Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1379498

BIẾT CAN ĐẢM CHẤP NHẬN LỖI LẦM

Biết can đảm chấp nhận lỗi lầm.

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Hôm ấy, Chúa Giêsu trở về quê hương Nadarét. Vì ưu ái người đồng hương, Ngài ưu tiên tỏ cho họ nhận biết vai trò và sứ mạng của Ngài là Người được Thánh Thần xức dầu, được sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ân xá cho những kẻ bị giam cầm, cho người mù tối đón nhận ánh sáng, cho người bị áp bức được tự do và công bố thời kỳ hồng ân của Thiên Chúa… với hy vọng là những người đồng hương cốt nhục của mình được đón nhận ơn cứu độ trước hết.

Thế nhưng đôi mắt của người dân Na-da-rét đã bị che phủ bởi thành kiến nên họ đã không nhận ra vai trò và sứ mạng cao cả của Chúa Giêsu. Với thành kiến rằng Đức Giêsu chỉ là một anh thợ mộc bình thường con của bác thợ Giu-se, bà con thân thích của Ngài đâu có ai sáng giá… nên họ đã không tin Ngài. Họ đã để tuột khỏi tầm tay một cơ hội ngàn vàng, đã đánh mất hồng ân vô giá.

Để cảnh tỉnh họ, Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến cho mình, nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Isaia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Ít-ra-en phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Isaia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Ít-ra-en thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Xa-rép-ta, miền Xi-đôn.

Một sự kiện khác tương tự là vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, đang khi có nhiều người phong cùi trong dân Israen cần được cứu chữa, thế mà không ai trong bọn họ được vị ngôn sứ chữa lành, ngoại trừ tướng Na-a-man ngoại giáo, người nước Sy-ri.

Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu không làm cho họ tỉnh ngộ, trái lại càng khiến họ oán ghét Ngài khủng khiếp!

Họ oán ghét và nổi cơn phẫn nộ với Ngài chỉ vì Ngài đã chỉ cho họ thấy những sự thật phũ phàng liên quan đến họ. Họ nhất tề đứng dậy, xông vào túm lấy Ngài, lôi Ngài ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành.

Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực, cho Ngài nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống, vì Ngài đã dám nói lên sự thật, một sự thật phũ phàng, đen tối liên quan đến họ…

Ôi, khủng khiếp thay cơn giận của đám dân thành Na-da-rét!

Hành động như thế là thiếu tinh thần phục thiện, là hèn nhát không dám đối diện với sự thật. Đúng ra, họ phải cám ơn Chúa Giêsu vì Ngài đã giúp họ thấy được sai lầm của mình để sửa chữa cho tốt hơn. Đúng ra họ nên nhìn lại sai lầm của mình thật rõ và những hậu quả do đó mà ra để rồi không còn tái phạm nữa.

Tiếc thay họ đã đi vào vết chân của cha ông họ nhưng còn tồi tệ hơn. Cha ông họ bạc đãi các tiên tri, còn chính họ thì toan giết hại Con Thiên Chúa.

Thế nhưng hôm nay soi lại bản thân, chúng ta cũng thấy đôi khi mình cũng đi theo vết chân đó. Khi có ai đó chỉ cho ta thấy những lầm lỗi khuyết điểm của chúng ta, những sự thật đen tối về bản thân ta, thì thay vì cám ơn người đã chỉ bảo cho mình điều hay lẽ phải, chúng ta lại lồng lên như một thú dữ bị thương, gầm lên dữ dội và có thể có thái độ hung hãn đối với người đã vạch ra lầm lỗi của mình. Thế rồi mình cứ cố chấp trong tội lỗi của mình. Và như thế, chúng ta cứ mang thói hư tật xấu xuống mồ và sẽ không bao giờ biết cải thiện. Thật đáng tiếc lắm thay!

Nếu ngôi nhà chúng ta bén lửa, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để chữa cháy, thì hẵn là chúng ta sẽ rất biết ơn người ấy và khẩn trương chữa cháy cho ngôi nhà.

Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta lại quay ra căm giận, hành hung người báo cháy cho mình thì thật là điên rồ không thể chấp nhận được.

Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm ỉ đốt cháy đời mình mà chúng ta không hay biết. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có ‘lửa’ đang bén vào ‘căn nhà cuộc đời’ của mình, thì đừng phẫn nộ với người đó như người dân thành Nadarét năm xưa. Cần biết ơn họ sâu sắc vì nhờ họ cảnh báo mà chúng ta biết được những ‘ngọn lửa’ lầm lỗi, âm ỉ đốt cháy cuộc đời mình, để rồi cấp tốc cứu đời mình khỏi cháy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Chúa soi dọi vào những ngóc ngách đen tối trong tâm hồn chúng con để vạch cho chúng con thấy những sự thật đen tối trong đời mình.

Xin cho chúng con can đảm lắng nghe những lời phê bình chân thực của người khác mà không tìm cách biện minh hay chống chế.

Xin cho chúng con dám nhìn thẳng vào những thói xấu của mình, gọi đúng tên chúng, quan sát cách vận hành hay biểu lộ của chúng qua hành vi, lời nói, và cách cư xử hằng ngày của chúng con…

May ra lúc đó, chúng con mới có thể cải thiện và đổi đời.

 

11. Ta về ta tắm ao ta – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Theo báo chí nhận xét: “Tết năm nay (2010) lượng trái cây của Trung Quốc nhập về giảm mạnh. Các năm trước, đến thời điểm này, hàng trái cây Trung Quốc đã chất hàng ngàn tấn tại chợ nhưng năm nay thì lại chưa thấy gì”. Có người còn độc miệng nói rằng: các loại trái cây của Trung Quốc chủ yếu là lê, táo, nho… màu đẹp, bóng, để được lâu (khoảng tháng rưỡi) nên một số người mua để cúng chứ không dám ăn. Không chỉ trái cây nhưng rất nhiều mặt hàng Trung quốc đến nay người dân đã tẩy chay vì hàng kém chất lượng, nhất là lại chứa nhiều độc tố. Điều đó dẫn đến một làn sóng trở về với dân tộc: “Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Thực vậy, với xu hướng xính ngoại, lâu nay nhiều người không dùng hàng Việt. Thích dùng hàng ngoại. Hậu quả là hàng ngoại kém chất lượng, quá date, hàng giả… tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ dừng lại ở hàng hóa mà ngay cả trong vấn đề hôn nhân cũng vậy. Nhiều cô gái thích lấy chồng ngoại. Đến nỗi có cả một thị trường tuyển chọn cô dâu. Nhưng có mấy ai lấy chồng ngoại được yên bề gia thất? Có mấy ai thực sự hạnh phúc với hôn nhân thiếu vắng tình yêu?

Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng từng cay đắng để thốt lên rằng: “không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”. Người ta dễ “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Người ta xem thường đồng hương. Dù biết rằng tình đồng hương rất cần vì “tối lửa tắt đèn có nhau”. Dù biết rằng kẻ láng giềng rất cần thiết, cần thiết hơn là anh em ruột thịt mà ở xa, như lời cha ông đã nói: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, người hàng xóm lại dễ mất lòng nhau. Người hàng xóm lại dễ ganh tỵ với nhau. Thay vì sống với nhau để mang lại sự chia sẻ, cảm thông, nhưng lại gây sóng gió cho nhau. Có mấy ai ở bên nhau mà không lời qua tiếng lại? Có mấy ai ở bên nhau mà đùm bọc lấy nhau như là bí với bầu “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”? Chúa Giêsu cũng từng bị đồng hương tìm cách loại trừ. Đã có lần người ta cho rằng Người đang bị mất trí. Chính vì cái nhìn thiển cận và đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình. Hôm nay, sau thời gian dài, Ngài đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, Ngài trở về dưới cái nhìn xem thường của đồng hương. Họ không tin một Giêsu con bác thợ mộc lại có thể làm nhiều phép lạ như lời đồn. Nói đúng hơn, là họ không thể chấp nhận sự thật về con người Giêsu mà họ đã biết từ khi ấu thơ, nay lại có thể có những khả năng phi thường như vậy. Họ đã bị vấp phạm vì Người. Họ đã tìm cách loại trừ Chúa Giêsu, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi.

Vâng, cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi người người biết tôn trọng lẫn nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn, hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những thành quả, những đóng góp của anh em, thay vì ghen ghét, dửng dưng.

Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để bổ túc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái cần đến cha mẹ để nương nhờ cậy trông. Hàng xóm cần đến nhau để “tốt lửa tắt đèn có nhau”. Và một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy sống tôn trọng và kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho nhau những niềm vui và hạnh phúc. Amen

 

12. Thân phận ngôn sứ.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ)

Có người đã mô tả các ngôn sứ trong Kinh Thánh như những người an ủi những ai phiền não và cũng là những người gây phiền não cho những kẻ giàu sang, tự mãn. Chẳng hạn như ngôn sứ Giêrêmia. Ông sống vào thời kỳ Israel đang bị băng hoại từ bên trong và bị quân đội ngoại bang hùng mạnh đe dọa từ bên ngoài. Tình hình như thế làm cho Giêrêmia hết sức đau xót vì ông yêu tổ quốc và đồng bào mình. Có lẽ vì vậy mà Chúa đã kêu gọi Giêrêmia làm ngôn sứ cho đồng bào của ông. Nhưng lần nào được Chúa kêu gọi, Giêrêmia cũng đáp lại một cách miễn cưỡng, vì ông biết rằng làm ngôn sứ nơi quê hương mình rất là khó khăn. Nhưng rồi Giêrêmia phải giảng, ông tuyên bố thẳng thắn với dân chúng con đường sống còn duy nhất của họ là phải canh tân đời sống, hướng về Chúa và kêu cầu Ngài cứu giúp.

Nghe ông thuyết giảng như thế, đám dân liền nổi giận. Họ lẩm bẩm kêu lên: “Ông nội Giêrêmia nầy dám nghĩ mình là ai mà bày đặt phê phán chúng ta, vì dầu sao chúng ta cũng là đồng bào của ông ấy?”. Tình trạng căm ghét ngày càng dâng cao đến nỗi có lần nhà cầm quyền đã công khai đánh đòn Giêrêmia, lần khác thì cột ông vào trong bao, lần khác nữa thì xô ông vào một đống phân.

Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm được những khó khăn và đau đớn ấy khi lãnh nhận sứ mạng làm ngôn sứ ngay trong xứ sở của Ngài. Ngài đã từng bị bạn bè và láng giềng ruồng rẫy. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu lần đầu tiên thuyết giảng nơi quê nhà Ngài, sau khi lãnh nhận phép Rửa từ sông Giođan trở về. Khi Chúa đứng lên tuyên bố với đồng bào đồng hương rằng Thần Khí Chúa ngự xuống trên Ngài và chính Ngài làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh, thì lập tức họ cảm thấy khó chịu ngay. Khắp hội đường đều nghi hoặc và dân chúng xầm xì bàn tán với nhau: “Anh ta không phải là con ông Giuse sao? Anh ta chẳng phải là một người nghèo khổ trong làng Nagiareth sao? Anh ta nghĩ mình là ai mà dám tự nhận mình là ngôn sứ? Đâu là bằng chứng cho thấy anh ta là Đấng Thiên Sai chứ không phải là tên mạo nhận?”. Lời xầm xì càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu đám dân bắt đầu la lên. Rồi tình hình đột nhiên không thể kiềm chế được nữa. Thánh Luca kể lại trong Tin Mừng như sau: “Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi trong thành phố dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới. Nhưng Ngài đã bước qua giữa họ và bỏ đi nơi khác”.

Nếu đọc tiếp Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu phải đi tiếp tới tận Giêrusalem. Trên con đường ấy, Ngài sẽ tiếp tục bị người Do Thái xô đẩy. Cuối cùng họ lôi được Ngài lên thập giá trên đồi Golgotha, xô được Ngài xuống mồ. Nhưng Ngài lại chỗi dậy từ trong cõi chết và tiếp tục con đường của Ngài: đem lại ơn cứu độ cho muôn dân. Ngài còn sai các môn đệ tiếp tục con đường của Ngài: đi làm chứng cho Ngài đến tận cùng trái đất.

Bài mô tả của Thánh Luca về những khó khăn đầu tiên Chúa Giêsu gặp phải tại Nagiaret khiến cho người Kitô hữu đang hăng hái phấn khởi bỗng như bị “té cái bịch” xuống đất. Nhưng sau khi suy niệm về kinh nghiệm chua chát đó, chúng ta bỗng nhớ lại những lời phiền não cụ già Simêon đã thốt ra khi Chúa Giêsu được dâng vào đền thánh: “Trẻ nầy… là một dấu chỉ cho người ta chống đối” (Lc 2,34). Lời nói nầy sẽ còn vang đi vọng lại suốt thời kỳ giảng thuyết của Chúa Giêsu. Nếu dân làng Nagiaret từng đòi Chúa Giêsu trưng ra bằng chứng xác minh Ngài là Ngôn sứ thế nào, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo Israel cũng buộc Ngài chứng minh giáo lý của Ngài là chính thống y như vậy. Nếu dân làng Nagiaret từng tố cáo Chúa Giêsu là kẻ dối trá, là kẻ lộng ngôn phạm thượng thế nào thì bọn Biệt phái cũng thẳng thừng buộc tội Ngài là khí cụ của chính ma quỷ y như thế (x. Mt 12,24). Và nếu dân làng Nagiaret đã từng cố công tìm cách giết Chúa Giêsu vì lời tuyên bố của Ngài như thế nào, thì đám dân thành Giêrusalem cũng hò hét khản cổ: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!” y hệt như vậy. Thực sự mà nói, Chúa Giêsu quả là một kẻ bị nhiều người chống đối và khích bác. Lời tiên tri của cụ già Simêon về con trẻ Giêsu sẽ theo sát Đức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế của Ngài.

Cùng với Giêrêmia, Chúa Giêsu đã là gương mẫu cho các sứ giả Tin Mừng hôm nay. Phải luôn luôn ý thức về sứ vụ mang Lời Chúa của mình, biết rõ những khó khăn, thử thách và nguy hiểm sẽ gặp, nhưng vẫn một lòng trung thành hòa tất sứ vụ, liều chết vì sứ vụ Chúa đã trao phó để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Ngay nay sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa vẫn được Giáo Hội tiếp tục thi hành trên khắp thế giới. Biết bao người đã được ơn gọi lãnh lấy sứ vụ đó và đã hân hoan đón nhận, đang thi hành sứ vụ của mình một cách can đảm, nhiệt thành và kiên trì rất đáng thán phục. Họ cũng đang gặp đủ mọi thử thách, chống đối, ghen ghét, hãm hại bởi những người không muốn đón nhận Tin Mừng họ rao giảng. Họ đã sẵn sàng chịu đủ thứ hình khổ và cả cái chết nữa vì sứ vụ chuyển thông Lời Chúa theo gương Đức Kitô. Chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa ban sức mạnh tinh thần cũng như thể xác cho họ như Chúa đã ban cho các vị Ngôn sứ, các Tông đồ ngày xưa và cho các vị tử đạo.

Chúng ta cầu xin cách riêng cho những người đã lãnh sứ vụ mang Lời Chúa, vì lý do nầy hay lý do khác mà sợ hãi, muốn tháo lui, muốn nín thinh… biết nhìn vào gương của Giêrêmia, của Đức Giêsu, của các Tông đồ và bao nhiêu người đã và đang hết sức trung thành với sứ vụ của mình trong đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.

Và chính chúng ta nữa, thưa anh chị em, chúng ta cũng được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô khi chúng ta được xức dầu trong Bí tích Rửa Tội, khi chúng ta được trở nên thành phần của Giáo Hội truyền giáo; vì thế chẳng những chúng ta chỉ nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa cho mình mà thôi, nhưng còn phải để tâm đem Lời Chúa, những giáo huấn của Lời Chúa, của Giáo Hội đến cho những người chung quanh, nhất là những người trong gia đình, hầu thánh hóa xã hội chúng ta đang sống.

Hạnh phúc của chúng ta là còn đang được nghe Tin Mừng của Chúa qua tiếng nói của các sứ giả Ngài đã chọn và sai đi. Ước chi chúng ta biết mau mắn, chăm chú nghe Lời Chúa, suy nghĩ và đem áp dụng vào đời sống thường nhật. Chớ gì chúng ta biết thay đổi đời sống, biết xây dựng cuộc sống của chúng ta trên nền tảng Lời Chúa, trên giáo huấn của Giáo Hội.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện nói lên cảm nghĩ của bất cứ ai đã từng cố gắng trung thành bước theo Chúa Giêsu:

“Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa vì đôi khi chúng con bị cám dỗ căm thù đám người ruồng rẫy chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa, vì đôi khi chúng con như muốn ngã lòng trước những cảnh ngộ gai góc.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng dũng cảm, vì đôi khi chúng con như muốn đầu hàng trước nhữn gánh quá nặng đè lên chúng con.

Xin giúp chúng con là muốn ướp mọi người, là đèn soi thế giới. Xin hãy giúp chúng con tỏa sáng như những vì sao trong thế giới tăm tối nầy”. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