sẽ thực hiện nơi Chúa Giêsu khi Ngài đến cứu độ chúng ta, sẽ cho “chúng ta uống vào chén tân ước vĩnh cửu, chén máu của Ngài sẽ đổ ra cho chúng ta và nhiều người được tha tội.”

Trong Thư gửi Giáo đoàn Hebrô, niềm hy vọng ấy lại được nhắc lại cho nhóm giáo dân tiên khởi, cũng đang hoang mang run sợ khi nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Từng đoàn người bị phát lưu đi cùng đế quốc, sau biến cố năm 70 thành Giêrusalem bị bình địa, đền thờ bị phá hủy, “không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào.” Chúa Giêsu, Phaolô viết, “Mặc dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu và khi hoàn tất Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho những kẻ tùng phục Ngài.” Chúa đã đi qua con đường sự chết để vào chốn vinh quang và trở nên nguồn gốc ơn cứu độ cho chúng ta hết thảy.

Chúa Giêsu là câu hỏi ngàn đời, cho người Do thái, người ngoại bang cũng như cho chúng ta ngày nay hết thảy.

Hôm nay, Gioan cho biết có một nhóm người Hy lạp đến Giêrusalem trong dịp lễ Vượt qua, tìm cách được gặp Chúa. Họ là những người ngoại bang, nhưng lại có cảm tình với Do thái giáo. Họ đến nhờ hai vị Tông đồ Anrê và Philiphê, hai Tông đồ biết chút ít ngôn ngữ, giới thiệu để được gặp Chúa Giêsu. Gặp đây không phải là chỉ nhìn thấy, nhưng theo từ ngữ của Gioan muốn nói, là được thấu hiểu phần nào con người bí ẩn của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không đáp ứng trực tiếp điều họ mong muốn. Nhưng Ngài lại cho họ thấy giờ vinh quang của Ngài, giờ mà Ngài đi vào cuộc tử nạn, mọi người đều thấy. Và để giải thích, Ngài tự ví như hạt lúa gieo vào trong lòng đất, phải được mục nát đi, rồi mới vươn lên, sinh hoa kết quả. Thì xác thánh của Ngài cũng bị chôn vào mồ, rồi mới phục sinh sống lại trong vinh quang.

Theo từ ngữ Thánh Kinh, giờ là cuối điểm của một sứ mạng. “Giờ của người đàn bà” (Gio. 16,21) là giờ sinh đẻ, “Giờ của Chúa Giêsu” là giờ tử nạn vì là giờ Ngài hoàn tất sứ mạng cứu chuộc. Hình ảnh hạt lúa vùi xuống đất, bừng lên đầy nhựa sống là hình ảnh mầu nhiệm phục sinh thì mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng phục sinh. Chúng ta trong đời, có phải là hạt giống hứa hẹn một mùa gặt tươi tốt cho chính mình và cho kẻ khác không?

Gioan không tường thuật cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani, mồ hôi chan hoà lẫn máu. Nhưng đã nhìn thấy cuộc ấy diễn ra trong sân đền thờ. Chúa phán: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này? Nhưng chính vì thế mà con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha.” Và câu trả lời của Chúa Cha đã vang vọng như trong khi Ngài vừa chịu phép rửa và khi Ngài biến hình. Dân chúng xao xuyến. Nhưng Chúa giải thích: “Bây giờ là lúc thế gian bị xét xử… Còn Ta khi bị đưa lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.”

Cây Thánh giá sẽ được tôn vinh, sẽ làm dụng cụ cứu rỗi nhân loại.

Thánh Phanxicô Xaviê khi rao giảng cho dân chúng luôn luôn cầm trong tay một cây Thánh giá lớn. Một hôm đang giảng cho dân từng từng lớp lớp đứng trên bãi biển, mệt quá cây Thập giá rời khỏi tay và rơi tỏm xuống biển. Ngài buồn rầu cầu nguyện. Thì bỗng nhưng có một con cua từ dưới biển bò lên, hai càng gậm cây Thánh giá. Ngài vui mừng cám tạ ơn Chúa. Vị Thánh Quan Thầy xứ truyền giáo ấy đã rửa tội gần một triệu người.

“Tôi mong đợi Chúa, vì Chúa giàu ơn cứu độ

Và giải thoát Israel khỏi mọi gian ác”

(Tv. 129 – Đáp ca)

home Mục lục Lưu trữ