Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1377364
CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
Chờ đợi Chúa đến - Lm Luy Hữu Độ
Cách đây khoảng 15 năm, một tờ báo bên Nước Anh mở một cuộc thi tuyển có tên là “Người chồng gương mẫu nhất nước”. Kết quả là ông John Lavangham đã dành được cái tước hiệu này. Không ai phàn nàn về sự tuyển lựa này vì mỗi sáng ông đều mang cà phê vào tận giường cho vợ. Giúp vợ rửa chén bát, đi chợ dùm vợ và nếu có chuyện gì vợ lên tiếng mắng chửi thì ông không bao giờ hé môi nói lại nửa lời. Chỉ có thế thôi khiến ông hạ đo ván 569 đối thủ khác ngon lành. Ngoài tước hiệu “Người chồng gương mẫu nhất nước” ông còn được một giải thưởng bằng Anh kim tương đương 570,000 đô la Mỹ. Thế nhưng oái oăn thay, vừa lãnh tiền xong thì ông đã điện thoại cho một vị luật sư giỏi để làm một lá đơn ly dị vợ. Ông John đã chờ đợi 16 năm trời trong áp bức, khổ sở mà hôm nay ông mớk có hy vọng thoát ra khỏi đó.
Mùa Vọng là mùa chờ đợi Chúa đến. Chờ đợi là một sự kiện rất quen thuộc trong cuộc đời con người. Tôi chờ một cánh thư, một gói hàng, một cú phone, một chuyến bay. Các em thiếu niên chờ đến tuổi lái xe. Đôi bạn trẻ chờ ngày cưới nhau. Công nhân chờ ngày lãnh lãnh check. Đi tàu chờ ngày vào bến. Học sinh chờ ngày nghỉ học... Là con người chúng ta luôn luôn chờ đợi vì cuộc đời tự nó không bao giờ hoàn tất, luôn luôn có một cái gì sẽ tới, sẽ xảy ra. Mùa Vọng dậy chúng ta kiên nhẫn, hân hoan và hy vọng chờ đợi Thiên Chúa đến.
Có 4 giai đoạn Chúa đến với mỗi người chúng ta:
- Giai đoạn thứ nhất Chúa đã đến rồi, đến trong hình ảnh một hài nhi sinh trong máng cỏ. Chúa đến làm người và sống giữa con người. Đây là giai đoạn hồng ân, khởi đầu ơn cứu chuộc.
- Giai đoạn thứ hai là giai đoạn hiện tại, Chúa đến rất bình thản, rất thông thường, qua việc chúng ta rước lễ, đọc Kinh thánh, qua việc chúng ta đi học, đi làm - qua việc chúng ta chịu bệnh tật khổ đau, qua những người chúng ta tiếp xúc, nhất là người nghèo khó, bất hạnh...
- Giai đoạn thứ ba Chúa đến trong lặng lẽ, từ từ - có khi đột ngột, mau chóng. Đó là cái chết của mỗi người. Đây là giai đoạn quyết liệt vì định đoạt số phận đời đời của mình.
- Giai đoạn thứ tư Chúa đến một cách vinh quang, đến trong ngày tận thế. Mọi kẻ thù phải thần phục Ngài, mọi vinh quang, uy quyền đều thuộc về Ngài. Chúa đến để tách chiên ra khỏi dê, lúa mì ra khỏi cỏ lùng. Chúa đến để thưởng nguời lành, phạt kẻ dữ. Đây là giai đoạn quang lâm.
Như vậy cuộc đời của chúng ta đúng lý ra là một mùa Vọng triền miên, vì luôn luôn chúng ta đón chờ Chúa đến. Nếu chúng ta đã đón Chúa đến trong giai đoạn bổn phận một cách tử tế: như làm lành lánh dữ - kính trọng, yêu thương mọi người - giúp đỡ người bất hạnh - năng chịu các bí tích - sống tinh thần Phúc âm... thì khi Chúa đến trong giai đoạn quyết liệt, tức qua cái chết, chúng ta vẫn sẵn sàng thưa: “ Lạy Chúa con đây ”.
Đã có chờ đợi thì không thoát khỏi nhỡ nhàng. Nhỡ một chuyết tàu, nhỡ một cái hẹn, nhỡ một cái thư... Nhưng những cái nhỡ đó có thể bù đắp được. Tuy nhiên nếu “ nhỡ” số phận đời đời của mình thì mất tất cả, ân hận suốt đời. Cái “nhỡ” này nguy hiểm vô cùng, không ai có thể chuộc lại. Chẳng ai sống mãi ở giai đoạn bổn phận vì sẽ có ngày chúng ta chạm tay vào giai đoạn quyết liệt. Nhưng chính giai đoạn bổn phận định đoạt cho ta số phận đời đời ở giai đoạn quyết liệt. Chúng ta biết mình phải sống thế nào để cuối cùng được nghe những lời sau đây: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung thành, hãy vào hưởng phần hoan lạc với chủ ngươi”.
57. Tỉnh thức
Anh chị em thân mến,
Cách đây mấy ngày hôm, một em sinh viên báo cho biết: bạn của em bị đau gan cách nay hơn tháng. Mới đầu chỉ thấy hơi sốt vào buổi chiều, biếng ăn, mất ngủ, sụt cân. Em này đi bác sĩ dưới tỉnh bảo suy nhược cơ thể. Cách nay một tháng đi bác sĩ ở thành phố, làm hết mọi xét nghiệm, mới lòi ra bệnh gan thời kỳ cuối. Hết thuốc chữa; dù vậy gia đình chạy đủ thầy đủ thuốc; thuốc tây không xong, qua thuốc Bắc thuốc Nam, rồi.... hôm nay phải khiêng ra gò! Bó tay! Có người nói: Chúa sao không có lòng thương xót? Mới 23 tuổi mà bỏ thế gian rồi! Thực ra tuổi nào mà không chết? Có điều dưới ánh sáng niềm tin kitô giáo, mỗi người chúng ta có thức tỉnh, sẵn sàng chờ Chúa đến không? Đó chính là điều Hội thánh mong muốn chúng ta suy niệm trong mùa Vọng năm nay...
a/. Tỉnh thức là gì? Marcô muốn nói gì? Thánh Marcô là "thư ký" và là "con" của thánh Phêrô, nên sách Tin mừng của ông, hầu như ghi lại các bài giảng của Phêrô. Riêng với bài Tin Mừng này, Marcô dùng từ "tỉnh thức", hình như có tương quan với nhiệm vụ "trông coi", nhiệm vụ tông đồ của Phêrô. Cũng có thể nhắc đến bài học "tỉnh thức" trong vườn cây dầu, cả đến chuyện "tỉnh thức" để không vấp ngã trước cám dỗ của tội chối Chúa của Phêrô, trước khi gà gáy hai lần.
Từ "tỉnh thức" phải đi liền với "ý thức". Cả hai nội dung đó đều diển tả bản chất của con người có lý trí, vì khi ta ngủ, ta mất ý thức. Ta chỉ hoàn toàn ý thức khi ta tỉnh thức. Việc Chúa sinh làm người sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến con người, nếu ta không có ý thức. Thực tế Chúa vẫn còn vắng mặt trong tâm thức của nhiều người; điều đó đưa đến đau khổ, chết chóc, không bình an, đầy chiến tranh...
b/. Bài Tin Mừng hôm nay dạy ta điều gì? Có mấy điều Hội thánh muốn nhắc nhở:
* Tỉnh thức để cảm nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện:
Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh của những làn sóng điện, âm thanh đầy dẫy quanh ta. Chúng ta không biết, không nhận ra nó bằng giác quan bình thường. Muốn nhận ra, chỉ cần có cái máy server: là cái radio, cái computer, điện thoại di động, khi mở lên là cả một thế giới thông tin thú vị hiện đến cho chúng ta. Người ta nói: chỉ cần ta biết đón nhận, biết sử dụng mà thôi.- Cùng cách thức tương tự, với mỗi người kitô hữu chúng ta, nếu muốn nhận ra tiếng nói của Chúa, hình ảnh Chúa, sự hiện diện của Người, chúng ta cần một máy server bên trong, đó là lương tâm, là niềm tin của ta. Mùa Vọng là mùa cần tỉnh thức, nhờ lương tâm và niềm tin mà chúng ta nghe được tiếng Chúa nói, cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và trong các bí tích.
* Tỉnh thức để tránh xa tội lỗi:
Thánh Phêrô và các môn đồ được Chúa Giêsu nhắc nhở trong vườn cây dầu: "hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ"(Mc 14, 38). Thánh Phêrô hiểu rõ điều này lắm vì chính ngài đã một lần, vì không tỉnh thức mà đã 3 lần chối Chúa, trước khi gà gáy 2 lần. Sau này, trong cuộc hành trình truyền giáo, khi giảng dạy, thánh Tông đồ Cả đã không sĩ diện, khi nhắc lại cho mọi người về lầm lỗi của mình. Đó cũng là thái độ can đảm nêu gương thiếu tỉnh thức để mọi người nhìn vào mà tránh xa. Tâm hồn của thánh nhân thật đơn sơ, mà cũng thật khiêm tốn. Đáng kính phục thay!
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một lần gặp gở 200 trẻ em dịp truớc lễ Giáng sinh 1980, đã nhắc nhở các em: "Các con hãy tỉnh thức, cụ thể các con hãy dọn mình kỷ lưỡng bằng việc đi xưng tội; vì... chính Cha cũng sẽ đi xưng tội, để đón tiếp Chúa Hài nhi cách xứng đáng."
* Tỉnh thức vì Chúa sẽ đến bất ngờ:
Mùa Vọng chính là mùa Hội thánh kêu mời ta hãy tỉnh thức, chờ đón Chúa đến. Chờ đón Chúa đến trong chính ngày lễ Noel, để Chúa ban ánh sáng và sức sống cho ta. Chờ đón Chúa đến mỗi khi ta lãnh nhận các bí tích, để Người ban ơn sủng, thêm sức mạnh cho ta. Chờ đón Chúa đến trong cuộc sống bình thường để Người chia vui xẻ buồn với ta và gia đình ta. Chờ đón Chúa đến trong giờ sau cùng của cuộc đời ta, để Người nâng đở, ban ơn và an ủi trong những giờ phút quyết liệt khi ta sắp giả từ cuộc sống trần thế này.
Nếu hiểu như trên, ta sẽ thấy cuộc đời kitô hữu chính là phải tỉnh thức chờ đợi, từng phút từng giây giờ Chúa đến. Người sẽ đến bất ngờ, "vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết" (Mt 24, 44). Câu chuyện ở đầu bài suy niệm sẽ cho ta thấy rõ điều này. Thực tế trên đời ai mà không chết, nhưng điều quan trọng chính là ta đừng để ngày giờ đó bất ngờ xảy tới, mà ta chưa chuẩn bị gì cả....
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Mùa Vọng là mùa hi vọng, chuẩn bị đón Chúa đến, với phúc lành, bình an, niềm vui cho mỗi người chúng ta. Bao lâu nay ta đã chờ đợi Chúa thế nào? Có phải ta chỉ tỉnh thức, chờ đón qua những chuẩn bị rình rang bên ngoài mà thôi? Hay thực tâm chúng ta chờ đón Chúa đến trong tâm hồn, để Người ban phúc hành và bình an cho đời sống mỗi người chúng ta và gia đình chúng ta?
58. Mở rộng tâm hồn đón Chúa - Lm Nguyễn Bình An
“Trời cao xin đổ sương xuống. Mây hãy mưa vị cứu tinh. Đất hãy nẩy sinh Đấng cứu đời và không trung biểu dương oai phong Chúa Trời” là nhưng tiếng ca hy vọng, nức nở và ai oán, diển đạt tâm trạng sa lầy của con người. Sa lầy trong cuộc đời khổ ải và gian truân. Sa lầy vì duyên nợ oan nghiệt và tình đời đắng cay. Sa lầy vì tâm cao hơn trời nhưng đam mê và dục vọng đóng khung và đầy đọa con người dưới đất. Sa lầy vì hạnh phúc vụt bay và tiền, tình, tài chỉ là tai họa. Sa lầy vì thân xác héo khô, mỏi mòn và tâm hồn sầu buồn, khắc khoải.
Con người hoàn toàn bất lực trong tiến trình tu thân tích đức. Con người không thể tự giải phóng bản thân khỏi những đam mê, dục vọng và yếu đuối. Con người không thể giải hóa nổi những đố kị, tranh chấp và tị hiềm. Con người vì thế ngước mắt lên trời cao, thét gào ơn cứu độ và xin mưa ơn công chính. Khát vọng nên công chính là nguyên nhân và ý nghĩa của mùa Vọng. Ơn công chính như nước tưới sa mạc khô cằn để cây cỏ xanh tươi và cuộc đời thêm ý nghĩa và đáng sống.
Ngày rước lễ vỡ lòng, bé Thanh xúng xính trong bộ đồng phục thiên thần. Bé vui nhận những món quả sau nghi thức thánh. Bé ôm chặt mẹ và ngây thơ tâm sự “Mẹ ơi, con muốn chết bây giờ để lên thiên đàng. Con sợ sau này con lớn sẽ có nhiều tội và mất phúc thiên đàng”. Tâm tình đơn thành của em là của mỗi chúng ta. Có lúc chúng ta tươi trẻ và xinh đẹp như thiên thần. Có lúc chúng ta ngã sa và đáng trách như tên quỉ sứ. Lại có những lúc chúng ta hối hả gõ cửa trời và vùng vẫy kêu cứu. Đáng khen! vì đây là dấu hiệu của cuộc chỗi dậy.
Lúc ấy Chúa thân hành đến nâng dậy, vỗ về, thanh tẩy và ban lại niềm vui đã mất. Chúa hành động liên lỉ và mãnh liệt lôi chúng ta ra khỏi vòng kiểm toả của tối tăm. Chúa không vui gì khi nhân loại sống trong sa đọa. Chúa dùng mọi hình thức: dậy dỗ, trách phạt, ngăm đe, những mong cảnh tỉnh và đưa chúng ta ra khỏi bến mê. Có thể khẳng định là Chúa đã dùng mọi phương tiện để ơn cứu độ tuôn tràn vào mỗi cá nhân. Tình trạng sa lầy và dậm chân tại chỗ là do chính chúng ta tạo mãi. Chúng ta xua đuổi và chối từ Chúa. Chúng ta trốn chạy và bịt tai trước những lời kêu mời thân thương và từ ái. Chúng ta đã bỏ lở cơ hội và quay lại tố là Chúa không thương, không giúp.
Trời vẫn ban mưa. Cứu Tinh vẫn đang mời mọc. Đất tiếp tục sinh hoa kết trái. Chỉ có lòng người khô cằn. Tiên tri Isaia cảnh cáo “đời ngươi tội lỗi. Chiếc áo dơ bẩn là công quả đời ngươi. Ngươi không cầu cũng không bám vào Chúa. Vậy ơn cứu độ bởi đâu đến?”
Chúng ta phải moi đá lên, thay đất tốt vào và nhận hạt giống tinh tuyền. Mưa rơi, hạt giống chuyển mình và phát triển. Lời Chúa văng giải quá dư. Tiếng Chúa vang dội khắp chốn. Hôm nay Chúa lại đến gõ cửa nhân loại. “Hãy tỉnh thức vì chủ đến vào lúc người không ngờ”.
Mùa Vọng này chúng ta không mong trời đổ mưa, không cầu mây chuyển Đấng Cứu Độ, không trách đất chưa sinh hoa trái và không phủ nhận vinh quang Chúa nữa. Trái lại chúng ta cầu cho bản thân mình được đứng lên, rướn cao hơn nữa và can đảm bước tới. Vạn sự phải khởi đầu nơi con người yếu đuối và đang sa lầy này. Phản tỉnh là cơ hội và điều kiện để chúng ta kín múc ơn trời, và không lãng phí tình Chúa như những năm trước. Những năm chỉ biết kêu trách và nài xin Chúa bố thí phép lạ nhưng không tích cực cộng tác, thiếu thiện chí thay đổi, chưa can đảm bước tới và không mở lòng đón Chúa.
Chúa trên cao đang giang tay đón chờ. Cửa trời luôn rộng mở. Lời Chúa luôn vang dội. Ơn thánh đang tuôn trào. Bao giờ chúng ta mới tỉnh mộng và sống đúng ý nghĩa mùa Vọng?
59. Người giữ cửa canh thức ban đêm
(Chú giải của Lm. FX Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Bài này rút từ Diễn từ cánh chung (ch.13) của Tin Mừng Marcô là chương nói về những vấn đề của thời buổi cuối cùng. Diễn từ này kết thúc bằng một lời kêu gọi khẩn thiết hãy tỉnh thức. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những người đang được Đức Giêsu ngỏ lời với (13,3), nhưng nhắm đến tất cả mọi người (13,37). Lời kêu gọi này được tác giả Mc nêu bật bằng hình ảnh người giữ cửa.
Vậy “tỉnh thức” trong Mc 13 có nghĩa là gì? Là không “ngủ” (c. 36). Nhưng hẳn không phải chỉ có nghĩa đen ấy.
2.- Bố cục
Đoạn văn này được bố cục theo kiểu cấu trúc đồng tâm (chuyển hoán), với đỉnh cao là c. 35:
a: Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (c. 33);
b: Dụ ngôn người chủ đi xa (c. 34);
c: Lặp lại lời kêu gọi mở đầu và áp dụng theo dụ ngôn (c. 35);
b’: Tiếp nối dụ ngôn người chủ đi xa trở về (c. 36);
a’: Lặp lại lời kêu gọi “tỉnh thức” mở đầu, và gửi đến mọi người (c. 37).
Chúng ta cũng có thể thấy đây là một kết cấu song song, nhằm làm nổi bật ý tưởng ta không biết thời gian quang lâm; do đó, có hệ luận: phải tỉnh thức.
Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức (33a)
Vậy anh em phải canh thức (35a)
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến (34c)
vì anh em không biết khi nào (35b)
phải canh thức (34c)
không được ngủ (36b)
3.- Vài điểm chú giải
- hãy tỉnh thức (33): Tác giả dùng động từ lạ agrypnete, đồng nghĩa với động từ quen thuộc grçgoreite; đây là một từ của nền văn chương khôn ngoan (G 21,32 LXX; Cn 8,34; Dc 5,2; Kn 6,15; Hc 36,16. Các bản Tân Ước khác cũng có dùng: Lc 21,36; Ep 6,18; Dt 13,17).
- cũng như người kia trẩy phương xa..., và ra lệnh cho người giữ cửa (34): Có một điểm gây thắc mắc: Nếu ông chủ đi phương xa, thì “để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ” là hợp lý rồi. Còn “chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” là cách bố trí của người đi vắng trong một thời gian ngắn. Tại sao lại chỉ lưu ý đến việc “canh thức” ban đêm? Ở đây tác giả Mc nối kết nhiều truyền thống: những lời Đức Giêsu kêu gọi tỉnh thức, dụ ngôn những nén bạc (Mt 24,42; 25,13-15; Lc 12,36-38; 19,12-13), với dụ ngôn người giữ cửa của riêng ông cộng với truyền thống kinh sư về ý nghĩa của “đêm”. Trong TM Mc, không có dụ ngôn “những nén bạc” như trong Mt và Lc.
- lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng (35): Người Rôma chia một đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo dài 3 giờ. Còn người Do Thái quen chia đêm thành 3 canh (x. Tl 7,19; Lc 12,38). Nhưng tại sao bài Tin Mừng lại chỉ chú trọng đến “đêm”?
Trong nền văn chương Do Thái giáo, thời gian hiện tại thường được coi như một “đêm”, còn tương lai được ví với một “ngày” hoặc một “buổi sáng”. Những câu Cựu Ước nói về “đêm” theo nghĩa đen thường được áp dụng cho “đêm” của thế gian này. Chẳng hạn lời ông Bôa nói với bà Rút: “Hãy qua đêm ở đây” (R 3,13) được Rabbi Meir (#150 sau CN) trích quy chiếu về “thế gian hoàn toàn là đêm tối ấy” (Rút R. 6,4). Các kinh sư thường áp dụng từ ngữ “canh khuya” trong Tv 92 (“Thú vị thay... được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”) cho thời gian hiện tại (Midr. Tv 92,7). Sách Talmud chú giải câu Tv 104, 20a như sau: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối” là câu nhắm đến thế giới hiện nay, được so sánh với đêm tối.
Giống như các kinh sư, thánh Phaolô đã dùng những ý tưởng về “đêm” để mô tả thời kỳ hiện tại cho đến ngày Quang Lâm (Rm 13,12). Vì thế, ông đã kêu gọi người Rôma: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy” (13,11), vì ơn cứu độ đã gần họ hơn khi họ mới tin, vì “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12; x. 1 Tx 5,5tt). Ông còn nói: “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2). Hình ảnh “kẻ trộm đến ban đêm” không có trong nền văn chương Do Thái, mà chỉ có trong Tân Ước thôi (Mt 24,42-44; Lc 12,39t; 2 Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15). Đây là một yếu tố thuộc truyền thống Ki-tô giáo bắt nguồn từ Đức Giêsu. Từ đó ông khuyên người Thêxalônica hãy tỉnh thức (1 Tx 5,6).
Vậy lời kêu gọi hãy tỉnh thức chờ đợi ông chủ trở về vào một lúc nào đó trong đêm khuya phải được hiểu theo chiều hướng này.
Nhưng làm thế nào dung hòa được hai chi tiết “trẩy phương xa” (đi lâu) và “về lúc chập tối” (đi ngắn hạn)? Trong văn chương Do Thái giáo, có một dụ ngôn na ná với dụ ngôn Mc 13,34tt: Một bà chủ nhà có một nữ tỳ Êtióp. Chồng bà vượt biển đi xa. Suốt đêm, người nữ tỳ nói với bà: “Tôi đẹp hơn bà, đức vua yêu tôi hơn bà”. Bà chủ đáp: “Đến sáng rồi chúng ta sẽ biết ai là người đẹp hơn, ai là người được đức vua yêu thương”. Bài tường thuật tiếp: Các dân nước nói với Israel: “Các hành vi của chúng tôi thật đáng khen, và Đấng Thánh – xin chúc tụng Ngài – hài lòng về chúng tôi”. Rồi bài quy chiếu về Is 21,12 mà giải thích rằng “buổi sáng” đang đến là thời gian tương lai (Dân số R. 16,23 [70b]).
Bài dụ ngôn này cũng có những chỗ không ăn khớp với nhau, và có những chi tiết giúp hiểu bài Mc: đêm tối chính là thời gian hiện tại với những phiền muộn mà dân Chúa phải gánh chịu.
- phải canh thức (36): Trong nền văn chương Do Thái giáo, chủ đề “canh thức” được đề cập đến trong một viễn tượng quốc gia. Israel lúc đó đang bị các vương quốc của thế gian áp bức, chà đạp. Nhưng trong tương lai cánh chung, hoàn cảnh sẽ đảo ngược, Israel sẽ chiến thắng, sẽ nhận được danh dự và vinh quang. Đó là “ngày”.
Trong Tân Ước, giọng điệu ái quốc này không còn nữa. Nay người tín hữu phải chiến đấu “với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này” (Ep 6,12). Thế gian đang nằm dưới quyền của thần dữ (1 Ga 5,19). Thế gian đã quay lưng lại với Ngài, là nguồn ánh sáng. Vì thế, thời gian hiện tại chính là thời kỳ của bóng tối và đêm khuya.
Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, sấm ngôn Is 9,1 nói về ánh sáng đã ứng nghiệm (x. Mt 4,16). Đức Giêsu là ánh sáng soi chiếu trần gian (x. Lc 2,32; Ga 1,5; 8,12; 12,46). Ai tin vào Đức Giêsu, Đấng Mêsia, thì không phải ở trong bóng tối (Ga 12,46; x. 3,19; Cv 26,18; Cl 1,13; 1 Pr 2,9; Ep 5,8). Nhưng dù đã được giựt ra khỏi vương quyền của bóng tối (Cl 1,13), dù đã trở thành con cái ánh sáng và ban ngày (1 Tx 5,5), người ấy vẫn còn sống trong thời gian của “đêm tối”, vẫn còn ở trong một hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, có thể sa ngã, bị tà thần của thế gian hiện tại nắm bắt lại. Để mình bị những sức mạnh thế gian chiến thắng, buông mình theo những chuyện thế gian, đó chính là “mê ngủ”. Trong dụ ngôn, “giấc ngủ” tương ứng với “đêm”: “giấc ngủ” thuộc về “đêm”, bởi vì người ta ngủ ban đêm.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (33)
Lời kêu gọi mở đầu này xác định chủ đề của đoạn văn: Phải tỉnh thức. Các môn đệ của Đức Kitô cần phải canh thức, bởi vì họ không biết ngày giờ (“thời ấy”) của cuộc Quang Lâm.
* Dụ ngôn người chủ đi xa (34)
Điểm chính của dụ ngôn là: ngày trở về của ông chủ là biến cố người ta không thể tiên liệu. Ông có thể về bất cứ lúc nào: chính khía cạnh này buộc người giữ cửa phải canh thức liên tục. Nhưng ông cũng có thể đi lâu: chính vì thế các gia nhân cứ phải sinh hoạt để điều hành các công việc của nhà và sinh lợi cho chủ. Các môn đệ của Đức Giêsu vừa là “các gia nhân” vừa là “người giữ cửa”; họ phải vừa làm việc vừa canh thức. Có thể hiểu đây là các vị lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu.
* Lặp lại lời kêu gọi mở đầu và áp dụng theo dụ ngôn (35)
Lời kêu gọi được lặp lại như một điệp khúc, nhưng ở đây, công thức “khi nào thời ấy đến” đã được giải thích bởi công thức song song “khi nào chủ nhà đến”. “Thời ấy” chính là lúc chủ nhà trở về, tức ngày Quang Lâm của Đức Giêsu. Tác giả diễn tả sự bấp bênh cách biểu tượng theo cái khung một ngày: “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”.
* Tiếp nối dụ ngôn người chủ đi xa trở về (36)
Các môn đệ của Đức Giêsu đang ở trong “đêm”, nhưng họ không được “ngủ”; họ vẫn sinh hoạt bởi vì ông chủ có thể về ngay trong đêm nay. Họ phải canh thức. Bởi vì biến cố ông chủ trở về thay đổi mọi sự, ta hiểu “làm việc” là “cùng làm việc”. Đức Giêsu đang hành động trong thế giới để đưa đến một nhân loại mới. Người lôi kéo con người vào làm việc với Người, làm cho họ thành những đầy tớ phục vụ hoạt động của Người. Nhưng để có thể cộng tác với Đức Giêsu, họ phải tỉnh thức để nhận ra những gì Người đang làm.
* Lặp lại lời kêu gọi “tỉnh thức” mở đầu, và gửi đến mọi người (37)
Lời kêu gọi ở đây chính là lời kêu gọi ở c. 33 được lặp lại. Cùng với lời kêu gọi ở c. 33, lời kêu gọi ở c. 37 này “đóng khung” toàn bài, đã xác nhận toàn bản văn bên trong được triển khai theo chủ đề “Sự tỉnh thức”. Nhưng đến đây, lời kêu gọi được gửi rộng rãi đến tất cả mọi người, nghĩa là không chỉ dành cho các vị lãnh đạo cộng đoàn, nhưng cũng được gửi đến toàn thể cộng đoàn Kitô hữu.
+ Kết luận
Vậy, “phải canh thức”! Đang khi tiến đi trong thế giới của đêm đen, người tín hữu được mời gọi thực hiện ơn gọi của mình và ân huệ đã nhận, đó là được làm con cái ánh sáng, mắt đăm đăm hướng về ngày chủ trở lại và về “ngày” đang đến. Sự canh thức ở đây mang tính cánh chung: hoàn toàn quay hướng về phía trước, về biến cố Đức Kitô sắp ngự đến trong tương lai. Theo nghĩa này, người tín hữu không thể canh thức nếu không chấp nhận chiến đấu (Rm 13,11tt; các vũ khí: 1 Tx 5,6-8; 1 Cr 16,13; Ep 6,10-20; 1 Pr 5,8t). Canh thức như thế là ngay từ bây giờ, sống trước đời sống tương lai (x. Rm 13,13). Thái độ cánh chung không khiến người ta phủ nhận thế giới, nhưng giúp người ta có một thái độ tự do lành mạnh, thanh thoát đối với tất cả những gì thuộc về thế giới, không sợ hãi loài người, không tìm danh vọng, không khắc khoải trước gian khó, đau khổ và cái chết (x. 1 Cr 4,3t).
5.- Gợi ý suy niệm
1. “Canh thức” trong đêm tối của thời gian hiện tại trong khi chờ đợi Đức Giêsu trở lại, chính là đang sống trong tư cách những người đã được giải thoát, bởi vì bất cứ khi nào đến, Đức Giêsu sẽ bằng lòng nếu thấy các môn đệ của Người đang sẵn sàng với Người. “Canh thức” chính là một cách thức thường hằng người Kitô hữu theo mà sống trong thế giới.
2. Canh thức như thế cũng là sống trong niềm vui. Niềm vui này không hề lệ thuộc những chuyện thay đổi của thế gian, vì nó trào vọt ra từ một nguồn mạch vĩnh hằng là chính Đức Giêsu Phục Sinh. Canh thức như thế còn là sống trong bình an, cho dù có gặp phong ba bão táp, bởi vì chính Đấng Phục Sinh đã cam đoan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Cuối cùng, canh thức như thế cũng là sống niềm hy vọng, bởi vì cái nhìn của chúng ta luôn nhắm về phía trước, về thế giới đang đến, về “ngày” đang lại gần.
3. Tác giả Lohmeyer mô tả canh thức bằng câu nói: “Đời sống của người đạo đức không diễn tiến trong những trạng thái thiu thiu ngủ, những giấc mơ và những đam mê, nhưng trong nỗ lực dấn thân luôn luôn chăm chú và điều độ của con tim nhân loại”. Còn Schweizer định nghĩa canh thức là như “thái độ trong đó con người luôn luôn chờ đợi với tinh thần trách nhiệm Đức Chúa đến và không để mình bị sao nhãng trong thái độ sẵn sàng thường hằng này đối với Ngài bởi bất cứ điều gì”. Đấy là cách tốt để sống giáo huấn của Đức Giêsu.
60. Chú giải của Noel Quesson
Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức
Từ “Hãy tỉnh thức” được Chúa Giêsu nhắc lại bốn lần trong Tin Mừng Maccô.
Đó là lệnh truyền Đức Giêsu, ngay trươc lúc Người lên đường. Bởi vì, trong Tin Mừng Maccô, cuộc Thụ Khổ khởi sự liền sau trang này. Lạy Chúa, Chúa nhấn mạnh, Chúa yêu cầu chúng con luôn luôn sống tỉnh thức “Tỉnh thức”. Khi sắp tới vườn Ghétsêmani. Chúa thấu biết không một môn đệ nào của Chúa đứng vững. Thế nên, Chúa cố đề phòng cho họ: Anh em phải tỉnh thức, tỉnh thức, tỉnh thức!
Lạy Chúa, xin hãy lặp lại cho chúng con lời căn dặn như thế.
“Anh em phải coi chừng”. Đức Giêsu thường sử dụng từ này trong một bối cảnh cuộc “giao chiến”. Tình thức là để giao chiên. Tỉnh thức là chú ý đặc biệt, trong trường hợp nguy hiểm. Cần phải “coi chừng” để nghe lời Chúa (Mc 4,12), nếu không ta chỉ đứng bên lề mà để cho lời Chúa vuột qua. Cần phải “ coi chừng”, để ta giữ mình khỏi “men Pharisêu”, nếu không nó thấm nhiễn vào ta mà khong hay biết (Mc 8,15-12,38). Cần phải “coi chừng”, để không tin những kẻ báo trước tương lai, như thể họ nắm vững (Mc 13,5-13).
Thánh Phaolo sẽ sử dụng một thứ ngôn ngữ bi thiết để nói về thái độ tỉnh thức. Ngài đòi hỏi “thức dậy ngay” (Rm 13,11). Chính vì chúng ta đều dễ bị đờ đẫn nên cần phải nghĩ tình trạng mê mẩn sẽ xảy đến, khi ta lạm dụng nhiều thuốc ngủ. Đúng vậy, ta phải coi chừng trước tình trạng mê ngủ của lương tâm: Phản ứng tự vệ không còn hoạt động nữa... cũng như người lái xe vì uống quá nhiều, chỉ còn biết đâm đầu vào vật chắn cản. Như thế cần phải “dứt mình” ra khỏi tình trạng mê ngủ! Hơn nữa, để nói về thái độ “tỉnh thức”. Phaolô không ngần ngại sử dụng đến từ vựng về chiến tranh: Những “vũ khí” trang bị cho thái độ tỉnh thức (Rm 13,12; Ep 6,10; 1 Tx 5,6-8).
Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay, xin hãy lặp lại cho con “phải coi chừng”. Đời sống Kitô hữu luôn là cuộc giao chiến với những quyền lực, xem ra mãnh liệt hơn chúng con. Lạy Chúa xin giữ gìn chúng con biết tỉnh thức, cho giờ Chúa xuất hiện.
Vì anh em không biết khi nào ngày giờ ấy đến...
Môn đệ của Chúa Giêsu đặt cho Ngài câu hỏi: “Bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi tất cả sắp đến tận cùng thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13,4). Đức Giêsu không trả lời câu hỏi này. Các sấm ngôn đủ loại và thuộc mọi thời đại, đã báo trước ngày thế mạt cả rồi! Ở đây, Ngài trả lời một lần dứt khoát: “Anh không biết được bao giờ”. Đức Giêsu không muốn ta mất giờ mơ tưởng về quá khứ hay tương lai. Ngài đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào “giây phút hiện tại”, vào chính ngày Hôm nay: Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết... Anh em hãy luôn sẵn sàng.
Cha Charles de Foucault đã coi lời sau đây như châm ngôn sống: “Cố sống mỗi ngày, như thể chiều tối nay bạn sẽ chết”.
Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại giao trách nhiệm cho đầy tớ trông coi, chỉ định cho mỗi người một việc...
Thiên Chúa xem ra “vắng mặt”, như thể người kia trẩy phương xa! Đây là hình ảnh đẹp, diễn tả chọn vẹn cảm tình mà ta thường nghiện thấy: Lạy Chúa, sao Chúa ở xa quá! Chúa như là kẻ hoàn toàn khác lạ! Nhưng ta nên lưu ý, đối với Đức Giêsu, thời gian vắng mặt nêu trên, trước hết không phải là thời gian bất hạnh hay âu lo, nhưng là một thời mang đầy trách nhiệm: Mỗi người đều nhận một phận vụ, một công việc. Hầu như ta có cảm tưởng rằng ông “Chủ” này cố ý đi xa, để tạo cho các đầy tớ ông, một tầm quan trọng, để họ khỏi phải lúc nào cũng ám ảnh tới ông: Nào, hãy đảm nhận lấy trách nhiệm. Các bạn đâu còn là trẻ con nữa. Hãy quyết định, hãy suy nghĩ. Tôi tin tưởng các bạn … Tôi giao cho các bạn “mọi quyền hành”! Lạy Chúa xin giúp chúng con sống xứng đáng với trách nhiệm đã được Chúa giao phó: Trong gia đình, trong phạm vi nghề nghiệp, nơi khu phố, trong đoàn thể này hay hiệp hội kia trong Giáo Hội.
Ông ra lệnh cho người giữ cửa canh thức …
Ban đêm, người giữ của có một tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì bổn phận của ông là phải nghiêm chỉnh “canh thức”, đề phòng để ngôi nhà khỏi bị tấn công bất ngờ, không mở cửa cho bất cứ ai nhưng lại là người đầu tiên mở cửa đón tiếp ông chủ khi ông trở về. Thánh Maccô quen đề cao vai trò của Phêrô trong nhóm Mười Hai. Khi phân biệt được người giữ của với các đầy tớ khác, Đức Giêsu muốn lưu ý rằng, các vị chủ chăn trong Giáo Hội được mời gọi một cách hết sức đặc biệt phải “tỉnh thức”: Phêrô vị Giáo Hoàng, các Giám mục là những người đầu tiên có trách nhiệm tỉnh thức đối với toàn thể dân Chúa, cũng như người giữ cửa có bổn phận chăm sóc toàn thể ngôi nhà này. Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho những vị đang nắm giữ vai trò đó trong Giáo Hội hôm nay.
Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến.
Đức Giêsu đã nói đến thời gian vắng mặt … Ngài cũng loan báo thời gian trở lại … Chúng ta sẽ đi tới cuộc gặp gỡ này. Một ngày kia con sẽ gặp gỡ Chúa, mặt đối mặt và con sẽ thực sự nhận biết Chúa, như Chúa biết con (1Cr 13,12). Cuộc đời Kitô hữu là một hành trình tiến tới cuộc gặp gỡ đó.
Ông chủ sẽ trở về … vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
Thật là kỳ lạ khi ta nhận thấy Đức Giêsu chi gợi lên một cuộc trở về vào lúc đêm khuya! Thế mà tại Đông phương xưa kia, vì sợ nguy hiểm trên đường đi, người ta thường không du hành vào ban đêm. Chi tiết hơi kỳ di trên đây, mang một ý nghĩa biểu tượng, Kinh Thánh thường nhắc đi nhắc lại. Đêm khuya, đó là thời gian của bóng tối, thời gian của “quyền lực tối tăm” (Lc 22,23; Mc 14,49; Ep 6,12). Do đó đêm tối cũng chính là thời gian của cám dỗ, thời gian của thử thách. Vì thế phải đặc biệt tỉnh thức lúc đêm khuya. Cựu Ước mong đợi thời của Đấng Thiên sai như giai đoạn mà bóng tối sẽ chấm dứt, để nhừng lại chỗ cho ánh sáng. Để diễn tả nỗi lòng mong ước, ngôn sứ đã cất tiếng nói: “Hỡi người canh thức, đêm còn mấy chốc nữa?” (Is 21,11). Và để tăng cường niềm hy vọng, Thánh Phaolô đã nói: “Đêm sắp tàn, ngày gấn đến” (Rm 13,12). Để loan báo Noen, vào thánh lễ nửa đêm, Giáo Hội hát lên cho chúng ta bài thơ tuyệt diệu của I-sai-a (9,1). “Dân đi trong tăm tối đa thấy bừng lên một luồng sáng lớn”. Và trong mùa vọng, ta vẫn thường ca lên: các dân tộc bước đi trong đêm dài, những ngày sắp tới … Đây là lúc hãy ngẩng đầu lên!
Hãy tỉnh thức trong đêm tối. Hãy tỉnh thức trong những khó khăn … Hãy nắm giữ hy vọng, ngay cả khi ta ở trong đêm đêm đen … Hãy đứng vững, khi mọi sự như sụp đổ. Như một bình minh mới đang xuất hiện trong đêm tối đời ta. Thiên Chúa sắp đến để cứu độ dân Người. Chính nhờ đêm tối ta dễ tin vào ánh sáng. Đề tài này Gioan Thánh Giá rút ra được một xác quyết: Thiên Chúa vẫn có đó là nguồn tín nhiệm, hiện diện mãi mãi, nhưng vẫn còn là đêm tối.
Lúc gà gáy …
Maccô, thư ký riêng của Phêrô đã đưa ra một so sánh tực tiếp. Ngay trước khi chịu khổ hình, trước lúc vào vừơn Ghét-sê-ma-ni, nơi Phêrô sẽ ngủ thay vì phải tỉnh thức trước khi bước vào đêm bi thảm mà tiếng gà sẽ nhắc cho Phêrô biết mình thiếu tỉnh thức (Mc 14,72), thì Đức Giêsu nói cho “người giữ cửa” của Giáo Hội cần phải tỉnh thức. Nhưng ta biết, ông thiếu thái độ đó. Ôi! lúc gà gáy, Phêrô mới nhận ra tôi lỗi và sự chối bỏ của mình! Điều đó cho ta nhận ra rằng, Giáo Hội cũng mang tính nhân loại biết bao! Và điều đó mời gọi ta không nên thất vọng trước những yêu đuối của Giáo Hội.
Ông chủ có thể đến bất thần …
Thiên Chúa luôn đến bất thần, không ngờ, đột ngột! Hầu như có thể nói được rằng, đó là dâu hiệu của Thiên Chúa đích thực: Đấng hoàn toàn khác lạ! Mỗi lần ta tưởng mình đã xác định phạm vi của Thiên Chúa, thấu hiểu và đặt nhãn hiệu cho Người, chắc chắn là ta đã lầm lẫn về Thiên Chúa, đã lấy ước muốn ta làm thực tại. Lạy Chúa, xin giúp con biết mở rộng tâm trí đón nhận sự mới mẻ trong cách Chúa hiện diện. Xin giữ gìn chúng con luôn sẵn sàng trước việc Chúa đến viếng thăm cách bất ngờ.
Bắt gặp anh em đang ngủ.
Trước Thiên Chúa, ta vẫn thường mê ngủ … nên dễ sửng sốt. Cần phải thoát ra tình trạng mê ngủ thiêng liêng, lờ đờ đó. Cần phải nỗ lực tự tạo một lối sống linh hoạt, cương nghị, thay vì buông xuôi tới ù lì, mê ngủ. Lạy Chúa, xin giữ chúng con trong tình trạng tỉnh táo, luôn tỉnh thức.
Thầy nói với hết thảy mọi người là: Phải canh thức.
Đối với Đức Giêsu, sự “hiện diện” của Chúa vẫn ở đó, giữa các biến cố ta đang sống. Lạy Chúa xin giúp chúng con tỉnh thức, chú ý nhận ra sự hiện diện của Chúa. Xin giài thoát chúng con khỏi tình trạng mê ngủ, khô nhạt, dễ làm chúng con không nhận ra Chúa vẫn thường xuyên đến viếng thăm. Mùa vọng bắt đầu! Đây là thời gian “canh thức”…
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam