Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1378832
CHÚA LÊN TRỜI, TA VÀO ĐỜI
CHÚA LÊN TRỜI, TA VÀO ĐỜI- Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
Khi sai Con của mình xuống trần gian, Thiên Chúa Cha đã có một kế hoạch đầy yêu thương dành cho nhân loại. Mục đích của kế hoạch ấy chính là quy tụ muôn người về một mối trong Nước Trời. Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã loan báo về Nước Trời và triều đại của Thiên Chúa; chiêu mộ và huấn luyện các môn đệ; thiết lập Giáo Hội… ; và cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha. Khi đã kết thúc cuộc sống tại thế, Ngài được Thiên Chúa Cha ân thưởng vinh quang trên Nước Trời.
Nhưng, trước khi về trời, Đức Giêsu đã chuyển trao cùng một sứ vụ ấy cho các môn đệ, để các ông tiếp tục loan báo về Nước Thiên Chúa cho mọi người.
Chuyển giao sứ vụ cho các môn đệ
Giờ đã điểm, Đức Giêsu đã hẹn: “Mười một môn đệ đi tới Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã hẹn với các ông” (Mt 28,16).
Khi các môn đệ thấy Đức Giêsu, chẳng ai bảo ai: “Các ông phục lạy Ngài” (Mt 28,17).
Khi phục lạy như thế, các môn đệ muốn bày tỏ sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu. Vì khi phục lạy ai thì nơi người ấy phải tôn nhận uy quyền với người mình phục lạy.
Hành vi này chúng ta cũng đã thấy nơi ba nhà Đạo Sĩ khi gặp được hài Nhi Giêsu, các ông đã phục lạy và tôn nhận vương quyền của Ngài (x. Mt 2,11). Hay như những người bị bệnh mà được Đức Giêsu chữa lành, trong số đó phải kể đến người phong hủi được lành sạch (x. Mt 8,2). Hôm nay, đứng trước sự huy hoàng của vinh quang phục sinh nơi Đức Giêsu, và hơn thế nữa, các ông nhận thấy mọi quyền năng, vinh quang và danh dự được trao ban cho Đấng Phục Sinh, vì vậy, các ông đã phục lạy Ngài.
Tiếp theo, Đức Giêsu đã tiến lại gần họ và phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,18). Qua lệnh truyền này, Đức Giêsu chính thức chuyển trao sứ vụ của Ngài cho các môn đệ là những người sẽ tiếp bước trong tương lai.
Vì thế, sau khi nhận lãnh, các ông có trách nhiệm loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Như một lời trấn an trước nghĩa vụ quan trọng mà các ông vừa nhận được, ĐỨc Giêsu đã nói:”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).
Tuy nhiên, dù về trời, nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện cách vô hình, và sứ vụ của các môn đệ luôn luôn có sự đồng hành của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài đã nói: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều này đã xác tín mạnh mẽ về sự hiện diện của Đức Giêsu với sứ vụ của các môn đệ. Đây là niềm vui mừng và động lực mạnh mẽ để các ông ra đi thi hành sứ vụ.
Sau những giây phút chứng kiến cảnh huy hoàng cũng như lãnh nhận sứ vụ, các ông hân hoan trở về để cùng nhau xây dựng và phát triển Giáo Hội. Nhất là loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến gần, kêu gọi mọi người sám hối và lãnh nhận phép rửa để được cứu độ.
Chúa lên trời – ta vào đời
Cùng một sứ vụ mà Đức Giêsu đã trao phó cho các môn đệ, hôm nay, Ngài cũng trao phó cho mỗi người chúng ta.
Lời thiên thần nhắc các môn đệ: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1,11) cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời là niềm hy vọng cho chúng ta, vì Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta: “Thầy ra đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu, các con sẽ ở đó với Thầy”. Thánh Phaolô cũng đã xác tín khi nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ giữ niềm hy vọng ấy cho riêng mình. Chúng ta cũng không chỉ dừng lại ở việc tin vào lời Đức Giêsu đã truyền dạy, nhưng chúng ta cũng phải loan báo cho nhân loại về niềm hy vọng và niềm tin mà chúng ta đã nhận được. Để qua đó: chúng ta hãy đi “và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Cv 1,11).
Nhưng, điều quan trọng, đó là chúng ta loan báo Tin Mừng bằng cách nào?
Lời Đức Giêsu hôm nay đã vạch ra cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta kế hoạch truyền giáo để cho có hiệu quả như:
Trước tiên là: “Hãy đi giảng dạy muôn dân”. Lời rao giảng rất cần thiết, vì như thánh Phaolô đã nói: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Tuy nhiên, nếu chỉ rao giảng không thôi thì chưa đủ, mà lời rao giảng quan trọng và hùng hồn nhất là bằng đời sống của người loan báo. Chính lời nói và hành động ăn khớp với nhau làm nên sự thống nhất nơi người môn đệ, và như thế, lời loan báo mới khả tín, đáng tin và đem lại niềm hy vọng cho người nghe.
Thứ đến là: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Qua lệnh truyền này, Đức Giêsu cho thấy: Ba Ngôi chính là nội dung và cùng đích của lời rao giảng. Mọi hành vi khi thi hành sứ vụ loan báo Lời Chúa phải quy hướng về Ba Ngôi như là nguồn cội. Tách ra khỏi điểm tựa này, chúng ta sẽ bị rơi vào trạng thái vô định mất phương hướng.
Tiếp theo là: “Giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”. Người môn đệ chỉ là người được sai đi để quy tụ muôn dân về với Đấng đã sai mình. Vì thế, không phải nhân danh cá nhân của mình để phô trương tài cán công lao của bản thân, mà ngược lại, phải trung thành loan báo chính lời của Thầy Giêsu. Chỉ khi nào chúng ta loan báo Lời Chúa cách trung thực, thì bản thân người loan báo mới cảm nhận được hạnh phúc và người nghe mới thấy được niềm hy vọng.
Mặt khác: nội dung của lời rao giảng chính là: “Loan báo về một Vị Thiên Chúa nhân từ, giàu long thương xót với hết mọi người. Ngài đến để yêu họ và yêu đến cùng, nên đã chết thay cho nhân loại để nhân loại được sống và sống dồi dào”. Vì thế, trước, trong và sau khi loan báo, chúng ta hãy: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh chị em chúng ta như chính mình”. Làm được điều đó, lời rao giảng của chúng ta mới thành công, nếu không, mọi lời rao giảng chỉ như chiếc phèng la điếc tai thiên hạ mà không có kết quả.
Cuối cùng, trong mọi biến cố của cuộc đời, nhất là mọi thăng trầm của công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta an vui và vững bước vì có Đức Giêsu luôn ở cùng để bảo vệ, nâng đỡ như lời Ngài đã phán: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội chọn làm ngày quốc tế truyền thông. Khi chọn như vậy, Giáo Hội đề cao vai trò của truyền thông trong việc chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy biết tận dụng và chắt lọc khi sử dụng những phương tiện truyền thong như: ti vi, báo đài, điện thoại, Internet và các mạng xã hội toàn cầu để loan báo Lời Hằng Sống cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa về trời là niềm hy vọng cho chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con luôn hướng lòng lên trời, để ái mộ những sự trên trời. Ngõ hầu mai ngày chúng con cũng sẽ được hưởng trọn vẹn niềm vui Nước Trời. Amen.
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH- CHÚA THĂNG THIÊN- Năm B
ĐƯỜNG LÊN TRỜI- Trích Logos B
Han Christian Andersen (1805-1875) là nhà văn lớn và là người viết truyện cổ tích nổi tiếng của xứ sở Đan Mạch. Một trong những truyện được ưa thích nhất của ông là truyện “Cô Bé Bán Diêm”. Truyện kể về một bé gái nghèo đói đi bán diêm trong đêm giao thừa lạnh lẽo đầy băng tuyết.
Trong đêm đông rét buốt ấy, cô bé không bán được bao diêm nào, giữa lúc bụng thì đói, thân xác thì giá lạnh. Cô bé đành nép vào một góc tường giữa phố để trốn những cơn gió lạnh. Vì lạnh quá, cô bé đành phải đánh lên những que diêm để sưởi ấm mình. Que diêm thứ nhất sáng lên, cô bé nhìn thấy một cái lò sưởi ấm áp. Que diêm thứ hai bùng lên, cô nhìn thấy một bàn ăn thơm phức. Que diêm thứ ba lóe lên, cô bé nhìn thấy một cây noel rực rỡ. Cứ thế, cô đánh hết que diêm này đến que diêm khác để nhìn thấy những ảo ảnh xuất hiện. Que diêm cuối cùng sáng lên, cô bé nhìn thấy bà nội hiền hậu đã mất của cô hiện ra, cầm lấy tay cô, rồi hai bà cháu bay vút lên cao, cao mãi tới nơi không còn giá lạnh, không còn đói khát, không còn sợ hãi nữa.
Sáng hôm sau, người ta tìm thấy cô bé đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa, bên cạnh là những que diêm cháy dở mà cô đã đánh lên để sưởi ấm mình.
Hình ảnh đẹp nhất trong câu truyện là cảnh hai bà cháu bay lên trời cao để thoát khỏi những đau khổ ở đời này. Có lẽ, đó cũng là ước muốn của nhiều người. Tuy nhiên, hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta một chân lý cao cả hơn : lên trời không phải là một cuộc chạy trốn, cũng không phải là một giấc mơ hão huyền, nhưng là một hiện thực đang được khởi đầu ngay từ trần thế này. Con đường lên trời được nối dài từ con đường loan báo Tin Mừng. Đó chính là sứ vụ Chúa trao cho các môn đệ trước khi về trời : “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.
Thăng Thiên, lối mở về thiên quốc
Hằng năm, khi đến lễ Thăng Thiên, chúng ta được chiêm ngưỡng một mầu nhiệm vừa cao cả lại vừa gần gũi với con người : đó là mầu nhiệm Chúa Giêsu “lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”, như lời thánh Marcô vừa kể lại trong Tin Mừng. Cao cả, vì Thăng Thiên là một mầu nhiệm vượt trên trí hiểu của con người, một vấn đề thuộc lãnh vực của niềm tin. Nhưng đây cũng là một biến cố hết sức gần gũi với chúng ta. Trước khi về trời, Chúa đã ân cần trao cho các môn đệ sứ mạng loan báo Tin Mừng và hứa luôn hoạt động cùng các ông mọi nơi mọi lúc.
Trước hết, từ ngữ “Chúa lên trời” chỉ là một cách diễn tả của con người, ám chỉ việc Chúa Giêsu đi vào vinh quang với Chúa Cha, được đặt bên hữu Chúa Cha. Vì thế, “Chúa lên trời” không hiểu theo nghĩa đen là Chúa được đưa lên cao xuyên qua các tầng trời để hiển trị trên Thiên Quốc. “Chúa lên trời” là từ ngữ của Thánh Kinh nhằm diễn tả Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Chúa Cha. Ngài từ Cha mà đến, và nay trở về với Cha : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3, 13).
Có một điều đáng lưu ý : Chúa lên trời không phải là một cuộc chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. “Chúa lên trời” không có nghĩa là Ngài cắt đứt mối tương quan với người thế. Ngài rời khỏi dương gian là để đưa con người vào một mối thâm giao sâu xa hơn.
Là người thế, chúng ta không còn nhìn thấy Ngài, tiếp xúc với Ngài bằng giác quan tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Ngài rời khỏi chúng ta về phương diện thể xác, nhưng vẫn hiện diện qua Thánh Thần, qua lời hằng sống, qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn ở mãi với chúng ta như lời Ngài hứa : “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Như thế, “Chúa lên trời” là để mở ra cho ta một con đường hướng về Thiên Quốc. Chúa muốn dạy chúng ta : đang khi xây dựng trần thế, chúng ta vẫn phải hướng về quê hương đích thật là quê hương trên trời.
Thăng Thiên, con đường khởi đi từ trần thế
“Chúa lên trời” không phải là để mở ra cho con người một cuộc chạy trốn khỏi gian trần với biết bao đa đoan và khổ đau. Được lên trời cũng không phải là “một liều thuốc ru ngủ” của Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ và mọi người đi theo Chúa. Nhưng mầu nhiệm Thăng Thiên chính là con đường được khởi đầu ngay từ trần thế này để dẫn về Thiên Quốc. Trong khi con người được mời gọi hướng về trời cao, họ cũng được mời gọi để “vào đời” và lao vào “cuộc hiện sinh” cam go tại trần gian này.
Câu chuyện Chúa lên trời được sách Tông Đồ Công Vụ kể lại trong bài đọc I hôm nay đã chứng minh điều đó : khi Chúa Giêsu được cất lên trời giữa đám mây, các môn đệ đã ngẩn ngơ nhìn theo. Lúc ấy, có hai thiên thần áo trắng hiện ra nhắc nhở các môn đệ : “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời ?” Các thiên thần có ý nhắc nhở các môn đệ : đừng mải mê nhìn lên trời, nhưng hãy trở về với thực tại trần gian để thi hành lệnh truyền của Chúa : làm chứng nhân cho Chúa tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất.
“Chúa lên trời” cũng không phải là một dấu chấm hết cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu tại trần thế. Nhưng thăng thiên chính là cánh cửa mở rộng để các môn đệ được sai đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chúa từ giã các môn đệ để về trời không phải là kết thúc những hoạt động của Chúa. Nhưng khi Chúa về trời, các môn đệ đã được mời gọi mang lấy trái tim của Chúa để yêu thương nhiều hơn, mang lấy đôi tay của Chúa để phục vụ quảng đại hơn, mang lấy đôi chân của Chúa để đi xa hơn trên bước đường gieo vãi Tin Mừng yêu thương.
“Chúa lên trời” để từ đây, với ngọn gió Thánh Thần, các môn đệ được thúc đẩy bước ra khỏi ranh giới Israel hạn hẹp để “đi khắp thế gian” rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Cho dù các môn đệ đi đến đâu, ở nơi đâu, Chúa đều đồng hành và hoạt động với các ông.
Như thế, “Chúa lên trời” không phải là một biến cố “giải thể” các tông đồ, nhưng đó chính là khởi điểm cho một cuộc lên đường đầy nhiệt tâm và dũng cảm : lên đường xông pha vào thử thách gian nan, lên đường để mang tình yêu đến cho mọi người.
Như vậy, con đường lên trời của mỗi người tín hữu cũng phải được bắt đầu từ trần thế này. Để lên trời, chúng ta không thể chạy trốn trần thế, nhưng phải “nhập thế” để gánh vác lấy trách nhiệm của một chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian này.
Con đường lên trời của chúng ta khởi đi từ những hy sinh và phục vụ, từ những vất vả và cần lao. Chúa vẫn ở cùng ta, hoạt động cùng ta để giúp ta đạt đến đích điểm chúng ta mong chờ.
Năm 1917, tại Fatima, Đức Mẹ hiện ra với ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta. Ba em đã đơn sơ hỏi Đức Mẹ : “Thưa Bà, Bà ở đâu đến ? Đức Mẹ đưa tay lên cao và nói : “Từ trời xuống”. Ba em liền xin với Đức Mẹ : “Xin Bà cho chúng con cũng được lên trời”. Đức Mẹ mỉm cười đáp : “Phanxicô và Giaxinta sẽ được về trời trong một ngày gần đây. Còn Luxia thì hãy chịu khó ở lại trần thế này một thời gian nữa”.
Quả thật, sau đó, Phanxicô và Giaxinta đã được về trời sớm. Còn Luxia trở thành một nữ tu trong tu viện kín. Bà sống rất thọ và chỉ qua đời cách đây ít năm. “Luxia” có nghĩa là “ánh sáng”. Vì thế, Luxia đã được mời gọi để trở nên ánh sáng chứng nhân cho Chúa ở trần gian.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để lên đường loan báo Tin Mừng cho anh chị em mình bằng cách chiếu ánh sáng niềm tin và tình yêu cho người thế. Đó chính là con đường ngắn nhất dẫn đưa chúng ta về trời.
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH- CHÚA THĂNG THIÊN- Năm B
CHÚA LÊN TRỜI- Lm. Giuse Đinh Tất Quý
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm “Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận.
Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.
Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna đã là người đầu tiên loan báo cho hai môn đệ Phêrô và Gioan về sự kiện ngôi mộ trống, dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Rồi tám ngày sau, vào Chúa Nhật II Phục Sinh, trong lần hiện ra với các tông đồ có cả Tôma, chính Đấng Phục Sinh đã truyền cho các tông đồ “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Kế đến, trong Chúa Nhật III, Tin Mừng Luca còn thuật lại cho chúng ta việc Đấng Phục Sinh hiện đến với các tông đồ khi đó đang tụ họp cùng với hai môn đệ vừa từ làng Emmaus trở về. Và cả lần này, Đấng Phục Sinh cũng giao cho các ông sứ mạng “nhân danh Người rao giảng sự thống hối… bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47). Ngài còn nhấn mạnh: “Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 48). Còn trong Chúa Nhật IV, chúng ta đọc được tâm sự của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn” (Ga 10,16a).
Được gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Đấng Phục Sinh như cành nho liên kết với thân nho, từng người chúng ta cũng được mời gọi sinh hoa trái bằng đời sống bác ái yêu thương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tin nhận Đấng Phục Sinh. Đó chính là giáo huấn của lời Chúa trong Chúa Nhật V Phục Sinh. Còn trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Kitô xác định rõ với từng người chúng ta: “Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái” (Ga 15,16). Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.
Như vậy, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là Kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh, vì từ đây, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến Giáo Hội chọn ngày lễ hôm nay làm ngày “Truyền thông thế giới”. Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng.
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh về trời, đang lúc các môn đệ vẫn còn ngước mắt lên trời, thì thiên sứ đã nhắc các ông: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời…”. Các tông đồ không được phép đứng đó mãi nhìn trời. Các ông phải trở về với cuộc sống hiện tại để làm chứng cho Đấng Phục Sinh.
Cũng thế, là một kitô hữu, chúng ta không chỉ đọc kinh, tham dự các nghi lễ phụng vụ ở nhà thờ, chúng ta phải trở về nhà, đối diện với mọi vất vả trong cuộc sống thường ngày như những người khác. Các bậc phụ huynh vẫn phải vất vả làm lụng, ngược xuôi buôn bán, các em nhỏ cũng phải bận rộn với việc học hành các kiến thức văn hoá, xã hội… tắt một lời, trước mắt mọi người, mỗi người chúng ta vẫn phải sinh hoạt, lo toan mọi điều trong cuộc sống như bất cứ một người nào. Tuy nhiên, ngay giữa cuộc sống đó, chúng ta vẫn có thể thông truyền Tin Mừng Phục Sinh, loan báo cho mọi người biết rằng sau cuộc sống hiện tại này, còn có một quê hương vĩnh cửu trên trời, nếu chúng ta giữ mình không gian dối, lừa đảo, không tham lam bất chính, luôn chung thuỷ trong đời sống gia đình.
Thủ lĩnh của một bộ tộc đau nặng, đang hấp hối trên giường bệnh. Ông cho gọi ba người con có thể kế vị ông đến và nói:
– Một trong ba chúng con sẽ kế vị ta. Vậy các con hãy leo lên đỉnh núi thiêng của chúng ta và mang về cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.
Người thứ nhất trở về đem theo một thỏi vàng lớn.
Người thứ hai đem về một viên ngọc vô giá. Còn người thứ ba trở về với hai bàn tay trắng. Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi:
Món quà quý của con đâu?
Anh ta điềm tĩnh trả lời:
– Khi leo lên tới đỉnh núi, con nhìn thấy phía bên kia núi một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, suối nước dồi dào, cây cối xanh tươi, dân chúng có thể sống sung túc hơn ở bên này.
Vị tù trưởng nói:
– Con sẽ nối nghiệp ta. Con đã đem về cho bộ tộc một món quà vô giá đó là một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Sống ở trần gian này, con người chỉ biết rất mù mờ về cuộc sống mai sau. Cứ nhìn vào những cách bày tỏ lòng hiếu thảo đối với người đã chết của các tôn giáo thì sẽ thấy điều đó. Chỉ khi con người leo lên đến đỉnh núi của cuộc đời là cái chết, lúc đó họ mới thấy được cuộc sống tương lai. Không ai biết trước cuộc sống sau khi chết, chỉ mình Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời xuống, mới mạc khải cho chúng ta thấy rõ quê hương thực sự của chúng ta mà thôi. Quê hương đó không phải ở trần gian này.
Việc Chúa Phục sinh lên trời nhắc nhở chúng ta về một chân lý căn bản và một bổn phận quan trọng. Chân lý đó là quê hương đích thật của chúng ta là ở với Thiên Chúa, và bổn phận của chúng ta là phải sống yêu thương, chia sẻ niềm tin với người khác, xây dựng cuộc sống hôm nay tốt đẹp, để ngày sau, cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên quê trời.
Như vậy việc Chúa lên trời dạy chúng ta rằng ngoài cuộc sống đời này, còn có một cuộc sống khác. Đó mới chính là quê hương của chúng ta; nơi đó gọi là trời hay thiên đàng. Trời hay thiên đàng là tình trạng con người sống hạnh phúc hoàn toàn, không còn đau khổ; vĩnh viễn không hề bị tiêu diệt. Trời hay thiên đàng là nơi con người trở nên Thần Thánh, chung sống với Thiên Chúa và những người đã sống tốt cuộc đời mình ở trần gian.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam