Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 65
Tổng truy cập: 1377675
CHÚA THĂNG THIÊN: MẦU NHIỆM VÀ SỰ KIỆN
Chúa Thăng Thiên: Mầu Nhiệm và Sự Kiện
Hôm nay chúng ta đọc hai trình thuật của Thánh Luca diễn tả cùng một thực tại: Chúa Giêsu Thăng Thiên.
Tuy nhiên, hai trình thuật này lại có nhiều điểm xem ra không dễ dung hòa với nhau, nhất là về phương diện lịch sử. Trong Tin Mừng (Lc 24,50-51), tác giả Luca giới thiệu biến cố Thăng Thiên ngay buổi chiều ngày Phục Sinh. Nhưng trong Công Vụ Tông Đồ, ông lại xác định biến cố Thăng Thiên vào thời điểm kết thúc “40 ngày” (Cv 1,3). Tại sao lại có sự khác biệt đó?
Trong Tin Mừng Lc, biến cố Thăng Thiên là biến cố kết thúc sách Tin Mừng. Tác giả không cung cấp những yếu tố thời gian rõ ràng, nên nhiều người hiểu rằng ông kể lại biến cố đó như thể đã xảy ra ngay chiều ngày Phục Sinh và diễn ra trong một cách thức long trọng: Chúa Giêsu giơ tay chúc lành cho các đồ đệ, “và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24,51).
Trong Cv, điều Thánh Luca bận tâm và cố ý nhấn mạnh là công trình của Hội Thánh không được khởi sự chỉ với các đồ đệ của Chúa, mà là với chính Chúa Giêsu Phục Sinh. Chính Người hiện ra với họ, đồng hành với họ, thăm viếng họ suốt 40 ngày. Do đó, công trình loan báo Tin Mừng của Hội Thánh không phải là công trình của nhân loại, mà là công trình do chính Chúa Phục Sinh ấn định, khởi xướng, dẫn dắt. Vì thế, biến cố Thăng Thiên được đặt ở lúc kết thúc “40 ngày”.
Trình thuật trong sách Cv dài hơn và có nhiều chi tiết hơn trình thuật trong Lc: “Trong bốn mươi ngày, Đức Giêsu đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Người truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không? " Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất." Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,3b-11).
Điểm đặc biệt đáng chú ý nhất trong trình thuật này là tác giả đã không sử dụng bất cứ một chi tiết ly kỳ nào để miêu tả chính biến cố Thăng Thiên, cũng không nói gì về tâm tình hay cảm xúc của những người chứng kiến. Trình thuật chỉ kể đơn giản rằng: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9). Đám mây quyên lấy Người, khiến cho không ai có thể kể lại là Người đã đi vào cõi Trời như thế nào. Rõ ràng tác giả cố tránh những chi tiết ly kỳ.
Điều này làm cho trình thuật khác hẳn tất cả những câu chuyện truyền kỳ và hoang đường đương thời. Tác giả không mô tả chính việc Đức Giêsu lên trời, cho bằng trách cứ thái độ của các đồ đệ cứ đăm đăm nhìn lên trời, phía Đức Giêsu đã đi. Đó là thái độ đặc trưng của những người mong cuộc tận thế sẽ mau xảy đến. Thánh Luca là một người công bố Tin Mừng. Điều ông quan tâm là giúp các tín hữu thời đại ông sống sứ mạng của họ theo thánh ý Thiên Chúa. Ông không bận tâm đến thái độ và phản ứng của các đồ đệ chứng kiến cuộc Thăng Thiên, mà chú ý đến việc Hội Thánh phải lấy lập trường đức tin như thế nào đối với mầu nhiệm Thăng Thiên và mầu nhiệm Cánh Chung. Điều chính yếu là lập trường căn bản mà Hội Thánh phải có đối với mầu nhiệm Cánh Chung. Vì thế, ông nhấn mạnh rằng Hội Thánh phải từ bỏ những sự tính toán ngày tháng (Cv 1,7), và phải tin rằng chính Đức Chúa, trong hiện tại của Hội Thánh, đang điều khiển lịch sử của thế giới và công trình loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
Liên quan đến mầu nhiệm Thăng Thiên mà chúng ta cử hành hôm nay, cứ theo những gì Kinh Thánh trình bày, chúng ta có thể nói: đây là một thực tại có hai khía cạnh. Một bên là mầu nhiệm Đức Giêsu Phục Sinh vào trong cõi của Thiên Chúa một cách vô hình, còn bên kia là biến cố Người từ giã thế gian này một cách hữu hình. Khía cạnh thứ nhất trình bày cuộc tôn vinh Chúa Phục Sinh trên cõi trời, mang đậm chiều kích thần học, vượt quá giác quan và chỉ có thể chấp nhận nhờ lòng tin và nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Khía cạnh thứ hai là một sự kiện xảy ra trong lịch sử, thuộc phạm vi của những thực tại có thể kinh nghiệm được.
Khía cạnh thứ nhất, khía cạnh mầu nhiệm, là điều chính yếu và thuộc về nội dung căn bản của lòng tin. Còn việc Đức Giêsu chia tay các đồ đệ sau 40 ngày là một biến cố xảy đến như một ân huệ Thiên Chúa thương ban cho chúng ta vì bản tính yếu đuối của con người có giác quan. Vậy sự kiện xảy ra vào lúc kết thúc “40 ngày” không thể diễn tả trọn vẹn, đầy đủ và tương xứng chính mầu nhiệm đức tin thâm sâu vượt quá giác quan con người.
Chính vì thế, khi mô tả biến cố Thăng Thiên, cả trong Tin Mừng lẫn trong Cv, ta thấy Thánh Luca luôn cố ý giữ gìn một tâm tình kính cẩn trước mầu nhiệm. Ngài tránh mọi chi tiết mang tính huyền thoại, chỉ giữ lại ở mức tối thiểu những hình ảnh văn chương không thể không dùng để diễn tả mầu nhiệm. Để trình bày ý tưởng Đức Chúa Phục Sinh đã siêu vượt thế giới hư nát này và đi vào vinh quang Thiên Chúa, Kinh Thánh buộc phải dùng lối nói “lên trời”. Đó là hình ảnh có giá trị tượng trưng mà chúng ta buộc phải chấp nhận để diễn tả mầu nhiệm.
Vậy khi chúng ta nói Đức Giêsu lên trời, điểm cốt yếu phải tin là Chúa Kitô đã sống lại và siêu vượt khỏi cái thế giới tù túng, tội lụy, hay thay đổi và đầy đau thương này. Với thân xác phục sinh, Người đã đi vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. Thế giới đó là thế giới xác thực, thiêng liêng, mới mẻ và siêu việt. Chỉ trong thế giới đó mới có sự sống đích thực. Thế giới đó siêu việt (chứ không xa cách) thế giới chúng ta đang sống. Đó là một thế giới khác biệt hẳn về phương diện thực hữu, chứ không phải về phương diện không gian xa gần hay rộng hẹp. Chúng ta có thể “sờ đụng” vào thế giới đó trong lòng tin và nơi các bí tích cứu độ. Đó là một sự “tiếp cận” một thực tại mầu nhiệm nhưng đồng thời rất thật, rất gần, thật và gần hơn cả cái thế giới phàm tục mà ta đang sống đây.
Vì thế, nói theo một nghĩa nào đó, mầu nhiệm Thăng Thiên cũng chính là mầu nhiệm mà Hội Thánh đang mời gọi chúng ta sống hằng ngày, ngay trong cái hôm nay của cuộc đời chúng ta.
27. Hướng lòng về thượng giới – Lm Ignatio Trần Ngà
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
Khi con người chỉ biết nhìn xuống...
Người đàn bà có biệt danh là "bà lom khom" đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc đối với những ai hay lui tới những công viên của thành phố nầy. Đã lâu lắm rồi, từ sáng tới chiều, ngày nầy qua ngày khác, người ta thấy bà lầm lũi cúi mặt xuống đất để tìm nhặt những đồng tiền xu mà khách nhàn du đánh rơi đâu đó trong các công viên. Người dân trong khu vực gọi bà là "bà-lom-khom" vì hình như mắt bà rất kém, phải khom gập người xuống mới có thể thấy được những đồng tiền rơi rớt đâu đó trong công viên. Hình như nghề nầy đem lại cho bà nguồn thu nhập khá lớn, nên ngày nào bà cũng khom người đi nhặt như con kiến cần cù, như con ong kiên nhẫn nhất.
Vì lúc nào bà cũng cúi gằm xuống đất, đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn xuống để tìm những đồng xu lẻ, dần hồi cần cổ của bà cụp xuống, lưng còng hẳn đi đến nỗi bà không còn ngửng lên nhìn trời được nữa.
Thế là mặc dù kiếm được khá tiền, nhưng bà đã đánh mất cuộc sống. Bà chỉ biết có mặt đất mà không biết có bầu trời. Bà chỉ biết ky cóp những đồng tiền xu mà chẳng biết gì đến thế giới chung quanh!
* * *
Hình ảnh người đàn bà còng lưng trên đây là biểu tượng cho những người chỉ biết có thế giới vật chất mà đánh mất thế giới thiêng liêng.
Với tầm nhìn hạn chế, con người chỉ thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống đời nầy mà lãng quên cuộc sống đời sau, chỉ biết vun quén của cải vật chất mà không lo làm giàu của cải thiêng liêng; chỉ biết kiếm tìm lạc thú trần gian mà lãng quên hạnh phúc đời đời... Họ chối bỏ Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng!
Họ xem mặt đất nầy là quê hương duy nhất, họ xem nấm mồ như điểm đến cuối cùng của kiếp người. Cuộc đời của họ được thi hào Nguyễn Du diễn tả cách bi thương:
"Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì".
Như thế, đối với người không tin thì sống là hành trình tiến về ngôi mộ; còn đối với chúng ta, sống là hành trình tiến về thiên quốc.
Viễn tượng mới
Sự kiện Chúa Giêsu lên trời mở ra cho loài người một viễn tượng mới: Thế giới loài người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vật chất nhưng còn mở vào cõi vô biên. Cuộc đời con người không chấm dứt trong nấm mồ hoang nhưng vượt qua đó để tiến vào vĩnh cửu.
Như con ve chui lên khỏi đất, lột bỏ chiếc vỏ chật hẹp để đón chào thế giới mới, cất cao tiếng hát dưới ánh nắng mặt trời, con người cũng được mời gọi hãy vượt lên trên thế giới vật chất, đập bỏ lớp vỏ vật chất bó chặt đời mình để vươn vai trở thành tạo vật mới, sống đời sống mới.
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hướng về đích xa:
"Quê hương chúng ta ở trên trời" (Philip 3, 20)
Thế nên: "Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới" (Col 3, 1-4)
Vậy chúng ta đừng chỉ lo phần xác mà quên mất phần hồn. Phải dành ưu tiên cho linh hồn chúng ta, phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa. Chỉ dán mặt xuống đất mà không biết ngẩng lên nhìn trời thì vô cùng tai hại.
28. Chúa Nhật Thăng Thiên
Hôm nay, Giáo hội mừng cách trọng thể lễ Thăng Thiên. Chúa Giêsu về trời vinh quang sau khi chịu khổ hình đau đớn theo ý Chúa Cha. Còn phần chúng ta, trước những khó khăn hiện tại trong bổn phận của mình, chúng ta phải làm gì để mai này về trời hưởng vinh quang với Chúa?
Trong đoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe, thánh sử Lc kể lại một lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Người từ cỏi chết sống lại. Lần này, Chúa Giêsu ăn uống trước mặt các môn đệ và giải thích Kinh Thánh cho các ông hiểu. Đoạn Kinh Thánh Chúa Giêsu đang giải thích nhắc lại mệnh lệnh loan truyền Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Trong mệnh lệnh này, chúng ta thấy có một điểm rất đặc biệt, đó là những đòi hỏi về phương cách rao giảng: không những chỉ bằng lời mà chính các tông đồ phải là chứng nhân về những điều rao giảng. Nghĩa là đời sống của các tông đồ phải giống như Chúa Giêsu: biết chấp nhận những khó khăn trong hành trình tông đồ trong sự gắn bó với Thiên Chúa. Những mong muốn của Chúa Giêsu đối với các tông đồ xưa cũng là lời dạy dành cho chúng ta hôm nay: muốn được về trời hưởng phúc thiên đàng với Chúa thì trong đời sống đạo của mình, chúng ta phải chấp nhận những khó khăn trong bổn phận hằng ngày với niềm tin tưởng gắn bó vào Thiên Chúa.
Có những khó khăn, đau khổ xảy đến người ta không chấp nhận nổi: Năm 2004, lúc đó, con còn đang ở thành phố học, ở trọ nhà chị bà con xa. Chị sinh được hai con. Con gái lớn tên là Trang. Cả gia đình chị lên thành phố gần được chục năm, lúc đó, Trang mới học lớp 5. Bây giờ, Trang đã hai mươi tuổi. Nó đẹp gái lắm, quen và lấy một anh tài xế đã có vợ rồi nhưng ly dị. Anh này tướng tá cũng lịch sự. Không hiểu vì lý do gì, vợ chồng lục đục, rồi chia tay. Hiện tại, Trang bắt đầu kiếm công việc làm, đi làm, quen nhiều bạn, anh kia ghen. Một đêm nọ, trên đường đi làm về, anh chồng cũ chờ sẵn, tạt một ca axít loãng lên người Trang. Người ta đưa em đi chợ rẫy. Kết quả thẩm định của bác sĩ, mù hai mắt, mặt mày trở nên dị dạng khác thường. Cha mẹ Trang ngày đêm túc trực trong bệnh viện, thay phiên nhau về nhà nghĩ ngơi. Lúc chị về với vẻ mặt buồn bẻ, bơ phờ, Con hỏi thăm, chị mới tâm sự: bây giờ, chị khổ quá em ơi, chị không còn biết cầu nguyện thế nào nữa, chị muốn buông xuôi tất cả.
Đau khổ như chị trong câu chuyện chắc ít người gặp qua nhưng khó khăn trong đời sống gia đình, thì chúng ta đã từng cảm nếm. Đối với mấy ông, khó khăn hệ tại ở việc tìm chén cơm cho gia đình, thời buổi này làm ăn đâu phải dễ, phải buôn ba vất vả, phải tính toán chi li, phải đổ mồ hôi, chịu nắng noi cả ngày. Lại thêm khó khăn đến từ phía gia đình, có ông than sau cái số mình hẩm hiu, đi làm quần quật cả ngày mệt thở không ra hơi, vậy mà về nhà cơm nước đâu hỏng thấy, nhà cửa thì dơ bẩn, con cái thì hôi hám, hỏng biết ở nhà bả làm cái gì? Mới quen, bả cũng ít nói, trông vẻ thuỳ mị lắm vậy mà bây giờ lúc đọc báo, bả cũng cằn nhằn, lúc coi ty vy, xem đá bóng, bả cũng nói, nói toàn những chuyện nhậu nhẹt, lương bổng của mình, nghe nhức đầu quá. Thêm vào đó, con cái không hiểu nổi khổ tâm lao nhọc của cha, chỉ có cái chuyện học mà cũng chẳng nên thân, tháng nào kết quả học tập cũng kém. Trong khi đó, các bà thì lại than các ông, lúc mới quen, ổng hiền lành, còn bây giờ, mới nói có mấy câu là nổi nóng, lớn tiếng. Vợ chồng mà la mắng như con ở làm sao chịu nổi. Hồi xưa mới yêu nhau, ho một tiếng là ảnh lấy dầu cho xức, mua thuốc cho uống còn bây giờ ho muốn bể phổi luôn mà ảnh cứ tỉnh bơ đọc báo. Nhà cửa, con cái, ăn uống, bao nhiêu việc phải chi tiêu, vậy mà đưa lương tuần nào cũng thiếu, làm sao xoay sở, như vậy mà sao không cằn nhằn được. Có chị khác thì bảo: ảnh cũng đi làm, tôi cũng đi làm, vậy thì việc cơm nước, con cái phải cưa đôi, để một mình tôi gánh, sức nào chịu nổi, vô tâm vô tình với tôi rồi có ngày sẽ phải hối hận đó nhe. Chưa kể những gánh nặng chất lên vai chị lúc con bệnh, con đau, khi gặp phải anh chồng không biết lo, tối ngày cứ rượu chè, cờ bạc, gặp phải bà mẹ chồng không biết cảm thông, suốt ngày cứ tìm những chuyện nhỏ để bắt lỗi, chì chiết làm khổ con dâu của mình.
Trong những khổ đau của cuộc khổ nạn, CG chấp nhận theo ý Chúa Cha, luôn gắn kết với Chúa Cha qua cầu nguyện. Thiên Chúa muốn chúng ta trong những khó khăn của cuộc sống cơm áo gạo tiền, khó khăn trong bổn phận làm chồng, làm vợ, hãy biết chấp nhận và giữ vững đức tin, đừng bỏ Chúa giữa đường. Càng đau khổ, anh chị hãy càng đến với Chúa nhiều hơn. Chồng là chỗ dựa đức tin của gia đình, khi bản thân anh gặp khó gia đình gặp chuyện buồn phiền, thì chính anh phải là người đầu tiên chạy đến với Chúa. Chạy đến với Chúa để nâng đỡ đức tin của vợ và làm gương sáng dạy con sống đạo. Còn các bà, Chúa cho sở trường nói gì thì chồng nghe nấy: khi khó khăn, đêm về, ở bên chồng, chị hãy thủ thỉ vào tai chồng, dù gia đình mình gặp khó khăn thế nào cũng đừng bỏ Chúa nhe anh! Trực giác người phụ nữ rất nhạy, khi thấy chồng buồn phiền do công việc, hoặc đang buồn chị, chị hãy chạy đến với Chúa để cầu nguyện cho chồng. Người phụ nữ được ví là trái tim, là hơi ấm của gia đình. Chị chỉ có thể là trái tim, là hơi ấm cho gia đình nếu đời chị biết gắn kết mật thiết với trái tim tình yêu của Thiên Chúa trong cầu nguyện, với trái tim dịu dàng của người nữ nơi chuỗi mân côi. Khi lấy nhau, anh chị nên nhớ mình không chỉ có trách nhiệm dắt dìu nhau trong cuộc sống trần thế mà quan trọng hơn, vợ chồng phải có trách nhiệm dắt dìu nhau tiến về quê trời vĩnh cửu.
Thay cho lời kết, cầu chúc cho mỗi người chúng ta trước những khó khăn của cuộc sống gia đình, biết giúp nhau vững tin vào Chúa, để dìu nhau về đến quê trời bình an. Amen.
29. Chúa tin tưởng chúng ta.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Có một truyền thuyết xưa kia kể lại rằng: Khi Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng dưới thế, Ngài trở về trời và được Thiên thần Gabriel đón tiếp. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay:
- Xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế?
Chúa Giêsu trả lời:
- Ta đã chọn 12 Tông đồ, một nhòm môn đệ và một vài phụ nữ. Ta đã giao cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.
Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thỏa mãn nên hỏi tiếp:
- Nhưng số môn đệ ít ỏi đó thất bại thì Chúa có dự trù nào khác không?
- Chúa Giêsu mỉm cười và dường như muốn biểu đồng tình là thiên thần Gabriel đã có lý khi nghi ngờ, tuy nhiên Ngài vẫn quả quyết:
- Đó là kế hoạch duy nhất Ta chọn. Ta không dự trù một kế hoạch nào khác cả. Ta tin tưởng vào họ.
Vâng, thưa anh chị em, mãi đến 20 thế kỷ sau, Chúa Giêsu vẫn không thay đổi kế hoạch Ngài đã chọn. Các Tông đồ đã không làm Ngài thất vọng và cả đám dân được họ rao giảng Tin Mừng cũng đã không phụ lòng Ngài. Và hiện giờ Ngài đang tin tưởng vào chúng ta.
Thật vậy, trước khi từ giã các môn đệ ngài để trở về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các ông trọng trách rao giảng Tin Mừng của Ngài và đã hứa ban cho các ông được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thân: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Vì thế, các môn đệ đã trở về, lòng tràn ngập hân hoan. Đây chính là lúc phải bắt tay vào việc. Chính nhờ vào niềm tin và nỗi vui mừng nầy, các môn đệ đã hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng sau khi được lãnh nhận Thánh Thần. Các ông không còn sợ hãi của những ngày Chúa chịu chết, nhưng đầy sức mạnh để dám đương đầu với tất cả những khổ đau, những thương tích mà chính các ông không thể trốn tránh được. Quả thật, các môn đệ của Chúa Giêsu đã không phụ lòng Ngài.
Cha Mark Link, S.J đã sánh ví ngày lễ Thăng Thiên như một cuộc chuyền cây gậy từ vận động viên nầy sang vận động viên khác trong một cuộc chạy tiếp sức. Cách đây hơn 2000 năm, vào ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã chuyền cây gậy sứ mạng của Ngài cho Phêrô, Giacôbê và Gioan… đến lượt họ, họ đã chuyền cho những người tiếp theo sau, rồi những người nầy lại chuyền cây gậy ấy đến chúng ta. Và giờ đây đến lượt chúng ta lại phải chuyền gậy cho những người kế tiếp.
Thực tế mà nói, điều nấy có nghĩa gì? Sứ mạng ra đi rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu như các Tông đồ đã làm mang ý nghĩa gì? Đối với chúng ta, sứ mạng rao giảng về Chúa Giêsu mang một ý nghĩa căn bản trong cuộc sống Kitô hữu. Đó chính là làm chứng cho Chúa Giêsu bằng đời sống Kitô hữu của mình. Đó chính là sống Lời Chúa Giêsu truyền dạy trong chính cuộc sống riêng của mỗi người. Để rao giảng Chúa Giêsu cho thế giới, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tự rao giảng Ngài vào chính cuộc sống chúng ta trước, sau đó lời rao giảng về Ngài mới tỏa lan khắp thế giới. Nếu có đủ số người Kitô hữu biết đưa Chúa Giêsu vào cuộc đời mình thì họ sẽ thay đổi được bộ mặt trái đất nầy thành tuyệt vời đến mức chúng ta chưa bao giờ dám mơ ước.
Anh chị em thân mến, Sứ điệp của ngày lễ Thăng Thiên hôm nay đưa ra cho chúng ta sự thách thức trước trước niềm tin tưởng mà Chúa Giêsu đã đặt nơi mỗi người chúng ta:
“Anh em là muối đất… anh em là anh sáng trần gian…” (Mt 5, 13 -16). Là men, là muối, là ánh sáng cho đời, cuộc sống Kitô hữu phải tốt, phải ướp mặn chất Tin Mừng, phải phản chiếu khuôn mặt Chúa Giêsu. Được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ không làm cho Chúa Giêsu phải thất vọng.
Mừng lễ Chúa lên trời hôm nay, chúng ta không phải chỉ đăm đăm ngước mắt nhìn về trời để nuối tiếc, để tìm kiếm, nhưng là ra đi vào thế giới, vào môi trường mình đang sống, để làm chứng cho Chúa, để làm chứng cho Chúa, để giới thiệu Chúa Kitô cho anh chị em chung quanh mình. Chúa Kitô đặt hết niềm tin tưởng nơi chúng ta, để rồi một khi chu toàn bổn phận của mình nơi trần gian, chúng ta cũng sẽ trở về Trời với Chúa của mình.
30. Hãy mang Chúa đến cho nhân trần
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền)
Hôm nay Chúa về trời đó là niềm vui và là niềm hy vọng cho hành trình cuộc đời chúng ta. Một hành trình không vô định nhưng có điểm tới là quê Cha trên trời. Chính Chúa Kitô đã soi lối mở đường cho chúng ta. Chính Ngài đã đi trước để dọn chỗ cho những ai tin theo Người. Từ nay u sầu sẽ gặp niềm vui. Từ nay những đau khổ đời này không còn làm cho con người thất vọng, nhưng ánh vinh quang phục sinh của Chúa đã mang lại niềm hy vọng và lạc quan cho cuộc đời chúng ta.
Người ta kể rằng: có một bác nông dân đã tình cờ nhặt được một tượng chịu nạn đã bị sứt mẻ đang nằm chơ vơ vì không có thập giá. Bác cầm tượng chịu nạn lên và đi vào trong làng. Bác đến từng nhà. Bác hỏi han từng người. Từ người già đến người trẻ. Bác nghĩ thầm rằng: "Không chừng ở đâu đây! Có ai đó đang có thập giá trơ trụi mà không có Đức Kitô nằm trên. Đức Kitô của bác không có nơi ngơi nghỉ, còn thập giá của ai đó không có Đức Kitô. Bác muốn trao Đức Kitô cho ai đó đang phải vác thập giá một mình, để nhờ Đức Kitô họ vượt qua những gian nguy của dòng đời. Bởi vì, một thập giá không có Đức Kitô là tra tấn, là hoả ngục, là thất vọng. Nhưng, nếu là thập giá có Đức Kitô sẽ là một hiến tế thánh thiện, một của lễ hy sinh mang lại ơn ích cho chính mình và cho tha nhân. Thế nên, bác đã cố gắng tìm đến những ai đang thất vọng vì gánh nặng hai vai, đang u sầu vì lầm than cơ cực. Bác trao gởi cho họ Đức Kitô để họ nhận ra họ đang được thông phần đau khổ với Đức Kitô. Hy vọng rằng cuộc đời họ sẽ vui hơn vì họ đang làm việc, đang đón nhận đau khổ vì Đức Kitô, nhờ đó họ cũng được chung phần vinh phúc với Chúa trên trời.
Vâng, cuộc đời chúng ta sẽ ngụp lặn trong đau khổ cùng cực nếu không có Đức Kitô hiện diện. Nếu cuộc đời không có Đức Kitô thì những hy sinh, những đau khổ, những gánh nặng trong cuộc đời này sẽ là một mất mát, một nỗi đau của kiếp người. Đây cũng là tin mừng mà Đức Kitô đang trao phó cho Giáo hội, cho mỗi người chúng ta: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo". Hãy loan tin vui đến cho những ai đang gặp u sầu, đang thất vọng, đang trải qua những ngày tháng bất hạnh, khổ đau. Hãy nói cho họ biết sau đêm dài là ánh bình minh. Cuộc đời này là một hành trình đi về thiên quốc. Một con đường có thập giá. Thập giá trong bổn phận. Thập giá trong hy sinh từ bỏ những tham sân si của dòng đời. Thập giá trong những dâng hiến cuộc đời để phục vụ cho lợi ích tha nhân. Đó chính là thập giá mà chúng ta đón nhận vì Đức Kitô sẽ biến thành thánh giá của hồng ân cứu độ. Thập giá làm chúng ta không vui. Thập giá làm chúng ta đau khổ. Nhưng chính nhờ những thập giá trong cuộc đời sẽ là nhịp cầu đưa tới tới bề bờ hạnh phúc vô biên.
Người nông dân đang cố gắng mang Chúa đến cho những mảnh đời bất hạnh, là sứ vụ mà Chúa đã trao cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau mang Đức Kitô đến muôn nẻo đường đời. Hãy mang Đức Kitô đến cho những ai đang thất vọng u sầu, đang nặng trĩu những buồn đau. Hãy nói cho họ biết đón nhận mọi biến cố đang diễn ra trong cuộc đời mình vì Đức Kitô và trong Đức Kitô.
Hôm nay, Chúa về trời. Chúa vẫn mang theo những dấu vết của thương tích trong cuộc khổ nạn. Không có vết thương nào đắt giá cho bằng sự chết. Như thể, Chúa về trời với những chứng tích đau thương, với những chống đối mà Ngài phải gánh chịu trong cuộc sống, với cơn hấp hối nơi vườn cây dầu, với những đau đớn của roi đòn, lỗ đinh. Ngài đã mang theo tất cả những giai đoạn đau thương đẫm máu như dấu tích cho lời xin vâng trọn vẹn vâng theo thánh ý Chúa. Và hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng như những ai muốn đi theo Ngài phải đi con đường này để lên trời. "Anh em hãy làm chứng cho Thầy. Khởi từ Giê-rusalem cho đến tận cùng thế giới". Làm chứng không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống theo gương Chúa Giêsu. Một cuộc sống luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Một cuộc sống phục vụ tha nhân để qua đó muôn dân sẽ ngợi ca Thiên Chúa. Một cuộc sống làm chứng không nhất thiết phải đổ máu, nhưng quan yếu là phải thể hiện tình yêu bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm: luôn bao dung, kính trọng lẫn nhau, luôn bác ái và sống công bình với nhau. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải có một bản án để người đời khinh chê, ghét bỏ, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Hôm nay nhìn Chúa về trời. Các tông đồ cảm thấy lòng trào dâng niềm vui. Xa xăm nơi cuối chân trời chỉ còn vang vọng lời Thầy chí Thánh Giêsu: "Anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy. Khởi từ Giê-rusalem cho đến tận cùng thế giới". Xin cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan, ngõ hầu "Ra đi tay ôm bó lúa đi gieo - Ngày trở về miệng reo vang câu hát mừng. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam