Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 58
Tổng truy cập: 1377058
CHẲNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI
Chẳng còn gì để nói! – Nguyễn Thế Bài
Cụm từ nầy có hai ý nghĩa rất rõ ràng: những gì cần nói, cần làm thì đã nói và đã làm rồi, nay chỉ còn chờ phán quyết, chứ không còn thay đổi gì được nữa, dù là một chấm một phẩy; thứ đến, sự lì lợm đến lúc nầy vẫn chẳng thay đổi, chứng tỏ sự trơ tráo tột cùng, trong ngôn ngữ bình dân ngày nay gọi là “hết thuốc”, còn trong Anh ngữ thì người ta vắn gọn hơn: “no comment!”. Cả hai ý nghĩa của câu nói nầy thể hiện chính xác và rõ ràng trong bài Tin Mừng phụng vụ ngày hôm nay: Ngày Phán Xét Chung.
Theo định nghĩa của từ điển, “trơ tráo” là trơ lì, ngang ngược, không hề biết hổ thẹn. Ví dụ: đã phạm lỗi mà còn trơ tráo cãi lại. Những người bê trọn nhiều trang sách của người khác vào tác phẩm của mình, những người lấy nguyên cả nhạc và thậm chí cả nhạc và lời của người khác, ghi tên mình là tác giả, và cho ra CD, DVD với tên tuổi của mình. Tất nhiên cũng bỏ túi toàn bộ tìên thu được. Khi bị phát hiện, lại một mực cho mình là tác giả. “Trơ tráo” đến gây buồn nôn, ấy là trường hợp tay khủng bố đặt bom giết hàng mấy trăm nhân mạng ở Bali: khi bị bắt, khi ra toà, khi nhận án tử, y đều giữ nụ cười bệnh hoạn, khoái trá và tỏ thái độ không hề hối tiếc. “Trơ tráo” còn phải kể đến một ví dụ mới đây của vị quan chức nhà nước trong vụ sữa có mélamine: hôm trước tuyên bố không hề nhập sữa nước ngoài, hôm sau khi bị đưa ra bằng chứng đã cho nhập số lượng rất lớn, thì mặt mày tỉnh rụi nói là …quên. ”Trơ tráo” cũng để chỉ những quyết định, những hành vi ngang nhiên và trắng trợn của những người không còn sỉ diện, “chịu đấm ăn xôi”, coi luật pháp như trò đùa, muốn cho người vô tội trở thành phạm nhân không khó và làm cho những tội phạm tham ô sa đoạ và bị kết án (dù án phạt vốn đã rất “tượng trưng) trở thành vô tội (xem báo Dân Trí 28.03.2008) dễ “như trở bàn tay. “Trơ tráo” còn là “ném đá dấu tay”, xúi giục và lợi dụng những bọn côn đồ, say sưa, nghiện ngập để phá rối, bôi nhọ danh dự hoặc gây thiệt hại cho người khác, tập thể hoặc cá nhân. Nó nguy hiểm và bào mòn niềm tin của những người dân lương thiện, vì các hành vi trơ tráo như thế được dàn cảnh, chỉ đạo và bao che từ cấp cao nhất xuống đến cấp thấp nhất. Thái độ trơ tráo ấy, hôm nay chúng ta gặp lại nơi những người bị xếp vào “đám dê ở bên trái”. Thái độ câng câng và câu đáp trả trơ tráo chỉ có thể tóm gọn trong câu: chẳng còn gì để nói! May thay có một tiêu chuẩn để nhận diện và đáng giá những hạng người nầy: tất cả những kẻ trơ tráo đều là ngừơi xấu và bất lương!
Cảnh tượng Ngày Phán Xét thật đáng kinh ngạc: thứ nhất vì một sự kiện vô cùng trọng đại, liên quan đến sự sống cũng như cái chết muôn đời, phúc vinh hoặc khổ hình muôn kiếp, lại chỉ diễn ra chóng vánh; thứ đến, cuộc sống con người ở thế trần, dù ngắn ngủi đấn đâu, cũng đầy dẫy những lỗi lầm, sa phạm. Kẻ độc ác, tà dâm, vô thần còn bao nhiêu tội, mà chỉ cần nêu ra một trong các tội ấy, cũng đủ để họ “tâm phục khẩu phục” nhận những hình phạt trầm luân muôn đời. Vậy mà “Đấng Xét Xử rất nghiêm nhặt” (x. Dies irae, dies illa, thánh lễ an táng) dường như chẳng đoái hoài, mà chỉ đưa ra một tội duy nhất: đối xử ích kỷ và thiếu tình người với tha nhân! Lý do để những thứ lơ là, sai sót, khinh mạn trong hành xử với những người nghèo đói, cô thân có thế, bị bỏ rơi coi thường “biến” thành tội chịu án phạt ngàn thu, lại hoàn toàn trái với mọi dự đoán, mọi “lô-gic”, khiến cho cả người lành lẫn kẻ dữ đều không kịp trở tay. Không có bộ luật tố tụng nào trên trần gian - kể cả Bộ Giáo Luật nghiêm khắc tỉ mỉ - minh nhiên kết án những “tội” nầy. Những quốc gia giàu có lợi dụng các nước nghèo để tuồn bán vũ khí, kích động chiến tranh đẫm máu và vô nhân đạo khắp nơi, những kẻ ích kỷ, theo chủ nghĩa hưởng thụ và ăn chơi xa xỉ trác táng mà không đếm xỉa hoàn cảnh nghèo đói bệnh tật khốn cùng và bất công của anh em đồng loại còn không bị định tội, thì những thiếu sót “nhỏ như con thỏ” được nêu ra để luận phạt với bản án chung thân trong Ngày Phán Xét Chung liệu có quá bất công chăng? Giả sử luật pháp thế tục của các quốc gia – hay là một điều khoản nào trong Bộ Giáo Luật - có khung hình phạt, dù là án treo rất nhẹ, đối với “tội” xa xỉ của các diễn viên, của các siêu sao bóng đá, của các tay tài phiệt, của những quan chức tham nhũng, v…v…, thì hẳn cuộc diện hôm nay - Ngày Phán Xét Chung – đã khác hẳn, không trớ trêu và dở khóc dở cười cho cả người lành lẫn kẻ dữ. Hôm nay, trong ngày Phán Xét Chung, Chúa Thẩm Phán thực hiện điều Ngừơi đã nói: “một chấm một phẩy cũng không bỏ qua” (Mt 5,18); hơn thế nữa, lại sùng “cái chấm cái phẩy bị bỏ qua” để luận tội! Nét khôi hài trong Ngày Phán Xét Chung là cả kẻ được thưởng lẫn người bị phạt đều…chối các hành vi của mình. Nhưng cũng “trơ tráo” thay những kẻ bị luận phạt: chúng đã nghe những gì Đấng Xét Xử nói trước đó với “cánh chiên cừu bên tay hữu”, mà vẫn không thể liên kết các sự kiện đơn giản như thế, để rồi vẫn cứ gân cổ cãi cối cãi chày! Nơi đây, lúc nầy, chẳng còn gì để nói!
Tri nhân tri kỷ, không phải để bách chiến bách thắng, mà để thấy rằng trong cuộc sống làm con cái Chúa, xét ra và so ra, chúng ta cũng “trơ tráo” không kém - nếu không muốn nói là vượt hơn và vượt xa - những người bị xếp vào “cánh dê bên trái” trong Ngày Phán Xét Chung. Hay là chúng ta phủ nhận Tứ Chung, coi đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ là lời hù doạ kiểu Ông Ba Bị? Chúng ta nói nhiều, rất nhiều, quá nhiều, về bác ái, yêu người, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Không ít tín hữu Công giáo mỉa mai “sư sãi và mục sư Tin Lành thích làm việc từ thiện để lên ti-vi”. Người Công giáo không theo thói giả hình và hám danh ấy! Người Công gíao không hám danh. Người Công giáo - nhiều lắm – chẳng làm gì cho những đối tượng mà Chúa Thẩm Phán nêu ra trong Ngày Phán Xét Chung. Cũng sẽ ”chẳng còn gì để nói”, vì trong một đời người tín hữu Công giáo, ít nhất cũng cả trăm lần nghe, đọc, được giảng dạy, khuyên giục thực hành nội dung bài Tin Mừng hôm nay. ”Giật mình mình lại thương mình xót xa" (Kiều, Nguyễn Du). Chỉ còn lại “xót xa”: Chúa xót xa thay cho chúng ta, cây vả không sinh hoa trái mà Chúa năn nỉ Chúa Cha gia hạn cho Ngừơi chăm sóc! Những người lành xót xa thay cho chúng ta! Biết bao tín hữu suy gẫm, tìm kiếm, giảng dạy những điều cao siêu trên trời, bay bỗng trên không trung, ở “ngoài hành tinh”, mà bỏ qua, mà bỏ quên – vô tình thì ít, mà chủ yếu là coi nhẹ - những điều đơn sơ, dễ thấy, dễ gặp và dễ làm nhất: sống tình người và tình con Chúa với những người bất hạnh.
Lạy Chúa Giêsu, nếu được cho phép, thì con sẽ xin gọi tất cả 26 quyển Tân Ước là “lý thuyết” và quyển thứ 27 - Thư Thánh Giacôbê Tông Đồ - là tóm lược và là “kim chỉ nam thực hành Lời Chúa”: Chúa Thẩm Phán dùng đề cương “kim chỉ nam” nầy để phán xét! Viễn cảnh Ngày Phán Xét Chung đáng hãi hùng và không ai thoát được là thế, hóa ra lại quá đơn giản và dễ thưc hành. Vì quá đơn giản, mà với nhiều người, nó đã thành cái bẫy chết người. Sẽ chẳng còn gì để nói, chẳng còn lý do gì để tự biện hộ và chẳng còn ai xót thương chúng con lúc bấy giờ nữa, vì chúng con đã chẳng hề biết xót thương ai!
54. Suy niệm của Lm. Trần Đình Nhi.
NHỮNG GÌ TA LÀM CHO ANH CHỊ EM LÀ LÀM CHO CHÍNH CHÚA
Dùng dụ ngôn để diễn tả thái độ sẵn sàng của ta cho ngày phán xét, Chúa Giêsu đưa ta đến với khung cảnh ngày ấy diễn ra như thế nào. Người vẫn dùng dụ ngôn để nói lên một cách sống động cảnh phán xét, với cung cách uy nghi và lời lẽ tuyên án đanh thép của vị thẩm phán chí công là Con Người. Ta có cảm tưởng đây không còn là một dụ ngôn nữa, nhưng là một biến cố thực mà Chúa Giêsu cho ta thấy rõ trước khi mọi người phải có mặt tại đó và không thể tránh thoát. Phụng vụ Lời Chúa đã lấy bài Tin Mừng nói về cuộc phán xét chung làm đề tài suy niệm về vương quyền của Chúa Giêsu. Nếu hiểu theo cách khai triển của Tin Mừng Mát-thêu muốn trình bày Chúa Giêsu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Em-ma-nu-en), ta sẽ dễ dàng hiểu được những lời phán xét của Vua Giêsu, Thiên Chúa làm người sống giữa nhân loại cũng như mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa và với nhau.
a) Tiêu chuẩn để tuyên án: Những gì ta làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa
Điểm đặc biệt trong cuộc phán xét là thái độ sững sờ ngạc nhiên của những người bị phán xét. Cả người lành lẫn kẻ dữ đều có cùng một phản ứng khi nghe Chúa tuyên án: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói, khát, trần truồng, đau yếu... đâu!” Nghĩa là người ta chỉ nhìn thấy anh chị em là anh chị em, chứ không nhìn thấy hình ảnh của Chúa trong anh chị em. Cái nhìn ấy rất quan trọng, vì nó có thể xác định ý nghĩa của việc ta làm. Nếu ta chỉ nhìn thấy anh chị em là anh chị em, hay nói khác đi, là những con người đói khát, trần truồng, đau yếu..., thì ta sẽ coi họ là những người cần được ta ban phát và họ phải chịu ơn ta. Nhưng nếu ta nhận ra được Chúa ở trong họ, thì họ không chỉ đơn thuần là những con người khốn khổ cần sự giúp đỡ của ta, mà là những người ta cần phải phục vụ như ta phục vụ chính Chúa.
Như thế, Chúa đã đồng hóa Người với mọi người trên thế giới và ta hiểu được ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1:14). Thiên Chúa chia sẻ với nhân loại mọi sự, Người muốn trở nên hoàn toàn giống như ta, ngoại trừ tội lỗi. Với thân phận làm Người, Vua Giêsu đã đến chia sẻ với anh chị em mình, nhìn anh chị em mình không phải như những kẻ cần được Người ban phát điều này điều kia, nhưng là những anh chị em đồng thừa kế với Người và Người có nhiệm vụ phải phục vụ họ. “Con Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Chính sự chia sẻ này sẽ trở thành tiêu chuẩn Chúa dùng để tuyên án người lành kẻ dữ: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (không làm) cho chính Ta vậy”.
b) Những điều để ta bị Chúa phán xét
Thật bất ngờ là khi nghe những điều Đức Vua tuyên án, ta không thấy đó là những điều lớn lao, mà là những điều thường nhật, lúc nào cũng gặp thấy trong cuộc sống hằng ngày của ta. Trong cuộc sống, thiếu gì những dịp ta gặp những người sống trong cảnh đói khát, đau yếu, tù đày, khách lạ... Không chỉ là những hoàn cảnh thể chất mà thôi, nhưng cũng là những hoàn cảnh tinh thần và tâm lý nữa. Người ta không chỉ đói khát cơm gạo nước uống, nhưng còn đói khát tình thương. Không chỉ đau yếu bệnh tật thể xác, nhưng còn mang bệnh hoạn tâm lý, tinh thần sa sút. Không chỉ bị giam cầm trong lao tù, nhưng còn bị giam hãm trong cô đơn, lẻ loi, kỳ thị. Không chỉ thiếu áo mặc bên ngoài, nhưng còn thiếu được kính trọng, bị tước đoạt nhân phẩm nhân quyền. Những người trong hoàn cảnh ấy ta có thể gặp hằng ngày. Nhưng ta không chỉ gặp thôi, mà còn phải ý thức sẽ làm gì trước những hoàn cảnh ấy. Ngày xưa Chúa Giêsu không ngoảnh mặt làm ngơ trước những hoàn cảnh ấy. Chúa đã làm hết sức để cứu vớt và xoa dịu khổ đau của con người. Tin Mừng Mác-cô viết về “một ngày của Chúa Giêsu tại Ca-phác-na-um” (Mc 1:21-45) cho ta biết Chúa thật bận rộn vì người khác. Người giảng dạy, khu trừ ma quỷ, chữa lành cho bà mẹ vợ ông Phê-rô. Sau đó, Người lại “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ...” Đang khi di chuyển sang thành khác, Chúa còn chữa lành kẻ bị phong hủi đến xin Người.
Chúa luôn đáp lại nhu cầu của bất cứ ai khốn khổ và đến với Người. Người chẳng từ chối hay xua đuổi ai. Chỉ có một lần Người tỏ vẻ ngần ngại và “làm khó dễ” khi người đàn bà Ca-na-an đến xin Người trừ quỷ cho con gái bà (Mt 15:21-28). Nhưng Người cố ý làm như vậy để bà có dịp biểu lộ lòng tin mạnh mẽ của bà. Động lực khiến Người muốn đến với mọi người là vì “Người chạnh lòng thương”.
