Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1379202

CHÚA ĐẾN MANG LẠI NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC

CHÚA ĐẾN MANG LẠI NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC– Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Một số người cho rằng Chúa Giê-su đến trần gian chỉ nhằm cứu rỗi phần hồn con người; còn phần xác thì chẳng đáng bận tâm.

Thật ra không phải thế, vì ngoài việc loan Tin Mừng và tự hiến đời mình cứu độ nhân loại, cho họ được hưởng hạnh phúc đời sau, Chúa Giê-su còn thiết tha đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người ngay trên cõi đời nầy nữa. 

Sự kiện xảy ra tại tiệc cưới Ca-na chứng tỏ điều đó.

Hôm ấy, Chúa Giê-su đến tham dự tiệc cưới tại Ca-na cốt để đem lại niềm vui cho cô dâu chú rể và chúc lành cho họ được trăm năm hạnh phúc. Chúa Giê-su xem đây là điều quan trọng nên Người không chỉ tham dự một mình mà cùng đi với Mẹ Maria và các môn đệ để cho niềm vui của đôi hôn nhân được tăng lên.

Thế rồi, đang giữa tiệc vui bỗng hết rượu. Đây là chuyện không may và ngày vui của đôi tân hôn có nguy cơ trở thành ngày rầu rĩ vì cô dâu chú rể sẽ bị gièm pha trách móc, tiệc cưới sẽ để lại ấn tượng đáng buồn trong lòng khách dự tiệc.

Trước tình thế đó, Mẹ Maria tìm đến với Chúa Giê-su để xin Người cứu vãn. Thế là mặc dù “giờ của Người” chưa đến (Ga 2,4), Chúa Giê-su cũng đã thực hiện phép lạ đầu tay, hoá nước thành rượu ngon với số lượng dư dật để đem lại niềm vui cho mọi người.

Sự việc nầy cho thấy hạnh phúc đời nầy của con người là mục tiêu quan trọng mà Chúa Giê-su nhắm tới. Sau nầy, Chúa Giê-su thực hiện nhiều phép lạ khác cũng không ngoài mục tiêu đó. 

Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người goá phụ Na-in nên Chúa Giê-su đã cho con trai bà đã chết được sống lại, dù bà chưa ngỏ lời van xin. (Lc 7,11-17)

Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hai chị em Mác-ta và Maria ở Bê-ta-ni-a đang sầu thảm vì mất em, Chúa Giê-su đã truyền cho La-da-rô chết chôn trong mồ được sống lại. Nhờ đó, cả gia đình được chan hoà niềm vui. (Ga 11, 32-43

Cũng vì muốn đem lại niềm vui cho hai môn đệ Em-mau đang sống trong ưu phiền thất vọng, Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra, cùng đồng hành với các ông, đem lời kinh thánh sưởi ấm tâm hồn sầu muộn của các ông. (Lc 24, 32)

Và rất nhiều phép lạ khác Chúa Giê-su đã thực hiện như cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, người què đi được, người phong hủi được sạch, người câm được nói, cho người đói được ăn, cho người nghèo được nghe Tin Mừng… cũng đều nhằm đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.

Hơn nữa, Chúa Giê-su không muốn đem lại cho người đời một niềm vui chóng qua, một thứ hạnh phúc mau tàn, nhưng là một thứ hạnh phúc vững bền đặt nền trên tình yêu thương huynh đệ.

Biết rằng con người sẽ luôn luôn bất hạnh nếu thiếu vắng tình thương, rằng tình thương là yếu tố cốt thiết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho muôn người, nên Chúa Giê-su không ngừng kêu gọi mọi người hãy yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 13, 34).

Người cũng báo trước cho mọi người biết rằng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc chỉ dành riêng cho những ai yêu thương phục vụ người khác, đồng thời cảnh báo rằng khổ hình đời đời trong hỏa ngục là hậu quả phải đến cho những kẻ không sẵn sàng cứu giúp những người khốn khổ quanh mình. (Mát-thêu 25, 31-46)                                                                    

Như thế, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh không còn là chuyện nhỏ nhưng là một quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su.

Là ki-tô hữu, là cánh tay nối dài của Chúa Giê-su, chúng ta cũng được mời gọi tiếp tay với Người để vun đắp niềm vui và hạnh phúc cho những người đang sống quanh ta bằng quyết tâm sống theo luật yêu thương của Người, để nhờ đó, gia đình, thôn xóm và đất nước chúng ta được hạnh phúc an vui

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM C

KHỞI ĐẦU CÁC DẤU LẠ (*)-  Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Kính thưa anh chị em

Trong suốt mấy Chúa nhật liên tiếp vừa qua tôi đã nói với anh chị em rất nhiều về Chúa Giêsu. Hôm nay tôi muốn anh chị em nhìn vào Đức Giêsu như một Đấng có uy quyền.

TRÌNH BÀY SỰ KIỆN

 Khung cảnh Chúa chọn để biểu lộ uy quyền của Người ra hôm nay là một khung cảnh có tính cách xã hội loài người: Một bữa tiệc cưới. Đám cưới mà Tin Mừng ghi lại hôm nay xẩy ra tại Cana, cách quê hương Nagiareth của Chúa khoảng 14 cây số.

Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều có mặt trong tiệc cưới này.

Đám cưới của người Do Thái thường kéo dài 3-4 ngày. Có khi kéo dài cả một tuần.

Vì là một xứ trồng nho nên người Do thái có nhiều rượu nho. Trong các bữa tiệc và đặc biệt là trong những bữa tiệc có tính cách quan trọng như tiệc cưới thì rượu là một thứ bắt buộc phải có và có một cách dồi dào.

Chúng ta không biết đám cưới bài Tin Mừng hôm nay kể lại đã chuẩn bị như thế nào nhưng chỉ biết là bữa tiệc vui đang nửa chừng thì hết rượu. Mà hết rượu giữa một bữa tiệc vui như thế đối với người Do thái là một điều ô nhục không thể tha thứ được.

Tin Mừng không cho chúng ta biết cô dâu và chú dể có biết sự việc này hay không nhưng Tin Mừng cho chúng ta biết thật rõ sự can thiệp của Đức Mẹ.

Khi khám phá ra sự việc có thể gây nên sự ô nhục cho đôi tân hôn giữa ngày vui của họ như thế, Đức Mẹ đã đến ngay với Chúa Giêsu. Chỉ bằng một vài lời Đức Mẹ đã cho Chúa biết sự việc đang diễn ra rất xấu cho đôi tân hôn.

Thoạt đầu thái độ của Chúa xem ra có vẻ thật lạnh nhạt. Thế nhưng hình như Đức Mẹ không để ý đến điều đó.

Thời giờ không cho phép trần chừ. Đức Mẹ ra lệnh cho những người giúp việc: “Người bảo gì thỉ phải làm theo”

Và quả thực Chúa đã ra lệnh. Nước được đổ đầy các chum – và khi múc nước đưa cho người quản tiệc – nước đã hóa thành rượu. Thật là tuyệt vời.

Và thánh Gioan tác giả của bài Tin mừng hôm nay không quên ghi chú cho chúng ta biết một chi tiết rất nhỏ nhưng cũng rất đặc biệt này: Đây là Pháp lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilêa và các môn đệ Người đã tin Người. Đây không phải là một ghi chú có tính cách ngẫu nhiên nhưng là một ghi chú có dụng ý như tôi sẽ trình bày cùng anh chị em sau đây.

BÀI HỌC

Bài học có nhiều nhưng tôi chỉ xin được chia sẻ với anh chị em hai bài học này:

-Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng với Phép lạ Chúa thực hiện vào lúc khởi đầu cuộc đời công khai của Người hôm nay Chúa có ý muốn chuẩn bị xa cho một Phép lạ còn vĩ đại hơn mà Chúa sẽ làm sau này vào cuối cuộc đời công khai của Ngài. Chắc anh chị em đã biết đó là Phép lạ nào. Đó là Bí tích Thánh thể.

Hôm nay trong bữa tiệc Chúa làm cho nước trở thành rượu.

Vào ngày thứ năm tuần thánh cũng trong một bữa tiệc Chúa làm cho bánh trở thành mình và rượu trở thành máu Ngài

Việc làm cho nước trở thành rượu trong bài Tin Mừng hôm nay quả là một bước nhảy vọt. Chỉ cần bằng một lệnh truyền Chúa làm cho nước lập tức trở thành rượu không cần phải qua bất cứ một trung gian hay một chất xúc tác nào. Hôm nay thì như vậy, mai sau cũng như thế. Cũng bằng một lệnh truyền Chúa làm cho bánh rượu trở thành Mình và Máu thánh Chúa cũng không qua bất cứ một trong gian và không cần qua một chất xúc tác nào. Đây quả là một bước nhảy vọt phải được hiểu bằng niềm tin chứ không thể hiểu được bằng lý trí thông thường của con người.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa. Nhưng việc Chúa làm thật lạ lùng, …thật khó hiểu nhưng nhưng lại rất thật cho những ai biết tin tưởng vào Người. Hôm nay trong thánh lễ: cũng lại là một bữa tiệc. Bữa tiệc nước trời. Đi dự tiệc mà không ăn không uống thì có lẽ việc đó không bình thường. Chúng ta hãy đến với Chúa. Chúa chính là lương thực cho chúng ta.

Bài học thứ hai: Vai trò và địa vị của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Ở đầu Lịch sử của loài người trong Sáng Thế Ký chúng ta đã thấy hình ảnh của một người phụ nữ xuất hiện và rồi trong Khải Huyền cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh chúng ta lại thấy Mẹ có mặt nhưng không phải trong dáng vẻ khổ đau mà như một hoàng hậu mặc áo mặt trời chân đạp vầng trăng đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Từ sự việc dó chúng ta có thể đi đến một hệ luận: Đức Mẹ luôn có mặt trong toàn bộ lịch sử của loài người và uy quyền của Đức Mẹ thật lớn lao: Đạp dập đầu con rắn tức là Satan để cùng với con của Mẹ đưa Lịch sử ơn cứu độ đến chỗ toàn thắng vinh quang.

Cha J.B Bonsoli người Italia sang Ấn độ để truyền giáo. Suốt 20 năm Ngài đã rửa tội cho 20.000 người. Trong một chứng từ viết năm 1975 Ngài có kể lại một sự kiện như sau: Hôm đó tôi rời cứ điểm truyền giáo Đam-ma để đi một vòng bằng xe đạp. Khi đi được khoảng 30Km thì tôi bị lạc vào một khu rừng. Càng đi vô thì cây cối càng rậm rạp.Tôi vừa đi vừa sợ nhất là khi nghe thấy những tiếng hú của những con báo.

Trời đã gần tối tôi thầm cần nguyện xin Đức Mẹ giúp tôi. Đi thêm khoảng 5Km nữa thì tôi thấy có một con đường nhỏ, tôi liền rẽ vào con đường này. Đi được khoảng vài trăm mét thì tôi thấy có một ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn.

Tôi cho xe dừng xe lại, dựng xe bên cạnh một gốc cây rồi lên tiếng hỏi: “Có ai trong nhà không? “

Có tiếng nói từ trong nhà nói vọng ra: “Có nhưng xin ông đừng bước vào vì tôi bị bệnh hủi”

Mặc dầu biết như vậy nhưng tôi vẫn bước vào. Trước mặt tôi là một người đàn ông đang nằm co quắp lại vì đau đớn. Hỏi ra mới biết trước kia người này là một ông thầy cúng. Rồi trong sự thân tình hiếm có người này nói với tôi về phép Rửa tội. Ông còn quả quyết: “Con biết là con phải lãnh Bí tích Rửa tội.”

– Làm sao mà ông biết được điều đó? Ai đã nói với ông như vậy? Có phải là một giáo lý viên không?” Tôi hỏi lại.

Ông đáp :”Cách đây hai tháng có một bà mặc áo đẹp lắm vào căn nhà này và nói với con: Con chịu đau khổ nhiều nhưng con đừng nản. Ta sẽ sai một người đến thăm con và đổ nước rửa tâm hồn con và ta sẽ đem con về trời”

Tôi đưa tay vào túi áo rút mẫu ảnh Đức Mẹ phù hộ ra đưa cho ông ấy xem. Vừa nhìn thấy ông đã kêu lên: “Đúng rồi. Đúng là bà này. Chính bà đã đến thăm con hai tháng trước đây”

Chắc chúng ta đã biết được câu truyện kết thúc đẹp như thế nào.

Khi nói về người mẹ thi hào Tagore đã viết: con là vầng trăng mẹ là mây. Mây ôm lấy cả vầng trăng. Con như bờ cát, mẹ là sóng nước. Sóng nước trào lên làm mát bãi cát trong nắng khô.

Chúng ta hãy dành cho Đức Mẹ một chỗ trong cuộc đời của ta. Có Đức Mẹ thì sẽ có Phép lạ.

Cuộc đời sẽ có lúc vui như ngày cưới: Hãy dành cho Đức Mẹ một chỗ ở đó.

Cuộc đời có những lúc thảm bại như ở đỉnh đồi Golgotha. Cũng hãy dành cho Đức Mẹ một chỗ ở đó.

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm,

Có Đức Mẹ ở cùng thì niềm vui sẽ trọn vẹn.

Có Đức Mẹ bên cạnh thì cô đơn sẽ lùi xa.

Có Đức Mẹ chỉ đường thì sẽ không sợ lạc lối.

Có Đức Mẹ ở bên thì chắc sẽ thành công.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM C

TIỆC CƯỚI CANA, PHÉP LẠ CỦA TÌNH YÊU- Trích Logos C

Nửa Chừng Xuân, Đó là tên một cuốn truyện nổi tiếng của một nhà văn Khái Hưng, được xuất Bản vào năm 1934.

Truyện kể về mối tình rất đẹp của chàng trai con nhà quan giàu có tên Lộc và nàng con gái nhà nghèo nhưng xinh đẹp và đức hạnh tên là Mai.

Trong một xã hội khắt khe, đòi hỏi các cuộc hôn nhân phải “môn đăng hộ đối”, gia đình của chàng trai đã phá vỡ hạnh phúc của đôi uyên ương, đã tìm cách chia rẽ mối tình của họ, khiến cuộc hôn nhân của họ Bị dang dở.

Nàng con gái tên Mai đã trở thành “thiếu phụ nửa chừng xuân” của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

Câu chuyện trên đây đã gợi lên cho chúng ta nhiều câu hỏi về cuộc sống của niềm tin, về cuộc sống hôn nhân gia đình, mà phép lạ tại tiệc cưới Cana sẽ cho chúng ta những câu trả lời.

Chúa Giêsu cùng Mẹ Maria và các môn đệ đi tham dự tiệc cưới tại Cana. Đến nửa cuộc vui, những Bàn tiệc hết rượu. Mẹ Maria đã can thiệp vào hoàn cảnh Bất ngờ đó. Mẹ nói với Chúa Giêsu :”Họ hết rượu rồi !”. Chúa đã trả lời: ”Giờ Con chưa đến” nhưng Mẹ vẫn Bảo gia nhân: ”Ngài Bảo sao, cứ làm vậy !”. Chúa Giêsu đã Biến nước lã trong sáu chum đựng nước thành sáu chum đựng rượu hảo hạng.

Niềm vui trong tiệc cưới tưởng chừng như dang dở, nhưng lại được đổ đầy chan chứa…

Phép lạ tại tiệc Cưới Cana, dấu chỉ của niềm vui.

Đây là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã thực hiện tại Cana xứ Galilêa. Ngài tỏ lộ vinh quang của Ngài để khơi dậy và củng cố đức tin của các môn đệ.

Như nước nho được ép và ủ trong hầm, phải trải qua một tiến trình lên men để thành rượu, con người cũng phải trải qua cuộc hành trình của sự Biến đổi nhờ chất men của niềm tin để trở thành con người mới. Như nước lã Biến thành rượu ngon, niềm tin đã thúc đẩy tiến trình của sự Biến đổi : Cái cũ trở thành cái mới; nỗi Buồn trở thành niềm vui.

Phép lạ tại tiệc cưới Cana chính là một Biểu tượng, một dấu chỉ của niềm vui mới : Những chum nước rửa tay trong Cựu Ước đã Biến thành những chum rượu ngon của Tân Ước.

Đã qua rồi một Đạo Cũ nhạt nhẽo vô vị mà thay vào đó là Đạo Mới đầy hoan lạc. Đã qua rồi một trật tự cũ đã đóng rêu trong sự khô cứng, Buồn thảm mà thay vào đó là thế giới mới mang hương vị của niềm hân hoan Bất tận.

Chúa Giêsu đã đến để rót tràn đầy niềm hân hoan vào lòng thế nhân.

Ngài rót tràn đầy niềm hy vọng vào những tâm hồn đang u sầu thất vọng.

Ngài rót tràn đầy sự Bình an vào những trái tim đang xao xuyến âu lo.

Chúa Giêsu trở thành nguồn suối hạnh phúc vô tận cho tất cả chúng ta : càng múc, nước càng tuôn trào.

Ngài đang rót đầy ắp niềm vui vào cuộc đời với rất nhiều sự Buồn phiền của Bạn, của tôi, của chúng ta. Miễn là chúng ta hãy mời Ngài đến dự Bữa tiệc cuộc đời chúng ta. Hãy để Ngài thực hiện phép lạ khi niềm hạnh phúc cuộc đời chúng ta chợt vơi cạn đi vì những khổ đau dày vò.

Tiệc cưới Cana, phép lạ của tình yêu.

Đây là phép lạ đầu tiên về tình yêu mà Chúa muốn tỏ lộ cho những ai đang ở trong cuộc sống hôn nhân hoặc sắp Bước vào cuộc sống gia đình.

Hiện nay có nhiều cuộc hôn nhân “nửa chừng xuân”, nhiều cuộc hôn nhân dang dở. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy: vì áp lực xã hội, vì những chật vật khó khăn trong cuộc sống áo cơm. Vì sự thiếu thủy chung, vì ích kỷ, vì thiếu lòng quảng đại và khoan dung, …

Nhiều cuộc sống Hôn Nhân và gia đình ngày nay đang thiếu rượu tình yêu. Ly rượu tân hôn không còn hương vị thắm nồng. Rượu nhạt thì tình phai, thậm chí vơi cạn cả niềm hạnh phúc hằng khát khao.

Chúa đến để thực hiện phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon. Ngài sẽ rót dồi dào rượu tình yêu vào cuộc sống gia đình đang Buồn khổ, chán chường để làm sống dậy niềm hạnh phúc đã lịm tắt.

Nhưng trong đại dương tình yêu của Ngài, mỗi người  múc được Bao nhiêu là tùy dung tích Bình chứa tâm hồn chúng ta.

Hãy mở rộng trái tim và cõi lòng để đón nhận tình Chúa và tình người. Hãy Biết đón nhận Chúa và đón nhận nhau trong sự rộng lượng và thứ tha. Trái tim chúng ta càng phung phí cho đi, càng nhận lãnh dồi dào và giàu có.

Mỗi chén đắng trong cuộc sống gia đình, nếu Bỏ vào đó chút men tình yêu, ta được chén rượu ngon ngọt ngào. Hãy Biết uống cạn chén hy sinh vì nhau để Chúa sẽ đổ thêm niềm vui tràn trề.

Mẹ Maria, người cứu vớt tình yêu

Mẹ Maria đã hiện diện trong tiệc cưới Cana rất âm thầm nhỏ Bé, nhưng lại là kẻ cứu gỡ cho gia chủ trong hoàn cảnh khó khăn.

Khi Buổi tiệc hết rượu, Mẹ Maria đã nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi !”.

Mẹ cũng đang hiện diện trong cuộc sống hôn nhân và gia đình của chúng ta. Chỉ có Mẹ Maria, một người vợ, một người mẹ tuyệt vời, mới nhìn thấy những điều nhỏ nhặt nhất nhưng lại quan trọng nhất : hết rượu tình yêu! Hãy xin Mẹ luôn hiện diện trong gia đình chúng ta để giúp chúng ta vượt qua những thử thách của tình yêu.

Khi Mẹ nhắc Chúa Giêsu : “Họ hết rượu rồi!”, Chúa Giêsu đã trả lời : “Giờ Con chưa đến”.

Có lẽ chưa đến giờ của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, chưa đến giờ Chúa được tôn vinh, nhưng trong tấm lòng nhân từ của Chúa, luôn luôn đã đến giờ của tình thương.

Hãy xin Chúa đến để giúp đỡ chúng ta vượt qua những phong Ba Bão táp trong gia đình chúng ta.

Nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài để Ngài thực hiện phép lạ tình yêu trong cuộc sống hôn nhân : Mẹ Maria luôn nhắc chúng ta điều đó : “Người Bảo gì, hãy cứ làm theo như vậy !”

Đức Cha F.Sheen đã nói một câu rất hay : Trái tim con người như một chiếc cối xay : Bỏ lúa vào đó, Bạn sẽ có Bột, đổ đá vào, Bạn sẽ được cát sạn.

Hãy Biết cộng tác với ơn Chúa, để đổ đầy những chum nước gia đình Bằng tình thương mến, để Chúa sẽ Biến đổi thành sự rượu ngon thắm nồng. Hãy đổ đầy cuộc sống gia đình Bằng những hy sinh quên mình, để Chúa Biến đổi thành niềm vui và sự Bình an.

Ngày xưa, tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề sản xuất rượu nho. Một năm kia, dân làng tổ chức một ngày Hội Rượu Nho. Họ đóng một cái thùng thật lớn để đựng rượu, đặt giữa làng. Mỗi gia đình sẽ góp chung vào đó hai lít rượu để dùng trong ngày lễ hội.

Có một chủ nhà keo kiệt kia nghĩ thầm trong lòng : “với một thùng rượu lớn như thế, ta có đổ vào hai lít nước cũng chẳng sao và cũng chẳng ai Biết !”

Thế là thay vì đổ vào hai lít rượu, ông ta đã đổ vào hai lít nước.

Đến ngày lễ hội, dân làng tề tựu đông đủ, người ta mở thùng múc rượu ra uống, thì hỡi ơi, trong thùng hầu như toàn là nước lã ! Vì không chỉ có một ông chủ nhà keo kiệt, mà có rất nhiều người cũng nghĩ như ông ta, nên thay vì góp rượu, họ đã đổ nước lã vào thùng : rượu nho đã hóa thành nước lã ! vì người ta đã đổ vào thùng sự ích kỷ, nên chỉ lấy ra được sự Bất trung !

Qua phép lạ tại tiệc cưới Cana, chúng ta hãy xin Chúa Biến đổi chúng ta từ con người cũ tội lỗi thành con người mới tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, Biết góp phần xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội (1Cr 12, 4-11).

Chúa đã yêu thương Giáo Hội như tình yêu của Phu Quân dành cho Hiền Thê (Is 62, 1-5). Chúng ta hãy đáp lại Bằng tình yêu mến thiết tha dành cho Chúa và Bằng tình yêu thương chân thành dành cho tha nhân.

Hãy xin Chúa tạo cho chúng ta một trái tim đủ lớn để chất chứa tình yêu. Với trái tim ấy, chúng ta càng cho đi thì nó càng giữ lại nhiều hơn.

home Mục lục Lưu trữ