Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1379044

Biết Mình Để Hạ Mình

Biết mình để hạ mình

Đến ngày lễ “Chúa Giêsu chịu phép rửa” có rất nhiều thắc mắc được đặt ra. Thắc mắc vì tư tưởng của họ không thể chấp nhận được: Tai sao Chúa Giêsu lại phải chịu phép rửa của Gioan? Chúa là Đấng vô tội là con chiên tinh tuyền, thì lẽ gì cần phải sám hối, cần phải ăn năn. Có rất nhiều ý kiến khác nhau nói về điều này, nhưng hầu như không làm thõa đáng, hoặc chỉ làm hài lòng ở một khía cạnh nào đó thôi. Ở đây không nhằm tìm kiếm xem thế nào? Và vì sao? Nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa qua việc Ngài chấp nhận chịu phép rửa và sứ điệp Ngài muốn gởi đến. Qua bài Tin Mừng chúng ta dễ dàng nhận ra hai hành động cho chúng ta noi theo. Hai hành động không “chỏi” nhau mà lại bổ túc cho nhau cách hoàn hảo; một là biết mình nơi Gioan, hai là hành động hạ mình nơi Đức Giêsu.

  1. Biết mình

Khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng thì Gioan đã là người rất nổi tiếng, dân chúng lũ lượt kéo đến với Ngài, họ coi ông như Đấng Messia, Nhưng ông “biết mình” nên đã từ chối và nói: “Không phải ta đâu mà là Đấng khác”, Ông hướng họ tới Đức Kitô. Ta thử suy nghĩ xem, nếu ngài không biết mình chấp nhận mình thì ngài đã xưng mình là Đấng Messia, vì đây là cơ hội và là dịp thuận tiện để lấy lòng tin nơi dân chúng. Nhưng không ! Bổn phận của ngài là đưa tha nhân về với Chúa. Vì giữa Đấng Messia và ngài có một cách biệt qúa lớn “như người đầy tớ không đáng cởi giày cho Chủ”. Hơn nữa, ông còn cho biết: “Phép rửa của ông trong nước, sẽ có Đấng quyền năng hơn tôi, Người sẽ rửa các ông trong thánh Thần và lửa”. Phép rửa của Gioan chỉ là bên ngoài, như nước chảy trên thân xác, còn phép rửa của Chúa Giêsu bên trong như lửa thiêu hủy tất cả. Nhờ có Thánh Thần mà sức nóng của Ngài ăn sâu tận đáy lòng và biến đổi tất cả. Gioan nhờ “biết mình” mà ông tự biết “lu mờ” đế Đức Giêsu “Sáng lên”. Chính khi biết mình thì ông lại thấy mình nhỏ bé để lại càng sống phó thác hơn. Cũng chính vì biết mình để nhận ra mình yếu đuối chỉ là không trước mặt Chúa thì ông mới biết quên mình để nhiệt tình rao giảng phúc âm. Cũng chính vì “biết mình” mà ông đã trở thành những ngộn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, và cũng là mẫu gương cho các ngôn sứ ngày nay. Nếu chúng ta biết mình thì sẽ dễ dàng nhận ra mình nhỏ bé để mà chấp nhận người khác. Hơn nữa, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận thánh ý Chúa, và để Thiên Chúa lớn lên trong ta mỗi ngày trên con đường phục vụ.

  1. Hạ mình

Hầu như rất nhiếu người thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu là Chúa mà lại chịu phép rửa của Gioan. Điều này chỉ có thể giài thích được khi biết lý luận dưa trên tình yêu. Chúng ta không thể hạ mình xuống với một người nhỏ hơn, vì chúng ta chưa đủ yêu họ, vì khi yêu thật thì phải “hy sinh cho người mình yêu”. Hơn nữa Chúa là Chúa cả trời đất, có nơi nào được coi là xứng đáng, có hành động nào được gọi là công bằng, có hành động là phải được. Vì chúng ta chỉ là những thụ tạo, những “con nợ” có gì mà so sánh với tình yêu Chúa được. Nhưng không như ta nghĩ, Đức Giêsu đã hạ mình xuống như người tội lỗi, và yêu thương họ. Vì thế mà Thánh Phaolô đã thốt lên: “Thiên Chúa giống ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi”.