Nếu ta thiếu động lực cốt yếu “chạnh lòng thương” ấy, ta sẽ dễ dàng dửng dưng trước những đau khổ và khó khăn của anh chị em. Ta sẽ nhìn họ thuần túy như những con người chứ không phải là hình ảnh của Thiên Chúa. Ta sẽ nhắm con mắt thiêng liêng lại và tự bào chữa: Tôi có bao giờ thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống... đâu! Hoặc ta sẽ đưa ra những lý lẽ để từ chối giúp đỡ anh chị em. Thí dụ: thằng đó vào tù là đáng đời, vì ai bảo dính vào xì ke ma túy; hoặc: người khỏe mạnh thế kia mà không chịu đi làm, lại đi ăn xin...
c) Những điều ấy ta đã làm hay đã không làm?
Khi ta đứng trước mặt Đức Vua phán xét, Người không hỏi ta tại sao đã không làm những điều ấy cho anh chị em, nhưng Người chỉ xác định ta đã làm hay đã không làm những điều ấy, rồi căn cứ vào đó mà tuyên án ta. Nếu ta làm tức là ta đã theo gương Người, dấn thân trong Vương Quốc của Người. Như thế, câu truyện về phán xét đặt ta trong sự lựa chọn dứt khoát: theo Vua Giêsu để phục vụ tha nhân như Người đã phục vụ, hoặc theo lối sống ích kỷ của người đời không cần biết đến ai?
Vương Quốc của Vua Giêsu không phải là vương quốc ở đời này, nhưng là của tâm hồn, của tình yêu. Tình yêu là dấu hiệu để người ta nhận ra ta là môn đệ của Chúa Giêsu, là công dân của Triều Đại Thiên Chúa. Ta trở thành “khí cụ bình an” của Chúa để làm cho Vương Quốc của Người luôn được hiển trị.
Kết thúc một năm Phụng vụ không phải là chấm dứt, nhưng là một khởi đầu. Ta đã nhận biết Chúa Giêsu là Vua. Ta theo Người để đi chinh phục tất cả thế giới về cho Thiên Chúa. Ta được trang bị bằng một lối sống mới của Chúa Kitô Vua. Giờ đây ta hãy lên đường đến với anh chị em và nhận ra dung mạo của Chúa nơi anh chị em. Rồi ta sẽ đáp lại tất cả những gì anh chị em ta cần ta giúp đỡ. Đó là mệnh lệnh của Đức Vua, vì: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi có tập nhìn thấy hình ảnh Chúa trong anh chị em không? Tôi phải làm thế nào để nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị em? Bắt đầu tập tìm thấy Chúa nơi chính mình trước, để dễ dàng thấy Chúa nơi người khác?
Từ trước tới nay, tôi có hình ảnh nào về Vương Quốc của Chúa? Là Giáo Hội? Là lối sống và ảnh hưởng của Chúa Kitô mà tôi phải phản ánh? Là nối tiếp sự hiện diện của Chúa Kitô ở trần gian khi tôi bắt chước sống như Người?
Tôi có chương trình sống như thế nào sau khi nghe lời hiệu triệu của Vua Giêsu: “Mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta vậy”?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đọa đầy.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.
Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được,
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa biển đời mang con tim núi lửa
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng
để tin yêu và vui sống trọn đời.” - NCĐ
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 118)
55. Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu – An Phong
Bài Tin mừng hôm nay tường thuật về cuộc phán xử cuối cùng. Như người chủ chăn phân tách chiên khỏi dê thế nào, thì Con Người cũng sẽ phân tách người lành khỏi kẻ ác như thế; tùy theo những công việc bé nhỏ mà họ đã làm cho một trong những người bé nhỏ nhất.
- Dường như chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất để phán xử, đó là "mến Chúa, yêu người"; hay nói cách khác, mến Chúa qua yêu người và yêu người tức là mến Chúa. Kitô giáo vốn là một "đạo yêu nhau"; con người bị (được) phán xử theo tình yêu.
- Dường như những thiếu xót vì thờ ơ với việc nhà thờ nhà thánh, vì mê tín dị đoan, vì mê đắm điều phàm tục… xem ra còn nhẹ tội hơn là không giúp đỡ một người anh em bé nhỏ. Thiên Chúa nghiêm khắc với những ai không có lòng trắc ẩn.
- Dường như trong ngày lễ Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, bài Tin mừng về ngày phán xử cuối cùng được đọc lên như là một nhắc nhở: "Thiên Chúa là Vua Tình yêu, vinh quang của Ngài là con người được sống và sống hạnh phúc" (thánh Irênê). Có lẽ Ngài không cần "nhang khói" tế tự, Ngài cần một tấm lòng. Bởi lẽ "Thiên Chúa tìm kiếm vinh quang không phải cho chính mình mà là cho chúng ta" (thánh Tôma Aquinô). Một vị Thiên Chúa tình yêu, đầy lòng trắc ẩn, hẳn sẽ vui lòng khi nhận ra lễ dâng là tấm lòng vị tha, bác ái.
- Nhưng, "nói bác ái" thì dễ, mà "thực hành bác ái" lại chẳng dễ chút nào; chẳng hạn:
* Cho một người nghèo năm ba ngàn đồng còn dễ hơn là cho một nụ cười trong bất cứ tình huống nào lại không dễ;
* Ra tay bảo vệ một người cô thế cô thân, đang bị ức hiếp (một hành vi anh hùng!), điều đó xem ra dễ hơn phải chịu đựng sự quấy rầy khó chịu của người khác.
* Một việc bác ái chẳng gây tổn hại gì quyền lợi của ta, ta làm được. Nhưng nếu việc bác ái đụng chạm đến "cái dạ dày của ta", ta sẽ phải ngần ngại đắn đo.
* Khi ta gặp khó khăn, ta dễ cảm thấy "quyền được hưởng bác ái". Khi người khác gặp khó khăn, ta không dễ cảm thấy "nghĩa vụ thi hành bác ái".
Lạy Chúa,
xin cho chúng con biết bước theo Vua Tình Yêu:
để, mỗi ngày một chút,
chúng con biết thi hành những điều bé nhỏ
cho những người bé nhỏ.
56. Sức mạnh giải thoát - Như Hạ
Con người vẫn còn là một mầu nhiệm. Câu trả lời không thể tìm thấy trong những nỗ lực khoa học hay triết học. Trái lại, mầu nhiệm con người chỉ có thể được mạc khải trong chính mầu nhiệm Con Thiên Chúa
ĐỨC GIÊSU LÀ AI?
Không thể tìm được câu trả lời dứt khoát cho vấn nạn lớn lao này. Nếu nói Đức Giêsu là vua cũng không sai. Vì còn hình ảnh nào ngoạn mục bằng "khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người" (Mt 25,31). Nhưng nếu nói Người là kẻ khố rách áo ôm cũng chẳng xa thực tế. Vì Người đã đồng hóa với những người bần cùng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40).
Làm sao có thể thấy nét hoàng gia quý phái của Đức Giêsu trong những cảnh tồi tàn, đói rách của anh em nghèo khổ? Nhưng nếu không thấy được như thế, chúng ta dễ bị mù quáng vì những cám dỗ hời hợt bên ngoài. Chắc chắn từ cái nhìn thiên lệch ấy, chúng ta sẽ có những hành động bất công đối với chính Chúa. Do đó thật không phải dễ khi muốn phóng một cái nhìn vượt trên hoàn cảnh.
Chính đức tin sẽ cho phép chúng ta vượt trên hoàn cảnh để nhìn vào tận giá trị đích thực của tha nhân. Một cái nhìn như thế mang đầy tính cánh chung. Không thể dừng lại ở những nét bên ngoài để đánh giá anh em. Chính cái nhìn ấy sẽ cho thấy không phải Đức Giêsu trong anh em, nhưng anh em chính là Đức Giêsu ta phải phục vụ. Tùy phương cách và mức độ phục vụ, ta sẽ thấy rõ dung nhan Đức Giêsu nơi anh em.
Đức tin biến đổi không những nội tâm, nhưng cả hành động nữa. Chính vì vậy, khi thúc đẩy chúng ta hành động, Đức Giêsu không nói theo lối dụ ngôn nữa, nhưng nói rất thực tế và cụ thể. Người nhấn mạnh tầm quan trọng phải hành động cho anh em nghèo khổ đến nỗi đã không ngần ngại lặp lại tư tưởng nhiều lần. Có ý thức được tầm quan trọng ấy, mới cố gắng thực hiện tất cả những gì đức tin gợi lên. Không có đức tin ấy, rất khó coi người nghèo như anh em. Càng khó hơn nữa khi thi hành mệnh lệnh Chúa để đáp ứng nhu cầu anh em. Bởi đấy, vấn đề không phải là phục vụ bao nhiêu, nhưng là phục vụ như thế nào. Nếu coi họ như Chúa, chúng ta có dám đối xử với họ như vẫn thường đối xử không? Nếu không nhìn thấy Chúa trong những anh em nghèo khổ như thế, chúng ta có đủ động lực thi hành những việc bác ái cần thiết cho "những anh em bé nhỏ nhất" (Mt 25,40) hay "những người bé nhỏ nhất" (Mt 25,45) không? Trong việc bác ái, không còn phân biệt được biên giới đâu là Chúa đâu là tha nhân. Cả hai đối tượng như quyện tròn lấy nhau, đến nỗi bên này không thể thiếu vắng bên kia. Cả hai làm thành hai mặt của một đồng tiền, đồng tiền cần thiết để vào Nước Trời.
DẤN THÂN
Sắm được đồng tiền ấy, không đòi những hành động anh hùng. Chung quanh ta và hằng ngày ta vẫn tiếp xúc với Chúa hiện thân nơi những người đói khát, trần truồng, tù đầy, đau yếu, mất nhà cửa, người thân v.v. Đối tượng phục vụ quá rõ ràng. Xã hội hôm nay còn có những người cần được phục vụ như những người nghiện xì ke, ma túy, những trẻ em mồ côi, bụi đời, những người bị bỏ rơi, những người mắc bệnh liệt kháng v.v. Đó là nạn nhân của những cơ chế bất công và những lối sống ích kỷ. Chúng ta không còn phải thắc mắc "ai là anh em tôi?" (Lc 10,29), nhưng cần biết phải làm gì và ở đâu cần chúng ta phục vụ. Không ai bị gạt ra ngoài đối tượng tình yêu và chúng ta phải phục vụ bất cứ ai trong khả năng của mình (x. New International Version:1991) một cách vô điều kiện.
Phục vụ như thế tức là chuẩn bị đón Chúa trở lại trong vinh quang. Phục vụ đã trở thành một hành vi cứu độ. Không thể trì hoãn tới ngày mai, nhưng phải làm ngay hôm nay (x.Fahey:1994). Ngày mai luôn luôn quá trễ. Trong việc phòng chống bệnh dịch cho đồng bào nạn nhân bão lụt chẳng hạn, nếu cứ trì hoãn, bao nhiêu sinh mạng sẽ phải hi sinh? Lấy gì bù lại sự mất mát đó?
Công cuộc từ bi bác ái không thể tùy thuộc tài sản, khả năng hay trí thông minh, cũng không thể ỷ lại vào giáo hội hay chính phủ, nhưng đòi cá nhân phải dấn thân lo cho nhu cầu tha nhân (x. New International Version:1991). Không gì có thể thay thế cho việc dấn thân đó. Đó là nền tảng mọi giá trị. Vì chính nơi cá nhân mỗi người, Đức Giêsu gặp gỡ những người nghèo khổ, bệnh tật. Đó là nguồn hứng khởi phục vụ.
Phục vụ là công việc của người yếu thế, không xứng đáng với những người chức cao quyền trọng. Nhưng đối với môn đệ Chúa Kitô, "sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2 Cr 12,9). Phục vụ chính là chia sẻ vương quyền với Đức Giêsu, Đấng "đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45). Phục vu chính là sức mạnh cứu độ. Nói khác, phục vụ giúp ta vượt qua giới hạn trần gian để vươn tới chiều kích Thiên Chúa.
Nhưng muốn đạt tới chiều kích Thiên Chúa trong việc phục vụ, chúng ta không thể quanh quẩn với những nỗ lực và quan tâm cá nhân. Trái lại, ngay cả khi phục vụ, Đức Giêsu cũng luôn liên kết với Chúa Cha và Thánh Linh. Bởi thế nỗ lực cá nhân cần phải được nhân lên thành sức mạnh cộng đoàn. Chẳng hạn nếu không liên kết thành một khối, làm sao chúng ta có sức mạnh trấn át được bạo vũ cuồng phong. Chỉ trong thế liên kết để phục vụ anh em nghèo khổ, chúng ta mới đạt tới chiều kích sung mãn trong Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn hiện diện và đang kêu gào trong từng anh em đau khổ đó. Chúng ta hãy cố gắng phục vụ để chia sẻ vương quyền với Người, vì vương quyền Người chỉ tỏ hiện và hoàn thành trong việc phục vụ. Vương quyền Người bao trùm toàn thể vũ trụ, nên chúng ta càng vững tin và tràn hi vọng khi đến với anh em nghèo khổ. Khi vinh quang Chúa xuất hiện trước mặt muôn dân, chúng ta sẽ thấy tất cả ý nghĩa của việc phục vụ hôm nay.
Sở dĩ hôm nay con người ngày càng mất dần tinh thần phục vụ, vì trong xã hội đang có "những khuynh hướng phủ nhận hay lãng quên tính cách duy nhất của bản chất và ơn gọi con người như những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Khi áp dụng vào cuộc sống, các tài nguyên kỹ thuật đã bỏ qua những thông số căn bản và các tiêu chuẩn nhân chủng và luân lý in sâu vào chính bản tính con người." (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 19/11/2002) Đó là lý do tại sao con người không còn được phục vụ đúng mức. Nếu nhìn thấy Đức Giêsu nơi người anh em nghèo khổ, chắc chắn sẽ có đủ nghị lực phục vụ và dư sức mạnh thắng lướt những cám dỗ thời đại.
Muốn nâng cao tinh thần phục vụ nơi các bạn trẻ hôm nay, phải trả lời được câu hỏi căn bản: "Con người là ai?" Muốn giải đáp vấn nạn căn bản đó, cần có một "kế hoạch văn hoá theo chiều hướng Kitô giáo để đem lại cho công cuộc Phúc âm hoá một chiều kích văn hoá sâu sắc và mãnh liệt." (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 19/11/2002) Có thế, mọi người mới thấy rõ nhân phẩm là nguyên lý xây dựng xã hội và văn minh nhân bản đích thực. Nhờ thế, Giáo hội có thể góp phần xây dựng những giá trị văn hoá thời đại và làm cho những giá trị trong kho tàng văn hoá và tinh thần, nguồn tài nguyên trước tiên của các quốc gia, khỏi lâm vòng nguy hiểm (x. ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 19/11/2002). Đó là phương cách Giáo hội phục vụ con người. Có phục vụ như thế, Giáo hội mới làm cho mọi người nhận biết vương quyền Đức Kitô như một sức mạnh giải thoát nhân loại.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam