Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Tổng truy cập: 1379114

CÂY ĐỜI XINH TƯƠI

CÂY ĐỜI XINH TƯƠI-  Thiên Phúc

Triệu Quát là con trai của Triệu Xa – một danh tướng thời Chiến Quốc – thời trai trẻ từng đọc rất nhiều binh thư. Là một người khá thông minh, thích nói về quân sự, người khác không nói lại được, cha anh là Triệu Xa đôi khi cũng không tranh luận nổi với anh. Do đó, anh tỏ ra kiêu ngạo, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ.

Tuy nhiên, Triệu Xa lại rất lo lắng cho con mình, ông cho rằng Triệu Quát chẳng qua chỉ “nói phét”. Ông còn nói: “Sau này nước Triệu không nên dùng nó, kẻo nó sẽ làm cho quân Triệu đại bại”.

Quả thật, khi quân Tần sang xâm lược, vua Triệu quyết định cử Triệu Quát thay thế Liêm Pha. Lạn Tương Như đang bệnh cũng phản đối: “Triệu Quát chẳng qua chỉ là đọc được một số sách binh thư của cha mình, căn bản không biết vận dụng thế nào, không thể cử hắn làm tướng”. Mẹ của Triệu Quát cũng đến gặp vua Triệu nói rằng con mình không thể làm đại tướng.

Nhưng vua Triệu không nghe, vẫn cử Triệu Quát ra tiền tuyến nghênh địch, hậu quả là 40 vạn quân Triệu chỉ trong chốc lát đã bị tiêu diệt hoàn toàn, bản thân Triệu Quát cũng tử trận thê thảm.

***

“Mù mà lại dẫn mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Làm nhà lãnh đạo hay người hướng dẫn phải có đủ tài đức; phải sáng suốt trong tư tưởng, khôn ngoan trong lời nói, và liêm chính trong việc làm, để khỏi dẫn đưa người khác cũng như chính mình vào con đường lầm lạc hay diệt vong. Những kẻ khoác lác, dối trá, giả hình có thể nhất thời lừa bịp được một số người, nhưng sớm muộn cũng sẽ bị bại lộ và sẽ phải chuốc lấy hậu quả khó lường: “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”.

Cha mẹ của Triệu Quát vì sống cùng anh ta, nên thấy hiểu lời nói và việc làm của con mình không thể đảm nhận việc lớn. Nhưng vua Triệu không quan tâm đến câu: “Lời nói phải đi đôi với việc làm”, cứ cho rằng Triệu Quát là bậc kỳ tài trong thiên hạ và trao cho việc lớn. Kết quả không chỉ Triệu Quát bị hại mà còn liên quan đến tính mạng của 40 vạn quân. Mù mà dẫn mù thì việc sa xuống hố chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

“Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Lc 6, 41). Người ta thường rất hà tiện trong lời khen ngợi, nhưng lại quảng đại trong tiếng chê bai. Có thể nói một trong những tội con người dễ phạm nhất: đó là hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ sai cho người khác.

Để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy “cái rác” trong đó, hay “bới lông tìm vết” để xét đoán, chỉ trích họ, nhưng hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy “cái đà” của kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc cho nên trong sáng. Vì người xưa có câu “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi tín hữu Kitô, nhất là những việc lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Triết gia Chilon cũng cho chúng ta một luật sống bất hủ: “Hãy tự biết mình”. Thánh Âu-tinh thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để đừng bao giờ khắt khe lên án anh em.

Biết mình hay che đậy giả hình để cảm thông dung thứ cho kẻ khác.

Biết mình thích phô trương háo thắng để đừng phê phán nhạo báng một ai.

Một tác giả kia đã nhận định: Những kẻ may mắn thường là những người có tâm hồn lạc quan vui vẻ, họ có thói quen nhìn vào mặt tích cực của sự việc và vào điều tốt của kẻ khác. Trái lại, những kẻ bất hạnh thường có thái độ tiêu cực, thù hằn, họ thích nhìn vào điều tồi tệ nơi kẻ khác, họ rất ham chỉ trích, và ưa “vạch lá tìm sâu”.

Đúng như lời Đức Giêsu đã nói trong đoạn Tin mừng hôm nay: “Cây tốt thì sinh trái tốt, cay xấu thì sinh trái xấu” (Lc 6,43). Lời nói việc làm của người tín hữu Kitô chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt tươi, nếu siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đời sống của chúng ta chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” nếu chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa vì Lời Chúa là lời yêu thương và Mình Chúa là Bí tích tình yêu. Những ai sống trong vị kỷ, xét đoán, chỉ trích và thù hằn, kẻ ấy sẽ chết trong bóng tối gian ác của chính mình.

***

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con khô héo trong thái độ chỉ trích, trong lối nhìn tiêu cực, trong cách nghĩ đen tối, nhưng xin cho cây đời chúng con được xanh tươi, để sinh hoa kết trái của an bình, hạnh phúc và yêu thương. Amen.

 

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

CÁI RÁC VÀ CÁI XÀ- Lm. Đamien OFM

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người mù và cái rác cái xà để dạy các môn đệ phải nhìn lại chính mình trước khi nhìn kẻ khác; và dụ ngôn xem trái thì biết cây, để dạy các môn đệ cách phân biệt kẻ lành với người bất lương.

Mù lại dắt mù.

Phải chăng khi dùng dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu muốn nhắm đến những Biệt phái và kinh sư Do thái? Họ mù đối với Thiên Chúa vì không nhận ra Ngài là con Thiên Chúa. Họ mù đối với con người vì chỉ đánh giá con người trên luật lệ bề ngoài nhưng lại thiếu lòng nhân ái. Họ mù đối với chính cuộc sống của họ vì họ chỉ chú trọng đến cái bên ngoài mà bỏ quên tâm hồn mình: “Các ngươi như mồ mả,bên ngoài thì sơn phết tốt đẹp, nhưng bên trong thì thối tha.”

Ở trong tình trạng mù đó, làm sao họ lại có thể dẫn dắt kẻ khác được: “Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ sa xuống hố”.

Cái rác và cái xà.

Trong dụ ngôn nầy cũng thế, Chúa Giê-su nhắm đến những kinh sư và Biệt phái, những kẻ tự cho mình là công chính vì đã giữ đúng luật lệ bề ngoài . Trước người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chuá Giêsu đã lột mặt nạ họ bằng một câu ngắn gọn: “Ai thấy mình không có tội thì ném đá chị ấy trước đi !” Khi nhìn rõ chính mình, họ liền rút lui có trật tự .

Chúa Giêsu luôn là mục tiêu để Biệt phái và kinh sư rình mò và giăng bẩy để bắt bẻ và lên án: Chúa có vi phạm luật sabbat không, có nói lời phạm thượng không… Và trước các phép lạ hiển nhiên không chối cãi được, họ tìm cách cắt nghĩa sai với ác ý và cố chấp: ông ấy lấy quyền qủi cả mà trừ quỉ. Thái độ hay bắt bẻ , dò xét và sẵn sàng lên án của Biệt phái và Kinh sư hoàn toàn đi ngược với thái độ khoan dung của Chúa Giêsu . Và cuối cùng họ như đã thắng vì họ đã lên án tử được cho Chúa.

Tục ngữ Ba tư có câu: ” Mỗi người chúng ta đều mang trên mình hai cái giỏ rác, dỏ rác của mình thì mang sau lưng còn dỏ rác kẻ khác thì mang trước ngực, nên chỉ ngửi thấy mùi hôi thối của kẻ khác mà không bao giờ ngửi thấy mùi hôi thối của chính mình.

Khi suy gẫm những dụ ngôn trên đây, tôi thấy lời Chúa như một luồng ánh sáng chiếu dọi vào cuộc sống của tôi, cũng như vào xã hội mà tôi đang sống. Và tôi không được an tâm lắm . Bởi lẽ nhiều khi vô tình hay hữu ý, tôi cũng sống thiếu lòng nhân ái, cũng có những thái độ hay lời lẽ chỉ trích phê bình hoặc lên án kẻ khác một cách dễ dàng. Những xích mích giữa người với người, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xóm giềng hầu hết là do thái độ tiêu cực trên đây mà ra. Và có lẽ tôi phải luôn lặp lại cho chính mình lời dạy của Chúa: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Xem trái thì biết cây.

Với dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách phân biệt người tốt và người xấu: “Lòng có đầy ứ thì miệng mới nói ra”. Trái đây là lời nói, căn cứ vào lời nói mà phân biệt kẻ tốt người xấu . Chúa Giêsu cũng đang nhắm đến những người Biệt phái và Kinh sư Do thái là những người luôn rình chực bắt bẻ, lên án Chúa cũng như kẻ khác. Vì tâm địa họ xấu.

Trong xã hội hôm nay, tật xấu mà Chuá Giêsu đề câp đến trên đây chưa phải là hết mà hình như còn gia tăng nữa là đàng khác. Một sự thật hiển nhiên là hễ khi đề cập đến kẻ khác thì không mấy khi nghe nói tốt mà phần nhiều chỉ nghe nói xấu: “Lòng có đầy ứ thì miệng mới nói ra.”

Khi suy gẫm lời Chuá trên đây, một lần nữa, tôi cũng không được an tâm cho lắm. Nhiều khi vô tình, tôi cũng không tránh được những lời nói hay thái độ thiếu lòng nhân ái khoan dung đối với kẻ khác. Tôi không có quyền chê trách ai cả, vì chính tôi cũng đang phạm phải cái sai lầm của Biệt phái và Kinh sư xưa.

Lời Chúa luôn là ánh sáng, đang cật vấn tôi và thúc dục tôi phải cố gắng bắt chước Đức Kitô, sống khoan dung như Cha trên Trời.

Tiêu diệt kẻ thù.

Một hoàng đế Trung Hoa nói: ” Một khi chinh phục được quốc gia ấy rồi, ta sẽ tiêu diệt hết tất cả địch thù của ta.”

Ông đã chinh phục được như lời ông nói. Cả đình thần ai cũng hồi hộp chờ đợi lệnh thảm sát của ông. Họ xì xầm: máu sẽ chảy thành sông! Nhưng họ rất bỡ ngỡ khi thấy tất cả bọn địch thù cùng ngồi ăn với nhà vua, nói nói cười cười rất vui vẻ; họ bèn tâu:

– Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng đã nói sẽ tiêu diệt tất cả các địch thù kia mà! Sao lại thế nầy ? Vị hoàng đế trả lời:

– Thì ta đã tiêu diệt hết cả bọn rồi còn gì, các khanh không thấy sao? Đây toàn là bạn của ta, đâu có địch thù nữa đâu. Ta đã tiêu diệt họ bằng cách biến thù thành bạn.

Đó là cách Thiên Chuá đã tiêu diệt kẻ thù của Người, và vũ khí là lòng nhân hậu.

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- NĂM C

MIỆNG NÓI NHỮNG ĐIỀU ĐẦY Ứ TRONG LÒNG – Lm. Giuse Vũ Mộng Thơ

Bài đọc thứ nhất trích trong sách Đức Huấn Ca hôm nay đáng cho chúng ta đọc lại một lần nữa: “Khi người ta sàng, thì những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành còn gian nan thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người…”

Có nghĩa là người đời sẽ đánh giá chúng ta qua lời nói và người ta cũng có thể đoán biết tính tình, địa vị xã hội cũng như tâm trạng của một người qua cách ăn nói của họ dù người ấy có cân nhắc, che đậy, đóng kịch trong lời nói đến đâu đi nữa thì cũng có một lúc nào đó sơ hở, vì thường thì: Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng… đó cũng là tư tưởng của Phúc âm hôm nay.

Kinh nghiệm dân gian Việt Nam bảo ta là Ở đời người ta chỉ có hơn nhau ba tấc lưỡi…nghĩa là người ta cũng có thể nhờ lời ăn tiếng nói khôn ngoan, lịch thiệp và khéo léo để thành công trong cuộc đời, trong xã hội và tạo nên giá trị cá nhân cho chính mình. Ngược lại nếu không thận trọng trong lời nói, thí dụ những lời chỉ trích thiếu tế nhị, châm biếm, những lời lẽ độc địa, vu oan… có thể làm tổn thương hay giết chết cả đời của một người.

Vui vẻ, khôi hài. Tốt. Nhưng không nên quá trớn có thể làm tổn thương người khác. Tục ngữ ca dao Việt Nam nhắc chúng ta là: Trước khi nói phải đánh lưỡi bảy lần.

Sống Tin Mừng cũng là sống bác ái tại sao chúng ta không áp dụng câu tục ngữ Việt Nam này: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Chúng ta còn đọc thấy trong bài Phúc âm hôm nay: Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? tôi ngẫm nghĩ sao Chúa rành tục ngữ Việt Nam quá (Mù dẫn mù đâm cù xuống hố). Thật thế, chúng ta hay thích dạy khôn người khác, chúng ta dễ thấy khuyết điểm của anh em hơn là chính khuyết điểm của chính mình. Chúng ta cũng có thể đóng kịch, chúng ta cũng có thể giả hình… hôm nay Chúa bảo: Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình đã, rồi bấy giờ con sẽ trông thấy rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em con… Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu…

Điều này làm chúng ta nghĩ tới những chế độ độc tài quân phiệt và XHCN: miệng luôn rêu rao vì quyền lợi của nhân dân, của giới lao động, của người nghèo… nhưng lại là những chế độ bóc lột và vi phạm nhân quyền hơn ai hết. Tất cả tài sản của quốc gia một phần lớn nằm trọn trong những túi tham không đáy của giới cầm quyền và khi nào sự chia chác không đồng đều gây ra sự tranh chấp bên ngoài thì lúc đó nhân dân mới vỡ lở nhưng đã muộn.

Cứ xem quả thì biết cây… Hỡi những người giả hình ơi, chúng tôi biết tỏng những mánh lới giả dối của các anh rồi không những dư luận thế giới mà cả những người dân thấp cổ bé họng không được quyền có ý kiến ở trong nước đều biết rõ… vì ngày nay người ta không thể bưng ít lâu hơn được nữa như Chúa Giêsu nói: cái rìu đã kề bên gốc… cây nào không sinh trái sẽ bị chặt bỏ và quăng vào lửa… Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện, và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: Vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.”

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, bước vào năm Tân Tỵ… (con rắn trong Kinh Thánh biểu hiện sự khôn ngoan, tinh khôn…) xin được kính chúc mỗi gia đình cũng như Dân tộc và Giáo hội Việt Nam cả năm mới này sẽ là một năm khôn ngoan, can đảm và đầy ơn Chúa Thánh Linh để tiến tới thành công và hoà bình thực sự trên quê hương gấm vóc Việt Nam chúng ta.   

home Mục lục Lưu trữ