Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1377649

CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN

Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên

Anh chị em thân mến.

Chúng ta thường nghe câu nói: Chiến đấu có gian nan thì chiến thắng mới vinh quang.

Nước Việt Nam chúng ta đã trải qua 4000 năm văn hiến. Cha ông đã khổ công gây dựng nên. Biết bao người đã hy sinh. Đọc lại những trang sử hào hùng của dân tộc, chúng ta nhìn thấy sự thăng trầm của đất nước, nhìn thấy những nỗi khổ nhọc của tiền nhân. Giờ đây tất cả mọi điều đã qua đi, chúng ta chỉ còn truyền lại cho nhau nghe qua những phương tiện của thời đại. Những người đang sống, đang tận hưởng những gì mà người xưa đã để lại, họ có bổn phận gìn giữ, bảo vệ và cũng làm cho đất nước mỗi ngày tốt đẹp hơn, vì họ đang tận hưởng sự bình an, hạnh phúc của người xưa.

Nếu họ không biết cách bảo vệ, nếu họ làm cho đất nước bị suy đồi thì họ sẽ mang tội với người xưa và cả với thế hệ mai sau. Họ đã sống không xứng đáng là một chứng nhân sống động của thời đại, không xứng đáng là người VN. Nếu họ biết gìn giữ, đóng góp tích cực cho đất nước mỗi ngày được tốt đẹp. Đó là những chứng nhân xứng đáng, những người biết tận hưởng hạnh phúc và cũng biết để hạnh phúc cho người khác. Đó là những người sống không hổ thẹn với lịch sử.

Chúa Giêsu kêu gọi các Tông đồ làm chứng nhân, kêu gọi các ông rao giảng. Không phải rao giảng cho một dân tộc, một đất nước nhỏ bé trên trần gian. Cũng không phải rao giảng cho những con người không còn hiện hữu, cũng không phải rao giảng cho một hành động của quá khứ, một việc làm mà giờ đây không còn tồn tại nữa. Nhưng rao giảng và làm chứng cho Nước Trời, cho Dân Thiên Chúa. Rao giảng và làm chứng cho một việc làm của quá khứ, nhưng vẫn còn hiện diện hữu hiệu trong hiện tại,cho từng con người.

Rao giảng và làm chứng cho Thiên Chúa, cho Tình yêu bao la mà Ngài đã hành động cho con người. Các Tông đồ ngày xưa đã làm tròn bổn phận của một công dân nước trời. Các ông đã tận hưởng được sự bình an, hạnh phúc, nên các ông biết làm chứng cho hạnh phúc đó và truyền lại cho thế hệ mai sau. Chính vì các ông biết vâng lời và cũng vì các ông cảm nhận được một điều quang trọng là: Chúa Giêsu rời xa các ông qua thể xác, qua những gì là của trần gian tạm bợ nầy, nhưng Ngài vẫn ở bên cạnh các ông, vì các ông là công dân nước trời. Nhờ đó chúng ta cũng làcông dân nước trời, chúng ta cũng có bổn phận rao giảng, làm chứng và bảo vệ những gì mình đã tận hưởng.

Trong thánh lễ hôm nay, nhắc cho mỗi người nhớ lại mình đã là công dân nước trời. Mỗi người cũng đã nhận được lệnh truyền như các Tông Đồ khi xưa là rao giảng và làm chứng. Với những gì mình đang có trong hiện tại, với những việc làm đã qua trong cuộc sống, mỗi người trong chúng ta đã để lại những trang sử đời mình như thế nào cho thế hệ mai sau? Nếu trung thực mà viết lại tất cả những gì chúng ta đã làm, những gì đã suy tư toan tính, những điều ngoài ánh sáng cũng như những gì trong bóng tối không ai nhìn thấy, chúng ta có dám để lại những trang sử đó cho thế hệ mai sau học hỏi hay không? Nếu không dám để lại thì một cách nào đó, chúng ta đã làm ô danh nước trời, ô danh quê hương của chúng ta. Vậy thì Nước Trời sẽ đối xử với những người con đó như thế nào?

Còn nếu chúng ta dám để lại những trang sử tốt đẹp của đời mình cho thế hệ mai sau, mà không hổ thẹn. Đó là chúng ta đã biết nghe lời Chúa Giêsu: biết rao giảng, biết làm chứng bằng cuộc sống của mình. Đó là chúng ta biết mình đang tận hưởng sự bình an, biết đem bình an, hạnh phúc đến cho mọi người.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết sống tốt đẹp, để dùng đời sống của mình rao giảng nước Thiên Chúa, và xứng đáng là Công Dân Nước Trời.

 

42. Chứng nhân

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Trước khi từ từ lên cao, Ngài đã ban huấn lệnh: “Các con sẽ là chứng nhân cho Ta tại Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđêa, Samaria, và cho đến tận cùng cõi đất”.

Các môn đệ đã chứng kiến cuộc khải hoàn vinh hiển của Chúa, họ không thể nào im tiếng được. Họ đã mạnh mẽ xác quyết: “Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Kitô mà anh em đã giết rồi treo lên cây gỗ… và tôn Ngài làm thủ lãnh và Đấng cứu độ để đem lại cho Israel ơn tha thứ và hoán cải. Về những sự việc đó chúng tôi đây là những chứng nhân cùng với Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người”, “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính”…

Tất cả các môn đệ đều bị bách hại đến đổ máu ra vì chứng cớ đức tin và lời rao giảng của mình. Và sau họ, từng lớp lớp người cũng đã ngã gục chỉ vì tin vào Đấng Phục Sinh.

Đối với chúng ta là những kẻ đã tin, đến lượt chúng ta cũng phải làm chứng về Ngài, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng chính đời sống chúng ta nữa. Chúng ta hãy chứng tỏ cho thế giới biết rằng cuộc sống thường ngày là những bước tiến lên với Chúa Kitô, và những thử thách, hy sinh là cần thiết để thanh luyện và làm sáng tỏ đức tin của chúng ta.

Chúng ta tiến lên trời với Chúa Kitô bằng kiên nhẫn, hy sinh… hầu biểu lộ đức ái, bởi vì đức ái là khát vọng Thiên Chúa và làm điều lành cho tha nhân. Điều đó có nghĩa là chúng ta chờ đợi thời giờ của Thiên Chúa và giúp mọi người phương tiện tiến lên với Thiên Chúa. Đức ái là thái độ phản ánh trung thực nhất niềm khát vọng nội tâm của chúng ta.

Đời sống tu trì là một minh chứng cho niềm khát vọng lên trời trong chờ đợi nhẫn nại và hy sinh. Quả vậy, vì tin ở lời hứa của Chúa sẽ ban gấp trăm ở đời này và đời sau được sống muôn đời mà chúng ta đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Điều Chúa Kitô hứa, Ngài đã đang và sẽ còn thực hiện. Hạnh phúc mà Ngài ban cho những ai theo Ngài chính là niềm hoan lạc trong tâm hồn, hoan lạc của những ai có Chúa làm tất cả. Niềm hoan lạc đó là hiệu quả tất nhiên của sự bình an, bình an của những kẻ ẩn náu trong tình thương Chúa. Và những gì do tình thương Chúa gửi đến đều tốt lành. Ngay cả cái chết cũng là dịp để chúng ta vui mừng, vì chết là cánh cửa cuối cùng được mở ra cho chúng ta gặp Chúa Kitô Phục Sinh - Thăng Thiên mà chúng ta yêu mến kiếm tìm.

Hỡi những ai tìm Chúa, tâm lòng hãy vui sống và chúc tụng Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tái sinh chúng ta cho hy vọng sống động, nhờ sự phục sinh - thăng thiên của Ngài.

 

43. Chúa lên trời

Khi còn ở với các môn đệ, đã nhiều lần Chúa Giêsu nói trước là Ngài sẽ về trời, giờ đây là lúc Ngài thực hiện điều đó. Việc Chúa Giêsu lên trời mãi mãi là một huyền nhiệm. Dùng ngôn ngữ loài người để tả một huyền nhiệm của Trời thì thật khó biết bao. Nhưng điều quan trọng là biến cố đã xảy ra. Thật khó mà tưởng tượng rằng sự xuất hiện của Chúa Giêsu cứ thưa dần, thưa dần cho tới khi tắt hẳn. Nếu thế đức tin con người sẽ tàn lụi. Nếu như Chúa Giêsu biến thành Đấng Kitô của cõi trời và không còn liên hệ gì với cõi trần này, lúc đó chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng.

Đối với các Kitô hữu, sự thăng thiên của Chúa Giêsu có ba ý nghĩa:

1) Đó là sự kết thúc. Một giai đoạn đã qua và một giai đoạn khác bắt đầu.

Ý nghĩa trọng đại của việc Chúa thăng thiên là sự cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện cho loài người qua cái chết đền tội và sống lại của Ngài đã hoàn thành và viên mãn cho tới đời đời. Tác giả thư Do thái viết: “Ngài là phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Người, và cầm giữ vạn vật bằng lời quyền năng của Ngài; sau khi đã thi hành việc thanh tẩy tội lỗi. Ngài đã lên ngự bên hữu Đấng oai nghi chốn cửu trùng” (Dt 1,3). “Không phải nhờ máu dê hay máu bê, nhưng là nhờ chính Máu của Ngài, Ngài đã vào thánh điện -- duy chỉ một lần -- sau khi đã thành đạt việc cứu chuộc muôn đời” (Dt 9,12). Chúa Giêsu đã làm xong công tác cứu chuộc, đã hoàn thành sứ mạng Cha Ngài đã trao phó là cứu chuộc nhân loại tội lỗi, bằng chính cái chết đền tội trên thập giá và đã sống lại để ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài được sự sống đời đời. Sự cứu chuộc ấy đã hoàn toàn đầy đủ cho đến muôn đời. Và như vậy đã chấm dứt thời kỳ mà niềm tin của các môn đệ đặt vào một vị Thầy bằng xương bằng thịt, vào sự hiện diện của thân thể Thầy. Từ nay các môn đệ sẽ liên kết với một Đấng đời đời vượt khỏi thời gian và không gian.

2) Và như vậy đây là một khởi đầu

Các môn đệ ra về trong sự vui mừng chứ không phải với tấm lòng sầu muộn, vì họ biết rằng từ nay không gì có thể ngăn cách mình với Thầy của mình. Thánh Phaolô đã phát biểu: “Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô?” (Rm 8,35) và ông khẳng định: “Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta!” (Rm 8,38-39)

3) Hơn thế nữa, sự thăng thiên của Chúa quyết chắc với các môn đệ rằng họ chẳng những có một người Thầy ở thế gian mà còn có một người Thầy ở trên trời nữa.

Thánh Phaolô thách thức: “Ai sẽ cáo tội những kẻ Thiên Chúa đã chọn -- Thiên Chúa đã giải án tuyên công, ai sẽ là người lên án? -- Phải chăng là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và là Đấng đang chuyển cầu cho ta” (Rm 8,33-34)

Chẳng hề có ai, vì Chúa đã chết đền tội chúng ta, đã sống lại làm Cứu Chúa của chúng ta và hiện đang ngồi bên hữu cầu thay cho chúng ta như một trạng sư. Bên hữu Cha là chỗ có thế lực, có uy quyền nên sự cầu thay của Chúa Giêsu rất linh nghiệm.

Còn một điều quan trọng hơn nữa, sự thăng thiên của Chúa Giêsu là điều kiện để Ngài sai Chúa Thánh Thần xuống, mà chúng ta sẽ mừng mầu nhiệm này vào Chúa nhật tới.

Nếu chúng ta biết Chúa Giêsu của chúng ta đang ở trên trời thì lòng chúng ta phải hướng về đó. Không có nơi nào đáng yêu bằng nơi đó. Đó là nơi mà các thánh đã yêu mến, đã yêu mến một quê hương tốt hơn -quê hương trần gian- mà các ngài gọi là quê hương trên trời. Thánh Phaolô khuyên chúng ta là những người cùng chết, cùng sống lại với Chúa Giêsu cũng sẽ được cùng cất lên trời để gặp Ngài: “Vậy đã cùng sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những điều trên cao, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Lòng trí hãy hướng về những điều trên cao, đừng (hướng) về những điều dưới đất. (Cl 3,1-2)

Chúng ta phải cẩn thận về điều thánh Phaolô muốn nói ở đây, chắc chắn Ngài không hề biện hộ cho việc mơ tưởng tới một thế giới khác khiến những người tin Chúa tự rút mình ra khỏi các công tác, các hoạt động thuộc về đời này, chẳng làm gì ngoài việc chiêm ngưỡng cõi đời đời mà thôi. Vì ngay sau đó, thánh Phaolô tiếp tục quy định một loạt các nguyên tắc đạo đức vạch rõ rằng người Kitô hữu cứ tiếp tục công việc ở đời này và duy trì mọi mối liên hệ bình thường với thế gian này. Nhưng phải có chỗ khác biệt là từ nay trở đi, Kitô hữu phải nhìn mọi sự trong ánh sáng, trong bối cảnh là cõi đời đời. Người ấy sẽ không sống dường như đời này là tất cả những gì mình phải quan tâm đến, nhưng phải đặt thế gian này trong bối cảnh của cõi đời đời. Rõ ràng điều ấy sẽ đem đến cho người Kitô hữu một loạt các giá trị mới. Kitô hữu sẽ không còn bận tâm đến những điều mà người thế gian xem là quan trọng nữa. Các tham vọng đang ngự trị thế gian sẽ bất lực và không thể làm cho người ấy vướng bận nữa. Người ấy sẽ tiếp tục sử dụng những điều thuộc về thế gian này nhưng trong một cách thức mới. Người ấy sẽ đặt việc ‘cho đi’ lên trên việc ‘thu góp’, phục vụ trên cai trị, tha thứ ở trên báo thù. Tiêu chuẩn về giá trị của người ấy sẽ là tiên chuẩn của cõi trời chứ không phải cõi đời.

Khi người thanh niên giàu có đến xin Chúa Giêsu chỉ cho anh phương cách để được sống vĩnh cửu. Chúa bảo anh về đem tài sản phân phát cho kẻ nghèo để được của cải trên trời. Điều gì đã làm vì tình yêu sẽ bền vững muôn đời.

Thật an ủi khi biết rằng Đấng chờ đợi ta ở trên trời cũng là Đấng đã, đang bao bọc ta ở dưới đất.

 

44. Đức Giêsu Phục Sinh lên trời

(Suy niệm của Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)

Bốn mươi ngày sau khi Đức Giêsu sống lại, Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu lên trời. Sách công vụ tông đồ (Cv.1, 9), tin mừng theo thánh Luca (Lc.24, 51), tin mừng theo thánh Máccô (Mc.16, 19) nói đức Giêsu lên trời. Sách công vụ tông đồ cho thấy Đức Giêsu dẫn các môn đệ ra núi cây dầu, rồi Ngài lên trời trước mắt các ông, và có đám mây che Ngài khiến các ông không còn thấy được Ngài nữa.

Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt.28, 20) không nói Đức Giêsu lên trời, nhưng nói Ngài ở cùng con người cho đến tận thế. Liệu có mâu thuẫn không, khi một tin mừng nói Ngài lên trời, còn tin mừng khác nói Ngài ở lại? Lên trời, là một từ ngữ khá hàm hồ và rất là chủ quan. Trời chỉ khoảng không phía trên đầu tôi, nhưng nếu một người ở bên kia trái cầu, nghĩa là người đó ở cách tôi 12 tiếng đồng hồ, thì trời của họ lại là phía dưới chân tôi. Như vậy, lên trời là lên phía trên đầu một người hay xuống phía chân của người đó? Khi nhìn vấn đề như vậy, dường như người ta thấy không được hiểu “lên trời” theo nghĩa đen của từ ngữ.

Lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, là một cụm từ dùng để chỉ việc Đức Giêsu được siêu tôn ngang bằng Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, đâu có tay phải tay trái như con người. Lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, là cách diễn tả nhân hình về thực tại siêu hình. Đức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài và Cha là một. Chỉ khi người ta nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, người ta mới thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với con người như thế nào! Khi nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, các Kitô hữu mới kinh ngạc và thán phục trước tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với con người khi biết Đức Giêsu đã được sinh hạ trong chuồng chiên cừu ở Bêlem và đã phải chết ô nhục trên thập giá.

Giữa hai cụm từ “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và “Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa,” người ta thấy cụm từ “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” được hiểu theo nghĩa thông thường hơn. Nếu Đức Giêsu Phục Sinh luôn ở với con người, vậy trong khoảng thời gian ông Thomas không tin Ngài phục sinh, thì Đức Giêsu Phục Sinh ở đâu? Đức Giêsu Phục Sinh vẫn ở đó với các tông đồ, vẫn ở đó với ông Thomas nhưng Ngài không cho ông Thomas thấy Ngài thôi. Cũng tương tự vậy, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang ở với chúng ta dù chúng ta không thấy Ngài.

Khi chúng ta mừng lễ Chúa Phục Sinh lên trời, thì đúng ra chúng ta phải ý thức và mừng Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện với chúng ta. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời thầy, Cha thầy sẽ yêu thương người ấy, Cha thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga.14, 23). Thiên Chúa ở với con người, đây là tin vui tin mừng, vì đó cũng là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương con người. Vì những người yêu thương nhau thì muốn ở gần nhau, Thiên Chúa muốn ở với con người, nghĩa là, Ngài yêu thương con người. Thiên Chúa hạnh phúc khi ở với con người.

“Thầy đi thì ích lợi hơn cho anh em, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng an ủi sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Ngài đến với anh em” (Ga.16, 7). Thánh Thần sẽ được Thiên Chúa Cha sai đến (Ga.14, 16) và cũng được Đức Giêsu sai đến (Ga.15, 26; 16, 7) với con người. Thánh Thần sẽ trợ giúp con người trong mọi chuyện, mọi nơi và mọi lúc. Thánh Thần sẽ dạy chúng ta biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Cũng chính Thánh Thần sẽ ban ơn trợ sức cho con người, để họ vượt thắng được ma quỷ, thế gian và xác thịt. Thánh Thần là lửa mến thiêu đốt mọi dơ bẩn, đốt nóng tâm hồn nguội lạnh; Thánh Thần là nước mát làm dịu các đam mê, tẩy sạch tâm hồn dơ bẩn. Thánh Thần đưa dẫn người ta tới gặp gỡ Thiên Chúa, làm người ta cảm nghiệm hạnh phúc khi sống với Ngài.

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn hướng về Cha cho dù Ngài sống giữa trần gian. Đức Giêsu luôn tùy thuộc Thiên Chúa, đến độ “của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga.4, 34). Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha luôn là một với nhau trong mọi sự (Ga.10, 30; 16, 15; 17, 10.22). Con người là một trong Thiên Chúa, nhưng khác với Đức Giêsu và Cha là một; cũng tương tự mỗi người chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng khác với Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga.14, 28).

Chúa Cha cao trọng hơn Đức Giêsu, vì Thiên Chúa đã nhập thể, Ngài đang trong tình trạng tự hủy, Ngài nên giống con người mọi đàng trừ tội, chính vì vậy “Cha cao trọng hơn Thầy.” Còn tự nguyên thủy, Cha và Con đều là một. Cha chỉ là Cha nếu có Con, và không có Con thì cũng chẳng có Cha. Có Cha có Con thì có Thánh Thần. Cả ba đều là một trong Thiên Chúa, cả ba đều là một Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất từ ngàn xưa cho đến bây giờ.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Lên trời, nghĩa là sao?

2. Theo bạn, có gì mâu thuẫn không khi trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv.1, 9), tin mừng theo thánh Luca (Lc.24, 51), và Maccô (Mc.16, 19) nói Chúa lên trời, còn tin mừng theo thánh Matthêu (Mt.28, 20) nói Đức Giêsu ở lại với con người cho đến tận thế?

3. Bạn hiểu “Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc.16, 19) như thế nào?

 

45. Chúa lên trời - Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm.

Đức Giêsu lên trời, nhưng Ngài vẫn ở với con người cho đến tận thế. Xin cho ki-tô hữu được nên giống Đức Giêsu mỗi ngày một hơn.

Đức Giêsu lên trời

Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy Đức Giêsu đã hiện ra với các tông đồ suốt bốn mươi ngày sau khi Ngài sống lại. Trong thời gian này Người đã ăn uống với các ngài, dạy dỗ các ngài nhiều điều; rồi đến thời đã định, Người đã lên trời trước mắt các ông.

Phải hiểu điều này như thế nào, khi người thời nay biết trái đất tròn; như vậy, trời phía trên đầu của người ở Việt Nam, lại là hướng dưới chân của người ở Mỹ, và ngược lại. Một phi hành gia bay lên vũ trụ, trời là khoảng không đối với họ! Tin Mừng Đức Giêsu theo thánh Matthêu cho thấy Đức Giêsu không lên trời, nhưng ở lại với con người cho đến ngày tận thế: “Này đây Thầy ở cùng anh em cho đến ngày tận thế” (Mt.28, 20). Làm sao trả lời cho con người ngày nay về việc hai trình thuật dường như trái ngược nhau?

“Lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa”, là một cách nói dùng để chỉ Đức Giêsu được siêu tôn ngang bằng Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, làm gì có tay phải tay trái như con người. Đây là cách nói nhân hình, nghĩa là, nói về Thiên Chúa theo kiểu con người. Để hiểu đúng, không được hiểu theo nghĩa đen. Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là, Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Các ngươi là chứng nhân về những điều này

Không phải tất cả mọi người đều được thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Chỉ có một số người được chọn, mới được diễm phúc này, và họ trở thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh. Các tông đồ là những người được thấy Chúa, và các Ngài đã là những chứng nhân anh dũng của Đấng Phục Sinh qua việc dùng chính mạng sống mình để làm chứng. “Ngu gì” để chết cho điều không thật hoặc không quan trọng! Sẵn sàng chết để làm chứng Đức Giêsu đã phục sinh, làm cho điều các tông đồ rao giảng “đáng tin”.

Các tông đồ đã chết. Các ki-tô hữu là những môn đệ của Đức Giêsu, đến lượt mình, các ki-tô hữu được mời gọi trở thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh cho con người thời đại hôm nay.

Các tông đồ đã chết để làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Ki-tô hữu hôm nay được mời gọi để sống yêu thương, như dấu chứng Thiên Chúa đang hiện diện và hành động nơi ki-tô hữu trong thế giới này. Yêu, đòi phải hy sinh, và cũng là một cách “chết” cho người yêu.

Nên giống Đức Giêsu

Đức Giêsu là thượng tế, là của lễ và bàn thờ. Lời Thiên Chúa nhập thể vì yêu con người, Ngài đã chết để đền tội con người, để con người không phải chết vì tội mình nữa nhưng được sống, vì có người đã chết thế cho mình.

Đức Giêsu dùng chính máu Ngài để thanh tẩy tội lỗi con người. Ngài thương cảm con người với những yếu đuối và giới hạn của họ. Ngài đã trải qua tất cả những gian nan thử thách, để con người có can đảm tới với Ngài.

Là người, anh chị em với nhau. Mỗi người phải trở nên một “Giêsu khác” để thông cảm và nâng đỡ anh chị em mình. Mỗi người được mời trở nên giống Đức Giêsu, bằng “yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo bạn, Đức Giêsu Phục Sinh bây giờ đang ở đâu? Xin giải thích.

2. Trong đời tu hoặc đời sống ki-tô hữu, người ta thường nói tới “cái chết không đổ máu”, bạn hiểu điều này như thế nào? Cho thí dụ.

3. Người nên giống Đức Giêsu nhất, là người có những đức tính nào?

home Mục lục Lưu trữ