Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1378845
BIẾT RÕ TỐT XẤU
Biết rõ tốt xấu – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Câu truyện cổ tích kể: Một hôm con cọp thấy con trâu bị con người bắt kéo cầy. Cọp bảo trâu: Mày to lớn khỏe mạnh thế, sao để thằng người nhỏ bé bắt mày kéo cầy cực khổ vậy? Trâu đáp: nó nhỏ nhưng trí khôn nó lớn. Cọp hỏi người: Trí khôn mày đâu cho tao xem? Người nói: Trí khôn tao để ở nhà, mày muốn xem, tao sẽ về nhà lấy cho xem, nhưng phải để tao trói mày lại, kẻo mày ăn thịt trâu tao. Cọp vui vẻ để người trói. Trói xong, bác nông phu vác cầy đập cọp, vừa đập vừa nói: trí khôn tao đây, trí khôn tao đây. Câu truyện nói lên người hơn vật ở trí khôn, ở hiểu biết. Hiểu biết rất quan trọng, quan trọng nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.
Tin Mừng nói: “mù dắt mù xuống hố”. Linh mục Thomas Carroll đã viết một cuốn sách được bác sĩ Chi Lan phiên dịch, nói lên những cực khổ của người mù rất tội nghiệp. Con mắt đã chết, làm chết luôn nhân cách, chết năng khiếu, chết nhận thức, chết hoạt động, chết giao tiếp với mọi người, mọi cảnh vật, cuộc đời thật tăm tối và như mất tất cả.
Mù mà Đức Giêsu nói ở đây, không phải là mù mắt, nhưng mù về trí khôn. Trí khôn mù về đạo đức, đạo lý, tâm linh, thiêng liêng. Những thứ mù này tai hại gấp bội mù thể xác. Mù mắt chỉ làm khổ người mắc bệnh và mấy người thân thuộc. Mù về trí thức khoa học cũng chỉ gây chậm tiến, lạc hậu. Còn mù đạo đức, đạo lý đã gây ra bao nhiêu tai họa khủng khiếp cho gia đình, quốc gia và cả thế giới. Một ông bố xì ke, nhiễm Sida lây lan cho vợ con và di truyền cho cả dòng giống, có khi cả làng nước. Một Hít-le đã chôn vùi cả thế giới trong chiến tranh tàn khốc.
Một giáo phái, một lý thuyết vô luân mù quáng lôi cuốn bao nhiêu thế hệ cuồng nhiệt xuống hố tiêu diệt lẫn nhau. Đó là những cây xấu, sinh trái xấu. Trái lại, một ông bố lành mạnh, sáng suốt, đạo đức để phúc cho con cháu đến bao nhiêu đời. Một Đức Khổng, một Đức Phật đã giáo hóa hàng ngàn thế hệ tốt lành. Đó là những cây tốt sinh trái tốt.
Điều cốt yếu của lời Chúa hôm nay là đưa ra những bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần, làm thế nào để biết nhận rõ tốt xấu để nên tốt và sửa xấu.
Theo Tin Mừng, bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần là:
Thứ nhất: Phải khiêm tốn để chữa bệnh kiêu ngạo. Trò tự phụ hơn thầy là thứ trò hỗn láo kiêu ngạo. Muốn học giỏi trò phải biết khiêm tốn. Người xưa khiêm tốn đến độ học được một chữ hay nửa chữ cũng đáng là thầy mình: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cả khi gặp nhau đi đường cũng nhận ra người tốt là thầy mình, người xấu là bạn mình: “Ba người đồng hành, người tốt là thầy tôi, người xấu là bạn tôi”. Kinh Dịch là sách triết lý lớn nhất của Đông phương đã đặc biệt đề cao đức khiêm nhu của người quân tử: Khiêm là đạo trời, đạo đất và đạo người. Người quân tử khiêm nhu sẽ vượt mọi sông lớn, mọi đại họa: “Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên”. Việc làm khiêm tốn của quân tử sẽ nuôi được vạn dân: “Lao khiêm quân tử, vạn dân phục chi” (Quẻ khiêm). Quân tử là bậc thầy, bậc con trời đã phải khiêm tốn, thì trò là môn đệ cần phải hạ mình xuống hết mức.
Thứ hai là bài thuốc chữa bệnh chủ quan, ta thường thấy cái xấu của người khác nhưng lại mù quáng không thấy mình xấu: Không thấy cái xà trong mắt mình, nhưng lại thấy cái rác, cái bụi trong mắt người. Mù quáng là do tính tự ái: Yêu mình quá nên dù “trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”, do ích kỷ lo kiếm lợi cho mình, nhận lỗi sẽ làm hại danh dự mình. Mù quáng còn do tính kiêu căng, tự cao tự đại che đậy trí khôn, không nhận ra tội mình. Có kẻ bao nhiêu năm không xưng tội, vợ giục đi xưng tội, chồng nói: Có tội đâu mà xưng. Trong khi Đức Piô X, một vị thánh Giáo Hoàng đầu tiên thế kỷ XX, ngày nào cũng xưng tội vì Ngài thấy rõ tí bụi bay vào mắt mình.
Thứ ba là bài thuốc xét mình: phải luôn luôn kiểm tra kết quả lời nói, việc làm của mình tốt hay xấu: “Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh ra trái xấu”. Nhà buôn phải tính sổ hằng ngày để biết mình lỗ hay lời. Lỗ phải tìm cách sửa lại, lời phải duy trì lâu dài. Mạng sống đời đời của chúng ta còn quý giá gấp triệu triệu lần lời lãi thế gian, như Đức Giêsu đã dậy: “Được lời lãi cả thế gian mất mạng sống mình nào được ích gì”. Chỉ lời lãi nhỏ thế gian, nhà buôn còn phải lo tính sổ hằng ngày, huống chi mạng sống đời đời của chúng ta lớn lao quan trọng vô cùng, sao chúng ta không lo xét mình, kiểm tra đời sống của mình: còn hay mất, lời hay lỗ.
Bài đọc I nhắc nhở chúng ta phải cố gắng kiên trì sàng lọc mình cho sạch thói xấu; phải nhiệt tâm đốt mình khỏi mọi bợn nhơ dỉ ghét như lò lửa nung luyện bình sứ, dầu phải gian nan cực khổ đến đâu cũng phải chiến thắng tử thần để nên người công chính bất tử. Lúc đó con người “xác thịt hay chết của ta mới mặc lấy sự trường sinh nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Bài II).
20. Lấy rác, lấy xà
Suy Niệm
Biết mình là chuyện không dễ.
Ở một đền thờ bên Hy Lạp có khắc câu: Hãy biết mình.
Chẳng ai gần gũi với mình bằng chính bản thân mình.
Vậy mà tôi vẫn là một bí ẩn đối với tôi.
Người ta thích làm những bản trắc nghiệm
để biết về chỉ số thông minh, về tâm lý, tính tình…
Nhưng để biết mình cần trắc nghiệm bằng cả cuộc đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói về chuyện thấy mình.
Ngài dùng lối ngoa ngữ để dạy dỗ môn đệ.
Tôi không thấy cái xà trong mắt mình,
nghĩa là không nhận ra nơi tôi một khuyết điểm trầm trọng
mà ai ai cũng thấy, trừ chính tôi.
(Tôi không thể thấy hay tôi không muốn thấy!)
Nhưng tôi lại thấy cái rác nhỏ trong mắt anh em.
Dường như thấy cái rác nhỏ nơi mắt người khác
dễ hơn là thấy cái xà nơi mắt mình.
Phải chăng vì đứng gần mình quá nên tôi không thấy rõ,
hay vì tôi vẫn coi mình là hoàn hảo
nên khó chấp nhận những thiếu sót nơi mình?
Ðể thấy mình, cần khiêm tốn hỏi và nghe người khác.
Anh em tôi biết về tôi hơn tôi biết tôi.
“Hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh.
Tôi vẫn thường nói như vậy và làm như vậy.
Hăng hái, vội vã giúp người khác sửa mình,
sửa cả những chuyện chẳng đáng gì.
Ðức Giêsu không cấm ta góp ý cho người khác,
nhưng Ngài dặn ta trước hết hãy lấy xà khỏi mắt mình,
để thấy rõ mà lấy rác nơi mắt anh em.
Bao dung hơn với tha nhân,
và nghiêm khắc hơn với chính mình.
Không coi cái xà của mình nhỏ hơn cái rác của anh em.
Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình.
Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân.
Ðức Giêsu còn cho ta những nguyên tắc nhận định.
Nguyên tắc thứ nhất: xem quả thì biết cây.
Bụi gai không sinh trái vả, bụi rậm không sinh trái nho.
Nhìn hậu quả, ta biết được nguồn gốc, nguyên nhân.
Ðể khỏi bị lừa, hãy để ý đến hậu quả cuối cùng:
quả tốt do cây tốt, quả xấu do cây xấu.
Lắm khi ma quỷ giả dạng thiên thần sáng láng,
lừa phỉnh dụ dỗ, cho ta trái thơm ngon.
Nhưng cuối cùng trái ngon lại là trái độc.
Cần có thời gian lâu dài và theo dõi kỹ lưỡng
ta mới thấy ma quỷ lòi đuôi xấu xa của nó.
Nguyên tắc thứ hai: lòng có đầy, miệng mới nói ra.
Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.
Những lời giả dối sớm muộn cũng sẽ bại lộ.
Nếu chúng ta được Chúa biến đổi cái tâm của mình,
hẳn toàn bộ đời sống bên ngoài của ta cũng đổi.
Nhưng đổi bên ngoài cũng ảnh hưởng đến bên trong.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn hiểu rõ về “cái xà” trong mắt bạn không? Nhờ đâu mà bạn biết được “cái xà” này?
Bạn có kinh nghiệm gì về việc “xem quả thì biết cây” và “lòng có đầy, miệng mới nói ra”?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
Không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước gì đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)
21. Lời nói – Việc làm – Ơn Chúa
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa – của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Ðọc và nghe lần đầu, chúng ta khó bắt được ý tưởng của các bài Kinh Thánh hôm nay. Ðó không phải là những lời khó hiểu. Những ý tưởng sở dĩ không dễ bắt vì cấu trúc của những đoạn văn này không chặt chẽ, và các tác giả dường như nói đến những vấn đề rất khác nhau. Chúng ta đừng lấy làm lạ vì trong các Chúa nhật quanh năm, phụng vụ muốn giáo dục chúng ta về đời sống đạo mỗi lần một tí và không cần theo một hệ thống nào. Vì đạo là sự sống chứ không phải là một hệ tư tưởng. Ðối với một hệ tư tưởng, muốn thuyết minh người ta phải theo luận lý đầu đuôi chặt chẻ. Còn đối với sự sống, không có quy luật tăng cường cố hữu nào. Mỗi chân lý đều co thể biệt lập mà vẫn có thể mồi thêm cho sự sống tinh thần của con người.
Tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng ba bài Kinh Thánh hôm nay đều muốn nói đến việc phân biệt con người đạo đức thánh thiện, nhờ lời nói, nhờ việc làm, và nhất là nhờ ơn Chúa.
- Lời nói
Bài sách huấn ca không có vẻ gì là đạo đức cả. Ðó là mấy câu kinh nghiệm. Nó thuộc loại văn khôn ngoan, dạy cách xư xử ở đời. Nhưng nếu đặt những câu dạy khôn ngoan này vào văn mạch và luận lý của tác giả, chúng ta thấy chúng phục vụ đạo đức và rất có giá trị.
Tác giả Ben Sira là một học giả Do Thái, sống ở đầu thế kỷ II trước công nguyên. Như các nhà trí thức đương thời ông hiểu biết nền văn minh Hy Lạp đang thịnh hành ở mọi nơi. Nhưng vì là con người có đạo, ông biết dùng lời Chúa để phê phán nếp sống do nền văn minh ấy tạo ra. Và ông muốn chia sẻ các suy nghĩ của mình với đồng đạo và đặc biệt với lớp trẻ Do Thái đang lớn lên và hít thở nền văn minh Hy Lạp. Ông đã đưa ra nhiều nhận xét mới về đời sống gia đình (25,1-26,18). Ông đã đề cập tới nhiều nét trong đời sống xã hội, mà nổi bật nhất là nền mậu dịch, thương mại thời bấy giờ (26,28-27,15).
Ðây là điểm bén nhậy đối với người Do Thái. Họ biết làm ăn. Có thể nói họ có máu buôn bán. Việc tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp đã tạo nên nơi các cộng đồng Israen nhiều trung tâm thương mại nổi tiếng.
Tại đây người Do Thái buôn bán với dân ngoại. Họ không còn sợ luật pháp và để ý đến các tiêu chuẩn đạo đức nữa. Có thể nói họ như cảm thấy được ra khỏi đạo và các ràng buộc xưa nay của lương tâm công giáo. Chỉ còn một luật chi phối công việc làm ăn của họ là: mua rẻ bán đắt. Và cho được như vậy, môi mép và lời nói là phương tiện được sử dụng tối đa. Các tiên tri đã nhiều lần lên án các thói buôn gian bán lận và đời sống bê bối của các thương gia. Ben Sira cũng nhất trí cảnh cáo: giữa bán và mua tội chen vào giữa. Ông không thích doanh thương vì buôn bán làm sao vô tội? Nhưng ông chẳng cấm được. Và dường như ông biết lời khuyên chẳng công hiệu gì nơi tại kẻ đếm tiền. Có lẽ vì vậy ông quay sang nói với khách hàng, với những người dân vô tội phải đến mua ở các cửa tiệm. Ông thấy họ nhiều khi đã trở thành mồi ngon của các con buôn. Và như vậy chỉ vì họ dễ bị lời nói mua chuộc. Vừa nghe con buôn quảng cáo hàng hóa là họ đã sa bẫy. Thế nên trong đoạn văn vắn tắt này Ben Sira khuyên người ta đừng vội tin lời nói của con buôn. Hãy để cho nó nói mãi đi, cuối cùng điều nó che giấu sẽ lòi ra. Chẳng khác gì cứ sàng mãi, trấu bẩn sẽ còn lại và gạo sẽ lọt xuống… Và cũng như cứ đi qua lò, thì đồ sành thợ gốm sẽ được hay không. Hoặc cũng như phải chờ khi có quả mới biết cây dại hay cây tốt. Và Ben Sira kết luận cứ thong thả nghe lời biện luận của con người sẽ biết tâm tư của họ. Thành ra không nên vội phán đoán một ai trước khi nghe nhiều lời người đó nói.
Như vậy từ thái độ phải có đối với người mua bán, tác giả đã dẫn chúng ta sang thái độ phải có đối với mọi người: đừng vội tin ai và phê phán ai trước khi nghe người đó nói, bởi vì tâm tư con người lộ bày khi biện luận. Tác giả có lạc quan quá không? Có thể luôn luôn căn cứ vào lời nói của con người mà đánh giá họ không, cho dù không phải là tin vào một lời, nhưng là đã nghe người ấy luận lý rất nhiều? Tác giả Luca dường như không hoàn toàn tin như vậy. Người đưa thêm một số tiêu chuẩn nữa để hiểu biết con người như trong bài Tin Mừng sau đây.
- Việc làm
Chúng ta bảo Luca là tác giả của bài Tin Mừng này, mặc dù đây là Lời Chúa đã thốt ra từ miệng Chúa Giêsu Kitô. Chắc Chúa đã không nói tất cả những lời này một lần và không theo một thứ tự như ở đây. Rõ ràng chẳng có một thứ tự luận lý nào để khẳng định Chúa đã nói luôn một lần những điều ít ăn khớp với nhau. Cũng như tư tưởng này và những câu văn như thế, trong sách Tin Mừng Mátthêu chẳng hạn, lại nằm ở những chỗ khác và phục vụ những chủ đề khác. Như vậy chúng ta có thể nói được rằng, tác giả Luca đã dùng những câu Chúa nói ở những trường hợp khác nhau đem xếp cả vào chỗ này để phục vụ một chủ đề nào đấy.
Nếu chúng ta còn nhớ, thì Chúa nhật trước chúng ta cũng đã đọc sách Tin Mừng của Luca. Ðoạn trích hôm nay tiếp theo bài đọc lần trước. Thế mà hôm đó chúng ta đã thấy rằng Chúa dạy chúng ta phải yêu thù địch, không còn được duy trì đầu óc kỳ thị và phân biệt, và phải coi mọi người là con cái một Cha trên trời và hết thảy là anh em của nhau. Hôm nay dường như tác giả Luca muốn tiếp nối tư tưởng trên và nói đến thái độ bác ái ngay trong cộng đoàn các môn đồ của Chúa, tức là chính trong lòng Hội Thánh và Giáo Hội.
Chắc chắn câu đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay phải hiểu về các người lãnh đạo cộng đoàn tức là hàng giáo sĩ: linh mục, giám mục hiện nay của chúng ta. Thực ra câu văn có thể dùng trong một trường hợp khác. Và trong Mátthêu câu này đã được tuyên bố về giới tư tế, lãnh đạo trong Do Thái giáo. Họ là những người mù dẫn đàng cho người mù. Nguyên khởi đó chỉ là một câu cách ngôn. Chúa Giêsu có lần dùng để nói về luật sĩ và biệt phái vì họ không biết mở mắt đón nhận đường lối của Thiên Chúa đang bày tỏ nơi công việc của Ðấng Ngài sai đến. Họ ở cương vị lãnh đạo mà mù thì dẫn đàng chỉ lối cho người khác sao được?
Tác giả Luca nhớ có lần Chúa nói như vậy. Nay đang viết những lời Người khuyên bảo môn đồ, Luca sực nhớ câu đó. Người thấy nó vẫn hợp để nói với giới lãnh đạo trong Hội Thánh. Những người này cần nhớ rằng: ở cương vị lãnh đạo, họ phải sáng suốt. Ðó là thái độ bác ái quan trọng nhất họ phải thi hành cho những người được trao phó cho họ.
Nhưng trong Hội Thánh, không phải chỉ có các nhà lãnh đạo. Ðại bộ phận Dân Chúa được gọi là môn đồ. Và tư cách đầu tiên, thái độ bác ái cơ sở của người môn đồ nằm trong quan hệ với Thầy mình. Môn đồ không lẽ hơn Thầy, hoàn bị là mọi kẻ sẽ được như Thầy. Lời này thoạt nghe có vẻ chua chát, nhưng nếu nhớ Thầy của các môn đồ chính là Chúa Giêsu Kitô, thì đây là cả một lý tưởng cao cả: môn đồ phải cố gắng nên hoàn bị như Thầy.
Sau hai câu nói với hai hạng người trong Hội Thánh, những câu sau có thể nói, mới thật sự vào đề và muốn dạy dỗ mọi thành phần trong cộng đoàn tín hữu. Họ không nên để ý đến khuyết điểm của anh em trước, nhưng trước hết hãy muốn nhờ anh em giúp mình sửa đổi tính hư nết xấu. Nếu làm như vậy chắc chắn sẽ không có cãi cọ bất bình; một cộng đoàn như thế chắc chắn mỗi ngày một hoàn toàn hơn. Ai mà không có cảm tình yêu thương đối với người muốn sửa mình? Bác ái cộng đoàn được xây dựng chắc chắn nhất, khi các phần tử trong cộng đoàn luôn ý thức bổn phận phải sửa mình, trước khi nói đến các khuyết điểm của anh em. Nhất là khi trong cộng đoàn ấy, ai cũng theo gương Chúa mà sửa mình như trên vừa nói: hoàn bị là mọi kẻ sẽ được như Thầy?
Thế nên người tốt phải chứng tỏ qua việc làm. Chúng ta đừng tưởng ở đây Luca mâu thuẫn hoặc nói khác với tác giả sách Huấn Ca. Cả hai đã trích câu tục ngữ: Xem quả biết cây. Nơi tác giả sách Huấn Ca, lời nói và biện luận là quả do tâm tư con người. Luca công nhận điều ấy vì ở đây người cũng viết: lòng ứa đầy những gì thì miệng nói ra. Nhưng lời nói nơi Luca không phải chỉ là các âm, các tiếng, mà còn là tất cả mọi việc mà con người làm. Các việc này cũng bày tỏ “lòng” người ta, vì “người lành tự kho lành lòng mình mà đem ra sự lành, và người dữ tự tính ác mà đem ra sự ác”.
Như vậy Luca muốn đầy đủ hơn tác giả sách Huấn ca. Người khiến chúng ta nên giải thích bài sách này một cách rộng rãi nhưng vẫn hợp ý với tác giả. Như chúng ta biết, ông viết những lời trên là để cảnh giác con cái Israen đề phòng sự gian dối của phường mua bán. Và sở dĩ như vậy vì ông thấy quá nhiều bất công và tội lỗi trong việc mua đi bán lại. Ông muốn xã hội công bằng huynh đệ hơn.
Vì thế chúng ta có thể hiểu bài sách Cựu Ước hôm nay về lòng bác ái. Cũng như bài Tin Mừng vậy. Nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn. Tác giả sách Huấn Ca thấy thiếu bác ái trong việc mua bán. Tác giả Luca còn nhìn thấy trong thái độ người ta hay phê bình và chỉ trích nhau. Cuối cùng cả hai đều công nhận phải sửa chữa từ tâm tư và từ “lòng” con người. Do đó muốn biết người tốt, phải xem lời nói, phải xét việc làm. Nhưng muốn có lời tốt và việc lành, phải sửa đổi tâm tư và lòng trí, là con người bên trong của chúng ta. Có thể làm công việc này không?
- Ơn Chúa
Theo thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì bấy giờ con người mới thực sự công chính. Và đức bác ái yêu thương mới trọn vẹn. Ðối với chúng ta dĩ nhiên là như vậy rồi. Nhưng các độc giả trực tiếp của thánh Tông đồ, tức là những người Côrintô thời bấy giờ, chân lý ấy nên được giải thích rõ ràng hơn. Bởi vì họ là những người Hy lạp tòng giáo. Ít ra họ là các tín hữu mới mẻ đang hít thở bầu khí văn hóa Hy Lạp. Những người này quan niệm xác và hồn nơi con người là hai yếu tố rất dị biệt, chẳng thể hòa hợp với nhau. Hồn ở trong xác như ở trong tù, chỉ chờ đợi ngày thoát ra khỏi xác để được trở về sống như những thần linh, bởi vì trước kia linh hồn cùng ở chung với các thần thánh, nhưng đã sa đọa nên rơi vào xác thịt và bị giam ở đó. Thành ra bao lâu còn sống trong xác thể, linh hồn còn khổ sở và ấm ức. Con người không có sự hòa hợp ngay trong chính mình, nên cũng chẳng có hòa hợp được trong xã hội. Linh hồn đợi ngày giải thoát ra khỏi thân xác.
Quan niệm như vậy không hợp với đức tin. Ðành rằng xác thịt con người hiện nay là mồi cho sự chết. Nhưng chết không phải là hết. Nhờ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, thân xác con người cũng sẽ sống lại. Không phải để rồi lại sống như trước đây, nhưng để trường sinh bất tử như “thần thánh”. Và sở dĩ như vậy là vì xác thể con người sẽ mặc lấy sự bất hoại, là đặc tính của Thiên Chúa. Lúc ấy con người sẽ ca khúc khải hoàn chế nhạo sự chết: Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu, ngươi đã dùng tội lỗi làm nọc sát hại con người. Và tội lỗi đã tỏ ra mãnh liệt trong chế độ Lề luật, toàn là cấm đoán mà không có cứu độ. Nhưng nay Chúa Giêsu Kitô đã đem ơn cứu độ đến, tẩy sạch tội lỗi, làm vô hiệu nọc của tử thần, khiến con người có Ơn Chúa không còn chết nữa.
Như vậy ơn của Chúa Giêsu Kitô cứu sống chúng ta khi tiêu diệt tội lỗi, và ban cho ta sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa thay thế sự sống của xác thịt tội lỗi trước đây. Do đó ai muốn nên công chính, muốn sống bác ái yêu thương phải để cho Ơn của Chúa Giêsu Kitô biến đổi tâm tư và lòng trí. Và công việc này phải làm trong kiên nhẫn, không nao núng. Phải nhờ làm thêm nhiều việc lành, mà thánh Phaolô gọi là việc của Chúa.
Như vậy, người tốt không phải ở lời nói, nhưng ở việc làm, và nói rõ hơn, ở việc làm của Chúa. Ơn của Chúa là yếu tố cuối cùng quyết định sự công chính của con người chúng ta vậy. Và ơn của Chúa phong phú nơi các Bí Tích, đặc biệt trong mầu nhiệm thánh lễ. Nơi đây Chúa ban cho chúng ta bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng, để chúng ta có sức sống của Thiên Chúa, làm được các việc Chúa là các việc lành, hầu tâm tư, lòng trí chúng ta dần dần được cải hóa nên công chính. Chúng ta sẽ có những lời nói việc làm đầy bác ái yêu thương. Không những đời sống bản thân sẽ đạo đức hơn mà đời sống xã hội cũng công chính hơn. Bài thư Phaolô giúp ta đạt được những điều nhắn nhủ trong hai bài sách Huấn Ca và Tin Mừng vậy.
22. Lòng an vui thì dường như không xét đoán
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT)
Trong cuộc sống thường ngày, con người chúng ta dễ có khuynh hướng khen, chê và phán xét người khác. Ta phán xét người khác có thể bằng lời nói, bằng cử chỉ, hoặc đôi khi chỉ là nghĩ thầm trong bụng về chuyện này chuyện khác của người ta.
Nhất là khi ngồi lại với nhau để chuyện trò, chúng ta thường có khuynh hướng khoe những điều tốt về bản thân mình bằng cách so sánh cái tốt của mình với cái dở của người khác, còn những cái dở, cái xấu của mình thì cố giấu cho bằng được. Gắn với xét đoán tiêu cực người khác thường là một thái độ ganh tị, đả phá, trả thù cho bõ tức. Còn khi nhận xét để góp ý cho người khác sửa sai, tránh lỗi lầm, thì bao giờ ta cũng dễ dàng có sự bao dung, nhẹ nhàng trong cử chỉ và lời nói.
Hơn nữa, có một sự thật khá hiển nhiên: Một khi lòng ta nhẹ nhàng, thanh thản, an vui, thì ta thường nghĩ đến người khác với một thái độ tích cực và đầy bao dung, chứ chẳng muốn phán xét hay nặng lời với họ. Còn khi ta thích phán xét, thích nói xấu người khác thì lại là lúc chính ta thiếu sự bình an, hạnh phúc trong lòng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo rằng “những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình vì họ không đủ can đảm nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình.” Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì nói trực tiếp vào vấn đề hơn: “Sao người nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”
Đặt mình trước Lời Chúa hôm nay, tôi với bạn thử ngẫm lại xem, mỗi khi ta chỉ trích, phán xét người khác, thì thật sự trong lòng ta đang an vui, hạnh phúc hay lòng ta đang ấm ức, bức xúc, tị hiềm? Nếu thấy lòng ta còn ấm ức, hậm hực, thì Chúa bảo ta rằng: Con hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ con sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh chị em con!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam