Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1376972

CHỈ MỘT NGƯỜI SAMARI BIẾT ƠN

TRONG MƯỜI NGƯỜI PHONG CÙI ĐƯỢC CHỮA LÀNH, CHỈ MỘT NGƯỜI SAMARI BIẾT ƠN

Lần thứ ba, một điệp khúc về cuộc hành trình lên Giêrusalem làm giai đoạn trình thuật (c.11). Thay vì tiếp tục con đường xuống phiá Nam, dường như Chúa Giêsu rẽ qua hướng Đông, giữa Galilê và Samari, để đến thung lũng sông Giođan. Ghi chú này làm cho dễ chấp nhận việc có mặt của một người Samari trong nhóm người Do Thái bị phong cùi.

Trình thuật về việc chữa lành (cc. 12-14) rất ngắn và giống với 5,12-16, trong đó lần đầu tiên Chúa Giêsu đối diện với một trong những kẻ tiện dân bị loại khỏi cộng đoàn. Chắc hẳn ở đây họ không phục lạy nhưng họ chào kính Chúa Giêsu như một vị Thầy –như các môn đệ gọi Ngài. Họ kêu xin Ngài, mà không xin rõ được chữa lành (so sánh với 5,12) cũng không xin của bố thí. Chúa Giêsu báo họ đi đến các tư tế, là những người đúng theo luật lệ của Lv 14,1tt, có nhiệm vụ nhận xét về việc lành bệnh. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không làm một cử chỉ gì để chữa bệnh và như thế việc lành không xảy ra ngay tức khắc (so sánh với 5,13).

Khi nghe lời Chúa Giêsu chỉ dạy, mười người này chứng tỏ có lòng tin tưởng, một niềm tin trái ngược với niềm tin của đại tướng Naaman người Syri (x.4,27), thoạt tiên ông này từ chối làm theo lời báo của của ngôn sứ Êlisê (2V 5,10-12). Như vậy, việc chữa lành xảy ra từ xa.

Cho tới đây, trình thuật đề cao quyền lực lớn lao của lời Chúa Giêsu và, do đó, chuẩn bị cho câu giải đáp mà Ngài sắp nói với các người Pharisêu (17,21). Nhưng cao điểm của lời giải đáp này nằm ở những gì xảy ra sau khi chữa lành và sẽ minh hoạ khoảng cách giữa việc chữa bệnh và ơn cứu độ. Trong các câu 15-19, một trong các người phung cùi được chữa lành quay trở lại ngay cả trước khi vâng lệnh Chúa Giêsu và Lề Luật: vừa tôn vinh Thiên Chúa, anh vừa sấp mình –điều đã bị bỏ ở các câu 12-13, và nhất là tạ ơn Chúa Giêsu. Và điều đáng ngạc nhiên là chỉ tới đây, một khi thái độ của anh gây ấn tượng tốt cho ta, ta mới biết anh thuộc về chủng tộc nào: đó là một người Samari. Sự tương phản giữa lòng biết ơn của người này và sự vô ơn của chín người khác vẽ nên một đường ranh phân biệt giữa những người Do Thái và người mà chính Chúa Giêsu nói đến như một người ngoại bang (người Samari cũng như người Do Thái nhìn nhận uy thế của Luật Môsê, và như vậy nhìn nhận uy thế của những quy luật trong sách Lêvi về bệnh phong). Như trong dụ ngôn về người Samari tốt lành (10,30tt) và khi rao giảng ở Nagiaret (4,24-27). Trình thuật nhấn mạnh đến tình yêu mà các người ngoại bang bày tỏ. Do đó, Chúa Giêsu bác bỏ cái nhìn theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, theo đó Thiên Chúa chỉ tỏ mình ra cho người biết trong các thể chế văn hoá: chính bên cạnh Chúa Giêsu mà người ta tôn vinh Thiên Chúa.

Lúc nào cũng nghĩ đến Thiên Chúa trong những mối bận tâm của mình nên Chúa Giêsu trách cứ chín người tật phong khác vì đã không tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng chính lời Chúa Giêsu nói về đức tin (c.19) mới là đỉnh cao của trình thuật. Mười người phong cùi được chữa lành, nhưng duy nhất chỉ có người Samari biết ơn mới được tuyên bố là được cứu độ. Như vậy ơn cứu độ là điều cao quý hơn việc chữa lành thể xác. Và niềm tin trọn vẹn của kẻ quay trở lại thì cao quý hơn niềm tin tưởng đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện với các tư tế trước khi được chữa lành. Việc chữa lành chỉ khai mở cho ơn cứu độ trọn vẹn khi con người nhận ra sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa đối với mình và nếu họ đáp lại bằng cách dấn thân vào một liên hệ thật sự với Chúa Giêsu: đó là niềm tin trọn vẹn.

 

  1. Chú giải của Noel Quesson

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi…

Một lần nữa, Luca nhắc chúng ta biến cố đang được chuẩn bị. Đức Giêsu đang sống những tuần lễ cuối cùng. Trước tiên tôi cần dành thời gian để dừng lại trên từng chữ đó: Đức Giêsu… đi… lên… Giêrusalem. Chúng ta hãy thử hình dung cảnh tượng. Hãy thử tưởng tượng những tư tưởng của Đức Giêsu lúc Người đang tiến bước. Giêrusalem! Mục tiêu của cuộc hành trình sau cùng.

Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê

Luca nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đi qua miền Samari. Người không theo các quan điểm về chủng tộc của những người đồng thời: Người không ngần ngại đi qua miền đất ấy mà người dân ở Giêrusalem đã tuyệt thông. “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với Người Samari” (Ga 4,9).

Khi vương quốc ở miền Bắc sụp đổ và dân bị đi đày năm 722 trước công nguyên. Quân đội chiến thắng Át-xi-ri đã đưa những đám nô lệ về định cư lại trên miền Samari. Những đoàn dân ấy thuộc mọi chủng tộc từ mọi miền chuyển về tạo thành một sự pha trộn về chủng tộc và tôn giáo. Các hội đoàn tôn giáo ở Giêrusalem vẫn coi họ như những người dị giáo.

Quan điểm phóng khoáng của Đức Giêsu phải tra vấn chúng ta. Chúng ta đã không giữ lại những hơi hướng khinh thị đối với một số hạng Người, một số chủng tộc, một số môi tường đó sao?

Điều lý thú mà Luca mang lại cho miền Samari là nó chứa đựng một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc: Chính trong tỉnh này mà “sứ vụ Tin Mừng hóa” đã thực hiện những bước đầu tiên bên ngoài vùng Giu-đê. Khúc dạo đầu của việc phát triển to lớn của Giáo Hội trong những vùng đất của dân ngoại.

Đối với những Kitô hữu, phải có những con người khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đã mở đầu. Ngày hôm nay, có phải tôi tránh xa những “miền Samari”.

Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.

Trong miền đất bị chúc dữ này; đây là những người bị chúc dữ nhiều nhất. Ở đây cũng vậy, tôi phải dám tưởng tượng ra cảnh tượng đó. Dưới từ ngữ “phong hủi”, trong tâm thức của Kinh Thánh (Lv 13 và 14); người ta gọi chung mọi bệnh tật trên da thịt, bề ngoài rất ghê tởm và không chỉ bệnh phong hủi theo nghĩa y học hiện đại.

Hơn thế nữa, Kinh Thánh nhìn trong bệnh phong hủi một hình phạt của Thiên Chúa, hình ảnh của chính tội lỗi làm hư hỏng con người.

Còn Đức Giêsu, Người không sợ. Là sự dịu dàng của Thiên Chúa. Người đã đến vì những người nghèo hèn nhất. Ngày hôm nay cũng thế, Đức Giêsu đã không ghê tởm tội lỗi của tôi, tội lỗi của những người gớm ghiếc nhất. Đức Giêsu đã đến vì điều đó để cứu chuộc, để chữa lành.

Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng.

Tôi tưởng tượng tiếng kêu của mười cái cổ họng ấy.

Ngay khi họ nhận ra có người nào đó ở đằng xa, họ có thói quen kêu lớn tiếng, một điều bắt buộc. Luật của Môsê thật hà khắc nhằm đóng khung dịch bệnh lan truyền: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên; “ô uế! ô uế!” (Lv 13,45). Không cần phải nói thêm rằng họ đương nhiên phải bị cấm đến ở những nơi có dân cư, và hoàn toàn bị đuổi ra khỏi những nơi thờ phụng. Những người nghèo ấy thuộc về hạng nghèo nhất.

Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!

Họ gọi Đức Giêsu bằng tên Người, một sự kiện tương đối hiếm thấy trong các sách Tin Mừng. Trong ngôn ngữ Aramêen, Jéshouah có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Kitô hữu Phương Đông gọi “kinh cầu Chúa Giêsu” chính là lời cầu xin ấy được lặp lại nhiều lần: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót. Chúng ta, cũng rất thường lăp lại kinh này trong thánh lễ: Kyrie eleison. Lạy Chúa, xin thương xót!

Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.

Cũng theo Luật (Lv 14,2). Các tư tế là những Người duy nhất có tư cách xác nhận sự lành bệnh. Vậy mệnh lệnh này của Đức Giêsu phải được họ hiểu như một lời hứa chữa lành.

Người ta không khỏi ngạc nhiên bới sứ cứng rắn bề ngoài của Đức Giêsu. Thay vì chữa lành họ ngay tức khắc, người đòi hỏi những người tội nghiệp khẳn khổ ấy ra đi như thế. Và chúng ta thấy họ ra đi, vẫn còn chứng bệnh phong hủi gớm ghiếc ở trên người.

Mọi sự xảy ra như thể Đức Giêsu muốn thử thách Đức tin của họ, có thể nói như thế. Và chúng ta nghĩ đến cùng một thử thách đức tin mà ngôn sứ Êlisê bắt ông Na-a-man, gốc Xyri phải chịu khi yêu cầu ông này phải tự mình thực hiện một biện pháp; điều này làm ông Na-a-man nổi giận!

Ngày nay đối với chúng ta cũng thế, đức tin thường là một thử thách đi qua đêm tối và không thấy, không hiểu chúng ta phải trông cậy vào lời Người. Chúng ta cầu xin Chúa để được giải thoát. Người hứa một ngày nào đó sẽ giải thoát chúng ta. Và chúng ta phải tiếp tục đi theo con đường của chúng ta với chỉ lời hứa của Người.

Đang khi đi thì họ được sạch

Một lần nữa, phép lạ hoàn thành trong sự kín đáo, ở một khoảng cách xa Đức Giêsu. Khía cạnh “giật gân” lạ lùng mà chúng ta rất thích đã cố tình bị làm cho mờ nhạt.

Chúng ta cũng ghi nhận những cộng hưởng tôn giáo của việc chữa lành này, một việc chữa lành không được mô tả dưới khía cạnh y học: Đấy là một sự “thanh luyện”. Lời cầu xin của các bệnh nhân hầu như là lời phụng vụ: “Xin thương xót chúng con”. Đức Giêsu đã yêu cầu họ “trình diện với các tư tế”.

Xuyên qua sự chữa lành đặc biệt này, chúng ta được mời gọi nhận ra một dấu chỉ. Đức Giêsu có thể thanh luyện tôi. Đức Giêsu có thể cứu tôi nữa.

Trước tiên chúng ta chớ xin Người những lợi ích vật chất “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy chữa lành tâm hồn con người hôm nay bằng Mình và Máu Chúa”.

Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn

“Vinh quang của Thiên Chúa! Hãy “cao giọng lên để” ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa!”

“Sấp mình xuống dưới chân”! Một cử chỉ mà những Người phương Tây no nê không bao giờ làm nữa, trừ một vài người trẻ tuổi. Chúng ta có cái bụng quá căng khó mà sấp mình sát đất được. Chúng ta tưởng rằng chúng ta chỉ mang ơn chính mình, khả năng và công việc của mình, những tài sản mà chúng ta thừa mứa. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người Hồi giáo có thể gập mình làm đôi đến độ trán họ chạm vào mặt đất đó sao? Một ngày nào đó, bạn hãy thử làm ở nhà bạn không cần ai thấy. Và trong tư thế đó của thân thể, hóa ra không, bạn hãy để cho tư tưởng của bạn thoát đi đến những điều mà tư thế ấy hầu như bắt buộc bạn thực hiện: Con không là gì cả con đã nhận tất cả. Lạy Chúa, con đang ở trước mặt Chúa. Con chỉ là một kẻ quê mùa bẩn thỉu, một “Ađam”. Con chỉ là cát bụi trên mặt đất cát bụi này.

Trong Kinh Thánh, sự sấp mình xuống tận đất là một cử chỉ mà người ta chỉ làm trước Thiên Chúa. Ở đây, người phong hủi được chữa lành đã sấp mình sát đất “trước mặt Đức Giêsu”. Đức Giêsu tham dự vào vinh quang và sự vô cùng của Thiên Chúa: Một mầu nhiệm còn ẩn giấu đằng sau nhân tính rất người của Đức Giêsu!

“Mà tạ ơn!” “eucharistôn!”, “trong khi tham dự vào Thánh Thể “…

Ngày nay cũng thế, trong tiếng Hy Lạp hiện đại, “cám ơn” thì nói “efkaristo”. Thật là tai hại khi sự chuyển thể của ngôn ngữ đã làm chúng ta mất dần ý nghĩa của các từ. Ai trong chúng ta khi nói “tôi đến với Thánh Thể” thì một cách tự phát nghĩ rằng “tôi đến tạ ơn”… tôi sẽ nói lời tạ ơn Thiên Chúa! Thánh lễ trước hết chính là Giáo Hội bước vào một hành động cao cả, “hành động tạ ơn” Đức Giêsu khi “Người ra khỏi thế gian này để về với Chúa Cha”.

“Người cầm lấy bánh, người cầm lấy rượu, tạ ơn và nói: “này là Mình Ta, này là Máu Ta, chịu nộp vì các con”. Mọi bữa ăn của người Do Thái và đặc biệt là bữa ăn lễ Vượt qua đều bắt đầu bằng một bài “berakha” “kinh tạ ơn”. Đức Giêsu được đào tạo trong tín ngưỡng của dân tộc Người, đã không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì sự dịu dàng và lòng nhân hậu của Người dựng nên thế giới bao la và xinh đẹp và cho chúng ta biết bao điều tốt lành đặc biệt là lương thực để sống: (bánh và rượu). Người còn giải thoát và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn Người. Chúng ta không còn biết cám ơn Thiên Chúa.. Chúng ta luôn miệng nói tiếng cám ơn vì lịch sự về mọi việc, do thói quen mà không cần suy nghĩ ở bàn ăn, cửa hàng, trên đường phố; cũng không để nó tạo ra một quan hệ với một ai. Vả lại việc nói cám ơn phải làm chúng ta hiệp thông với một con người: thật ra, đó là một lời bộc lộ tình yêu thương. Nói cám ơn, thông thường phải nhìn thẳng vào người đã làm cho chúng ta hạnh phúc? Người phong hủi tội nghiệp của Tin Mừng, khi nhận được hạnh phúc của mình, đã đi được một khoảng xa. Trong sự vui mừng ngây ngất, người ấy muốn tìm lại khuôn mặt của Đức Giêsu. Anh ta đi ngược trở lại con đường. Anh trở về với Người để nói với Người lời cám ơn! Và giờ đây, tôi thử tưởng tương những cử chỉ, giọng nói và khuôn mặt của anh ta.

Anh ta lại là người Sa-ma-ri.

Vậy ra Người ngoại quốc, người dị giáo, người đáng khinh nhất đó đã có cử chỉ nhân bản nhất, tự nhiên nhất.

Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.

Đối với Đức Giêsu, phép lạ này là một thất bại; bởi vì nó không tạo ra hiệu quả mà Người có quyền chờ đợi: Đối với chín Người kia, phép lạ này không tạo ra “đức tin”. Điều thật sự đáng kể đối với Người. Và vì thế Đức Giêsu rất buồn.

Người Kitô hữu thật sự phân biệt với tất cả các “tín đồ khác không phải vì họ cầu nguyện, họ xin ơn và họ được ơn. Mà chính vì họ “cảm tạ” Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Cần phải đi từ đức tin sơ đẳng chỉ biết cầu xin đến đức tin phát triển biết hướng về Đấng Khác (Tha Thể Tuyệt Đối) để gặp gỡ thật sự Khuôn Mặt của Người.

 

  1. Chú giải của Fiches Dominicales

NOI GƯƠNG NGƯỜI SAMARIA TRONG TIN MỪNG,

HÃY BIẾT QUAY LẠI CẢM TẠ ĐẤNG CỨU ĐỘ TA

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

  1. Từ Việc lành bệnh do lời cửa Đức Giêsu phán…

“Đức Giêsu đang đi lên Giêrusalem”. Lời nhắc nhở đó như một thứ điệp khúc mà Luca đặt ở đầu mỗi chương. Người đi theo lộ trình dẫn Người về với Chúa Cha và cũng là con đường đưa ta tới ơn cứu độ nhờ Người. Thánh sử còn xác định rằng “Người đi qua Samaria và Galilê”, cả hai miền đều bị miền Giuđê khinh rẻ; Samaria là xứ sớ của những chi tộc đã ly giáo, còn Galilê là miền biên giới, nơi người Do Thái và người ngoại giáo sống lẫn lộn. Vậy. mà, ở miền đất bị khinh khi, ở cái thế giới bị khai trừ ấy, Đức Giêsu thực hiện phép lạ chữa lành một đám người mắc bệnh phong cùi, thứ bệnh thời đó bị coi là cấm kỵ hết sức nghiêm ngặt. Cấm kỵ không chỉ vì lý do phòng bệnh, để tránh lây nhiễm, mà còn vì lý do tôn giáo; vì bệnh cùi là dấu chỉ tội lỗi làm biến dạng con người, nên những ai mắc bệnh ấy phải sống tách biệt khỏi cộng đồng và bị loại khỏi những nơi thờ phượng.

Sự việc xảy ra ở lối vào một làng kia. Một nhóm người phong cùi khốn khổ đón gặp Đức Giêsu. “Mười”: con số nhỏ nhất để họp thành một cộng đoàn hội đường; “Mười người tượng trưng cho cả một dân tộc, tượng trưng toàn thể nhân loại bị tội lỗi làm cho bệnh hoạn.

Họ cùng mang thương tật của một thứ bệnh, chịu đựng cùng hình phạt khai trừ, họ tiến lên đồng tâm nhất trí, không phân biệt chủng tộc. “Dừng lại đàng xa”, đúng theo Luật truyền, họ hô lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin đủ lòng thương chúng tôi”.

Thay vì chữa họ lành ngay tức khắc, Đức Giêsu muốn thử thách lòng tin của họ. Cũng như ngày xưa, ngôn sứ Êlisêô sai môn đệ nói với quan Naaman, người Siri rằng: “Quan hãy đi tắm ở sông Giođan bảy lần”, Đức Giêsu chỉ đáp lại bằng một câu đơn giản, như một lời hứa sẽ chữa lành: “Hãy đi trình diện với các tư tế. Thật vậy, vào thời đó, các thầy tư tế có quyền chẩn đoán bệnh phong cùi và công bố người mắc bệnh ấy là “không sạch”, thì họ cũng có quyền kiểm tra khi người ấy khỏi bệnh (Lv 14;3) và công bố chính thức người ấy được tái hội nhập vào cộng đoàn.

Khác với vị tướng lãnh Siri, lúc đầu đã từ chối thi hành điều người của Chúa truyền dạy, mười người phong cùi ở đây tức tốc thi hành, không mảy may chần chừ.

Vậy “đang khi đi thì họ được sạch”. Một việc chữa bệnh từ xa, được Luca tường thuật cách hết sức kín đáo, làm nổi bật quyền năng của lời Đức Gịêsu nói.

2…. đến ơn cứu độ do tin vào Đức Giêsu Kitô.

Đến đây trình thuật làm nẩy sinh một vấn đề mới. Thật vậy trong khi 9 người tiếp tục đi “trình diện với các tư tế, thì riêng có một người, thay vì vâng lệnh Chúa và Luật dạy, “đến quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Thật ngạc nhiên, chỉ đến lúc này, lúc mà cách xử sự của anh đã gây ấn tượng tốt nơi chúng ta, thì chúng ta mới biết anh thuộc dòng tộc nào: anh là người Samaria. Đối với anh, tuy đã khỏi bệnh cùi, nhưng vẫn phải mang thân phận của người bị khinh khi vì lạc đạo, nên không có vấn đề đi đến Đền thờ. Hơn nữa, anh đã gặp Đấng Thiên Sai trên đường, Đấng vừa cứu chữa anh, như rồi đây ta sẽ thấy: chính nơi Đức Giêsu mà ta tôn vinh Thiên Chúa.

– Cử chỉ anh làm là một cử chỉ trong phục vụ, “anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn”. Anh nghĩ chắc chắn đó là cách tuyên xưng công khai Đức Giêsu là người gần gũi với Thiên Chúa. Rolanđ Meynet chú giải.: “Người Samaria vừa khỏi bệnh đã kết hợp Thiên Chúa với Đức Giêsu trong cùng một lời ngơi khen vì tạ ơn. Ơn cứu độ vừa đón nhận được anh công bố cho mọi người biết, đó là công trình của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Lòng tin của anh không phân biệt hai đấng ấy và anh sấp mình dưới chân Đấng đã làm cho anh nên sạch, như sấp mình dưới chân Đức Chúa (L’Evangile selon saint Luc, analyse rhétorique”, cuốn 2, Cerf, trg 171).

Đức Giêsu hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì 9 người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. Như vậy để nhấn mạnh nét tương phản giữa sự vô ơn của chín người kia, là người Do Thái, và lòng biết ơn của người Samaria độc nhất này, Đức Giêsu gọi anh là người “ngoại bang”. Dưới ngòi bút của Luca, anh được coi như chứng tá sống động của ơn cứu độ được ban cho hết mọi người, vượt mọi biên giới; anh được coi như biểu tượng của những người ngoại giáo được vào Nước Thiên Chúa trước những người Do Thái, bới vì những người này đã biết nhìn nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa.

“Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”, Đức Giêsu kết thúc bằng một câu đầy ý nghĩa, mà Luca muốn đặt làm chóp đỉnh của trình thuật.

+ “Hãy đứng dậy”: động từ này rất thường được Luca sử dụng không chỉ để động viên lòng can đảm trong chiến đấu (như trong cảnh hấp hối: “hãy dậy mà cầu nguyện” (Lc 22,45), mà cũng để chỉ việc sống lại chỗi dậy từ cõi chết) nữa.

+ “Hãy đi”: Luca sử dụng động từ này nhiều lần để chỉ việc Đức Giêsu lên Giêrusalem. Étienne Charpentier giải thích: “Luca định nghĩa Kitô giáo như một con đường… ở đây, đang trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu nói với người được chữa lành: “Hãy chỗi dậy, lên đường!”. Và bởi vì trong toàn bối cảnh đi lên Gíêrusalem, ta đã dịch động từ này là “đi lên”, nên, nếu ta cho đặt vào môi miệng Đức Giêsu câu nói: “Hãy chỗi dậy, hãy cùng ta lên thập giá và vinh quang”, thiết tưởng cũng hợp với tư tưởng của Luca. (Assemblée du Seigneur, số 59, trg77)

+ “Đức tin con đã cứu chữa con”: mười người phong cùi vì tin vào lời Đức Giêsu, nên đã được chữa lành; nhưng chính người Samaria mới sống phép lạ như một cơ hội để tiến tới. một đức tin sâu sắc hơn, một đức tin sẽ mang lại cho anh một kết quả hoàn toàn khác, đó là ơn cứu độ.

  1. Cousin kết luận: “Vì lúc nào Thiên Chúa cũng phải được quan tâm trên hết, nên Đức Giêsu tỏ ra bất bình với chín người. phong cùi đã không đến tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng lời Chúa nói về lòng tin mới là chóp đỉnh của trình thuật tất cả mười người phong cùi đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ có người Samaria biết ơn Chúa mới công bố là được cứu. Vậy thì ơn cứu độ còn quan trọng hơn ơn chữa lành phần xác. Và đức tin trọn vẹn của người quay trở lại tạ ơn thì mạnh hơn lòng tin tưởng đã thúc đẩy mười người ra đi trình diện với tư tế ngay cả trước khi họ được lành bệnh. Việc lành bệnh chỉ mở ra ơn cứu độ toàn diện cho con người, nếu họ nhìn nhận sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa đối với mình, và nếu họ đáp trả bằng cách dấn thân vào mối tương quan thực sự với Đức Giêsu: như thế mới là đức tin trọn vẹn”. (“L’ Evangile de Luc”, Centurion, trg 228-229).

Nhờ đức tin, dù là thuốc dân tộc nào, chúng ta đều được cứu độ. Vậy đến lượt chúng ta hãy lên đường theo chân Đức Giêsu. Không bao lâu sau, Đức Giêsu sẽ nói ở Lc 18,31 “Nào chúng ta lên Giêrusalem”. Lần này hiển nhiên bao gồm các môn đệ trong cuộc hành trình của người tiến về cuộc Khổ nạn Phục sinh.

BÀI ĐỌC THÊM:

  1. Đường trở về dẫn đến lời tạ ơn:

(Đức cha Daloz, trong “Dieu a visité son peuple” DDB, trg l30).

Câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành mà chỉ có một người trở lại tạ ơn, cũng chính là hình ảnh thường xảy ra với chúng ta, khi lâm cảnh túng cực, chúng ta biết tìm đến sự cầu nguyện: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Đức Giêsu tiếp đón mười người phong cùi đứng đàng xa lớn tiếng van xin người. Người sai họ đi trình diện với các tư tế và họ đón nhận lời Người với lòng tin. Họ được khỏi bệnh đang lúc đi đường. Nhưng họ mới đi được nửa con đường họ phải đi. Tất cả mười người đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ một người duy nhất nghe được câu nói khiến anh khám phá ra Đức Giêsu “Hãy đứng dậy, lòng tin của anh đã cứu anh”. Anh đã biết quay trở lại con đường cũ. Con đường ấy đã dẫn anh đến lời tạ ơn.

Như vậy, có nhiều con đường dẫn đến Đức Giêsu: có con đường đưa ta đến với Người khi ta lâm cơn quẫn bách, và có con đường dẫn ta quay trở lại với Người để nhận biết Người. Rất nhiều kẻ chỉ đi con đường thứ nhất. Họ không bị khước từ và được dẫn đường từ chuyến đi ấy. Đó mới là bước đầu. Thiên Chúa không keo kiệt khi ban ân huệ của Người: Người không cân đo lòng biết ơn của ta. Nên có những kẻ tiến xa hơn và trở nên môn đệ. Họ được hưởng ân huệ quý giá hơn nhiều, đó là được mạc khải một đức tin cứu độ: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Họ cảm nhận được một điều gì đó thuộc về mầu nhiệm Đức Giêsu; họ tiến vào mối quan hệ hỗ tương với Người, mối tương quan của lời tạ ơn. Ước chi chúng ta thuộc về những người không dừng lại giữa đường!

  1. Đức Giêsu, Người chữa lành hay Đấng cứu Độ?

Đức Giêsu đã chữa lành nhiều người, đó là điều không thể hồ nghi. Mỗi trang sách Tin Mừng đều chứng thực điều đó. Ngoài ra, làm sao Đức Giêsu có thể làm cho người ta tin phục mình là Đấng Mêsia, nếu Người đã không chữa bệnh? Vì đó là điều kiện cần thiết, phải có ở thời buổi của Người, điều mà người ta còn gặp thay nơi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo thời nay. Vậy phải chăng Đức Giêsu chỉ là người chữa bệnh? Chắc chắn không phải như vậy? Đức Giêsu đến không phải để chữa bệnh, mà để cứu độ. Có thể nói rằng khi Người chữa bệnh là dấu chỉ người cứu độ. Người không nói: “Lòng tin của anh dã chữa anh lành”, nhưng nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh”.

Vậy ơn cứu độ chính là khả năng sống cuộc sống của Đức Kitô, dù ta có yếu đau hay khỏe mạnh, sau khi chết cũng như trước khi chết. Việc chữa bệnh là một thứ dụ ngôn về sự sống lại. Một nhà chú giải Kinh Thánh đường thời đã có một nhận xét mà về phần tôi, đã soi sáng tôi nhiều. ông nói: ngay từ thời Giáo hội sơ khai, trong phụng vụ, người ta đã không bao giờ đọc một đoạn Tin Mừng về việc Chúa chữa bệnh để xin Người chữa các bệnh nhân có vẻ phù phép, nhưng chỉ đọc để loan báo việc Chúa sống lại.

 

  1. Suy niệm của William Barclay

Sự chữa lành mười người cùi bắt đầu chu kỳ những biến cố cuối cùng cảu đánh dấu những chặng đường chót của Chúa Giêsu trong hành trình hường về Giê-ru-sa-lem. Lu-ca ghi lại phép lạ này rất thích hợp, vì đặc điểm chính của câu chuyện là lòng biết ơn và phước lành của một người Sa-ma-ri, mà Lu-ca luôn luôn mô tả Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế chẳng phải riêng cho người Do Thái mà cho cả nhân loại.

Tuy nhiên trong phép lạ này còn có một đặc điểm khác, những người cùi này được truyền lệnh đi khai cho các thầy tư tế rằng họ đã khỏe mạnh trước khi họ được chữa lành. “Đang khi họ đi thì được sạch”. Hành động theo đức tin sẽ được thưởng. Ngài truyền lệnh cho họ hành động như đã nhận được lời cầu xin ấy, rồi cùng với hành động đức tin, lời cầu nguyện được nhận. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu bao hàm một lời hứa, và đối với mọi lời hứa của Ngài, chúng ta có thể luôn luôn tin cậy trong an toàn tuyệt đối.

Lúc ấy Chúa Giêus đang đức trên bờ cõi xứ Ga-li-lê và Sa-ma-ri, có một tốp người cùi ra đón Ngài. Chúng ta đã biết người Do-thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri, nhưng trong số này có ít nhất là một người Sa-ma-ri. Đây là một dẫn chứng về một quy luật trong cuộc sống. Nỗi bất hạnh chung đã phá đổ những bức rào ngăn cách về chủng tộc, họ đã quên mình là Do-thái hay Sa-ma-ri, và chỉ còn nhớ rằng mình là những con người đang có nhu cầu. Người ta cho biết, khi có một trận lụt tràn ra trên một vùng đất nào, các thú vật phải tụ trên một mô đất cao, thì bạn sẽ thấy chúng đứng chung được với nhau, dầu vốn dĩ chúng từng thù địch nhau, và trong dịp khác, hẳn chúng đã dùng hết để cắn xé nhau đến chết. Chắc chắn một điều có thể kéo mọi người lại gần nhau, ấy là niềm khát khao chung của họ đối với Thiên Chúa. Tốp người cùi đứng đàng xa. Họ phải đứng cách xa bao nhiêu thì luật không nói rõ, nhưng có một thẩm quyền cho biết khi chiều gió thổi xuôi từ người cùi tới người lành thì người cùi phải đứng cách xa bốn mươi mét. Điều đó nói lên rõ ràng sự cô lập khủng khiếp mà người cùi phải chịu trong đời sống.

Trong các sách Phúc Âm, không có câu chuyện nào cho thấy rõ lòng vô ân cảu con người một cách chua chát như câu chuyện này. Những người cùi này đã đến với Chúa Giêsu trong niềm hy vọng cao độ, Chúa Giêsu chữa lành cho tất cả, chín người trong số đó đã không trở lại cám ơn Ngài. Thường là thế, một khi người ta nhận được điều mình mong muốn, người không bao giờ trở lại.

  1. Con người thường hay quên ơn cha mẹ.

Lúc còn bé nếu chúng ta bị bỏ quên trong một tuần lễ chắc là chúng ta đã chết. Trong các loài sinh vật, chỉ có con người cần thời gian lâu dài hơn cả mới có thể tự lo được các nhu cầu thiết yếu cho đời sống mình. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.” Suốt bao năm trời đằng đẵng, chúng ta phải lụy cha mẹ trong tất cả mọi sự. Nhưng rồi một ngày ta thấy cha mẹ phải trở nên một nỗi phiền hà quấy rầy chúng ta, và có ít người biết nghĩ đến đền đáp công ơn cha mẹ.

Có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt, vừa khả năng của nó, nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công việc nặng nhọc. Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ nằm liệt giường. Thế là con nhỏ phải giúp, và cả thay thế mẹ trong nhiều công việc, nhưng không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi hững công tác chưa nhận tiền thưởng gồm: xách nước hai giờ, nấu cơm ba giờ, giặt quần áo năm giờ… tất cả các thứ tính chung trong một tuần là tám giờ. Xong, em rón rén vào phòng, dúi tờ hóa đơn vào tay mẹ. Ba phút sau, bà mẹđưa cho em tám giờ kèm theo một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi: công sinh, công dưỡng nuôi, công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau bệnh nhân mười năm: chưa có mục nào được thanh toán cả! Cầm tờ hóa đơn trong tay, em nhỏ chợt hiểu, vội vàng chạy vào xin lỗi mẹ.

  1. Chúng ta hay quên ơn đồng loại mình.

Không mấy ai trong chúng ta chưa từng mang ơn lớn đối với một người nào. Ngay lúc đó ít ai nghĩ rằng rồi đây mình sẽ quên ơn, và cũng ít người trong chúng ta đã trả xong nợ tri ân mình đã mắc. Thường là một người bạn một thầy dạy, một người khách qua đường, một bác sĩ làm cho chúng ta một ơn gì đó mà chúng ta không thể báo đáp. Thảm kịch của cuộc đời là người ta không muốn cố gắng để trả ơn nữa.

Vào dịp lễ tạ ơn, cô giaó bảo các em học sinh lớp một vẽ tranh về điều gì chúng em mang ơn. Cô thầm nghĩ: chắc sẽ chẳng có gì đặc biệt: lại những con gà quay hay bàn tiệc đầy đồ ăn là cùng, và cô đã sững sờ trước bức tranh của Douglas, một bàn tay!

Nhưng bàn tay của ai đây? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em nói:

– Em nghĩ đó là bàn tay Thiên Chúa đã ban của ăn cho chúng ta.

– Đó là bàn tay của bác nông dân vì đã nuôi những con gà, một em khác nói.

Cuối cùng, khi các em đang làm việc, cô giáo cúi xuống bên Douglas và hỏi xrm bàn tay đó là của ai thì em khẽ nói: Thưa cô đó là bàn tay của cô!

Cô giáo nhớ lại vào giờ ra chơi, cô thường dùng bàn tay dắt Douglas, đứa trẻ tầm thường khốn khổ. Mặc dù cô vẫn làm điều đó với các đứa khác, nhưng với Douglas, nó lại mang một ý nghĩa rất đặc biệt.

  1. Thường chúng ta hay quên ơn Thiên Chúa

Trong giờ phút túng cực, chúng ta cầu nguyện thật hăng say thống thiết, túng cực qua rồi chúng ta quên ơn Chúa. Biết bao người trong chúng ta không hề biết cảm tạ Chúa trước bữa ăn nữa, Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài, mà ta lại không bao giờ biết nói lên lời cảm tạ Chúa.

Thi sĩ Lamatine người Pháp có kể lại một giao thoại như sau: một hôm ông tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe có một âm thanh kỳ lạ: cứ sau một tiếng búa đập vào đá lại vang lên một tiếng cám ơn! Đến gần nơi phát ra âm thanh thi sĩ mới nhìn thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên hai tiếng “cám ơn”.

Thi sĩ nấn ná đến hỏi chuyện, người thợ đá mới giải thích: “Tôi tạ ơn Chúa! Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than hơn nhiều người, thi sĩ bảo:

– Giả như bác được giàu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “cám ơn”. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không ngó ngàng gì tới bác nữa, thế thì tại sao bác lại mọi miệng cám ơn Ngài?

– Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?

– Dĩ nhiên- Lamactin bèn thách thức – Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần thôi!

Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, náo nức thốt lên:

– Tôi nghĩ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và chỉ một lần thôi, vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vậy, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!

Nói xong, người thợ đá đã bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông: vừa đập đá vừa cám ơn Chúa!

Lời cảm tạ tốt nhất chúng ta có thể dâng lên Chúa là cố gắng sống xứng đáng với tình thương và lòng nhân từ của Ngài, mỗi ngày hơn lên:

“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi

Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.” (Tv 103,2)

 

home Mục lục Lưu trữ