Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1379616

CHÚA GIÊSU MỤC TỬ

CHÚA GIÊSU MỤC TỬ- Trích Logos B        

Vào ngày 17/7/2006, đất nước Indonesia lại phải gánh chịu thêm một tổn thất nặng nề nữa về người và tài sản. Đó là trận động đất và sóng thần xảy ra tại đảo Java đã cướp đi sinh mạng của hơn 550 người.

Tuy nhiên, theo bản tin của đài ABC News, sau cơn sóng thần đó, một làn sóng dữ dội khác đang “tấn công” đảo Java. Đó là những khách du lịch vì tò mò đã tìm đến đây để được chứng kiến tận mắt hậu quả tàn khốc của trận thiên tai. Để ngăn cản làn sóng những du khách đổ xô đến xem, người ta phải dựng lên những tấm bảng “cấm vào” tại các bãi biển.

Những người đến xem cảnh đổ nát kia hoàn toàn vì tính hiếu kỳ, nên họ dửng dưng trước những cảnh tang thương. Trong khi đó, có một số nhóm người làm việc từ thiện đã đến và lăn xả vào đống hoang tàn đổ nát để cứu vớt và giúp đỡ các nạn nhân. Giữa những đau khổ và bất hạnh, luôn có những tấm lòng nhân ái. Bên cạnh những trái tim sỏi đá, luôn có những trái tim dạt dào tình yêu thương.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, chúng ta có thể nhận ra được trái tim nhân hậu đầy tình thương xót của Chúa Giêsu. Trái tim ấy đã rung động thổn thức và chạnh lòng thương xót khi nhìn thấy đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không có người chăn. Trái tim của Chúa Giêsu chính là trái tim của người mục tử nhân lành.

Chúa Giêsu, mục tử nhân lành

Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Chắc chắn đó là một cuộc hành trình dài đầy vất vả và thiếu thốn : không bị không bánh, không tiền bạc giắt lưng…

Sau cuộc hành trình gian khổ ấy, các môn đệ đã trở về và đến với Chúa để tường trình những kết quả đã gặt hái được trên bước đường loan báo Tin Mừng. Với đôi mắt đầy yêu thương, Chúa Giêsu đã nhìn thấy sự mệt nhọc đang hằn lên khuôn mặt của những người môn đệ yêu dấu. Vì thế, Chúa đã khuyên các môn đệ “hãy lui vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút”. Đó chính là những giờ phút nghỉ ngơi cần thiết sau một cuộc hành trình dài đầy vất vả. Đàng khác, cũng có thể Chúa Giêsu nhận thấy khi các môn đệ hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng, các ông đã “phóng tâm” trong những hoạt động bên ngoài, nên đã phần nào đánh mất đời sống nội tâm. Đây là lúc các môn đệ cần “thu tâm” lại để được bồi dưỡng tinh thần trong đời sống cầu nguyện.

Thế nhưng, đang khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, thì dân chúng đã đoán biết được điều ấy nên đã đến nơi đó trước các ngài. Nhìn thấy đám đông dân chúng đang khao khát lắng nghe lời Chúa, trái tim mục tử của Chúa đã bồi hồi xao xuyến trong mối thương cảm. Ngài đành hủy bỏ chương trình nghỉ ngơi cùng các môn đệ để tiếp tục giảng dạy dân chúng.

Chỉ có nơi người mục tử nhân lành mới có những hy sinh tận tụy như thế. Chỉ có nơi người mục tử nhân lành mới có những cử chỉ và sự quan tâm đầy yêu thương như thế. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng dung mạo của Chúa Giêsu, mục tử nhân lành, để chúng ta thêm lòng yêu mến và phó thác cuộc đời trong bàn tay dẫn dắt của Ngài.

Đi theo bước chân vị mục tử nhân lành

Chúng ta được mời gọi để đi theo sự hướng dẫn của mục tử Giêsu. Đi theo Chúa nghĩa là ta đặt định mệnh đời ta trong tay Chúa. Nhưng đi theo Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, còn có nghĩa là chúng ta họa lại hình ảnh Chúa Giêsu mục tử trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta được mời gọi để tham dự vào vai trò mục tử của Chúa Giêsu khi chúng ta cũng biết tận hiến đời mình trong sự phục vụ và hy sinh cho người khác. Mỗi người, trong trách nhiệm, bổn phận và địa vị của mình đều có nghĩa vụ quan tâm và chăm lo cho những người sống chung quanh.

Là cha mẹ, chúng ta là mục tử đối với con cái trong gia đình. Chúng ta hãy lưu tâm giáo dục con cái nên người và chăm lo đời sống đức tin cho con cái. Là thầy cô giáo chúng ta là mục tử chăm sóc những học trò của mình : hãy tận tụy hy sinh hơn nữa trong việc dạy dỗ và truyền đạt kiến thức một cách trung thực và có lương tâm của một người thầy. Là người lãnh đạo, chúng ta hãy trở nên mục tử cho những người được trao phó cho chúng ta : hãy biết chia sẻ và phục vụ mọi người một cách tận tình như chính Chúa đã phục vụ. Và cho dù là ai đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể phác họa hình ảnh mục tử Giêsu bằng chính cuộc sống mình. Hãy sống thế nào để chúng ta có thể chia sẻ sự sống, thời giờ, của cải cho tha nhân và làm giàu đẹp thêm cuộc sống chung quanh.

Hôm nay, chúng ta hãy biết mang lấy trái tim mục tử của Chúa Giêsu trong lồng ngực mình, để chúng ta cũng biết nhói đau trước nỗi thống khổ của anh em mình, cũng biết rung một nhịp đập với trái tim mục tử của Chúa khi nhìn thấy những mảnh đời bơ vơ lạc lõng.

Bơ vơ lạc lõng đó là căn bệnh trầm kha của xã hội hôm nay, một xã hội chỉ biết chạy theo lợi nhuận và sự thực dụng. Bơ vơ lạc lõng khi mất đi niềm tin vào cuộc sống, vào bạn bè, vào chính Thiên Chúa. Bơ vơ lạc lõng khi phải đối mặt với những thất bại và tai họa trong cuộc đời. Chính chúng ta cũng phải biết chạnh lòng thương xót như Chúa Giêsu khi nhìn thấy những cảnh đời bơ vơ lạc lõng như thế.

Họa lại vai trò mục tử của Chúa Giêsu là gì nếu không phải là đến với những con người bất hạnh và khốn cùng để chiếu ánh sáng lời Chúa vào lòng họ, đem lại cho họ niềm hy vọng và sự bình an ?

Họa lại vai trò mục tử của Chúa là gì nếu không phải là chỉ cho tha nhân lối mở về Tin Mừng của Chúa, là nhịp cầu cho mọi người gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ ?

Chúng ta được tham dự vào sứ vụ mục tử của Chúa, nhưng có thể nhiều lúc chúng ta đã không chu toàn sứ vụ ấy. Đó là thực trạng các mục tử Israel được mô tả trong bài đọc I, trích sách tiên tri Giêrêmia. Đó là các vua và các tư tế. Lẽ ra họ phải chăm sóc chu đáo đàn chiên của Chúa là dân Do Thái, nhưng họ đã làm tản mát và xâu xé đàn chiên Chúa. Thiên Chúa sẽ lấy lại đàn chiên ấy và đích thân Người chăm sóc đàn chiên. Là bậc cha mẹ, là những người đang có trách nhiệm giáo dục, là những người trong vai trò hướng dẫn, chúng ta có đang đi vào “vết bánh xe” đó của các mục tử Israel không ?

Một nhà văn Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ 20 đã được phong danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc”. Nhà văn đó chính là Vũ Trọng Phụng, một cây viết hiện thực và tả chân tài tình. Ông nổi tiếng với thiên phóng sự “Cơm Thầy Cơm Cô”. Thiên phóng sự này tả lại cảnh đời tăm tối và bi thảm của những người làm thuê, làm mướn hoặc đi ở đợ hay làm “cu li”.

Để có thể lột tả được hết những cảnh đời khổ đau cùng cực, ông đã sống như một người dân đen giữa đám người khốn cùng ấy. Trái tim ông đã hòa cùng nhịp đập với họ. Đến nỗi vì làm việc quá cực khổ, ông bị ho lao và qua đời lúc mới 27 tuổi.

Chúa Giêsu chính là một vị Thiên Chúa cao cả đã bước xuống thân phận thấp hèn của con người để hòa mình vào cuộc sống đau khổ của con người. Trái tim mục tử của Chúa cũng đã bồi hồi xúc động trước những con người bất hạnh. Phải chăng đó cũng phải là trái tim của chúng ta ? Phải chăng đó cũng là con đường Chúa đang mời gọi chúng ta bước theo ?

 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- Năm B

NGƯỜI SAI HỌ ĐI (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”(Mt 6,34)

Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn Tin Mừng đẹp nhất trong Kinh Thánh. Đẹp trong hình ảnh và đẹp cả trong ý nghĩa. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một hình ảnh rất cảm động: Chúa ở giữa dân của Người. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy lý do tại sao Chúa lại làm như thế: Vì Chúa thương. Vì yêu thương cho nên Chúa luôn ở giữa dân của Người.

Thiên Chúa luôn yêu thương những ai tin ở Người. Tình thương ấy rất cụ thể, được biểu lộ qua việc Người luôn lưu tâm lo lắng cho những người đó. Bài sách Thánh thứ nhất chúng ta vừa nghe chứng minh một phần nào điều đó.

Như một mục tử tốt luôn biết lo lắng, bảo vệ cũng như săn sóc cho đoàn chiên thế nào thì Chúa cũng bảo vệ, săn sóc, lo lắng cho những ai biết tin tưởng vào Chúa như thế…và có thể nói là còn hơn thế. Chúa biết thật rõ:

Một con chiên không có người chăn, sẽ không tìm được đường đi.

Nếu bị bỏ mặc một mình, chúng ta cũng có thể bị lạc lõng trong cuộc sống như thế. Thi sỹ Dante có lần đã nói: “Tôi tỉnh dậy giữa rừng và trời tối đen, trước mặt tôi chẳng thấy có con đường nào trống trải cả”. Cuộc đời có thể có những lúc khiến chúng ta bối rối lạc lõng như vậy. Chúng ta có thể gặp những ngã tư đường mà không biết phải đi lối nào. Chỉ khi được Chúa hướng dẫn, chúng ta mới biết rõ con đường phải đi.

Một con chiên không người chăn sẽ không tìm được đồng cỏ và thức ăn.

Sống trên đời này chúng ta phải tìm kế mưu sinh. Nếu chúng ta tìm nó ở một nơi nào đó ngoài Chúa, tâm trí chúng ta sẽ không bao giờ được thoả mãn, tấm lòng chúng ta sẽ không được yên nghỉ, và linh hồn chúng sẽ không bao giờ được no thoả. Chúng ta chỉ có thể tìm được sức lực của đời sống thật từ nơi Đấng vốn là Bánh Hằng Sống của chúng ta.

Một con chiên không có người chăn sẽ không được ai bảo vệ chống lại với những nguy hiểm đang đe dọa nó. Nó không thể một mình tự vệ chống lại với bọn trộm cướp và đám thú rừng.

Chúng ta cũng vậy. Chúng ta không thể sống một mình, không thể tự mình sống. Không ai có đủ sức để có thể tự vệ với những cám dỗ luôn tìm đủ cách tấn công ta. Chỉ khi nào chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể bước đi trong thế gian mà vẫn giữ được áo xống mình khỏi sự ô uế của đời này. Không có Ngài chúng ta sẽ không thể tự vệ, với Ngài chúng ta được an toàn. Đó là chân lý.

Sự săn sóc của Chúa thật chu đáo. Tắt một điều là Chúa muốn cho những ai theo Chúa luôn có được sự bình an và hạnh phúc. Nhưng tiếc một điều là nhiều khi con người không nhận ra được điều đó. Và chính vì thế mà nhiều khi họ cảm thấy dường như Thiên Chúa chẳng lưu tâm gì đến mình.

Đức Cha Tihamer Toth có kể một câu chuyện như thế này trong cuốn sách Ngài viết gửi cho các bạn trẻ. “Một hôm kia có một chàng thanh niên vô rừng đốn củi. Đến trưa anh ta tìm đến một gốc đa cổ thụ thật lớn để nằm nghỉ cho đỡ mệt. Nằm dưới gốc cây nhìn lên anh thấy những cành lá thì thật là rườm rà nhưng những quả đa thì trái nhỏ, anh phải cố gắng lắm mới nhìn thấy. Thấy như vậy nên anh ta nghó thầm:

“Lạ thật. Cây thì khổng lồ. Lá thì lớn mà trái thì lại nhỏ xíu! Thật là chẳng cân xứng tí nào”.

Rồi anh ta tự nghĩ:

– Nếu tôi mà là Chúa thì tôi sẽ cho cây đa mang trái to như trái bí, lá to như lá chuối. Như thế mới cân xứng. Tội cho cây bí! Thân thì yếu ớt mà lại phải đeo những trái lớn. Cây chuối mảnh khảnh mà lại phải mang những tấm lá to như tấm phản. Quả thật là Chúa chẳng công bằng tí nào…Hay là không có Chúa…mọi loài mọi vật đều tự nhiên mà có!.

Suy nghĩ miên man như vậy được một lát thì anh thiếp ngủ đi lúc nào mà anh cũng chẳng hay. Giữa lúc anh ngủ say như thế thì vô tình có một cơn gió lốc thổi rất mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi của anh một trái đa. Anh giật mình tỉnh dậy vừa xít xoa vừa suy nghĩ:

– May quá, phải mà trái đa lớn như trái bí thì kể như là bữa nay mình tận số rồi. Thế ra Đức Chúa Trời khôn ngoan thật. Ngài xếp đặt tất cả rồi đấy chứ. Thảo nào mà người ta thường nói: “Trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người”.”Quả sầu riêng bao giờ cũng rơi vào ban đêm”. Công việc của Chúa thật là kỳ diệu.” Bằng tình yêu thương Người luôn lo lắng cho chúng ta.

Bước qua Bài Tin Mừng, Tình thương của Chúa được biểu lộ dưới một khía cạnh khác. Người dạy dỗ chúng ta. Chúa thực sự quan tâm đến nhu cầu của chúng ta.

Sau những ngày thực tập truyền giáo mệt nhọc, Chúa Giêsu với các môn đệ Ngài quả đã không tìm được sự nghỉ ngơi như mình mong muốn.

Đám đông thấy Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài ra đi. Từ chỗ Chúa Giêsu xuất phát đến nơi mà Chúa Giêsu với các môn đệ định tới cách xa khoảng chừng 6km nếu vượt biển bằng thuyền, nhưng nếu phải đi bộ vòng bờ hồ thì đường đi đến hơn 16km. Vào ngày lặng gió hay có gió ngược thì một chiếc thuyền vượt quãng đường này phải tốn khá nhiều thời gian, còn người khoẻ chân có thể đi bộ vòng bờ hồ và đến nơi trước khi thuyền cập bến. Sự việc đã xảy ra ngay ở điểm này. Lúc Chúa Giêsu và các môn đệ vừa bước ra khỏi thuyền, thì chính đoàn dân mà Chúa và các môn đệ của Ngài muốn lánh mặt để tìm thời giờ nghỉ ngơi đã chờ sẵn ở đó rồi. Họ đang nóng lòng chờ đợi những điều Ngài có thể ban cho họ.

Thật là rất dễ bực bội với đám đông, dễ cảm thấy họ đã gây phiền toái cho Ngài. Họ đâu có quyền xâm phạm vào đời sống riêng tư của Ngài bằng những đòi hỏi triền miên như vậy? Ngài không có quyền được nghỉ ngơi yên tịnh và có thời giờ dành riêng cho mình sao? Nhưng Chúa Giêsu đã không màng tới điều đó, chẳng những Ngài không thấy họ gây phiền hà mà còn động lòng trắc ẩn xót thương họ.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa. Vì nhờ Lời Người dạy dỗ mà bao nhiêu con người trên thế giới từ trước cho đến hôm nay đã tìm ra cho đời mình một ý nghĩa, một hướng đi, giúp cho họ biết sống một cuộc đời cao cả và tốt đẹp hơn.

Tôi nhớ một câu chuyện trong cuộc đời của Augustinô. Hôm ấy Augustinô vừa thực hiện xong một cuộc tranh luận. Trở về nhà bạn của mình là Alpius, ông cảm thấy tâm hồn vô cùng trống rỗng. Lúc đó tự nhiên ông nghĩ tới Chúa, ông buột miệng thưa với Ngài: “Lạy Chúa, đến bây giờ, đến bây giờ Chúa còn nổi giận sao? Chúa không xóa đi những lỗi lầm quá khứ của con ư? Bao lâu nữa? Bao lâu nữa? Ngày mai ư? Đến mãi ngày mai sao? Tại sao không lập tức ngay bây giờ.” Thế rồi ông khóc, khóc như một đứa trẻ. Một ông tiến sĩ giáo sư đại học khóc…khóc như một đứa trẻ. Tâm hồn ông bị dày vò. Bỗng nhiên ông nghe thấy từ ngôi nhà bên cạnh, tiếng nói của một em bé nói vọng sang: “Hãy cầm lấy và đọc đi. Hãy cầm lấy và đọc đi.” Nét mặt ông đổi sắc. Ông không khóc nữa. Ông chạy thẳng lại chỗ Alpius cầm lấy cuốn thư của Phaolô gửi cho giáo đoàn Roma. Im lặng. Ông từ từ mở ra và đọc thấy ngay ở đầu trang những lời như thế này: “Anh em chớ sống trong say sưa, trong lạc thú dâm ô, trong cãi cọ và phân bì nữa – Nhưng hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng quá chăm lo về xác thịt và làm phỉ lòng nó.”

Ông gấp lại, không đọc thêm nữa. Bằng ấy thôi cũng đã đủ để ông nhận ra được ánh sáng và con đường. Ông quyết định làm lại cuộc đời. Ông cho Mẹ ông biết quyết định đó. Và bà nói đây là ngày đẹp nhất trong cuộc đời của Bà.

Vâng Augustinô đã trở lại thực sự. Ông quay hẳn một góc 180 độ. Sự trở lại của Ông đã đem lại không biết bao nhiêu lợi ích cho các linh hồn. Bằng cương vị của một Linh mục rồi một Giám mục, Augustinô đã giúp cho rất nhiều người tìm về với Chúa. Và ngày nay trên Thiên đàng với vai trò một vị Thánh, Thánh tiến sĩ Augustinô của Hội Thánh hẳn là sự trợ lực lớn lao cho Giáo Hội và chúng ta hữu hiệu hơn.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta khám phá ra được những giá trị cao cả của Lời Chúa để Lời của Chúa giúp chúng ta biết sống một cuộc sống tốt đẹp xứng đáng với danh nghĩa là con Thiên Chúa hơn. Amen.

home Mục lục Lưu trữ