Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1378593
CẢM NẾM TÌNH CHA
Cảm nếm tình Cha! – Huệ Minh
Người Do Thái là những kẻ xác tín rằng con người chỉ có thể được coi là công chính nếu tuân giữ trọn vẹn luật Môsê.
Thật ra, nếu họ là những người sống công chính theo lề luật, thì điều đó tự nó không phải là một chuyện xấu, mà còn tốt nữa là đàng khác. Nhưng cái làm cho họ trở thành những kẻ xấu và thậm chí có thể là những kẻ ác, đó là vì họ vênh vang tự đắc về cái thành tích giữ luật của mình, và nhất là tự biến mình thành những “cảnh sát” của đạo, những loại chó săn, chuyên môn đi rình mò, đánh hơi để tố cáo những người phạm luật. Và rồi, với lòng chai dạ đá trước anh chị em đồng loại để rồi họ không ngại nhân danh lề luật, nhân danh lòng nhiệt thành bảo vệ luật pháp mà lên án và ném đá những kẻ lỗi luật.
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình hôm nay thật là tiêu biểu cho cái thái độ đạo đức giả của những tín đồ Do Thái cuồng tín và cái ác ý của họ.
Thực chất, trong câu chuyện này họ không chỉ nhằm tố cáo những phụ nữ yếu đuối đáng thương, nhưng chủ yếu là giăng bẫy để Chúa Giêsu vấp phạm để loại trừ Chúa Giêsu. Họ chỉ lấy chuyện tố cáo người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy bắt lỗi chính Chúa Giêsu và như vậy để có bằng chứng tố cáo Ngài.
Chúa Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê, và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình và chính Ngài đã làm sai lời dạy của mình là “Các con hãy yêu thương nhau”.. Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất. Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp. Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.
Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Người đang viết tội của họ ra hay Người đang suy nghĩ tìm câu trả lời, điều đó không ai biết nhưng có một điều chắc chắn là họ đang đắc thắng vì dồn ngược Người vào chân tường, họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Người đã trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ, và mũi dao ấy vẫn tiếp tục xoáy vào lương tâm mỗi người chúng ta khi nghe lại lời đó: “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi”.
Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.
Những giây phút thinh lặng khi Chúa Giêsu cúi mình viết trên cát là lúc để cho mỗi người trong cái đám đông hung hãn ấy nhìn sâu vào tận đáy thẳm tâm hồn của mình. Ở đó con người sẽ nhận ra thân phận tội lỗi xấu xa của mình và đồng thời cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa.
Nhìn lại nội tâm mình trong thinh lặng, những con người hăm hở kết tội người khác giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi mình, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là các viên đá trên tay lần lượt rơi xuống, họ xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm kết án người khác cũng tội lỗi như mình!
Thật thế, không ai dám tự hào mình vô tội. Có biết bao tội bất trung bất nghĩa còn xấu xa chẳng kém tội ngoại tình. Có những tội ngoại tình trong ước muốn, trong tư tưởng. Có những tội ngoại tình lén lút chẳng ai hay.
Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình. Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.
Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình. Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội. Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước. Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ. Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo. Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.
Dường như ngày nay người ta chỉ nhận mình phạm tội khi bị bắt quả tang, còn những tội phạm trong thầm kín thì kể như không có. Vì thế người ta tìm mọi cách để che đậy, giấu giếm những hành vi tội lỗi để không ai bị bắt quả tang. Và họ cứ an tâm thanh thản trong cuộc sống. Họ hoàn toàn đánh mất cảm thức về tội lỗi.
Có một điều trớ trêu là khi người ta thấy một ai đó bị bắt quả tang phạm tội, họ không ngại ngùng vung hòn đá ra ném vào người đó. Có lẽ để gián tiếp minh chứng mình vô tội chăng? Người ta dễ dàng bỏ qua cho mình, nhưng lại không buông tha cho kẻ khác. Tuy nhiên, Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân: “Tôi không lên án chị đâu? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân.
Với lời yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu, ta chợt nhận ra rằng tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô điều kiện. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu, ta hiểu rằng con đáng quý trọng không phải ở quá khứ nhưng ở tương lai, không phải ở cái họ đã là nhưng ở cái họ sẽ là. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu, ta yên tâm đóng lại quá khứ để bắt đầu một tương lai mới, bước đi trong tình yêu thương và niềm tin tưởng của Thiên Chúa. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu, ta hiểu và nhận ra rằng lòng thương xót của Chúa là vô biên. Chúa Giêsu đã không lên án người phụ nữ phạm tội, cũng không lên án những người tố cáo chị.
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta dù cho tội đó nặng đến độ phải tử hình như tội ngoại tình nơi anh em Do Thái ngày xưa.
Lòng thương xót của Chúa hải hà trên vết nhơ của tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng so với thái độ của các vị luật sĩ và biệt phái cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa mênh mông, bao la hơn tâm hồn con người thế nào, như đại dương với các ao tù nước đọng: một bên thì bình tĩnh thản nhiên, nhẹ nhàng đón nhận cục đá lớn ném xuống, còn một bên sôi nổi sùng sục và hỗn loạn trước cũng một biến cố ấy. Thiên Chúa vẫn đối xử với chúng ta như thế, không phải để ta coi thường tội lỗi, mà là để ta, một khi đối diện với lòng nhân lành của Chúa, sẽ hoán cải mà trở nên tốt hơn.
Chúa Giêsu, Đấng vô tội, chính Ngài đã từ chối không ném viên đá đầu tiên hoặc viên đá cuối cùng, nhưng lời chấp nhận của Ngài đã được gắn lại lệnh truyền: “Chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Có nghĩa là: “Con hãy về đi và từ bỏ cuộc sống tội lỗi của con”. Những kẻ tố cáo, những kẻ sẵn sàng ném đá kia thực ra đã có thể kết liễu cuộc sống của người thiếu phụ nầy, nhưng trái lại phần Đức Giêsu, Ngài đã ban tặng cho chị ta một cuộc sống mới, một sự bắt đầu hoàn toàn mới mẻ: “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”.
Ngày nay, Ngài cũng cư xử đối với nhân loại tội lỗi và đối với mỗi người chúng ta đúng như Ngài đã đối xử với người thiếu phụ ngoại tình nầy. Trên thánh giá, Ngài ban ơn tha thứ cho tất cả và cùng với muôn triệu người được cứu thoát, Ngài tạo nên một dân mới. Một lần nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào cõi lòng mình vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa để tự nhận ra mình là kẻ tội lỗi, hầu lãnh nhận ơn tha thứ và từ nay đừng tái phạm nữa.
Xin cho mỗi người chúng ta cảm nếm được hồng ân tha thứ của Chúa để ta cũng biết tha thứ và thương cảm anh chị em đồng loại như Chúa đã tha thứ và thương cảm mỗi người chúng ta.
28. Suy niệm của Radio Veritas Asia
THIÊN CHÚA BÊNH VỰC NGƯỜI YẾU ĐUỐI VÀ PHÂN TRẦN SỰ BẤT CÔNG
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
Theo luật người Do Thái như được trình bày trong sách Lêvi 2,10 thì bất cứ ai phạm tội ngoại tình với một người phụ nữ đã có chồng và bất cứ ai phạm tội ngoại tình với vợ của người khác, thì cả người đàn bà ngoại tình và người đàn ông đó đều bị tử hình. Tuy nhiên về sau trong chiều hướng kỳ thị phụ nữ, người ta bóp méo luật pháp và chỉ ném đá trước người đàn bà ngoại tình, còn người nam ngoại tình thì không bị hình phạt nào cả hoặc chỉ bị phạt một số tiền tượng trưng.
Cử chỉ của Chúa Giêsu trong trường hợp Phúc Âm trên đây gọi là cách mạng đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó. Ngài bênh vực người yếu và phân trần sự bất công của người phụ nữ phải chịu, cũng như thái độ giả hình của những kẻ muốn trừng phạt người phụ nữ tội lỗi. Trong chiều hướng đó, đoạn Phúc Âm này vẫn giữ được tính cách đặc biệt thời sự ngày nay.
Cũng vì thế, trong Tông thư “Mullieris dignitatem” (Về phẩm giá người phụ nữ), công bố nhân dịp năm Thánh Mẫu năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành chương V để chú giải về đoạn Phúc Âm này. Sau khi nhắc đến thái độ kỳ thị nữ giới như một hậu quả của tội nguyên tổ, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng, theo tường thuật Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khơi dậy nơi tâm hồn của những kẻ muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình, ý thức về chính tội lỗi của họ. Qua đó Chúa Giêsu cho thấy Ngài muốn đánh mạnh vào lương tâm và các hành động của con người, đồng thời dường như Ngài muốn nói với những người tố cáo rằng: Phụ nữ này với tất cả tội lỗi của nàng, đã chẳng cho thấy những vi phạm của chính các ông, những bất công nam giới và những lạm dụng của các ông hay sao? Đức Thánh Cha viết: “Đây là một sự thật có giá trị cho tất cả mọi người. Câu chuyện mà Phúc Âm theo thánh Gioan đã kể lại: người đàn bị bỏ một mình, bị phơi bày trước dư luận quần chúng với tội lỗi của nàng. Nhưng sau tội lỗi của riêng nàng, còn có người đàn ông tội lỗi nữa đồng chịu trách nhiệm về tội lỗi đó. Vậy mà tội lỗi của người đàn ông thì không lôi kéo chú ý. Được trôi qua trong im lặng như thế, người đàn ông không có trách nhiệm gì về tội lỗi ngoại tình ấy. Đôi khi người đàn ông còn nhắm mắt trước tội lỗi của chính mình và đã trở thành người tố cáo người khác như Phúc Âm kể lại. Có biết bao lần người nữ đã phải trả giá cho tội lỗi mình như thế và phải đền tội một mình, mặc dầu tội cả hai người phạm chung. Biết bao nhiêu lần người phụ nữ bị bỏ rơi với bào thai trong bụng, vì người cha của thai nhi không muốn chấp nhận trách nhiệm làm cha của mình. Và bên cạnh nhiều bà mẹ độc thân trong xã hội ngày nay, chúng ta còn phải nhớ tới số phận phụ nữ bị trục xuất bào thai của mình rất nhiều, khi vì những áp lực khác nhau kể cả áp lực của người đàn ông tội lỗi tác giả bào thai đó. Dư luận quần chúng ngày nay tìm nhiều cách để xóa bỏ cách thức xấu xa của cuộc phá thai đó, nhưng nhiều khi lương tâm người phụ nữ không thể quên rằng mình đã tước đoạt sự sống của đứa con mình”.
Trong phần kế tiếp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự bình đẳng của nam giới và nữ giới, theo ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, khi tạo dựng loài người và Ngài kết luận rằng: “Mọi người nam phải nhìn nhận người nữ như một người chị em của mình và không bao giờ được coi người nữ như đối tượng cho mình thỏa mãn và khai thác hoặc như đối tượng của tội ngoại tình trong tâm hồn của mình hay qua hành động bên ngoài”.
29. Dốc quyết từ bỏ tội lỗi, canh tân đời sống
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Cách đây khá lâu, tình cờ tôi đã đọc được một mẩu tin từ hãng tin quốc tế AFP phổ biến một sự việc xảy ra bên Trung Quốc. Và hãng tin quốc tế này lấy tin từ tờ nhật báo Trung Quốc, nói rằng chính phủ mới ra lệnh tử hình cho một người cha vì đã can tội giết đứa con gái của mình mới ba tuổi. Và lý do, vì ông ta muốn có con trai.
Theo luật của Nhà Nước Trung Quốc được thiết lập từ năm 1978, thì mỗi gia đình chỉ được phép có một đứa con mà thôi. Vì thế người cha này là một công chức của nhà nước làm việc trong ngành lâm sản, đã giết đứa con gái của mình mới lên ba tuổi để hy vọng sau đó có thể có được một đứa con trai. Việc làm sát nhân này đã bị tòa án Nhà Nước kết án tử hình vào tháng 11 năm 1988, và hôm mùng 10 tháng 3 năm 1989 thì bản án được thi hành.
Đọc qua bản tin vừa kể, tôi không khỏi bồi hồi xúc động và thấy đây là một thảm trạng gia đình có thể xảy ra bất cứ nơi nào khác trên thế giới này. Thử hỏi ai là người có trách nhiệm trong thảm trạng này? Dĩ nhiên người cha đã vô tâm giết chết đứa con gái mới lên ba. Nhưng thử hỏi, còn ai khác có trách nhiệm khiến cho người cha đã nhẫn tâm hành động như vậy không? Những kẻ có trách nhiệm ca tụng xã hội cho phép phá thai, phải chăng họ không đáng tội chết hơn người cha đã giết đứa con gái của mình mới lên ba tuổi hay sao? Tại sao họ lên án những kẻ khác mà quên lên án chính mình? Phải chăng đây là một thái độ sống giả hình. Thái độ sống giả hình của thời đại mới chúng ta hôm nay không khác gì với thái độ giả hình của những người biệt phái vào thời Chúa Giêsu.
Phúc Âm hôm nay kể lại cho chúng ta: những người biệt phái có quyền thế trong dân Do Thái, họ là những kẻ nắm giữ luật lệ hay đặt thêm những luật lệ cho dân Do Thái, đã gắt gao lên án một người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình và muốn Chúa Giêsu cũng lên án theo. Điểm trớ trêu là chính những người biệt phái này cũng là những kẻ tội lỗi, nhưng họ không kết án chính mình trước mà đi kết án kẻ khác.
Thái độ của Chúa Giêsu mở ra một viễn tượng mới đó là sự tha thứ. Thiên Chúa tha thứ cho con người tội lỗi nhưng đồng thời cũng muốn cho con người tội lỗi đừng lạm dụng lòng nhân từ của Ngài, nhưng hãy dốc quyết từ bỏ tội lỗi, canh tân đời sống: “Ta không kết án con”. Đó là lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình. “Nhưng từ nay đừng phạm tội nữa”. Mỗi người Kitô chúng ta, đồ đệ của Chúa Giêsu đều ý thức về thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, dốc quyết canh tân đời sống và noi gương Chúa mà tha thứ cho những lầm lỗi của anh chị em, như chính Chúa đã nêu gương. Chúng ta hãy xét lại thái độ sống của mình đối với anh chị em xung quanh, đừng kết án anh chị em nhưng hãy tha thứ, hãy nâng đỡ anh chị em trở về với Chúa. Hơn nữa mỗi người Kitô chúng ta cần được mời gọi cầu nguyện, cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn ăn năn trở lại.
Các vị thánh trong mọi thời đại đã thực hiện điều này. Cầu nguyện cho chính mình và cầu nguyện cho anh chị em xung quanh được ơn ăn năn trở lại, đừng làm phiền lòng Chúa, đừng phạm tội nữa. Cầu nguyện với những hy sinh, cầu nguyện với những đánh tội, hãm mình.
Và trong bài đọc thứ hai hôm nay mà chúng ta vừa nghe qua, trích thơ của thánh Phaolô cũng đề ra cho chúng ta một bí quyết, có thể nói được là bổ túc cho những gì chúng ta mới vừa nói, đó là sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, và kể từ nay ngài không nhìn về quá khứ tội lỗi của ngài cũng như của những kẻ khác nhưng hãy nhìn tới tương lai. “Chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được Ngài. Nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳng đằng sau, quên đi quá khứ tội lỗi của mình mà hướng về phía trước hướng về tương lai. Tôi cứ nhắm đích đuổi theo để được đoạt giải ơn kêu gọi của Thiên Chúa đã ban cho từ trời cao trong Đức Giâsu”. Đó cũng là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta, quên đi quá khứ tội lỗi của mình, quên đi quá khứ tội lỗi của anh chị em xung quanh. Để rồi cố gắng tiến lên mãi đạt đến lý tưởng mà Chúa đề ra cho mỗi người chúng ta và sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô. “Vì Chúa tôi đành chịu thua thiệt mà coi mọi sự như phân bón để được lợi Đức Kitô và được ở trong Người”.
Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng ta được luôn luôn sống kết hiệp với Chúa, và từ nay không nhìn về quá khứ của mình nữa nhưng nhìn đến tương lai, để có những dốc quyết mới canh tân đời sống của mình, từ bỏ những tội lỗi, để giữ vững niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận.
30. Hãy về và đừng phạm tội nữa – R. Veritas
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
“Tin Mừng sự sống”. Đó là tựa đề một thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được ký ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1995.
Như chính Đức Thánh Cha đã giải thích, đây là một bài suy niệm của ngài về sự sống. Đứng trước nền văn hóa chết chóc đang lan tràn trên thế giới ngày nay, bên cạnh những tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật và ý thức mỗi ngày một gia tăng về nhân quyền, về bình đẳng, về liên đới huynh đệ… Nhân loại ngày nay lại đang đứng trước một đe dọa khủng khiếp nhất, đó là đe dọa của sự tự hủy. Mối đe dọa ấy có lẽ không đến từ chiến tranh, từ khoa học, vũ khí hạt nhân mà chính là từ sự đánh mất ý thức, về sự thánh thiêng của sự sống con người.
Một cách cụ thể chúng ta hãy nghĩ đến nạn phá thai và làm cho chết một cách êm dịu đang lan tràn trong thế giới ngày nay. Hai hành động giết người này đã được luật pháp của không biết bao nhiêu quốc gia nhìn nhận và hợp thức hóa. Cái mâu thuẫn lớn nhất của nhân loại ngày nay chính là, trong khi mạng sống của thú vật càng ngày càng được đề cao thì sự sống của những thai nhi và những người vô phương tự vệ lại càng ngày càng bị khinh rẻ. Điều khủng khiếp nhất chính là những hành động tội ác ấy lại được hợp thức hóa. Hành động xúc phạm đến mạng sống con người được đưa vào pháp luật. Từ nay nhân danh luật pháp do chính mình làm ra, con người tự cho mình có quyền sinh sát trên người khác. Con người dựa vào luật pháp do chính mình làm ra để chối bỏ lẫn nhau, đó là thảm trạng của nhân loại ngày nay.
“Tin Mừng sự sống”. Chọn lấy đề tài này cho thông điệp của ngài, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hẳn muốn ban cho con người thời đại Tin Mừng của chính Chúa Giêsu. Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang lại cho nhân loại là Tin Mừng của sự sống, Tin Mừng ấy được cụ thể hóa qua sự tiếp cận thiết thân của Thiên Chúa làm người, với các trẻ thơ, với những người tàn tật bệnh hoạn, với những cô gái điếm, với những người thu thuế tội lỗi, với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Tin Mừng mà Giáo Hội muốn cho chúng ta lắng nghe hôm nay là một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng sự sống ấy.
Đối với thái độ đầy sát khí của đám đông nhất là của các luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu đáp lại bằng thái độ của thinh lặng, cảm thông và tha thứ. Đám đông các luật sĩ và biệt phái nhân danh luật pháp để xử lý người đàn bà bị bắt quả tang phạm tôi ngoại tình, còn Chúa Giêsu lại kêu gọi tình thương. Đám đông các luật sĩ và biệt phái đặt mình vào ghế thẩm phán để xét xử người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu lại đặt chính họ vào hàng bị cáo. Đám đông các luật sĩ và biệt phái xây dựng quan hệ giữa người với người trên luật pháp, còn Chúa Giêsu thì nói với họ rằng, tương quan với tha nhân sẽ được xây dựng trên sự cảm thông, lòng tha thứ, tình yêu thương. Và để có thể xây dựng được mối quan hệ yêu thương ấy, thì trước tiên con người phải cảm nhận được chính tình yêu của Thiên Chúa.
Những giây phút thinh lặng khi Chúa Giêsu cúi mình viết trên cát là lúc để cho mỗi người trong cái đám đông hung hãn ấy nhìn sâu vào tận đáy thẳm tâm hồn của mình. Ở đó con người sẽ nhận ra thân phận tội lỗi xấu xa của mình và đồng thời cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa.
Đám đông đã từ từ kéo nhau về sau khi đã nhìn sâu vào trong tâm hồn tội lỗi yếu hèn của mình. Họ ra về chắc chắn với một ý thức mới, không phải ý thức về sức mạnh của luật pháp do con người làm ra, mà về chính thân phận tội lỗi của mình. Ít nhất đó cũng là bước đầu của sự sám hối. Riêng người đàn bà cũng ra về, nhưng ra về với lời vỗ về yêu thương, tha thứ và cổ vũ của Chúa Giêsu: “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Đó cũng là lời vỗ về mà Chúa Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta. Đó là Tin Mừng của sự sống.
Người đàn bà đang đứng bên bờ vực thẳm của chết chóc và thất vọng, đã được Chúa Giêsu kéo lên và ban cho một sức sống mới, một niềm hy vọng mới. “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Lời Tin Mừng sự sống này cần phải được chúng ta cảm nhận như một lời sai đi, cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa. Chúng ta được sai đi để loan báo, làm chứng và chia sẻ tình yêu ấy với mọi người. Chúa đã ban cho chúng ta một cơ may để bắt đầu lại, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ không ngừng và mang lại một cơ may mới cho người khác. Có sống như thế, chúng ta mới thật sự góp phần vào việc kiến tạo nền văn minh của tình thương, một nền văn minh không phải chỉ dựa vào khoa học kỹ thuật hay luật pháp của con người, mà được xây dựng trên tình yêu và lòng tha thứ.
31. Bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hãy dứt khoát giở qua trang lịch sử đời mình, quên đi những ngày đã qua của tội lỗi, của âu sầu, của đau khổ, của bất hạnh. Bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng, trong tình yêu của Chúa, thể hiện qua đời sống vui tươi và an bình.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia loan báo cho dân Chúa thời lưu đày ở Babylon sắp chấm dứt. Ngài nhắc lại cho họ thấy trong quá khứ, Chúa đã thương họ, đã cứu họ ra khỏi Ai Cập bằng cuộc vượt qua Biển Đỏ lạ lùng. Dầu hành động uy hùng đó đã xảy ra, nhưng Chúa phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng và đừng để ý tới việc thời xa xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện”. Những cái mới đó là mở đường trong hoang địa, đồng hoang khô cằn trở thành vùng đất phì nhiêu mầu mỡ, có đường đi lại tấp nập, có sông thấm nhuần tươi mát. Và với tư cách là tiên tri, Isaia cũng loan báo tất cả những sự cứu thoát kia vẫn chưa lạ lùng bằng sự cứu thoát khỏi làm nô lệ tội lỗi, trở thành con cái Chúa.
Vậy hãy quên đi quá khứ vì Chúa đang làm những việc mới lạ phi thường, không biến cố, không sự kiện nào so sánh được. Từ cõi lòng tội lỗi chai đá, khô khan của con người, ơn Chúa như dòng sông tươi mát tình yêu, Chúa mở lối đi vào để xâm nhập, để hoán cải. Còn gì lạ lùng bằng và bỡ ngỡ bằng những việc kỳ diệu đó của Thiên Chúa, đến nỗi con người chỉ còn biết thốt lên với thánh vịnh 125 dùng làm đáp ca: “Chúa đã đối xử đại lượng với tôi, nên tôi mừng rỡ hân hoan”.
Nơi bài đọc thứ hai, thánh Phaolô tâm sự cùng các tín hữu thành Philipphê rằng: Từ khi biết được Chúa Giêsu Kitô người coi mọi sự ở đời này không còn giá trị đích thực gì cả, nhưng giá trị đích thực của đời sống chính là làm sao được ở trong Chúa Kitô và sinh lợi ích cho đời sống ân sủng. Thánh Phaolô còn dạy chân lý đó một cách thật rõ ràng và cụ thể. Đó là dầu những ngày còn sống trên trần gian chúng ta đã sống trong Chúa, nhưng không phải là đã đạt đến mục đích đuổi theo để chiếm lấy, và ngài so sánh công việc tiến đến cùng Thiên Chúa đó như một cuộc chạy đua nước rút. Đừng bao giờ nhìn lại phía sau, hãy quên đi từng khoảng đường bước chân mình đang bỏ lại, chỉ biết hướng về phía trước mắt, đăm đăm nhìn về mục đích, vận dụng cả sức lực từng bắp thịt, từng hơi thở để băng mình tiến tới, để đạt được mục đích Chúa hứa ban từ trời cao. Dưới nét họa của Phaolô, chúng ta thấy mỗi tín hữu là một lực sĩ đang tham dự cuộc chạy đua, nhưng khác ở điểm là phần thưởng không phải chỉ dành riêng cho người đến trước mà cho tất cả những người trung thành bền chí chạy theo đến cùng. Đến trước đến sau không thành vấn đề, miễn đừng bỏ, cũng đừng thất vọng ngã lòng là được, là chắc chắn rồi sẽ đến nơi. Tóm lại thánh Phaolô dặn: Có được đức tin là chúng ta dang chạy đúng đường. Muốn đến nơi đừng bận tâm đến dĩ vảng, hãy hướng mắt về tương lai nhắm đến mục đích và kiên tâm tiến bước.
Trong bài Phúc Âm, ý tưởng từ bỏ quên đi dĩ vãng đau buồn, tội lỗi bắt đầu lại cuộc sống mới được chỉ dạy thật một cách rõ ràng với câu Chúa Giêsu nói với người đàn bà phạm tội ngoại tình bị dân chúng định ném đá. “Ta không kết tội chị, vậy hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Thật là một sự sống lại trong đời sống thứ hai của người đàn bà tội lỗi đó. Không phải sống lại vì những người muốn ném đá bà còn có lương tri là nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi không dám cầm viên đá để ném vào đầu bà, nhưng sống lại vì sự tha thứ của Đấng Cứu Thế và lời dặn: “Từ nay đừng phạm tội nữa”. Chắc chắn người đàn bà đó sẽ không phạm tội nữa, sẽ ăn năn sám hối không phải vì được tha chết, nhưng vì được chính Đấng Cứu Thế tha tội “Ta tha tội cho chị, vậy chị hãy về bình an và từ nay nhớ đừng phạm tội nữa”. Dĩ vảng đau buồn tối tăm tội lỗi kia ra sao? Đừng nhìn lại nữa, đừng bận tâm nữa, đừng lo âu nữa. Từ nay hãy sống đời sống mới trong ân sủng, trong tình yêu, trong an bình, trong hạnh phúc, trong niềm vui Nước Trời. Tất cả những ân lành đó chỉ những ai dứt khoát được với dĩ vảng tội lỗi, trở về sống với Chúa mới cảm nghiệm được. Hạnh phúc thiên đàng không phải chỉ được hưởng ở đời sau nhưng ngay cả ở đời này khi con người biết sống và nếm thử. “Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng thế gian, xin cho con bước theo Chúa để được hưởng ánh sáng ban sự sống”.
Để có việc làm cụ thể trong tuần, tôi sẽ chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Phục sinh bằng cách tưởng tượng rằng: đời tôi là một trang giấy, những ngày qua tôi đã tự tay viết đủ thứ vào đó. Hôm nay nhìn lại thấy đủ thứ lem luốc bẩn thỉu, tôi hãy giở qua trang và một trang giấy mới trắng tinh sạch sẽ đang trải ra trước mắt tôi. Tôi hãy ngước nhìn lên Chúa, xin Người cầm tay tôi, soi sáng cho tôi, chỉ dẫn cho tôi để viết lên đó những dòng vàng son tươi đẹp làm vui lòng Chúa, làm hài lòng những người cùng chung sống với tôi.
32. Nhìn vào nội tâm để nhận biết tội mình
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)
Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi nhìn vào nội giới, nhìn vào nội tâm mình. Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Khuôn mặt duy nhất trên đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy trực diện, đó là khuôn mặt của chính chúng ta. Thế nên một nốt ruồi nhỏ trên mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác thì mình thấy rõ ràng, còn lỗi lầm to lớn nặng nề của mình thì lại không hay. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán người khác mà chẳng bao giờ biết phê phán bản thân.
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ phạm tội ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của mình. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn nhân cơ hội để dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách phạt mình trước rồi lo trách phạt người khác sau. Cổ nhân cũng thường dạy ta như vậy: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân.”
Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu, họ hối thúc Chúa Giêsu ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Thế nhưng Chúa Giêsu không vội phán xét ai. Trước hết, Ngài muốn cho những người tưởng mình vô tội hãy xét lại chính mình.
Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giêsu lặng thinh không nói một lời.
Ngài thinh lặng và tạo nên bầu khí vắng lặng để cho mọi người tự vấn lương tâm. Ngài muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết, viết trên đất.
Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giêsu lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”.
Rồi Ngài ngồi xuống trong thinh lặng. Ngài cứ viết, viết trên đất để tạo bầu khí thinh lặng cho mọi người hồi tâm.
Nhìn lại nội tâm mình trong thinh lặng, những con người hăm hở kết tội người khác giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi mình, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là các viên đá trên tay lần lượt rơi xuống, họ xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm kết án người khác cũng tội lỗi như mình!
Nhìn lại mình để thấy được tội lỗi của mình là điều hết sức quan trọng để cải thiện bản thân.
Nếu tôi biết được là mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.
Nếu tôi thấy được mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc không chần chừ. Còn nếu không thì chẳng có gì thay đổi.
Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.
Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình.
Nhìn lại mình, nhìn vào mình để thấy được những tội lỗi của mình là khởi điểm, là bước đầu cho việc cải thiện đời sống. Không có bước nầy, chẳng thể có bước thứ hai, chẳng có gì được cải thiện.
Lạy Chúa Giêsu, nhìn lại mình để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó mà cũng là việc không mấy ai muốn làm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con.
Xin cho Lời Chúa trở nên gương soi cho chúng con, giúp chúng con nhận ra những vết nhơ trong tâm hồn chúng con, những nết xấu trong cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xưa kia, Chúa Giêsu đã giúp đám người Do Thái nhận ra tội lỗi của họ thì nay xin Ngài cũng giúp chúng con nhận ra lầm lỗi của mình để sửa đổi ăn năn.
33. Ném đá – Lm. Anphong Trần Đức Phương
Bài Đọc I (Isaia 43:16-21) đem lại niềm hy vọng trong Mùa Chay: “Hãy quên đi những việc đã qua và đừng quan tâm đến các việc xa xưa nữa…Thiên Chúa hứa sẽ đổi mới mọi sự, khai mở đường đi và cho dân Chúa có nước uống…”
Trong Bài Đọc II (Philiphê 3:8-14) Thánh Phaolô cũng nói Ngài quên hẳn những gì ở đàng sau và chỉ hướng về phía trước “để chạy đến đích cuối cùng là phần thưởng Nước Trời, trong sự hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu và sự Phục Sinh của Người.”
Bài Phúc Âm (Gioan 8:1-11) ghi lại một câu chuyện rất cảm động về người phụ nữ bị kết án là phạm tội ngoại tình đáng phải ném đá cho đến chết theo luật Môise (Thứ Luật 22:23-24); nhưng chẳng ai dám ném đá chị, vì Chúa bảo “ai hoàn toàn sạch tội hãy ném đá chị đó đi!” Mọi người đều sợ hãi bỏ đi, vì nhận thấy chính mình cũng đầy tội lỗi. Đứng lại ném đá, sợ Chúa Giêsu là “Đấng thấu suốt mọi sự, đã có thể làm cho người chết sống lại, người bệnh được chữa khỏi,” sẽ vạch tội họ ra chăng. Chưa kể còn có những người có đời sống xấu xa mà ai cũng biết! Chúa Giêsu đã tha thứ cho người phạm tội ngoại tình và bảo: “Cha cũng không kết án con. Con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Trong Chúa Nhật trước, chúng ta đã có dịp đọc và suy niệm về Dụ Ngôn rất cảm động “Người Cha Nhân Hậu” (Luca 15:1-3,11-32). Chúa Giêsu kể dụ ngôn đó để trả lời những nguời Biệt Phái và Luật Sĩ cứ tự cho mình là người công chính, giữ luật đầy đủ và phàn nàn là Chúa Giêsu cứ “đón tiếp những người tội lỗi và còn ngồi ăn uống với họ…” Qua Dụ Ngôn “Người Cha Nhân Hậu” và thái độ tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và mời gọi những người trót “sa ngã phạm tội vì yếu đuối” hãy ăn năm sám hối, chừa bỏ đời sống tội lỗi, cải thiện đời mình , để trở nên những con người mà Chúa “đã dựng nên theo hình ảnh Chúa” (Khởi Nguyên 1:27). Vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. (Matthêu 9:13).
Thực sự, Chúa Giêsu không bao che tỗi lỗi. “Tội vẫn là tội,” vẫn đáng bị kết án (Matthêu 5:27-30); người đàn bà ngoại tình hôm nay, thực sự vẫn là một tội nhân. Nhưng Chúa Giêsu đã phải chịu khổ nhục và chết trên Thánh Gía để chuộc tội chúng ta. Ngài luôn muốn cho tội nhân có một cơ hội để “làm lại cuộc đời!” Ngay trước khi chết trên Thánh Gía Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chính những kẻ đã lên án bất công, hành hạ và giết Ngài:“ Xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34).
Tội luôn là điều xấu phải xa tránh. Nhưng trên trần gian này, ai dám tự vỗ ngực mình và tuyên bố “ Tôi hoàn toàn sạch tội” để mà lên án người khác, để mà “ném đá người khác!”
Mùa Chay là “thời gian rất thuận tiện” (2 Côrintô 6:2)) để chúng ta ăn năn sám hối lỗi lầm, chừa bỏ tội lỗi. Chúng ta hãy lo ăn năn sám hối và “đấm ngực mình, đừng lo đấm ngực người khác” để xin Chúa thứ tha tội lỗi và giúp chúng ta chừa bỏ tội lỗi.
Xin cùng cầu nguyện chung cho nhau để trong những ngày trọng đại này, chúng ta biết hy sinh dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, dự các cuộc Tĩnh Tâm Mùa Chay, hy sinh hãm mình thắng vượt những đam mê tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn qua Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và dành dụm tiền bạc giúp người nghèo khó trên thế giới. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện đời sống để được cùng sống lại thật với Chúa trong đời sống trong sạch, hòa hợp yêu thương và nhiệt thành phụng sụ Chúa và mọi người trong cuộc sống hàng ngày.
34. Đừng kết án anh em
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền)
Nếu có lúc nào đó chúng ta sa ngã vì yếu đuối, vì lầm lỡ, chúng ta cần điều gì nơi tha nhân? Cần trừng trị cho thích đáng hay cần khoan dung tha thứ? Cần những lời kết án cay nghiệt hay cần những lời cảm thông nâng đỡ? Có lẽ ai cũng cần được khoan dung để có cơ hội làm lại cuộc đời. Có lẽ ai cũng cần sự cảm thông để tìm lại sự bình an tâm hồn. Thế nhưng, giòng đời thường không đối xử tốt với chúng ta như vậy. Người đời thường dễ kết án hơn tha thứ. Người đời thường tìm cách xa lánh kẻ phạm tội hơn gần gũi để cảm thông. Có biết bao nhiêu lý do để người ta luận tội và kết án lẫn nhau, và chắc chắn cũng có rất nhiều lý do để họ xa tránh kẻ phạm tội để khỏi lụy vào thân.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một quang cảnh rất đời thường. Có một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chị đã phạm phải trọng tội mà theo luật Do Thái phải chịu ném đá tử hình. Các luật sĩ và biệt phái đã dẫn người phụ nữ này đến trước mặt Chúa Giêsu. Mỗi người một hòn đá. Mỗi người một khuôn mặt mang đầy sát khí hôi tanh. Họ sẵn sàng trị tội một người để làm gương cho nhiều người. Tất cả đang sẵn sàng một án tử hình cho người phụ nữ thấp cổ bé miệng, lại cô thân cô thế. Kẻ đã từng tòng phạm với chị cũng đã được tẩu thoát. Vì phúc âm nói rằng: “người ta dẫn tới trước mặt Chúa một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Ngoại tình phải là hai người. Quả tang tức là bắt tại chỗ. Thế mà chỉ có một mình chị bị dẫn ra trước đám đông, còn kẻ đồng phạm với chị đâu? Có thể anh ta là người có thế lực và giầu có nên đã mua chuộc các hương chức trong làng? Có thể anh ta là loại người “vừa ăn cướp vừa la làng” chăng? Và như thế, có thể anh ta cũng cùng đứng chung với nhóm người đang chờ đợi ném đá người phụ nữ tội lỗi này. Chị cúi đầu chẳng dám nhìn ai. Chị biết tội mình đã làm nên chẳng thốt lên lời van xin. Chị đã sẵn sàng cho một cái chết dành cho một người phụ nữ lăng loàn.
Nhưng phúc đức cho chị, những kẻ chủ mưu ném đá chị lại muốn “mượn gió bẻ măng”. Họ muốn dùng một mũi tên mà “bắn chết hai con nhạn”. Họ đòi Chúa Giêsu làm trọng tài để nhân cơ hội này, hãm hại chính Chúa Giêsu. Nếu Chúa bảo tha, là chối bỏ luật của tiền nhân. Nếu Ngài bảo phải chết, lại vi phạm quyền xét xử của Đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái.
Chúa Giêsu đã không kết án, nhưng cũng không dung túng sự xấu mà chị ta đã phạm. Ngài đã im lặng lấy tay viết trên cát. Có nhiều người cho rằng Ngài đã viết lên những tội lỗi của con người đã từng phạm. Ngài đã viết trên cát chứ không ghi khắc vào bia đá hay giấy vở. Cát sẽ bị xoá nhoà. Tội lỗi con người luôn được Chúa khoan dung tha thứ, vì “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được, nhưng Chúa luôn rộng lượng thứ tha”. Có nhiều ngừơi cũng cho rằng: Ngài muốn trì hoãn thời gian, để mỗi người tự vấn lương tâm. Có cần kết liễu một đời người mà thanh danh đã bị bôi nhọ bởi hành vi lăng loàn của mình hay không? Ngài muốn có một khoảng thời gian tĩnh lặng để những cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố được lắng dịu hầu có thể đối xử công bằng với nhau hơn. Cuối cùng, Ngài đã nói với đám đông rằng: “ai trong các ông trong sạch, thì hãy ném đá người này đi”. Sự trong sạch không chỉ là không làm những điều xấu, mà còn đòi hỏi sự trong sạch trong tâm hồn chưa một lần ước muốn phạm tội. Sự trong sạch không chỉ là không phạm tội mà còn là không làm gương mù gương xấu cho người khác. Tất cả đều lặng lẽ bỏ cuộc. Từ người lớn tới người nhỏ, xem ra không ai là người trong sạch đủ để có thể thi hành một lề thói dã man này. Họ đã bỏ đi hết. Một quang cảnh thanh bình đã đến với chị. Chân trời mới đã mở ra với chị. Chúa Giêsu đã mở ra cho chị một con đường sống, bằng một giọng nói dịu dàng nhưng chứa đựng một nguyên tắc sống cho cả cuôc đời của chị: “Ta cũng không kết án chị phải chết đâu! chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”. Một làn gió của yêu thương đã xoá bỏ quá khứ tội lỗi của chị. Làn gió của yêu thương đã mang lại cho chị một niềm hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời của chị.
Kính thưa, quý Ông Bà Anh Chị Em, Có bao giờ chúng ta đã từng nói điều đó với anh em chúng ta chưa? Có bao giờ chúng ta đã đối xử khoan hồng với nhau chưa? Có bao giờ chúng ta đã can đảm xoá bỏ đi những thành kiến xấu về người anh em hay chưa? Nếu chưa, chúng ta hãy tập để đối xử tốt với nhau hơn. Nhiều người vẫn biết rằng “nhân vô thập toàn”, thế nhưng vẫn để “bụng” và cố chấp về những lầm lỗi của anh em. Nhiều người vẫn đầy rẫy khuyết điểm nhưng lại dễ dàng la rầy, kết án anh em. Nhiều người đã quên cái đà trong mắt mình, mà lại chỉ thích tìm kiếm bới móc, bêu xấu, những cái rác của tha nhân.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: “đừng kết án để khỏi bị kết án”. Hãy sống độ lượng với nhau để xây dựng một thế giới thanh bình. Và hãy nhớ rằng: “điều gì anh em không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người ta như vậy”. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam