Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1378877

BÌNH AN CHO CÁC CON

BÌNH AN CHO CÁC CON- Lm JB. Nguyễn Minh Hùng

Ngày Con Thiên Chúa giáng sinh, các thiên thần hân hoan reo ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).

Và hôm nay, Con Thiên Chúa phục sinh, niềm bình an đến trên nhân loại, không còn do thiên thần báo tin nữa, nhưng đã trở nên lớn lao và quan trọng: Chính Đấng Phục sinh trực tiếp trao ban. Trong các lần hiện ra cùng các môn đệ, lời đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh luôn luôn là lời chúc bình an.

Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng: Trong khi các môn đệ còn bán tín, bán nghi về những lần những người trong nhóm họ nói là đã thấy Chúa Phục sinh, thì chính Người, Đấng Phục Sinh ấy, bỗng dưng xuất hiện giữa họ. Lại một lần nữa, Chúa lên tiếng trớc hết: “Bình anh cho các con”.

Bình an, điều mà trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu đã từng rao giảng – Bằng chứng là trong Tám mối Phúc thật, thì Phúc thứ Bảy nói đến hòa bình: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Hay ở một chỗ khác: “Thầy ban BÌNH AN CỦA THẦY cho các con. Thầy ban KHÔNG NHƯ THẾ GIAN ban tặng” (Ga 14, 27). Và còn nhiều những lần như thế.

Bình an có tầm mức quan trọng là thế. Không phải chỉ chờ đến lúc Chúa Giêsu nói, ta mới biết. Nhưng trong kinh nghiệm cuộc sống của từng người, ai mà không cảm nhận sự cần thiết vô cùng của sự bình an.

Vậy mà có lần Chúa lại nói những điều xem ra rất khó nghe, rất chướng tai: “Đừng tưởng Ta đến đem bình an cho trái đất. Ta đến không phải để đem bình an nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10, 34).

Hóa ra, Chúa Giêsu tự mình mâu thuẫn với chính mình? Hay ở một khía cạnh khác, mang tầm mức xã hội hơn, bởi “đem gươm giáo”, rõ ràng Chúa Giêsu là một người hiếu chiến? Và nếu thế thì Chúa Giêsu là tay thực dân, là tên xâm lược, giống như thời nay vẫn xảy ra? Đúng như thế hay ta còn phải hiểu thế nào về Lời của Chúa?

Từ cuộc sống của chính Chúa Giêsu, ta dám khẳng định một điều: Người không hề có bất cứ một mảy may mâu thuẫn nào dù là lời nói hay hành động! Trong đời giảng dạy – ba năm trường – Chúa Giêsu không dùng gươm giáo, không kêu gọi lật đổ chính quyền thực dân lúc đó. Người cũng không xâm chiếm lãnh thổ của ai, không cướp đất dành ranh giới của người nào.

Nói cho cùng: Chúa Giêsu là người mang lại phúc cho đời, trước sau gì bản thân Người cũng vẫn là Phúc thật lớn nhất của nhân loại.

Chẳng những không mâu thuẫn, dù lời của Chúa Giêsu có lẽ gay gắt, nhưng rất đúng: Vì chính Tin Mừng “bình an” này, chính mối Phúc thật thứ Bảy này gây nhiều xáo trộn, nhiều chia rẽ.

– Trước hết cho chính bản thân: có ai muốn sống Lời Chúa, muốn chu toàn lề luật mà không bị giằn co, không phải chiến đấu với bản thân. Nhất là những lần đối diện với cám dỗ, với chính con người đầy yếu đuối, bất toàn của mình.

Có ai sống Lời Chúa mà không thoát khỏi những lúc phải từ bỏ chính bản thân, hay phải chết đi cho những đam mê, cho khoái lạc, dục vọng thấp hèn… Và khi vượt qua để chiến thắng những gì là chưa tốt như thế, cũng có nghĩa là ta đã sống Lời Chúa. Chính lúc ấy, hơn ai hết, hơn bao giờ hết, ta cảm nhận bình an, cảm nhận niềm vui chan chứa trong tâm hồn và trong từng ngày sống của ta.

-Trong tương quan với anh chị em, Lời Chúa có thể làm ta rơi vào sự thù oán, hay ít là ghen ghét, khi ta không cùng a dua, không “cùng hội cùng thuyền” với những người sống thiếu lương thiện, sống mà không kể gì đến Thiên Chúa.

Từ ngàn xưa, Sách tiên tri Giêrêmia đã cho ta những bài học quí giá về một cuộc sống thiếu bình an khi phải sống Lời Chúa, khi phải giữ trọn lề luật của Người. Ta hãy nghe Giêrêmia tâm sự:

“Kẻ gian ác nói: ‘Hãy đến đây, ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giêrêmia. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó’” (Gr 18, 18).

Vì phải sống và loan báo Lời Chúa, nhà tiên tri bị người đời ghét bỏ, chống đối, và thù hận đến mức có những lúc ông đau khổ một cách tuyện vọng, chỉ còn biết than thân trách phận:

“Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành. Tại sao tôi lại không chết ngay trong lòng mẹ, để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi? Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ” (Gr 21, 14. 17 – 18).

Đó là số phận của những người ngay lành, những người chỉ biết lấy Lời Chúa làm lẽ sống cho mình. Đúng như Chúa đã nói: “Ta đến không phải đem bình an, nhưng đem gươm giáo”.

Bởi thế bình an mà Đấng Phục Sinh trao ban chỉ có thể là bình an của những người biết phó thác cuộc đời mình cho Chúa. Chỉ có phó thác, chỉ có đặt tất cả cuộc đời, tất cả lòng tin và sự sống trong tay Chúa, ta mới có bình an thật trong tâm hồn của mình, dẫu trên thân xác ta đầy vết tích, cuộc đời ta đầy thử thách, đường đời ta đi đầy chông gai.

Chúa Kitô đã chẳng phải như thế sao, khi chính Người đã bị cuộc đời vùi giập? Dẫu là đau đớn đến cùng cực, dẫu là cái chết bầm da, xé thịt, hay mọi đắng cay nhục nhã và ê chề đến đâu đi nữa, Chúa Giêsu vẫn một lòng phó thác chính bản thân Người cho thánh ý Chúa Cha, cho tình yêu của Chúa Cha.

Lúc mà trên thân thể hằn lên nỗi đau bao nhiêu là chính lúc nhờ sự phó thác, Chúa Giêsu lại càng có được bình an tận tâm hồn bấy nhiêu.

Ta hãy xin Chúa ban bình an cho ta, không phải thứ bình an trên thân xác, càng không phải bình an do của cải, quyền thế, danh giá… mang lại, nhưng là bình an của tâm hồn để trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh của đời người, ơn bình an ấy sẽ giúp ta càng thánh thiện, càng trung thành với Chúa hơn, dẫu là lúc ta vui hay buồn, sướng hay khổ, dẫu là hoàng cảnh nào đi nữa.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- Năm B

GẶP GỠ CHÚA PHỤC SINH- Trích Logos B         

Một trong những bộ phim được nhiều người Công Giáo biết đến và yêu thích là bộ phim của Ý mang tựa đề “Chú Bé Marcelino”.

Chú bé Marcelino mồ côi cha mẹ, được các thầy dòng Phanxicô nuôi dưỡng trong tu viện. Một ngày kia, khi được 5 tuổi, chú bé phát hiện ra một tượng Chúa chịu nạn thật lớn bị bỏ phế trong nhà kho. Khởi đầu, chú bé rất sợ khi nhìn thấy tượng Chúa. Nhưng về sau, chú bé thấy “Bác Giêsu” rất hiền và có vẻ đói, nên đã lén lấy trộm bánh và rượu của các thầy cho “Bác Giêsu”. Thấy mất nhiều đồ ăn, các thầy theo dõi và chứng kiến cảnh Chúa Giêsu hiện ra, trò chuyện và ăn uống trước mặt chú bé Marcelino.

Một lần kia, Chúa Giêsu hiện ra, Ngài hỏi chú bé muốn điều gì, chú bé trả lời muốn được gặp mẹ chú ở thiên đàng. Chúa đã nhận lời và bảo chú đi ngủ.

Đoạn cuối của bộ phim thật cảm động : các thầy dòng đã tìm thấy chú bé Marcelino ngồi nghiêng đầu trên chiếc ghế dựa, bên cạnh tượng Chúa chịu nạn trong nhà kho. Chú đã chết, cái chết êm ái dịu dàng như một giấc ngủ.

Câu chuyện về chú bé Marcelino thật xúc động ! Với một lòng tin vừa ngây thơ, vừa đơn sơ, nhưng thật mạnh mẽ, chú bé đã được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra và được gặp gỡ Chúa. Câu chuyện gợi lên cho chúng ta những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Nhưng thật ra, các môn đệ vẫn chưa có lòng tin đủ mạnh để nhận ra Ngài.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ, ban bình an và củng cố đức tin các ông để các ông không còn sợ hãi. Nhưng các môn đệ vì hoang mang và bối rối nên tưởng Chúa là một bóng ma.

Để làm cho các môn đệ được vững tin hơn, Chúa đã cho các ông xem tay chân và ăn uống trước mặt các ông. Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra được tính cách độc đáo của Chúa Giêsu Phục Sinh : Ngài luôn đến với chúng ta thật bất ngờ trong những điều thật bình thường. Ngài đến để ban cho ta lời hằng sống và sứ mạng làm chứng nhân cho Ngài. Nhưng để gặp được Ngài, ta phải có lòng tin.

Chúa Giêsu Phục Sinh đến bất ngờ giữa đời thường.

Những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, Ngài luôn đem đến cho các môn đệ sự bất ngờ. Chúa Giêsu không báo trước cho các môn đệ trong những lần Ngài hiện ra. Vì thế, trong lúc các ông đang ở trong phòng đóng kín, Ngài đã xuất hiện bất ngờ, khiến các môn đệ sợ hãi và hoang mang (Ga 20, 19). Chúa Giêsu Phục Sinh cũng bất ngờ hiện ra ở Biển Hồ Tibêria vào lúc trời mờ sáng, giữa lúc các môn đệ đang đánh cá và họ đã không nhận ra Ngài (Ga 21, 1-14). Chúa Giêsu Phục Sinh cũng hiện ra với

Maria Mđalêna một cách bất ngờ khiến bà không nhận ra Ngài, nhưng tưởng là người làm vườn (Ga 20, 15).

Chúa Giêsu Phục Sinh cũng bất ngờ xuất hiện bên cạnh hai môn đệ làng Emmaus, khiến hai ông không nhận ra Chúa (Lc 24, 12-35). Và đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đột ngột xuất hiện giữa các môn đệ, khiến các ông hoảng sợ tưởng là ma hiện hình (Lc 24, 37).

Ngoài yếu tố bất ngờ, Chúa Giêsu Phục Sinh còn hiện ra trong những hoàn cảnh sống và làm việc rất bình thường của các môn đệ: Chúa hiện ra với các môn đệ lúc các ông đang ở nhà, lúc các ông đi đường, lúc các ông đang đánh cá trên biển… Chúa Giêsu hiện ra không phải trong cảnh huy hoàng sáng láng, với dung mạo một Thiên Chúa đầy vinh quang. Nhưng Ngài xuất hiện trong vóc dáng của một con người tầm thường khiêm tốn : như một người khách bộ hành, như một bác làm vườn, như một ngư phủ…

Ngài hiện ra với những vết thương nơi thân xác, Ngài ăn uống bình thường trước mặt các môn đệ. Ngài tỏ ra những cử chỉ thân thương đối với các môn đệ : cho các ông chạm vào người, bẻ bánh trước mặt các ông, hoặc dọn bữa cho các ông trên bờ biển…

Chính vì Chúa Giêsu Phục Sinh thường xuất hiện bất ngờ với những điều bình thường như thế nên những đôi mắt đức tin mờ tối sẽ không nhận ra Ngài. Dù Chúa đã sống lại và Ngài đã đi vào vinh quang sáng ngời, Ngài vẫn đang tiếp tục đến và hiện diện với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Ngài đến vào giữa những khoảnh khắc bất ngờ trong cuộc sống. Ngài đến trong những cái tầm thường và thấp hèn nhất của đời ta. Liệu ta có lòng mạnh tin để nhận ra và gặp gỡ được Ngài ?

Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, con người được biến đổi

Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã tìm lại được niềm vui và hy vọng. Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã được hoàn toàn đổi mới. Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban cho các môn đệ ba món quà quý giá trong những lần hội ngộ đầy thân thương ấy. Ba món quà đó là :

– Bình an : trong những lần hiện ra, Chúa Giêsu luôn trao sự bình an cho các môn đệ : “Bình an cho các con ! Này Thầy đây, đừng sợ!”. Chính sự bình an của Chúa là hoa quả của ơn Thánh Thần, khiến các môn đệ tìm lại được sự vững tâm và sức mạnh sau những khủng hoảng và tuyệt vọng. Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục ban bình an cho chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận Ngài.

– Ánh sáng : trước khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ đã hoàn toàn sống trong bóng tối. Bóng tối của sự sợ hãi. Bóng tối của u mê lầm lạc. Nhưng khi Chúa Phục sinh hiện đến, Ngài ban cho các môn đệ nguồn sáng từ lời Ngài. “Ngài đã mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh”. Chính khi Chúa dùng Kinh Thánh để giải thích cho các môn đệ hiểu, lúc ấy lòng họ mới bừng cháy lên và nhận ra Ngài. Con người ngày nay cũng vậy, nếu không mở lòng ra để đón nhận ánh sáng lời Chúa, họ sẽ không thể gặp gỡ được Ngài.

– Sức mạnh : sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các môn đệ sợ hãi, nhát đảm và đóng kín chính mình. Nhưng sau khi gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các môn đệ đã trở nên mạnh mẽ, can đảm khác thường. Chính vì nhận lãnh sức mạnh từ Chúa, họ đã can đảm mở tung cánh của của sự hèn nhát và sợ hãi để lên đường đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Đó chính là điều Chúa đã tín nhiệm trao cho các môn đệ như một sứ mạng : “Còn các con, các con sẽ làm chứng về điều ấy”. Các môn đệ đã tin, đã sống và đã loan báo. Ngày nay, đến lượt chúng ta cũng hãy tiếp tục lần theo bước chân loan báo Tin Mừng của các tông đồ, can đảm hoàn thành sứ vụ cao cả của một chứng nhân Tin Mừng.

Bài đọc thứ I, trích sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta một bằng chứng cụ thể : Thánh Phêrô tông đồ đã chứng tỏ sức mạnh và nhiệt tâm của một chứng nhân loan báo Tin Mừng. Ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, cho dù có phải trải qua biết bao gian truân và thử thách.

Trong cuộc điều tra để phong thánh cho cha Gioan Maria Vianney, tòa án phong thánh cho mời tất cả những ai đã từng tiếp xúc với cha Vianney đến để làm chứng cho ngài. Trong số các chứng nhân được mời đến, có một bác nhà quê chất phác nói một câu đơn sơ, vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa : “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.

Thánh Gioan Maria Vianney đã chiếu tỏa dung mạo của Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện và bác ái của mình. Vì thế, người ta đã nhìn thấy Thiên Chúa qua ngài. Vậy, làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh chính là chúng ta phải sống thế nào để cho người khác luôn nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong con người và cuộc sống của chúng ta.


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- Năm B

LỜI MỜI GỌI HOÁN CẢI VÀ ĐÓN NHẬN ƠN THA THỨ- Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Phục sinh là một mầu nhiệm lớn trong Kitô giáo và là hành trình của người tín hữu, vì thế Giáo hội đã dành nhiều tuần để chúng ta sống mầu nhiệm Phục sinh trong cuộc đời hiện tại. Mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm lớn lao hơn các mầu nhiệm và đưa chúng ta vào đời sống hiệp thông sống động với Chúa Phục sinh. Chúa Giêsu đã Phục sinh vinh quang, phần chúng ta, trong đời sống hiện tại, chúng ta được mời gọi kết hiệp với người qua mọi việc chúng ta làm để được thông phần vào sự Phục sinh này ngay từ cuộc đời hiện tại.

Các môn đệ lần hồi được mời gọi đón nhận mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu. Thật không phải dễ dàng, các ngài không khỏi ngỡ ngàng, sợ hãi và bối rối ban đầu, để rồi lần hồi được Chúa Giêsu hướng dẫn và thúc đẩy để đón nhận và trở nên nhân chứng của Chúa Phục sinh. Một sự biến đổi từ chỗ không tin đến nhận thức rõ ràng về Chúa Phục sinh. Sự Phục sinh đã hoàn toàn thay đổi con người Đức Giêsu, người đã đi vào trong vinh quang Phục sinh của sự sống thần linh, và các môn đệ lần hồi đón nhận thực tại mới này bằng lòng tin. Điều chúng ta ghi nhận từ các bài đọc Tin mừng là các ngài bối rối, nghi ngờ, sợ hãi khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ngài.  Giờ đây, Đức Giêsu Phục sinh hiện ra hoàn toàn khác, các ông cứ tưởng là ma, ngay cả hai môn đệ trên đường Emmaus cứ nghĩ người là một người khách hành hương nào đó, hay như Maria Mađalêna nghĩ người là người giữ vườn. Về phần Chúa Giêsu Phục sinh, người cũng chính là Đức Giêsu chịu đóng đinh mà các môn đệ đã chung sống trong suốt thời gian người rao giảng, người quả thực có thân xác mà các môn đệ có thể nhìn thấy và chạm tới các vết đinh của người và ăn uống trước mặt các ông. Trong mỗi lần hiện ra hay tỏ mình, sáng kiến bao giờ cũng phát xuất từ Chúa Giêsu Phục sinh, và người hiện đến ban tặng cho các ông bình an. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn của người, người ăn trước mặt các ông, và nói chuyện với các ông cách thân mật. Người nhắc nhở các ông những gì người đã giảng dạy các ông trước đây khi người còn sống là Đấng cứu thế phải chịu đau khổ như thế rồi mới vào trong vinh quang, và người cũng nhắc lại cho các ông điều người đã nói trước với các ông là cần phải ứng nghiệm mọi điều đã ghi chép về người trong sách luật Môisen cũng như sách các tiên tri và thánh vịnh. Đón nhận tin mừng Chúa Phục sinh cũng là lúc đón nhận sự hiểu biết mới mẻ về lời Chúa. Lòng tin Chúa Phục sinh không là điều gì khác hơn là việc hiểu biết những lời Chúa Giêsu đã rao giảng và những lời Sách Thánh mà các tiên tri đã báo trước. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ nhớ lại những lời Người đã nói với các ông trước cuộc khổ nạn, và những lời sách Luật, các tiên tri và thánh vịnh đã loan báo về Người. Thánh Thần của Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa các môn đệ đến chân lý toàn vẹn bằng cách soi sáng cho các môn đệ hiểu Lời Thánh Kinh cũng như lời của Chúa Giêsu nhiều hơn :

Đón nhận tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người. Sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu không dừng lại ở sự kiện Phục sinh mà còn phải được thực hiện cho mọi người mọi thời, nhưng giờ đây được trao lại cho các môn đệ để các ngài loan báo ơn hóan cải và tha thứ cho mọi người. Các tông đồ được Chúa ban Thánh Thần để các ông trở nên những con người được sai đi, đầy tràn Thánh Thần loan báo cho mọi người ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, trong tường thuật sách Công vụ tông đồ, thánh Phêrô đã dạn dĩ ngỏ lời với những người ở Giêrusalem, nhắc lại những sự kiện đã qua, việc họ kết án Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, trong khi Philatô xét là phải tha cho người ; nhắc lại họ đã chọn lựa xin Philatô tha cho Baraba, một tên sát nhân, và đã kết án Đức Giêsu. Đồng thời thánh Phêrô cũng khẳng định Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho những việc họ làm vì không hiểu biết và nhắc cho mọi người Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu bằng cách làm cho người được Phục sinh vinh quang. Lời rao giảng của thánh Phêrô được nâng đỡ bởi Thánh Thần , thúc đẩy nhiều người đã sám hối và đón nhận đức tin và đây là những hạt nhân đầu tiên của Giáo hội, những người sám hối và đón nhận lời rao giảng của các tông đồ. Sứ điệp của thánh Gioan gửi cho các giáo đoàn cũng nhắc nhở lại lời mời gọi sám hối. Người tín hữu là những người đã được biến đổi bởi Thánh Thần Thiên Chúa, họ sẽ cố gắng để không phạm tội nữa, và họ được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, vì họ có Đức Giêsu là trạng sự bàu chữa cho họ trước toà Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã đổ máu để nên của lễ đền tội cho họ cũng như cho mọi người vì thế mọi người cần diễn tả tình yêu của mình đối với Đức Giêsu bằng cách cố gắng giữ giới răn của người. Tình yêu hoàn hảo nhất của mọi người dành cho Đức Giêsu là đấng đã chết cho họ là hãy giữ các giới răn tình yêu của người.

Người tín hữu là những người được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và bằng các bí tích. Đây chính là những điều kiện để chúng ta càng tiến đến lòng tin vào mầu nhiệm Phục sinh và hoán cải nhiều hơn để đón nhận ơn tha thứ tội lỗi. Các tông đồ và môn đệ đã được biến đổi, hai môn đệ trên đường Emmaus và các thế hệ Kitô hữu cũng đã được biến đổi, và giờ đây, mỗi người đón nhận tin mừng Phục sinh này cũng được mời gọi hoán cải nhờ lòng tin vào lời Chúa và tham dự vào bí tích Thánh Thể để thường xuyên được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta như người đã đồng hành với các tông đồ và môn đệ sau Phục sinh.

home Mục lục Lưu trữ