Qua hành động của Đức Giêsu khom người xuống để chịu phép rửa của Gioan, là hành động hạ mình xuống thấp như những người tội lỗi khác. Tuy Ngài vô tội nhưng Ngài đã hòa mình như những người có tội. Ngài không đứng trên họ như người phán xét, mà chấp nhận liên đới để kéo họ lên. Chỉ khi nào mình là người trong cuộc mới hiểu thấu được nỗi thống khổ hoàn cảnh người đó chịu. Chính sự hạ mình đó đã làm cho cả nhân loại thấy được tình yêu cao siêu và vô biên Thiên Chúa đã dành cho con người. Đức Giêsu cũng có thể hoàn toàn đứng hiên ngang như người vô tội, hoặc dùng lời nói hay một quyền phép để cứu ca nhân loại. Nhưng Ngài không làm thế, vì cách đó chỉ như một ân huệ dư thừa ban phát, như một trò chơi chủ tớ. Điều đó hoàn toàn không thể hiện tình yêu mà chỉ khi hành động tự hạ như một người tội lỗi và tột đỉnh là cái chết mới thể hiện được tình yêu vô biên của Ngài dành cho nhân loại, đó mới chính là tình yêu được thể hiện cách sống động và cụ thể. Vì thế, cảm nghiệm được tình yêu Chúa đòi hỏi ta phải biết sống khiêm hạ. Vì mỗi lần khiêm hạ là một lần hy sinh. Mà hy sinh là chấp nhận đau đớn. Vì cuộc thanh tẩy nào cũng có mất mát và đổ máu.

Lạy Chúa xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa để con biết khiêm tôn, biết phó thác, biết chấp nhận hy sinh và cho đi chính con người của mình. Amen.

 

44. Ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa – R. Veritas.

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)

Châu Á là vùng thường hay có bão lụt. Các trận bão lụt lớn trong các năm qua tại Philippines và Trung Quốc khiến cho hàng chục ngàn người phải thiệt mạng. Hình ảnh các cuộc tàn phá do nước lụt gây ra khiến cho người ta dễ đồng hóa nước với chết chóc và quên rằng nước cũng là nguyên lý của cuộc sống mới, của sự thanh tẩy và tái sinh, bởi vì nước là nguyên lý của sự sống. Sự thật này được Giáo Hội nhắc nhở chúng ta qua các bài đọc lễ hôm nay.

Phép rửa Chúa Giêsu lãnh nhận trong tình liên đới trọn vẹn với loài người chúng ta là hình ảnh bí tích Rửa Tội trao ban cho chúng ta cuộc sống mới, cuộc sống làm con cái Thiên Chúa. Isaia chương 40 loan báo Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi cảnh sống lưu đày bên Babylon, sau khi thành Giêrusalem bị vua Babylon đánh chiếm và tàn phá thành bình địa năm 587 trước Tây lịch. Dân Israel bị đày sang Babylon, 50 năm sau đó, vua Cyrus cho họ trở về quê cha đất tổ tái lập quốc gia, xây lại thành thánh và đền thờ. Tin vui của cuộc xuất hành thứ hai trong lịch sử Israel ấy được tiên tri Isaia loan báo qua một vài hình ảnh biểu tượng và kiểu cách đặc thù của ông. Sự kiện Thiên Chúa để ý xót thương dân Ngài được diễn tả qua kiểu nói: Hãy nói với con tim của Thành Giêrusalem”. Trong ngôn ngữ của Kinh Thánh “nói với con tim” là kiểu nói diễn tả tình yêu thương và mối liên hệ hôn nhân. Thiên Chúa đối xử với dân Israel dân Ngài như một vị hôn phu âu yếm, to nhỏ với hôn thê của mình. Nếu trong cuộc xuất hành đầu tiên Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng than khóc của dân Ngài, thì giờ đây, trong cuộc giải phóng thứ hai này, Ngài nghiêng mình xuống trên dân Israel với tất cả lòng dịu hiền, thương mến. “Nói với con tim của Giêrusalem”, như thế có nghĩa là Thiên Chúa Tạo Hóa, giờ đây lại mở rộng bàn tay nhân từ ôm ấp lấy Israel với tất cả lòng thương mến.

Hình ảnh thứ hai, tiên tri Isaia dùng diễn tả tin vui giải phóng khỏi kiếp sống lưu đày là hình ảnh sa mạc. Trong cuộc xuất hành thứ nhất, sa mạc Sinai là nơi Thiên Chúa giáo dục, thanh tẩy và chuẩn bị dân Israel bước vào vùng đất Hứa. Giờ đây sa mạc Syria và sa mạc Giuđa, nóng bỏng ban ngày, giá buốt ban đêm cũng không cản ngăn được đôi bàn tay và con tim thương yêu, trìu mến của Giavê Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ biến chúng trở thành các con đường bằng phẳng, rộng rãi thênh thang, tươi vui chào đón người bị đày trở về quê cũ.

Ngoài các hình ảnh kể trên, tiên tri Isaia II còn dùng thứ ngôn ngữ quân sự và ngôn ngữ du mục diễn tả tình yêu thương bao bọc của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Thiên Chúa đến với sức mạnh, các chiến lợi phẩm đi trước Ngài và cánh tay vững mạnh của Ngài nắm giữ quyền thống trị. Thiên Chúa của Israel, không phải chỉ với đôi tay tượng trưng cho sự bênh đỡ và che chở, mà cả với con tim biểu tượng cho tình yêu thương hiền dịu và cả với đôi cánh tay tượng ttrưng cho sức mạnh và quyền uy của Ngài nữa. Và Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài như một mục tử chăn dắt đoàn chiên, luôn yêu thương chăm sóc và hiện diện bênh đỡ, không khi nào rời.

Cuộc xuất hành thứ ba trong lịch sử cứu độ được Chúa Giêsu Kitô hiện thực qua bí tích Rửa Tội, là bí tích trao ban ơn giải phóng và cuộc sống ấy cho người tín hữu. Qua phép rửa của Chúa Giêsu (Luca 3), nêu bật một vài biểu hiện thần học quan trọng.

Trước khi dầm mình trong nước để lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã trà trộn giữa đám đông dân chúng giống y như mọi người khác, khiêm tốn và chia sẻ với mọi người nhu cầu sám hối và thanh tẩy. Con đường của Chúa Giêsu đi cũng là con đường của tất cả mọi người. Đây là nét đặc thù diễn tả sâu đậm các hệ lụy của biến cố nhập thể, Chúa Giêsu trở thành người và sống như mọi người, giữa mọi người.

Lời thánh Gioan Tẩy Giả xác định bản chất của bí tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu trao ban cho con người gồm hết mọi lễ nghi thanh tẩy của Cựu Ước, bởi vì Chúa Giêsu sẽ thanh tẩy con người với Chúa Thánh Thần và với lửa. Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu hiện thực là lửa đốt cháy sự dữ. Nó như lửa luyện lọc và như thuốc giặt thanh tẩy tâm lòng con người như lời tiên tri đã báo trước trong chương 3. Nó như nước tẩy mọi vết nhơ trong tâm hồn con người, trao ban phong phú và sự sống. Và điểm đặc thù nổi bật nhất trong bí tích Rửa Tội Kitô Giáo, là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguyên lý trao ban sự sống thiêng linh của Thiên Chúa cho con người.

Điểm thần học thứ ba là thái độ cầu nguyện của Chúa Giêsu trong khi lãnh nhận phép rửa thanh tẩy. Phúc Âm thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài cầu nguyện liên lỉ không những trước mọi biến cố quan trọng trong cuộc đời, mà trong mọi lúc cho đến chết. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện và dạy các ông nhiều điều liên quan tới lời cầu nguyện, là cách thế Chúa Giêsu sống mối dây liên hệ yêu thương hiệp thông với Thiên Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.

Và sau cùng là biến cố Chúa Giêsu được thánh hiến trong sứ mệnh cứu độ ấy. Nó được diễn tả bằng lược đồ giải thích thị kiến, thường được các soạn giả Kinh Thánh dùng đến để trình bày một chủ ý thần học hay một kinh nghiệm thiêng liêng nội tâm. Thị kiến như tường thuật trong Phúc Âm là một lời giải thích biến cố Chúa Giêsu lãnh phép rửa thanh tẩy. Biến cố này minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là hiện thân toàn vẹn của Thiên Chúa. Chính trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện, nghĩa là đối thoại thân tình với Thiên Chúa Cha mà Ngài nhận được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong sứ mệnh cứu độ. Sau này, khi các tông đồ tiếp tục sứ mệnh ấy của Chúa Giêsu, các ông cũng sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là ơn đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục sinh trao ban cho các môn đệ và cho mọi tín hữu sau này qua bí tích Rửa tội.

