Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1378247

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Chúa Nhật 5 Phục Sinh

(Suy niệm của Lm Trọng Hương)

Hạt giống

Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng lưu ý:

  1. Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự khi được thực hiện ý muốn Chúa Cha.
  2. Trước lúc bước vào con đường thập giá, Đức Giêsu trối lại cho các môn đệ điều răn mới của Ngài: “Chúng con hãy yêu thương nhau… Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con có lòng yêu thương nhau”.

Nẩy mầm

  1. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.
  2. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau”: Yêu thương nhau là điều răn của Chúa. Chúng ta yêu thương nhau là tâm huyết của Chúa. Như thế, khi chúng ta không yêu thương nhau thì không phải là chúng ta chỉ lỗi phạm đến nhau mà là xúc phạm đến chính Chúa, xúc phạm đến điều quan trọng nhất trong Đạo Chúa.
  3. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”: Tại sao người ta không tin vào Giáo Hội? Tại sao người ta không đánh giá cao cộng đoàn của chúng ta? Đức Giêsu đã trả lời trước từ lâu rồi: tại vì chúng ta không yêu thương nhau.
  4. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông:

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ.

Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Và ông giải thích: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.”

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà giáng sinh”)

 

15. Yêu như Chúa yêu

(Tổng Hợp từ R. Veritas)

Tình yêu là một đề tài muôn thuở, nhất là vào thời buổi kim tiền hôm nay. Tình yêu là một mặt hàng đắt khách. Tình yêu xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tình yêu xuất hiện trên báo chí và sách vở, trên phim ảnh và mọi ngành nghệ thuật. Những bài tình ca, những cuốn phim nói về tình yêu. Những cuốn sách, những vần thơ được viết ra để ca ngợi tình yêu… Tất cả đã thu hút con người về với tình yêu. Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp mọi nơi và chi phối đời sống của mọi con người.

***

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến tình yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga.13:34)

“Yêu thương nhau” không những là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, là đặc điểm của những người theo Chúa, là sứ mệnh của mỗi người Kitô.

“Yêu thương nhau” là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, yêu những người xem ra có lợi cho mình, yêu theo bản tính ích kỷ của mình. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người phải yêu nhau như Chúa đã yêu.

“Yêu như Chúa yêu” là phải hy sinh quên mình, phải khiêm nhường phục vụ anh em. Yêu như Chúa yêu là phải yêu cả những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa.

“Yêu như Chúa yêu” là phải không ngừng tha thứ, không ngừng làm hoà với nhau.

“Yêu như Chúa yêu” là sự sống của Giáo Hội, là nét cao đẹp của người Kitô. Nét cao đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét cao đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến với Chúa.

“Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga.13:35). Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, ta phải yêu như Chúa yêu. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Ngài nghĩ ra, không phải phát xuất từ chính Ngài, nhưng bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. (Ga.15:9).

***

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

 

16. Vinh quang thập giá

Một lời hết sức tự nhiên trong lời từ giã là phải nói về sự ra đi của mình. Chúa Giêsu đã làm như thế đối với các môn đệ của mình. Tuy nhiên Chúa báo trước cuộc đi xa này bằng từ ngữ rất khó hiểu đối với các môn đệ: Ngài sẽ được “vinh hiển” và cũng làm vinh hiển Cha qua cái chết và sự sống lại. Ngài tỏ bày vinh quang theo bốn phương diện:

1) Vinh quang của Chúa Giêsu đã đến, vinh quang đó là thập giá.

Sự căng thẳng đã qua đi, mọi nghi ngờ còn lại đều được cất đi. Giuđa đã ra đi và thập giá chắc chắn phải đến. Vinh quang của Chúa Giêsu là thập giá. Ở đây chúng ta đang đối diện với thực tế của cuộc đời. Vinh quang rạng rỡ nhất trong đời sống là vinh quang đến từ sự hy sinh.

Có hai thanh niên rất yêu thích hội hoạ. Họ kết thân với nhau, vừa làm việc, vừa học vẽ. Một thời gian sau, không có đủ tiền cho cả hai cùng học. Họ quyết định một người lao động để nuôi người kia học cho tới khi thành tài, rồi đến lượt người này đi học. An-béc-sơ học trước, qua bao năm tháng miệt mài, khổ công, An-béc-sơ trở thành một hoạ sĩ nổi danh và anh đem bán những bức tranh lấy tiền nuôi bạn học vẽ, nhưng dầu đã cố gắng hết sức, anh bạn của An-béc-sơ không sao vẽ nổi. Đôi bàn tay anh lao động đã trở nên thô cứng, không thể điều khiển bút vẽ được nữa. Khi biết sự thật ấy, An-béc-sơ khóc, ôm bạn nói: “Đôi bàn tay chai sần của anh đã giúp phần vào những bức vẽ của tôi. Nếu không có đôi bàn tay anh, những bức tranh này không bao giờ thành hình cả”. Hãy cho phép tôi hoạ lại đôi bàn tay của anh”.

Bức tranh ấy, với một đôi bàn tay lao động, đã trở thành tác phẩm nổi tiếng của nền hội hoạ thế giới, hiện nay đang được trưng bày tại một viện bảo tàng ở Mỹ.

Trong y học, người ta không nhớ những thầy thuốc làm giàu do nghề nghiệp, nhưng nhớ những người đã hy sinh mạng sống để chữa lành nỗi đau đớn của con người. Tại một hội nghị chuyên đề về bệnh cùi được tổ chức tại Cairô, thủ đô Ai Cập, có một y sĩ trẻ người thành Alexandria được người ta để ý, anh chăm chú nghe các bài thuyết trình của các chuyên gia, nhưng có một điều lạ là anh luôn ngồi tách rời với đám đông, trong một góc nhỏ. Không ai biết anh dùng bữa ở đâu. Anh cũng không giao thiệp với bất cứ một thành viên nào của hội nghị. Vào phiên họp cuối cùng anh lên tiếng. Khi anh tóm kết bài tham luận, một sự im lặng như chết bao trùm cả phòng họp; nhiều người bật tiếng khóc. Anh nói gì? Anh tuyên bố rằng anh đã tự nguyện để nhiễm bệnh cùi, để có thể tự anh quan sát diễn biến của cái bệnh kinh khủng này. Anh cho thấy những vết trắng và nâu ở cánh tay anh, một triệu chứng không thể chối cãi của sự nhiễm trùng, và rồi anh mô tả tất cả những gì anh đã cảm thấy, cùng hiệu quả tất cả các thuốc anh đã dùng. Anh biết rằng anh không thể tránh được cái chết từ từ và đau đớn, nhưng anh sẵn sàng chịu đựng tất cả để giúp phần vào sự tiến bộ của khoa học, hầu đẩy lui những hiểm nguy cho các người mắc bệnh. Loài người chỉ biết cúi đầu khâm phục trước sự hy sinh của những người tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu đồng loại.

Trong mọi cuộc chiến tranh, vinh quang tuyệt đỉnh không thuộc về những người sống sót mà thuộc về những người đã bỏ thây nơi chiến trường. Bài học đơn giản của lịch sử là những người chịu hy sinh lớn thì nhận được vinh quang cao cả. Nhân loại quên đi những người thành công nhưng chẳng bao giờ quên ơn những người dám hy sinh. Họ bước đi trong các vết chân của Chúa Kitô.

“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì người lương thiện, thế mà Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi”(Rm 5,6-8).

2) Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa được tôn vinh

Chính sự vâng phục của Chúa Giêsu đem lại vinh quang cho Thiên Chúa. Chỉ có một cách để chứng minh lòng kính yêu, ngưỡng mộ và tin cậy một lãnh tụ là vâng phục vị lãnh tụ ấy, vâng phục cho đến cuối cùng, dầu phải nếm mùi đắng cay. Cách thế duy nhất để một người con có thể đem lại vinh dự cho cha mẹ ấy là vâng phục cha mẹ. Chúa Giêsu đã đem vinh quang tối cao cho Thiên Chúa, vì Ngài tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa, dầu phải đi đến Núi Sọ.

3) Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha tự tôn vinh chính Ngài.

Có một tư tưởng lạ lùng, ấy là vinh quang tối cao của Thiên Chúa lại do sự nhập thể và thập giá của Chúa Giêsu. Chẳng có vinh quang nào như vinh quang của việc được yêu thương. Nếu Thiên Chúa cứ giữ sự xa cách, uy nghiêm, bình thản, không xúc động trước bất cứ sự sầu khổ, đau đớn nào thì người ta có thể sợ hãi Ngài, có thể chiêm ngưỡng Ngài, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ yêu mến Ngài. Định luật hy sinh không chỉ là một định luật của thời gian, nhưng là của cả trời và đất. Chính trong sự nhập thể và thập giá của Chúa Giêsu, vinh quang tối cao của Thiên Chúa được tỏ ra. Chúa Giêsu là vinh hiển của Thiên Chúa. Vinh hiển của Thiên Chúa không biểu lộ trong sự nghiền nát con người, xô đẩy họ xuống địa vị thấp hèn, nhưng còn biểu lộ trong sự phục vụ, thương yêu con người, và chết thay cho con người. Vinh hiển của Chúa không phải là vinh hiển của quyền lực đánh đổ, nhưng là vinh hiển của tình yêu chịu khổ.

4) Thiên Chúa sẽ tôn vinh Chúa Giêsu.

Đây là một mặt khác của vấn đề. Hiện giờ thập giá là vinh quang của Chúa Giêsu, nhưng kế đến còn nhiều hơn thế nữa, sự phục sinh, sự thăng thiên, sự toàn thắng vẻ vang cuối cùng của Chúa Cứu Thế là điều Tân Ước muốn nói tới khi đề cập đến việc trở lại trong vinh quang của Ngài. Tại thập giá, Chúa Giêsu được vinh quang riêng cho Ngài, nhưng sẽ đến ngày, một ngày chắc chắn, lúc vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ bày cho thế giới và toàn thể vũ trụ. Sự tôn cao Chúa Giêsu phải tiếp theo sự sỉ nhục Ngài đã chịu, việc Ngài lên ngôi phải theo sau việc Ngài chịu đóng đinh. Chiếc mũ gai phải biến thành vương miện vinh hiển. Chiến dịch là chiến dịch của thập giá, nhưng nhà Vua sẽ bước vào chiến thắng khải hoàn mà cả thế gian đều trông thấy.

 

17. Để nhận ra người môn đệ chân chính

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Trong giờ hấp hối, khi sắp từ giã những người thân yêu nhất để vĩnh viễn ra đi sang thế giới khác, người hấp hối cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại và dành chút hơi tàn để căn dặn người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất.

Chúa Giêsu cũng thế. Khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, Chúa Giêsu trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau…”

Chúa Giêsu không muốn các môn đệ Ngài yêu thương nhau hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương theo một mức độ lớn lao, nên nói thêm: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Rồi Đức Giêsu nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”

Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân, thì người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giêsu, mà chỉ là người môn đệ giả.

Trên thị trường ngày nay, có vô số đồ giả: vàng giả, tiền giả, thuốc giả, hàng giả xen lẫn với hàng thật. Đối với phần đông dân chúng, thì việc phân biệt đâu là hàng thật, đâu là giả quả là điều rất khó khăn.

Trong đạo thánh Chúa cũng vậy. Có nhiều Kitô hữu giả trà trộn giữa các Kitô hữu thật, muốn phân biệt ai giả ai thật, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thế nên Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta dấu hiệu phân biệt rất chính xác. Dấu hiệu đó là lòng yêu thương. Ngài dạy: “người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ thật của Thầy, là các con yêu thương nhau.” Nếu có ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.

* * *

Có người chiêm bao thấy mình từ giã cõi trần tiến đến cửa thiên đàng. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào cửa, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.

Trước hết, anh ta xuất trình chứng thư rửa tội, có chữ ký của cha sở và dấu đỏ của giáo xứ, nắm chắc hy vọng rằng với chứng thư nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối. Thế là anh ta lại xuất trình thêm chứng thư thêm sức, rồi chứng thư hôn phối, cả sổ gia đình công giáo nữa. Vậy mà thánh Phê-rô vẫn khước từ.

“Ngài còn đòi gì nữa? Con còn cả tràng chuỗi đây, cả cuốn sách kinh hôm mai đây. Bấy nhiêu không đủ chứng tỏ con là người môn đệ Chúa Giêsu sao?”

Thánh Phê-rô trả lời: “Con phải mang phù hiệu của người Kitô hữu.”

“Phù hiệu nào nữa, thưa Ngài?”

“Thế con không nhớ lời Thầy chí thánh phán dạy sao: “người ta chỉ căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương mến nhau. Chưa có lòng thương mến nhau thì con chỉ là Kitô hữu giả hiệu.”

Qua dụ ngôn phán xét chung, Chúa Giêsu cũng khẳng định điều nầy. Trong ngày ấy, muôn dân sẽ được tập họp lại và Chúa sai thiên thần tách biệt họ thành hai. Người lành đứng bên phải còn kẻ dữ bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì… các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta.

Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta. (Mt 25, 31-46)

Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xem xét lại bản thân mình. Biết đâu ngay cả bản thân tôi cũng là môn đệ giả của Chúa Giêsu mà tôi không hề hay biết!

Hãy rà soát lại xem mình đã tôn trọng, chân thành yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng ta vẫn còn là những Kitô hữu giả hiệu, chúng ta không thuộc vào số những người môn đệ chân chính và vương quốc thiên đàng không có chỗ cho chúng ta.

 

18. Yêu thương và giúp đỡ

Thày truyền cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Một bác nông dân nghèo túng ngồi trước cửa nhà và than thở vì không biết phải tìm đâu ra tiền để nuôi sống gia đình. Đang lúc rầu rĩ như vậy, thì có một người lạ mặt đi qua, trên tay cầm một con ngỗng. Người khách lạ trao con ngỗng cho bác và nói: bác hãy chăm sóc con ngỗng này, nó sẽ đền đáp cho bác gấp bội. Nói xong người khách lạ bỏ đi. Bác nông dân mang con ngỗng vào nhà và cho nó ăn uống đầy đủ. Bác cũng làm cho nó một cái chuồng nho nhỏ và xinh xinh.

Sáng hôm sau, vừa thức dạy, bác liền đến thăm con ngỗng. Bác nhìn vào trong chuồng và thấy một quả trứng vàng. Bác nhặt lấy quả trứng rồi đem đi bán. Liên tiếp trong một tuần lễ, ngày nào bác cũng nhặt được một quả trứng vàng. Không bao lâu, bác đã mua sắm đầy đủ những thứ cần thiết cho gia đình. Đồng thời bác cũng chăm sóc cho con ngỗng một cách chu đáo.

Thế nhưng, càng có tiền thì lòng tham của bác càng gia tăng. Bác không muốn ngày nào cũng phải đi nhặt quả trứng vàng nữa. Bác muốn tức khắc tất cả kho tàng chứa đựng ở trong bụng con ngỗng. Nghĩ thế cho nên bác mới giết con vật, mổ bụng nó ra, nhưng hỡi ôi, con vật thì đã chết và trong bụng nó cũng chẳng có lấy một quả trứng vàng nào. Giữa lúc bác đang buồn nản và tuyệt vọng, thì người khách lạ xuất hiện. Nhìn thấy cảnh tượng trên, người ấy bèn nói: Tôi đã bảo với bác rằng, nếu bác chịu khó chăm sóc cho con ngỗng của tôi, thì nó sẽ đền đáp gấp bội cho bác. Bây giờ bác đã giết nó thì bác sẽ mất đi tất cả.

Trong một bài hát mang tựa đề: Hãy hy sinh để được thêm một ngày trên cõi phúc, có lời ca như sau: Đừng làm lơ khi băng qua đường giữa lúc người nghèo khổ đang cầu xin được giúp đỡ. Hãy lắng nghe lời khẩn khoản của một bà già nghèo đói. Bởi vì giúp cho bà là bạn sẽ được sống thêm một ngày trên cõi phúc.

Một bản nhạc khác cũng đã nhấn mạnh đến tình yêu thương như sau: Cha ông chúng ta đã dạy chúng ta thế nào là sống bác ái, là sống chia sẻ, nhưng có ai trong chúng ta đã nhớ thực hiện những điều dạy bảo ấy.

Câu chuyện và những bài hát trên làm cho chúng ta nhớ tới hoạt cảnh của ngày phán xét, ngày ấy chúng ta sẽ bị Chúa tra hỏi về điều gì nếu không phải là về những hành động bác ái chúng ta đã làm hay đã không làm cho người khác. Rồi từ đó, số phận đời đời của chúng ta sẽ được ấn định. Vì thế, cốt lõi của cuộc sống là tình bác ái, việc cần phải làm ngay là thực thi giới luật yêu thương, như lời Chúa Giêsu đã nói với chúng ta qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Thày truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.

Bộ đồng phục của người Kytô hữu đâu có phải là màu áo này màu áo nọ, đâu có phải là những hình thức đạo đức bên ngoài, mà là tình bác ái: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau. Trở lại với câu chuyện lúc ban đầu: con ngỗng chỉ đẻ được quả trứng vàng, nếu nó được chăm sóc. Còn nếu giết nó đi, loại trừ nó đi, thì nó sẽ trả lại cho chúng ta sự nghèo túng và cô đơn. Đối với người khác cũng vậy, như mộ bài hát đã diễn tả: Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai. Nói cách khác, những chăm sóc và giúp đỡ anh em sẽ đem lại cho chúng ta những quả trứng vàng trong ngày sau hết.

 

19. Điều răn mới

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Gandhi được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Độ. Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi. Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn. Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ. Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen. Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.

Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.

Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi, họ sống tinh thần Đức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Lời trăn trối của Đức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.

Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài, nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.

Yêu thương nhau trở thành điều răn mới, mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.

Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Trước khi công bố điều răn mới này, Đức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa. Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu. Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)

Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý. Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31). Đức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình. Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.

Đức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.

Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta, thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.

Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu: đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn… Nhưng theo Đức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…

Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào. Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.

Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị… Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga, giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen. Đến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha, mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày, cử hành chung với nhau một phụng vụ.

Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu. Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi mời mọi người đặt chân tới.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương lẫn nhau? Có những dấu hiệu nào để nhận ra tình yêu thương đó?

Bạn thấy nhóm của bạn, giáo xứ của bạn, cộng đoàn của bạn có làm chứng đủ về tình yêu thương nhau trước mặt mọi người chưa?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng và thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

 

