Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 37
Tổng truy cập: 1378892
CÁM DỖ
Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.
+ Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.
Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
+ Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.
Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.
+ Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.
Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn.
Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Bạn đã gặp nhiều cơn cám dỗ, bạn đã chống trả những cơn cám dỗ như thế nào?
- Có những việc lúc đầu bạn thấy là tốt. Mãi sau này bạn mới biết là xấu. Bạn có nghĩ đó là âm mưu của ma quỷ không?
- Bạn có ý thức rằng ma quỷ vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới ngày nay không?
- Mùa Chay này, bạn sẽ làm gì để phòng chống âm mưu ma quỷ?
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Vua nước Thục có tính tham lam. Vua Huệ Vương, nước Tần, muốn xâm chiếm nước Thục, nhưng vì khe núi hiểm trở, không thể đem quân sang đánh. Huệ Vương sai lấy đá tạc hình con trâu để gần địa giới nước Thục, mỗi ngày bỏ vàng sau đuôi con trâu và phao tin đồn rằng: “Trâu đãi ra vàng”.
Tiếng đồn ấy đến tai vua Thục. Ông liền sai xẻ núi lấp khe và cho năm người lực sĩ vào rừng kéo con trâu về.
Huệ Vương sẵn lối đi, đem quân tiến đến cướp được nước Thục. Vua Thục vừa mất nước, vừa hại cả mình, để lại trò cười cho thiên hạ. Thế chẳng phải là tham chút lợi nhỏ mà để thiệt mất cái lợi to ư?
Vua Thục vì tham vàng mà mất nước, và số vàng kia cũng lọt vào tay quân thù. Thiên hạ cười chê ông dại khờ. Nhưng thật ra thì ai cũng đã hơn một lần khờ dại như ông. Ai cũng đã không ít lần bị cám dỗ giống ông, nếu không phải là vàng thì cũng là của cải, sắc dục, danh vọng, quyền uy.
Bị cám dỗ là thân phận của con người. Đức Giêsu đã từng bị cám dỗ, vì Người muốn chia sẻ trọn vẹn kiếp người, Người muốn nên đồng số phận với con người, và Người đã thắng cơn cám dỗ để nêu gương cho con người.
Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói. Cơn cám dỗ về manna (Xh 16) mà dân Chúa đã bị thử thách trong hoang địa. Đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thỏa mãn những khao khát của thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Vâng, con người còn có những giá trị cao quý khác cần phát huy, đừng hạ thấp mình xuống mức độ sơ đẳng nhất của: cơm, áo, gạo, tiền.
Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền hành thế gian. Cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng (Xh 32,42) của dân Israel nơi hoang địa. Không chỉ hôm nay mà rất nhiều lần trong cuộc đời, Đức Giêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên “tôi tớ” của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em.
Đây cũng là cơn cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa. Vì Người thường hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu, chúng có tên là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng… Đức Giêsu nhắc cho chúng ta lời Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người” (Lc 4,8).
Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng (Xh 17), đòi thấy những cú nhẩy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: Đó là cơn cám dỗ trên nóc đền thờ Giêrusalem. Cũng chính nơi đây, Đức Giêsu sẽ chịu một cơn thử thách hết sức nặng nề: đó là cơn cám dỗ muốn thoát cái chết: “Nếu có thể được, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Lc 22,42). Dường như Chúa Cha “đã bỏ rơi” Người. Cuối cùng thì Đức Giêsu đã không dùng quyền năng của mình để trốn tránh thân phận con người phải chết. Người đã từ chối nhẩy một cú đẹp mắt, cũng không xuống khỏi thập giá một cách ngoạn mục. Người tin tưởng vào tình yêu của Cha, Người tuyệt đối trung thành và trọn vẹn vâng theo ý Cha.
Đức Giêsu đã chiến đấu với các cơn cám dỗ và Người đã hoàn toàn chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta trong những cơn thử thách. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn; thử thách nào cũng đòi phải chọn lựa. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra cái đắng đót chua cay trong cái vỏ ngọt ngào hấp dẫn đó không! Chúng ta có dám chọn theo Chúa hơn là theo ma quỷ? Chọn yêu anh em hơn là yêu chính mình? Chọn điều thiện hơn là cái ác?
Lạy Chúa, chúng con sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần chiến thắng, sẽ kinh nghiệm nhiều hơn sau mỗi cơn thử thách. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con thất vọng sau mỗi lần vấp ngã, đừng bao giờ chúng con bỏ cuộc sau những lần thất bại.
Xin cho chúng con luôn tin tưởng chỗi dậy, tiếp tục chiến đấu cho dù phải hy sinh mạng sống, vì chính Đức Giêsu đã sẵn lòng chịu chết để trung tín với Chúa Cha.
Xin ban thêm sức mạnh để chúng con chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ ăn chay và cầu nguyện. Amen.
Có một câu chuyện vui dân gian kể rằng: Có một người nọ bị quỷ hiện lên chận đường. Quỷ bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây: một là uống rượu thật say – hai là đốt nhà của mình – ba là giết chết vợ mình.
Quá hoảng sợ, người đàn ông đành chọn uống rượu thật say vì anh ta cho đó là việc làm đỡ nguy hại nhất. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí, nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ ra can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba việc mà tên quỷ đã đề ra.
Ma quỷ có rất nhiều mưu mô xảo kế, khi cám dỗ người nào, chúng vận dụng hết mọi thủ đoạn để hạ gục người đó. Vì thế, khi cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỷ đã dùng chính Lời Thiên Chúa để dụ dỗ Người, nhưng Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của ma quỷ. Trái lại, Ngài cũng đã dùng Lời của Thiên Chúa để cho ma quỷ phải bẽ mặt và bỏ đi.
Quả thật, satan là tên xảo trá. Hắn dùng ngay lời Chúa Cha vừa tuyên bố về Chúa Giêsu ở sông Giođan để cám dỗ Người. Hắn khích Người dùng quyền năng của Con Thiên Chúa để thỏa mãn những nhu cầu riêng tư, nhất là khi việc này xem ra không phương hại đến ai. Nhưng Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của satan một cách dễ dàng như chúng tưởng. Tuy Người đang đói, nhưng cơn đói không là lý do thúc đẩy Người đi tìm thỏa mãn bằng mọi cách. Người trưng dẫn câu chuyện Thiên Chúa cho dân Israel ăn manna trong sa mạc, để cho tên quỷ biết rằng Thiên Chúa là Đấng nuôi sống con cái Ngài. Điều quan trọng không chỉ là cơm áo mà thôi. Chúa Giêsu trích dẫn lời sách Đệ Nhị Luật để đáp lại lời satan: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Thất bại trong cám dỗ đầu tiên, satan lại bày ra mưu kế khác. Chúa Giêsu không chịu thua vì cái bụng thì hắn đánh vào cái đầu.
Tin Mừng theo thánh Luca kể tiếp như sau: “Quỷ đem Chúa Giêsu lên cao và chỉ Người thấy tất cả các nước thiên hạ, rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh quang, lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn trao cho ai tùy ý. Vậy, nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Satan thật ghê gớm, hắn biết Chúa Giêsu đã quyết định giữ trọn đời mình để thiết lập nước trời mới nơi trần thế, hầu đem lại hạnh phúc đời này và đời sau cho con người. Một lý tưởng thật tuyệt vời. Nhưng để thực hiện thì gian lao vất vả lắm, lại không biết có thành công hay không. Satan dụ dỗ Chúa Giêsu quy phục quyền bính của hắn. Đổi lại, hắn sẽ cho Người chinh phục cả thế gian một cách dễ dàng. Satan đã lầm to, Chúa Giêsu thật sự quyết tâm sống chết cho nước Thiên Chúa, nhưng nước này phải được thiết lập bằng việc thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha chứ không bằng việc tuân phục một quyền lực nào khác. Để đáp lại satan, Chúa Giêsu nhắc lại rằng: “Thiên Chúa mới là Đấng nắm chủ quyền trên các dân tộc”, và Chúa Giêsu trích lời trong sách Đệ Nhị Luật để đáp lại: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa ngươi và phải thờ lạy một mình Người mà thôi”. Lần cuối cùng, satan quay lại tấn công trái tim Chúa Giêsu: “Nếu Thiên Chúa đã gọi ông là con thì hãy thử xem Người có thật lòng yêu thương che chở ông không hay Người sẽ bỏ mặc ông trong cảnh gian truân”.
Thánh Luca kể tiếp:
Quỷ đem Chúa Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người lên nóc đền thờ rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đến đây mà gieo mình xuống đi, vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho các thiên sứ lo cho bạn để luôn luôn gìn giữ bạn”. Lại còn chép rằng: “Thiên sứ sẽ ra tay nâng đỡ cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đợt cám dỗ thứ ba này satan không chỉ trưng dẫn lời thánh vịnh 91 một lần, mà đến những hai lần để thuyết phục Chúa Giêsu nghe theo hắn. Song lập trường của Chúa Giêsu nào có xoay chuyển. Người tiếp tục dùng sách Đệ Nhị Luật thuật lại lời Thiên Chúa cảnh cáo sẽ tiêu diệt kẻ nào dám thách thức Ngài để đáp lại lời satan: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Chúng ta vừa cùng có mặt bên Chúa Giêsu khi Người đối đầu với ba cơn cám dỗ của ma quỷ. Chúng ta đã thấy phần nào thủ đoạn tinh vi xảo quyệt của satan và cũng đã thấy lập trường kiên định của Chúa Giêsu khi Người chống lại hắn.
Tấm gương mà Chúa Giêsu vừa nêu sẽ giúp chúng ta có được thái độ vững vàng khi phải chiến đấu với mưu chước ma quỷ. Là những người sống lăn lộn giữa lòng đời, chúng ta thường xuyên phải đối phó với những cám dỗ của ma quỷ. Chúng thường tập trung vào ba lãnh vực: quyền lợi vật chất, tham vọng thống trị và nhu cầu tình cảm. Mưu mô xảo kế của satan thì thiên hình vạn trạng. Xã hội văn minh phát triển thì các cơn cám dỗ của satan phát triển theo. Chúng mặc đủ mọi hình thức, khi thì dịu dàng mời mọc, khi thì đe dọa hung hãn. Chúng thường tạo cho chúng ta cảm giác hợp lý, được phép khi đưa ra những lập luận có vẻ vô hại. Nhất là trong thời đại hôm nay, khi lợi thú cá nhân được đề cao quá mức và nhu cầu hưởng thụ của con người được kích thích đến mức tối đa. Cái bụng, cái đầu và con tim của chúng ta luôn luôn phải đối mặt với những lời rỉ tai hay những cuộc biểu dương ồ ạt của sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ con chỉ là những thụ tạo mỏng dòn, lại phải sống lăn lộn giữa bao cạm bẫy của satan. Ma quỷ thì tinh ranh xảo quyệt, còn con thì thường lơ là mất cảnh giác, xin Chúa luôn ở kề bên con mỗi khi con gặp cơn cám dỗ. Xin Chúa nhắc con nhớ rằng chỉ có thánh ý Chúa Cha mới là tiêu chuẩn tuyệt đối trong đời người Kitô.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam