Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1376843

BIỆT PHÁI GIẢ HÌNH

Biệt phái giả hình

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – Radio Veritas Asia)

Sau khi tham dự tuần tĩnh tâm, tuần tĩnh tâm Quốc Tế với khoảng 6,000 linh mục tại Rôma vào năm 1990, một linh mục đã viết trong tập nhật ký của mình:

"Tôi đã nhìn thấy nhiều linh mục ngủ gục trong khi các thuyết trình viên nổi tiếng đứng trên diễn đàn hăng say chia sẻ những tư tưởng thần học đạo đức cao siêu. Nhưng rồi không một người nào ngủ cả khi Mẹ Têrêsa Calcutta thuyết trình. Mẹ không nói lời văn hoa, nhưng Mẹ sử dụng ngôn ngữ đơn sơ và tôi nghĩ cả khi Mẹ Têrêsa không cần nói lời nào, chỉ cần sự hiện diện của Mẹ cũng đủ thúc đẩy chúng tôi, thu hút chúng tôi canh tân đời sống mình, bởi vì Mẹ sống chân thành khiêm tốn với những gì Mẹ nói."

Chân thành và khiêm tốn cũng là chủ đề chính của bài Phúc Âm hôm nay. Người chân thành chỉ sống những gì họ nói và chỉ nói những gì họ đã làm. Đó là những chứng nhân của Chúa mà xã hội ngày hôm nay cần đến, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Con người ngày nay không cần những thầy dạy nói suông, nhưng cần những kẻ dám chứng thực những điều họ nói, cần những chứng nhân. Người chân thành không nói láo, không giả hình, không tự kiêu cho mình hơn kẻ khác, không phê bình chỉ trích. Thái độ phê bình chỉ trích đôi khi chỉ là cách thức để che giấu những tật xấu nơi chính mình, ta phê bình chỉ trích kẻ khác chỉ vì ta không dám đối diện với sự thật nơi chính mình, bởi vì sự thật đó buộc ta phải canh tân liên lỉ".

Những kẻ biệt phái trong Phúc Âm hôm nay có thể nói được là những kẻ không dám nhìn vào thực tại nơi chính mình, họ không có lòng đạo đức, không muốn nhìn thấy sự thiếu vắng này nên che đậy bằng tua áo dài, bằng những thẻ kinh bên ngoài để chứng tỏ cho người khác thấy được sự thông minh của họ, nhưng đó là sự thông minh không có đạo đức, một sự thông minh trống rỗng. Trước mặt Chúa Giêsu, chúng ta cần chân thành và khiêm tốn nhìn nhận những sơ sót để xin ơn sám hối và canh tân. Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi ta xét lại thái độ sống của mình.

Nhân dịp này ta nhắc lại đoạn trích trong cuộc họp thường niên Hội Đồng các Giám Mục nói về việc sám hối, nơi số 3 của bức thư chung các Đức Giám Mục Việt Nam đã viết:

"Để tâm hồn đón nhận được đầy tràn ơn Chúa trong Năm Thánh chúng ta cần có một số chuẩn bị. Việc đầu tiên phải làm là sám hối, vì trong quá khứ chúng ta đã sai phạm nhiều, có những lầm lỗi cá nhân của các tín hữu, các tu sĩ, các linh mục, giám mục. Có những lầm lỗi của cả tập thể các Giáo Hội, của từng Giáo Phận, của mỗi Giáo Xứ. Có những lầm lỗi cố tình chống lại ơn Chúa, cản trở chương trình của Chúa, có những lầm lỗi vô tình khiến chúng ta trở thành vật cản ơn thánh, để lỡ cơ hội đón nhận ơn Chúa cho bản thân chúng ta và cho mọi người".

Sám hối là trở về với Chúa nhưng cũng là trở về với anh chị em. Phải hòa giải với anh chị em, vì chính ta đã góp phần gây ra bất công, chia rẽ, bất hòa khiến anh chị em xa Chúa. Phải hòa giải với anh chị em, vì đó là điều kiện cần thiết để hòa giải với Chúa. Phải hòa giải với anh chị em, vì đó là ước nguyện của Chúa Giêsu Kitô trước khi từ giã cõi trần. Sám hối sẽ dẫn đến đổi mới con người, đổi mới cuộc sống và sám hối càng sâu xa thì đổi mới càng mãnh liệt.

Với con người mới chúng ta hân hoan hướng trọn niềm vui với tình nghĩa Thiên Chúa là Cha và với anh chị em con cùng một Cha trên trời. Với con người mới chúng ta trút bỏ được gánh nặng quá khứ để thanh thản bước vào thiên niên kỷ mới. Với con người mới chúng ta hân hoan bước vào cuộc sống mới, cuộc sống không ngừng đổi mới ơn thánh với tình bác ái huynh đệ, với lòng khiêm tốn, với tinh thần dấn thân phục vụ.

Để sống chân thành với chính mình, chúng ta cần phải sám hối. Sám hối, hòa giải, đổi mới. Để làm tất cả những điều này chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Người khiêm nhường biết rõ mình là ai: với những điểm tốt cũng như với những điểm xấu, những điểm tiêu cực cũng như tích cực và trông chờ ơn Chúa ban để canh tân đời sống của mình.

Ước chi bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy trở về với nguồn mạch ơn Thánh Chúa để canh tân đời sống mình với hết lòng khiêm tốn. Xin Chúa ban ơn để chúng ta canh tân đời sống và được kiên nhẫn trong đời sống, được lớn lên với các nhân đức.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sống chân thành và khiêm tốn với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, chúng con tìm được ơn tha thứ, tình yêu và nguồn bình an để sống trọn vẹn vai trò làm con Chúa. Amen.

 

20. Điểm "A" cho sự cố gắng!

Một trong những bài viết của Ralph Emerson, ông đã đặt một câu hỏi như sau: "Làm thế nào để đo lường sự thành công?" (How do you measure success?) Ông đã trả lời bằng cách đưa ra ba điểm sau:

Biết quí vẻ đẹp (to appreciate beauty).

Biết tìm ra những ưu điểm ở người khác.

Biết làm cho thế giới trở nên tốt hơn bằng những gì mình có thể.

Trong chúng ta, có lẽ không mấy người thấy phương thức trên có gì đáng cho chúng ta công kích cả. Chẳng có mấy ai lại cãi rằng biết đánh giá đúng về những vẻ đẹp, hoặc tìm ra những ưu điểm ở kẻ khác, hoặc để lại cho thế giới những điều gì tốt đẹp lại không phải là đã sống thành công. Tuy nhiên, xét cho cùng, phương thức trên chưa phải là một phương thức để đo sự thành công một cách hoàn hảo.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đi xa hơn Ralph Emerson về sự thành công. Ngài đã phán rằng, "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em" (Mt 23:11). Rất nhiều người trong chúng ta có lẽ thấy điều này thật là quá sức của chúng ta có thể làm được.

Một học sinh trung học đã viết một tấm thiệp cho bà ngoại của nó đang nằm trong bệnh viện: "Thưa ngoại, mẹ con nói là ngoại đang là nằm bệnh viện để trắc nghiệm (you are in the hospital for tests). Cháu rất mong là ngoại sẽ lấy được điểm A!" Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho tất cả những người muốn theo Ngài, "Ai là người lớn nhất, hãy phục vụ." Ngài mong muốn tất cả chúng ta đều lãnh điểm "A" về môn "Phục Vụ Tha Nhân."

Sự sinh tồn của chúng ta dựa bằng những gì chúng ta lãnh nhận, nhưng cuộc sống của chúng ta dựa trên những gì chúng ta trao ban (we make a living by what we get, but make a life by what we give). Không phải vị trí (position) của chúng ta làm cho cho chúng ta vui sống, nhưng là cách thức của chúng ta. Trong cuốn sách "The Kingdom Within" (Vương Quốc Ở Bên Trong), tác giả John Stanford đã kể lại thời niên thiếu của ông. Vào những mùa hè, ông thường trở về sống tại một căn nhà ngoại ô vùng nông trại tại New Hampshire. Ông còn nhớ cái chỗ đó thật là đơn sơ, không có điện, hoặc những ống nước như thời nay. Điểm mà ông vẫn chú ý là người nhà của ông thường lấy nước ở một cái giếng ở gần đó. Cái giếng này đã cho những người nhà của ông nước để sử dụng trong mọi công việc. Lúc nào nó cũng có nước, cho dù là trong lúc hạn hán... Sau đó một thời gian, ngôi nhà nông trại đã được sửa sang lại một cách khang trang có đầy đủ tiện nghi hệ thống điện và nước

Sau đó một vài năm, ông trở về căn nhà nông trại khang trang đó. Do sự tò mò thúc đẩy, ông đã lần mò ra cái giếng. Bây giờ nó đã được đậy lại. Trong khi gỡ các tấm đậy nắp giếng ra, trong đầu ông, ông cho rằng nó vẫn còn nước như những năm trước đây. Thế nhưng, thật là một sự bất ngờ, sau khi mở ra và nhìn xuống, cái giếng đã bị khô cạn từ lúc nào.

Ông đã đi tìm hiểu lý do tại sao cái giếng lại bị cạn khô như thế. Sau một thời gian, ông đã hiểu ra được lý do tại sao cái giếng bị khô cạn. Khi người ta lấy nước ở cái giếng, thì những mạch nước nhỏ ở dưới lòng đất sẽ cứ tuôn chảy nước vào cái giếng, và nhờ sự di chuyển này các mạch nước không bị tắc nghẽn. Thế nhưng khi người ta ngưng không múc nước ở trong giếng ra nữa thì các mạch nước bị nghẹt lại và không chảy nước vào trong giếng nữa.

Đó là một bài học rất quí giá cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đạo Công Giáo đòi buộc chúng ta phải cho đi những gì mình có trong khả năng của mình. Ơn thánh của Chúa hằng luôn đổ tràn trên chúng ta không bao giờ ngừng. Những món quà mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta cũng không bao giờ ngưng. Thế nhưng tâm hồn của chúng ta bị khô cạn là bởi vì chúng ta đã không biết dùng những gì mà chúng ta đã lãnh nhận.

"Người lớn nhất trong anh em phải là người phục vụ tất cả những người khác." Có dễ làm không? Có lẽ không. Tuy nhiên, các bạn hãy thử đi, rồi các bạn sẽ thấy thích. Các bạn hãy thử đi rồi các bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui khôn tả trong tâm hồn khi phục vụ kẻ khác bởi vì qua đó, cuộc sống của chúng ta được trở nên sung mãn và dồi dào hơn.

 

21. Hướng đến sự thật

(Suy niệm của G. Nguyễn Cao Luật, OP)

Giả hình và kiêu ngạo

Thêm một lần nữa, Tin Mừng đề cập đến những người Pharisêu. Họ là những người có địa vị trong xã hội và có tầm ảnh hưởng khá rộng. Và cũng thêm một lần nữa, lời lẽ của Đức Giêsu với những người Pharisêu chẳng có chút gì là dịu dàng, hoà hoãn. Đức Giêsu đã đưa ra những lời nghiêm khắc với những người tự nhận mình biết tất cả, nhưng chính họ lại chẳng hiểu gì.

Vậy, Đức Giêsu quở trách những người Pharisêu về chuyện gì? Sự dối trá của họ. Thông thường, sự dối trá chỉ thể hiện qua lời nói: người ta biết một điều là sai nhưng lại trình bày là đúng. Về phương diện này, người Pharisêu không bị khiển trách. Điều họ quả quyết thực sự là đúng: họ có nhiều kiến thức, có khả năng xét xử, lời họ nói có thể dẫn đến Thiên Chúa, và dựa vào những thẩm quyền chính thống. Họ không nói năng như những người xa lạ muốn chiếm đoạt một quyền dành riêng. Họ là những người "nối quyền ông Môsê mà giảng dạy" -như lời Đức Giêsu, họ không giống như những người Xa-ma-ri vốn cũng nói về ông Môsê, nhưng giáo huấn của người này đã sai lạc vì đã pha trộn thêm nhiều yếu tố khác.

Như vậy, sự dối trá của những người Pharisêu không phải là lời nói, nhưng một cách tinh vi hơn, là sự cách biệt, sự mâu thuẫn giữa lời họ nói và việc họ làm. Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ: "... họ nói mà không làm. Vậy những gì họ dạy, thì anh em hãy làm, hãy giữ ; nhưng cách họ hành động, thì đừng có làm theo." Bởi vì "họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buổn động ngón tay vào."

Chính sự cách biệt, mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm cho thấy tội của người Pharisêu. Đó là tội "giả hình". Đó là một sự đứt đoạn mà chẳng hề có một sự hối hận nào.

Xa hơn, Đức Giêsu cho thấy động lực của thái độ này: "họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy", tức là lòng "kiêu ngạo". Đây không phải là thái độ của một người tự hào về những tài năng hay sự thành công của mình, nhưng đây là một thái độ tinh vi hơn, nếu không muốn nói là tệ hại hơn. Quả vậy, đây là việc sử dụng quyền bính và uy tín cách bất xứng: đúng ra quyền bính và uy tín này chỉ có được ý nghĩa khi được sử dụng qua và vì nhiệm vụ của mình, và khi có nhiệm vụ càng cao, lại phải khiêm tốn hơn. Làm sao người ta có thể tự nhận là dụng cụ của Thiên Chúa để thông truyền cho người khác về mầu nhiệm của Người, mà lại chẳng quan tâm đến việc sống xứng hợp với mầu nhiệm này, và cũng chẳng ý thức rằng dụng cụ chỉ có được ý nghĩa khi phục vụ cho điều mình đã khấn nguyện, và mình chỉ là một phản ánh cho sự thật lớn lao!

Những người Pharisêu đã sử dụng quyền bính được trao cho mình để tìm vinh quang cho cá nhân và thu lợi cho riêng mình. Đó là một sự sai lầm, một sự lạm dụng quyền bính. Sự lạm dụng này đã biến họ trở thành những người đổi bại, ngược hẳn với điều họ bắt người khác làm.

Vì lợi ích của cộng đoàn

Thiên Chúa đã trao Lời của Người cho con người, nhưng họ đã tìm cách chiếm đoạt Lời đó. Con người được mời gọi làm sứ giả, làm tôi tớ của Lời, nhưng họ đã biến lời đó thành dụng cụ để phục vụ lợi ích riêng mình. Nói cách khác, họ biến Thiên Chúa thành người phục vụ họ.

Hiện tượng này đã xảy ra vào thời Đức Giêsu, và vẫn xảy ra trong Hội Thánh, suốt dòng lịch sử. Đã không phải chỉ một lần Hội Thánh bỏ quên sứ mạng cốt yếu của mình là loan báo Tin Mừng, các giáo sĩ cũng đã nhiều lần ủng hộ các chế độ trong đó quyền lợi của các vị được đề cao để rổi xa lánh những đòi hỏi của Tin Mừng. Và với các tín hữu, sứ điệp được trao cho họ là sự thật, nhưng họ đã cắt nghĩa theo lối của mình để xét đoán người khác.

Những lời của Đức Giêsu với những người Pharisêu cho thấy thái độ đầy giận dữ trước sự dối trá, và những hình thức của nó là kiêu căng, giả hình, ham mê tiền bạc. Những hình thức dối trá này làm phát sinh tình trạng vô trật tự và cuối cùng làm bùng nỗ bạo lực. Nơi người Pharisêu, lời chân lý đã bị trói chặt, bị giam hãm, và thay vào đó là lời dối trá.

Ngoài ra, những lời của Đức Giêsu cũng là một lời mời có sức giải thoát, cho thấy một chân trời mới đang xuất hiện và làm nỗ tung những giới hạn của con người. Những lời này mở ra một khoảng không để mọi người có thể hiệp thông với nhau, cùng chia sẻ một ưu tư là trao đổi về ý nghĩa chiều hướng sẽ đến, luôn cần phải khám phá. Những lời này không phải là những lý do để tạo ra những trường phái đối lập nhau, hay gây ra những cuộc chiến tranh có sức gây huỷ diệt.

Chính vì mỗi người ý thức được nhiệm vụ của mình là bảo toàn sự siêu việt của Lời, nên Hội Thánh phải là điểm quy chiếu của sứ vụ: không ai có quyền giải thích lời Chúa mà không hướng đến toàn thể cộng đoàn. Không ai có quyền giải thích lời Chúa nhằm lợi ích cho cá nhân mình, trong khi coi thường ích lợi của người khác.

Tuy vậy, Hội Thánh cũng nhắc nhở rằng, những lời này có thể được đọc lại theo một cách thức mới do những người nghèo. Cộng đoàn có thể được hình thành và bao gổm những trách nhiệm nhỏ hay lớn, nhưng từ căn bản, tất cả mọi người trong cộng đoàn đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Mọi người, bất kể là ai, đều là anh em với nhau, và đều cùng được mời gọi làm cho lời đã âm vang trong lòng họ được thêm phong phú. Mỗi người, trong trách nhiệm, trong công việc của mình, đều là chứng tá sống động và đích thực của lời Chúa.

Đừng tưởng mình vô tội

Đọc lại đoạn Tin Mừng này, có lẽ chúng ta cảm thấy vui mừng vì nhận thấy Đức Giêsu nói những lời này với những người đã sống và chết từ lâu. Ngày nay chẳng còn những kinh sư, những biệt phái nữa! Có phải như thế không?

Và cũng có lúc chúng ta nghĩ rằng có một vài sự kiện trong quá khứ có thể đã tạo nên một hình ảnh không mấy tốt đẹp về Hội Thánh, nhưng tất cả đã trôi vào dĩ vãng.

Nhưng coi chừng, chúng ta lại không phải là kinh sư và biệt phái đấy sao, mỗi khi lời nói và việc làm của chúng ta không ăn khớp với nhau.

Và nhất là, khi đã ý thức được điều này, không phải chỉ là thay đổi thái độ, còn cần phải thay đổi lối nhìn: tất cả chúng ta đều là anh em, tất cả chúng ta đều bình đẳng, vì chúng ta "chỉ có một Cha, chỉ có một Thầy, chỉ có một vị lãnh đạo."

Không có điều nào cho phép chúng ta nghĩ mình trổi vượt hơn người khác, dù đó là kiến thức, địa vị xã hội, hay tiền bạc ... Những điều này chỉ có ý nghĩa một khi chúng ta đem sử dụng để phục vụ người khác.

Như vậy, để không dối trá với người khác, với chính mình và với tình yêu, chúng ta phải gạt bỏ đi thế giới đầy ảo tưởng và những vẻ bên ngoài mà tính ích kỷ và thói kiêu ngạo hay tạo nên nơi chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta không còn muốn "thu góp" và "xuất hiện", lúc ấy chúng ta mới bắt đầu "là".

Cái nhìn đức tin xuyên thủng tấm màn bên ngoài. Cái nhìn của những người Pharisêu, cái nhìn dối trá, thật quá thô thiển, bởi vì nó chỉ mong tìm vinh quang và ích lợi. Cái nhìn này không cho chúng ta nhận ra những chiều kích về con người cũng như về Thiên Chúa. Chúng ta chẳng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó những vẻ hào nhoáng này rơi xuống, và khi ấy những chiều kích đích thực sẽ xuất hiện, trong đó -như lời Đức Giêsu- "người đầu hết sẽ trở nên cuối hết, và người cuối hết sẽ nên trước hết."

"Trong tất cả thảm kịch của Chúa Giêsu, người ta cảm nhận ra vì sao người Pharisêu lại sợ Người. Bởi vì sự hiện diện của Người làm mờ đi sự hiện diện của họ, và chính vì sự ghen tương mà họ đã không có được sự sáng suốt để nhận biết Người ... Họ đã cảm thấy không có vũ khí ngang tầm để tấn công Chúa Giêsu. Họ đã cảm thấy ở Người có một sự chân thật, một sự chất phác mà họ không thể với tới được. Họ đã muốn bịt tiếng nói đó, bởi tiếng nói đó quá trung thực khiến họ không thể thoát được ...

"Nếu chúng ta làm điệu làm bộ với mốt này, mốt nọ, điều đó ích lợi gì cho ai, vì đó chỉ là những điệu bộ. Điều mà dân chúng chờ đợi, đó là một ý thức sắc bén về sự công bằng, lòng nhân ái, một sự rộng mở của con tim, rộng mở đến vô hạn, đến độ người ta nhận ra ở đó có cái gì rất lạ lùng, một ý tưởng của Thiên Chúa ..."

(x. Maurice Zundel, "Sống với Chúa trong cái thường ngày", tập 1, trang 33-35).

home Mục lục Lưu trữ