Trong thư gởi cho Titô, chương 2,11-14 và chương 3,4-7, thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta biết ơn tái sinh mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho chúng ta. Ơn thánh Chúa ban giúp chúng ta tái sinh, nghĩa là có được cuộc sống mới và giúp chúng ta tiếp tục canh tân cuộc sống mỗi ngày. Thánh Phaolô khuyên chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi Kitô bằng cách từ bỏ gian tà, từ bỏ các đam mê xác thịt thế gian, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì khiến cho chúng ta xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống mới mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội. Muốn được như thế, cần phải sống thanh đạm và công chính giữa thế giới này và nhất là không bao giờ được quên rằng: Đích điểm cuộc đời chúng ta là được sống bên Chúa Giêsu Kitô và tham dự vào cuộc sống thiêng linh vĩnh cửu rạng ngời với Ngài.

Lời khuyên trên đây của thánh Phaolô rất là tích cực đối với xã hội chúng ta đang sống hiên nay, là một xã hội bị lôi cuốn vào cơn lốc hưởng thụ và tiêu thụ, một xã hội không còn nghĩ đến công lý nữa và không còn biết chừng mực là gì nữa. Tóm lại, phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa của mình, ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Ơn gọi đó đồng thời cũng bao gồm sứ mệnh làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới này. Và chúng ta chỉ có thể hiện thực được nó khi biết cố gắng sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu mà thôi.

 

45. Đấng gánh tội trần gian – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Thánh Gioan, vị ngôn sứ cao cả bậc nhất thời cựu ước, đã từng giới thiệu cho các môn đệ của mình biết Chúa Giêsu là “Đấng mạnh thế hơn Gioan”, Đấng mà Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người” (Mt 3, 16), “là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, là Đấng đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì Người có trước tôi.” (Ga 1,29-30)

Thánh Gioan còn giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng sẽ cử hành một phép rửa vượt xa phép rửa của Gioan: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7)

Thế mà Chúa Giêsu lại đến với thánh Gioan như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.

Tại sao Chúa Giêsu lại hạ mình đến thế? Hành động nầy xem ra không xứng hợp với một Đấng thánh được Thiên Chúa sai đến, không xứng hợp với địa vị cao trọng mà ngay cả thánh Gioan cũng thú nhận là mình không xứng đáng cởi quai dép cho Người, không xứng hợp với Đấng sẽ làm phép rửa cho muôn dân trong Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội thì cần gì phải xin Gioan làm phép rửa cho mình? Vì như thế là không chân thực.

Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giêsu?

Chắc chắn Chúa Giêsu đến chịu phép rửa không phải vì những tội lỗi do Người gây ra -vì Người vốn vô tội – nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Người mà vì tội lỗi của thế gian mà Người đã gánh lấy.

Thánh Gioan đã từng giới thiệu Chúa Giêsu là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai đến trần gian để làm chiên đền tội. Người Do-Thái làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế nó, để nó chết thay cho người tội lỗi. (Lê-vi 8, 14-15)

Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Do-thái 10, 4) nên Chúa Giêsu đã hiến mình làm Chiên mới, Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Người trở thành tội nhân, như lời thánh Phao-lô dạy: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5, 21)

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” (2 Cr 5, 21), nên Chúa Giêsu hòa mình với những tội nhân khác, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” nên Chúa Giêsu đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phê-rô: “Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2, 21-24)

Hình ảnh Chúa Giêsu vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại chen chúc với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết thành tâm sám hối những tội lỗi mình đã phạm.

Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng ta. Vậy chúng ta hãy thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu chữa các tội nhân.

 

46. Trời mở ra – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Các Kitô hữu ở thế kỷ đầu thật hết sức bối rối trước sự kiện Đức Giêsu lãnh phép rửa của Gioan.

Tại sao Ngài lại đến với Gioan như một môn đệ để chịu phép rửa, nhằm bày tỏ lòng sám hối? Ngài có cần sám hối không nếu thật sự Ngài vô tội?

Đã có bao câu trả lời cho vấn nạn này.

Chúng ta chỉ cần nhìn ngắm Đức Giêsu bên bờ sông Giođan. Ngài đứng xếp hàng cùng với dân tộc của Ngài. Ngài trà trộn với những tội nhân muốn sám hối. Ngài chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông. Có ai nhận ra Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian không?

Đấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng bên kẻ tội lỗi. Đấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần nay lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước.

Hành vi đầu tiên công khai của Đức Giêsu lại là một hành vi khiêm hạ, dìm mình, mất hút…

Ngài chỉ là một kẻ vô danh bên cạnh một Gioan tăm tiếng.

Nhìn Đấng Cứu Độ cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là đồng hành và liên đới.

Đồng hành với người khác đòi tôi phải đi chậm lại.

Liên đới với người khác đòi tôi nhỏ bé đi.

Đồng hành đòi tôi có chung một tâm tình với người khác.

Đấng vô tội nếm được cái ray rứt của tội nhân và cảm được nỗi khát khao đổi đời của họ. Đức Giêsu đã đồng hành với con người cho đến chết. Ngài đã chia sẻ thân phận của người nghèo, người khổ đau, người bị bỏ rơi, bị thất bại, bị kết án và cả thân phận khắc khoải của tội nhân.

Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm đồng hành.

Thiên Chúa tập làm người để hiểu được con người. Ngài cúi xuống để nâng con người lên.

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn gặp gỡ Cha trong tư cách là Con. Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này mà Ngài cảm thấy được Thánh Thần tràn ngập, và tự thâm tâm, Ngài nghe rõ tiếng của Cha. Cha âu yếm gọi Ngài là Con và phong Ngài làm Mêsia:

“Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”

Từ hôm nay, Đức Giêsu hiểu rằng giờ lên đường đã điểm. Thời gian ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc.

Cha ban Thánh Thần để ủy thác cho Ngài một sứ mạng.

Đức Giêsu đã trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời…

Sông Giođan, nơi Ngài gắn bó với tội nhân, với dân tộc, đã trở nên nơi Ngài gắn bó với Cha trong Thánh Thần.

Nơi đi xuống cũng là nơi đi lên.

Nơi Ngài được sai đến cũng là nơi Ngài đang hiện diện.

Chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần. Phép Rửa này có đưa chúng ta lên đường phục vụ không?

Mỗi ngày, ta có lại thấy mình được Cha sinh ra không?

Gợi Ý Chia Sẻ

Càng lúc con người càng cảm thấy mình không thể sống lẻ loi. Sống là đồng hành, liên đới với người khác. Bạn nghĩ gì về khả năng sống với và sống cho người khác của bạn?

Khi Đức Giêsu cầu nguyện thì Thánh Thần ngự xuống và Cha ngỏ lời với Ngài. Có khi nào bạn được một kinh nghiệm tương tự như Đức Giêsu không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, khi đến với chúng con Chúa thường đến như một người hành khất. Chúa cần chút nước của người phụ nữ Samari. Chúa cần năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa cần nhà ông Giakêu để nghỉ chân.

Chúa khiêm tốn cúi xuống xin chúng con, để rồi tuôn đổ trên chúng con nhiều gấp bội.

Xin dạy chúng con biết cách đến với mọi người, và khám phá ra đốm lửa nhỏ của sự thiện vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi. Ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, dám hy vọng không ngơi vào lòng tốt của mỗi người, và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.

 

47. Suy niệm của R. Gutzwiller.

ĐỨC MESSIA ĐẾN

Dân chúng coi Gioan như Đấng Messia. Nhưng vị tiền hô cũng không phải là Vua; nên Ngài nói: ‘không phải ta đâu, mà là Đấng khác’. Vị tiền hô hướng họ tới Đức Kitô. Đó không phải là người ích kỷ, vì người ích kỷ thì vẫn muốn chiếm đoạt tha nhân, nhưng đây là người của Chúa, một người bất vụ lợi đưa đường tha nhân về với Thiên Chúa. Phải, giữa Đấng Messia và Ngài có một sự cách biệt quá lớn lao như người đầy tớ nghĩ mình không đáng cởi giây giày cho chủ mình.

Cả hai phép rửa cũng khác nhau như vậy. ‘Tôi, tôi rửa anh em trong nước, sẽ có Đấng quyền năng hơn tôi: Ngài sẽ rửa các ông trong Thánh Thần và trong lửa’. Phép rửa của Gioan chỉ là bên ngoài, như nước chảy trên thân xác, còn phép rửa của Chúa Giêsu, bên trong, như lửa thiêu huỷ tất cả, như Thánh Thần mà sức nóng của Ngài ăn sâu vào tận đáy lòng và biến đổi tất cả.

CON THIÊN CHÚA (3, 21-22)

Những gì xảy ra ở bờ sông Giođan khi Thánh Thần hiện ra và Lời Chúa Cha phán mang hai ý nghĩa:

Trước hết đối với chính Chúa Giêsu đây thêm môt kinh nghiệm lớn cho Ngài cũng như nơi đền thờ lúc Ngài mười hai tuổi. Trời mở ra, đó đâu phải là chỉ là chi tiết bên ngoài, mà trước hết là một hiện tượng tôn giáo thâm sâu. Ánh sáng chan hoà từ bản tính Thiên Chúa tràn lan trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu. Tiếng nói của Chúa Cha đến với Ngài và Thánh Thần trở nên hữu hình qua một biểu tượng; có thể nói là Chúa Giêsu đứng ở giữa.

Như vậy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã được nhắc đến danh xưng ở đây: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Điều mà Chúa Cha gọi rõ ràng là ‘Con yêu dấu của Cha’ thì Chúa Thánh Thần đã để hiện ra tỏ tường bằng cách riêng của Ngài. Chúa Giêsu là một trong Ba Ngôi; Ngài biết, Ngài cảm thấy nơi mình con người được lôi cuốn vào luồng lửa của đời sống Ba Ngôi. Ngài thấy hoàn toàn khác với người thường. Ngài là Con độc nhất, ở trong tình yêu duy nhất và đặc biệt Chúa Cha trong sự phong phú vô song và lạ lùng của Chúa Thánh Thần.

Vì thế, chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Người Con độc nhất này ưu thắng như vậy, khi thấy Vị phi thường kéo được tất cả về với mình trong tình trạng xuất thần như vậy, khi thấy Ngài được đưa vào sự dồi dào của tinh thần này như ngoài mình, là sa mạc có lẽ người ta sẽ nói Con Thiên Chúa không thể giữ như vậy lâu hơn giưã nhân loại. Chính Ngài, chỉ mình Ngài, được bao quanh bởi cả một đám đông.

Nhưng Đấng Thiên Chúa, cũng hiện diện ở bờ sông Giođan cho họ. Đó là lý do họ nghe tiếng nói. Tất cả phải biết là Ngài đã được cưu mang và đón nhận bởi Cha trên trời: như vậy tất cả những cái Người Con sẽ nói phải được coi như là Lời của Thiên Chúa Cha, tất cả những cái Ngài làm sẽ đầy Thánh Thần Chúa và được Thánh Thần kích động.

Còn Thần khí biểu lộ dưới hình bồ câu bay xà xà: Thần khí phong phú tràn lan trên nước Khởi nguyên và trên Đức Maria cũng là chính Thần khí xuống trên Chúa Giêsu để, bằng quyền năng sáng tạo của mình, biến đổi những lời giảng và các tác vi nhân tính của Chúa Giêsu bằng một thế giới mới, một đời sống mới, một sự sáng tạo mới: thế giới của siêu nhiên, thế giới thần thiêng giữa lòng nhân loại.

Biến cố hãn hữu này sắp được thực hiện đây khi mà Chúa Giêsu mang một hình thức bình dị, đã chọn con đường thông thường của muôn người khác và giao tiếp với các tội nhân.

Sự nâng cao lên khỏi nhân tính này trong sự thanh khiết thần thiêng, sẽ được hoàn thành vào lúc Ngài tự hạ nhận phép rửa thống hối giữa hạng tội lỗi và cho lớp tội nhân.

Rồi đây cả vũ trụ sẽ thấy rằng Đấng bị hạ xuống, được nâng lên và là Đấng tinh tuyền, thánh thiện, Đấng đó đang bước vào dòng sông chất đâỳ tội lỗi để cho những làn sóng tội lỗi đổ tràn trên mình. Lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai được thực hiện, coi bên ngoài thì hoàn toàn là âm thầm, ít giá trị, không lôi kéo được chú ý gì mấy. Tuy nhiên, thực sự là đã để lộ ra những cái khác thường và hấp dẫn mà mọi người từ nay phải lưu tâm. Chính Thiên Chúa đã quyết định chọn việc khởi đầu này và chứng nhận sự kiện đó.

 

48. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Thiên Chúa.

Một người mẹ đã quyết định truyền dẫn lòng tự tin vào những người con của bà sớm bao nhiêu có thể. Sau khi bà được người con đầu lòng, và tên nó là Matthêu, bà hỏi đi hỏi lại nó rằng, “Tại sao mẹ yêu con?” Bà đã dạy cho nó phải trả lời mỗi khi bà hỏi câu đó là, “Bởi vì con là Mátthêu.” Sau khi đứa con thứ hai ra đời, nó tên là Lillian, bà cũng dùng một chiêu thức lập đi lập lại câu hỏi, “Tại sao mẹ yêu con?” Lillian không cần suy nghĩ và ngần ngại trả lời ngay, “Bởi vì con là Mátthêu.”

Tại sao Thiên Chúa lại yêu tất cả các bạn, nào là Mátthêu, Lillian, Roberts, Mary, Alice…? Bởi vì bạn là bạn! Bạn là con Chúa trong Chúa Giêsu.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca nói cho chúng ta về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22). Điều này gợi lên một câu hỏi thách đố đó là: Bạn có thể nào vượt qua khỏi những cách thức suy nghĩ quá quen thường nhật của mình để lắng nghe lời Thiên Chúa nói với bạn, “Con là Con yêu dấu của Cha” không? Bạn có thể nào phá đi cái hàng rào “người lớn” của bạn và trở nên như một trẻ nhỏ để tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Thiên Chúa chăng?

Trong một lớp Thánh Kinh dành cho người lớn, vấn đề được bàn đến vào ngày hôm đó là việc cầu nguyện. “Hãy xin, thì sẽ được”, thầy giáo đã trích lời này từ trong bài giảng trên núi của Chúa Kitô. Sau đó, thầy giáo hỏi các học sinh trong lớp rằng các em có cầu nguyện hằng ngày không? Một học sinh đã giơ tay trả lời rằng em cầu nguyện để được khỏe mạnh. Một người đàn bà trả lời, “Tôi cầu nguyện cho được hạnh phúc.” Một vài người khác thì cầu nguyện cho được ơn cứu độ ở đời sau. Tuy nhiên, một bà cụ già vẫn cứ lắc đầu lia lịa với những câu trả lời mà bà nghe được. Khi đến phiên của bà, bà đã nói, “Việc cầu nguyện rất đơn giản. Tôi tin Chúa, và tôi cầu nguyện xin Chúa cũng tin tôi.”

Tuy nhiên, bạn có thấy không! Vấn đề không phải là chỗ mình cố gắng để thay đổi ý định của Thiên Chúa về bản thân của mình! Ngài đã tin tưởng ở bạn! “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Chính Ngôi Lời đã nhập thể làm người để mặc khải cho chúng ta về tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với con người. Các bạn đã có trong trí của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Các bạn là một trong những thành phần của công cuộc sáng tạo để đem nó đến chỗ viên mãn trong Nước Tình Yêu của Ngài.

Cho dù là bạn có gặp khó khăn gì trong giây phút hiện tại, cho dù là bạn có gặp những nỗi gian truân gì mà bạn không được người khác thông cảm, bạn hãy tin tưởng rằng sự hiện diện của bạn trên trái đất này được Thiên Chúa quan phòng cách đặc biệt.

Bạn đừng tầm thường hóa công trình kiệt tác của Ngài bằng cách là các bạn tự đặt mình vào khuôn đúc của cuộc sống. Đừng hạn chế cuộc sống của mình vào một khuôn khổ nào cả. Bạn hãy biết chấp nhận chính mình! Hãy vui mừng hân hoan vì bạn là bạn.

Một đứa bé đi học về và đến nói với bố mình, “Thầy giáo con nói là tối mai sẽ có một cuộc họp giữa phụ huynh và thầy giáo tại trường học.” Ông bố lại hỏi lại, “Bố có cần phải đi không?” “Con nghĩ là họ sẽ mong có sự hiện diện của bố,” đứa con trả lời lại, “bố biết không, đây là cuộc họp nhỏ bao gồm thầy giáo, hiệu trưởng, bố và con.”

Hôm nay, xin đề nghị các bạn làm một cuộc họp nhỏ, sớm bao nhiêu có thể, giữa Thiên Chúa và chính bạn. Bạn hãy nghe lời Chúa Giêssu nhủ bảo hôm nay và trở thành một em bé. Hãy đàm thoại và tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy lắng nghe lời Ngài, “Con ơi, con là con của Cha. Con là con rất yêu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha. Cha tin tưởng ở nơi con.” Hãy cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Hãy dìm mình vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và cảm nghiệm được sự vượt qua cái biên giới đóng khung mà nó đã kéo bạn xuống.

Hãy để cho tất cả những lo lắng phiền muộn trôi đi! Hãy tin tưởng vào lời phán quyết của Chúa và đừng sợ hãi gì. Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy xây dựng cuộc sống của mình bằng cách này và bạn sẽ cảm nghiệm được một cuộc sống đầy đủ và tràn ra cho những người chung quanh.

Bạn có thể trở thành nhà giảng thuyết hiệu lực nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Để trở thành cha mẹ tốt, người vợ và chồng tốt, người hàng xóm tốt, hãy biết dùng cái nguyên liệu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng bạn. Bạn cần phải tin tưởng vào cái nguyên liệu đó. Nó sẽ ban cho bạn sức mạnh, hy vọng và trang bị cho bạn biết phục vụ người khác trong sứ mệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy.

Hãy phó mình cho Thiên Chúa như một em bé. Hãy lắng nghe lời Ngài như một người con ngoan thảo. Nếu bạn tin tưởng vào Chúa thì một sự việc lạ lùng sẽ xảy ra. Đó là bạn sẽ biết kính trọng tất cả mọi người, và bạn sẽ biết phải sống với mọi người ra sao.

 

49. Con Yêu Dấu.

Theo các nhà chú giải, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, chấp nhận thân phận tội nhân để xin Gioan Tiền hô làm phép rửa. Thế nhưng, cũng chính nhờ đó, Ngài đã thánh hóa nước và ban cho nước một hiệu quả kỳ diệu đó là trao ban ơn sủng. Hay nói cách khác, chính nhờ đó Ngài đã thiết lập bí tích Rửa tội.

Đồng thời trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã được Chúa Thánh Thần tấn phong, như lời tiên tri Isaia đã xác quyết: – Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Hơn thế nữa, chính trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã được Chúa Cha nâng lên qua lời truyền phán: – Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

Với chúng ta cũng vậy, kể từ khi lãnh nhận dòng nước thanh tẩy, chúng ta cũng đã được Chúa Cha nhận làm con cái Ngài.

Để hiểu được tình trạng của chúng ta, trước và sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, cũng như để hiểu được ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của địa vị làm con cái Chúa mà bí tích Rửa tội đem lại, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại câu chuyện về ông Maisen trong Cựu ước.

Thực vậy, lúc bấy giờ Pharaon vua Ai Cập ra lệnh giết hết các trẻ nam của người Do thái, vì sợ rằng họ sẽ sinh sôi nảy nở ra nhiều và trở nên một thế lực chính trị hùng mạnh. Có một phụ nữ Do Thái, sinh được một con trai. Bà lén nuôi đứa bé trong một thời gian, nhưng cảm thấy không ổn. Và thế là bà bèn làm một chiếc thúng, trát nhựa, rồi đặt đứa bé nằm trong đó và thả trôi theo dòng nước.

Rất may có một nàng công chúa xuống tắm, nghe thấy tiếng trẻ khóc trong đám lau sậy, bèn sai nữ tì xuống vớt. Nàng công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi và đặt tên cho là Maisen, nghĩa là được vớt lên khỏi nước.

Trước khi được vớt lên khỏi nước, Maisen sẽ phải chết và nếu có sống thì cũng chỉ là sống một kiếp nô lệ đọa đày. Còn sau khi được vớt lên khỏi nước, Maisen trở thành con của nàng công chúa, có một cuộc sống an nhàn trong hoàng cung…

Với chúng ta cũng thế, trước khi lãnh nhận dòng nước rửa tội, chúng ta là những kẻ phải chết do hậu quả của tội nguyên tổ. Còn sau khi lãnh nhận dòng nước Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và được quyền thừa hưởng phần sản nghiệp Nước Trời.

Thế nhưng để xứng đáng với địa vị cao cả này, chúng ta phải làm gì? Tôi xin thưa: – Chúng ta phải làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách vâng theo thánh ý của Ngài.

Thực vậy, thế nào là một người con ngoan trong gia đình? Một người con ngoan trong gia đình chắc chắn không phải là người con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại, phải là người con mau mắn vui vẻ vâng theo những lời chỉ dạy của chạ mẹ.

Nếu Đức Kitô đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, thì chắc hẵn Ngài luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Thực vậy, nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta sẽ thấy được sự thật ấy. Trong suốt quãng đời công khai, Ngài hằng băn khoăn để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Ngài đã từng nói với các môn đệ: – Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai ta.

Ngay cả trước khi ra đi chịu chết, nỗi băn khoăn ấy vẫn còn được thể hiện: – Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này cho Con, nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi.

Thánh Phaolô đã diễn tả về thái độ này như sau: – Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Với chúng ta cũng vậy, để trở thành người con yêu dấu của Chúa, chúng ta cũng phải chu toàn thánh ý Ngài ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười giới răn, qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhất là luật yêu thương của Phúc âm, cũng như qua giáo huấn của Hội Thánh.

Có chu toàn thánh ý Chúa giữa lòng cuộc đời, thì trong ngày sau hết, chúng ta mới được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã từng tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:

– Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

home Mục lục Lưu trữ