20. Dấu chỉ môn đệ Chúa Kitô

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Là Kitô hữu, bình thường ai cũng muốn kẻ khác nhận biết mình là con cái Chúa trong Hội Thánh. Dĩ nhiên vẫn có đó những Kitô hữu không muốn kẻ khác nhận biết mình là con cái Chúa. Với xã hội rộng lớn, bản thân không nắm rõ. Tuy nhiên ngay trong chính mãnh đất thân yêu Việt Nam này thì đã từng có nhiều người e ngại kẻ khác biết mình là Kitô hữu. Sợ bị thua thiệt về đường công danh, lợi lộc hay học vấn mà nhiều người đã ghi vào lý lịch ba chữ “không tôn giáo”. Ngay cả đến hôm nay, trong các lớp học cấp ba, cao đẳng, đại học, khi mà một số thầy cô còn dè bỉu Công giáo qua các bài học về thuyết tiến hóa, về sự hình thành tôn giáo… Các thầy cô thường lấy chuyện Kinh thánh Ađam – Evà ra mà diễu cợt. Tôi đã nghe nhiều em học sinh, sinh viên thú nhận rằng những lúc ấy các em dường như không muốn ai biết mình là Công giáo. Nhiều thầy cô có thể vì thiếu hiểu biết hay vì cố tình xuyên tạc nên đã có những lời giảng dạy mang tính phê bình chỉ trích tôn giáo, cách riêng Công giáo. Rất nhiều em học sinh, sinh viên viên vì chưa hiểu biết giáo lý, nhất là Thánh Kinh nên có thái độ tự ti là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên bài viết này không trực tiếp đề cập đến cái thực tế đang tồn tại ấy. Xin được mạn bàn về cái dấu chỉ mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn văn Tin mừng Gioan 13,33-35. Dấu ấy là “các con yêu thương nhau”. Yêu thuơng nhau thì cũng có ba bảy đuờng yêu thương. Không phải hễ yêu thương nhau là ta đã là môn đệ Chúa Kitô. Để đích thực là môn đệ của Người thì ta phải “yêu thương nhau như Người yêu thương ta” (x.Ga 15,12). Đây mới chính là dấu chỉ chính danh, chính hiệu.

Vậy thế nào là yêu thương nhau như Chúa Kiô yêu thương ta? Chúng ta vốn quen tai với những dẫn giải rằng phải yêu thương cho đến cùng, phải hiến dâng mạng sống vì người mình yêu, phải cúi xuống rửa chân cho nhau tức là hầu hạ nhau… Rồi phải yêu thương không chỉ người dễ thương mà còn cả những người dễ ghét, những người bắt bớ hoặc đang làm hại chúng ta. Yêu thương nhau như Chúa yêu là giang tay đón nhận cả người phản bội mình làm bạn hữu…Những dẫn giải trên không sai nếu không muốn khẳng định là rất đúng. Tuy nhiên, bản thân vẫn thấy còn lấn cấn chút gì đó trong thực hành.

Thế nào là yêu đến cùng đây? Không lẽ ta phải dùng chính cái chết của mình để minh chứng. Quả thật đã và đang có nhiều người sống yêu thương đến cùng như vậy. Thế nhưng ngoài các Thánh Tử Đạo thì có mấy ai chấp nhận chết vì yêu thương, chưa kể chết cho người tội lỗi. Cúi xuống để hầu hạ nhau ư? Vẫn có đó nhiều người xưng mình là tôi tớ, là đầy tớ mà đâu có chịu cúi xuống. Dù vậy, có ai dám to gan nói họ chưa phải là môn đệ của Chúa. Giang tay ra đón nhận nhau cả những khi họ là người công chính lẫn khi họ là người bất nhân, tàn ác, quả là không mấy dễ dàng. Và tính chất vị tha của tình yêu trong những cách thế ấy hình như chưa mấy rõ nét.

Yêu thương ai là nỗ lực làm cho người mình yêu phát triển và nên tốt đẹp hơn cả mình.

Một trong những cách thế yêu nhau như Chúa yêu ta mà Tin Mừng gợi ý, đó là làm cho người mình yêu được phát triển và gặt hái thành quả hơn cả mình. “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15,16). “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa…” (Ga 14,12).

Quả thật sau khi Chúa Giêsu về trời và Thánh Thần được ban xuống thì các Tông đồ đã làm được nhiều sự lạ cả thể hơn cả Thầy chí thánh. Các Ngài cũng chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, phục sinh kẻ chết, rao giảng Tin Mừng mà kết quả xem ra khả quan hơn Thầy khi Thầy còn tại thế. Xưa những ai đụng đến gấu áo của Thầy thì được chữa lành mọi bệnh tật thì nay chỉ cần bóng Phêrô phủ trên ai thì họ đều được chữa lành. (x.Cv 5,15-16).

Chúng ta có thể đã cúi xuống hầu hạ một ai đó nhưng muốn họ hơn cả mình thì còn phải xét lại. Chúng ta có thể đã tận lực tận tâm lo cho một ai đó về thể chất hay tinh thần nhưng với ý hướng là muốn cho họ vượt qua mình thì cũng hơi khó. Một anh chị em dân tộc thiểu số thẳng thắn thú nhận rằng: con có thể giúp cho người xóm giềng làm ăn kinh tế nhưng muốn cho họ giàu hơn con thì con không muốn. Các em thiếu nhi cũng tự nhận rằng bày cho bạn làm toán thì được nhưng không muốn bạn ấy học giỏi hơn mình. Và chính bản thân tôi, một linh mục chính xứ đang có linh mục phó xứ và thầy phó tế phụ giúp, đã nhiều lần tôi hướng dẫn các ngài trong lãnh vực mục vụ và cách thế giảng dạy, tuy nhiên thử hỏi mình có thực tâm muốn thầy sáu hay cha phó có uy tín trước mặt bà con giáo dân hơn mình không. Một câu hỏi thật khó trả lời.

Không phải đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, không phải giữ luật tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, không phải siêng năng lãnh nhận các Bí tích, không phải chuyên chăm đọc kinh, lần hạt… là những dấu chỉ minh chứng ta là môn đệ Chúa Kitô. Những điều ấy tuy là cần nhưng không đủ. Bởi chưng vẫn đó nhiều người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, tham dự Thánh lễ Chúa Nhật đều đặn, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích hay siêng năng lần chuổi kính Đức Mẹ mà vẫn sống “không ra người có đạo”, nói theo kiểu cách bình dân. Tất thảy chỉ vì một lẽ này: người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau, yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.

Yêu ai mà muốn người mình yêu nên tốt đẹp và phát triển hơn cả mình, đúng là một trong những dấu chỉ minh chứng đó là một tình yêu vị tha, một tình yêu vô vị lợi. Và chắc chắn đó là một trong những cách thế yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

 

21. Yêu người như Chúa

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.

Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.

Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.

Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.

Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.

Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên Chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô, có lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

Yêu thương nhau đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Thiên Chúa muốn các môn đệ của Người phải yêu như như Thiên Chúa đã yêu.

Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải hy sinh quên mình, hạ mình phục vụ anh em. Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải yêu những người bé nhỏ nghèo hèn. Yêu như Thiên Chúa là phải yêu thương cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa. Yêu như Thiên Chúa là phải không ngừng tha thứ, làm hoà với nhau.

Yêu như Thiên Chúa đó là sự sống của Giáo Hội. Yêu như Thiên Chúa làm nên nét đẹp của đạo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương?
  2. Bạn đã có tình yêu thương đoàn kết với những anh chị em trong giáo xứ chưa?
  3. Yêu thương như Chúa là yêu thương theo cảm tính hay theo lý trí? Tuần này, bạn sẽ làm gì để thực hiện điều răn mới của Chúa?

 

22. Chúa Nhật 5 Phục Sinh

Anh chị em thân mến.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, vấn đề quảng cáo đang là một vấn đề hết sức cần thiết. Từ những phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí. Trên đường đi, nơi nào có thể được là chúng ta nhìn thấy những biễn quảng cáo. Cuối cùng trên sản phẩm, với những nhãn hiệu và những dòng chữ ca ngợi hiệu năng của sản phẩm. Có những sản phẩm còn có dòng chữ: đề phòng giã mạo. Không biết đó có phải là hàng chính phẩm hay không, nhưng vẫn có dòng chữ như thế. Người tiêu dùng bị lẫn lộn trong những thứ giã và thật, vì nhìn vào nhãn hiệu, có khi phân biệt được, có khi đành phải chịu thua, chừng nào đụng đến thực tế thì đành ôm hận.

“Để mọi người nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau.”

Chúa Giêsu cho những môn đệ của Ngài mang một nhãn hiệu, để mọi người nhìn thấy là hàng chính phẩm, là môn đệ thật: đó là Yêu thương. Tình yêu thương không thể giã tạo được. Cũng không phải chỉ là cái mã bên ngoài. Nhưng là cái từ bên trong tâm hồn đã có, mới thể hiện ra bên ngoài cho mọi người nhìn thấy. Tình yêu thương cũng không phải để cho mọi người nhìn thấy mà thôi, nhưng còn là một giới răn, một mệnh lệnh.

Yêu thương như Thầy yêu. Thầy yêu thương không tính toán, cho đi không cần đòi lại, cho đi cả mạng sống vì người mình yêu. Nhãn hiệu Thầy ban như một dấu ấn, ai không mang được nhãn hiệu thì chỉ còn cách ra đi trong đêm tối như Giuda đã ra đi, chính vì ông ra đi nên không nghe được mệnh lệnh và giới răn mà Thầy đã truyền.

“Mọi người nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau.” Lời nói đó Chúa Giêsu cũng nói với từng người trong chúng ta, là những người của thời đại ngày hôm nay, những người đang ngồi trong nhà thờ, đang lắng nghe. Chúa Giêsu cũng cho mỗi người một nhãn hiệu người môn đệ, một nhãn hiệu thật sự có chất lượng từ bên trong mới bộc phát ra ngoài, chứ không phải là thứ hàng không chất lượng.

Mỗi người trong chúng ta thử nhìn lại chính mình xem, với nhãn hiệu người Công Giáo, người Môn Đệ Chúa Giêsu mà chúng ta được mang, có đúng với phẩm chất của con người hiện tại của mình không? Hay chúng ta chỉ là cái thùng trống rỗng, có mã bên ngoài, nhưng thực chất bên trong thì hòan toàn trái lại. Không lẽ giống như Giuda, chúng ta đã ra đi trong giờ phút quyết định, giờ phút mà mệnh lệnh Yêu Thương được ban hành, chúng ta không thể lắng nghe, vì bận với những toan tính riêng tư.

Mọi người nhìn vào chúng ta, nhìn thấy cách sống, những lời nói, thái độ đối xử và những toan tính, họ có thể nói được: Đó là nhãn hiệu của tình yêu, đó là người môn đệ của Chúa Giêsu không?

Nếu chúng ta biết dùng tình yêu, để nói lên những lời chân thật phát xuất từ con tim biết yêu thương.

Nếu chúng ta biết bỏ đi những tranh chấp, những đố kỵ chỉ vì một chút tự ái, để biết bỏ đi những hành vi không tốt đẹp, những tham lam bất chính, những cơn phẩn nộ không đúng chỗ vì con tim yêu thương thật sự.

Nếu chúng ta nhìn thấy được nhu cầu của anh em chung quanh đang cần: một cái nhìn yêu thương thông cảm, một nụ cười khích lệ, một câu nói động viên, một hành động giúp đở phát xuất từ con tim chân chính.

Với tất cả những chữ Nếu đó mà chúng ta thực hành được, đó là chúng ta đã mang nhãn hiệu của người môn đệ, nhãn hiệu yêu thương.

Và nếu tại sao chúng ta đã mang nhãn hiệu yêu thương mà chúng ta còn tìm cách để hạ bệ nhau, chiếm đoạt của nhau, chiếm giữ những điều không phải của mình. Nếu đã mang nhãn hiệu yêu thương, sao còn tìm cách để hại nhau bằng những lời nói, những hành động và cả những mưu mô toan tính. Như vậy là chúng ta đã đi con đường của Giuda, đã ra đi trong giờ phút quang trọng, ra đi trong đêm tối, không biết lắng nghe. Như vậy chúng ta chỉ là một thứ hàng không chất lượng, không đúng với nhãn hiệu bên ngoài. Như vậy, chúng ta là giã tạo, giã hình hay sao?

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người được xứng đáng là người môn đệ thật sự của Chúa, được thể hiện bằng chính cuộc sống của lòng yêu thương chân thành.

 

23. Yêu như Thầy yêu.

(Suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào)

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Ra đi là chết trong lòng một ít” (Partir c’est mourir un peu). Sự ra đi nào cũng để lại những vấn vương và lưu luyến cho người ở lại, nhiều khi còn mang vẻ bi thương và tang tóc nữa. Cuộc ra đi thụ nạn của Chúa Giêsu cũng thế. Chính vì vậy, trong giờ phút ly biệt đầy xốn xang và ngậm ngùi, Chúa Giêsu đã để lại những lời tâm huyết cuối cùng cho các học trò. Những lời dặn dò thân tình ấy được Giáo hội đọc lại cho chúng ta trong phụng vụ hôm nay, giống như một di chúc thiêng liêng. Các nhà chú giải vẫn gọi đó là ‘diễn từ biệt ly’. Trong những lời trăng trối sau cùng ấy, Chúa nói với các môn đệ: “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Điều răn mới.

Ai cũng biết, yêu thương là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người. Ngày xưa triết gia Aristotle đã nói cho các học trò của ông: “Tính ích kỷ và đầu óc hẹp hòi biến con người trở nên như thú vật, nhưng khi con người đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, họ sẽ trở nên như thần thánh”. Nói chung, tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, và chẳng tôn giáo nào lại dạy con người làm những chuyện thất đức. Tinh thần ‘Tứ hải giai huynh đệ’ của triết lý Đông phương cũng tương tự như thế. Thế thì, giáo huấn của Chúa Giêsu có gì là mới lạ? và tại sao Chúa lại gọi đây là điều răn mới? Chúng ta phải đi sâu vào tư tưởng thần học của Thánh Gioan mới có thể khám phá ra tính cách mới mẻ và độc đáo của giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu gửi trao như một di chúc thánh thiêng.

Ngay từ thời cựu ước, Đức Chúa Giavê cũng đã ban truyền thập giới trên núi Sinai qua Moisê, và 10 giới răn đó cũng được tóm kết qua 2 điều luật căn bản, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó khi trả lời cho vị luật sĩ (Lc 10,27) hay cho vị kinh sư (Mc 12,28) hoặc cho chàng thanh niên giàu có (Mt 19,18-20).

Tuy nhiên các luật sĩ và biệt phái thời xưa chỉ giữ luật một cách máy móc và vụ hình thức. Chúa tuyên bố rằng Ngài đến không để bãi bỏ lề luật, nhưng mặc cho nó một chiều kích mới, đó là chiều kích nội tâm. Giới răn mới mà Chúa nói hôm nay cũng chính là việc thực hành tình yêu, nhưng đi vào cốt lõi căn bản, nhắm đến chiều sâu nội tâm hóa của giới luật yêu thương. Để huấn luyện các học trò hiểu thấu giới răn ấy, Chúa Giêsu lấy chính Ngài làm chuẩn mẫu:“ Anh em hãy yêu thương nhau ‘như’ Thầy đã yêu thương anh em”. Tính cách mới mẻ mà Chúa khởi dẫn chính ở điểm căn bản này.

Kinh nghiệm của Thánh Gioan.

Khi nói về mình, Gioan giới thiệu rất đơn giản bằng thuật ngữ ‘người môn đệ được Chúa yêu mến’. Gioan là người học trò duy nhất được tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly để lắng nghe từng nhịp đập nơi con tim thổn thức của vị Thầy khả ái. Ngài cũng đứng dưới chân Thập giá cùng với Đức Maria để mục kích trái tim Chúa bị đâm thâu và mở toang ra, tuôn đổ những giọt nước và máu của tình yêu cho đến vô tận. Tất cả những chi tiết này đều là những hình ảnh mà Thánh Gioan ghi lại để biểu thị bài học về tình yêu nơi Chúa Giêsu mà Gioan đã cảm thấu một cách tường tận. Trong Tin mừng thứ tư, thánh ký quảng diễn rất nhiều về tình yêu mà Chúa Giêsu đã diễn bày, nhất là qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, biết các con chiên trong đàn, đi tìm kiếm con chiên lạc, và hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Gioan cũng dành ra suốt từ chương 13 đến hết chương 17 để viết lại diễn từ biệt ly, và điểm nhấn quan trọng nhất trong diễn từ chính là nói về tình yêu. Trong diễn từ này, Chúa Giêsu lập đi lập lại điệp khúc tình yêu qua chính mẫu gương của Ngài. “Không có tình yêu nào cao quý bằng mối tình của người hiến ban mạng sống cho bạn hữu”. “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”. “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”… Vì thế trong 3 lá thư Thánh Gioan để lại, đặc biệt trong thư thứ nhất, Ngài đã định nghĩa Thiên Chúa bằng một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,16). Những chân lý về tình yêu, về giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, cũng được lặp lại rất nhiều lần trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan.

Yêu như Thầy đã yêu.

Nhiều người ngoại giáo thường hỏi chúng ta, đạo nào cũng hay, cũng đẹp, thế đạo Công giáo có cái gì đặc sắc mà các anh muốn quảng bá? Thánh Gioan hôm nay đã trả lời thay cho chúng ta.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương giống như Ngài đã yêu thương. Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia, không phải là một nhà mô phạm lý thuyết, nói một đàng làm một nẻo. Cái chết của Chúa Giêsu lột tả trọn vẹn tình yêu mà Ngài muốn diễn bày. Ngài đã đi đến tận cùng của giai điệu yêu thương khi bị treo thân trên Thập giá như một tên tội phạm và quảng diễn rất cụ thể điều Ngài đã nói với các môn sinh: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu”. Trong bữa tiệc ly, Chúa còn cúi xuống rửa chân cho các học trò như một người tôi tớ. Bằng nhiều cách, Chúa đã cố gắng cắt nghĩa giới răn mới mà người muốn truyền thụ lại bằng chính cuộc sống gương mẫu của Ngài.

Kết luận

Thánh Phanxicô Salê, vị Tiến sĩ đức ái, đã viết trong khảo luận về Đức Ái của Ngài: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái chính là sự hoàn thiện của tình yêu”. Sống sung mãn ơn gọi tình yêu, chính là con đường dẫn đến hoàn thiện và đó cũng là lộ trình nên thánh mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước. Nhưng chúng ta thực hành giới răn mới đó như thế nào? Một nhà xã hội học đã chua chát nhận xét: “Ngày nay, con người đã rất tiến bộ và thành công vượt bậc. Người ta đã lên được tới mặt trăng, đã nghiên cứu đến tận sao hỏa, đã chế tạo các phi cơ với vận tốc khủng khiếp… Nhưng có một điều rất đơn giản là học cách sống tử tế với vợ mình, mà nhiều người học mãi cũng chẳng xong”.

Nói về tình yêu trên lý thuyết rất dễ, nhưng sống và thực hành theo gương Chúa Giêsu không phải là một chuyện giản đơn. ‘Hãy yêu như Thầy đã yêu’ là bài học mà chúng ta phải nghiền gẫm và phải phấn đấu để thực hành cho đến suốt đời.

 

home Mục lục Lưu trữ