Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1377662

CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần.

Có một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra được một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại tất cả hình ảnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có khả năng thay thế được bốn sách Tin Mừng hay không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không phải do mắt thấy tai nghe, nhưng là do ơn Chúa Thánh Thần tác động.

Thực vậy bọn biệt phái ngày xưa đã từng nhìn thấy Chúa, nghe lời Chúa giảng, chứng kiến những việc Chúa làm thế mà họ không những không tin mà còn thù ghét và cuối cùng đã đóng đinh Chúa vào thập giá. Còn các tông đồ mặc dù đã theo Chúa, nhưng cũng chỉ thực sự có đức tin và dám sống chết cho Ngài sau biến cố tử nạn và phục sinh nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động trong ngày lễ Ngũ Tuần. Vậy Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ, Giáo Hội và người tín hữu như thế nào?

Trước hết Chúa Thánh Thần đổi mới các tông đồ. Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu nhắc lại công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa được diễn tả bằng hình ảnh: sau khi nắn đất sét thành người, Ngài đã thở hơi ban sự sống để nó trở thành người sống. Qua việc thở hơi trên các tông đồ, Chúa Giêsu muốn làm một cuộc sáng tạo mới. Ngài ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các ông nên những con người mới, có đủ khả năng chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Sách Tông đồ công vụ cho hay trong ngày lễ Ngũ Tuần, người ta thấy một cơn gió lốc ùa vào nhà các tông đồ đang ở và có cái gì giống hình lưỡi của lửa xuất hiện trên đầu mọi người và lập tức các ông được đổi mới. Trước kia các ông u mê dốt nát thì nay các ông được thống suốt giáo lý của Chúa. Trước kia các ông nhát đảm sợ hãi thì nay các ông được can đảm, sẵn sàng rao giảng Tin Mừng, tuyên xưng đức tin và chấp nhận chịu khổ cực và chịu chết vì danh Đức Kitô.

Tiếp đến Chúa Thánh Thần đổi mới Giáo Hội. Thực vậy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và không ngừng tác động để canh tân Giáo Hội tuỳ theo nhu cầu thời đại, chẳng hạn như Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Ignatio, Têrêsa... nhờ các ngài Giáo Hội vượt qua được những giờ phút khủng hoảng và đen tối nhất. Và gần đây hơn, Công đồng Vatican II cũng được coi là một lễ Hiện Xuống mới vì Công đồng này mà Giáo Hội có dịp nhìn lại mình để lau sạch những tì vết và bụi bặm do lịch sử để lại, đồng thời đổi mới Giáo Hội về nhiều phương diện để nhờ đó đi sát với Tin Mừng mà vẫn thích nghi với một thế giới không ngừng biến động và tiến bộ hơn.

Sau cùng Chúa Thánh Thần đổi mới mỗi người chúng ta. Thực vậy ngày hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tác động nơi các tín hữu, tuy âm thầm, nhưng không kém phần hậu quả. Vậy chúng ta phải làm gì?

Việc thứ nhất là hãy tạo cho mình một bầu khí thinh lặng nội tâm, tránh đi những lo toan thái quá về vật chất đời thường như cơm áo gạo tiền. Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước còn những sự khác, Ngài sẽ ban cho chúng ta sau. Việc thứ hai là phải chăm chỉ lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và tham dự nghi thức bẻ bánh, như hai môn đệ làng Emmaus ngày xưa. Việc thứ ba là phải đồng tâm nhất trí, chuyên tâm cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ trong đó có Đức Mẹ Chúa Giêsu và với những anh em của Ngài. Nhờ đó, mà cuộc đời và bản thân chúng ta mỗi ngày một đổi mới.

 

19. Thần Linh nối kết trời đất

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có ai đó nói rằng: “Nếu cuộc đời vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách”.

Nhưng nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người. Ngài hiện diện giữa con người. Ngài trở nên gần gũi với con người. Nhờ Thánh Linh mà con người có thể tiếp xúc với Thiên Chúa một cách thân tình, gần gũi trong tình cha con.

Lần giở lại những trang đầu của Kinh Thánh, nhờ thần khí Chúa mà thế gian hết u minh. Bóng tối bị đẩy lùi. Thiên Chúa đã viếng thăm trái đất và ở lại cùng trái đất. Thần Linh Chúa đã làm nên sức sống cho địa cầu. Thần Linh Chúa bay lượn trong cõi u minh và nhờ đó mà mọi loài được đi vào trật tự, vào quy trình của sự sống, và Thiên Chúa đã và đang hoạt động trên mọi loài Ngài đã dựng nên nhờ Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa.

Qua Tân ước, cũng nhờ quyền năng của Thánh Linh mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Từ nay, Thiên Chúa trở nên con người giống như con người. Thiên Chúa lưu lại nơi con người qua thân xác con người. Thiên Chúa trở thành Emanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người, khi Ngài dấn thân phục vụ mọi người, khi Ngài ban phát ơn lành đến cho mọi người. Nhờ Thánh Linh mà con người nhận lãnh được biết bao ơn huệ của Thiên Chúa ban xuống cho con người. Cũng chính nhờ Thánh Linh đã phục sinh Đức Ky-tô từ cõi chết sống lại. Nhờ Thánh Linh mà Đức Ky-tô đã vinh thăng khải hoàn về trời.

Ở thời đại này, người ta tin ở tài năng của con người, ở kỹ thuật của con người, ở tiền vàng đô la hơn là tin ở quyền năng vô biên của Chúa Thánh Linh. Thế nhưng, Giáo hội vẫn tin rằng: sự hình thành và phát triển của mình là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh. Thử hỏi, sau khi Đức Kitô về trời, Hội Thánh tiên khởi vỏn vẹn chỉ có 12 tông đồ, với hai bàn tay trắng và một số vốn kiến thức không đáng gì, nhưng các ông đã ra đi trong lòng tin vào Chúa Thánh Linh. Thế mà chưa đầy ba mươi năm sau, Tin Mừng đã đi đến tận cùng trái đất khởi đầu từ Giê-ru-sa-lem – dọc Địa Trung hải – lan tỏa khắp Châu Âu... Dù rằng nhân sự không được đào tạo như hôm nay, để trở thành một linh mục cũng mất hơn mười năm, Thế nhưng, ngày đó: “Trong mỗi Hội Thánh các ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, các ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin” (Cv 14,23), vì các tông đồ tin rằng chính Thiên Chúa đã mở cửa đức tin cho dân ngoại chứ không phải các ngài. Chính Chúa Thánh Linh đào tạo con người tông đồ và sai đi.

Là người ky-tô hữu chúng ta phải tin vào sự hiện diện của Thánh Linh đã làm nên Hội Thánh. Một Hội Thánh kiên vững giữa thế gian đầy gian ác luôn muốn loại trừ Hội Thánh. Một Hội thánh tinh tuyền dù rằng sống giữa thế gian đầy bóng tối của dâm ô, sa đọa. Chúa Thánh Linh đã được ban xuống cho các tông đồ qua Đức Giê-su. Chính Đức Giêsu Phục Sinh đã “thổi hơi trên các Tông Đồ, ban Thánh Thần và bình an”. Và nhờ Thánh Thần liên kết họ lại với nhau trong một Giáo hội Công giáo - Duy nhất - Thánh thiện và Tông truyền. Nhờ Chúa Thánh linh mà Giáo hội đã quy tụ muôn dân gồm đủ mọi sắc tộc, màu da thành một cộng đoàn những người tin theo Chúa Ky-tô và cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.

Như thế, sứ mạng của Chúa Thánh linh là nối kết con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nhờ Thánh linh mà con người được dìm mình trong lòng thương xót của Chúa. Nhờ Thánh Linh mà con người được sống sung mãn trong nguồn ân thánh của Thiên Chúa. Cũng nhờ Thánh Linh mà con người trở nên một gia đình của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau và cùng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Bên cạnh đó, hoa trái của Thần Khí chính là: “yêu mến, vui mừng, bình an, quảng đại, tốt lành, lương thiện, tín trực…” Kitô hữu nào đón nhận Thánh Thần Chúa Kitô, thì có khả năng thông ban sự vui mừng, bình an của ơn cứu độ sang người khác. Vì thế, nơi nào có Thần Khí Chúa Kitô Phục Sinh, thì nơi đó có yêu mến, vui mừng và bình an. Nơi nào không có Thần Khí Đức Kitô, thì nơi đó chỉ có xôn xao, gay gắt, ganh tỵ, dè chừng lẫn nhau và mất bình an vô tận.

Thế nên, là người ky-tô hữu chúng ta phải được lãnh nhận Chúa Thánh Linh. Nhờ Thánh Linh mà ta có thể đón nhận Đức Ky-tô và trở nên sứ giả hòa bình của Đức Ky-tô. Ước gì chúng ta biết nhận ra hồng ân của Chúa Thánh Linh để luôn dâng lời tạ ơn Chúa, đồng thời biết sống theo sự dẫn dắt của Thánh Linh mà bước theo chân lý vẹn tuyền để trở thành một sứ giả của bình an, hoan lạc cho thế gian.

Nguyện xin Chúa Thánh Linh ngự đến tràn đầy trong tâm hồn chúng con. Xin ban cho chúng con thần trí của Chúa để chúng con luôn biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian mau qua. Xin cho chúng con luôn tràn đầy Chúa Thánh Linh để chúng con hân hoan ra đi gieo rắc niềm vui và bình an đến cho muôn người. Amen.

 

20. Lễ Hiện Xuống

Ngày nay, hơn bao giờ hết nhân loại đang mong muốn hoà bình. Nền hoà bình mang lại cho con người sự tự do đích thật, bình an đích thật. Có hoà bình, người ta an tâm học hành, làm việc và phát triển các chiều kích vật chất, tinh thần và tâm linh. Như thế, hoà bình hay bình an đích thật chính là nỗi khát mong tự bao đời của con người.

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày lời hứa của Chúa Giêsu được thự hiện: "Thầy sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho chúng con một Đấng an ủi khác đến ở với các con mãi mãi". Đấng ấy sẽ ban cho chúng ta sự bình an đích thật trong tâm hồn. Đấng ấy sẽ giúp cho chúng ta tìm kiếm và thi hành sự bình an đích thật.

Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Đức Giê-su sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14). Khi sai các môn đệ, Đức Giêsu khuyên: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy" (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Rồi sau khi chữa lành bệnh, Đức Giêsu cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Đặc biệt, sau phục sinh, khi hiện ra cho các môn đệ, Đức Giêsu luôn nói: "Bình an cho các con!" (Lc 24, 36; Ga 20, 19; 20, 26).

Còn chính trong cuộc sống đời thường của mình, chúng ta thấy bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển. Hơn hết, trong đời sống thiêng liêng, con người cần sự bình an biết mấy. Bởi vì sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh được phát triển. Vì thế mà Đức Giêsu đã nói: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian" (Ga 14,27). Thật vậy, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, mà hôm nay chúng ta nghe Thánh Gioan thuật lại Đức Giêsu Đức Giêsu thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ, Ngài đã nói "Bình an cho anh em!". Như vậy, phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5, 22).

Trong sách Tông đồ Công vụ, thánh Luca đã mô tả quang cảnh ngay lễ Hiện xuống: "Tất cả các tông đồ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến lùa vào đầy nhà, nơi họ đang tu hợp lại, với những lưỡi như thể hình lửa xuất hiện và đậu trên từng người". Chúa Thánh Thần như Lửa của tình yêu Thiên Chúa nung đốt chúng ta. Trong tình yêu của Chúa, tất cả chúng ta không còn khác biệt nhau nữa mà trở thành con của Chúa, sống trong tình yêu duy nhất của Người.

Do đó, có thể nói để nhận được ơn bình an, ơn Thánh Thần thì chúng ta phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, ta sẽ có sự bình an trong tâm hồn

"Như Cha sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". Mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận những ơn lành của Chúa một cách nhưng không thì cũng hãy biết cho đi nhưng không. Hãy biết chia sẻ và mang bình an đến cho những người chúng ta gặp gỡ. Chúng ta hãy tự vấn lòng mình, để xem chúng ta có thật sự là "khí cụ bình an của Chúa" để đem đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ chưa?

Ngày nay, hơn bao giờ hết, có lẽ con người thật sự cần thiết có được sự bình an. Chúng ta có thể sản xuất để cung ứng cho mình mọi thứ theo ý muốn. Nhưng nếu chúng ta không có bình an, chúng ta sẽ không có gì hết. Để tìm thấy được bình an đích thực, Thánh Phaolô chỉ cho ta: "Đức Giêsu Kitô, Ngài là bình an thật của chúng ta" (Ep 2, 14).

Do đó, để tìm thấy được sự bình an đích thực, chúng ta hãy tránh xa những dịp tội, đừng để mình kéo dài tình trạng sống trong tội, chúng ta hãy mau quay trở về với Chúa, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Khi chúng ta có được sự bình an, thì chúng ta cũng hãy biết mang bình an đó lại cho những người mà chúng ta gặp gỡ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con bình an, sự bình an đích thật chính là Chúa Thánh Thần. Có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng con sẽ được bình an, phát triển đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng. Có Chúa Thánh Thần, chúng con sẽ dễ dàng lắng nghe và thi hành điều ngay, lẽ phải, dám sống và làm chứng cho tình yêu Chúa và can đảm đem bình an, tình yêu và niềm hạnh phúc cho tha nhân. Amen.

 

21. Sống hiệp thông với Chúa Thánh Thần

(Suy niệm của Lm Jos Nguyễn Minh Chánh)

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Nguồn Trợ Lực. Đời sống của chúng ta không thể thiếu bóng dáng Ngài. Vì thế, nhìn vào đời sống Đức Giêsu trong mối tương quan với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu sẽ giúp ta hiểu rõ sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.

Đức Giêsu Kitô là Đấng tràn đầy Chúa Thánh Thần từ lúc ban đầu đến sau khi phục sinh và mãi mãi.

Thực vậy ngay từ lúc Đức Giêsu thụ thai trong cung lòng Mẹ Maria, chúng ta đã khám phá rất rõ về mối hiệp thông giữa Ngôi Lời nhập thể và Chúa Thánh Thần. Biến cố truyền tin đã dạy chúng ta rằng: Đức Maria cưu mang Đức Giêsu trong lòng là do Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần đã đến và bao phủ quyền năng của Ngài nơi bào thai của Đức Maria, nơi sự sống của Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu sẽ hình thành trong cung lòng của một con người.

Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu khi Ngài chuẩn bị thi hành sứ mạng Messia. Vì sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan trước khi rao giảng Tin mừng, khi " vừa lên khỏi nước, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người" (Mt 3, 16)

Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu trong những giờ phút sống thân tình với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần đã tác động nơi Đức Giêsu để Đức Giêsu được hưởng những thời gian chìm đắm trong lời cầu nguyện với Chúa Cha. Tin mừng thánh Mátthêu thuật lại khi Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và cầu nguyện ròng rã bốn mươi đêm ngày, thì đó cũng là do tác đông của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần đã dẫn Đức Giêsu vào tình yêu sâu thẳm với Chúa Cha trong thời gian này (x.Mt 4,12).

Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu trong khi rao giảng tin mừng yêu thương và phục vụ cho mọi ngườ. Phúc âm thánh Luca thuật lai khi bắt đầu rao giảng thì Chúa Giêsu "được quyền năng Thần Khí thúc đẩy" (Lc 4,14). Sự tác động của Chúa Thánh Thần nơi Đức Giêsu như là sức mạnh, nhờ đó Đức Giêsu có thể hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.

Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời Ngài. Khi Đức Giêsu hấp hối trong vườn cây dầu, mọi sự đối với Đức Giêsu trong lúc này hình như bị bế tắc, bị thất bại, bị tuyệt vọng. Một lần nữa, Chúa Thánh Thần là "Ngón Tay Thiên Chúa" là Sức Mạnh đã đến với Đức Giêsu, đã nâng đỡ bổ sức cho Đức Giêsu trong lúc Đức Giêsu đang bị cô đơn vì sự bỏ rơi của nhiều người, đang phải sắp hứng chịu với cái đau đớn của roi đòn trên thân xác. Thậy vậy, nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần nâng đỡ mà Chúa Giêsu đã chiến thắng được cám dỗ từ bỏ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đã can đảm từ bỏ ý riêng để xin vâng theo ý Chúa Cha. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha khi đau khổ và còn xin vâng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.

Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Đức Giêsu trên mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng. Ngài luôn tác động nơi Đức Giêsu trong mọi hoàn cảnh, nhờ vậy mà chương trình của Đức Giêsu luôn được hoàn thành tốt đẹp.

Từ kinh nghiệm sống hiệp thông với Chúa Thánh Thần, nên Đức Giêsu xem việc trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ phải là cần thiết. Vì việc ban Chúa Thánh Thần chính là điều kiện để các Tông đồ có khả năng hành động trong khi rao giảng tin mừng như Đức Giêsu. Vì vậy trước khi rời khỏi thế gian để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã từng hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ. Rồi sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra cũng trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, như trong trang Tin mừng hôm nay chúng ta vừa nghe. Đặc biêt sau khi Chúa Giêsu về trời, trong ngày lễ Ngũ tuần thì Chúa Thánh Thần đã được trao ban trên các Tông đồ trong bầu khí thật uy phong trong khi các Ngài đang cầu nguyện. Hình ảnh này chúng ta đã vừa cảm nhận trong bài đọc một hôm nay.

Khi khám phá mối hiệp thông giữa Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, cũng như hình ảnh Chúa Thánh Thần đã được ban cho các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần thì đó cũng là bài học Chúa dạy chúng ta: Nếu cuộc sống con người vắng bóng Chúa Thánh Thần, thì cuộc sống đó sức sống tự nhiên và siêu nhiên sẽ không tăng trưởng, sẽ chết dần trong năm tháng, vì Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Và nếu cuộc sống con người vắng bóng Chúa Thánh Thần, thì đời sống ấy sẽ không biết yêu thương, vì Chúa Thánh Thần là Tình Yêu để nối kết con người với Thiên Chúa, và nối kết giữa con người với nhau. Hay khi cuộc sống con người vắng bóng Chúa Thánh Thần, thì đời sống ấy sẽ lạc lối, sẽ đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa, vì Chúa Thánh Thần là sức mạnh để giúp con người can đảm từ bỏ ý riêng để khiêm tốn luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nói chung nếu cuộc sống con người không có Chúa Thánh Thần thì cuộc sống ấy sẽ không giống Đức Giêsu.

Từ những cảm nghiệm trên, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria và các Tông đồ trong bài đọc một hôm nay. Hãy thường xuyên ở lại chung với nhau để cầu nguyện với Đức Giêsu Kitô, là Đấng sinh bởi Thánh Thần, là Đấng đầy tràn Thánh Thần. Xin Chúa Giêsu Kitô ban Chúa Thánh Thần là Hồng Ân của Ngài cho chúng ta, nhờ đó trong mọi hành động chúng ta sẽ trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, xin ban đầy tràn Chúa Thánh Thần xuống tâm hồn chúng con. Amen.

 

22. Chúa Thánh Thần mở tung mọi cánh cửa khép kín

(Suy niệm của Lm Nguyễn Hữu Thy)

Không phải tất cả những gì Jean Paul Sartre (1905-1980), một trong những triết gia hiện sinh, viết đếu có thể chấp nhận được đối với những tín hữu đạo đức. Nhưng những gì nhà triết học người Pháp này tưởng tượng về hỏa ngục, rất đáng cho chúng ta lưu ý. Trong vở kịch «Phía sau những cánh cửa khép kín»của ông. Jean Paul Sartre đã nêu lên vấn nạn: Ðiều gì sẽ xảy ra, nếu con người sống hay chết đều gắn bó ràng buộc với nhau, và đều ý thức được rằng họ sẽ không bao giờ tách rời nhau được nữa? Ðiều gì sẽ xảy đến, nếu họ không được phép hay không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài? Nếu họ không tùy thuộc vào bất cứ điều gì khác ngoài quá khứ, ngoài tội lỗi, ngoài sự cao ngạo, ngoài sự cố chấp, ngoài những điều nhảm nhí và ngoài những trách móc phàn nàn lẫn nhau của họ? Theo Sartre: Ðó chính là hỏa ngục!

Dĩ nhiên, các nhà thần học còn có thể nói cho chúng ta nhiều hơn nữa về những gì mà Thánh Kinh gọi là «hỏa ngục». Nhưng có một điều chắc chắn - và đó cũng là điều Jean Paul Sarte muốn nói tới - đó là: Ngay ở đời này, con người chúng ta đã có thể làm cho cuộc sống của nhau trở thành hỏa ngục.

Cũng thế, người ta có thể tưởng tượng được tình trạng của các môn đệ Ðức Giêsu sau ngày Thứ Sáu Chịu Nạn một cách tương tự như thế! Theo sự tường thuật của Thánh Kinh: Vì sợ người Do-thái, nên họ đã lẩn trốn sau những cánh cửa khép kín. Ðức Giêsu đã chết. Phải chăng họ đã chẳng đặt hết hy vọng vào Người, đã hy sinh tất cả cho Người, đã gắn bó hoàn toàn với Người?

Nhưng giờ đây Người đã chết: Bị đóng đinh nhục nhã vào thập giá, đã tắt thở và đã được an táng! Và Người đã để họ lại trong cảnh bơ vơ, thất vọng và chán nãn, lo âu sợ hãi và hoảng hốt. Họ trở nên bất đồng ý kiến với nhau và bị rơi vào một hoàn cảnh bất ổn, khiến họ không còn đủ khả năng để ngồi lại nói với nhau về sợi dây đầy tình nghĩa từng ràng buộc họ lại với nhau trong ba năm qua. Họ không còn đủ bình tỉnh để có thể tìm ra được câu giải đáp cho những vấn nạn quan trọng: Ðức Giêsu Na-da-rét thực sự là ai? Và chúng ta là ai, khi cùng với Người hay khi không có Người? Những gì thực sự còn nối kết chúng ta lại với nhau? Và trước hết, tình trạng cộng đoàn các Tông đồ xem ra rất bi quan và đang trên bờ của sự tan rã. Các bạn hãy nghĩ đến trường hợp hai môn đệ Em-mau hay trường hợp Thoma cứng lòng: Mỗi người đi mỗi ngã, ai nấy đều trở nên nghi ngờ, tất cả họ đều mất hết mọi hy vọng và tin tưởng!

Các bạn hãy tự xét đoán lấy, hãy tự chất vấn chính những kinh nghiệm sống của mình: Phải chăng tất cả những điều đó đã không quả quyết rằng, một đoàn thể khi phải đứng trước một tình trạng đen tối và tuyệt vọng như thế lại không bị tan rã hay sao?

Tuy nhiên, mọi chuyện lại đã xảy ra hoàn toàn khác hẳn. Các nhà tâm lý và phân tâm học sẽ phải bóp trán nghĩ ngợi nát óc, là: Làm thế nào hoàn cảnh các Tông đồ lại có thể xảy ra ngược lại như vậy được! Thánh Kinh đã trả lời cho vấn nạn đó: Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng đã liên kết các Tông đồ lại với nhau, ngược lại với sự hợp lý và sự suy luận nhân loại. Vâng, Chúa Thánh Thần hiện diện giữa các Tông đồ như sợi dây nối kết họ lại với nhau và như động lực giúp cho họ có đủ khả năng để lại cùng nhau nói về chính mình và nói về Sư Phụ. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng ban cho họ có được sự xác tín rằng: Ðức Giêsu vẫn sống! Từ những câu chuyện đó, từ sự tưởng nhớ lại Ðức Giêsu như thế đã làm phát xuất ra điều mà ngày nay chúng ta gọi là Giáo Hội: Cộng đoàn của những người tin vào Ðức Giêsu! Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa và qui tụ họ lại từ bốn phương trời.

Vâng, Thần Khí Thiên Chúa, Thần Khí Ðức Giêsu, đã tác động, để một nhân loại đang trong cảnh chia rẽ và phân hóa lại trở về đoàn tụ với nhau. Và trước hết, điều đó đã được chứng mình nơi chính các Tông đồ: Các ngài đã tìm về với nhau, các ngài lại thông cảm nhau và các ngài lại hiểu được những gì đã xảy ra cho Ðức Giêsu. Nhất là bây giờ các ngài có thể làm cho người khác hiểu được Ðức Giêsu là ai và Người muốn gì nơi họ. Nhân loại thuộc mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ, mọi màu da và mọi giai cấp trong xã hội đã tìm về với nhau và qui tụ thành một cộng đồng huynh đệ mới. Và đó là điều chúng ta cùng tưởng niệm lại trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay.

Thần Khí Thiên Chúa mở tung mọi cánh cửa của sự sợ hãi, của sự nhát đảm và của sự co rúm lại trong thế giới bản thân, một chỗ các Tông đồ dùng làm nơi ẩn trốn! Giờ đây, họ không còn sợ hãi lẩn trốn nữa, nhưng lòng đầy can đảm và phấn khởi đi đến với mọi người và loan báo cho họ biết rằng, cuộc đời Ðức Giêsu Na-da-rét tuy trước mắt người đời xem ra như đã thất bại và đổ vỡ, nhưng trong thực tế lại chính là một cuộc sống đầy hạnh phúc trong vinh thắng. Nó đã được Thiên Chúa chấp nhận và chúc phúc. Bởi vì cuộc sống Ðức Giêsu là một cuộc sống không còn bị ràng buộc bởi sự ích kỷ, nhưng đã được hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và và cho hạnh phúc chân thật của nhân loại. Ðức Giêsu đã mở tung nhiều cánh cửa từng bị khóa kín.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều cánh cửa đang bị niêm phong khép kín trong cuộc sống xã hội. Qua kinh nghiệm trong cuộc sống cụ thể, nhiều khi chúng ta đã phải ngỡ ngàng và thất vọng đứng trước những cánh cửa bị đồng loại khóa kín để cản đường chúng ta. Nhưng chính chúng ta cũng không ít khi đã đóng chặt bao cánh cửa trong các tư duy và trong cuộc sống mình, tự cô lập mình khỏi đồng loại.

Vâng, còn có bao nhiêu người vẫn chưa có đủ can đảm để tìm cho hoàn cảnh của mình một lối thoát? Còn có biết bao nhiêu cặp vợ chồng đang sống một cuộc sống chồng vợ bất đắc dĩ? Còn có biết bao nhiêu gia đình đang phải sống trong cảnh bất hòa và mỗi người là một tiểu vũ trụ, chứ không ai muốn nói chuyện với ai nữa? Và trong một cộng đoàn giáo xứ cũng còn có bao cánh cửa đang bị khóa kỹ: Giữa các cá nhân với nhau, cũng như giữa gia đình này với gia đình khác? Vâng, đó là những cánh cửa chúng ta đã tự khép kín và khóa chặt đối với nhau: Những cánh cửa dẫn đưa người khác đến với chúng ta, nhưng đã bị chúng ta khóa chặn lại. Hoặc là những cánh cửa đã làm cho chúng ta không thể tự do tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã chứng minh cho thấy rằng người ta rất có thể mở tung mọi cánh cửa vốn bị đóng kín. Ðiển hình nhất là nơi các Tông đồ: Các ngài đã học được điều đó nơi chính bản thân mình. Các ngài đã có được kinh nghiệm là: Khi bản thân hay gia đình mình rơi vào cảnh khó khăn thử thách, thì tốt nhất là không nên vội đầu hàng bỏ cuộc. Các ngài đã học được là không một ai được phép nghi ngờ người khác, cả khi xem ra có người này kẻ nọ trong họ tỏ ra hoang mang và muốn bỏ cuộc. Các Tông đồ cũng đã cảm nhận được rằng:

Thái độ lẩn trốn và dấu mình sau các cánh cửa đóng kín càng làm tăng sự sợ hãi hoang mang.

Sự nghi ngờ nhau, sự đố kỵ mù quáng đối với thế giới bên ngoài, thường cũng chính là cái hố sâu ngăn cách con người với Thiên Chúa.

Các Tông đồ đã học được là chính Thần Khí Ðức Giêsu đã thúc bách và động viên họ:

Phải mở rộng các cánh cửa.

Phải loại bỏ sự bất động và bám bíu vào các thói quen cũ.

Phải can đảm đi đến với những người xa lạ chưa quen biết, hầu có thể: a) Hiểu biết và thông cảm với họ; b) Tin tưởng và chia sẻ với họ định mệnh khắt khe của họ; c) Giúp họ mở rộng mọi cánh cửa, nhất là cánh cửa dẫn họ tới nguồn hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu: Ðức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi!

Phải chăng đó không phài là điều kiện cho tình yêu to lớn đã được mặc khải trong cuộc đời Ðức Giêsu Na-da-rét?

Tôi luôn xác tín rằng: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không chỉ là một kỷ niệm biến cố trọng đại đã xảy ra trong buổi khai nguyên Giáo Hội, nhưng là một thực tại luôn sinh động! Bởi vì, Thần Khí Ðức Giêsu không hề chết. Người vẫn sống và vẫn tác động không ngừng trong Giáo Hội, trong vũ trụ và trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta có thể mở rộng tâm hồn mình cho Người. Bên ngoài, những người đã từ xa gần đến và đang chờ đợi trước cửa nhà chúng ta. Họ chờ đợi Thần Khí Ðức Giêsu. Họ chờ đợi những người đã biết mở rộng tâm hồn cho Thần Khí đó! Amen.

 

23. Sứ mạng truyền giáo - Lm. Minh Vận, CRM

Báo "Le Figaro" đã đăng câu trả lời phỏng vấn của Tổng Thống Nga Putin, trong đó có mấy sâu đối đáp sau đây:

- Trong một cuộc phỏng vấn báo chí tại Nga, ông cho biết là ông đã đến cầu nguyện tại Mồ Thánh Chúa ở Jeruselem, trong tay cầm Thánh Giá. Nhưng ông lại là một cựu sĩ quan của tình báo KGB. Ông nghĩ thế nào về sự trái ngược đó?

- Cuộc sống được tạo nên bằng những điều trái ngược nhau. Khi không còn những điều trái ngược thì đó là cái chết. Nước Nga không phải là một quốc gia giả tạo mà nó đã có một lịch sử từ lâu đời. Thời kỳ còn là Liên Xô, đã có nhiều ý đồ làm thay đổi truyền thống, nhưng vẫn không sao tách nước Nga khỏi những giá trị văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa đó, cũng giống như những cây cỏ mọc trên các đại lộ của thành phố, xuyên thủng nhựa đường để tự tồn tại.

Mẹ tôi là một phụ nữ theo Đạo Chúa, mặc dù đi tham dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ không phải là không gặp nguy hiểm trong thời Liên Xô trước đây. Mẹ tôi đã bí mật làm nghi lễ Thánh tẩy cho tôi tại Nhà Thờ. Vậy tại sao các ông lai có vẻ ngạc nhiên khi tôi cầm Thánh Giá đến cầu nguyện tại Mồ Thánh Chúa Giêsu?

Tổng Thống Putin quả là một chứng nhân anh dũng. Ông đã công khai tuyên xưng Niềm Tin, xưng mình là người theo Đạo Chúa, sống Đạo Chúa. Ông đã tuyên bố trước báo chí: "Tôi tự hào là Tín Hữu... Niềm Tin của tôi làm cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn!"

I. CẦN PHẢI CANH TÂN TRÁI ĐẤT

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ, long trọng mừng Lễ Chúa Thánh Linh hiện xuống, chúng ta thành tâm dâng lên Chúa lời nguyện cầu tha thiết: "Lậy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt thế giới!"

Thế giới chúng ta đang sống, hiện nay có biết bao tệ đoan xuất hiện khắp đó đây làm lũng đoạn đời sống tâm linh, đầu độc trí lòng con người, khiến con người không còn phân biệt được đâu là phải đâu là trái, đâu là tội đâu là phúc, đâu là chân thật đây là giả trá! Các kẻ thù của Chúa đang vận dụng mọi cách để phá hoại những giá trị luân lý đạo đức, chối bỏ những thực tại của đời sống siêu nhiên, đời sống Đức Tin và hạnh phúc vĩnh cửu của đời sống mai hậu. Họ chủ trương chỉ có những thực tại của đời sống vật chất ở đời này. Vì thế, cần phải tận hưởng tất cả các tiện nghi, những phát minh của khoa học tân tiến, những tiền của giầu sang, để được thoải mái tối đa kẻo uổng phí. Tóm lại, họ mong gạt bỏ Thiên Chúa và Tôn giáo ra ngoài đời sống con người, để đời sống thoải mái dễ chịu, khỏi phải gò bó theo luật lệ. Do đó, họ sống buông thả theo thú tính, khiến con người thời đại mất dần ý thức tội lỗi!

II. SỨ MẠNG TUÂN GIỮ VÀ TRUYỀN BÁ TIN MỪNG

Là con cái Chúa, chúng ta có nghĩa vụ phải nỗ lực chống lại những tấn công của kẻ thù, duy trì những giá trị luân lý, những thuần phong mỹ tục, những nền văn minh Kitô Giáo, những truyền thống lành mạnh phù hợp với giáo huấn của Chúa và Giáo hội. Tuyệt đối trung thành với Đức Tin và tinh thần của Chúa Kitô theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, đấng đại diện tối cao của Chúa nơi trần gian. Chính Chúa đã truyền dạy chúng ta: "Nếu các con yêu mến Thầy, hãy vâng giữ lời Thầy truyền dạy. Thầy sẽ nài xin Chúa Cha ban Đấng An Ủi khác đến ở cùng các con muôn đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận được, vì họ không thấy cũng chẳng biết Ngài, còn các con, các con sẽ nhận biết Ngài, vì Ngài sẽ ở cùng các con, lại ngự trong tâm hồn các con nữa" (Jn 14:15-17).

Hơn nữa, ngày lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, trở nên con cái Chúa, mỗi người chúng ta đã lãnh sứ mạng truyền bá Đức Tin, rao giảng danh Chúa và Ơn Cứu Độ của Chúa đến cho mọi người. Trước khi Chúa về trời, lệnh Chúa truyền cho các Tông Đồ và các Tín Hữu thời Giáo Hội sơ khai, cũng là lệnh Chúa cho mỗi người chúng ta qua các thời đại là: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị luận phạt" (Mc 16:15). Thánh Mathêu còn ghi lại minh bạch hơn nữa lệnh truyền đó: "Thầy được toàn quyền trên trời dưới đất: Vậy, các con hãy đi giảng dạy muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần. Hãy dạy họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con; và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!" (Mt 28:19-20).

III. THỰC THI SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ BẰNG CÁCH NÀO

Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến nghĩa vụ của tất cả chúng ta, là phải trở nên chứng nhân cho Chúa giữa trần gian khi truyền dạy: "Tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun nóng cho mình thực sự có tinh thần Công Giáo, và phải hy sinh góp sức vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, mỗi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá Đức Tin là sống sâu xa đời sống Kitô Hữu" (Ad Gentes # 36). Để đời sống chúng ta thực sự trở nên ánh sáng chiếu soi cho mọi người, để mọi người thấy các việc thiện chúng ta làm mà ngợi khen Chúa là Cha chúng ta ngự trên trời, và chúng ta là môn đệ đích thực của Người như Chúa đã truyền dạy.

Đó là lời rao giảng Tin Mừng cách hùng hồn và hữu hiệu nhất. Chúng ta có thể quả quyết chắc chắn rằng: Không có lời rao giảng nào có hiệu lực hơn bằng chính cuộc sống thánh thiện của người tông đồ, là sống trước chính lời mình rao giảng, như lời tiền nhân thường răn dạy: "Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi cuốn".

Tuy nhiên, Công Đồng còn nhấn mạnh hơn nữa đến căn tính của sứ mạng cao cả này khi quả quyết với chúng ta: "Người Giáo Dân có bổn phận và quyền lợi làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì Phép Rửa tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, Phép Thêm Sức làm cho họ thêm mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Linh. Họ được thánh hiến vào chức vụ Tư Tế Vương Giả và Dân Thánh Chúa, hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu" (Apostilicam Actuositatem # 3).

Người ta kể rằng: Một hôm, có một bác nông dân chở gạo lên thành phố Sài gòn bán. Tới giờ ăn trưa, ông vào tiệm gọi một tô phở. Sau khi cô chiêu đãi viên bưng ra cho ông một tô phở thơm phức, ông nghiêm trang làm dấu Thánh Giá trên mình và cúi đầu, miệng lâm râm cầu nguyện. Một tên cán bộ ngồi bàn bên cạnh, trông thấy cử chỉ đạo đức đó lấy làm bực rọc khó chịu, bèn lên tiếng khà khịa với ông: "Thời buổi xã hội chủ nghĩa này mà còn kinh với kệ, lỗi thời lắm rồi lão già kia ơi!" Ông già nghe thấy lời hỗn xược và xúc phạm đó khiến ông không thể nhịn được, nên đã mạnh dạn lên tiếng: "Chỉ có loài chó loài heo mới không biết cầu nguyện cám ơn Chúa trước khi ăn!"

Ngày nay, chúng ta thấy không thiếu những người không dám xưng mình là Kitô Hữu, không dám hãnh diện biểu lộ niềm tin của mình trước mặt tha nhân, không dám dấu Thánh Giá trước bữa ăn tại tiệm, sợ bạn bè chê cười đàm tiếu. Người ta còn kể: Có những tiệc cưới người Công Giáo được tổ chức rất trọng thể tại tiệm ăn, thế mà cũng không dám mời Linh Mục chủ sự lên trước công chúng, để cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho các thực khách và thực phẩm trước khi khai mạc bữa tiệc!

Kết luận

Tổng Thống nước Nga Putin và ông nông dân trong hai mẩu truyện trên đây đã có những hành động tuyên xưng niềm tin của mình thật đáng chúng ta khâm phục và noi theo bắt chước. Khi chế độ Cộng Sản Liên Xô mới sụp đổ, theo sự khôn ngoan, hẳn ông cần phải khéo léo uyển chuyển để khỏi mích lòng những phe đối lập, thế nhưng ông đã can đảm tỏ mình là Kitô Hữu theo Đạo Chúa cách hãnh diện khi tuyên bố trước mặt mọi người: "Tôi tự hào là người Tín Hữu... Niềm Tin của tôi cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn!"

Còn ông nông dân của chúng ta cũng thật đáng mọi người phải cảm phục, mặc dầu lời ông nói có thể xảy đến cho ông những nguy hiểm bởi những kẻ có quyền thế, nhưng ông vốn can đảm nói lên sự thật, chứng tỏ Niềm Tin sâu xa của ông. Đó là một tấm gương sáng đáng chúng ta noi theo bắt chước.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của Niềm Tin, ban cho chúng ta được can đảm sống Niềm Tin của chúng ta trong đời sống hằng ngày; nhờ việc tuyên xưng và sống Niềm Tin đó, sẽ thánh hóa chúng ta và giúp chúng ta chu toàn sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người như Chúa đã truyền dạy.

 

24. Ngày sinh nhật của Giáo Hội

(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)

Ai là con người cũng có ngày mở mắt chào đời, ngày sinh nhật. Ngày đó được ghi lại trên tấm giấy khai sinh.

Hội đoàn tổ chức đời đạo nào trong xã hội cũng có ngày khai sinh thành lập. Ngày đó được ghi chép trên giấy tờ tài liệu lưu giữ của Hội đoàn tổ chức như bằng chứng.

Người Mẹ Giáo Hội Công giáo cũng có ngày sinh nhật, ngày khai sinh thành lập. Nhưng ngày này của Giáo Hội Công giáo lại không có ghi lại trên giấy tờ khai sinh hay chứng từ sổ sách ghi lại bằng chữ viết, bằng con số.

Như thế, làm sao có thể nói đến ngày sinh nhật của Giáo Hội công giáo được?

1. Tờ giấy khai sinh

Khi một em bé lọt lòng mẹ mở mắt chào đời, bệnh viện nơi em sinh ra ghi lại trên giấy tờ ngày giờ năm tháng, nơi chốn em sinh ra. Căn cứ vào chứng thư đó, sở hộ tịch làm giấy khai sinh trong sổ bộ đời sống xã hội cho em bé.

Không phải tờ giấy đó làm ra em. Nhưng sống trong cộng đồng xã hộị, em cần tờ giấy khai sinh đó. Tờ giấy khai sinh này gắn liền với đời sống em. Nó là tờ giấy căn bản hộ thân cho em, để sau này làm những giấy tờ cần thiết khác trong suốt đời sống.

Không chỉ khi làm những giấy tờ cần thiết khác ở ngoài công sở xã hội, mới cần đến giấy khai sinh. Nhưng cả khi cha mẹ em bé xin cho con mình nhận lãnh Bí tích Rửa tội gia nhập Giáo Hội Chúa Giêsu, ít là bên Giáo Hội nước Đức, cũng phải cần có kèm theo giấy khai sinh của em bé.

Tên em, ngày tháng năm sinh, nơi chốn quê quán em sinh ra là những dữ kiện quan trọng liên quan đến bản thân đời sống. Tờ giấy khai sinh giúp em giữ lại những dữ kiện đó, giữ lại chút kỉ niệm đầu đời ngày em bắt đầu đời sống trên trần gian.

Còn trong niềm tin đạo giáo có giấy tờ khai sinh không?

2. Dấu ấn giấy khai sinh

Dấu ấn Bí tích phép Rửa tội ghi khắc trong tâm hồn người được rửa tội là tờ khai sinh gia nhập đạo Công giáo. Nhưng để lưu trữ ghi nhớ sau này khi cần tra cứu, nơi nhà xứ nào cũng có sổ Rửa tội. Trong cuốn sổ đó, lần nữa ngày tháng năm sinh, nơi sinh cùng tên cha mẹ của em bé, ngày tháng năm rửa tội được ghi lại.

Nhiều người vì hoàn cảnh di chuyển, di cư nơi này sang nơi khác, mất hết giấy tờ, không còn nhớ dữ kiện ngày tháng bản thân của mình nữa. Lần tìm về nơi ngày xưa đã sinh ra, đã được Rửa tội, họ tìm lại thấy những dữ kiện đó.

Trong đạo Công giáo, khi xin cử hành bí tích hôn phối lập gia đình, người ta truy tìm lại sổ rửa tội, để biết xem có đúng là người Công giáo đã được rửa tội chưa, đã có chịu Bí tích hôn phối lập gia đình lần nào chưa. Vì sau hôn phối, có báo lại ghi thêm vào sổ đó: Đã chịu Bí tích Hôn phối.

Những người được chịu chức Thánh trong Giáo Hội, những ai khấn Dòng, những vị thẩm quyền trong Giáo Hội cũng lần dở tìm lại sổ Rửa tội để truy tìm nguồn gốc. Và sau khi người đó lãnh Chức Thánh hay Khấn Dòng báo ghi thêm vào sổ đó: đã chịu chức Thánh hay đã khấn Dòng.

Cuốn sổ Rửa tội trong Giáo Hội là giấy chứng minh để có thể tiếp tục tiếp nhận lãnh những Bí tích khác. Như thế sổ Rửa tội có khác gì giấy khai sinh đâu.

Sổ Rửa tội, một lọai giấy khai sinh trong đạo Công giáo, không chỉ cho nhu cầu đó. Nó còn là một chứng tích lịch sử nữa.

Một ai đó được Giáo Hội phong lên làm bậc Thánh, người ta truy tìm đền cuốn sổ Rửa tội nơi ngày xưa vị đó đã được Rửa tội. Lúc đó cuốn sổ Rửa tội nơi đó có tên vị đó trở nên thời danh, một chứng tích lịch sử.

Cuốn sổ Rửa tội ghi tên cùng ngày tháng Rửa tội của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Joseph Ratzinger ở nhà xứ Marktl am Inn trở nên thời danh như một chứng tích lịch sử cho việc tra cứu.

Giáo Hội Công giáo của Chúa có gì giấy tờ gì chứng nhận như giấy khai sinh không?

3. Ngày sinh nhật của Giáo Hội

Giáo Hội Công giáo có ngày khai sinh khởi đầu. Nhưng ngày khởi đầu, ngày sinh nhật đó không có giấy tờ khai sinh cùng sổ sách ghi lưu lại.

Không có giấy khai sinh. Không có cuốn sổ Rửa tội. Nhưng Giáo Hội có sách Kinh Thánh ghi chép lại ngày giờ khai sinh của mình. Thánh sử Luca đã thuật lại ghi lại trong Sách Tông đồ công vụ chương hai, từ câu 1-11.

Căn cứ vào Thánh Kinh, đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. đã diễn tả về ngày sinh nhật của Giáo Hội Chúa Giêsu:

Thánh sử Luca, người đã soạn viết công trình Kinh Thánh với những suy tư rất thận trọng. Ông trình bày quy dẫn hướng trở lại về sự nhập thể làm người của Chúa Giês. Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên địa cầu mọi người cũng đón nhận Chúa Giêsu nữa. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống đổi mới, và Giáo Hội "thân thể của Chúa Giêsu" khai sinh chào đời trong dòng thời gian lịch sử.

Điều này xảy đến qua những dấu hiệu làn gío thổi đến và ngọn lửa bùng sáng lên, nhất là qua dấu hiệu của sự lạ lùng phép lạ ngôn ngữ. Trong điều kiện đó, Giáo Hội đã loan truyền và được loan truyền đi khắp nơi, cùng được chấp nhận bằng những ngôn ngữ khác nhau. Điều này trái ngược với lịch sử xây tháp Babel ngày xưa.

Điều khác nữa, một cộng đoàn xã hội mới nảy sinh, mà Thiên Chúa qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, qua ngọn lửa của Thiên Chúa, đã xây dựng nên từ trong tận trái tim tâm hồn con người.

... Nếu Thánh Thần Thiên Chúa được trình bày vẽ như hình một cái lưỡi, như ngọn lửa, điều này nói lên Ngài ngự xuống trên mỗi người cách cá nhân riêng biệt. Đây là những hình ảnh căn bản diễn tả cho chúng ta hiểu, sự cư ngụ ở lại, điều mầu nhiệm bí ẩn của Thánh Thần Thiên Chúa, sự khai sinh chào đời của Giáo Hội. Và cùng với sự lạ lùng phép lạ ngôn ngữ cũng nói lên tích cách công giáo phổ quát của Giáo Hội. (Papst Benedickt, Gott und die Welt, ein Gespräch mit Peter Seewald, Von der Kirche, Knaur Verlag, April 2005, S. 376.)

Như thế, Giáo Hội Công giáo của Chúa không phải là sản phẩm của một ai, hay của một trào lưu xu hướng thời đại nào, cùng không giới hạn trong một quãng thời gian nào. Nhưng do chính Chúa qua ân đức sức mạnh Chúa Thánh Thần thiết lập nên, cùng luôn đổi mới trong dòng lịch sử thời gian trên từ hơn hai nghìn năm qua, và còn kéo dài trong tương lai tiếp nữa.

Nếu hiểu Giáo Hội của Chúa như một “Bí tích” của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, thì cơ cấu của Giáo Hội không chỉ là mặt tiền bên ngoài và như hàng thứ yếu. Nhưng là dấu chỉ ẩn chứa trình bày một nội dung thần học về hiệp thông trong đức tin, cùng về sự hợp nhất nên một.

"Những lời sỉ nhục bỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy", như lời kinh đọc trong kinh đền tạ trái tim cực Thánh Đức Chúa Giêsu, là lời xét mình, ăn năn tạ lỗi, cùng nhắc nhở hãy có lòng yêu mến kính trọng Giáo Hội của Chúa. Đừng lạm dụng ngôn ngữ, nhân danh tự do mà coi khinh thường vô phép với Giáo Hội của Chúa, công trình của Chúa Thánh Thần.

Hàng giáo phẩm trong Giáo Hội của Chúa như Bí tích ở trần gian, là những người được Chúa tuyển chọn trao ban cho trách nhiệm gìn giữ cai quản Giáo Hội của Người. Phải, họ là những con người với những giới hạn yếu hèn, do Chúa dựng nên. Họ không phải, hay chưa là thánh. Nhưng họ có bổn phận cùng với mọi người trong Giáo Hội sống trở nên thánh thiện tốt lành như ý Chúa muốn.

Chúa Thánh Thần, Đấng khai sinh cùng nuôi dưỡng Giáo hội Chúa, hằng luôn đổi mới làm tươi trẻ trong dòng lịch sử thời gian công trình Ngài đã lập sáng tạo nên bằng bảy ân đức căn bản cho đời sống: Khôn ngoan, lo liệu, sức mạnh, thông hiểu, suy biết, đạo đức và kính sợ Chúa.

 

25. Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống

Trong phụng vụ của Giáo hội và trong các việc đạo đức hàng ngày, chúng ta thường nghe nhắc tới Chúa Thánh Thần rất nhiều. Khi làm dấu thánh giá, khi bắt đầu một việc đạo đức, khi cử hành các bí tích, chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần. Đặc biệt khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức là chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vậy Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong đời sống Giáo hội và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta?

Khi học giáo lý chúng ta biết được Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, cùng một bản tính và một quyền năng như Hai Ngôi cực trọng ấy. Điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã có từ thuở đời đời. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Chúa Thánh Thần đã có mặt trong công trình sáng tạo. Sách sáng thế nói "Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước" (St 1,1-2). Như vậy ngay từ giây phút đầu tiên Thánh Thần Thiên Chúa đã có mặt để thực hiện việc sáng tạo nên vũ trụ và con người.

Rồi trong thời Tân ước, cũng chính Thánh Thần đó đã có mặt ngay từ lúc Ngôi Hai nhập thể làm người cho đến ngày Giáo hội được khai sinh. Và Ngài tiếp tục hoạt động trong Giáo hội và trong tâm hồn của mỗi người chúng ta cho đến tận thế.

Nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu được phần nào về con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Mặc dù đã theo Thầy bao năm, nhưng nhiều lần Phúc Âm ghi lại, các tông đồ đã không hiểu những lời nói và việc làm của Thầy. Chẳng hạn, trước khi bước bước vào cuộc Thương khó, Chúa Giêsu đã 3 lần tiên báo "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết chết Người nhưng ngày thứ 3 Người sẽ sống lại nhưng các ông không hiểu điều Người muốn nói". Cho nên Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ, tự sức các ông sẽ không thể hiểu nổi nhưng phải đợi "Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói cho các con" (Ga 14,26).

Trong ngày Lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy đã làm biến đổi toàn bộ cuộc sống các ông. Từ những con người nhát đảm, sợ sệt giờ đây các ông công khai rao giảng về một Đức Giêsu đã bị giết chết và đã sống lại. Từ những con người ít học, không biết ăn nói giờ đây lại nói năng đầy thuyết phục và khôn ngoan. Phêrô, một người ngư phủ, học hành không bao nhiêu vậy mà sau bài giảng đầu tiên của ông lại có hơn 3000 người xin chịu phép rửa. Người ta nghĩ rằng những con người tầm thường đó sẽ không làm nên trò trống gì, vậy mà các ông đã làm thay đổi thế giới. Rồi xuyên suốt hơn 2000 năm qua, Giáo hội Chúa đã trải qua biết bao chống đối bách hại thế nhưng con thuyền Giáo hội vẫn đứng vững. Tất cả đều do và nhờ Chúa Thánh Thần.

Ngày hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trong lòng Giáo hội và trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Sở dĩ chúng ta có thể tin Chúa, yêu mến Chúa là nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô nói "không ai có thể gọi Đức Giêsu là Chúa mà không do tác động của Thánh Thần". Khi chúng ta phạm tội, Chúa Thánh Thần thúc giục lương tâm để chúng ta hoán cải để trở về với Chúa qua bí tích giải tội. Chính sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, biết bao người đã quảng đại hy sinh cuộc đời mình để phục vụ những người nghèo, những kẻ cô thế cô thân, các bậc cha mẹ chu toàn bổn phận săn sóc và làm gương cho con cái, các bạn trẻ can đảm chống lại những cám dỗ trong cuộc sống. Và nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể yêu thương và tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Bởi vì hoa trái của Thánh Thần đó là yêu thương, bình an, hiền hoà, quảng đại.

Cuộc sống hôm nay có quá nhiều tác động bởi những bon chen, tranh giành bởi hơn thua, còn mất. Những tác động đó có thể làm cho chúng ta không còn nghe được tiếng Chúa, trở nên vô cảm trước những đau khổ của đồng loại mình. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Bởi Ngài sẽ dạy chúng ta cầu nguyện, Ngài sẽ dạy chúng ta biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa. Và Ngài sẽ phù trợ để chúng ta kiên nhẫn trong lúc đau khổ và vui mừng trong các việc lành phúc đức.

Dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn của mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn biết sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Biết kêu cầu Chúa Thánh Thần trong mọi công việc, nhờ đó chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa phục sinh bằng một cuộc sống đầy hy vọng, yêu thương và phục vụ anh chị em mình.

 

home Mục lục Lưu trữ