Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1379397

CHÚA BA NGÔI

CHÚA BA NGÔI- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”(Ga 14,23)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng lể kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cốt trụ của Đạo. Tuy nhiên đây lại là mầu nhiệm khó hiếu nhất.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Để có một chút ý niệm về mầu nhiệm này, thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua những chỉ dẫn của Sách Giáo lý chung của Giáo Hội.

Đây là lời dạy về Chúa Ba Ngôi của Sách Giáo Lý Chung: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin”(234). “Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” (47).

Trong Tin Mừng, chính Chúa Kitô, là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người đã mạc khải cho chúng ta về Mầu Nhiệm này. Không có sự mạc khải của Chúa Giêsu thì không ai trong chúng ta có thể nói cho chúng ta biết.

Về Thiên Chúa Cha, thì Chúa Giêsu đã nói thật rõ: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.(Mt 1,27)

“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.(Ga 5,17)

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”Ga 6,40)

Chúa cũng nói về Chúa Thánh Thần mà Người gọi bằng nhiều tên khác nhau:”26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

Và đây là những lời rọ rệt nhất mà Chúa Giêsu nói nói về Ba Ngôi: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.(Mt 28:19-20).

Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là mầu nhiệm để hiểu nhưng là mầu nhiệm để sống.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm này vì lý trí của con người quá hạn hẹp.

 Truyền thuyết kể lại rằng: Thánh Augustinô là một vị thánh Tiến sỹ của Giáo Hội một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa. Tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Cậu bé đang dùng một mảnh sò để đào một cái lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy mà múc nước biển đổ vào.

Nhưng thật là dã tràng xe cát Biển đông, em bé đổ nước mãi vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của em bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi xem em đang làm gì, thì đứa bé trả lời không chút do dự:

– Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương để đổ vào cái lỗ này.

Thánh nhân lắc đầu bảo nó :

– Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.

Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :

– Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.

Nói xong câu đó, em bé biến mất. Thánh Augustinô chợt hiểu được điếu Chúa muốn dùng em bé để dạy mình cho nên Ngài đã từ bỏ hắn việc suy nghĩ thêm về mầu nhiệm này.”Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được (D.Wahrheit)

Đây là mầu nhiệm lý Chúa và Giáo Hội dạy chúng ta phải tin, hằng ngày chúng ta tuyên xưng niềm tin đó khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Sáng Danh, và tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hoặc các trường hợp khác tương tự khi tham dự các Nghi Lễ Phụng Vụ.

Vậy nghĩa vụ khẩn thiết chúng ta phải có đối với Chúa Ba Ngôi là:

-Tôn Thờ: Chúng ta cần phải dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng như một nghĩa vụ khẩn thiết của một thụ tạo phải có đối với Đấng Tạo Hóa, bằng cách luôn hiệp với Hiến Lễ Thánh Thể hằng tiến dâng nơi các bàn thờ trên khắp thế giới, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành hay tham dự Thánh Lễ Misa; đồng thời; biến cả cuộc đời chúng ta cùng với Công Nghiệp và Giá Máu Chúa Cứu Thế, thành một Thánh Lễ liên tiếp để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì chỉ có Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô mới có giá trị vô song, tái diễn Lễ Hiến Tế Núi Sọ mới đáng được Thiên Chúa hài lòng chấp nhận. Không bao giờ cố tình tục hóa Đền Thờ bản thân chúng ta đã được hiến dâng cho Chúa ngày chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, như lời Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa sao, ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, sẽ bị Chúa hủy diệt” (1Cor 3:16).

-Yêu Mến: Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa, bằng cách không từ chối Chúa điều gì, luôn làm hài lòng Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, dâng trót tình yêu cho Chúa, đáp lại lòng Chúa khát khao: “Con hãy dâng trái tim con cho Cha!” (Prov 23,26) hợp với thánh lệnh Chúa truyền: “Con hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết tâm hồn con” (Mt 22:37).

-Biết Ơn: Để tỏ lòng biết ơn Chúa vì những ơn phúc Chúa đã ban, ơn được làm con Chúa, ơn được làm Bạn Tâm Phúc của Chúa Kitô, ơn được trở nên Thừa Tác Viên phân phát các mầu nhiệm thánh. Chúng ta hãy cẩn phòng bảo toàn ơn thánh đã lãnh nhận, luôn giữ tâm hồn trong sạch sống trong ơn nghĩa Chúa, luôn làm hòa lòng Chúa, không bao giờ xúc phạm đến Chúa, bằng cách cố tình phạm bất cứ một tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì phạm tội trọng là trục xuất Chúa Ba Ngôi ra khỏi tâm hồn, đón rước ma quỉ vào thống trị tâm hồn mình. Hơn nữa, cần phải cố gắng giãi sáng ơn thánh Chúa bằng sống đời gương mẫu thánh thiện, nên chứng nhân chinh phục cho Chúa các linh hồn, để chớ gì tất cả những ai chúng ta giao tiếp, những ai chúng ta có sứ mạng phục vụ, đều cảm nhận thấy nơi bản thân chúng ta là “Người mang Thiên Chúa trong lòng”.

Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo :

-Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.

Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.

Mấy tháng  trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt:

– Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- CHÚA BA NGÔI- Năm B

MẦU NHIỆM CAO CẢ-  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Hôm nay, Hội Thánh trên khắp hoàn cầu mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm lớn nhất, cao cả nhất và khó hiểu nhất trong đạo Công Giáo chúng ta.

Làm sao chúng ta hiểu biết được mầu nhiệm cao cả này, nếu Chúa Giêsu không mạc khải cho chúng ta biết. Vậy Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm này như thế nào?

Thưa, Chúa Giêsu không đọc một bài diễn văn dài dòng, chứa đựng toàn là giáo lý thần học cao siêu hay một bài giảng thuyết suông như chúng ta vẫn thường nghe thấy nơi các bài diễn văn của một ai đó, nhưng trong ba năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu dần dần mạc khải cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. “Ta và Cha là một” (Ga. 10, 30); “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga. 10,38). Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con và Thánh Thần. Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và đưa con người đi vào hiệp thông với Ngài. “Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”. Đó là hành trình thiêng liêng của người Kitô hữu.

Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong cuộc đời mình. “Ai yêu mến Thầy thì vâng giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga. 14,23).

Chúng ta có tương quan riêng với từng Ngôi một. Chúa Cha, là tình yêu sáng tạo dựng nên muôn loài muôn vật. Chúa Con, là tình yêu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống. Chúa Thánh Thần, là tình yêu thánh hoá con người qua các chặng đường Bí tích. Chúng ta biệt qui cho dễ hiểu, chứ thật ra, Ba Ngôi liên kết với nhau trong một tình yêu, nghĩa là: đồng sáng tạo, đồng cứu chuộc và đồng thánh hoá.

Anh chị em thân mến,

Khi sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đừng bao giờ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cho dẫu nhiều lúc chúng ta cầu xin Chúa ơn này ơn nọ thật chính đáng, và dường như cảm thấy Chúa im lặng không ban ơn. Thật ra, không bao giờ Chúa ở xa, không bao giờ Chúa bỏ và không bao giờ Chúa quên chúng ta. Vì Chúa đã hứa: “Hãy xin thì sẽ được”; Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Cuộc đời Kitô hữu chúng ta gắn liền với Chúa Ba Ngôi, và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng dấu Thánh Giá. Từ khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên mình, lúc đó có Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn ta. Rồi trong đời sống đức tin, nhất là làm những việc đạo đức, từ khởi sự cho đến hoàn thành, chúng ta đều làm dấu Thánh Giá. Và ngay cả khi chúng ta nhắm mắt lìa đời nằm dưới nắm mồ, cũng được khắc ghi Thánh giá trên ngôi mộ.

Thế thì, mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh Giá “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, xin cho chúng ta ý thức là mình tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ước gì chúng ta noi gương gia đình Chúa Ba Ngôi, là biết sống hiệp nhất yêu thương nhau, gắn bó với nhau trong tình yêu siêu nhiên. Vậy để nhắc lại mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, giờ đây kính mời anh chị em chúng ta cùng nhau đứng lên tuyên xưng đức tin.

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- CHÚA BA NGÔI- Năm B

BA NGÔI THIÊN CHÚA ĐỒNG BẢN THỂ-  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Giáo Hội long trọng cử hành lễ Chúa Ba ngôi, mầu nhiệm cao trọng của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa không chỉ là một Nhất thể hoàn hảo bất động mà ngay từ vĩnh cửu, vốn luôn có hiệp thông sống động của tình yêu và sự sống giữa Chúa Cha và Chúa Con, và Thánh Thần là mối hiệp thông tình yêu trao đổi này giữa Chúa Cha và Chúa Con. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là điều mà Giáo hội đã tuyên xưng ngay từ đầu và không ngừng cố gắng giải thích cho mọi tín hữu để nhờ đó mọi người hiểu biết đúng mầu nhiệm Thiên Chúa bởi vì người tín hữu là người được mời gọi lãnh nhận sự sống sung mãn của Thiên Chúa nhờ bởi Chúa Con và trong Thánh Thần.

Mạc khải Ba ngôi là một mạc khải tiệm tiến, cao điểm của mạc khải này là cuộc nhập thể của Chúa Con và việc Thánh Thần hiện xuống. Nhờ cuộc nhập thể làm người, Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã làm người, sống kiếp phàm nhân, sống với con người và rao giảng cho mọi người hiểu biết về Chúa Cha và về chính người để các môn đệ sẽ lần hồi hiểu biết Đức Giêsu là người Con một từ đời đời của Chúa Cha là Thiên Chúa hằng sống mà tổ tiên của họ tôn thờ. Nhất là nhờ cuộc Khổ nạn và sự Phục sinh vinh hiển của người, các môn đệ hiểu biết hơn nữa và được Thánh Thần dẫn đưa tới chân lý toàn vẹn và tuyên xưng rao giảng Người chính là Con Thiên Chúa hằng sống và ai tin nơi người Con này sẽ được sự sống đời đời.

Trong Cựu Ước, Môisen là người huấn luyện cho dân chúng hiểu biết Thiên Chúa. Môisen nhấn mạnh rằng Thiên Chúa của họ biểu lộ quyền năng cao cả qua những việc vĩ đại trong những chặng đường lịch sử của dân tộc họ. Lịch sử của họ với những thăng trầm, không phải chỉ là những diễn biến tình cờ hay ngẫu nhiên mà được nâng đỡ bởi Thiên Chúa mạnh mẽ và yêu thương. Họ là một dân tộc bé nhỏ, hơn nữa còn bị nô lệ ở Ai cập, nhưng Thiên Chúa đã dẫn đưa họ ra khỏi hoàn cảnh nô lệ ở Ai cập để đến được đất hứa, vượt qua mọi gian nan thử thách, chiến thắng được biết bao dân tộc hùng cường và có gia nghiệp vững bền. Đây quả là những kỳ công mà họ phải luôn ghi lòng tạc dạ để biết tạ ơn Thiên Chúa của mình là Thiên Chúa duy nhất chân thật và biết cố gắng giữ những giới răn và lề luật của Thiên Chúa để họ được luôn hạnh phúc và hùng cường.

Với việc nhập thể, thì chính Chúa Giêsu, người Con một của Thiên Chúa làm người bắt đầu giảng dạy cho họ biết về Thiên Chúa là Cha, Cha của người là Con một duy nhất và cũng là Cha của mọi người, nhờ vào ơn nghĩa tử. Chúa Giêsu bắt đầu dẫn đưa các môn đệ vào tương quan sống động với Thiên Chúa là Cha. Người mời gọi họ hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, hãy biết tha thứ cho người khác như Cha trên trời hằng tha thứ cho họ ; người mời gọi họ hãy sống tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Cha và vì thế chớ lo lắng tìm kiếm cơm ăn áo mặc mà trước hết hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa ; người mời gọi họ hãy cầu nguyện với Cha. Người khẳng định có sự sống thân mật với Cha khi nói Thầy ở trong Cha và Cha ở trong thầy, thầy và Cha là một, cũng như nói không ai biết Cha trừ ra Con cũng như không ai biết Con trừ ra Cha. Qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, mạc khải Ba ngôi càng trở nên rõ rệt hơn. Khi cho Đức Giêsu Phục sinh, Chúa Cha làm chứng cho người. Đây sẽ là khởi điểm của việc các tông đồ rao giảng về Đức Giêsu : « Chúa Cha đã phục sinh người từ kẻ chết và đặt người làm Chúa ». Từ nay các tông đồ công khai rao giảng cho mọi người Đức Giêsu đang hiển trị bên hữu Chúa Cha và ai tin nơi người sẽ đón nhận được ơn tha thứ. Từ đây với ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các tông đồ bắt đầu đào sâu sự hiểu biết hơn nữa về thầy của họ là Đức Giêsu. Các ngài được Chúa Thánh Thần dẫn đưa tới chân lý toàn vẹn, soi sáng cho các ngài hiểu biết những lời nói và những việc làm của thầy Giêsu khi người còn sống, nhất là hiểu ý nghĩa hiến tế cứu độ và sự phục sinh của thầy Giêsu ; Chúa Thánh Thần soi sáng cho các tông đồ hiểu biết về Thánh Kinh, về các lời tiên tri đã tiên báo trước về Đức Giêsu để các tông đồ hiểu rằng Đức Giêsu đã hoàn tất mọi lời hứa trong sách các tiên tri và người chính là Con một Thiên Chúa, là Đấng cứu thế đã được hứa ban.  Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã có thể viết rằng người vốn là Thiên Chúa, nhưng đã không giữ cho mình địa vị Thiên Chúa mà đã hạ mình nhận lấy thân phận nô lệ; thánh Gioan đã viết từ đầu tin mừng Người vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa và người đã nhập thể làm người để ai tin nơi người thì đón nhận được ơn nghĩa tử ; và thánh sử Marcô đã viết trong khởi đầu tin mừng rằng đây là khởi đầu tin mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

Việc luận giải sau đó về mầu nhiệm Ba ngôi đã diễn ra từ những thế kỷ đầu trong Giáo hội vì có những giải thích sai lạc về mầu nhiệm Ba ngôi mà Giáo hội nhận thức có nguy hại trầm trọng đối với đức tin Kitô giáo. Hai lạc thuyết nguy hiểm này là Hình thái thuyết và Hạ phục thuyết. Cả hai lạc thuyết này đều bắt nguồn từ những học thuyết phi chính thống dựa trên quan niệm Thiên Chúa là Đấng duy nhất và muốn bảo vệ quan niệm Thiên Chúa tuyệt đối duy nhất, nên đã tìm kiếm những cách giải thích dễ thuyết phục. Hình thái thuyết cho rằng chỉ có Chúa Cha là Đấng duy nhất hiện hữu, Chúa Con và Thánh Thần chỉ là những hình thức biểu lộ của Chúa Cha trong nhiệm cuộc cứu độ, tất cả những sức mạnh biểu lộ này lại trở về với Chúa Cha và chung qui là chỉ có Chúa Cha là Đấng duy nhất hiện hữu ; Hạ phục thuyết là lạc thuyết nguy hiểm và dai dẳng ở trong Giáo hội và đã trở thành một phong trào phát triển mạnh vào thế kỷ thứ V cũng như đã lôi kéo nhiều giám mục và ngay cả hoàng đế Roma ủng hộ. Hạ phục thuyết cho rằng vẫn có một khoảng cách vô tận giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chỉ có Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất, Chúa Con dù sao cũng là thụ tạo của Cha mặc dù Chúa Con là thụ tạo đầu tiên và là Đấng tạo dựng thế giới, cũng đầy ân sủng và chân lý, cũng được phụng thờ, nhưng bản tính của người không phải là bản tính thần linh như Chúa Cha. Giáo hội đã phải mạnh mẽ chiến đấu chống lại những lạc thuyết này qua những quyết định quan trọng của các công đồng Nixê, Constantinốp. Điều mà các nghị phụ muốn khẳng định đó là Đức Giêsu là Con một Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, có trọn vẹn bản tính thần linh với Chúa Cha và Chúa Con ; đức tin của Giáo hội vốn là như thế ngay từ đầu và đã được tuyên xưng và rao giảng bởi truyền thống Giáo hội và đã được ghi chép trong Sách Thánh và đã được cử hành trong Phụng vụ của Giáo hội, trong bí tích Rửa tội cũng như trong Thánh Thể. Chúa Con và Thánh Thần vốn đã tham dự vào công trình tạo dựng bởi Chúa Cha ngay từ khởi đầu, và Chúa Cha tạo dựng và cứu độ thế giới bởi Chúa Con và trong Thánh Thần. Ba ngôi là Thiên Chúa duy nhất và bất khả phân ly trong công trình tạo dựng và trong công trình cứu độ. Và trong hiện tại, phép rửa cử hành niềm tin Ba ngôi khi Giáo hội ban phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. Định thức Ba ngôi của Giáo hội được xác định bằng những thuật ngữ triết học là Bản thể và ngôi vị. Nơi Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần có ba Ngôi vị thần linh cùng một bản thể. Và trong tiến trình định thức, Giáo hội cũng qui định thuật ngữ. Từ nay thuật ngữ để nói về Bản thế tức là ý niệm về tính duy nhất sẽ là những thuật ngữ như Ousia, physis, substantia, natura và thuật ngữ để nói về sự phân biệt các ngôi vị là hypostasis, prosopon và personna. Định thức Ba ngôi một bản thể là định thức cô đọng để định ra một khuôn khổ qui luật đức tin, mục tiêu là để hướng dẫn đức tin của Giáo hội cũng như giúp mọi tín hữu hiểu đúng về Mạc khải Lời Chúa. Hẳn nhiên Lời Chúa vẫn luôn là tiêu chuẩn sống động và quyết định. Đức tin Ba ngôi không phải là chuyện dư thừa nhưng là điều cần thiết để chúng ta hiểu biết về ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện : Đức Giêsu là người Con một Thiên Chúa, người là chính Thiên Chúa nhập thể làm người để ai đón nhận người thì đón nhận được chính Thiên Chúa, và Thánh Thần là hồng ân thần linh phát xuất từ Cha và Con để khi đón nhận người, chúng ta cũng đón nhận được chính Thiên Chúa lại cũng chính là hồng ân và sức mạnh thần linh và là tình yêu luôn sống động trong tâm hồn chúng ta, làm cho người tín hữu luôn có chính Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn.

home Mục lục Lưu trữ